Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Một vòng quanh rạp ciné Saigon pre 1975

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tiền lì- xì Tết được bao nhiêu là tôi cúng hết cho mấy ông chủ rạp hát bóng và mấy cha bầu cua cá cọp ráo trơn. Thú thật là tôi mê ciné từ lâu lắm rồi, khoảng một ngàn chín trăm…hồi đó. Mấy công thức toán học, vật lý thì tôi ù ù cạc cạc chứ còn phim ảnh thì tôi rành 6 câu. Phim gì? Hãng nào? Ai đóng? Ai đạo diễn sản xuất? là tôi thuộc vanh vách. Thậm chí đến cả ngày giờ sanh của tài tử điện ảnh tôi cũng nằm lòng luôn mặc dù đôi lúc tôi quên sinh nhật của ba má tôi và của cả …chính tôi nữa. Mấy tấm vách ở nhà tôi dán đầy những posters của Gary Cooper, John Wayne, Burt Lancaster, Robert Mitchum, Kirk Douglas…, Ava Gardner, Yvonne de Carlo, Susan Hayward, Jane Russell, Rita Hayworth…

Thỉnh thoảng tôi "dợt le" với đám con nít lối xóm:

- Liz Taylor mới ly dị với Mike Todd.
- Nathalie Wood vừa làm đám cưới với Robert Wagner
- Tuần rồi, James Dean bị tử nạn xe hơi.
- Phim Quo Vadis tổn phí tới 5 triệu mỹ kim

Nghe tôi thuyết trình, tụi nhỏ chỉ có há mồm trố mắt thán phục. Tụi nó cứ tưởng như tôi vừa đi Mỹ…tho mới về. (mà thực sự tôi là người Mỹ…tho chứ bộ) Dần dà, tôi được coi như là kim chỉ nam "hát bóng" của cả xóm. Hể có tranh cải nhau về điện ảnh là mọi người kéo đến gặp tôi để nhờ phân xử. Lẽ dĩ nhiên tôi tuyên bố vung vít (nghề của chàng mà lị), còn nếu có chỗ nào bí, tôi tự động phịa luôn thì cũng chẳng chết thằng Tây nào và cũng chẳng ma nào mà biết được. Tụi nhỏ có lúc mượn tên tôi để bảo đảm cho câu chuyện của chúng: "Anh Lộc, anh ấy nói dzậy đó". Giá mà có cuộc thi kiến thức điện ảnh lúc bấy giờ thì… "chưa chắc thằng này hơn thằng nào đó nghe".
Ấy chết, từ nãy giờ tôi đã đi lạc đề hơi xa, xin mời các bạn trở lại câu chuyện đầu năm rạp hát. Hôm nay nhân ngày Xuân nơi xứ lạnh quê người, chúng ta hồi tưởng lại "nước thanh bình 30 năm cũ" vào khoảng thập niên 5, 60, lúc mà lũ con cháu Hồ tặc chưa lê "đôi dép râu dẩm nát đời son trẻ" vào thủ đô Saigon để chúng ta cùng du xuân một vòng quanh các rạp của hòn ngọc Viễn Đông. Cũng xin thưa trước cùng các bạn là những sự việc được ghi ra đây theo trí nhớ có hơi hẹp bề khổ của tôi nên nếu có gì sai sót thì xin các bạn đánh cho hai chữ đại xá. Thiện tai! Thiện tai!

Saigon thân yêu của chúng ta lúc bấy giờ có 2 hệ thống rạp trình chiếu khác nhau.

1- Rạp thường lệ: có giờ xuất hẳn hoi giống như các rạp ở Canada.
2- Rạp thường trực: chiếu liên tu bất tận, ai vô ra bất cứ lúc nào cũng được

Rạp thường trực có cái dở là có khi ta vừa vào rạp thì thấy thằng kép chính bị bắn gục rồi một lúc sau lại thấy nó hung hăng đấm đá tưng bừng thì thật là mất sướng. Nhưng nó có ưu điểm là khán giả không phải sắp hàng chờ đợi giờ, xuất lôi thôi.

Để bắt đầu cho chuyến du xuân tưởng tượng, mời các bạn đi từ Chợ Lớn trước nhé.

Rạp hát đầu tiên chúng ta ghé thăm là rạp Hồng Liên ở đường Minh Phụng (dưới dốc cầu Bình Tiên). Rạp này chuyên chiếu phim Tàu chuyển âm tiếng Việt và đặc biệt là con nít ở đâu mà tàu chở hổng hết. Lớp khóc đòi bú, lớp khóc vì nóng nực, lại có đám la hét cười giởn om sòm khiến ta có cảm tưởng đi lạc vào nhà trẻ. Thôi thì phải "dĩ đào vi thượng" để tới rạp Victory Lê Ngọc ở đường Tổng Đốc Phương (góc Nguyễn Trải). Rạp này cũng thường chiếu phim Tàu (ngay trung tâm China town mà lị) nhưng được cái tương đối sạch sẽ và có chút trật tự.

Quẹo xuống đường Đồng Khánh về hướng Saigon có một lô rạp Lido, Oscar, Hào Huê cũng thuộc loại khá. Vì ở lằn ranh giới giữa Saigon Chợ Lớn nên những rạp này chiếu phim Tây Tàu lẫn lộn.

Rẽ qua Xóm Củi có rạp Huỳnh Long thuộc loại bình dân học vụ. Tuy nhiên tôi thích nhất cái màn xe ngựa uýnh trống tùng xình quảng cáo, 2 bên thành xe gắn 2 tấm paneau bành ky vẽ những cảnh action của phim đang trình chiếu. Xe chạy khắp phố phường, ngựa phi nhịp nhàng theo tiếng trống trong khi đám con nít rượt theo 2 bên xe hò hét vang trời để xin cho được tờ giò-ram (programme) đủ màu xanh đỏ trắng vàng.

Đến vùng chợ Thái Bình thì có 3 rạp:

- Quốc Thanh ở đường Nguyễn Trải, bên hông Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Rạp khá khang trang, sau trở thành sân khấu cải lương mà đoàn Dạ Lý Hương đóng đô thường trực.
- Rạp Khải Hoàn ngay góc Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão thường chiếu phim Tây. Coi được nhưng kẹt cái thiếu máy lạnh nên ai vào xem cũng cứ muốn "yêu nhau cởi áo cho nhau" hết.
- Trên đường Phạm Ngũ Lão cạnh chợ Thái Bình có rạp Thanh Bình sau này sửa sang lại thật lịch sự thì… giặc đến.
- Rẽ ra đường Trần hưng Đạo có rạp Đại Nam của ông Ưng Thi nổi tiếng sang trọng. Vào coi rạp này thì nên ăn mặc cho đàng hoàng một chút. Chứ áo thun quần cụt, còn chơi thêm đôi dép Nhật lủng la lủng lẳng như "Phánh ký Hủ tiếu" thì người ta cười…cha mẹ mình.

Đầu đường Nguyễn Thái Học (ngã ba Phạm ngũ Lão) đỗ xuống tận Cầu Ông Lảnh là nơi tọa lạc 2 rạp: Đình Tân Kiểng và Nam Tiến, dành cho những khán giả dể tính, sau này chỉ để cho các đoàn cải lương, hát bộ, hồ quảng. Xuống ngay downtown Saigon có rạp Vĩnh Lợi ở đường Lê Lợi gần bệnh viện đô thành. Vào xem phim ở đây có cái tiện lợi là nếu "thả dê" bậy bạ lỡ bị ăn guốc "phun máu đầu" thì chỉ cần mấy bước là tới nhà thương ngay. Rạp thuộc loại trung bình. Coi phim xong rồi tạt vô quán Thanh Bạch đá một dĩa cơm rang "bổn tiệm" hay một ổ bánh mì gà thì thiệt là mát trời ông địa

Xích lại đường Nguyễn Huệ, các bạn sẽ thấy ngay rạp Rex, rạp hát đầu tiên có thang cuốn (escalator) cũng của ông Ưng Thi (Đại Nam). Đây là rạp de luxe nhất của thủ đô. Khán giả rất thanh lịch, ai lạng quạng thì ngài đô trưởng ở kế bên sẽ bước qua hỏi thăm sức khỏe liền. Giá vé mắc hơn các rạp khác nhưng money's worth. Nghe tụi bạn nói trong ngày khai trương (chiếu phim Ben Hur với Charton Heston), có một người đẹp nọ đi thang cuốn lúc lên gần tới tầng lầu không hiểu quýnh quáng thế nào mà để cái thang "mắc dịch" nó cuốn luôn cái quần, chỉ còn độc cái quần lót nhỏ xíu. Thế là nhiều khán giả may mắn hôm đó được no con mắt với màn striptease 50%. Tôi chắc kiếp trước vụng đường tu nên không có diểm phúc địa được hình ảnh "kêu gọi" này. Mà thèm thì nói vậy chứ nếu tôi có mặt ở đó trong giờ phút nghiêm trọng như vậy thì chắc bị tẩu hỏa nhập ma đến chết mất thôi.

Đối điện rạp Rex là rạp Eden mà cho tới bây giờ nhắc đến là tôi vẫn còn "Ô Mê ly đời ta". Số là trên lầu 3 của rạp này có chia từng ô riêng rẻ, rất ư là riêng biệt kín đáo để "bàn tay đưa anh vào cuộc đời" và "bú mồm" thả giàn. (danh từ bú mồm là do các đồng chí ta sáng tạo) Kế tiếp, ta đi trên con đường Tự Do xuống tận bến Bạch Đằng để vào xem phim ở rạp Majestic mà tây đầm coi cũng rất nhiều.

Tưởng cũng nói thêm là hầu hết các phim chiếu tại Saigon lúc bấy giờ đều nói tiếng Pháp hoặc chuyển âm tiếng Pháp, phụ đề Việt ngữ. Phim nói tiếng Anh thì chỉ Xuân Thu nhị kỳ. Có lẽ các hảng phim nghĩ rằng Việt Nam là cựu thuộc địa của Pháp nên cứ phạng cho cái Francophonie là tiện việc sổ sách. Hướng về chợ cũ, đi ngang qua các hàng bánh mì nổi tiếng để đến đường Tôn thất Đạm, bạn có thể vào xem phim bình dân ở rạp Nam Việt. Rạp nhỏ và nóng nực lắm. Cách đó không xa là rạp Kim Châu trên đường Nguyễn văn Sâm, (góc Hàm Nghi) tương đối còn mới và chiếu phim cũng "xịn" lắm.

Băng qua đường Pasteur gần ngã tư Lê Lợi có rạp Casino Saigon thuộc loại trung bình. Tuy nhiên sau khi xem phim xong, dẫn đào tấp qua bên kia đường làm một dĩa bò bía đính kèm ly nước mía Viễn Đông thì cũng có điểm với em lắm chứ bộ. Đi một đoạn ngắn tới đường Công Lý (cũng góc Lê Lợi) ta thấy rạp Asam mà dân Saigon thường gọi là "Á sẩm". Sau đó có lẽ chủ rạp thấy tên "Á sẩm" mất gốc quá nên đổi lại là Hồng Bàng cho nó đúng điệu Giao chỉ. Ném về phương diện phim ảnh và cơ sở thì rạp này "ngang cơ" với Casino Saigon. Còn về tiết mục phụ diễn ăn uống, nếu Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì Hồng Bàng có tuyệt chiêu suông Thanh Thế rất nổi tiếng trong giới có tâm hồn ăn uống.

Nếu muốn thưởng thức văn hóa cari, mời bạn bước chân tới rạp Long Phụng ở đường Gia Long, nơi chuyên chiếu phim của hậu duệ ông Gandhi như Công Chúa Thủy Tề, Sữa Rừng Thay Sữa Mẹ với các than hầm minh tinh: Ganeshan, Savitri…

Để xem nữ sinh Saigon hấp dẫn cở nào, mời các bạn đến rạp Lê Lợi đường Lê thánh Tôn. Ở đó bạn sẽ thấy rất nhiều nữ sinh với chiếc áo dài hoa xuân thướt tha, thân liễu dịu dàng trông bắt con mắt lắm. Chính vì thế mà dê thả vào rạp đông nghẹt đến đổi không còn chỗ ngồi. Tội nghiệp nhiều em đứng xem phim mà bỗng cảm thấy như có ai cầm ổ bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn kê sát phía sau mình thì đích thị là nó đó! Các cô phải di tản đi chỗ khác gấp gấp chứ không thì bị ô nhiểm môi trường rán chịu à.

Tôi cá với các bạn vào coi phim ở rạp Long Thuận (ngang ga xe lửa Saigon phía đường Lê Lai) mà dám ngồi ghế đàng hoàng. Tại sao lọa vậy? Thưa vì đó là mật khu của VC, ủa lộn, của rệp. Hổng biết chúng theo con đường nào mà tràn ngập rạp. Từ chân ghế, mặt ghế, thành ghế đến lưng ghế, chỗ nào tụi nó cũng đóng chốt hết. Muốn an toàn thì phải ngồi chồm hổm kiểu cán ngố vào restaurant, mà bố ai ngồi chồm hổm trong suốt 2 tiếng đồng hồ cho nổi. Thôi thì tránh rệp không xấu mặt nào vậy.

Đi dài theo đường Cao Thắng, bạn có thể vào coi rạp Việt Long (ngay ngã ba Trần quý Cáp) cũng thuộc loại khá. Vào đầu thập niên 70, rạp được tân trang và đổi tên là Thăng Long. Tôi còn nhớ (vì chính tôi đi coi chứ ai) phim cuối cùng được chiếu trước khi bọn cướp ngày từ rừng rú về thành là phim "The French Connection" do tài tử Michael Caines đóng vai chính.

Gần cuối đường Cao Thắng (ngã tư Phan thanh Giản xéo chợ 20), có rạp Đại Đồng Saigon rất ư là bình dân, chiếu toàn phim cũ, giá vé chỉ bằng giá một tô phở xe lửa. Nhưng được cái xe bò viên ngay ngay trước rạp thì tuyệt cú mèo. Quẹo qua đường Phan thanh Giản về hướng ngã bảy, nơi tọa lạc rạp Long Vân thuộc loại kha khá. Rạp lúc nào cũng đông khán giả, chắc nhờ ở ngay trung tâm nhân mãn của Saigon: cư xá Bàn Cờ, cư xá Đô Thành, chung cư Minh Mạng... Phía bên kia ngã bảy, đường Vĩnh Viễn là rạp Thành Chung (Vườn Lài) mà khán giả vào xem có cái "thú đau thương" là nếu trời nóng thì tắm hơi, còn trời mưa thì tắm nước từ nóc rạp dột xuống.

Chiều mồng một Tết, ta kéo vài người bạn cùng tới đường Hồng Thập Tự (ngang tiệm bàn ghế Phan văn Nhị) để đón xuân bằng tô cháo vịt nóng hổi thơm lừng hành hương nước mắm gừng đậm đà rồi đưa cay một ly nước mắt quê hương. Sau đó ta băng qua đường vô rạp Olympic xem phim "Le mirage de la vie" do Sandra Dee đóng thì thấy đời còn dễ thương lắm chứ. Rạp Olympic sau đó được đoàn Kim Chung từ Aristo, đường Lê Lai, tới bao rạp làm sân khấu thường trực.

Rời đường Hồng Thập Tự, bạn thừa thắng xông lên tới rạp Kinh Đô đường Lê văn Duyệt (ngã ba Huyền Trân công chúa) ngang Tổng Liên Đoàn Lao Công của bố già Trần quốc Bửu. Có lẽ mang tên là Kinh Đô nên rạp rất sạch sẽ thanh lịch. Tiếc là rạp chỉ hoạt động có 4, 5 năm gì đó rồi đi chỗ khác chơi nhường địa điểm lại cho cơ quan USAID của Mỹ.

Bây giờ mời bạn đàng trước - bước - tới ngã tư Trần quý Cáp, Lê văn Duyệt để vào xem rạp Nam Quang (chợ Đủi) thuộc loại Bình dân học vụ. Cũng nằm trên đường Lê văn Duyệt, qua khỏi trung tâm nghỉ mát dài hạn Chí Hòa có rạp Thanh Vân, cũng đại loại như rạp Nam Quang. Có điều cần lưu ý các bạn là các rạp này có nhiều Bê-Đê lắm đó. Đang ngồi xem phim mà bạn bỗng "giác ngộ" là có bàn tay năm ngón của thằng ngồi bên cạnh vượt biên vào vùng cấm địa của bạn để bấm nốt nhạc thì chính nó đó. Nó định biểu diễn altosax đó. Bạn chỉ còn có đi chỗ khác xem cho khỏi ngất ngư con tàu đi. Đi một chút tới đường Thoại Ngọc Hầu, rẽ vô chợ Ông Tạ bạn sẽ gặp ngay rạp Đại Lợi chiếu đủ thứ phim Âu Á. Sau ngày đứt phim 30-4, bọn VC xử dụng rạp Đại Lợi (cũng như nhiều cơ sở khác) làm nhà tù. Quẹo xuống đường Trương Minh Giảng có rạp Văn Lang không gì đặc biệt.

Và bây giờ mời bạn ghé vào Đakao để xem rạp Casino Đakao (ngã ba ba Hiền Vương - Đinh tiên Hoàng). Rạp này chung một chain với rạp Casino Saigon nhưng kém thanh lịch, sạch sẻ hơn. Tuy nhiên bạn có thể tự yên ủi bằng tô mì Cây Nhãn danh tiếng gần bên rạp. Đi trên đường Hai Bà Trưng qua khỏi Cầu Kiệu tới chợ Phú Nhuận bạn sẽ gặp rạp Văn Cầm Phú Nhuận chung một chủ với rạp Văn Cầm Chợ Quán (Nguyễn Biểu- Bến Hàm Tử) Theo tôi đây là rạp nhỏ nhất Saigon và giá vé rẽ nhất. Tiền nào của nấy đó các bạn ạ. Nếu không muốn vào xem rạp Văn Cầm thì mời bạn quay trở về Tân Định để tới rạp Kinh Thành bên hông chợ Tân Định. Rạp này rất xưa nên dưới mức trung bình trên mọi phương điện.

Cách đó không xa, trên đường Trần Quang Khải có rạp Văn Hoa. Đây là rạp mới nhất của thủ đô Saigon nên màn ảnh, âm thanh tuyệt hảo, ambiance lại rất khang trang lịch sự, chiếu toàn phim mới. Sau đó, ta cùng hướng về Gia Định qua đường Bạch Đằng (bên hông chợ Bà Chiểu) có rạp Cao đồng Hưng, còn đường Nguyễn văn Học (ngã tư Bình Hòa) có rạp Đại Đồng Gia Định. Cả hai rạp dưới xa mức trung bình, nạn đứt phim rất thường xãy ra. Có điều là cạnh rạp Đại Đồng có quán cơm tấm bì ăn cũng phê lắm. Giờ thì bạn hãy đi dọc theo đường Lê quang Định (Gia Định) để đến trạm cuối của cuộc du xuân là rạp Lạc Xuân nằm trên đường Gia Long (cạnh chợ Gò Vấp). Rạp chiếu toàn phim cũ và cái projecteur chắc của Tây để lại nên phim cứ sọc rằn làm nhức mắt người xem.

Thưa các bạn, sau khi đi một vòng các rạp chiếu bóng Saigon, các bạn có thấy bồi hồi nhớ thương quê hương thân yêu của chúng ta hay không? Chắc hẳn là có vì không ai trong chúng ta không giữ trong tâm tư những hình ảnh, những kỉ niệm êm đềm của một thời hoa mộng. Có thể đó là một buổi tối đi bên người yêu giữa trời lất phất mưa dưới hàng me lá xanh rơi nhè nhẹ trên mái tóc em. Hay có thể cũng là một ngày về thăm quê Ngoại, ăn bửa cơm tép kho canh rau dền trong mái tranh nghèo bàng bạc khói lam chiều, bên dòng sông nước lững lờ đẩy đưa đám lục bình tim tím trôi giạt đến một phương trời vô định.
Nhưng cảm động nhất có lẽ là chuyến tháp tùng đoàn học sinh ngày đầu xuân đi thăm tiền đồn Dakto, Ben-Het. Đến thăm để mà cảm thương cho cuộc đời chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa nơi rừng núi âm u, áo bạc màu chiến trận, thân dãi dầu phong sương, tay ghì chặt súng để sẳn sàng chiêán đấu. Tất cả đã bỏ lại thành phố những người thân yêu mòn mỏi đợi chờ, những cuộc vui tuổi trẻ, những ước vọng thanh xuân.

Đối với lính, Xuân chỉ là:

"Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền"
(Phiên Gác Đêm Xuân, Nguyễn văn Đông)

hoặc:

"Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, Anh đâu biết Xuân về hay chưa?"
(Đồn Vắng Chiều Xuân, - Trần Thiện Thanh)

hay chua xót hơn:

"Quà Xuân anh chẳng có, gác giặc từng giờ,
Đời lính chiến lấy gì về tặng em"
(Phút Giao Mùa, Trần Thiện Thanh)

Trở lại chuyện coi phim Tết, ta không thể không nói đến bói tuồng đầu năm, một tập tục rất thú vị của dân tộc. Này nhé! bạn đừng xem trước quảng cáo phim mà cứ đi thẳng tới một rạp nào đó rồi xem phim mà đoán vận mạng trong năm. Nếu gặp phim cao bồi đấm đá chẳng hạn như Gunfight at the O.K.Corral thì bảo đảm trong năm có chuyện thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Còn nếu xem nhằm phim bài bạc như Casino thì quanh năm sẽ ngồi sòng hơi nhiều. Nếu coi trúng phim travel như "Around the world in 80 days" thì cứ chuẩn bị mà đi du lịch. Nếu không đi Mỹ…tho thì cũng đi Tây… ninh hoặc Đức… hòa vậy, Còn như ai mà lỡ coi phải phim cấm trẻ em như Nam Nữ Y Học Bửu Giám "thì cầm chắc là phải tới nhà thuốc Võ văn Vân mua một lô 'Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn" nếu là quý ông, còn quý Bà thì sao? Mắc cở gì mà hổng chịu xài "Dưỡng thai nhành mai" cho fetus nó được nhờ.

Cũng trong mục bói tuồng đầu năm, có một điều mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc là hồi Tết Ất Mão (1975), không hiểu có rạp nào chiếu phim "Chúng tôi muốn sống" (Lê Quỳnh, Mai Trâm, Thu Trang…) hay "Ánh sáng miền Nam (Lê Quỳnh, Khánh Ngọc) hay không và đa số đồng bào ta có xem không mà suốt năm phe ta ùn ùn xuống tàu, xuống ghe, xuống bè, xuống cả cần xé để vượt biên quá chừng chừng. Dĩ nhiên trong số những người "chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa" có cả bần bút nên mới có được ngày hôm nay ngồi viết lếu láo góp vui cùng các bạn trong ngày đầu Xuân Kỉ Mẹo và nhất là để chúng ta cùng hoài niệm về một "Saigon đẹp lắm! Saigon ơi! Saigon ơi!"

Nguyên Trần





Image
http://www.megaupload.com/?d=NHSJKJO8
RẠP XI-NÊ Ở SAIGON TRƯỚC 1975

Sau đây là danh sách các rạp xi-nê Sài Gòn trước 1975 được sắp theo thứ tự abc. Hiện tại, một số lớn các rạp hoặc không còn tồn tại hoặc đã ngưng hoạt động. Danh sách này tương đối đầy đủ, nếu còn thiếu sót, xin các thân hữu vui lòng góp ý và gửi e-mail cho tôi:

trandangchi@gmail.com

Kỷ niệm cá nhân của tôi với các rạp xi-nê thì rất nhiều. Các bạn nào đã xem qua phim "Cinema Paradiso" (1988) hẳn phải biết tâm trạng của những đứa bé mê xi-nê như thế nào.

Alhambra - Nguyễn Cư Trinh.

Alliance Française - Đồn Đất. Rạp của Trung Tâm Văn Hóa Pháp chiếu toàn phim Pháp không có phụ đề Việt ngữ, hiếm khi thấy người Việt đi xem. Mặc dù mấy ông Tây rất ghét Mỹ, điều đó ai cũng biết, nhưng đôi khi có chiếu phim Mỹ. Tôi xem được một phim xưa do Humphrey Bogart đóng và phim "Easy Rider" (1969) ở rạp này.

Aristo - Lê Lai. Sau 1954 đây là nơi trình diễn thường trực của đoàn cải lương Kim Chung di cư từ miền bắc vào nam, đoàn có thêm tên phụ là Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô. Tài tử chính là nừ nghệ sĩ Kim Chung.

Asam - Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao. Rạp này đã dẹp quá lâu rồi, ít ra là vào khoảng từ giữa đến cuối thập niên 50. Rạp không còn vết tích gì nên tôi không còn nhớ, khi bạn bè nhắc lại tôi cũng không hình dung ra sao. Chỉ đến khi nhớ lại phim "Le Retour de Jack Slade" (1955) mà tôi đã xem ở rạp này mới nhớ ra là rạp nằm trong một hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng gần góc đường Phan Thanh Giản. Gần đó có tiệm mì Cây Nhản nổi tiếng một thời, về sau nghe nói tiệm mì này dời về ngả tư hay ngả năm Bình Hòa gì đó.

Cẩm Vân - Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Có những rạp mà dân coi xi-nê làm như không có duyên hội ngộ nên chẳng bao giờ có dịp bước chân vào. Đối với tôi, mặc dù rạp này cách rạp Văn Cầm Phú Nhuận không bao xa nhưng tôi chưa bao giờ đến xem ở đây. Điều này chứng tỏ rạp Cẩm Vân đã không chiếu phim đúng với sở thích của tôi.

Rạp Cao Đồng Hưng ngày nay là một nhà sách.

Casino Đa Kao - Đinh Tiên Hoàng. Rạp tương đối khang trang, phim khá chọn lọc, giá cả nhẹ nhàng, địa điểm rất thuận tiện nằm gần Cầu Bông. "Major Dundee" (1965), "The Great Race" (1965).

Casino Sài Gòn - Pasteur. Tên mới là Vinh Quang. Năm lên 10 tuổi, tôi được bác của tôi cho lên Sài Gòn ăn ở để đi học trường Taberd. Ngay hôm đầu tiên, tôi đã được cho đi xem xi-nê ở rạp này vì bác tôi có giấy mời coi thường xuyên bao nhiêu lần cũng được. Và cứ thế, mỗi chiều cuối tuần tôi đều được coi xi-nê khoái tỷ, rạp chiếu phim gì cũng coi tuốt hết. Thời đó, những phim trình chiếu rất chọn lọc nên ít khi gặp phim dỡ. Một kỷ niệm nhớ đời và một bài học quí giá cho tôi là phim "20.000 Dặm Dưới Đảy Biển" (1954). Tuần đó, bác tôi đã cho đi xem một lần nhưng trong nhà còn có người chưa xem nên bác tôi cho cả nhà đi xem một lần nữa. Thế là đến mấy cái màn hay ho tôi tôi đều nói trước làm cho người chưa xem thấy mất hay, nhất là cái màn mấy ông thổ dân bị điện của tàu ngầm giật xẹt lửa tùm lum phải phóng xuống nước. Về nhà, tôi bị chửi cho một trận nên thân. Từ đó trở đi, tôi luôn nhớ không bao giờ tiết lộ cái bất ngờ hoặc đoạn cuối của phim cho người chưa xem. Trong rạp có bán kem eskimo rất ngon nhưng rất đắt tiền. "20000 Leagues under the Sea" (1954), "Drum Beat" (1954), "Touchez Pas Au Grisbi" (1954).

Rạp Casino Sài Gòn ngày nay.

Cathay - Công Lý, Chợ Cũ.

Catinat - Tự Do. Nếu tôi nhớ không lầm, rạp xi-nê tí hon này nằm trong một hành lang từ đường Tự Do xuyên qua đường Nguyễn Huệ về sau chuyển đổi thành phòng trà ca nhạc với nhiều tên: 'Au Chalet', và 'Đêm Màu Hồng', nơi ra mắt của ban 'Phượng Hoàng' thời kỳ trước khi nhập với ca sĩ Elvis Phương.

Cầu Muối - Bến Chương Dương, Khánh Hội.

Cây Gỏ - Minh Phụng, Chợ Lớn.

Diên Hồng - Yersin.

Đại Đồng - Nguyễn Văn Học, Gia Định.

Đại Đồng - Cao Thắng. Một rạp nhỏ chuyên chiếu phim cũ nhưng khá chọn lọc, giá cả thật nhẹ nhàng, địa điểm rất thuận tiện. Càng thuận tiện hơn nữa vì cạnh rạp có một tiệm bò bía rất ngon và rẻ, họ cho rau sống và củ sắn thật nhiều nên tôi thường ghé ăn thế bửa cơm luôn.

Đại Lợi - Thoại Ngọc Hầu, Chợ Ông Tạ.

Đại Nam - Trần Hưng Đạo. Rạp Đại Nam là rạp sang trọng nhất Sài Gòn, những phim mới được chiếu trước tiên ớ đây và một vài rạp khác rồi một thời gian sau mới được đưa đi tỉnh hoặc các rạp nhỏ chuyên chiếu lại. Mỗi phim gồm có nhiều cuộn nên thời đó mấy rạp cùng chiếu chung một phim bằng cách chia lệch giờ khởi chiếu. Mỗi khi chiếu xong một cuộn thì có người xách đi giao cho rạp kế tiếp và ngược lại. Có lần rạp Đại Nam đang chiếu phim "Pillow Talk" (1959) thì anh chàng đi giao cuộn phim đã mãi mê uống nước giải khát hay sao đó mà để mất đi cuộn phim phải giao. Tất cả các rạp cùng chiếu phim đó đành phải ngưng lại và đem phim khác ra chiếu đỡ. Mãi một thời gian sau, không rõ cuộn phim được chuộc lại hay phải mua phim mới Pillow Talk mới được chiếu trở lại. Đến khi rạp Rex ra đời vào năm 1962 thì rạp Đại Nam xuống còn ngôi vị thứ hai. Tôi có ít nhiều kỷ niệm với rạp này. Gia đình bạn học P.T. Sơn nghe nói sở hữu rạp nên bạn bè chúng tôi thường hay dí bạn Sơn để tìm vé mời. Lâu lâu Sơn cũng chiều ý bạn bè và chìa ra vài vé. Tôi được xem phim "Bernardine" (1957) là do vé mời của Sơn tặng. Một kỷ niệm khác là khi mới bắt đầu chơi nhạc cùng với Lê Hựu Hà vào khoàng năm 1965, chúng tôi được dịp trình diễn một lần ở đây. Lúc đó, Hà mới bắt đầu sáng tác và giao cho tôi trình bày bản "Chiều Về" vì phần hòa âm đòi hỏi Hà phải bận độc tấu guitar suốt bài nhạc không tiện hát chính ngoại trừ những đoạn ca bè theo. Vài năm sau, một Đai Hội Nhạc Trẻ được tổ chức ở đây. Vào cái thời tiểu thuyết của nữ văn sĩ Trung Hoa Quỳnh Dao đang hồi cực thịnh và được quay thành phim liên miên trong đó có "Mùa Thu Lá Bay" với đôi tài tử đẹp trai đẹp gái Đặng Quang Vinh và Chân Trân, tôi đã xem phim này ở rạp Đại Nam và được cái hân hạnh đưa một cô gái Tàu thật trẻ đẹp đi xem cùng. Đầu đuôi câu chuyện như sau đây. Đám nhạc sĩ chúng tôi khi đến vũ trường nào chơi nhạc trước sau gì rồi cũng dính với một em ca ve ở đó. Rồi khi nhổ neo sang vũ trường khác thường thì cũng đành ca bài chia tay vui dầy duyên mới. Có nhiều em ca ve hay gọi đùa chúng tôi là mấy thằng cha 'thợ đờn'. Nói vậy chớ mấy em không hận thù gì hết, thời loạn ly mà, vui được ngày nào hay ngày nấy miễn là còn gặp nhau là còn chơi đẹp với nhau. Năm đó, nhạc sĩ Đức Phú mời tôi vào ban nhạc về cộng tác với vũ trường 'La Sirène' nằm trên đường Pasteur đối diện với rạp Casino Sài Gòn. Suốt mấy đêm đầu đứng đàn trên ban nhạc và quan sát thật kỹ lưỡng đội ca ve của vũ trường, tôi hoàn toàn thất vọng. Điệu này đàn ở đây coi bộ mất hứng rồi, không lẽ không còn gì nữa hay sao? Ngay lúc đó, tôi bèn giật mình khám phá ra một cô hầu bàn người Tàu rất trẻ và rất xinh đứng trông chừng mấy cái bàn phía tôi hay đi lên đi xuống. Thế là lần này tôi chuyển hướng sang cô xẩm nhỏ và đưa cô ấy đi xem phim Mùa Thu Lá Bay đang chiếu ở rạp Đại Nam. Được dịp coi phim Tàu mà lại có người đẹp Tàu đi xem cùng và phiên dịch cho mình nghe những điểm hay của phim làm tôi rất thích thú...cho đến khi cô ấy đem chai dầu hiệu 'con sóc' ra xức thì mọi cái gì hay đẹp đối với tôi đều sụp đổ một cái rụp! Vốn cái lổ mũi của tôi trời cho quá thính nên cái mùi gì không hợp là bắt buộc tôi phải tháo chạy. Về sau này, có những lúc nằm chèo queo một mình nhớ lại thấy tiếc. Nhận xét của tôi về nhan sắc của cô gái Tàu rất đúng, một thời gian sau, tôi thấy cô bỏ nghề hầu bàn đi làm ca ve. Chắc chắn là cô ấy cũng nổi tiếng như một vài hoa khôi khác của làng ca ve Sài thành hồi đó và biết đâu cô ấy đã tiến bộ hơn không còn xài dầu con sóc nữa!

Rạp Đại Nam ngày nay.

Đại Quang - Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn. Rạp này hoàn toàn Trung Hoa chẳng có gì là Việt Nam hết vì họ chiếu toàn phim Tàu nên tôi không bao giờ có dịp bước chân vào. Tuy vậy, tôi lại có một kỷ niệm dễ thương với rạp này do rạp nằm ngay cạnh vũ trường Bách Hỷ, nơi tôi chơi nhạc mấy năm cuối cùng trước khi rời khỏi Việt Nam vào hạ tuần tháng 4 năm 1975. Do cảm tình đặc biệt, mỗi tối khi tôi đến Bách Hỷ, một em trai chạy đến đem chiếc xe gắn máy honda cà tàng của tôi đi cất cùng với những chiếc xe của khán giả rạp Đại Quang. Khi vũ trường tan, tôi vừa bước ra khỏi cửa là đã thấy em dắt chiếc xe lại cho tôi. Dù đó là một cử chỉ nhỏ nhặt tầm thường nhưng đối với tôi nó có một cái gì thật là ấm lòng chiến sĩ.

Đồng Nhi - Lê Quang Định, Gia Định.

Eden - Tự Do. Rạp này quá nổi tiếng và đối với tôi cũng nhiều kỷ niệm. Trước nhất, rạp này không nằm ngoài mặt đường mà lại nằm sâu trong một thương xá cũng được gọi là Eden. Đến rạp, khán giả có thể đi vào từ phía đường Tự Do, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ đều được cả. Cái tên rạp tiếng Pháp tự nó cho biết rạp này đã có từ thời Pháp thuộc và kiến trúc bên trong thì đúng y như những rạp bên Pháp được thấy qua các phim xi-nê. Ở Sài Gòn, chỉ duy nhất rạp này mới có hai balcons (tầng lầu). Thông thường, khi xem xi-nê, ngồi balcon 1 là hay nhất vì nhìn xuống vừa tầm mắt không mỏi cổ và không bị cái đầu của người ngồi hàng ghế trước che khuất tầm nhìn. Balcon 2 của rạp Eden thì nhỏ hơn và quá cao nên nhìn sâu xuống muốn cụp cái cổ luôn nên phần đông khán giả chẳng màng để ý đến sự hiện hữu của nó, ngoại trừ dân đào kép Sài Gòn thì chiếu cố rất nhiệt liệt và gọi đó là 'pigeonnier' (chuồng bồ câu). Đi xem xi-nê một mình khi rạp hết chổ phải lên đó thì buồn lắm vì trên ấy đào kép mùi mẩn chẳng cần biết trên màn ảnh chiếu cái gì, nhất là những cặp ngồi ở hàng ghế chót có sau lưng nguyên bức tường thì tha hồ lâm ly chẳng lo có ai nhìn đến trong cái tối mù mù. Ca sĩ Dalida đã trình diễn ở rạp này. Một lần khác, tôi đi xem một ban nhạc jazz của Tây Đức (thời đó còn Tây Đức và Đông Đức). Mấy năm sau đó, cũng tại rạp này, tôi được xem phim "Parlez-Moi d'Amour" (1961) do Dalida đóng. Một kỷ niệm cho các bạn cùng học Taberd với tôi là khoảng đầu thập niên 60, không rõ là do nhã ý của ai, cả lớp chúng tôi và các lớp khác được đưa đến rạp này để xem phim "Les Pilliers du Ciel" (Pillars of the Sky (1956)), một phim cao bồi của Mỹ do Jeff Chandler và Dorothy Malone đóng. Còn về kỷ niệm cá nhân thì mấy năm sau nữa, vào một chiêu cuối tuần, tôi mời cô đào của tôi đi nhảy đầm matiné nhưng cô ấy nói đã lở mua vé xem phim "My Fair Lady" (1964) tại Eden cùng với một cô bạn rồi. Tôi kêu cô đào của tôi bán cái vé lại cho người khác rồi đi chơi với tôi. Thế là buổi hôm đó, cô bạn gái của cô đào của tôi tự nhiên thấy có một người đàn ông lạ hoắc lù lù đến ngồi kế bên. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy buồn cười và nghĩ xa hơn về chuyện đời thì thấy là khi mới quen nhau còn chịu đèn thì mọi việc đều ổn thỏa, đến khi không còn nồng thắm nữa thì cái gì cũng không xong: nào là bận cái này cái nọ, nhức đầu nóng lạnh đủ mọi lý do trên đời!
Hào Huê - Nguyễn Hoàng, Chợ Lớn.

Hoàng Cung - Triệu Quang Phục, Chợ Lớn.

Hồng Liên - Hậu Giang, Chợ Lớn.

Hùng Vương - Pétrus Ký, Sài Gòn.

Hưng Đạo - Nguyễn Cư Trinh. Trong thời kỳ tin tức chiến sự sôi động biến chuyển từng ngày từng giờ của tháng 4 năm 1975, tinh thần của mọi người giao động đến cực độ và linh tính sẽ có chuyện gì lớn lao sắp xảy ra. Tôi cũng như bao nhiêu người khác còn biết làm gì hơn là chờ đợi những gì sẽ đến. Một ngày thượng tuần của tháng, tôi đến rạp Hưng Đạo xem xi-nê trong cái tinh thần đó, một cách để giết thì giờ chớ tâm trí của tôi không thể chú ý một cách bình thường vào tình tiết đang diễn ra trên màn ảnh. Trong trạng thái xem phim hờ hửng đó thì bổng phim ngưng chiếu và đèn trong rạp bật sáng lên, không phải dấu hiệu của cảnh đứt phim thông thường vì có một số rất đông khán giả ùn ùn đi ra ngoài. Tôi cũng đi theo và được biết là dinh Độc Lập vừa bị dội bom. Bây giờ, tôi cố nhớ lại lúc đó xem phim gì cũng không ra, chỉ nhớ loáng thoáng là một phim Pháp. Còn về thời điểm chính xác của biến cố, tôi thấy chẳng cần phải truy tìm thêm vì lúc nào cũng có sẵn trên Internet.

Khá Lạc - Nguyễn Tri Phương. Rạp nằm cạnh tiệm phở Tương Lai hiện vẫn còn bán phở. Một anh bạn thân cho biết lần đầu tiên anh được xem xi nê là tại rạp này với phim "Samson and Delilah" ("Samson et Dalila"). Riêng cá nhân tôi, tôi hoàn toàn không biết rạp này cho đến khi anh bạn nói tới, mặc dù nhà của tôi cùng nằm trên đường Nguyễn Tri Phương kể từ năm 1962. Như vậy, rạp này có lẻ đã hoạt động trước thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Một điểm khác nói về tiệm phở Tương Lai cạnh rạp, trước Tết năm 1966, chúng tôi đến ăn phở ở đây và phải trả 200 đồng cho một tô phở, trước đó chỉ khoảng 150 đồng. Đấy là thời điểm vật giá bắt đầu leo thang vào những năm 60.

Khải Hoàn - Võ Tánh và Cống Quỳnh. Trong cuộc đời làm người xem xi-nê của tôi, có những rạp không có duyên với tôi nên tôi chưa bao giờ được bước chân vào các rạp đó. Trái lại, có những rạp rất có duyên với tôi nên xem hết phim này đến phim khác. Rạp Khải Hoàn là một. Có thể yếu tố quyết định là rạp này tuyển chọn phim đúng ý tôi và địa điểm tọa lạc nơi thị tứ, giá tiền lại tương đối phải chăng nên tôi đã xem khá nhiều phim ở đây trong đó có phim "Hiệp Sĩ Mù Nghe Gió Kiếm", và "Mưa Lạnh Hoàng Hôn". Riêng phim sau, chương trình quảng cáo có phụ diễn tân nhạc nhưng hôm đó khán giả đã chờ mãi vẫn không thấy hơi hám ca nhạc sĩ đâu hết. Cuối cùng có nghệ sĩ Ngọc Phu bước ra sân khấu làm một màn tự biên tự diễn không đàn địch phụ họa chi cả, anh giả làm tiếng chó sủa, gà gáy, ngựa hí, quạ kêu qua loa cho xong rồi chiếu phim. Hiện tại, anh và gia đình đang sinh sống ở Nam California và tôi cũng đã có lần sinh hoạt văn nghệ với nghệ sĩ đàn anh này. Một kỷ niệm khác của tôi ở rạp này là gặp phải nạn móc túi. Gặp hôm mua vé có chen lấn, tôi cảm thấy có mấy ngón tay cứ muốn thọt vào túi quần và tôi đã kịp chận lại. Rất có thể đây là một tay chưa chuyên nghiệp. Bằng không thì chắc số tiền ít ỏi của tôi cũng đã bay mất rồi!

Kim Châu - Nguyễn Văn Sâm, Chợ Cũ. Cảm tình của tôi đối với rạp này tương tợ như đi mua một chiếc xe mới. Khi rạp bắt đầu khai trương thì họ đã quảng cáo sẽ chiếu phim "Sapho" (1960). Tuy chỉ là một phim hạng B hoặc C nhưng nữ tài tữ Tina Louise có vẽ đẹp duyên dáng nên tôi đến xem phim trong tinh thần như vừa mua sắm được một chiếc xe như ý. Qua đến những phim kế tiếp, rạp Kim Châu đã tuyển chọn những phim cùng loại nên rất được khán giả hài lòng.

Kinh Đô - Lê Văn Duyệt. Đây là một rạp xi-nê hạng sang, chỉ kém hơn rạp Đại Nam một tí. Rạp khai trương sau rạp Đại Nam nhưng lại chỉ hoạt động một thời gian tương đối ngắn ngủi rồi biến thành một chi nhánh của cơ quan USAID. Tôi có một kỷ niệm với rạp này. Hai cha con tôi vốn là những người ghiền xi-nê, Hôm đó, cha tôi đưa tôi lên Sài Gòn để nhập học nội trú sau một kỳ nghỉ hè, tôi được thả ở ngoài phố để đi dạo mua sắm. Tôi vẫn được sống một cuộc sống tự do như thế từ khi còn nhỏ. Còn khá nhiều thì giờ trước khi phải trình diện mấy sư huynh La San Taberd, tôi bèn lang thang đến rạp Kinh Đô nơi đang chiếu phim "La Dernière Torpille" ("Torpedo Run") (1958). Trùng hợp thay, tôi gặp lại cha tôi cũng vừa đến đó, thế là cha tôi cho tôi cùng vào xem phim, tôi đở phải bỏ tiền ra mua một cái vé xi-nê.

Kinh Thành - Hai Bà Trưng, Tân Định.

Lạc Xuân - Gia Long, Gò Vấp. Mặc dầu đơn vị của tôi tọa lạc ở Hạnh Thông Tây cách rạp này không bao xa và sau này có rất nhiều lần đi ngang qua nhưng tôi không hề biết đến sự hiện hữu của nó. Một người bạn thân lúc còn ở quân ngũ đã được huấn luyện gần đó có nhắc nên tôi mới biết. Bà con ở Gò Vấp thì biết rạp này rất rõ.

Lam Sơn - Bùi Chu. Mũi tàu Lê Lai, Bùi Chu, Võ Tánh chéo góc với nhà thờ Huyện Sĩ, vòng qua bên hông rạp phía đường Lê Lai thì có nhà của nữ kịch sĩ Kim Cương. Rạp xi-nê này chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn ngủi rồi bị đóng cửa vì vị trí của rạp quá gần một nhà thờ, vào thời kỳ đó là Đệ Nhất Cộng Hòa, nên Công Giáo đang có ưu thể.

Lê Lợi - Lê Thánh Tôn. Rạp chiếu phim cũ nhưng tuyển chọn toàn phim hay và chỉ chiếu trong 1, 2, hoặc 3 ngày rồi đổi sang chiếu phim khác. Những phim classic như "High Noon", "Crimson Pirates", "Vera Cruz", "Waterloo Bridge", ...được chiếu đi chiếu lại luôn, nếu hụt xem phim nào thì khán giả cứ kiên nhẩn chờ đợi, một thời gian sau thế nào phim đó cũng sẽ được chiếu lại. Lịch trình chiếu phim được niêm yết trước gần một tháng để khán giả chuẩn bị ngày đi xem phim. Rạp Lê Lợi có thể nói là rạp duy nhất ở Sài Gòn chiếu phim theo phương thức này, một ít rạp khác có bắt chước phần nào nhưng rồi cũng không theo hoàn toàn hoặc sau đó phải thay đổi phương hướng.
Rạp Lê Lợi được nhóm học sinh chúng tôi chiếu cố khá nhiều vì rạp chiếu phim hay và giá vé rất nhẹ. Thời đó, chúng tôi đi học ngày hai buổi nên buổi chiều nào chán học là chúng tôi rũ nhau 'cúp cua' đi xem xi nê ở rạp này.
Ngoài ra, một người bạn cùng lớp là con cháu của chủ rạp Lê Lợi nên chúng tôi hay 'dí' hắn để kiếm vé mời xem xi nê ở rạp này khỏi tốn tiền, chỉ phải đóng tiền thuế rất nhẹ mà thôi.
Khi qua đến Mỹ, tôi mới được biết loại rạp xi nê này được gọi là 'revival movie theater', chỉ khác một chi tiết là họ chiếu hai phim liên tiếp cùng có chủ đề giống nhau. Ai chịu đựng nổi thì ngồi xem hết, ai chịu không nổi thì phải bỏ về thôi vì quá đói bụng, họ không cho đem thức ăn từ ngoài rạp vào và trong rạp chỉ có bán popcorn (bắp rang Mỹ), kẹo, bánh, soda (nước ngọt có ga như: Coca Cola, 7Up...).
Thời đó vào đầu thập niên 80, video cassette vừa mới xuất hiện chưa có ra phim nhiều, những phim Âu Châu rất hiếm, chỉ có thể xem tại các rạp revival này. Rạp Nuart là một, rạp này nằm ở tận Santa Monica cách xa sở làm của tôi cả tiếng đồng hồ lái xe, nhưng khi gặp phim đã kết thì giá nào cũng đi xem cho được. Buổi chiều vừa ra khỏi sở là phóng xe ào ào cho kịp giờ chiếu phim, vào rạp mua một bịt popcorn rồi tử thủ xem cho hết luôn hai phim. Cũng may là popcorn giúp cơ thể chống đói rất hay, nếu chịu không nổi nữa thì có kẹo chocolate, chơi vào một cây 'Three Musketeers' là bao tử êm ngay. Tôi học cái bí quyết này từ mấy cô gái Mỹ, đi chơi với họ rất tự nhiên thoải mái. Khi date họ mà trong túi lại ít tiền thì mấy cô ấy bảo cứ mua cho họ một thỏi chocolate là xong, khỏi cần ăn tối để đi chơi mục khác.

Lệ Thanh - Phan Phú Tiên, Chợ Lớn.

Lido - Đồng Khánh, Chợ Lớn. Rạp này có một lịch sử khá ly kỳ. Rạp nằm trong vùng Chợ Lớn cạnh Đại Thế Giới cũ chuyên chiếu phim Âu Mỹ trong khi các rạp chung quanh đều chiếu phim Tàu. Đến cuối thập niên 60, rạp ngưng hoạt động để cho Mỹ mướn làm khu cư trú và câu lạc bộ. Sau năm 1975, rạp hoạt động chiếu phim trở lại và chỉ mới gần đây, rạp đã bị đập phá ra để nhường chổ cho một công trình xây dựng nhà cao tầng hay gì đó. Bạn nào có kỷ niệm đẹp hay quyến luyến rạp này thì chỉ còn có thể nhớ qua ký ức mà thôi vì rạp đã biến mất không còn nữa.
Kỷ niệm của cá nhân tôi đối với rạp này cũng khó quên. Khi còn học ở bậc tiểu học, cha mẹ tôi cho tôi vào nội trú vì gia đình ở tỉnh xa, mỗi lần vào Sài Gòn rước tôi ra chơi thì lưu trú ở khách sạn Kim Linh đối diện với rạp Lido. Có lần tôi đã mò qua xem một phim của ông già cao bồi Randolph Scott. Về sau, khi chơi nhạc cho các club Mỹ, có lần tôi cộng tác với anh Ngọc Hàm tự là Hàm Râu vì anh để râu giống như Nguyễn Cao Kỳ và cũng hay giả giọng của vị tướng này rất là giống. Tôi thật sự khâm phục biệt tài ăn nói trước khán giả của anh, ngay cả khán giả Mỹ cũng phải lăn ra cười khi anh diễu trên sân khấu. Không biết anh học những cái tếu đó ở đâu hoặc chính anh tự nghĩ ra mà quá hay. Vào khoảng năm 1969, anh đang là luật sư tập sự và cũng là trưởng ban nhạc do anh lập ra, nhạc sĩ của ban nhạc thường là ráp nối, ít ai cộng tác lâu dài có lẽ vì không có duyên với anh hay sao đó. Hôm đó, anh lãnh một show chơi nhạc cho Mỹ tại club Lido. Thành phần gồm có: Ngọc Hàm (keyboard, vocal), Ngọc Hải (lead guitar, vocal) lúc đó cũng đang tập sự luật sư, Đăng Chí (bass guitar, vocal), tôi không còn nhớ tay trống là ai, ca sĩ có Connie Kim lúc đó chúng tôi thường hay gọi cô bằng tên Phượng. Như vậy, có thể nói ban nhạc chúng tôi xem như là trí thức nhất rồi vì lúc đó tôi cũng đang theo học Luật Khoa và sau này đã lấy bằng Cữ Nhân Luật Khoa Công Pháp vào năm 1973.
Được dịp chơi nhạc ngay phố phường Sài Gòn, Chợ Lớn, chúng tôi rất thích thú thay vì phải di chuyển xa xôi ra các đơn vị tiền đồn của quân đội Mỹ như ở Phước Thành chẳng hạn. Đây là một căn cứ hỏa lực (fire base), khi đi chơi nhạc, xe van của chúng tôi phải chạy lên Dĩ An, rồi từ đó chiếc trực thăng Chinook CH-47 nuốt chửng nguyên chiếc xe van có ban nhạc chúng tôi ngồi trong đó, xong nhả ra tại căn cứ. Chúng tôi chơi nhạc giữa lúc những khẩu đại pháo gà cồ khạc đạn ầm ĩ rung rinh cả barrack và sân khấu trình diễn.
Trở lại chuyện Lido, Ngọc Hải và tôi nhận thấy còn khá nhiều thì giờ trước khi trình diễn nên hai đứa thả bộ lang thang trên đường Đồng Khánh. Mãi mê nhìn ngắm thiên hạ nhất là mấy cô xẩm duyên dáng nên khi quay trở về club Lido thì đã trễ đi một chút. Ngọc Hàm bèn mắng hai đứa chúng tôi bằng một câu xem như là trí thức như sau: "Hai đứa bây tưởng tụi bây là ai?". Ngọc Hải và tôi chỉ còn nước ngậm câm.
Chính Ngọc Hàm cũng đã làm thay đổi hẳn cuộc đời chơi nhạc của tôi. Trước khi gặp Ngọc Hàm, tôi còn chơi rhythm guitar (guitare d'accords hay accompagnement) rồi từ khi chơi nhạc với Ngọc Hàm lúc đó đang cần một tay bass nên anh bảo tôi chuyển qua đánh bass. Cũng nhờ đó mà sau này khi chuyển qua nhà nghề chơi nhạc với các nhạc sĩ đàn anh suông sẽ hơn lại còn nhờ biết ca hát, gọi là bass ca, nên lương bổng cũng cao hơn một tí.

Long Duyên - Hồ Văn Ngà.

Long Phụng - Gia Long, chuyên chiếu phim Ấn Độ.

Long Thuận - Trương Công Định và Nguyễn An Ninh.

Long Vân - Phan Thanh Giản. "El Dorado" (1966).
Majestic - Tự Do. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Nơi đây được xây thành vũ trường Maxim tầng trên và sân khấu trình diễn ca vũ nhạc kịch tầng dưới do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách. "Les Portes Claquent" (1960).

Minh Châu - Trương Minh Giảng.

Minh Phụng - Hồng Bàng, Chợ Lớn. Thật ra, nơi đây là đình Minh Phụng, khi xưa có lúc khai thác chiếu phim ban ngày.

Mini Rex - Lê Lơị. "Paint Your Wagon" (1969).

Moderne - Trần Văn Thạch, Tân Định. Tôi không có duyên với rạp này nên chưa bao giờ có dịp bước chân vào. Theo lời một thân hữu, rạp này có vài ba đặc điểm: lối vào rạp đâm ngang hông phía giữa những hàng ghế, ghế bằng cây nên khi dứt phim khán giả cùng đứng dậy làm cho ghế cây khua lên rầm rầm, và cũng vì ghế cây nên đoàn quân rệp tha hồ cắn phá đám khán giả trong bóng tối của buổi chiếu phim.

Mỹ Đô - Trần Nhân Tôn và Vĩnh Viễn. Tên xưa là Thành Chung, tên mới là Vườn Lài.

Rạp Mỹ Đô ngày nay.

Nam Quang - Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp.

Nam Tiến - Bến Vân Đồn.

Nam Việt - Tôn Thất Đạm, Chợ Củ. "The Bravados" (1958).

Nguyễn Huệ - Nguyễn Huệ. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là cơ sở U.S.O.. "Journey to the Center of the Earth" (1959).

Nguyễn Văn Hảo - Trần Hưng Đạo.

Olympic - Hồng Thập Tự. "To Hell And Back" (L'Enfer des Hommes (1955)).

Oscar - Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn.

Phi Long - Xóm Củi.

Palace - Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn.

Rạp Palace ngày nay.

Quốc Thái - Trần Quốc Toản, Chợ Lớn.

Quốc Thanh - Nguyễn Trải.

Rạng Đông - Pasteur. Tên cũ là Hồng Bàng. "The Ambassador's Daughter" (1956).

Rex - Nguyễn Huệ. "Dirty Harry" (1971), "Le Passager de la Pluie" (1969).

Thanh Bình - Phạm Ngũ Lão. "Le Magnifique" (1973).

Thanh Vân - Lê Văn Duyệt, Hòa Hưng.

Thủ Đô - Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn. Tên cũ là Eden.

Trung Hoa - Đồng Khánh, trước nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn.

Văn Cầm - Trần Hưng Đạo. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Về sau là đại lý Honda đầu tiên tại Việt Nam.

Văn Cầm - Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Rạp này có cái lệ luôn luôn chiếu một phim ngắn của 3 anh hề 'Stooges' trước khi chiếu phim chính. Rạp rất rẻ tiền không có máy lạnh nên rất ngộp thở. Tôi không bao giờ ngồi vào ghế mà lúc nào cũng đứng phía sau cùng nơi có cái màn đen che ánh sáng. Khi nào ngộp thở quá thì vén màn thò đầu ra ngoài thở không khí mát một chút rồi thả màn ra coi tiếp.
Vào năm 1961, tôi đang theo học lớp 5e chương trình Pháp (đệ lục chương trình Việt hoặc lớp 7 bây giờ) ở trường Taberd. Khoảng thời gian đó, tôi mê xem xi nê rạp Văn Cầm gần nơi tôi ở đến độ bỏ đi consigne (bị phạt phải vào lớp chiều Thứ Báy lúc nghỉ học) nên bị mấy sư huynh hành hạ tơi bời nhớ đời luôn khiến tôi không thể nào quên được cái khoảng đời học sinh tương đối đen tối của lúc đó.
Mời các bạn click vào những giòng dưới đây để xem lại những phim ngắn của mấy anh chàng Stooges.

Văn Lang - Cách Mạng, Phú Nhuận.

Victory Lê Ngọc - Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn.

Việt Long - Cao Thắng.

Vĩnh Lợi - Lê Lợi. Khoảng đầu thập niên 60, có xảy ra một vụ nổ lựu đạn trong rạp, có người bị thương nặng phải cưa chân. "Deliverance" (1972).

Ngoài những rạp xi-nê bình thường còn phải kể đến những nơi có chiếu phim không bán vé.

Trường Taberd. Thỉnh thoảng các sư huynh chiếu phim cho học sinh xem vào chiều cuối tuần không có lớp học, phim thì cũ rích, máy thì nhỏ chỉ đủ xem trong phòng lớp. Về sau này, khi có auditorium khang trang với balcon đàng hoàng không thua gì các rạp xi-nê lớn ngoài phố. Tôi được xem phim "Ivanhoe" (1952) ở đây. Học sinh nội trú Taberd được xem phim mỗi tối Chúa Nhật. Phim tôi nhớ nhất là "Titanic" (1953) lúc tàu đang chìm, ban nhạc và những người ở lại với chiếc tàu cùng nhau hát bài "Chúa ơi con nay gần kề..." thật cảm động. Mặc dù bị đám học sinh nội trú chê là "ciné Taberd toujours local", các sư huynh ở đây tiến bộ hơn các sư huynh ở tỉnh, những pha cụp lạc hôn hít vẫn được tôn trọng để nguyên cho học sinh xem. Trái lại, khi tôi học nội trú ở trường Saint Joseph, Mỹ Tho, phim nào có cảnh hôn hít đều bị cắt xén trước khi chiếu. Có lần, vì không kịp kiểm duyệt trước nên lúc chiếu có màn hôn hít, sư huynh phụ trách bèn điều chỉnh cho hình ảnh mờ đi chẳng còn thấy cái gì mặc cho đám học sinh la ó om xòm.

Đơn vị Công Binh. Nhà của tôi ở gần một căn cứ quân đội. Một thượng sĩ được lệnh chiếu phim mỗi tuần vài ba đêm cho trại gia binh xem. Phim thuộc loại 16mm mượn của quân đội Hoa kỳ nên dĩ nhiên là chẳng có phụ đề Việt ngữ gì cả. Ngược lại, phim rất mới và không có chiếu ngoài rạp Sài Gòn, hoặc ít ra cũng phải một hay hai năm sau mới có chiếu như phim "Les Félins" (1964). Điểm ngộ nghĩnh của nơi chiếu phim này là người chiếu phim lại cần đến khán giả. Những phim nào dễ hiểu thì bà con còn coi cho vui, phim nào khó hiểu thì bà con bỏ đi về hết một phần vì trời tối khuya khoắc. Có lần chỉ còn tôi và một người bạn ráng ở lại để cho thượng sĩ phụ trách vui lòng. Một điểm kỹ thuật là máy chiếu phim không có hoặc hư hoặc mất cái ống kính chiếu phim đại vỹ tuyến nên gặp phim loại nà̉y là hình ảnh cứ dẹp đép theo chiều đứng. Thượng sĩ chiếu phim bèn nghĩ ra cách là để máy chiếu nằm chéo góc với màn ảnh nên xem cũng tạm tạm mặc dù một bên lớn, một bên nhỏ. Tôi được xem những phim độc đáo như "Goldfinger" (1964), "She" (1965)...

Câu Lạc Bộ Mỹ. Nhờ chơi nhạc trong các căn cứ quân đội Hoa Kỳ, tôi được mấy anh G.I.s mời trở lại thăm viếng và cùng xem xi-nê với họ. Như đã nói, đây là những phim 16mm nhằm giải trí cho quân nhân Hoa Kỳ. Tôi được xem phim "Your Cheatin' Heart" (1964) kể lại cuộc đời của ca sĩ nhạc country Hank Williams. Phim loại này chắc chắn khó được các nhà phân phối phim Sài Gòn mua nhập vì người Sài Gòn có thể nói rằng chẳng hề biết Hank Williams là ai cả. Nói về nhập cảng phim, tôi vẫn còn nhớ đến hảng Cosunam khi mở đầu phim luôn có cảnh bộ lư đang hun khói cùng với đoạn nhạc hiệu lập đi lập lại nghe đến phát chán. Ngoài ra còn có hảng Mỹ Vân đã đóng góp rất nhiều cho nền điện ảnh Sài Gòn qua phần nhập cảng, chuyển âm và sản xuất phim.

Đài Truyền Hình Số 11. Khai sinh cùng lúc với Đài Truyền Hình Số 9, Đài 11 của quân đội Hoa Kỳ nhằm thông tin và giải trí cho quân nhân và nhân viên Mỹ ở Sài Gòn. Tiết mục chương trình có phần chiếu phim. Nhiều phim rất hay đã được chiếu qua Đài 11. Tôi còn nhớ có phim "The Last Man on Earth" (1964) do Vincent Price đóng. Về sau, rạp ở Sài Gòn có chiếu phim "The Omega Man" (1971) do Charlton Heston đóng với cốt chuyện tương tự nói về người sống sót cuối cùng trên địa cầu.... Đài 11 tồn tại cho đến sau khi Hiệp Định Paris được ký kết năm 1973 và toàn bộ cơ cấu quân đội Hoa Kỳ rút đi. Những đêm cuối cùng trước khi Đài 11 tắt sóng, tôi được xem phim "Un Homme et une Femme" / "A Man and a Woman" (1966).

Hội trường của công ty Shell. Được biết ở đây có chiếu phim, tôi đến xem phim "Play Misty For Me" (1971). Chỉ xem có một lần nên không biết có chiếu nhiều lần hay không, nếu có thì tôi đã bỏ lỡ cơ hội rất tốt vì căn cứ theo phim đã xem thì nơi này chọn lựa phim rất hay.
source: trandangchi.blogspot.com

CHIỀU KỶ NIỆM (1969)

Diễn viên:Thẩm Thúy Hằng, Thanh Tú, Năm Châu, Kim Cúc, NSND Phùng Há, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi…Đạo diễn: Lê Mộng Hoàng. Phim đầu tay của nhóm Thẩm Thúy Hằng thực hiện năm 1969. Phim dài 1h45 phút chiếu., màn ảnh 35 ly, đen trắng.

Phim thuộc thể loại tình cảm xã hội cũng là cuốn phim đầu tiên mà Thẩm Thúy Hằng sản xuất, ra mắt quần chúng. Thẩm Thúy Hằng mời đào kép cải lương đảm nhận các vai trong phim của mình, và người ta đã thấy một dàn nghệ sĩ cải lương: Năm Châu, Phùng Há, Bảy Ngọc, Thanh Tú…

Trong phim, Thanh Tú và Thẩm Thúy Hằng là một cặp tình nhân lý tưởng, nhưng vì nghịch cảnh éo le,Thẩm Thúy Hằng trở thành người vợ bất đắc dĩ của Huy Cường. Để làm phim này, Thẩm Thúy Hằng cùng một nhóm bạn bè thân thiết đã bỏ vốn, đồng cam cộng khổ thực hiện bộ phim.

Đạo diễn Lê Mộng Hoàng có nhiều sáng kiến trong lúc quay, ông đã tạo ra một vườn hoa giả, hoặc tòa biệt thự nguy nga, có đường xe hơi chạy vào tới phòng khách ngay trong phim trường, mặc dù trong thực tế phim trường chỉ là một khu nhà tôn chật hẹp.

Ðây là cuốn phim đầu tay của hãng Việt Nam phim, với lời đối thoại do nghệ sĩ Năm Châu viết, chuyện phim ở mức tầm thường. Báo chí lúc bấy giờ phê bình rằng nội dung phim là chuyện xã hội Việt Nam không phản ảnh được gì nếp sống của người Việt Nam đương thời, nên phim không thành công về mặt nghệ thuật, mà thành công về tài chính. Nhờ sự có mặt của các nghệ sĩ cải lương danh tiếng, phim đã lôi kéo số khán giả cải lương thuần túy đi coi rất đông, do đó mà phim Chiều Kỷ Niệm hốt bạc khá nhiều, chiếu ra mắt mấy tuần đầu thu vào trên 10 triệu, Thẩm Thúy Hằng lời to!

Chiều Kỷ Niệm ăn khách và có số doanh thu thuộc hàng kỷ lục đã làm cho giới làm phim tại Sài gòn phải ngạc nhiên. Chỉ riêng tuần lễ đầu trình chiếu tại rạp Rex, con số thu vào đã đến 1 triệu đồng (chúng ta cũng biết thời này, tổng chi phí đầu tư chỉ khoảng 4 triệu dành cho phim mầu, 35 ly, màn ảnh đại vĩ tuyến).

 

LOAN MẮT NHUNG (1970):

Giám đốc sản xuất: Gilberte Nguyễn Văn Lợi. Kịch bản và Đạo diễn: Lê Dân, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Thụy Long. Quay phim: Trần Ngọc Huỳnh. Âm nhạc: Huỳnh Anh. Diễn viên: Huỳnh Thanh Trà (Loan Mắt Nhung), Thanh Nga (Xuân), Kim Xuân (Dung), Tâm Phan (Hải), Thiên Trang (Minh), Ngọc Phu (Thanh Italy), Nguyên Hạnh (Tài Woòng) . Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1970 (Truyện phim hay nhất).

Phim màn ảnh đại vĩ tuyến. Đây là một cuốn phim hiện thực phê phán lối sống sa đọa, tăm tối của một bộ phận thanh thiếu niên trong thời kỳ Mỹ- Ngụy. Theo đánh giá của các nhà phê bình điện ảnh, thì Loan Mắt Nhung là một tác phẩm tiêu biểu, táo bạo, hấp dẫn và sống thực nhất thời bấy giờ. Phim dài 1g50 phút chiếu.

Nhà văn Nguyễn Thụy Long phải sống một đoạn đời dài với bọn du đãng, với gái điếm, mới viết ra được Loan Mắt Nhung năm 1967.

Bản nhạc chính: Loan Mắt Nhung (nhạc sĩ Trần Đại), nhạc sĩ Huỳnh Anh biên soạn hết phần nhạc cho phim.

Loan Mắt Nhung lúc còn lương thiện có mối tình rất đẹp với cô gái tên Xuân (Thanh Nga), anh và Xuân thất lạc nhau khi Loan làm du đãng. Trong giới giang hồ xuôi ngược, anh gặp Dung (Kim Xuân). “Loan mắt nhung” làm rất nhiều phi vụ lớn như ăn cướp,  buôn lậu…Trong lòng Loan luôn mơ có ngày mình trở vể cuộc sống lương thiện. Gặp lại Xuân trong hoàn cảnh éo le khi Xuân bị bọn xấu hãm hại và giết chết, quá đau lòng, Loan nổi loạn giết hết bọn du đãng, giang hồ…Phủi sạch bụi đời, Loan chấp nhận cảnh tù tội khi ra đầu thú với chính quyền Ngụy.

Trong phim có rất nhiều tình tiết éo le và cảm động. Có những cảnh ăn chơi, sinh hoạt vũ trường gợi nhớ một Sài gòn mù mịt về đêm. Vai Thanh Italy do Ngọc Phu thể hiện được đánh giá là vai diễn nổi bật nhất trong phim. Huỳnh Thanh Trà trong vai Loan Mắt Nhung. Anh gia nhập điện ảnh là một sự may mắn, được đạo diễn Lê Dân phát hiện khi xem một vở kịch trên truyền hình Sài Gòn. Xuất thân Huỳnh Thanh Trà là sinh viên trường Quốc gia Âm nhạc ngành ca kịch. Sau khi rời trường, Huỳnh Thanh Trà từng cộng tác với đoàn cải lương Ánh Chiêu Dương, Dạ Lý Hương…Sau ngày miền Nam giải phóng, anh vẫn là một trong những nồng cốt của kịch nói miền Nam với những vở diễn sáng đèn hằng đêm của đoàn kịch Bông Hồng, Kim Cương…Thanh Nga lúc này đang ở đỉnh cao tài năng và danh vọng. Đoàn làm phim phải tập trung quay cho Thanh Nga trước. Vừa ngưng những cảnh quay cuối của vai Xuân, Thanh Nga cùng đoàn văn nghệ Việt Nam đi trình diễn tại Lào, về nước cô lại cùng đoàn Thanh Minh- Thanh Nga đem chuông đi đánh xứ người ở hội chợ quốc tế Osaka( Nhật Bản)

Thời điểm Loan Mắt Nhung ra mắt khán giả thì các nước trên thế giới đã sản xuất nhiều phim thanh thiếu niên phạm pháp, như: Sciuscia, Quatre cents coups, Fureur de vivre, Los Olvidados, Avant le déluge… Mỗi phim có một sắc thái khác nhau, nhưng điểm chung là cùng phơi bày mặt trái của xã hội. Tuy vậy, các quốc gia làm bối cảnh cho câu chuyện không vì thế mà bị suy giảm uy tín, trái lại còn hãnh diện vì có được những nhà làm phim đủ tài để nêu lên những vấn đề đáng suy tư.

Riêng về Việt Nam, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có phim nào đề cập đến đời sống thanh niên như thế. Vì vậy, chúng tôi nghĩ: không phải là vô ích nếu đưa lên màn bạc một câu chuyện về vấn đề phạm pháp của thanh niên hiện nay.

Bộ phim có cái nhìn đồng cảm với giới thanh niên bụi đời, không kết án thanh niên phạm pháp, trái lại muốn gợi sự cảm thông nơi khán giả. Đối với những trẻ lầm lạc, chỉ có tình thương mới có thể cảm hóa và hướng chúng về lẽ phải. Đặc biệt, bộ phim gieo vào đầu óc lớp trẻ tinh thần trách nhiệm về hành động của mình đối với tương lai của chính bản thân và toàn xã hội..Qua phim “Loan mắt nhung”, các nhà làm phim  còn muốn gửi những lời rất chân thành đến các bậc phụ huynh: hãy thương yêu, quan tâm đến con cái, đừng để chúng bơ vơ trên đường đời để rồi chúng phải đi lạc vào con đường đen tối.

Với thông điệp trên, “Loan Mắt Nhung”  là một bộ phim mang ý nghĩa giáo dục, tác động đến gia đình và xã hội, đặc biệt là đến chính lớp trẻ, để tự nhìn lại mình và ý thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với toàn xã hội.

Được coi như là sự thành công tốt đẹp của hãng Cosunam và của Đạo diễn Lê Dân, bộ phim mô tả cuộc đời của tay anh chị  “Loan Mắt Nhung” trong một thế giới du đãng.

Suốt 1 giờ 30 phút chiếu, phim “Loan mắt nhung” đã làm cho khán giả say mê theo dõi. Từ vai Loan (Huỳnh Thanh Trà) đến Xuân, một cô gái “ăn sương” (do Thanh Nga đóng), đến các vai khác là Hải cụt (Tâm Phan) và Dung (Kim Xuân), đó là những “cái đinh” xuất sắc của bộ phim.
Về kỹ thuật, phim “Loan mắt nhung” được thực hiện bằng phim đen trắng 35mm, màn ảnh đại vĩ tuyến, có âm thanh và ánh sáng không thể chê trách.
Phim “Loan Mắt Nhung” vào thời kỳ này đã đánh dấu sự vươn mình của nền điện ảnh Miền Nam Việt Nam sau bao nhiêu năm thụt lùi.

 

GÁNH HÀNG HOA (1971)

Thái Dương Phim sản xuất năm 1971. Diễn viên: Mộng Tuyền vai Liên, Thanh Lan vai Nhung,La Thoại Tân, Huy Cường …Đạo diễn: Lê Mộng Hoàng. Phim trắng đen. Dựa theo tiểu thuyết “Gánh Hàng Hoa” của Khái Hưng và Nhất Linh.

Minh tốt nghiệp trường sư-phạm, được bổ nhiệm giáo học để có thể kiếm cơm nuôi thân và nuôi vợ. Mỗi lúc nghĩ đến cái đời lam lũ khó nhọc của vợ, Minh lại lấy làm áy náy và xấu hổ. Không phải chàng cho rằng cái nghề bán hoa của vợ là hèn hạ vì nghề ấy vẫn là nghề của ông bà, cha mẹ chàng khi xưa. Nhưng chính vì nhờ vào công việc của một người đàn bà mới có thể có tiền ăn học, chàng lấy đó làm một sự kiện đáng thẹn thùng, đáng bị khinh bỉ. Liên là người vợ đảm đang, tảo tần bán hoa nuôi chồng ăn học thành tài…Nhưng cuộc đời có biết bao sóng gió, mà họ phải đương đầu và vượt qua, vẫn có những tấm lòng thương yêu và giúp đỡ họ như Văn, Nhung...Cuối cùng một cuộc đời mới trong nếp nhà tranh đầy hoa và ánh sáng cũng đến với họ.

Gánh Hàng Hoa là một trong những phim màu màn ảnh rộng, hình ảnh và chất lượng thuộc hàng tốt của Miền Nam Việt Nam. Gánh Hàng Hoa thực hiện in rửa cắt ráp đều tại Hồng kông. Phim được ra mắt khán giả Sài Gòn khoảng đầu năm 1971, và sau thời gian đi chiếu ở các tỉnh thì được gửi đi tham dự Đại Hội Điện Ảnh vào tháng 9-1971. Rất nhiều người hy vọng Gánh Hàng Hoa sẽ được giải này giải nọ, bởi trong số các phim tham dự Giải Điện Ảnh trong kỳ đại hội 1971 này có những phim kém xa Gánh Hàng Hoa nhiều mặt.Nhưng do chủ trương ủng hộ các phim hoàn toàn thực hiện mọi công đoạn trong nước nên bộ phim này đã bị loại khỏi vòng tranh giải.

Đây là một bộ phim ghi điểm son cho Mộng Tuyền trong nghề điện ảnh. Vai diễn trong bộ phim này đã giúp cô trở thành ứng cử viên nặng ký của giải Tượng Vàng trước năm 1975. Huy Cường diễn một vai phản diện rất ấn tượng. Vai Nhung của Thanh Lan cũng là một vai có nội tâm phức tạp và khó diễn, nhưng Thanh Lan diễn rất sống động và tự nhiên. Ấn tượng nhất của Thanh Lan trong phim này chính là nụ cười rất tươi của cô

Image
Image
(vui lòng để lại comment, H sẽ gửi link mediafire qua mail nhé, thanks:)

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Nguyên Khang - Mưa trên hạnh phúc tôi (DVD)

Những ai đã say mê giọng ca của DUY TRÁC, SĨ PHÚ... hay gần đây hơn là TUẤN NGỌC, TRẦN THÁI HÒA, hẳn sẽ cũng say mê tiếng hát của NGUYÊN KHANG.  Đó là điều chắc chắn.  NGUYÊN KHANG là 1 giọng hát lạ, mang trong tiếng hát của mình nhiều "characteristic", lúc êm đềm, lúc dữ dội, khi dằn xé, lúc bình thản...Nếu như vẻ "sang cả" trong tiếng hát của SĨ PHÚ là vẻ êm đềm của 1 người từng trải, của DUY TRÁC là sự hào hoa của đất Hà Thành, TUẤN NGỌC là vẻ sang trọng...đôi khi quá hiền, hay TRẦN THÁI HÒA là nét lãng tử, thì NGUYÊN KHANG, có thể nói, là tổng hòa của các giọng ca đó, và có thêm chút nổi loạn nữa.
Với tuổi đời cón rất trẻ, thế mà cái giọng hát ấy lại phảng phất bao dư vị của tình yêu, mơn man những bóng hạnh phúc chập chờn trong trí tưởng. Nếu chỉ nghe qua băng đĩa, khán thính giả hẳn sẽ tưởng tượng, giọng ca đó được sở hữu một gã đàn ông từng trải, mái tóc ít nhiều lấm bụi đường phong sương với trái tim của một nghệ sĩ tài hoa, đam mê ca hát như một nghiệp dĩ đa mang, mới có làn hơi quyến rũ đến thế!
NGUYÊN KHANG xuất hiện khá muộn màng trên sân khấu ca nhạc hải ngoại, bắt đầu từ những CD hát chung với các  danh ca Ngọc Bích, Julie, Ngọc Hương, Thuỳ Dương, Nguyên Khang ....bằng chất giọng truyền cảm mê say của mình, anh đã chinh phục được những khán thính giả khó tính nhất..của dòng nhạc cũng khá kén người nghe này.
Một giọng hát anh tự nhận xét là rất "bụi", như cuộc sống của anh trước khi đến với làng ca nhạc: buông thả, phóng khoáng và và bất cần trong những nhạc phẩm trình bầy bằng một lối hát rất... Nguyên Khang...  Cuộc sống nhiều phiền muộn (đã khiến anh có lần suýt tự tử...không thành), dường như càng làm cho giọng ca này càng nghe càng thấm... Chất đàn ông trong Nguyên Khang lúc nào cũng chừng chững trong đôi mày rậm. Khi trình diễn live trên sân khấu (nhiều khán thính giả nhận xét  NK là 1 trong những "case" lạ, khi hát live hay hơn rất nhiều hát trong CD)  , thần thái của bài hát, cũng chính là thần thái của người nghệ sĩ này, từ cái nhíu mày, từ cái dang tay, từ những bước rãi chậm trên sân khấu..., cái nhịp nhàng của bước chân Nguyên Khang khi đi trên sân khấu thì hình như là không ai có thể sánh được. Nó trông lầm lũi và đơn độc làm sao. Nguyên Khang diễn tả được hết nỗi đau của gã đàn ông si tình, của một kẻ thua cuộc, trở về.

Chính cái chất "bụi" cùng lối hát bất nguyên tắc của Nguyên Khang đã mang lại cho anh sự nổi tiếng. Và cũng với cách hát không gò bó trong khuôn khổ cùng một chất giọng bất cần đời nhưng đầy cảm xúc của anh,
Tôi có 2 giọng ca say mê và có thể khiến mình cảm động khi nghe họ hát, nữ thì có THÁI HIỀN, và nam thì có NGUYÊN KHANG.
 

ĐÊM NHẠC CỦA NGUYÊN KHANG - ĐÊM NHẠC CỦA Ý TÌNH


GARDEN GROVE, California (VH): Một không gian âm nhạc lãng mạn, trữ tình, mở ra nhiều cung bậc cảm xúc cho người thưởng thức. Khán giả như tan trong từng nốt nhạc, tan trong từng lời ca cứ mãi day dứt, quá đỗi nồng nàn của Nguyên Khang. Cùng sự góp mặt "ăn ý" của giọng ca Diễm Liên, Quốc Khanh, Tiến Dũng, Mai Thanh Sơn, nhạc sĩ Sỹ Đan, nhạc sĩ Vũ Tuấn Đức... trong đêm nhạc của Nguyên Khang tại phim trường đài truyền hình SBTN, vào tối 25 tháng 3, 2010.

Đây là show trực tiếp thu hình DVD đầu tiên của Nguyên Khang, đánh dấu chặng đường ca hát chuyên nghiệp hơn 10 năm của anh. Sau phần thu hình (để đưa vào DVD) với những tràng pháo tay thật rộn ràng, vui tươi của khán giả, đêm nhạc được bắt đầu với tình ca ballad "Thương nhau ngày mưa" (sáng tác Nguyễn Trung Cang), một bản nhạc đã từng làm xao xuyến biết bao con tim xúc cảm của giới trẻ Việt Nam trước 1975, đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim người yêu nhạc. Qua thể điệu slow rock nhẹ nhàng vương vấn, 3 tiếng hát Quốc Khanh, Tiến Dũng, Mai Thanh Sơn hòa cùng giọng ca của Nguyên Khang, đã đưa dòng nhạc tựa như những cơn mưa tuôn rơi đều đặn, nối liền những cảm xúc của ý tình, trên nền hòa âm của nhạc sĩ Sỹ Đan, do dàn nhạc violon của hội hiếu nhạc Việt Mỹ đệm. 16 ca khúc Nguyên Khang hát trong DVD đầu tiên của anh, được ví như cuốn nhật ký nhỏ, ghi chép lại những rung động hàng ngày của người nghệ sĩ về tình yêu, về cuộc sống. Giọng ca trầm ấm rất riêng của Nguyên Khang, từ những cung bậc, những góc độ tình yêu khi thì nồng nàn, dữ dội và có cả những đắng cay. Anh đã phô bày trọn vẹn cảm xúc của mình khi thể hiện những thanh âm bình dị, man mác nhưng lắng đọng một nỗi niềm khắc khoải, mê đắm. Nghe anh hát, bất chợt như ta lắng nghe tiếng tơ lòng của trái tim, khi ta vội vã lướt nhẹ qua, để rồi trong những thời khắc của cuộc đời, bất chợt nhận ra hình ảnh của chính mình trong những âm thanh quen thuộc, gần gũi ấy.

Những ca khúc Nguyên Khang hát tựa như một dòng sông êm dịu, cuốn người nghe vào những chuyện đã qua và cả những gì sắp trôi vào quên lãng. Đó là nỗi buồn lâng lâng, siêu thoát. nhẹ nhàng và trầm ấm đầy chất phương Đông của "Tôi đi giữa hoàng hôn" (Văn Phụng), "Thôi" (Y Vân), "Chuyển bến" (Đoàn Chuẩn- Từ Linh, với phần hòa âm của Vũ Tuấn Đức). "Một ngày như mọi ngày" (Trịnh Công Sơn, được nhạc sĩ Sỹ Đan khoác lên một chiếc áo mới, hòa âm mới). "Đêm dài" (Tác giả Tha Phương sáng tác, tặng cho người vợ đã qua đời vì bệnh nan y) với phần đệm đàn của Mai Thanh Sơn, và là người đã hòa âm bài này cho Nguyên Khang. "Người đàn bà đi nhặt mặt trời" (Đức Tiến). "Lạc mãi bến bờ" (nhạc ngoại, lời Việt Diệu Hương). "Nỗi buồn còn lại" (Diệu Hương). "Sẽ hơn bao giờ hết" (Trúc Hồ)...

Qua những ca khúc ấy, đa số là những bài hát quen thuộc, nhưng những nhạc sĩ, đồng nghiệp của anh đã tô điểm những bài hát cũ một sắc màu mới qua phần hòa âm tinh tế, cùng với giọng ca sâu lắng của Nguyên Khang và sự hòa quyện của các ca sĩ, nhạc sĩ, đã đem lại cho chương trình một âm sắc mới, đơn giản, chân thành mà cũng thật bay bổng, lãng mạn!

Nhưng có lẽ khán giả hưởng ứng nồng nhiệt nhất, khi Nguyên Khang và Diễm Liên cùng nhau cất tiếng hát bài "Vì sao em ơi" (sáng tác Quốc Hùng). Giọng ca của cả hai đều có thể cùng lên cao vút và vẫn có thể xuống những note trầm thật thấp, có một sức lôi cuốn lạ kỳ! Đây là một sự kết hợp tuyệt vời cho hai giọng hát này. Vì đây là show thu hình, khán giả đến nghe Nguyên Khang hát, cũng dự phần với anh, hiểu hơn những khó nhọc của người nghệ sĩ.

Theo yêu cầu của bộ phận kỹ thuật, khán giả đã được "lời," khi anh phải hát 2 lần liên khúc "Anh còn yêu em" và "Khúc thụy du," cả hai đều là sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng, phổ thơ Phan Thành Tài và Du Tử Lê. Lời tự tình của nhạc sĩ Anh Bằng đã được anh hát thật tha thiết, nồng nàn.

Có những giây phút Nguyên Khang đã ngập ngừng, bối rối, khi tâm sự với khán giả, và có cả ba mẹ của anh ngồi nghe, về một lỗi lầm trong đời anh đã làm. Về việc anh tìm đến giấc ngủ thật dài không muốn tỉnh thức, nhưng đã được người thân cứu thoát. Anh nói đó là một sai lầm, không nên làm lại trong đời.

Vì "Một lần trong đời" của Nguyên Khang, nhạc sĩ Trúc Hồ đã sáng tác ca khúc tặng riêng cho anh, và đệm đàn, hòa âm cho anh trong đêm nhạc. Khi hát "Một lần trong đời," nước mắt của anh đã rơi, làm nhiều người yêu mến anh không khỏi chạnh lòng. Người thân của Nguyên Khang, khán giả yêu anh, sẵn sàng quên đi chuyện buồn đó, nhưng với anh, cũng như các tình khúc anh hát, đều rất mỏng manh. Tâm hồn anh như sợi tơ, rất dễ rung lên trong làn gió thoảng.

Trò chuyện với phóng viên, Nguyên Khang chia sẻ: "Khang rất cám ơn những khán giả đã âm thầm ủng hộ! rất cám ơn sự kiên nhẫn, kể cả tha thứ những việc mình đã làm, nhưng lúc nào cũng trân trọng tiếng hát Nguyên Khang trong tủ nhạc của họ. Cám ơn những giúp đỡ tận tình của trung tâm Asia, đài truyền hình SBTN, các ca sĩ, nghệ sĩ đồng nghiệp."

"Đó là món quà quý giá nhất của đời người nghệ sĩ, mong rằng trong tương lai Nguyên Khang vẫn còn nhận sự thương yêu của quý vị."

"Thị trường bây giờ rất khó để làm DVD, vì sự sao chép, in lậu. Những trung tâm lớn cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu mình nghĩ không làm được, thì sẽ không bao giờ, nên Khang quyết định liều một phen. Miễn sao mình hát được những bài mình thích, và mình có một band mình thích, thì Khang vui rồi. Khang nghĩ, sẽ thực hiện việc edit DVD này đến khi nào cảm thấy thật hài lòng, mới cho phát hành. Hy vọng sẽ phát hành DVD được vào dịp sinh nhật Nguyên Khang ngày 19 tháng 7 năm nay."

"DVD đầu tiên này là tâm huyết của Khang, Khang muốn có một DVD để đời, và mong rằng không phải là cái cuối cùng trong cuộc đời ca hát của mình."



~ Duy Uyên, Việt Herald

http://www.minhtan.com/images/detailed/amtv014.jpg
http://nguyenkhang.info/images/muatrenhanhphuctoi_blog.jpg


3 tiết mục mình thích nhất trong DVD (opening THƯƠNG NHAU NGÀY MƯA trẻ trung và rock, "THÔI" phối theo thể điệu mới, ngây ngất với blue-jazz; medley DIỆU HƯƠNG cùng với QUỐC KHANH)





http://www.megaupload.com/?d=N08BQ9DM




http://www.megaupload.com/?d=V7O42WT6
http://www.megaupload.com/?d=VE501PFW




http://www.megaupload.com/?d=5D9YCJJO



http://www.megaupload.com/?d=01V9H4IR


http://www.megaupload.com/?d=622V2LON
http://www.megaupload.com/?d=B9BYYQHY





http://www.megaupload.com/?d=7MH36V68




http://www.megaupload.com/?d=Z2W2RAI1

Image
Image
http://www.megaupload.com/?d=M9MRSQBR

Image
Image

http://www.megaupload.com/?d=Q6WJVVMC
http://www.megaupload.com/?d=NET9I84C
Image

Imagehttp://www.megaupload.com/?d=JX1EHGAU




Image


Image
http://www.megaupload.com/?d=39YZO28R



Image

 http://www.megaupload.com/?d=MFAPCYXX

http://www.megaupload.com/?d=0ZHLYDLK

ImageImage
http://www.megaupload.com/?d=UP6ZP9CC
Image

http://trungtamasia.com/Images/upload/product/393_MAA39282CDAS0249B_400x400.jpg

http://www.megaupload.com/?d=JK5HMOAA


MỘT TRONG NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TIÊN NGUYÊN KHANG XUẤT HIỆN, SERIES: ĐÊM DẠ VŨ (để ý sẽ thấy 1 vai trò khác của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên bìa đĩa)


Image
Image
http://www.megaupload.com/?d=F52Y0B6P
Image
Image
http://www.megaupload.com/?d=71XMV6SB

Image
Image
http://www.megaupload.com/?d=3Z0YKO13


 Reduced: 87% of original size [ 781 x 600 ] - Click to view full image

http://www.megaupload.com/?d=O7WDD5B6
http://www.megaupload.com/?d=BCVAWH7X