Trang

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

MAI THẢO: TA THẤY HÌNH TA NHỮNG MIẾU ĐỀN



ĐỌC THƠ MAI THẢO

 

PHAN TẤN HẢI

 


Mai thảo thường được biết như nhà văn, và là một trong những người viết nhiều tiểu thuyết nhất trong các thập niên qua. Gần đây, từ năm 1989, với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, ông lại được nhắc đến như một nhà thơ nhiều sức thuyết phục. Có lẽ, ông không làm thơ nhiều - nếu trải những bài này dọc suốt đời ông - nhưng có người đã bắt đầu nhắc tới nhà thơ Mai Thảo cũng tự nhiên như nói tới nhà văn, nhà báo Mai Thảo. Ở đây, chúng ta sẽ thử tìm hiểu một vài khía cạnh trong tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.

 

CÁC PHẦN TỬ THƠ

Nơi trang 1 là bài "Bờ Cõi Khởi Đầu", được ghi nơi phần Mục Lục nguyên văn như:

thay cho lời vào tập: bờ cõi khởi đầu, 1.

Chúng ta có thể ghi nhận sự phân biệt cách viết chữ hoa (upper case) với chữ thường (lower case) ở một số nơi để tìm hiểu thêm. Với một người suốt một đời sống chết với chữ nghĩa như Mai Thảo, hẳn nhiên không tình cờ mà chữ này hoa hay chữ kia thường. Khi chúng ta viết “Bờ Cõi Khởi Đầu” theo thói quen ngữ pháp cho tựa bài, thì đã thấy có gì không nắm được chủ ý nhà thơ; nhất là khi đọc dòng ở Mục Lục “bờ cõi khởi đầu” thì mới tin chữ thường hay chữ hoa trong tập đều mang dụng ý.

Trong tất cả các bài thơ khác, nơi chữ đầu mỗi câu đều được viết hoa, cũng trong thói quen của nhiều nhà thơ. Cách viết mỗi người, hay là cách trình bày bản văn, tức là cách xuất hiện của tác giả, còn lộ ra cách nhìn về thế giới của mỗi người viết.

Tại sao phải “bờ cõi khởi đầu” mà không là “Bờ Cõi Khởi Đầu”?

Theo Rousseau, trong Confessions, ngôn ngữ được hình thành để nói, viết chỉ là phần phụ thêm cho ngôn ngữ nói. Cho dù đồng ý với Rousseau hay không, ngay khi viết “bờ cõi khởi đầu” ta đã có thể thấy khác với “Bờ Cõi Khởi Đầu” phần chính bởi vì ta không thể thoát khỏi cách đọc, như một trong những bản chất bất khả phân của ngôn ngữ. Và vì vậy, những khoảng trống, những dòng trống trong thơ, tự thân cũng nằm trong mạch đọc của thơ; và dĩ nhiên, ngay cả những phần tử không phát âm được của ngôn ngữ, một số dấu hiệu nào đó, như các nhà thơ Beats thường dùng.

Riêng với lời vào tập, cách viết trong dạng chữ thường còn thích nghi với nội dung. Nếu gạt bỏ những chữ đã hơi sáo, thường dùng, thiếu tính trực tiếp (tức hiểu qua một lăng kính văn chương của quá khứ), như viễn phương, lục lục, trùng trùng, điệp điệp, dặm hồng, dặm biếc... (tr.1-5) để tìm nghĩa, thì một nơi, nhà thơ viết, “Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ.” (Tr.5)

Nếu đã gọi là “Tôi thơ,” thì hiển nhiên không thể có cái gọi là “bắt đầu thơ” hay “tận cùng thơ,” bởi vì không còn cái “tôi làm thơ” với cái “tôi tạm ngưng làm thơ.” Và vì vậy, các chữ “bờ cõi khởi đầu” phải viết trong chữ thường mới hiển lộ được quan điểm về thế giới của bài này. Bởi vì, ngay khi viết “Bờ Cõi Khởi Đầu” thì đã thấy có khởi đầu, và đương nhiên phải có mép bờ biên giới, có cái chi còn được gọi là chấm hết, nghĩa là không thể gọi được là “Tôi thơ.” Điều này có thể khẳng định mạnh hơn, nếu chú ý tới tất cả những chữ cần viết hoa theo thói quen (Hy Mã Lạp Sơn, Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Thôi Hiệu), Mai Thảo lại viết trong dạng chữ thường. Trong cách trình bày vào tập như cách lý giải này, nếu dùng nhiều ngôn ngữ trực tiếp hơn, thì có lẽ người đọc thông cảm hơn với ông, một thế giới không biên bờ, không phân biệt, nơi của–có lẽ–ngôn ngữ sẽ bất lực (nếu sự thật có khi nào ngôn ngữ có–lực, đây cũng là một điểm để ngờ vực). So sánh, ta sẽ thấy trong các bài khác, Mai Thảo lại tôn trọng quy ước viết hoa mẫu tự đầu cho các danh từ riêng.

Jonathan Culler, trong tác phẩm On Deconstruction, Theory and Criticism after Structuralism (Về Giải Cơ Cấu, Lý Thuyết và Phê Bình sau Chủ Nghĩa Cơ Cấu Luận), trang 103, đã ghi lại lời của Jacques Derrida (De la Grammatologie), rằng ngôn ngữ tự nhiên, chân thực... chưa bao giờ hiện hữu. Điều này muốn nói, trong chức năng phụ thêm cho ngôn ngữ nói, chữ viết trước tiên là dấu hiệu. Đối với thi ca, luận điểm này sẽ giải thích thêm được cách viết của nhà thơ.

Chúng ta thử đọc bốn câu sau ở trang 73, bài “thủy tận” (nhan viết chữ thường theo nguyên bản):

Em đi vừa khuất trên đầu phố

Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa

Đứng sững. Mới hay lìa cách đã

Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta

Điều thấy trước tiên, các mẫu tự đầu câu đều được viết hoa. Nếu chúng ta tìm đọc các nhà thơ trẻ như Khế Iêm, Đỗ Kh., thì có thể (thử giả thiết) thấy sẽ được viết trong dạng chữ thường. Cả hai cách trình bày bản văn sẽ hiển lộ những thế giới thơ khác nhau. Thử viết lại:

em đi vừa khuất trên đầu phố

anh đuổi theo sau bóng đã nhòa

đứng sững. Mới hay lìa cách đã

sơn cùng thủy tận giữa đôi ta

Và cũng giả thiết rằng người đọc đã thuộc lòng bốn câu trên, xin hãy nhắm mắt đọc lại. Chúng ta sẽ thấy người ta sẽ đọc theo hai cách khác nhau, tùy theo họ hình dung mẫu tự đầu viết hoa hoặc viết thường.

 

THỜI GIAN TRONG THƠ MAI THẢO

Trước tiên là khái niệm về thời gian–theo Kant thì thời gian và không gian là hai phạm trù tiên nghiệm, mà chúng ta luôn luôn bị gắn bó trong chính tư tưởng. Chữ hoa mẫu tự đầu, một cách tự nhiên, chỉ ra một khởi đầu và một chấm dứt. Mỗi câu, trong cách viết thứ nhất, cho dù có nghĩa nối tiếp với câu kế, vẫn tự thân là một thế giới tự đủ nghĩa (không hẳn là đủ nghĩa, nhưng là trọn vẹn), độc lập.

Trong cách viết thứ hai, sau khi đọc xong, dù là tới câu cuối, thì vẫn hình dung như còn gì chưa chấm dứt–không đơn giản chỉ vì không có khởi đầu– nghĩa là không có gì phân biệt với thời gian khi chưa đọc với thời gian khi đã đọc xong (nghĩa là có tính liên biến).

Nếu dùng chữ cho nghiêm trọng thì nơi đây hiển lộ được siêu hình học về thời gian của nhà thơ. Thời gian trong cách viết đầu là thời gian đường thẳng, chịu ảnh hưởng triết học Tây phương. Thử duyệt lại tập thơ Mai Thảo, chúng ta cũng thấy một số ngôn ngữ cho thấy điều này. Mặc dù ông cũng nói tới cõi không, Trang Tử, Nam Hoa Kinh... nhưng khi lý luận, ông lại nhắc tới hủy thể của hủy thể trở thành nhánh lúa (ảnh hưởng biện chứng pháp Tây phương) nơi trang 4, hoặc hạt thủy thể cho mầm sinh từ hạt (tr.94), hoặc bản ngã đã nhị trùng (tr.94, ảnh hưởng Freud), hoặc rải rác rất nhiều nơi là ám ảnh của cái chết–trong một phân biệt rạch ròi giữa cái không cái có.

Trong khi cách viết thứ nhì–với chữ thường cho mẫu tự đầu câu–hiển lộ một thời gian vòng tròn của Đông phương. Đọc câu đầu vẫn có thể chưa hình dung được đây là câu đầu. Đọc câu cuối, vẫn chưa chắc nghĩ đây là câu cuối. Nghĩa là không có phân biệt giữa cái ngoài thơ và thơ. Nghĩa là thơ như một dòng sống chảy.

So sánh trong cách nhiều hình ảnh, thì cách viết thứ nhất (và nhà thơ Mai Thảo trong trường hợp này) như những tấm ảnh rời nối tiếp nhau. Và cách viết thứ nhì gần giống với cinema hơn. Điều này không hoàn toàn liên hệ gì tới việc thơ hay hoặc thơ không hay, nhưng giúp người đọc tiếp cận hơn với của thế giới của bản văn. Nói cách khác, lý luận này có thể giúp đi tìm rõ các phần tử thơ của người viết.

 

NGÔN NGỮ PHẦN MẢNH

Cũng lấy bài thơ trên, chúng ta thử đọc lại câu thứ ba:

Đứng sững. Mới hay lìa cách đã

Cũng trong cách nhìn ngôn ngữ như dấu hiệu, thì câu vừa viết đã trở thành tám (8) chữ, không còn ở thể thất ngôn. Dấu chấm sau chữ sững đã trở thành một chữ câm, nhưng mang hẳn một tác dụng khác với trường hợp không có nó, hoặc với trường hợp dấu phết. Điều có thể thấy, dấu chấm nơi đây không nằm trong mạch ngữ pháp thông thường. Thử viết theo thói quen ngữ pháp:

Đứng sững, mới hay lìa cách đã

Trường hợp này, các dấu chấm câu (punctuation) sẽ chỉ giữ vai trò làm sáng sủa nghĩa câu văn. Nhưng thử đọc một lần nữa theo cách sau, với dấu chấm đứng đầu toàn câu:

.Đứng sững, mới hay lìa cách đã

Dù có đọc được dấu chấm ở đây hay không (tức một dấu lặng dài hơn dấu phết) thì dấu này trở thành một phần tử gắn liền với thơ, tức ngoài chứa năng làm sáng sủa của ngữ pháp. Tương tự, với cách đơn giản hơn, dấu chấm sau chữ sững cũng mang một tác dụng gắn liền với thơ, không hoàn toàn giữ một vai trò văn phạm.

Tới đây thì sự tham dự của người đọc vào bản văn sẽ rõ ràng hơn, và có thể tác dụng sẽ ở ngoài dự liệu của chính nhà thơ, và vì hiển nhiên mỗi người sẽ đọc bản văn theo cách riêng của chính mình, không dùng văn phạm như thói quen chuyên chở ý nghĩa.

Mai Thảo, ngay trong cách viết văn cũng vậy, cũng thường cố ý đặt những câu không đầy đủ, có tính phần mảnh. Chúng ta gặp những cách dùng này rất nhiều trong các bài “Sổ Tay Mai Thảo” trên báo Văn mỗi tháng. Và điều này hẳn nhiên có dụng ý hẳn hoi. Chúng ta ở đây không có ý phê phán điều này là hay hoặc không hay, nên hoặc không nên, nhưng chỉ tìm cách khảo sát ngôn ngữ của ông.

Ngôn ngữ, khi tách rời thói quen ngữ pháp, sẽ mơ hồ, dễ (bị/được) hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau (Nhưng có thực ngôn ngữ viết chỉ là để cho hiểu được chỉ một nghĩa, trong khi ngôn ngữ viết vẫn liên tục tìm nỗ lực để tự phá hủy chính mình; bởi vì nếu không, ngôn ngữ viết sẽ chỉ duy nhất chức năng truyền thông, như những dòng chữ quy định sẵn phóng lên từ máy điện toán.) Một thí dụ thường được nhắc đến, để rõ nghĩa này, như câu sau không nhớ của ai: Chàng mặc áo. Cụt tay. Ở đây, chàng cụt tay, hay áo cụt tay? Dĩ nhiên, nếu đặt vào mạch văn, một toàn cảnh đưa tới câu này, chúng ta có thể biết rõ chàng hay áo cụt tay. Dich Perry cũng thích đưa một thí dụ tương tự: He took a cigar from his pocket and lit it. (Chàng móc điếu xì gà trong túi ra, và đốt nó) Câu ông muốn hỏi là, đốt cái gì, điếu xì gà hay túi áo? Tuy nhiên đó một thí dụ cực đoan giải thích được chức năng làm sáng sủa của văn phạm. Nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ–nói hoặc viết–vẫn

tự

thân là ái

gì ẩn

tối.

Đó là chưa nói tới chuyện ngôn ngữ viết–tức văn chương, xin quên hẳn thứ ngôn ngữ toán học, chính trị...ở đây–vẫn luôn luôn tìm những lối ngõ tự vượt chính mình.

Nhưng thơ Mai Thảo không có gì bí hiểm, ẩn tối như nhiều nhà thơ khác. Ông có lẽ sẽ là nhà thơ cuối cùng của dòng thơ mới Việt Nam – chữ mới dây mang nghĩa thường dùng từ thời tiền chiến, có lẽ người xưa dịch chữ này từ chữ modernity – hoặc sẽ có thể là người đứng giữa dòng thơ mới (trong nghĩa trên) với các nhà thơ thế hệ sau (giả thiết những người sau đang bước vào trong ngôn ngữ hậu đại, postmodernity).

 

VÀI ĐẶC TÍNH CỦA THƠ MAI THẢO

Tại sao lại đặt ông trong dòng thơ mới, trong khi nhóm Sáng Tạo của ông lại tìm cách vượt qua những ngôn ngữ này? Chúng ta có thể thấy những ngòi bút trong Sáng Tạo khác hẳn với văn phong thời tiền chiến, mỗi người đều có ngôn ngữ riêng. Nhưng tinh thần chung vẫn trong một hướng nhìn của chủ nghĩa hiện đại (modernism). Thơ mới Việt Nam (tức thơ tiền chiến) và Tự Lực Văn Đoàn là các cậu thanh niên con đẻ của tư tưởng này. Văn học mác-xít và hiện sinh cũng là các người con khác của tư tưởng hiện đại.

Ngôn ngữ thơ Mai Thảo không rời được truyền thống trên. Trước hết ông nhiều chất Tây phương hơn Đông phương. Cho dù vẫn nói về Nam Hoa Kinh, về cánh bằng Trang Tử, về cái không, nhưng tất cả chuỗi các câu thơ đều theo một trật tự luận lý.

Trật tự về hình thức thì là lục bát (trong tập có 2 bài), thơ thất ngôn (đa số trong tập), thơ tự do (cũng có vần điệu). Thí dụ như một bài không hạn định số chữ như sau (“cái quần rất cũ,” tr.72):

Những chiếc jeans bóng loáng dẫy khuy đồng

Treo dưới nắng cùng sarong sặc sỡ

Giữa vải lụa trăm mầu mới mở

Một cái quần rất cũ

Theo người vào sinh tử

Vẫn hàng ngày âu yếm đem phơi

Còn trật tự về nội dung? Cũng thí dụ với bài trên và cả bài trích dẫn ở phần đầu, chúng ta ghi nhận tác giả chuyển ý rất mạch lạc, kể sự theo một dòng chảy hợp luận lý, không có gì khó hiểu. Mai Thảo bị ám ảnh bởi tính sáng sủa của lý trí. Ông không thể viết được sự rối loạn của tâm thức con người, lý do vì tư tưởng hiện đại là đứa con của lý trí, của hãnh tiến khoa học. Ngay cả những nỗ lực khai phá thế giới phi lý của tư tưởng hiện sinh cũng là những vùng vẫy trí thức, hợp luận lý khi bắt đầu trực nhận được thế giới đang trôi tuột ra khỏi các giải thích khoa học.

Thế giới thực sự ở ngoài khoa học, ngoài lý luận, trong quan điểm tư tưởng hậu hiện đại. Người ta có thể lấy khoa học giải thích thế giới, nhưng họ không thể tin được rằng họ đã nắm bắt được sự thật của thế giới. Anh có thể giải thích khoa học mọi hiện tượng, nhưng anh không thể nói đó là sự thật.

Vì vậy, trong cách nhìn sau này, tiểu thuyết không cần có khởi đầu và cũng không cần có chấm dứt (như trường hợp meta-fiction), bởi vì chuyện ngoài đời thật sự thì không đầu không cuối. Một cuốn sách trong quan điểm này luôn luôn là cuốn sách mở. Và người đọc thì tùy nghi, muốn đọc ngược từ trang cuối về trước cũng được, nếu thích, bởi vì nó tự là cuộc đời trước. Và, chẳng hạn, bạn có thể đọc thấy thiên thần hạ cánh trên phố New York bắt tay một cậu bé, có hề gì đâu.

Và thơ dĩ nhiên cũng không có dòng đầu dòng cuối, và có thể cả những chữ không phát âm được (thí dụ *, &, , #, @, vân vân) mà cũng chẳng sao. Bỏ qua chuyện hay với dở ở đây, thì đây đã hoàn toàn là một thế giới mới, ở ngoài trật tự khoa học.

 

NGÔN NGỮ VỀ TÍNH PHÁI

Một điểm nữa trong thơ Mai Thảo là ông viết về nữ phái rất trân trọng, kín đáo. Người ta không đoán được nhân vật nữ trong thơ ông ngoài đời thực là ai. Trong 92 bài thơ trong tập, chúng ta chỉ gặp hình bóng phụ nữ trong 6 bài. Ít đến phải ngạc nhiên.

Trong 6 bài trên, gạn lọc cho kỹ thì còn ngờ vực thêm, như chữ “em” trong một vài chỗ có thể là “em ruột” hoặc không chỉ minh bạch. Thí dụ bài “Mừng Tuổi,” trang 37:

Em vẫn trăm xuân mừng tuổi mới

Tuổi của thềm sương tuổi chúng mình

Cùng lăn không tiếng về nơi ấy

Tăm cá không còn cả bóng chim

Nếu bỏ những bài mơ hồ như trên, thì hình ảnh phụ nữ chỉ còn trong bốn bài, “em đã hoang đường từ cổ đại,” (tr.21) “thủy tận,” (tr.73) “cúi đầu,” (tr.77) “chỗ đặt,” (tr.99).

Nếu tính những mối tình trong quá khứ của Mai Thảo – như có người kể – thì với bốn bài (gọi là thơ tình) phải gọi là quá ít. Nhưng nếu gọi là thơ tình thì có lẽ thật sự chỉ một bài, “em đã hoang đường từ cổ đại,” vì ngôn ngữ ở đây trực tiếp hơn, rõ ràng hơn các bài khác. Thử trích hai đoạn trong bài này:

...

Em đã hoang đường từ cổ đại

Anh cũng thần tiên tự xuống đời

Đôi ta một lứa đôi tài tử

Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi

 

Đứng khóc dẫu mưa là nước mắt

Đứng đau dẫu đá cũng đau buồn

Tâm em là Bụt tâm anh Phật

Trên mỗi tâm ngời một nhánh hương

Mai Thảo vốn đã ít lời cho phụ nữ, nhưng khi mở lời thì lại bước ngược trở vào thế giới của tiền chiến. Chúng ta gặp những ngôn ngữ và hình ảnh quen thuộc (hoang đường, cổ đại, thần tiên, lứa đôi, tài tử, ngự, thiên thần, ngôi, mưa là nước mắt, đá đau buồn, ngời nhánh hương). Đếm lại, những bài thơ xuất sắc của ông hầu hết nói về cô đơn, tuổi già. Và nếu so với các nhà thơ thế hệ sau, thì ngôn ngữ ông thiếu trực tiếp hơn (như Đỗ Kh. với “Tôi Thích Đĩ,” chẳng hạn.

Bài duy nhất hơi nghịch ngợm của Mai Thảo là “chỗ đặt,” tr.99

Đặt tay vào chỗ không thể đặt

Vậy mà đặt được chẳng làm sao

Mười năm gặp lại trên hè phố

Cười tủm còn thương chỗ đặt nào

Có lẽ người đọc trẻ sẽ mong đợi hình ảnh hung bạo hơn, chẳng hạn loại cấm trẻ em dưới 17 tuổi cho thêm phần gây cấn. Vấn đề tại sao chỉ nói về bàn tay của mình, mà không nói về phần thân thể khác, thí dụ như chỗ đặt chân... Có gì kém thơ mộng hơn?

Ông cũng tránh gọi thẳng tên người phụ nữ, và cũng không đặt một tên khác, như Mary, Lisa... Nói gọn, trong thơ về phụ nữ, ông không dùng ngôn ngữ trực tiếp và tránh làm cho họ bị nhận diện. Họ là cái gì trong sương khói, mơ hồ. Đây là một thái độ nho gia hơn là cách xử thế của người Tây học. Không phải là chuyện kỳ thị phụ nữ (vì ông đã rất trân trọng đặt nàng lên ngôi rồi).

Đứng về phương diện nữ quyền thì đây là một thiếu sót và hơi bất công. Trong khi ông nói về ông một cách cụ thể (Đời ta sử chép cả ngàn chương), viết về những người bạn ông (Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Ngọc Dũng...) một cách cụ thể, nói về những vật dụng của ông (sách một dẫy nằm trơ trên giá, điếu thuốc tàn không rụng, trà đựng trong bình trí nhớ câm, giá rựu, chai Jack Daniels, bộ đồ cũ ấm trà pha, tựa lưng vào vách tường thân thuộc...) một cách gần gũi và cụ thể, thì ông đẩy những người phụ nữ vào cõi khói sương. Họ là cái gì rất phụ thuộc, ít nhất cũng là trong tập thơ này–có lẽ, và có thể, chỉ là một giây phút nhói tim, và rồi lui trở về ngôi hoang đường cổ đại, và hình như không có da thịt.

Phải chăng ông còn những giọt lệ dấu đi?

 

ĐỂ KẾT

Khối lượng tiểu thuyết của Mai Thảo đồ sộ hơn những dòng trong tập thơ mỏng này, nhưng nhiều người tin Mai Thảo sẽ được nhớ tới nhiều hơn, và gây ngạc nhiên hơn, với những trang giấy mỏng manh này.

Có người tin rằng với tập thơ này, Mai Thảo đã hiên ngang bước vào thế giới thi ca, thử mượn chữ Mai Thảo ở đây, một cách hiển lộng, rực rỡ, để làm trong hơn một dòng suối, làm xanh hơn những vầng mây, và làm cao hơn những bầu trời. Có đúng như vậy không? Và có phải đó là thành tựu của một con chim đầu đàn trong Sáng Tạo?

Trong niềm tin rằng, Sáng Tạo trước kia, và bây giờ Mai Thảo–với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền–đã tìm được một ngôn ngữ mới, khác hẳn với Tự Lực Văn Đoàn và những người thơ tiền chiến (những người có công làm sáng sủa, đẹp đẽ chữ Việt), và thực sự đó là những ngôn ngữ mới, khác hơn, thì chúng ta thấy đó cũng chỉ là kết thúc một chặng đường. Nghĩa là khép lại một trang sử của văn học hiện đại (modernity) Việt Nam. Nghĩa là sau ông sẽ là một trang sử khác. Phải chăng, và đây cũng là công lớn nhất, Mai Thảo chính là người đã đứng lên, điềm tĩnh đưa cả gần trăm năm văn học hiện đại Việt Nam lên giá sách, và đưa tay chúc mừng những người em đang vật vã với giấy mực–và dĩ nhiên không có quyền và không thể là giấy mực của hôm qua.

 

PHAN TẤN HẢI

MAI THẢO:

TA THẤY HÌNH TA

NHỮNG MIẾU ĐỀN

  

NGUYỄN MẠNH TRINH

 

 

 

LTS: Để kỷ niệm mười năm ngày giỗ nhà văn Mai Thảo, chúng tôi chọn đăng bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh như một nén hương tưởng nhớ đến ông.

 

Có một người làm thơ, đã khắc trên bia mộ của mình bài thơ tứ tuyệt:

 

“Thế giới có triệu điều không hiểu

càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao khi đã nằm trong đất

Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”

   

Bài thơ nhan đề “Không hiểu”. Mở ra với cái hữu hạn của con người và đóng lại  với  cái  vô hạn  của cuộc sống. Có mấy ai thông kim bác cổ hiểu được tất cả sự việc? Dù, cả khi cuối đời, khi đã trải đủ ngọt bùi đắng cay của kiếp nhân sinh? Chỉ, khi đã nằm trong ba tấc đất, nhìn ngôi sao sáng để đọc được cái lẽ huyền vi của  đất trời. Chữ “chẳng sao” trong câu thơ, ý lạnh lùng, nghĩa thản nhiên, có một chút mặc kệ, biểu lộ cái tâm cảm an nhiên của một người sẽ phải đáp chuyến đi vào vô tận. Cuộc hành trình ấy, có khi xa xăm như ngôi tinh đẩu kia nhưng lại đôi lúc gũi gần như cái chết dần trước mặt. Thơ như trải ra nỗi niềm của một người thấy được cái hư vô của đời người.Thơ không đóng lại mà mở ra cõi tâm linh của một người có đôi mắt luôn vọng về một cõi xa, của tâm thức muôn đời vời vợi...

Có một người viết văn, coi việc cầm bút là làm đẹp cho đời, mang chữ nghĩa để biểu tỏ tấm lòng thiết tha yêu đời yêu người. Những truyện ngắn có những trang tùy bút đẹp, những truyện dài của tiểu thuyết tình yêu có nét lãng mạn riêng mang nét đặc thù mot mình một chiếu. Người ấy, đã là chủ nhiệm Sáng Tạo, mang một không gian mới cho khí hậu văn học Việt Nam, cũng như chủ nhiệm tạp chí Văn ở hải ngoại, hình thành một thời kỳ văn chương sôi động và phong phú của những người lưu vong của thập niên 80. Những bước chân khởi đầu cuộc hành trình vào những phương trời còn hoang vu của văn chương chữ nghĩa…

Có một người trong suốt cuộc đời mình tuy quảng giao, nhiều bạn nhưng lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, như một người luôn đi tìm kiếm cái vô cùng nhưng cuộc đời thì còn nhiều hữu hạn. Người ấy, tự nhận là mình không thành công trong tình ái nhưng lại có nhiều giai thoại tình yeu đặc biệt. Trong cuộc đời, có những nét khác người, cả về văn chương lẫn nếp sống …

Người ấy, là nhà văn Mai Thảo.

Bức thư của nhà văn Nguyễn Đình Toàn khi còn kẹt lại trong nước gửi tay cho ca sĩ Duy Trác mang sang Hoa Kỳ  cho tác giả “Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời” mà Nguyễn Xuân Hoàng trong Sổ Tay  của tạp chí Văn đã trích dẫn  cho thấy một nét đặc thù của một chân dung văn học hàng đầu:

 “..Tao có đọc mấy bài thơ “quỷ quái" của mày. Tất nhiên làm gì có đủ mà đọc hết. Vứt mẹ nó hết những cái gọi là ý nghĩa sự đời đi. Cái đặt được tay vào chỗ không thể đặt là đủ sướng rồi. Nhất là hôm gặp lại… nghe bả khen thơ mày , càng thích Nhưng bày đặt làm thơ làm gì cho khổ cái thân già..

.. Ông Lý vừa tới chơi.Nghe tao định viết thư cho mày, ổng gửi lời thăm. Vẫn chưa chừa bệnh văn chương. Ông bảo viết về Mai Thảo thật khó. Tao có bảo với ổng, coi như mỗi thằng viết văn có một mảnh đất , chữ nghĩa của nó là cỏ. Hễ nó lấp đầy được mảnh đất thành một bãi cỏ xanh là đủ, mặc mẹ những chỗ lồi lõm. Cái hay của Mai Thảolà nó viết một chữ cũng Mai Thảo, một câu cũng Mai Thảo. Thế là quá đủ rồi..”

Quả thực, cõi văn chương của Mai Thảo có một phong thái riêng, ngất ngưởng một mình một chiếu. Và cũng có nhiều người bắt chước theo nhưng không phải là con người Mai Thảo và cũng không là tâm tình Mai Thảo nên ít thành công. Chữ nghĩa văn xuôi của tác giả những “Đêm Giã Từ Hà Nội”, “Căn Nhà Vùng Nước Man”, “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời”.. là ngôn từ đẫm chất thơ nhưng lại cố tâm xử dụng để không còn là một  thể  loại trang hoàng mà tạo thành một bản chất văn chương  tạo thành ấn tượng. Đọc lại những đoạn văn tả tình tả cảnh, thấy man mác những không gian thời gian, bàng bạc những cảnh thổ, những nỗi niềm.

Nguyễn Tuân đã nâng nghệ thuật viết tùy bút lên một bực khi viết những trang  sách  phản  ánh một thời đã qua cũa những con chữ lấp lánh ánh  nắng  hoàng hôn của hồi tưởng. Có sự cầu kỳ, có chút làm dáng nhưng tất cả là kết tinh của trân trọng chữ nghĩa nâng niu văn chương. Còn với Mai Thảo, tất  cả đều là thơ,  từ những câu văn thật dài hay những câu thật ngắn, có lúc như những lời cộc lốc, có lúc trầm bổng như ngầm chứa biển cả tiết tấu bên trong. Cái mục đích duy nhất là làm đẹp, đẹp cho đời sống và đẹp cho văn chương. 

Cái chủ đích duy mỹ ấy, đã tạo thành những mẫu nhân vật đẹp, những tâm tình đẹp, nhiều khi hiếm hoi trong đời. Từ nội dung suy tưởng đến hình thức diễn tả, là những dấu ấn mà Nguyễn Đình Toàn đã gọi là “một chữ cũng Mai Thảo, một câu cũng Mai Thảo”.

 Trong những tập truyện ngắn của mình, Mai Thảo đặc biệt thích tập “Bản chúc thư trên ngon đỉnh trời “. Trong khi trả lời câu phỏng vấn của Jane Katz   “Artists in Exile”, ông đã nói đại ý là nhân vât của ông đã khám phá ra một điều là những kẻ đã đạt tới đích đều tầm thường , những cái đạt được cũng tầm thường như vậy. Cho nên để Ngọn Đỉnh Trời mãi mãi vẫn là một bí mật, là thần tượng không bao giờ có thực, là cái đích luôn luôn treo trước mặt nhưng  không bao giờ vươn tới , nhân vật ấy không muốn bước tới và chọn sự ra đi : “leo  lên cho được một đỉnh núi cao nhất phương Đông nhân vật của ông muốn biết đình núi ấy cao bao nhiêu, ông đang đi tìm một thứ chân lý tuyệt đối và cũng là hạnh phúc.  Nhưng khi đã đặt chân lên đến đỉnh cao, lại là một cảm giác tuyệt vọng bởi ví đã khám phá ra rằng chân lý tuyệt đối chẳng bao giờ có thực và đạt tới được…” tâm lý hoài nghi có lẽ là của một người luôn đi kiếm tìm hạnh phúc như tác giả “Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời" chăng?

Những tập truyện ngắn khác như  “Tháng Giêng  Cỏ Non”, “Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật”, ““ Căn Nhà Vùng Nước Mặn”,… lại là những thành công về nghệ thuật dù trên phương diện thương mại có số bán không bằng hoặc ít tái ban như các tập truyện dài “Khi Mùa Mưa Tới “, “ Cũng Đủ Lãng Quên Đời” , “Mười Đêm Ngà Ngọc", “ Mái Tóc Dĩ Vãng","Tới Một Tuổi Nào”…

Những truyện ngắn, biểu lộ tính duy mỹ và duy cảm rõ rệt. Trong hình ảnh, đay ấn tượng. Trong ngôn ngữ, đầy cảm xúc. Ở thể loại truyện ngắn gần như tùy bút,  văn phong được chuốt lọc  tạo được nhiều đoạn tả tình hay tả cảnh đặc sắc.  Đọc “Người Thầy Học Cũ", đọc “ Chuyến Tàu Trên Sông Hồng”, đọc “Người Đàn Bà Trong Vòng Đai Trắng”, thấy được cái không gian lồng lộng của vô biên cũng như những  tâm tình rất Việt nam ẩn sâu trong văn mạch.

Có người cho rằng văn chương Mai Thảo đầy chất viễn mơ và quay lưng với thực tại của Việt Nam với những thời kỳ đầy máu lửa. Những truyện dài kiểu tiểu thuyết “ feuilleton” đăng hàng ngày có thể làm  bố cục tác phẩm lỏng lẻo hoặc có thể trùng lặp từ ý tới lời. Đề tài tình yêu vẫn là một đề tài ăn khách và những nhân vật của ông sống trong một môi trường khó có thực trong đời thường.  Nhưng cái nét đẹp của thơ cùng với cái bềnh bồng lãng mạn  của những người thích rong chơi đã thành một nét quyến rũ người đọc. Trong một xã hội chiến tranh, cũng cần sự quân bằng . Bên cạnh thực tại   của đất nước toàn những biến cố dẫy đầy chết chóc, bom đạn thì cũng cần có những mối tình lãng mạn, có nét  đẹp như chuyện tình   cổ tích  xưa kia. Nhân vật, môi trường , phong cách , rất đặc biệt Mai Thảo ,  mà trong bất cứ dòng chữ nào độc giả  cũng dễ dàng nhận thấy.  Có thể là ở những quán rượu , những vũ trường , có thể là những cơn say, là những nỗi buồn, nhưng tình yêu ấy vẫn có nét trong sáng và ít chất nhục dục. Mai Thảo đã viết trong tâm thức  lấp lánh tin yêu về tình người , tin tưởng cái đẹp và sự chân thực. Văn xuôi là để chở chuyên theo những mơ ước  của lãng mạn thi ca. Trước sau , ông vẫn là một người làm thơ, dù chỉ in có một tập thơ độc nhất. Viết văn là làm thơ . Viết tùy bút cũng là làm thơ .   Viết “ Tùy Bút “ cho   báo “Khởi Hành" ở trong nước hay “Sổ tay" cho  tạp chí  Văn ở hải ngoại  cũng là một cung cách  làm thơ . Với ông, đang sống và đang thở cũng là đang làm thơ. Thơ, như mạch sống còn . Thơ như thực phẩm để dinh dưỡng trí tuệ. ..

Đọc “Đêm giã từ Hà Nội”, để thấy một sự lựa chọn. Bỏ lại thành phố đầy kỷ niệm dưới chân , để bắt đầu cho cuộc sống mới. Hết rồi, cái thuở đeo bạc đà đi kháng chiến lang thang ở khu Tư. Bây giờ, khởi hành cho một đoạn đường mới.  Tâm tình của người sắp sửa rời xa như luyến nhớ tha thiết  những gì bỏ lại sẽ mất mat vĩnh viễn. Những câu văn, những dòng chữ, là tiếng xé lòng , là nỗi niềm mênh mang ứa lệ:

“Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội ,  mà  Hà  Nội hình như đã ở bên kia… Nhìn xuống Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao.  Anh nhìn xuống vực thẳm Hà Nội ở dưới ấy…”

Vực thẳm ở dưới ấy, là cuộc giã từ không hẹn ngày về, của chuyến bay chót sau một trăm ngày đình chiến và Hà Nội sẽ đổi chủ ,  sẽ mất đi những bóng dáng , những kỷ niệm cũ…

Ở hải ngoai  Mai Thảo viết “Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt nam”. Từ tác phẩm này, lại khám phá được một góc cạnh của tình cảm ông. Với bằng hữu văn  chương, ông là ngươi chí tình. Trong đời thường, ông là một người quảng giao và được yêu mến. Với những người bạn, ông viết bằng tình cảm hồn hậu chân thành.  Qua những biến cố cuộc đời, với hơn mấy chục năm có mặt liên tục trong văn đàn suốt chiều dài của hai chục năm văn học miền Nam  và gần ba chục năm văn học hải ngoại, những chân dung mà ông phác họa đã có nét sinh động lạ thương và phản ánh được những thời kỳ thăng trầm của văn học và lịch sử.  Viết về Vũ Hoàng Chương, hay viết về Thanh Nam,về Nguyên Sa  hay Võ Phiến , về Túy Hồng hay Trùng Dương, .. tất cả nhắc lại những kỷ niệm đẹp , những chân tình. Ở ngoài đời , có thể tác giả “Sống chỉ một lần”  hay phê phán trong cuộc rươu và nhiều người phật ý nhưng tuyệt nhiên trong văn chương , ông không bao giờ dùng ngòi bút làm đao kiếm thành vũ khí cho những chiêu thức triệt hạ người khác. Với tất cả , từ bạn hữu cùng lứa đến người viết thuộc thế hệ sau, đều là ấm áp tình cảm , là những dòng chữ trân trọng không có chút ý tư riêng móc nghoéo.  Điều ấy , chính làm cho các người trẻ hơn ông coi ông như một người anh cả đáng kính trọng và thương mến…

Từ khi làm tạp chí  Văn, Mai Thảo viết  Sổ Tay  và   là  một  loạt bài viết mang chất độc đáo nhất  của tạp chí. Đề tài không nhất định, ông viết với tâm cảm thực của mình nên có người đã cho rằng như là một nhật ký của tháng ngày văn học ở Việt Nam hải ngoại. Ông đề cập tới người và việc, tác giả và tác phẩm , của một người đã mấy chục năm cầm bút nên có sức thuyết phục  cao . Hơn nữa, với cái tâm trong sáng , người đọc dễ chia sẻ với người cầm bút  cũng như hiểu biết được phần nào sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ. Một điều làm những độc giả dài hạn của tạp chí Văn cảm động là phong bì gửi báo với label do chính ông viết hàng tháng. Những hàng chữ viết ngay ngắn nắn nót là một trân trọng đến từng đợc giả. Khi báo về, trong căn phòng nhỏ, hàng chồng sách dưới chân, trên ban viết tới khuya , hàng trăm label được nắn nót viết.  Cứ thế mỗi đầu tháng. Có những bạn trẻ, đề nghị viết giùm hoặc dùng hệ thống computer để in nhưng ông từ chối . Ông muốn trong một việc tưởng như nhỏ nhoi ấy nhưng chứa đựng tấm lòng  với văn chương và độc giả của ông.

Nhà xuất bản Văn Khoa  ở hải ngoại của giáo sư Đỗ Đình Tuân đã in cho  ông  hai cuốn sách tiêu biểu và đặc sắc. Một là tập Chân Dung Tác Giả  đã đề cập ở trên  , hai là tập thơ “ Ta thấy hình ta những miếu đền”. Tập thơ  độc nhất trong danh sách hơn bốn chục truyện dài và hai chục tập truyện ngắn. Thơ của một người làm thơ nhưng yêu thơ như với một tôn giáo cuồng tín nhất. Dù :

“Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tận cùng . Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ" ( Bờ cõi khởi đầu).

Ta thấy  hình ta những miếu đền.  Có phải là những câu cuồng ngạo của một người  tự đắc nhìn vào gương ngắm mình và tự vái mình?Nhiều người đã nghĩ thế. Nhưng, nếu đọc kỹ, thì ngược lại. Trong thấp thoáng tư tưởng của Trang Tử từ  Nam Hoa Kinh, những câu thơ như là một chứng nghiệm của cuộc sống . Giữa hai bờ cực tiểu và cực đại , giữa có và không,  con người  phải vượt qua những mâu thuẫn để  đạt được cái nhìn “ huyền đồng “ , chan hòa cái lẽ “Một”,  để không còn  băn khoăn suy nghĩ về còn mất, có không, về  cái thật lớn hay điều cực nhõ,về cái chính mình hay là kẻ khác…

 

“Ta thấy hình ta những bảng đường

Đời ta, sử chép cả ngàn chương

Sao không hạt cát sông Hằng ấy

Còn chứa trong lòng cả đại dương…”

 

Có thể nói rằng cái ta được đạt tên đường , cái ta sử chép hay cái ta hạt bụi cái ta tầm thường cũng chỉ là một . Vì hạt cát nhỏ bé thế kia mà chứa đựng cả đại dương bên trong thì phân biệt làm gì  giữa cá Côn, chim Bằng với  con ve  sầu, chim Cưu  như Trang Tử đã luận .

Và :

 

“… ta thấy hình ta những miếu đền

Tượng thờ nghìn bệ  những công viên

Sao không , khói với hương sùng kính

Đều ngát thơm từ huyệt lãng  quên.

Ta thấy muôn  sao đứng kín trời

Chờ ta, Bắc đẩu trở về ngôi

Sao không , một điểm lân tinh vẫn

Cháy được lên từ đáy thẳm khơi

Ta thấy đường ta Chúa hiện hình

Vườn ta Phật ngủ , ngõ thần linh

Soa không , tâm thức riêng bờ cõi

Địa ngục ngươi là , kẻ khác ơi!..”

  

Những chính đề và phản đe cứ nối tiếp nhau. Chữ “sao không”, dùng như một ý phủ định,  lột tả đươc một tâm trạng. Miếu đền, tượng thờ đường bệ hay huyệt đất bình thường cũng chỉ là một, với hàm ý lãng quên. Cũng như ngôi Bắc Đẩu của trời tinh tú, hay  vệt lân tinh nhỏ nhoi cũng là một . Hay  ý Chúa, tâm Phật với tâm thức con người cũng chỉ là một  mà thôi.

Những đoạn thơ tiếp, trục đất ngừng, trục trời ngưng, hay hạt bụi nhỏlàm vòng quay phải đứng dừng lại . Hoặc sáng ngày, tối đêm với “thuở chim hồng rét mướt bay” làm nhật nguyệt tăm tối cũng giống nhau không phân biệt. Rồi cả nhân loại khóc òa   hay một mình ta khóc cũng chỉ duy nhất là huyết lệ.

Và kết luận :

 

“ .. Ta thấy rèm nhung khép lại rồi

Hạ màn , Thế kỷ hết trò chơi

Sao  không, quay gót tên hề  đã

Chán một trò điên diễn với người.

Ta thấy ta treo cổ dưới cành

Rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh

Sao không, sao chẳng không là vậy

Khi chẳng còn chi ở khúc quanh.”

 

Sao không.. Sao không . ..Những vấn nạn nối tiếp nhau, để càng thấy mênh mông hơn cái biên giới giữa cực tiểu và cực đại, giữa có và không, giữa còn và mất.  Có phải, rốt cuộc tất cả chỉ la hư vô,  hay trong tận cùng, con người phải tự giết mình đi để phục sinh. Sao  lại không nhỉ ? chúng ta hãy đọc những câu thơ:

“..Lên từ tầm cao đóa hoa kia đội những mũ ngọc sương mỗi sớm mai mỗi nở ở chân tường. Lên tới những hình cây lìa mặt đất cây lên mỗi vòng gỗ chồng dần từng tuổi gỗ. Lên tới những đầu cành đã gió múa và tầm của gió ở trên tầm của nắng. Tới những mái nhà dựng hết lá mùa rụng. Tới những cột thu lôi thu hết lửa của trời. Tới những triền núi đá chất ngất dựng thành từ cổ đại , ngọn hy mã lạp sơn  con chim bằng trang tử bay suốt nam hoa kinhkhông tới đậu được một lấn nào. Và cao hơn đỉnh hy mã , những trần mây khinh thanh . và trên những thượng tầng xanh là những vũ trụ sao, nơi hằng hà những hành tinh và những định tinhtên mái tên hỏa tên kim xuống tới ngươiphaỉ bằng đường đi của trăm triệu năm ánh sáng.

Trên nữa là không. Cõi không. Không còn gì nữa hết..”

Những câu thơ với những hình ảnh tiếp nhau hiện ra, chồng lên nhau , như hình ngọn tháp , để rồi tất cả chỉ là không , kể cả những Trang Tử, những Nam Hoa Kinh , những Hy Mã Lạp Sơn, ..không viết hoa , không phải là danh từ riêng nữa mà trở thành  ngôn ngữ của   danh từ chung. Và ở tận đỉnh, chặng cuối của những hình ảnh tiếp nhau đến chóng mặt , là không , là không còn gì nữa hết .

“Có  lúc" , người thơ  bật ra một thái độ   nửa ù lỳ với cuộc đời ,  nửa thách đố bất cần với mệnh số :

“Có lúc nghĩ điều này điều nọ

cảm thấy hồn như một biển đầy

có khi đếch nghĩ điều chi hết

hệt kẻ ngu đần cũng rất hay”

Chữ “đếch" theo tôi nghĩ rất đắt. Nó chở  chuyên một  tâm cảm và một thái độ. ..Vào câu thơ ,tạo  cảm giác rất mạnh. Ngang tàng và truyền cảm nữa.

Mai Thảo có những bài tuyệt cú xuất sắc . Cái  tâm cảm cô đơn,  như  mỗi ngày đếm mãi nỗi buồn :

 

“mỗi ngày  một gạch mỗi ngày giam

lên bức tường câm cạnh chỗ nằm

gạch miết tới không còn chỗ gạch

 gạch vào trôi dạt tới nghìn năm”

 

 ngậm ngùi, thơ như tiếng mưa từ quá khứ vọng về. Từ tháng năm chất chồng nỗi u hoài  của những đêm thức trắng nghe nước ẩm giọt  xuống tâm tư:

 

“Đôi lúc những hồn ma thức giấc

làm gió mưa bão táp trong lòng

ngậm ngùi bảo những hồn ma cũ

huyệt đã chôn rồi lấp chửa xong”


 Tâm tư cô đơn xót đau ấy có lẽ những người trẻ hơn khi đêm khuya đưa ông về phòng đã chứng kiến.Nhà văn Tuấn Huy, một người hay đưa ông về lúc canh khuya kể lại những giây phút ấy:

“.. Chiếc chìa khóa nhỏ được móc ra từ đáy túi. Giơ lên run rẩy dưới ánh sáng của ngọn đèn nhỏ lờ mờ… cuối cùng mới trúng ổ. Cửa mở. Vẫn là một căn phòng cô đơn lạnh lẽo. Mùi ẩm mốc của những gờ tường như mùi củi mục giữa lòng đêm. Anh loạng choạng bước vào. Đèn phòng bật sáng. Những kệ sách đầy kín. Những bức tran , những khung hình thờ ơ , câm lặng. Chợt bàn tay trái của anh xô mạnh đống giấy tờ bừa bộn. Anh mất thăng bằng, té bổ ngửa ngay trên chiếc ghế dựa giữa bàn viết.  Tôi hơi hoảng hốt đỡ anh lên. Một thân thể nhẹ hẫng gầy còm, rũ rượi.. Tôi dìu anh đến bên chiếc giường nhỏ và lo âu hỏi:”Anh có sao không Anh? Chỗ ở đầu của anh có việc gì không? Anh gượng ngạo kéo lại tay áo rồi trả lời dấm dẳng: “Không sao hết.. ngã thế đã ăn nhằm gì.. chết mẹ nó đi được cũng chẳng sao..” Tôi thật tâm ái ngại” Anh lớn tuổi rồi phải cẩn thận. Ở một mình mà lỡ té ngã là nguy hiểm lắm..” Anh vẫn ngang ngươc, gạt đi: Nguy hiểm cái đếch gì. Không sao cả.. Bao nhiêu người còn khốn khổ hơn mình nhiều..”  Tôi đứng lặng nhìn Anh. Phút giây tôi ứa nước mắt. Chưa bao giờ tôi thương anh cho bằng phút này. Dù rằng từ trước đến nay, đã hơn một lần, tôi xót xa ái ngại cho Anh. Hồi ở trại đảo . buổi trưa nhìn anh thất thểu đi ra phía biển. Buổi sáng thấy Anh trèo lên xe buýt rời trại đảo đi kuala Lumpur. Rồi những đêm khuya đưa Anh về: ngôi nhà của bà con Anh với hàng hiên tối thẳm. Cái dáng Anh đi nghiêng ngả trên lớp cỏ sương- căn phòng ở lầu hai Anh lưu ngụ bây giờ. Cái bóng lênh khênh dẫm hụt hẫng lên chiếc cầu thang u ám..”

 




1 nhận xét:

  1. Chị đọc Chuyến tàu trên sông Hồng , Tháng Giêng cỏ non , Đêm giã từ Hà Nội .và rất nhiều tuyển tập Mai Thảo ..trước năm 1975 . Dường như trong mỗi tác phẩm , ông đều mang ông vào đó , hòa vào nhân vật, cho dẫu là nhân vật dành cho thiếu nhi hay một người đầy gánh nợ đời . Đọc ông , thấy nhẹ nhàng thư thái như những con chữ đang nhảy múa trên từng trang giấy đầy ắp tâm hồn, dẫu không phải lúc nào cũng lạc quan .

    Trả lờiXóa