Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH CỦA NHIỀU NHẠC SĨ SAU 1975

Những nhạc sĩ mang lời ca tiếng nhạc cho đời, trong 1 quãng thời gian nào đấy, 1 không gian nào đấy, họ được yêu mến, được "chiều chuộng", được vẫy vùng trong ánh hào quang của sân khấu, thế nhưng theo thời gian, con tạo xoay vần, thế thời thay đổi, những nhạc sĩ đa tài, hào hoa của 1 thời...đến lúc nào đó bị gạt khỏi rìa xã hội 1 cách không thương tiếc, họ đã bị lãng quên, nhạc của họ đã bị ngăn cấm, nhưng làm sao mà ai có thể ngăn cản lời ca???Trong 1 quán nhỏ nào đó, trong 1 ngõ hẹp nào đó, và trong sâu thẩm tâm hồn nhiều người nào đó, những ca khúc tuyệt vời..mà ngay nay không chừng là 1 thứ "quốc cấm"...vẫn luôn và mãi vang vọng...Tưởng chừng như mới hôm qua. Có lúc nào bạn ngân nga 1 câu hát quá quen, mà nó đã nằm sẵn trong tâm trí của bạn từ lâu rồi, nhưng chẳng biết tên tác giả là ai???Thì đây, xin hãy đọc bài viết này...Để nhớ...và để tiếc!

Những Nhạc Sĩ Vô Cùng Bất Hạnh Trong DVD Asia 55


“ 75 Năm Âm Nhạc Việt Nam, kỳ 2”.

Những hình ảnh khó quên của vài nhạc sĩ xuất hiện trong Asia 55 qua những đoạn video clips phỏng vấn ngắn ngủi nhưng vô cùng quý hiếm. Tiêu biểu nhất vẫn là những nhạc sĩ Văn Cao, Trúc Phương, Thăng Long, Ðỗ Lễ, Châu Kỳ, Nguyễn Văn Tý … Cho dù họ đã lìa trần hay còn sinh sống ở quê nhà, nhưng họ có một điểm chung là đã làm “kiếp tằm nhả tơ” để đem đến cho đời biết bao ca khúc tuyệt vời suốt mấy chục năm qua. Nhưng đàng sau những tác phẩm “để đời” ấy là những quãng đời u tối, nhọc nhằn và phần số vô cùng nghiệt ngã mà ít có ai ngờ tới.







Một trong những nhạc sĩ nổi bật ở chương trình này qua đoạn video clip ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn có 2 phút mà thôi là nhạc sĩ Trúc Phương. Có lẽ đây là lần đầu tiên nhiều người trong chúng ta được thấy hình ảnh sống động và nghe chính giọng nói của nhạc sĩ rất nổi tiếng này tỏ bày tâm sự của ông.





Phải nhìn nhận một điều là, hầu như các bài hát của ông có một sức thu hút mãnh liệt trong suốt hơn bốn chục năm qua và mãi cho đến ngày hôm nay ở bất cứ nơi nào có người Việt Nam đang sinh sống. Tài năng của ông không thua kém gì các nhạc sĩ Lam Phương, Lê Dinh, Thanh Sơn … với giòng nhạc đặc biệt mang âm hưởng miền Nam. Nhưng đời sống của ông thì lại trải qua quá nhiều bất hạnh và đau thương, khốn khổ cho đến tận những giờ phút cuối cùng. Tiếc là Asia 55 chỉ cho chiếu phần phỏng vấn nhạc sĩ Trúc Phương, mà không tường thuật thêm chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của ông, nên vẫn còn có nhiều người thắc mắc về đời sống của người nhạc sĩ tài danh này.





Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Xung quanh nhà ông có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu mến những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau và sau này đã chọn tên là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của ông với những cây tre trúc. Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Bài hát “Chiều Làng Quê” được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm của ông (do Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc trình bày trong Asia 55). Một bài khác cũng rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là “Tình Thắm Duyên Quê”.











Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà, vì con tim cô ta đã dần dần rung động trước tài năng của Trúc Phương. Biết được chuyện này, ba mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác. Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với những nghịch cảnh chia lià. Theo lời khuyên của những người bạn mới quen trong giới văn nghệ, Trúc Phương đã cộng tác với vài nhạc sĩ khác để thành lập một ban nhạc nhỏ đi lưu diễn khắp nơi như Biên Hòa, Long Khánh, Vũng Tàu …(trong đó có nhạc sĩ Trần Trịnh, tác giả bài Lệ Đá sau này).





Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng, nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau những cuộc tình dang dỡ, những bài hát sau này của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam. Nổi tiếng nhất là Nửa Đêm Ngoài Phố” với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy. Sau đó là “Buồn Trong Kỷ Niệm” với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe như “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi hai mơ ước không chung lối về …”. Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.




Tài năng của Trúc Phương chói sáng vào những năm 1965-1970 khi ông bước chân vào quân ngũ và viết những bài tình ca thời chinh chiến như “Trên 4 Vùng Chiến Thuật, 24 Giờ Phép, Bông Cỏ May …”. Chính ca sĩ Chế Linh đã nhiều lần tâm sự là nhờ nhạc sĩ Trúc Phương và Châu Kỳ đã dẫn dắt ông vào con đường ca hát với những nhạc phẩm rất thích hợp cho giọng hát của ông. Đặc biệt nhất là hai bài hát Trên 4 Vùng Chiến Thuật” và “Thói Đời”. Cũng chính hai bài hát này đã khiến cho ca sĩ Chế Linh được quá nhiều người ái mộ, từ những anh lính chiến ngoài tiền đồn hẽo lánh xa xăm cho tới giới học sinh, thành phần lao động, phụ nữ và trẻ con ở hậu phương yên bình... Hầu như ai ai cũng hát được lõm bõm vài câu nhạc của Trúc Phương. Thế hệ ca sĩ đàn em sau này như Đặng Thế Luân cũng đã diễn tả rất truyền cảm bài “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” và “Đêm Tâm Sự” của nhạc sĩ Trúc Phương trong CD “Khóc Mẹ Đêm Mưa” do Trung Tâm Asia thực hiện cách đây vài tháng.





Nhưng nổi bật hơn cả là ca sĩ trẻ Ðan Nguyên hát với thần tượng Chế Linh bài "Thói Ðời" ở Asia 55 đã gây được rất nhiều tiếng vang, khiến giới trẻ có dịp tìm hiểu thêm về tác giả bài hát này.





Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được. Tuy nhạc của ông có âm hưởng cổ nhạc miền nam, nhưng nó lại không giống như những bài hát của Lam Phương, Thanh Sơn, Lê Dinh. Nó có vẻ trầm buồn, ray rức, ưu tư trước thời cuộc dạo đó (là chiến tranh triền miên) và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của giòng nhạc Trúc Phương và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông sau này.












<Hình bìa một nhạc phẩm của Trúc Phương, sáng tác năm 1965>





Hình bìa một nhạc phẩm của Trúc Phương, sáng tác năm 1965






Điều trớ trêu là tuy tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật so với những người viết nhạc thời bấy giờ, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết cuộc là cả hai đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất là nghệ sĩ. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và sức sáng tạo nghệ thuật của ông càng sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền. Bởi vì sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, nhưng có vạn lần buồn” ? Giờ thì nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái.














Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta … “Cỏ ưu tư” buồn phiền lên xám môi …”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau, hẹn hò nhau thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ [ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần, anh nói khẽ gớm sao mà nhớ thế (Hồ Dzếnh)]. Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói Đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư” làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương, nhung nhớ ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần” và ông đã than thở “mình còn ai đâu để vui ? khi trót sa vũng lầy nhân thế ”?





Bài hát "Thói Ðời" đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì “Thói Đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995) nhứt là sau cuộc “đổi đời” bi thảm.





Thực vậy, sau năm 1975 thì tất cả những bài hát của Trúc Phương đều bị cấm trình diễn trong nước. Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông làm đủ mọi việc để sinh sống. Năm 1979 ông được bạn bè giúp đở vượt biên, nhưng phần số của ông lại kém may mắn, nên không thoát được khỏi Việt Nam mà lại bị tù tội một thời gian. Ra khỏi tù với hai bàn tay trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời “Má của tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn … nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa .”

















Ở dưới tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang khắp nơi. Buổi tối ông đón xe về xa cảng miền Tây để thuê chiếc chiếu $1 ngả lưng qua đêm, như ông đã trả lời phỏng vấn trong đoạn video clip hiếm hoi mà vô cùng quý giá vào năm 1995. Có thể nói là trong suốt hai chục năm (1975-1995) không biết bao nhiêu ca sĩ, trung tâm ca nhạc đã thu thanh, thu hình những bài hát của Trúc Phương ở hải ngoại. Nhưng chắc chắn là ít có người đã biết tin ông âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995. Ông được những người quen, lối xóm chôn cất ở nghĩa trang Lái Thiêu.





Cố nhạc sĩ Trúc Phương đã để lại cho đời hơn 65 ca khúc viết trước năm 1975 và một số tác phẩm khác viết tặng bạn bè chưa được phổ biến sau này. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ những bài hát của Trúc Phương như Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Con Đường Mang Tên Em, Tàu Đêm Năm Cũ, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Hình Bóng Cũ …














Được tin nhạc sĩ Trúc Phương lìa đời, ca sĩ Thanh Thúy đang ở California, Hoa Kỳ, đã viết trong số báo Thế Giới Nghệ Sĩ vào tháng 2 năm 1996 như sau:





Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi quá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao này. Anh và tôi không hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho hết kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 1960, tên tuổi anh và tôi gắn liền nhau : “Trúc Phương và tiếng hát Thanh Thúy”.





Đường đời đã chia chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn anh vào quân ngũ và tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về cuộc đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương …Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi đôi ngã: Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong …” (Thanh Thúy).











Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1996):




Có một thi sĩ trong nước đã miêu tả chân dung nhạc sĩ Văn Cao bằng bốn câu thơ như sau:




Thiên Thai từ giã về dương thế

Suối Mơ ngày ấy Buồn Tàn Thu

Sân đình ngất nghểu ngôi Tiên Chỉ

Uống rượu say rồi hát Quốc Ca !












Trong bài thơ này có bốn bản nhạc tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Văn Cao là Thiên Thai, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu và bài Quốc Ca của nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra ông còn được giới văn nghệ sĩ miền Bắc đặt cho biệt danh “Cụ Tiên Chỉ”. (Thời phong kiến trước năm 1945, cụ Tiên Chỉ là chức vụ to nhất ở trong làng. Mỗi khi có hội họp, tế lễ, cụ Tiên Chỉ luôn luôn được mời ngồi chiếu trên). Tác giả của bài Tiến Quân Ca (Quốc Ca) có rất nhiều tài như hội họa, âm nhạc, làm thơ, viết văn phê bình … Trong vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, nhạc sĩ Văn Cao bị xếp vào thành phần lãnh đạo. Biệt danh “Cụ Tiên Chỉ” là do giới văn nghệ sĩ đặt cho ông để chỉ tài năng đa dạng của ông, nhưng cái biệt danh này lại khiến cho chính quyền cộng sản gán cho ông, kết tội ông là người cầm đầu nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” chỉ trích chế độ đương thời.





Ông bị treo bút, không được sáng tác, về làm người minh họa cho báo Văn Nghệ suốt hơn 30 năm, đến khi già ốm và chết vào năm 1996. Đã hàng chục năm dài, nhạc sĩ Văn Cao buồn cho thế sự, buồn cho tình đời, nên ông đành mượn chén rượu giải sầu. Tài uống “rượu suông” (uống rượu mà không có thức nhắm) của ông Văn Cao thật kinh người. Ông có thể ngồi uống hàng lít rượu mà vẫn không say, vẫn tỉnh táo như thường.










Trong chương trình Asia 55, chúng ta được xem một đoạn video clip của nhạc sĩ Văn Cao trả lời phỏng vấn năm 1995 trước khi ông mất, về những bài hát thời tiền chiến của ông với thật nhiều kỷ niệm luyến tiếc. Thần trí ông thật minh mẫn và ông đã kể lại rành mạch từng cảm xúc của ông khi sáng tác những bài hát này cách đây hơn 60 năm.




Có một giai thoại do chính người con trai thứ ba của ông là kỹ sư xây dựng Nguyễn Nghiêm Bằng (sanh năm 1951) kể lại cho một người bạn và được giới văn nghệ sĩ miền Bắc truyền tụng sau này là:




Vào lúc Văn Cao bị “đánh tả tơi” sau vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” thì bà Nghiêm Thúy Băng - vợ của ông – đã có lần mắng vào mặt mấy “thằng bạn chí cốt” của chồng, giờ đang nắm chức cao quyền trọng như sau:




“Các ông ghen tài rồi thù chồng tôi ..các ông kỷ luật anh ấy … nhưng chồng tôi vẫn là người được nhân dân tôn kính …Khi bài “Tiến Quân Ca” của anh ấy cất lên, ngay cả các ông vẫn phải gục đầu xuống !”.




(trích từ cuốn “Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn” của Lý Hồng Xuân, Văn Nghệ, California, USA, 2000)






(Hình bà Văn Cao và nhạc sĩ Văn Cao ở nhà riêng, 1994)




Trước kia, giới văn nghệ sĩ ở Hà Nội vẫn thường than thở với nhau là nhạc sĩ Văn Cao là tác giả duy nhất của bài Quốc Ca (so với những tác giả Quốc Ca khác trên thế giới) vẫn còn sống sót được trong suốt 50 năm (1945-1995), nhưng lại là người bị chế độ trù dập và phải cư trú trong một căn nhà rất tồi tàn, nghèo khổ, xoàng xĩnh nhất ở thủ đô Hà Nội.(Nghĩa la không được chính quyền ưu đãi gì cả so với công lao của ông).




Khoảng năm 1993, bỗng dưng giới sinh hoạt văn nghệ Hà Nội được tin sẽ có một buổi lễ kỷ niệm “Nửa Thế Kỷ Âm Nhạc VN” nhằm vinh danh các nhạc sĩ đã đóng góp vào kho tàng âm nhạc VN. Buổi lễ được thực hiện rất trang trọng tại nhà hát lớn Hà Nội với nhiều viên chức chính quyền và quan khách ngoại quốc tham dự. Đến tiết mục thứ 13, ban tổ chức cho hát bài “Làng Tôi” và mời tác giả là nhạc sĩ Văn Cao lên sân khấu để ban tổ chức trao tặng bó hoa danh dự. Khán giả nồng nhiệt vỗ tay rào rào hàng chục phút. Nhưng mọi người chờ hoài mà không thấy nhạc sĩ Văn Cao đâu cả . Có người nói là :” Ông Văn Cao đòi thay tiết mục, ông đề nghị hát bài “Thiên Thai” không được, nên buồn bực không tới dự, vì ban tổ chức đã tự ý chọn bài “Làng Tôi” (1947) của ông sắp xếp vào chương trình.




(trích “Vài Câu Chuyện Làng Văn Hà Nội” ký sự văn học của Lý Kiệt Luận, California, USA, 1994)









Nhạc sĩ Đỗ Lễ (1941-1997):




Trường hợp mất đi của nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng khá thương tâm. Ông đã cống hiến hầu hết cuộc đời tài hoa của mình cho âm nhạc, cho tình yêu và đã để lại cho đời những bài hát thật tuyệt vời về những cuộc tình trái ngang, phụ phàng, cay đắng. Nhưng cuối cùng ông lại tự kết liễu đời mình bằng một liều thuốc độc trong một căn phòng khách sạn khi từ Mỹ trở về thăm quê hương (tháng 3 năm 1997)




Tên thật của ông là Đỗ Hữu Lễ, sinh ngày 12-10-1941 tại Hà Nội. Học tiểu học trường Hàng Vôi, trung học Chu Văn An (1952), Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn (1953), Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (1954), Đại Học Khoa Học Sài Gòn (1959), Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1963). Tự học nhạc năm 1951 và bắt đầu sáng tác từ năm 1956 khi vừa tròn 15 tuổi. Tuyệt vọng vì yêu một ca sĩ (Lệ Thanh) nhưng không được đáp lại và khi nàng lên xe hoa thì ông sáng tác bài Sang Ngang rất nổi tiếng sau này và đã làm cho biết bao nữ sinh rơi nưóc mắt.




“Thôi nín đi em


Lệ đẫm vai rồi


Buồn thương nhớ ai



Mai bước sang ngang

Lòng thêm nát tan

Tình đã dở dang



Thôi khóc làm gì

Đã lỡ duyên thề


Thương nhau làm chi



Nỗi buồn ai hay

Khi mình chia tay

Xa cách nhau rồi …”




Lúc đó có nữ ca sĩ (Y. X ) đã trình bày lần đầu tiên bài hát này ở các phòng trà và sau đó đã trở thành bà Đỗ Lễ. Tuy nhiên cuộc tình của họ chỉ kéo dài được 6 năm và tan vỡ sau khi họ có với nhau ba mặt con. (Sau này người vợ của nhạc sĩ đã ôm cầm sang thuyền khác và đã định cư ở Mỹ).





Trước đó nhạc sĩ Đỗ Lễ có phụ trách một chương trình ca nhạc trên đài Truyền Hình ở Sài Gòn hàng tuần mang tên là “Thời Trang Nhạc Tuyển”. Chương trình này quy tụ các ca sĩ như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan, Phương Hồng Hạnh, Ngọc Minh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Caroll Kim, Hoài Xuân, Xuân Đào, tam ca Sao Băng, 3 Con Mèo, 3 Trái Táo …Đặc biệt là chính Đỗ Lễ lại là người hoạ sĩ vẽ trang trí cho sân khấu những show truyền hình của ông, nên ông được nhiều người gọi là họa sĩ “Sang Ngang” như tên một bài hát của ông.















Sau khi chia tay với người vợ đầu, thời gian cô đơn này nhạc sĩ Đỗ Lễ quá đau thương, nên ông đã sáng tác nhiều bản nhạc nghe rất não lòng như Tình Phụ. Chính bản nhạc này đã được hãng phim của Thẩm Thúy Hằng chọn làm nhạc chủ đề cho phim “Nàng” với tiếng hát của Carol Kim. Trong chương trình Asia 55, bài hát này đã được Nguyên Khang và Y Phương trình bày rất điêu luyện qua từng lời ca than oán và nét mặt ưu sầu của họ đã đã diễn tả rất chính xác tâm trạng đau buồn của nhạc sĩ và hàng triệu người khác có cùng chung một tâm sự suốt mấy chục năm qua.












Sau năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Lễ sinh sống bằng cách mở lớp dạy nhạc tại Sài Gòn. Đến năm 1994 nhạc sĩ Đỗ Lễ được thân nhân bão lãnh qua Mỹ định cư tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Nhưng đời sống nơi xứ lạ này không làm ông yên tâm hay thoải mái như bao nhiêu người khác, mà ông lại một mình quay về chốn cũ, với nhiều kỷ niệm xưa để tự kết liễu đời mình ở đó trong cô đơn, thất vọng não nề như những lời tiên tri trong các bài hát của ông ?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét