Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

It smells like...Tết!

















Từ thập niên 1930, báo Tết đã trở thành một hiện tượng nổi bật trong sinh hoạt mừng xuân của người Việt Nam (1). Bên cạnh những “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Bên cạnh những “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bên cạnh? Không phải. So với các món Tết cổ truyền vừa kể, vị thế của báo Tết quan trọng hơn nhiều. Ngày nay, cây nêu, câu đối đỏ hay dưa hành chỉ còn là những kỷ niệm, có khi thật xa vời, hun hút nằm ngoài trí nhớ của nhiều người Việt Nam. Riêng pháo thì, từ nhiều năm rồi, bị cấm; và thịt mỡ thì dần dần, cùng với đà phát triển của kinh tế, không còn là một giá trị điển hình cho ngày Tết nữa. Trong khi đó báo Tết không những không suy giảm mà càng ngày càng phát triển, từ trong nước ra đến hải ngoại. Đâu đâu cũng có báo Tết. Báo chuyên nghiệp ra số Tết đã đành. Ngay cả các đặc san của các hội đoàn cũng chọn dịp Tết để ra báo như để cố góp vào cái rừng báo Tết vốn đã rậm rạp của người Việt bằng chút hương hoa địa phương.

Tôi không biết ở các nước khác thế nào, chứ riêng tại các quốc gia nói tiếng Anh, rõ ràng là người ta không có thói quen làm báo Tết. Ngay cả đầu năm 2000 và đầu năm 2001, thời điểm kết thúc và mở đầu không những của một thế kỷ mà còn của cả một thiên niên kỷ, các tờ báo lớn tại Mỹ, Anh, Úc và Canada... cũng chỉ phát hành những phụ trương mong mỏng tổng kết những sự kiện và những nhân vật nổi bật nhất trong một số lãnh vực nào đó mà thôi. Hoàn toàn không có những số báo Tết hay những giai phẩm xuân như ở ta. Bởi vậy, trong chừng mực nào đó, một cách dè dặt, chúng ta cũng có thể nói báo Tết là một hiện tượng khá đặc thù của Việt Nam.

Cái đặc thù ấy không chừng xuất phát từ tham vọng làm... văn chương của những người làm báo. Nên lưu ý là báo Tết thường gắn liền với các nhật báo hoặc tuần báo. Các tạp chí ra hàng tháng hay nhiều tháng, nếu có số Tết, cũng chỉ là một cách gọi tên cho tiện và cho... vui; thực chất chúng cũng chỉ là một thứ giai phẩm khá bình thường, may lắm, thoáng chút hương xuân ở đôi bài tổng luận hay phỏng vấn. Những số báo Tết tiêu biểu nhất thường được tìm thấy ở những người làm báo thực sự. Có thể xem báo Tết như một thứ đại yến của những tờ báo tin tức và thời sự: đó là dịp để những người quanh năm tất bật với những tin vắn tin dài có thể ngồi xuống làm... thứ văn chương mà họ tin là nghiêm túc. Với bìa cứng và được bấm gáy cẩn thận, số báo Tết được xem như một sự hoá thân: từ báo, nó trở thành tạp chí; từ tin tức, nó trở thành nghệ thuật; từ giải trí, nó trở thành văn chương; từ việc đáp ứng những nhu cầu bức thiết nhưng rất phù du hàng ngày, nó trở thành một thứ tác phẩm có thể được lưu giữ lâu dài trên các giá sách. Những sự hoá thân ấy có tác động thăng cấp về tâm lý: với các số báo Tết, một nhà báo thích thú với chữ nghĩa có thể tự cảm thấy mình là một nhà văn hay một nhà thơ; một nhà báo khác say mê bình luận tin tức có thể tự cảm thấy mình là một nhà... bình luận chiến lược, hoặc thậm chí, một nhà chiến lược..

Tuy nhiên, trên thực tế, ý nghĩa văn chương và nghệ thuật của các số báo Tết ấy rất mong manh.

Trước đây, về phương diện nghệ thuật, các số báo Tết có một đặc điểm nổi bật là in màu nên trông rực rỡ hơn hẳn các số báo thường. Nhưng khi phần lớn các số báo thường cũng được in màu, ít nhất là ở cái bìa, thì vẻ rực rỡ không còn là một tín hiệu của Tết nữa. Đó là chưa kể, loại bỏ yếu tố màu sắc ra, hình ảnh in trên các bìa báo Tết thường khá giống nhau: hoặc hình thiếu nữ hoặc hình ông bà cụ già với cháu nhỏ trong y phục cổ truyền, hoặc hình một vật gì đó gắn liền với ngày Tết: hoa, cây nêu, pháo, bánh chưng, v.v... Đại khái thế. Rất ít có sự thay đổi. Mà hình như người ta cũng ngại thay đổi: Tết đồng nghĩa với truyền thống.

Văn chương của báo Tết cũng thế. Cũng ngại thay đổi. Ngại thay đổi từ đề tài trở đi: Bài vở khác nhau, các cây bút cộng tác khác nhau, nhưng hầu như tờ báo Tết thực sự là báo Tết nào cũng có những phần mục y như nhau. Bao giờ cũng có phần tổng kết tình hình trong năm. Nghiêm túc thì người ta viết bài tổng kết ấy dưới hình thức tiểu luận. Nặng tinh thần giải trí thì người ta viết dưới hình thức sớ Táo quân. Nhiều báo còn cụ thể hoá tình hình trong năm bằng cách chọn ra những thành tích xuất sắc và những gương mặt tiêu biểu nhất để biểu dương. Hơn nữa, người ta còn đi xa hơn trong việc tổng kết bằng cách nhìn lại toàn bộ những năm mang cùng tên con giáp trong suốt lịch sử, từ đó, có những bài như “Những năm Ngọ trong lịch sử”, “Những năm Thìn trong lịch sử”, v.v...

Đi kèm với những bài như thế bao giờ cũng có những bài viết khác tìm hiểu những đặc điểm của những con vật được chọn đặt tên cho năm: chuột, trâu, cọp, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ... Với những đề tài như thế, người ta không thể tránh khỏi sự trùng lặp trong nội dung. Gắn liền với một con vật nào đó thường chỉ có một số chuyện nhất định, kiểu: con ngựa trong ca dao, tục ngữ; con ngựa trong hội hoạ; con ngựa trong văn chương; con ngựa trong thế giới sinh vật học, v.v... Một số không ít những bài viết ấy sẽ được in lại hoặc xào nấu lại trong một chu kỳ cố định: 12 năm. Bởi vậy, tuy năm nào chúng ta cũng có hàng trăm tờ báo Tết, những giai phẩm xuân dày cộm và lộng lẫy, số lượng những tác phẩm về Tết có giá trị, cả trong lãnh vực sáng tác lẫn lãnh vực nghiên cứu, rất hiếm, hiếm một cách rất đáng kinh ngạc. Khi nào cần tìm một bài thơ thật hay về mùa xuân ư? Thì chúng ta lại phải quay về với Vũ Đình Liên, với Đoàn Văn Cừ, với Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên những năm trước 45 xa xôi. Khi nào cần tìm một số công trình nghiên cứu nghiêm túc và khả tín về phong tục tết nhất ư? Thì chúng ta lại phải quay về quá khứ, với Toan Ánh hay Vương Hồng Sển trước năm 1975, hay có khi xa hơn nữa, tận thời Phan Kế Bính, trước năm 1930.

Biết thế, nhưng người Việt Nam nói chung vẫn cứ yêu báo Tết. Giới làm báo yêu báo Tết: Tết, không có số báo đặc biệt, họ cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì. Giống như những người bình thường thiếu một chậu hoa, một gói bánh chưng hay một đòn bánh tét. Giới viết văn và làm thơ cũng yêu báo Tết: rất nhiều người quanh năm không viết lách được gì cũng cố góp mặt trên trang báo Tết một bài thơ hay một tiểu phẩm gì đó. Nhiều người chuẩn bị cho báo Tết khá kỹ: ngay từ giữa năm, lúc, trừ Úc, đang còn trong mùa hạ hoặc mới vừa chớm thu, họ đã nắn nót những bài thơ nặng trĩu nỗi hoài hương và hoài cổ trong không khí giao thừa lạnh lẽo ở xứ lạ quê người. Một số người cẩn thận và cũng ngây thơ hơn, ghi chú dưới bài thơ dòng chữ đầy tính... hư cấu, kiểu “Viết giữa đêm giao thừa... 2002”, trong khi trên thực tế, bài thơ ấy đã được làm và gửi đến toà soạn từ giữa năm... 2001. Độc giả, cầm đọc bài thơ với câu ghi chú như thế cả một, hai tháng trước đêm giao thừa, cũng không lấy gì làm khó chịu. Người ta dễ dàng xem đó như một thứ nghi thức. Thật ra, với họ, ngay chính việc mua tờ báo Tết cũng gần như một nghi thức: tờ báo, giống như một gói mứt; mua, chưa chắc đã ăn, nhưng không mua thì không an tâm. Mua báo Tết, có khi chỉ liếc sơ qua, nhưng nếu không mua, cứ e hương vị ngày Tết nhạt đi một chút.

Thành ra, có thể nói, với người Việt Nam, báo Tết là một hiện tượng văn hoá.

Đó là thứ văn hoá hội hè. Đặc điểm đầu tiên của văn hoá hội hè là tính chất tập thể, ở đó, ngay sự hiện diện đã là một ý nghĩa. Không cần biết ai hiện diện, chỉ cần biết là nhiều người hiện diện. Bởi vậy số báo Tết nào người ta cũng cố lôi kéo thật nhiều người tham gia. Nếu không tham gia được với tư cách tác giả thì cũng tham gia với tư cách những người được phỏng vấn. Mà các cuộc phỏng vấn chỉ cần đa dạng chứ không cần chuyên sâu. Mỗi người thường được hỏi vài ba câu, thật ngắn. Trả lời sao cũng được. Ở đây chất lượng không quan trọng: điều quan trọng nhất là mỗi người một giọng để tờ báo có không khí đình đám.

Đình đám thì phải...vui. Hầu hết những người làm báo Tết đều ý thức rất rõ là tờ báo của mình được đọc trong không khí Tết, lúc mọi người chỉ muốn tận hưởng những gì thảnh thơi và may mắn nhất. Do đó, người ta thường né tránh những đề tài và những phong cách quá nặng nề. Hí hoạ, thơ, truyện cũng như những bài phóng sự hài hước và phóng sự ngắn được đặc biệt ưa chuộng.

Nhưng đặc điểm nổi bật nhất ở các tờ báo Tết chính là nền văn hoá nhìn lại. Báo Tết, thực sự là báo Tết, trong cảm quan của cả người viết lẫn người đọc, bao giờ cũng là một sự nhìn lại, hoặc chủ yếu là một sự nhìn lại. Nhìn lại một năm. Nhìn lại một giáp. Nhìn lại một thế kỷ. Nhìn lại những thành công và những thất bại của một đất nước hoặc một lãnh vực nào đó. Nhìn lại những nếp cũ, những tục cũ. Nhìn lại những vang bóng một thời. Nhìn lại. Số báo Tết nào cũng thường nặng trĩu quá khứ và cũng man mác tâm sự u hoài.

Thì cũng hay thôi. Mỗi số Tết là một dịp ôn bài. Ôn tập thể. Và thú vị. Như nhắp một hớp trà hay nhâm nhi một miếng mứt. Có lẽ phần lớn những kiến thức của chúng ta về phong tục tập quán của dân tộc cũng như những dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước nếu không đến từ, thì cũng được củng cố bởi, các dịp ôn bài như thế. Không có chúng, khó có thể tưởng tượng là đến hơn nửa cuộc đời, chúng ta vẫn nhớ đến những sự tích bánh chưng bánh dày hay những câu chuyện ngồ ngộ liên quan đến các giống vật được chọn đặt tên cho từng năm như chó, mèo, ngựa, khỉ, rắn, rồng, v.v...Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên được nhiều người ghi nhớ hơn nhiều bài thơ khác có lẽ một phần lớn cũng là nhờ báo Tết. Tên tuổi của Đoàn Văn Cừ, một nhà thơ thời 1930-45, tác giả của một số bài thơ về Tết nổi tiếng, còn lại mãi có lẽ chủ yếu cũng nhờ báo Tết.

Những việc “ôn bài” dưới hình thức báo Tết như thế không phải chỉ có ích lợi là giúp bồi bổ kiến thức của mọi người. Quan trọng hơn, chúng còn giúp tạo nên một thứ ký ức tập thể chung cho cả dân tộc, khiến cho người Việt Nam thuộc bất cứ địa phương hay bất cứ thế hệ nào cũng đều có một số hình ảnh khá giống nhau và một số khái niệm khá giống nhau về đất nước. Chính những ký ức tập thể như thế đã góp phần hình thành nên những ý niệm về cái gọi là bản sắc văn hoá; và bản sắc văn hoá, đến lượt nó, lại điều kiện hoá cách suy nghĩ cũng như cách hành xử của từng cá nhân.

Có thể nói, ở Việt Nam, ký ức có vai trò quan trọng hơn hẳn lịch sử. Thật ra, ở một góc độ nào đó, ký ức và lịch sử là một: lịch sử là thứ ký ức tập thể đã được gạn lọc và lưu giữ bằng một phương tiện vật lý nằm ngoài bộ nhớ của từng cá nhân. Đó là thứ ký ức được ghi lại. Lịch sử được viết theo phong cách hàn lâm (academic history), nói theo Lutz Niethammer, là thứ ký ức tập thể trong một thời đại khoa học (2). Tuy nhiên, chính việc ghi lại ấy đã làm cho lịch sử ít nhiều khác biệt với ký ức. Được ghi chép tức là được gạn lọc: lịch sử nào cũng ít nhiều chịu sự chi phối của các thế lực khác nhau trong xã hội, chủ yếu là các thế lực đang nắm vai trò thống trị, nói như ai đó, trong một câu nói đã thành châm ngôn: lịch sử được viết bởi những kẻ chiến thắng. Hơn nữa, được ghi chép, lịch sử, một mặt, sẽ còn lại với thời gian, nhưng mặt khác, lại bị tách ra khỏi sự sống vẫn còn đang tiếp tục vận động. Những yếu tố này làm cho lịch sử trở thành một cái gì bất toàn và đầy nghi vấn. Theo Maurice Halbwachs, trong khi ký ức tập thể về quá khứ được chia sẻ trong cả cộng đồng, lịch sử chỉ là kết quả của những công trình nghiên cứu dành cho một thiểu số; trong khi ký ức tập thể vô cùng đa dạng, lịch sử chỉ có một (3). Nhưng cũng từ hiện tượng được ghi chép, lịch sử có một đặc điểm rất tích cực: được ghi chép là được có cơ hội xác minh và bổ sung, nhờ thế, có nhiều triển vọng gần với sự thực hơn là những ký ức được lưu giữ trong từng cá nhân riêng lẻ và đầy chủ quan. Từ khoảng giữa thập niên 1970 trở lại đây, giới nghiên cứu không còn cố gắng tìm cách đối lập ký ức và lịch sử nữa mà họ xem ký ức như một hình thức bổ sung cho lịch sử. Bổ sung ngay trong ngành sử học: bên cạnh khái niệm lịch sử thành văn quen thuộc, xuất hiện khái niệm lịch sử truyền khẩu (oral history). Bổ sung trong lãnh vực xã hội, chính trị và văn hoá: từ những ký ức tập thể của dân chúng, giới nghiên cứu có thể khám phá ra cách thức con người diễn dịch và nhào nặn lại quá khứ, cách thức quá khứ tác động lên hiện tại và phần nào, cả tương lai nữa.

Bổ sung. Dù được chú ý đến mấy, ký ức cũng chỉ đóng vai trò bổ sung cho lịch sử mà thôi. Nó không thể thay thế lịch sử. Lịch sử có tính thiên vị? Đồng ý. Nhưng ký ức, dù là ký ức tập thể, cũng không công bình hơn chút nào. Đằng sau, có khi xa lắm đằng sau hành động nhớ và quên của một cộng đồng bao giờ cũng tiềm tàng một thái độ chính trị nhất định: người ta thường chỉ nhớ những gì họ muốn nhớ và quên những gì họ muốn quên. Hơn nữa, hình thức thành văn của lịch sử là điều kiện để phát triển tầm nhìn có tính tổng hợp và khái quát: Những khái niệm trừu tượng như phong kiến, tư bản, cộng sản, cách mạng, quân chủ, dân chủ, đa nguyên, v.v... chỉ có thể ra đời trên cơ sở của lịch sử. Ký ức, ngược lại, chỉ làm người ta quanh quẩn mãi trong những cái cụ thể gần gũi và nhí nhách.

Ký ức tập thể, muốn tồn tại lâu dài, phải gắn liền với các câu chuyện kể. Một nền văn hoá được xây dựng chủ yếu trên nền tảng của ký ức nhất thiết là một nền văn hoá mang tính tự sự (narrative culture) (4). Văn hoá Việt Nam, cho đến nay, là một nền văn hoá như thế. Lịch sử, bất kể là lịch sử gì, với chúng ta, chỉ là một chuỗi chuyện kể liên miên theo trình tự thời gian. Sáng tác, bất cứ thuộc thể loại gì, từ văn xuôi đến văn vần, từ một thiên tiểu thuyết đến một bài thơ, với chúng ta, cũng là một cách kể chuyện, hoặc những câu chuyện đầy biến cố liên quan đến đời sống chính trị, xã hội của các nhân vật, hoặc những câu chuyện ngăn ngắn, nho nhỏ, liên quan đến đời sống tâm tình, với những ước mơ và những thất vọng, những nhớ nhung và những khắc khoải, những đắng cay và những giận hờn... của chính người cầm bút. Phê bình, với chúng ta, cũng lại là một cách kể chuyện: kể lại câu chuyện xảy trong tác phẩm mình phê bình hoặc kể lại những gì mình cảm, mình nghĩ, mình liên tưởng nảy sinh từ tác phẩm ấy. Cả đến văn lý thuyết, với chúng ta, ở một mức độ nào đó, cũng là một cách kể chuyện: kể về một vấn đề, về những tranh luận chung quanh một vấn đề, về những chi tiết nhằm minh hoạ cho vấn đề ấy. Ở đó có rất ít những sự phân tích. Càng ít hơn nữa những cách nhìn có sức tổng hợp với những khái niệm trừu tượng và mang tính khái quát cao.

Đã đành dân tộc nào vào thuở sơ khai khi chưa có chữ viết hoặc chưa có điều kiện in ấn cũng đều yêu chuộng hình thức chuyện kể. Tuy nhiên, hình như ở Việt Nam, lòng yêu chuộng ấy sâu đậm một cách khá đặc biệt. Sâu đậm đến độ, với người Việt Nam, quá khứ không có gì khác hơn ngoài các câu chuyện kể. Chúng ta phá hoại không thương tiếc các di tích lịch sử; chúng ta hờ hững với những gì có khả năng trở thành di tích lịch sử; chúng ta chỉ yêu các câu chuyện kể. Chúng ta kể đi kể lại không biết mệt mỏi từ chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đến Trọng Thuỷ phản bội Mỵ Nương, chuyện Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, chuyện Trưng Trắc trả thù chồng, chuyện Triệu Trinh Nương vú dài ba thước, chuyện Trần Quốc Toản bóp nát trái cam trong tay, v.v...

Không phải không có khía cạnh tích cực: Theo tôi, chính việc chia sẻ niềm tin và sự say mê đối với các câu chuyện kể ấy đã góp phần tạo nên sự thống nhất của dân tộc Việt Nam, để từ Nam chí Bắc, từ trong nước ra đến hải ngoại, từ già đến trẻ, từ trí thức đến bình dân, ở đâu người Việt Nam cũng có một sự tưởng tượng chung, từ đó, ngỡ chừng như có một quá khứ chung, một cội nguồn chung. Nói một cách khái quát hơn, cái gọi là dân tộc Việt Nam, đặc biệt là cái gọi là dân tộc tính của Việt Nam, thực chất là một số câu chuyện kể chung.

Đẩy vấn đề lên một tầm khái quát như vậy, chúng ta gặp một số lý thuyết gia hậu hiện đại, những người xem những khái niệm hết sức căn bản như tổ quốc, sắc tộc, bản sắc, v.v... không phải là những gì có sẵn mà chỉ là những gì được tạo ra, hơn nữa, không ngừng được tái tạo qua thời gian. Hay, nói như Werner Sollors sắc tộc chỉ là một chuỗi những sự hư cấu có tính tập thể (a set of collective fictions) (5); nói như Benedict Anderson, tổ quốc chỉ là một cộng đồng tưởng tượng (imagined community) (6); và như Homi Bhabha, tổ quốc là những gì được kể lại (7).

Những gì được kể lại ấy hẳn đã thuộc về quá khứ. Tuy nhiên, qua việc kể, những di tích đầy huyễn tưởng của quá khứ ấy lại tác động lên việc hình thành những những giá trị văn hoá làm mẫu số chung trong xã hội để căn cứ theo đó, mọi người đánh giá các hiện tượng chung quanh, và chọn lựa cho mình những cung cách hành xử được xem là đúng đắn nhất. Nói cách khác, cái được kể sẽ dần dần được nội tâm hoá và đến một lúc nào đó, trở thành khuôn thức để hình thành nhân cách và tính cách của chúng ta: từ những người kể chuyện, chúng ta bị biến thành những người được kể, thành các nhân vật. Đây mới chính là điều đáng ngại: ở tận đầu thế kỷ 21, thật chẳng có gì vui khi cứ phải tiếp tục làm những nhân vật dễ thương nhưng rất đơn giản, đơn giản đến độ ngây ngô, như trong các câu chuyện cổ tích ngày nào.

Chính vì vậy, mỗi lần cầm các tờ báo Tết, tôi vừa mừng vừa cảm thấy có cái gì như là ngài ngại.

Bạn có thấy vậy không?

Chú thích:

1. Tết 1918, báo Nam Phong cho ra một tuyển tập thơ văn như một thứ giai phẩm xuân. Theo Vương Hồng Sển, có thể xem đó là “thỉ tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam (Thú chơi sách, nxb Mỹ Thuật, tp Hồ Chí Minh, 1994, tr. 89). Sau đó, trong thập niên 20, một số báo ở Sài Gòn thỉnh thoảng cũng có ra báo Xuân. Tuy nhiên, hình thức báo Xuân hay báo Tết này chỉ thực sự phổ biến từ thập niên 30 trở đi.

2. Dẫn theo Cornelius Holtorf trong bài "History and Memory" trên trang web: http://citd.scar.utoronto.ca/CITDPress/holtorf/2.8.html.

3. Như trên.

4. Về khái niệm “văn hoá tự sự” hay “kiến thức tự sự”, có thể xem thêm bài “How Cultural Anthropology Contributes to Culture: The Scientific Method in Late Twentieth Centry Cultural Anthropology” của James W. Dow trên website: http://www.oakland.edu/~dow

5. Xem Werner Sollors (biên tập) (1989), In the Invention of Ethnicity, New York: Oxford University Press, tr. ix-xx.

6. Xem Benedict Anderson (1991), Imagined Communities: Reflections on the Origins and Spread of Nationalism, New York: Verso.

7. Xem Homi K. Bhabha (1994), The Location of Culture, London: Routledge.

Nguồn: VOA





2 nhận xét: