Trang

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

TUỔI NGỌC NOEL 1971-1972-1973-1974

Mời mọi người đọc lại 4 số báo Noel - Năm Mới liên tiếp của TUỔI NGỌC từ 1971 đến 1972 (sẽ được upload đầy đủ sau holiday).
http://huyvespa.blogspot.com/2014/12/van-tuoi-ngoc-noel-1971-1972-1973-1974.html
  
Trước hết, mời mọi người cùng ngược dòng kỷ niệm với những miên man hồi ức của người vẽ tranh bìa/ nhà văn ĐINH TIẾN LUYỆN trong những bồi hồi mới đây nhất của nhà văn trên trang facebook của ông (https://www.facebook.com/luyen.dinh.351)
Image may contain: 1 person, text and indoor
MỘT THỜI TUỔI NGỌC / NHỚ VỀ DUYÊN ANH
Tôi vừa lật Album bạn bè tìm lại hai tấm hình và đưa vào máy scan. Mở ra trong phtoshop phóng lớn theo thói quen tìm những vết xước hay vết hoen ố thường có trong các tấm hình cũ để phục hồi lại. Không hề có. Những tấm hình thật mới và thật đẹp. Y như mới hôm qua đây. Cái hôm qua ấy nghe nhẹ nhàng mà sao thấy thấm buốt tình bằng hữu một thời. Một thời Tuổi Ngọc của chúng ta và một thời của anh Duyên Anh và tôi.
Tôi vẫn tâm niệm, không bao giờ ôm quá khứ hay núp bóng quá khứ. Chẳng ích gì, nên cũng ít khi bươi lại chuyện cũ. Nhưng mới hôm qua đây, khi nhìn lại hình ảnh những tấm bìa và những trang báo ngày xưa mà bạn bè vừa lật lại, tôi bỗng vỡ òa bao ký ức thời làm báo Tuổi Ngọc. Cái cliché này, cái phí-lê này, cái co chữ này.. Bài này trước, thơ góc kia, chuyên mục chỗ nọ … Từng số báo một và từng trang một, đều qua tay tôi làm ma-két, xếp đặt trình bày cho thợ dàn trang xếp chữ và cũng chính tôi là người phải chịu trách nhiệm bản sửa mo-rát cuối cùng và ký bản in thử cho máy in chạy. Nơi trang báo cũ vừa nhìn lại, tôi như thấy lại tất cả khoảng thới trai trẻ nhiều đa mê của mình. Nhớ nao lòng. Nhớ nhiều lắm. Nhớ mùi thơm của những chồng giấy mới chất cao, nhớ mùi hăng hắc của mực in và mùi lưu huỳnh ngàn ngạt của lò đúc chì…
Và nhớ anh Duyên Anh
Hồi trong trại tù cải tạo, nơi này nơi kia tôi nghe đồn anh thế này thế nọ và đã chết. Đến khi được ra trại (đầu năm 1981) tôi về Saigon tìm đến ngôi biệt thự nhỏ ở đường Công Lý, nơi xưa anh ở. Con Ky và Cu Đốm ra đón tôi ( Con Ky, Cu Đốm là nhân vật gia đình trong truyện Cây leo hạnh phúc của DA, là cô bé Thiên Hương và cậu út Thiên Sơn, còn Chương Còm Thiên Chương lúc đó đã vượt biên theo Ông Đặng Xuân Côn, là anh em kết nghĩa của DA. Có dịp tôi sẽ thêm chuyện về những đứa trẻ này, vì cả sau khi bố chúng mất, vẫn còn thân tình tới lui với tôi) Chúng lớn hẳn nhưng tất cả vẫn còn trong ký ức của nhau khi chú chú cháu cháu mừng rỡ gặp lại. Chị Ngọc Phương (Ngọc thân ái, vấn đáp tuổi mới lớn trong TN, cũng là vợ DA) sau đó mới ra ôm chầm lấy tôi mà khóc. Chị vốn hay khóc, ôm tôi khóc miết khiến tôi chẳng dám nói gì, càng khiến tôi tin rằng anh DA đã chết thật. Mãi một lúc lâu, sau vài câu trao đổi dò dẫm tế nhị, tôi mới biết người bạn vong niên quý mến của tôi vẫn còn trong tù cải tạo.
Tôi đi tù trước anh chừng nửa năm thì anh cũng ra tù sau tôi chừng nửa năm. Ngày ra tù anh nhắn tôi lên (sau 30 tháng 4 tôi về Biên Hòa) Ngôi nhà anh ở lúc này đã di dời đồ đạc trống trải nhiều chỗ, phần bán phần cho, vì vợ con đã có giấy bảo lãnh đi Pháp. Anh hỏi tôi có muốn lấy gì làm kỷ niệm không. Tôi chẳng thiết gì. Những cuốn sách bản đặc biệt của anh đóng bìa cứng anh đã gửi một linh mục dòng lưu giữ. Cậu giữ những bộ TN đóng tập này đi. (sau này người mượn người xin cũng thất lạc gần hết. Còn ít tâp tôi cũng để lại cho anh Mường Mán giữ luôn). Tôi còn giữ lại vài tấm hình của gia đình. Trước khi ngôi biệt thự đổi chủ, tôi còn trở lại đó thêm vài ba lần nữa. Ngày trước khi còn chung việc với nhau tôi cũng thỉnh thoảng ngồi chung bàn với gia đình (kể cả chung bàn kéo xì phé, có NXHoàng, MThảo, HPAnh, NNgữ… Không nhớ có kỳ phùng địch thủ TKTường ở đây không nhi?). Khác là bây giờ lần nào tôi cũng thấy anh vào bếp và còn dạy tôi cách đập tỏi xào rau muống sao cho thơm ( Sau này qua Mỹ được anh Vũ Trung Hiền - ở Cali - tặng tôi cuốn "Duyên Anh và những câu chuyện bên ly rượu" do anh viết tôi còn dịp theo dõi bước đi của người Anh cả cho tới tận cuối đời , và vài cuốn sách của anh DA viết sau này, trong đó có cuốn "Ca dao quyện lấy món ăn dân tộc - nấu nướng dân gian). Duyên Anh là thế, ân cần đằm thắm trong đời sống thường tình như tất cả mọi người . Là người viết văn hay làm thơ, hắn cũng mãi chỉ viết hay làm, còn chính độc giả mới cho hắn cái NHÀ, để gọi hắn là nhà văn hay nhà thơ, khi những gì hắn viết ra được nhiều người đón nhận. Anh DA xứng đáng có một cái nhà rất lớn, khi sách của anh in ra tái bản liên tục và sau này số lượng in ngay lần đầu các NXB đã phải thương lượng với con số ấn bản 10 ngàn. Anh xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp.
Nhưng hết tốt đẹp rồi, khi cái nhà của độc giả tặng hiện tại bị bôi bẩn và cái nhà anh ở bao lâu nay anh cũng phải bỏ ra đi. Anh lêu bêu chỗ này chỗ kia mãi cho tới ngày anh vượt biên thóat. Trong suốt thời gian gặp lại nhau (chừng hơn năm gì đó) chúng tôi không hề bao giờ khơi lại chuyện viết văn làm báo ngày xưa. ( Nếu ai còn muốn biết, tôi sẽ tiếp.)
Những tấm ảnh post kèm: trong sân nhà DA khoảng năm 1972, tấm hình chân dung là anh gửi về từ Pháp, 1984.
Image may contain: 1 person, standing, tree, car and outdoor
(hình trên: nhà văn DUYÊN ANH)
VUI BUỒN CHUYỆN LÀM BÁO
Anh Duyên Anh lớn hơn tôi đúng một vòng con giáp. Cùng tuổi Hợi. Cùng quê Thái Bình. Trên vai tôi như một người anh cả, chúng tôi có những liên hệ thân thiết không chỉ trong công việc mà còn coi nhau thân mật như một người trong nhà. Cụ thể nhất là sau những cuộc nội chiến - chuyện thường tình gia đình nào chả có - thấy Chủ nhiệm tới tòa soạn sớm với khuôn mặt lầm lì cau có thì y như rằng chỉ ít phút sau Thư ký tòa soạn nhận được lệnh triệu hồi về tư gia nghe Chủ nhiệm phu nhân than thở khóc lóc. Con gái khóc thì đẹp có văn có thơ, chứ đàn bà khóc thì chẳng ma xuất bản từ thiện nào chịu nhận phát hành thứ văn thơ ấy ( xin lỗi quý bà). Tôi là kẻ chịu trận. Láp nháp vài ba câu an ủi ngớ ngẩn vớ vẩn rồi ngồi nghe kể lể sụt sùi chừng một vài tiếng đồng hồ thôi. Một vài tiếng đồng hồ ngoài giờ làm việc không lãnh lương over time ấy , tưởng là vô nghĩa nhưng chính nó đã ràng buộc tình thân thiết chúng tôi với nhau . (Nhưng cái gì quá cũng không hay. Riêng về cái sự khóc lóc này tôi còn hứng nhiều tập tiết theo, cả đến khi vị chủ nhiệm của tôi đã nhiều năm quá vãng. Trong tôi từng nghĩ: Ngồi nghe người đàn bà khóc lóc kể lể là một cái phúc. Cái phúc ấy cũng đáng được lên thiên đàng. May thay, thượng đế luôn công bằng, khi lập gia đình ngài đã cất cái phúc ấy đi cho tôi. Nhưng vẫn công bằng, ngài lại gửi đến cho tôi một cái phúc khác, chồng phải biết kịp thời hối lỗi, dù đúng hay sai. Người phụ nữ trong nhà tôi không khóc lóc, không kể lể, she lặng lẽ leo lên xe và phóng đi. Có trời biết là she đi đâu trong cơn giông gió như vậy. Tôi cầu xin cho các mall các shop còn mở cửa. Tôi cầu xin cho she thấy có xe quay đèn chớp chớp chạy phía sau (police), chứ không she sẽ leo lên free way thì vỗn dĩ không bao giờ chịu chạy lane trong, she sẽ phóng bay trên lane nào không bao giờ có exit. Trời ơi, tôi chỉ còn biết gọi điện lên…thiên đàng xem she đã đến chưa. Nhưng mưa gió giông bão thế này không bao giờ có sóng, 3G hay 4G cùng vô ích. Tôi kiên nhẫn text. Một message rồi 2,3,4…cho đến cái 100 thì tôi đã sẵn ở garage port : I am sorry. Cũng phải qua ít nhất là một tiếng đồng hồ. Đau tim cũng là một cái phúc, phúc này coi bộ còn dễ sớm được hưởng phúc trên thiên đàng hơn.)
Xin lỗi tôi đã miên man vòng vo. Nếu gọi là méo mó nghề nghiệp thì tôi đã mất việc. Vâng, tôi đã mất việc từ lâu rồi. giờ tìm thú vui dậy sớm cà kê dê ngỗng trên FB viết sao cho có người còn muốn đọc, có thì post lên, không cũng chẳng sao. Nhưng nếu làm báo tới giờ tới hạn mà còn kề cà, đến ngày phát hành báo còn nằm trong nhà in thì đồng nghĩa với báo nhập kho bôi mực xanh và bán ký. ( Hay quá, tôi đã tìm ra được exit)
Tuần báo TN phát hành vào ngày thứ Năm, hôm nay là thứ ba. Chủ nhiệm , sau khi thả con tới trường đã có mặt ( DA chỉ có rượu bia thuốc lá chứ không có càphê nên ít khi kề cà buổi sáng). Tôi nhắc: Bữa nay đến trang truyện dài Thư Tình Trên Cát của anh đấy / Không phải ngày nai à ? / Ngáy mai là cahier chót, in moi ruột từ giữa ra ngoài mà . Ngày mai là Nhìn Xuống Cuộc Đời và Trả lời thư./ Xong ngay. Viết chuyên nghiệp cũng có thể xem như thợ, theo yêu cầu và nhất là phải đúng hẹn. Không bàn về văn chương hay nghệ thuật ở đây. Xin mời văn chương nghệ thuật đi vô viện hàn lâm chơi. Xin mời bạn nghe cuộc điện thoại : Sớm mai anh cho một bài nhạc nhé./ Đề tài gì ? / Cách mạng xanh / cái quái gì thế ? / NVHảo muốn có tờ báo . Cách mạng xanh là cách mạng nông nghiệp / Hiểu rồi. OK / Mai là buổi sáng đấy nhé, còn nhờ tay kẻ nhạc nữa / Gấp thế à. Tối gọi lại, có thể xong. Đó là cuộc nói chuyện giữa DA và nhạc sĩ PD. Tôi cũng có phần kỹ thuật và mỹ thuật trong đó. Nhưng tờ báo không bao giờ xong vì đó đã là những ngày gần cuối tháng 4 năm 1975.
TÒA SOẠN TUỔI NGỌC
Hôm nay là thứ ba, tôi phải hoàn tất ma-két, xếp đặt bài vở và đưa vào trang, chỉ trừ những Mục thường xuyên đã chừa sẵn. (Tuyện dài, Bệnh mới lớn, Biết một biết mười, Ngọc thân ái, Chạp phô…) còn đâu đã phải vào đó. Tuần báo 64 trang, tức là 4 cahiers, cũng nhẹ nhõm thôi. Làm báo nhưng đồng thời cũng ăn dầm nằm dề ở nhà in nên tôi đã thuộc lòng các con số mỗi cahier như một xếp typo hay một tay thợ lên khuôn máy in chuyên nghiệp . 1-16; 17-32; 33-48; 49-64… Còn hụt chân 1 phần 4 trang 30. Đặt cái khung giới thiệu sách kỳ trước vào. Em vừa đưa vào cahier đầu rồi. Số trước còn dư một bài thơ… Tôi nhớ, bài thơ bảy chữ ấy dài lắm với lại tôi cũng muốn in riêng nó trên một trang số lẻ có đóng khung cho trang trọng một tí, vì tác giả cũng có tên tuổi. Bài thơ năm chữ này đi, chèn cái cliché bên cạnh, tựa nằm dưới, co chữ 16 vendome. Tôi đang nói chuyện với anh xếp typo, người đứng đầu êkíp thợ, khi đông chừng hơn 10, nhưng thường lẻ tẻ chỉ khoảng dăm bảy. Thời gian này TN đang đang đặt tòa soạn ở trong Tổ hợp Hải Âu của anh chị Nhã Ca- Trần Dạ Từ. Tổ hợp Hải Âu lại ăn đậu ở nhờ trong nhà in Nguyễn Bá Tòng. Mang tiếng là tổ hợp với tòa sọan chứ thực ra toàn bộ khu vực cả văn phòng với khu thợ thuyền không được trăm mét vuông. Chừng dăm ba cái bàn vừa làm việc vừa tiếp khách. Làm việc trống bàn nào thì sà vào bàn đó. Khi đông thì xử dụng cả hai mép bàn, việc ai người đó làm. Khách đông thì đứng hoặc ngồi hay cũng có thể vui vẻ ghệ đâu đó chuỵện trò cũng qua. Chỉ trừ vài tờ nhật báo lớn ( như Chính Luận hay Công Luận…) phần đông các toà soạn báo chỉ là địa chỉ ăn theo các nhà in. Nhà in lớn thì tòa soạn có thể được riêng một tầng lầu, nhà in nhỏ thì được chia một ô nào đó ngăn thành phòng, vậy cũng gọi là "tòa" dù chẳng cao tí nào. Nhưng thật sự có cao, khi TN bộ mới (in khổ nhỏ) tục bản. ( khoảng năm 1971). Tòa soạn báo TN chỉ là góc của một căn gác xép sát mái, kê đúng được một cái bàn tròn cũ kỹ sau khi dạt các chồng sách tồn kho về một bên của nhà in Nguyễn Đình Vượng. Dạo đó hầu như chỉ có tôi, anh DA và Phạm Đình Thống (nhà thơ Phạm Chu Sa) và sau này thêm Nguyễn Mai, là thường xuyên chiếm "đỉnh cao" đó. Còn bạn bè hay độc giả thì chỉ tiếp chuyện dưới chân thang đã là …quý lắm rồi. ( nhưng tôi nhớ, lần đầu tiên nhà thơ học trò NTNhiên đã gặp chúng tôi ở đây, với tập thơ đầu tay anh đi cùng người bạn học). 38 Phạm Ngũ Lão, Saigon là một địa chỉ nhiều ấn tượng trong giới văn nghệ cũng như độc giả thời bấy giờ, vì nơi đây là tòa soạn báo Văn. Nhiều tác giả đã lưu danh từ đây, nhiều cuốn sách đẹp cũng xuất ra từ đây. Nhà in mang tên chủ nhân, điều hành bởi môt người mà ai cũng kính cẩn gọi là cụ. Một máy in typo in ruột, một máy pedal tay đặt giấy chân đạp dập khuôn in bìa ( bìa bao nhiêu màu - thường không quá 3- dập bấy nhiêu lần ). Và một dàn thợ xếp chữ. Tôi đã qua nhiều nhà in nhưng có lẽ chưa đâu "đơn sơ" hơn thế. ( Ấy thế mà trước đó, năm 70, tôi đã từng ao ước mình có được sách in ở đây, nhưng bị từ chối - Cuốn MLCBN sau đó bìa ốp-sét in ở nhà in HXHương , cuốn sách tôi tự xuất vốn in lấy vì muốn tự o bế nó từ đấu đến cuối. in xong 5000 cuốn, nhà phát hành Đời Mới tới thương lượng trọn gói với giá chết đứng: 75 %. May quá, huề vốn. Nhớ lại tôi thấy sao dạo ấy mình liều, đúng là điếc không sợ súng, dù đã qua thời gian quân trường, 23 tuổi, mới là tác giả của cuốn sách thứ 2 thế mà đã bốc tới con số 5 ngàn. Trong khi các tác giả lớn in ở nhà in NĐV chỉ có con số 1. Không hề có ê chề hay đắng cay ở đây, lại không hề có tâm ân oán bao giờ. Vậy mà sau đó không bao lâu tôi đã "trả thù" được nhà in này đấy. Quản lý nhà in nơi mà TN đóng đô bấy giờ đã là cô Nguyễn thị Tuấn, con gái ông chủ. Là độc giả ái mộ nhân vật trong cuốn MLCBN đã ý kiến: Sao ông không viết tiếp về nhân vật đó đi. Thế là có truyện dài Anh Chi Yêu Dấu đăng từng kỳ trên TN. Truyện vừa dứt trên báo là nhà in nhà xuất bản NĐV hứng lấy in thành sách ngay. Cũng như cuốn TNKCQ tiếp theo, chỉ in ruột ở đây, còn bìa ốp-sét phải in nơi khác theo đúng mẫu mã và ý kiến của tác giả). 
Tôi đang viết gì nhỉ ? Đọc lại thấy…thiếu nước cuốn thế này, trên FB chẳng câu được Like. Không có ý định viết hồi ký, tôi chỉ muốn viết sao cho có người còn muốn đọc. Dù sao thì tôi cũng phải nói hết phần khi nhắc tới nơi mà TN bắt đầu lại . Nơi gác xép của kho sách nhà in ấy , chật chội và nóng nực, còn có một vuông cửa sổ nhỏ xíu, mở ra không thấy bầu trời mà chỉ thấy toàn những mái tôn khô khốc và bỏng rát, dù có là đêm. Anh em tôi đã chụm đầu nhau ở đấy (đúng nghĩa chụm đầu, vì quanh mép chiếc bàn tròn) mà thoát mình, thoát những gò bó chật chội vây quanh, thoát thực tại, đề cùng độc giả mang những giòng thơ văn mượt mà trong sáng, vượt được thời gian, mớm thơ mộng cho nhiều tâm hồn bạn trẻ, cho đến nhiều năm sau còn đọng lại những thương mến dành cho một thời, một thời TN của chúng ta. Và bạn đọc có bao giờ tưởng ra hết, trong những khung cảnh bó gọn như thế của các tòa soạn báo mà tiếng sét đã đánh gục khối kẻ từ trong đó bước ra, cả trai trẻ lẫn không còn trai trẻ, phải chấm dứt thời độc thân cầm bút (ông MThảo lừng khừng muôn đời đi bằng chân ngưới khác - xíchlô- , được miễn trừ). Tôi có thể kể được nhiều tên tuổi. Nhưng chỉ xin nhắc đến Thư ký tòa soạn báo Văn, thời cuối. Giáo sư Triết trường Gia Long, nhà văn NXHoàng, sét đã đánh ông văng ra tới tận Phan Thiết, tới dinh tỉnh trưởng họ Trương Gia. Một cây viết trẻ của báo Văn đồng thời cũng là của TN. Bà sau này cũng nổi tiếng như chồng trong làng văn làng báo ở hải ngoại. Sét cũng sém trúng tôi, nhưng văng xa, xa quá xa, như từ Saigon tới tận London, không còn từ trường, mất tình trường. Ta không là biển, để những dòng sông nhỏ bỏ ta đi, đi đâu rồi, sao mà biết.
TN còn phải qua một thời lêu bêu tìm chỗ đậu nữa khi nhà in NĐV đập đi xây mới. Tòa soạn tạm di dời xuống nhà in báo Xây Dựng ít tháng trước khi tìm được tồ hợp Hải Âu là chỗ đậu cuối cùng.

NHÌN LẠI ĐỊA CHỈ MỘT TÒA SOAN ,
NHỚ ANH NGUYỄN XUÂN HOÀNG
Hôm qua khi nhắc tới địa chỉ báo Văn, cũng là nơi TN có nhiều kỷ niệm ban đầu nơi đó, tôi bỗng nhớ anh Nguyễn Xuân Hoàng nhiều hơn. Tìm lại địa chỉ của Trương Gia Vy trên Net tôi chỉ thấy tin buồn của anh ĐTQuân và những lời thương tiếc về một người bạn Văn. NXH, tôi đi tìm anh tưởng như mơ hồ, tới lui lướt qua mà không nhận ra anh. Tôi chỉ thấy bầu trời vần vũ mây và những con chim biển chao lượn trong tấm hình. Từ lâu tôi chỉ nghe biết người con gái Trương Gia do bạn bè kể lại, nhưng không có dịp gặp, vì khi đó đã là những ngày cuối tháng tư năm 75. Cả hai đứng trên một bến tàu, có lẽ trời sắp có giông vì tôi thấy nhiều gió lắm, gió quấn thân , gió xổ tung những mái tóc. Và tôi nhận ra anh với mái tóc bạc phơ và khuôn mặt dường như đã nhuốm "phong trần" nhiều lắm. Khác hẳn. hình ảnh thời trai trẻ của anh khi chúng tôi hàng ngày chung một địa chỉ. To cao chắc nịch và một khuôn mặt rắn rỏi "chuẩn man". Cũng hơn 40 năm rồi còn gì. Năm 2011 khi làm tờ Xuân Hồng ở Houston anh có gủi cho tôi truyện ngắn " Mưa ở Berkeley ". Quen với phong cách cũ, tôi thấy không gian trong chữ anh giờ đã nghe lạ lắm. Có dạo chúng tôi hay đùa gọi anh là Kẻ Tà Đạo (tựa cuốn sách của anh khi ấy mới in - Sau này nhà thơ NSa khi nhắc đến anh và tác phẩm có ghi : Người còn đi tuốt trên mây / Bỏ quên biển vắng gió đầy thùy Dương / Kẻ tà đạo có lầm đường / Căn nhà ngói đỏ mù sương trở về; Còn nhà văn NNNam: Bạn đã mang nghiệp kẻ tà đạo / Dẫu đi trên mây vẫn chưa cao/ Hãy ngồi trên cỏ nhà ngói đỏ / Vây quanh…/ Bụi/ Rác / Và… nỗi đau ). Sau đó tôi còn đôi ba dịp chuyện trò với anh và Trương Gia Vy và biết được cả hai đã có những sinh hoạt văn nghệ rất phong phú nơi đây suốt nhiều năm qua. Cũng qua đó tôi biết anh đang nằm bệnh, căn bệnh héo mòn dây dưa khó qua khỏi. Chúng tôi ngậm ngùi hẹn gặp lại. Nhưng không còn kịp. Tháng 7, 2014 có dịp qua San Diego tôi rủ một người quen biết đi thăm anh. Ông có biết không, lái xe cả 7 tiếng đồng hồ nữa đó. Cali rộng quá, tôi còn có vài ba thân hữu cũng ở đây nhưng đến chỉ chào nhau qua điện thoai. Có tuổi cả rồi, ly rượu hội ngộ tưởng ra dù có nồng tới đâu chăng nữa cũng chẳng sao đốt được khoảng cách. Thế là chúng tôi mất nhau.
NXHoàng không viết nhiều, nhưng mỗi cuốn của anh có một dấu ấn riêng, chuyên chở từng quãng đời của mình. Sống, đi và viết. Văn anh như phong cách người, thâm trầm và không thích ồn ào. Day dứt nhưng không tuyệt vọng. Đó cũng là cốt cách của một giáo sư Triết.
Cũng xin nói thêm, nếu không nhìn thấy tấm hình của anh chụp thời Saigon, ngồi trên xe Lambetta với một đứa trẻ đứng trước, được lưu trên mạng, tôi cũng không nhận ra là mình đã lầm. Anh không dạy triết ở Gia Long ( anh dạy ở Ngô Quyền, Biên Hòa và TVKý Saigon.) Người vợ trước của anh mới dạy ở Gia Long. Có hai con, họ có căn nhà nếu không lầm thì ở một con hẻm đường Kỳ Đồng, Saigon. Tôi và anh DA đã tới đây chơi bài một lần.
FullSizeRender_4




FullSizeRender_3 FullSizeRender FullSizeRender_1 FullSizeRender_2 FullSizeRender FullSizeRender_1 FullSizeRender_2 IMG_0583 FullSizeRender_3