"Tôi gặp các bạn ở điểm này: cùng ngữơng mộ, yêu mến âm nhạc của Lê Uyên Phương. Đã nghe không biết bao nhiêu lần những ca khúc trong Đêm chợ phiên mùa đông, Khi loài thú xa nhau… tôi vẫn chưa thôi kinh ngạc về vẻ đẹp sang trọng nhưng đầy chất fauvisme của những tình ca này. Làm sao người ta có thể viết những ca từ vựơt thời gian, đầy đam mê và điên rồ đến như thế?
Đó là chưa xét đến mảnh đất và nền văn hóa đã nuôi dưỡng họ, ắt đã vươn đến tầm nhân loại và sang trọng vô song.
Nhạc sử Việt Nam sẽ rất thiếu sót nếu vì một lý do nào đó, bỏ quên không đề cập đến hai khuôn mặt tình ca có một không hai này"
(http://drnikonian.wordpress.com/)
Tôi dị ứng với những tình ca tập thể, tình ca mà mang hơi hám những cuộc hôn phối man rợ thời Pol Pot, hát những lời lẽ, những cung bậc đúng với mọi trường hợp, như chiếc áo may sẵn hàng chợ khoác lên ai cũng được. Đã là tình ca, thì phải của riêng một người - hay đúng hơn, của một người viết cho một người.
Vì thế, tôi yêu Lê Uyên Phương.
Cho nhau chắt hết thơ ngây
Trên cánh môi say Trên những đôi tay
Trên ngón chân bước về tình buồn tình buồn
Chị Uyên, khi hát bao giờ cũng như những hơi rên cố nén. Hơi rên của một cuộc làm tình.
Anh Lộc, tức Phương, khi viết bao giờ cũng như viết sau một cuộc làm tình. Khi “đang còn nhức mỏi đôi vai”.
Vì thế, tôi yêu đôi uyên ương sống động nhất trong lịch sử nhạc Việt này.
Những ca khúc Lê Uyên Phương lần đầu tôi được nghe, là trong một cơn say túy lúy ở nhà một người bạn. Người hát, là một gã du tử có tên Vũ Ngọc Giao. Giao hát gần trọn vẹn các bài trong tập Khi Loài Thú Xa Nhau, bằng một giọng bai bải “không hơi rung nghèo nàn”, đệm guitar bập bùng quanh quẩn vài chords căn bản. Ở cơn say ấy, tôi biết đến Lê Uyên Phương.
Sau đó, khi cầm trên tay nhạc tập Khi Loài Thú Xa Nhau, một lần nữa tôi run rẩy vì lời tựa của Cung Tiến, miêu tả giọng hát người ca nữ Lê Uyên “như một dải khăn xô lướt thướt bay về phương Đông”.
Năm 1992, tôi có dịp đệm đàn cho Lê Uyên hát ở hai đêm nhạc Nhà Văn hóa Thanh niên, hát miễn phí cho giới trẻ, do các anh Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu vận động tổ chức. Đó cũng là cơ hội duy nhất tôi chính thức nghe chị Uyên hát, hát những tình-ca-loài-thú đầy điên mê của chồng chị. Đó là hai đêm hát tôi không bao giờ quên.
Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây chia tay lần này
Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
Dưới nắng ban mai phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ
Hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai
Cho da thịt này đốt cháy thương đau
Đó là tình yêu thời tao loạn.
Vì lẽ ấy, tôi yêu Lê Uyên Phương.
Lần nào lên Đà Lạt, vào cà phê Tùng, tôi cũng yêu cầu nghe Lê Uyên Phương. Lê Uyên Phương là tinh túy Đà Lạt, là kết tinh tình yêu hoang dã và hoan lạc của Đà Lạt, là ước mơ bất thành của những tình nhân Đà Lạt. Đà-Lạt-thật. Ngoài Khánh Ly, ngoài Lê Uyên Phương, hình như tôi thấy các giọng hát Đà Lạt khác đều giả…
[Tôi viết đoản văn này đăng blog cũ (Yahoo! 360°) vào năm 2007. Post lại ở đây. Để tưởng nhớ anh Lộc (Phương) - Q.B.].
* Tặng Dũng Dalat. Gửi theo anh linh nhạc sĩ Lê Uyên Phương
Một
Ân bảo, anh uống cạn chai đi rồi vào đây em khoe anh cây U em mới sắm. U, tức là piano hiệu Yamaha series U; tôi không tha thiết với đàn mới nhưng rượu dâu nhà cất lấy của Ân thì ngon tuyệt. Tôi bảo, thôi để lúc khác, anh muốn sang Tùng.
Từ tiệm Long Hoa của Ân, ngược con dốc chỗ chợ một đỗi là đến cà phê Tùng. Đang là một chiều muộn tháng Chín năm 2005 và Dalat chỉ có sương trên mặt hồ Xuân Hương, tôi đã đi lang thang suốt một buổi chiều ngắm sương và bây giờ thì chỉ còn mưa, mưa nghiêng đèn nhuộm vàng óng như mật, tôi xách chai rượu dâu còn non nửa chân thấp chân cao sang Tùng.
Tôi chọn bàn tận trong cùng, ngăn cách với bên ngoài bằng một vì tường thấp. Ở đó, tôi xin chủ quán được nghe lại Lê Uyên Phương.
Còn giờ tôi kể, không chiều muộn tháng Chín năm 2005 mà ngược về trước mười năm nữa. Cũng một dịp cuối năm. Tôi dẫn sinh viên lên Dalat du ngoạn mấy ngày và chiều nào cứ sau bữa cơm tập thể ở nhà ăn là học trò không còn thấy mặt tôi đâu. Tôi ngồi trên những bậc cấp xế cổng chợ Dalat, ngó xuống kia độ mươi bước chân lô xô quán nhậu bình dân thắp đèn đỏ quạch và ngó lên là một Dalat đầy sương có áo len đỏ thấp thoáng.
Ngồi trên mấy bậc cấp đó, tôi viết Vừa Biết Dấu Yêu:
Mắt ai xa lung linh đèn
Dỗ chiêm bao cuộc tình mới đến
Phố ai quen, ai xa lạ?
Đẹp hơn mỗi ngày qua
Tôi không định ngồi đó mà sáng tác. Tôi ngồi để hồi nhớ Lê Uyên Phương. Năm 1968, đôi tình nhân ấy đã tay trong tay ngày này qua tháng nọ ở sân ga Saigon, với một mẩu bánh chia đôi và hai quả tim máu biếc xanh trong lồng ngực tối. Đây là thơ người thơ xứ Quảng Huy Tưởng, bạn vong niên của tôi. Tôi lẩm nhẩm hát, như gã lãng tử Vũ Ngọc Giao vẫn lẩm nhẩm hát trong cơn say, mỗi bận tôi đưa anh về sật sừ sau chiếc Yamaha cà tàng:
Tôi hôn em môi cực cùng ly biệt
Không đậy kín hồn dĩ vãng quỳ dưới trăng ngàn
Tôi hôn em môi cực cùng ly biệt
Không đậy kín hồn
Không đậy kín hồn lòng đẹp dã man
Tôi hôn em môi cực cùng ly biệt
Tôi hôn em môi cực cùng ly biệt (*)
Lòng tôi năm 1995 có đẹp dã man hay không thì tôi không chắc, nhưng chẳng có đôi môi nào để mà hôn. Dẫu là hôn ly biệt.
Hai
Khi tôi tháp tùng một nhóm nghệ sĩ lên B’lao giao lưu với sinh viên độc giả tập san Áo Trắng, tôi đàn guitar cho L. hát và được anh em thân ái tặng cho lời khen “họ gợi nhớ đôi uyên ương Lê Uyên và Phương một thuở”. Tôi bảo L., giá chúng mình đủ tình yêu để mà đi hát dạo cả đời, yêu nhau cả đời.
Tôi không đi hát dạo với người tình vì tôi không có tình yêu lớn rộng như Lê Uyên Phương. Tôi lại bước thấp bước cao về phía cà phê Tùng để xin nghe Lê Uyên Phương bản gốc, thu thanh năm 1970, không phải bản Duy Cường phối lại xậm xịch sau này.
Trong tay tôi, nhạc tập Khi Loài Thú Xa Nhau đã rách bìa; bên ghế mây dựng cây đàn cũ anh Phạm Trọng Cầu cho mượn. Chị Lê Uyên ngồi trước mặt, tóc rũ rượi bohémienne. Chúng tôi tập vài lần với nhau để tối diễn ở Nhà văn hóa Thanh niên. Hai đêm nhạc Lê Uyên Phương, dĩ nhiên là phải độn thêm nhạc anh Sơn, anh Cầu cho nó phải phép. Tôi quay sang hỏi Vũ Ngọc Giao, em không thấy giọng chị Uyên là “un long sanglot” như anh Cung Tiến từng viết ở lời vào tập Khi Loài Thú Xa Nhau. Giao bảo, vì đây là Lê Uyên của 1992, không phải của 1970.
Đệm đàn cho chị Lê Uyên xong, mãi mấy tháng sau tôi mới sang lại được cuộn cassette anh chị đàn hát hồi 1970, và mới cảm nhận được vì sao Cung Tiến trích dẫn Baudelaire để ca tụng đôi uyên ương ấy.
Et, comme un long linceul traînant à l’Orient,
Entends, ma chère, entends la douce Nuit qui marche.
- Recueillement, Charles Baudelaire
Họ yêu nhau lớn lao quá đỗi, và bởi họ vẫn sợ mất nhau cả khi đang đầu ấp tay gối [Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới - Thanh Tâm Tuyền], tiếng hát điệu đàn của họ mới đau đớn như tiếng tim vỡ như vậy. Mới như một dải khăn sô lướt thướt trôi về phương Đông như vậy.
Ân bảo anh cạn chai đi, mai anh về Saigon em biếu anh thêm chai nữa.
Tôi bỏ quên chai rượu nguyên nơi tiếp tân khách sạn và chỉ đem từ Dalat về những lời tim vỡ của người ca nữ Lê Uyên.
- Khởi mùa mưa Saigon, 2010
——–
(*) Máu Biếc Xanh và Ngực Tối, thơ Huy Tưởng. Lê Uyên Phương phổ nhạc và in lần đầu năm 1973 ở nhạc tập Bầu Trời Vẫn Còn Xanh, khi còn điều hành quán Lục Huyền Cầm Dalat. Sau tái bản trong nhạc tập Tình Như Mây Cõi Lạ (1992)
..Mãi mãi…
Những entries khác về LÊ UYÊN PHƯƠNG
TRONG BAO KIẾP HOANG, VUI CHƯA TÌM THẤY
LUP {episode 1}-NỒNG NÀN ĐÔI SONG CA HUYỀN THOẠI
Thích bộ râu đẹp
Trả lờiXóaCho GG xin bài này nha, GG thích LUP từ những năm 1968 - 1975. Bài nào của LUP cũng nghe nhiệt tình , hết mình, lôi cuốn ....
Trả lờiXóa....Vì trót yêu anh aó vai gầy - không nỡ để anh mùa xuân , mùa xuân nhớ mong ...
k có nút Like - nên tự nhấn nút hehehe - LIKE IT
Trả lờiXóathanks bạn:)!
Trả lờiXóa