Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

DuyTrác- Còn tiếng hát gửi người...

Tôi đã nghe tiếng hát Duy Trác sau một vài năm thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam . Cũng có thể trước đó, anh đã có hát trên làn sóng điện đài Sài Gòn .







Thuở đó, Duy Trác đã cộng tác với nhiều ban nhạc . Những giọng hát bên nam giới mà tôi thích gồm có: Anh Ngọc, Ngọc Long, Ngọc Quang, Ngọc Giao, Đỗ Tuấn, Trần Ngọc (về sau sáng tác nhạc lấy nghệ danh là Tuấn Khanh), Nhật Bằng, Hồng Phúc và Duy Trác . Anh Ngọc có giọng hát điêu luyện vào bậc nhất . Hồng Ngọc có giọng nhẹ như khói sương lan . Ngọc Quang hát dân ca cực kỳ truyền cảm . Nhật Bằng hát nhạc biệt thể có phong độ nhất Hoa Kỳ . Hồng Phúc có giọng mềm như mây, đẹp như ráng chiều . Ngọc Long và Duy Trác có giọng trầm gợi cảm tuyệt vời .







Thuở còn là học sinh, sinh viên, Duy Trác có một âm sắc đẹp và trầm hùng trong giọng hát, không phải ở những lúc anh hát những bài hành khúc mà ngay lúc anh hát những bài tình cảm . Âm sắc trầm rền và dội sâu đó cùng với làn hơi phong phú của anh làm cho người nghe có cảm tưởng đó là tiếng âm u huyền bí ở miền thâm sơn hoang dã . Nó như vọng mang mang khắp bãi sú bờ hoang của dải trường giang, hay dội bập bùng vào hang thẳm hay trên vách đá dựng, vách cổ thành . Và ta cũng có cảm tưởng đó là tiếng trống từ một thế giới vào thời thái cổ hồng hoang nào vọng lại . Tiếng hát anh chứa một tiềm lực bền bỉ, một sinh lực dồi dào . Chuỗi ngân của anh rõ nét sóng thu, không nhỏ mức như chuỗi hạt cườm, mà cũng không nhọn sắc răng cưa .







Hồi ở quê nhà, tôi chưa hề gặp Duy Trác, mà cũng không thấy hình ảnh anh chiếu trên Tivi . Lúc đó anh chỉ ca hát trên đài Sài Gòn và trong băng nhạc Tứ Quý (gồm có Lệ Thu, Khánh Ly, Tuấn Ngọc và Duy Trác) . Ra hải ngoại, tôi chỉ gặp anh trên các băng hình của Trung Tâm Thúy Nga . Đây là lúc anh bước vào tuổi lục tuần, đã vào chặng giữa ca mùa thu của cuộc đời .







Duy Trác không xấu không đẹp . Vầng trán anh sáng sủa, sóng mũi không thanh mà cũng không thô . Khuôn mặt anh tràn vẻ nam tính, hơi khắc khổ một chút làm hiển lộ tràn đầy cái nghị lực bẩm sinh của anh . Cái défaut trên khuôn mặt anh là hàm răng trên hơi vẩu, cặp răng nanh khi anh lớn tuổi hơi dài nên môi trên không che kín miệng anh một cách tự nhiên . Cho nên khi anh ngậm miệng thì cặp môi anh có vẻ buồn bã, không được thoải mái . Song cái nhìn tự tin của anh, khuôn mặt trí thức của anh tạo cho anh một vẻ thư thái, nhàn tĩnh . Khi chường mặt trên Tivi, anh ăn mặc theo giới công chức cao cấp: diện bộ complet may khít khao theo ni tấc, thắt cà-vạt với màu sắc trang nhã, tóc chải bóng loáng . Trông anh “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Nhưng không được sáng mắt lắm . Thật ra, khi bước vào ngưỡng cửa hoàng hôn cuộc đời, nhất là bởi cái địa vị xưa cũ trong xã hội Việt Nam trước ngày 30/4/75, anh không thể ăn mặc bay bướm cho ra vẻ nghệ sĩ trình diễn được . Và khi thấy anh ăn mặc thanh lịch và phong nhã, tôi có cảm tưởng kỳ hoặc:







- Đây là một công chức cao cấp hát trong một buổi tiếp tân hay buổi dạ tiệc có tính cách thân hữu đúng hơn .







Dù tôi có nghĩ sa đà kỳ cục như thế, nhưng tiếng hát của Duy Trác chẳng những không phải là tiếng hát tài tử mà là tiếng hát nhà nghề cực kỳ điêu luyện, một giọng tinh túy được gạn lọc hết những cái tạp chất giữa một số đông giọng danh tiếng dương thời hoặc đi sau anh .







Nếu Duy Trác hát ở trong một thính phòng ấm cúng hoặc ở phòng trà nho nhỏ, dù giàn nhạc không có cây đại hồ cầm (contrebasse), tiếng hát anh vẫn có thể gợi dư âm dư hưởng của tiếng đại hồ cầm ấy . Tiếng hát trầm của anh càng xuống thấp càng chắc nịch, như vọng âm rền rền vào những ngõ ngách kín đáo của trái tim của thính giả, vào những hẻm hóc huyền bí của tâm hồn thính giả . Những bài có những chỗ xuống trầm như “Nhắn Gió Chiều” của Nguyễn Thiện Tơ, “Chung Thủy” của Văn Phụng, “Đừng Xa Nhau” của Phạm Duy là những chỗ để anh biểu diễn cái thiên phú, cái mê hoặc, cái quyến rũ trong giọng hát anh . Và từ đó, chúng ta có cảm tưởng mình đứng trên chiếc thạch kiều cong vòng và cao vút ngó xuống dòng sông huyền ảo chảy thiêm thiếp dưới chân cầu . Sông trải mặt nước đen như mực Long Tể mới mài trong nghiên đá và in bóng viền trăng mỏng cùng muôn ngàn tinh tú lấp lánh . Cứ mỗi tiếng trầm trong câu hát của anh như bốc ra một làn u hương, ngây ngất đậm đà như hương dạ lý ở bờ rào, như hương nguyệt quý trong khu vườn chập chùng bóng lá .







Nhiều ca sĩ tài tử tưởng bở rằng khi hát bằng giọng ngực (son de poitrine) uồm uồm như trâu gầm bò rống là mình có giọng trầm như Duy Trác . Nhưng giọng ngực chỉ có khàn mà không rền xa, không dội sâu như giọng trầm . Lại nữa, ai đó xài giọng ngực nhiều quá chỉ tổ làm cho thính giả cảm thấy ran ran ở ngực họ . Giọng trầm tự nó có chất ngọt đậm, chất nồng nàn, càng nghe thính giả càng thấy dễ chịu, còn giọng ngực khi xuống trầm chẳng những không thông mà còn làm cho khán thính giả cảm thấy nghèn ngẹn ở cổ . Ở trong ca trường nhạc giới của chúng ta xưa giờ chỉ có bốn ca sĩ có giọng trầm là Ngọc Long. Hoài Bắc, Sĩ Phú và Duy Trác . Nhưng trong bốn ca sĩ ấy, Duy Trác có giọng trầm điêu luyện và quyến rũ nhất .







Nghe Duy Trác hát, chúng ta có thể liên tưởng đến giọng hát của nam danh ca Yves Montand của nước Pháp . Anh chàng này có giọng trầm, nhưng âm sắc lại hào hoa, bay bướm, duyên dáng, đầy vẻ mê hoặc làm cho hằng triệu con tim phụ nữ phải rung động . Trong khi đó, âm sắc trong giọng hát của Duy Trác thì buồn dìu dịu, nhưng là nỗi buồn dai dẳng . Một đàng gợi nên một phiên chợ vào hội chơi xuân đầy màu sắc tươi vui sặc sỡ . Một đàng gợi nên ngôi đền trầm mặc trong bóng tà dương nhợt nhạt hắt hiu .







Sau ngày 30/4/75, Duy Trác phải đi học tập cải tạo . Nỗi lầm than cơ cực của anh trong lao tù, sức nặng của tuổi đời chồng chất trên vai trên lưng anh vẫn không cướp mất làn hơi phong phú của giọng hát anh bao nhiêu . Âm sắc trong tiếng hát của anh thì trước sao sau vậy, vẫn đẹp và vẫn đậm đà như thuở nào .







Tuy nhiên vào năm 1998, trong đĩa nhạc “Gọi Tên Bốn Mùa”, Duy Trác hát kém hơn cách đây hai năm . Giọng tuy xuống trầm khá dễ dàng nhưng không rền như tiếng sấm xa, không dầy như tảng lam thạch xây lăng miếu và không dội sâu những tiếng vọng mang mang như xưa . Chuỗi ngân của anh vẫn óng ả, nhưng chỉ gợn những nét nhăn chìm chìm chứ không gợn những nét thu ba duyên dáng như vào các thập niên 50, 60, 70 . Có phải chăng hơi anh không còn mạnh như cuồng phong bạo vũ ? Hay có cái gì xảy đến trong cổ họng anh ?







Dù sao đi nữa tôi vẫn giữ niềm tin rằng khi Duy Trác ra hải ngoại được thở bầu khí quyển khoáng đạt dưới vòm trời bát ngát và trên đất nước Hợp Chủng Quốc bao la . Nơi đây có cuộc sống thanh bình, có nhân quyền tự do và có một số đông kẻ ái mộ anh . Cầu chúc cho anh sẽ hát dài dài bằng phong độ như khi anh vừa đặt chân lên xứ Mỹ . Cầu chúc cho cái ngày giọng anh theo luật đào thải của thời gian hãy còn xa lắc xa lơ . Chẳng ai muốn gặp cái lúc anh không còn hơi hám để hát . Chẳng ai muốn chứng kiến lúc anh dùng hơi tàn để rống lên hát và để từ Duy Trác anh trở trành Duy Chát ! Mong lắm thay !







Hiện nay, khi tôi viết chương sách nầy thì Duy Trác cộng tác với đài VOVN (Voice of VietNam in Houston) phát thanh hằng ngày từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối trên băng tần KENR 1070 AM tại Houston (Texas).







Hồ Trường An




(trích “Chân Dung Những Tiếng Hát, quyển 1. NXB Tân Văn . Đông Kinh, Nhật Bản 2000)












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét