Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

{tạp chí VĂN}-Mây Mùa Thu (1/9/1967)


Lần này, mời mọi người đọc MÂY MÙA THU, 1 tập san VĂN, nhẹ nhàng, và nhiều điều đáng suy ngẫm...đằng sau từng con chữ...
Với 1 không khí văn chương đặc trưng của miền Nam 1975, trong tập san này, truyện ngắn tôi thích nhất là THÀNH PHỐ DỐC ĐỒI, 1 trong những truyện ngắn nhiều "sắc màu", nhiều khung hình, nhiều miêu tả..của hoạ sĩ/ nhà văn/ nhà thơ HOÀNG NGỌC BIÊN...(viết theo "trường phái" tiểu-thuyết-mới)

Chỉ như 1 lời tự sự, 1 tiếng thở dài, của 1 cô gái, về mối tình đã qua của mình...nhìn cảnh mà nhớ người..cảnh vật của 1 thành phố..dốc đồi như trút tràn những nhớ thương, chập chùng những bóng hình và cũng heo hút từng kỉ niệm, kỉ niệm bủa vây lấy cô gái, từ một thanh âm nhỏ nhất cho đến những đổi thay bâng quơ nào đó, từ thành phố dốc đồi này.....những tâm sự ấy...đọc mà nhiều khi cũng rưng rưng theo từng "lũ kĩ niệm" trước sau...!!


Hoàng Ngọc Biên – Maruki Gallery, tháng 11.1974 (ảnh Kondo Noboru)
Hoàng Ngọc Biên – Maruki Gallery, tháng 11.1974 (ảnh Kondo Noboru)
THÀNH PHỐ DỐC ĐỒI

Il vaut mieux rêver sa vie que la vivre,
encore que la vivre ce soit encore la rêver.
(Marcel Proust)

Em nghĩ thầm, vài ngày nữa, vài tháng nữa, em sẽ trở về dạy học, em biết em sẽ không thể kéo dài tình trạng này lâu hơn nữa, vả lại rồi cũng chẳng đi đến đâu, ở lại đây cũng chẳng giúp gì được cho em, mà thật tình em cũng chẳng thấy cần phải được giúp đỡ, mọi việc rồi sẽ qua đi, em sẽ trả căn phòng thân yêu này lại cho một sinh viên lên trễ, em sẽ thu xếp để có một giấy chứng của bác sĩ đem về trường, mọi việc rồi sẽ qua đi, em tin tưởng...

Em trở về đây một lần nữa anh ạ, em đang ở đây, đang ngày ngày đi trên những con đường cũ bây giờ như đã được mở rộng ra hơn, kéo dài ra hơn, đang đêm đêm đi vòng quanh khu chợ sáng đèn, ngắm những tiệm tạp hóa hình như có vẻ huy hoàng hơn trước nhiều, và mỗi buổi sáng buổi chiều em lên xuống con dốc quen thuộc để đi ăn, giống như hồi còn đi học – em trở về đây một lần nữa, và em hiểu rằng đây sẽ là lần cuối cùng, bởi vì em nay đã hiểu được em, bởi vì em nay đã khôn lớn, đã trưởng thành, và em cũng đang buồn vì sự trưởng thành khôn lớn của em đây.
Mùa hè vừa chấm dứt ở Đà nẵng với những cơn nóng gay gắt, mỗi ngày em ra vào sửa soạn chuyến đi của em, em loay hoay thu xếp những quần áo ấm, em lôi ra từ dưới đáy hòm chiếc pardessus màu trời xanh mà anh và các bạn anh đã thích, những chiếc áo dạ áo len, tay dài tay cánh, và trong cái gay gắt của những buổi chiều nắng cuối hè ở đây, em đem những thứ đó ra ướm thử trước gương, như dạo trước, em thử làm những điệu bộ quen thuộc ngày xưa của em, và bất chợt em thấy mình đã khác nhiều, vẫn những cái ngước nhìn bâng quơ, những cái cười quay mặt cúi xuống đất, những cái lắc đầu lùa tóc về một phía, nhưng trong những điệu bộ diễn ra giữa khung cảnh, hay đúng hơn là giữa cái bố cục đoan chính cổ điển mà kín đáo của căn phòng hiện ra trong mặt gương phản chiếu, em đọc thấy một cái gì nhạt nhẽo vô vị, nếu không bảo là chua chát, những rung chuyển dịu dàng của thịt da trên hai gò má bây giờ đã bớt ửng hồng, những đường nhăn hai bên khóe mắt khi em cười ngày xưa em hãnh diện vì đã tạo cho em những nét độc đáo bao nhiêu thì những thứ đó ngày nay lại báo hiệu cho em bấy nhiêu muộn phiền, bấy nhiêu mất mát. Em cố tìm lại tất cả những đồ vật quen thuộc đã từng cùng với anh làm đẹp cho căn phòng nhỏ của em trên này, những cuốn sách, những tập ảnh, hộp phấn son, khung hình nhỏ lồng chiếc ảnh chụp anh ngồi cười trên mỏm đá giữa những bọt nước bắn tung tóe lên quá đầu người, em cố tìm lại tất cả những đồ vật đã từng cùng với anh làm đẹp cho những tháng ngày xa lạ của em giữa thành phố lạnh đó, em đem bày hết ra trong căn phòng đoan chính đức hạnh của em, em ngắm nghía những thứ đó với tất cả lòng thân yêu còn lại trong em, những vật tự nó chẳng là gì cả mà lại chan chứa, lại đầy dẫy sự hiện diện của anh – và đồng thời cũng ngập tràn sự vắng mặt mà em nghĩ đang bắt đầu quên, đang bắt đầu có thể quên được, có thể chịu đựng được, nghĩa là chịu đựng một cách thản nhiên, bởi vì suốt cả hai năm dài đối diện với đám bạn bè đồng nghiệp, những bạn gái và bạn trai, suốt cả hai năm dài đối diện với lũ học trò, suốt hai năm không hề được tin tức anh, không biết anh thức dậy buổi sáng thế nào, không biết anh ăn uống ra làm sao, không biết giờ ngủ của anh, những bạn bè của anh, những kẻ thù của anh, những người anh thương và những người anh ghét, không biết anh đau khổ hay hạnh phúc, có trầm tĩnh ở yên được một chỗ hay vẫn lông bông suốt ngày, suốt cả hai năm dài mà mỗi ngày buồn bã trôi qua, mỗi buổi chiều khi ra khỏi lớp, em lại tập dần thói quen ra biển, gặp mặt một vài người quen biết nhưng không hề có dịp chào hỏi, không hề có dịp tiếp chuyện, hay những du khách lạ mặt chợt đến chợt đi, tập quên dần nhữ g con dốc những ngọn đồi của anh, những tiệm ăn những rạp hát anh thường hay dẫn em đến, suốt hai năm dài đó em không thể bảo là em đã chịu đựng được sự vắng mặt của anh, em cô đơn sống hình như lúc nào cũng đợi cũng chờ, một lá thư của anh, của bạn anh, hay của bất cứ ai có biết và nhắc đến anh, em chờ đợi, cho đến khi em hiểu được anh, hiểu được em, tánh trẻ con của anh và sự ngộ nhận quá lâu của em, cho đến, cho đến khi em nghĩ đến chuyến đi – hay đúng hơn là chuyến trở về – mà mãi đến nay em mới quyết định được.
Em ở nhà suốt một tuần lễ, và trong lúc mẹ em, anh chị em em, là những người đang lo lắng hay ít ra cũng tỏ vẻ lo lắng vì thấy em buồn rầu quá lâu mà không ai an ủi được, không ai giúp đỡ được gì, trong lúc mọi người trong nhà, nhất là mẹ em, vẫn đinh ninh là em đang thu xếp để về Huế chấm thi, hay trở về trường dạy học, bởi vì hè sắp hết, những cơn gió biển thổi vào thành phố đã bắt đầu hơi trở lạnh, trong lúc mọi người trong nhà đều yên trí em đang quyến luyến với gia đình, với căn phòng mà ai cũng không ngờ được là em đã quá chán ghét này, thì thật ra em đang nghĩ đến anh, đến một căn phòng khác ở Dalat mà đêm đêm trước ngọn đèn bàn – quà của anh – chiếu thẳng vào khung hình nhỏ lồng chiếc cảnh chụp anh ngồi cười trên mỏm đá em vẫn cúi đầu trên trang sách đọc dở, cảm giác bàn tay anh ve vuốt trên tóc, em đã ở nhà suốt một tuần lễ, em quên dần những buổi tối dạo chơi ngoài bờ biển với mẹ và các em, em đang cố thu hết can đảm và nghị lực sống lại một mình những ngày đẹp của em, của chúng ta, em đang vùng vẫy ra khỏi em.

Em lên đây tính như vậy đã hơn tháng rưỡi rồi, các trường trung học đã bắt đầu khai giảng hơn hai tuần lễ nay, trên các ngả đường trong thành phố, những con đường cũ có vẻ đã được nới rộng ra hơn và những đường mới dường như chưa kịp mang một danh hiệu nào, lá cũng đã bắt đầu rơi nhiều hơn một tháng nay, còn em, em vẫn đang nghỉ hè trong mùa thu, những ngày hè buồn bã nhất mà cũng là những ngày hè hạnh phúc nhất của đời em, bởi vì em nay đã khôn lớn, đã trưởng thành, và em đang sống lại, đang tìm cách sống lại những ngày xưa, trên những con đường dốc sỏi mà anh đã thích đi (em thấy lại hai tay anh múa may phân trần giải thích, những ngày trời lạnh anh thường hay đút cả hai bàn tay đó vào túi quần hoặc ôm vòng kẹp vào nách, hai vai anh rút lên tận cổ chiếc áo len màu đen chính tay em đã đan tặng anh trong ngày sinh nhật, đôi chân anh nhún nhẩy thỉnh thoảng hất về phía sau đá lung tung những viên sỏi lăn dài trên mặt đường), dưới những chòm cây anh thích núp bóng mặt trời, trước những tủ kính mà mỗi khi có dịp đi qua anh vẫn dán sát khuôn mặt trẻ thơ của anh vào thật lâu để ngắm bìa những tờ tạp chí quen thuộc, những cuốn sách bìa cứng gáy mạ vàng, em đang tìm cách sống lại những ngày đó, những ngày non dại của em, sống lại một mình, không có anh, và trong cái lạc lõng mông mênh này em như đã tìm thấy được một thứ hạnh phúc mới, có lẽ là sự vắng mặt của anh, có lẽ thế thôi, bởi vì sau hai năm – hay hai niên học, em không còn nhớ nữa – sau hai năm xa anh, bây giờ em mới thật sự được nghĩ tới anh, được sống với anh một cách trọn vẹn, trong căn phòng thân yêu ở tầng lầu thứ ba, bây giờ em mới thật sự được nghĩ tới anh, tới đời sống của em. Học sinh đã tựu trường từ hơn hai tuần lễ nay, hơn hai tuần lễ nay em đã lại thấy những toán nữ sinh mặc đồng phục màu trắng lũ lượt kéo nhau lên con dốc trước chùa, trước ngôi chùa nằm lưng chừng con dốc quanh co mà anh vẫn thường phải đi ngang qua mỗi lần đưa em về nhà, em đã lại nghe những tiếng hát vui vẻ và tiếng vỗ tay cười la vọng ra từ sân vườn các lớp mẫu giáo, những du khách chen lấn nhau chung quanh khu chợ quá chật hẹp trong những ngày em mới lên đây bây giờ gần như đã lần lượt biến mất, hơn hai tuần lễ nay em vắng mặt không lý do ở trường, không thư tín không đơn từ, mọi người có lẽ đang thắc mắc về sự vắng mặt đó, chắc hẳn phải có đến ba bốn điện tín ở trường gửi về nhà, và nếu em cho địa chỉ chắc hẳn cũng phải có đến bốn năm điện tín ở nhà gửi lên đây, em đang kéo dài vụ hè của em, kéo dài nỗi cô đơn êm dịu của em, kéo dài cả sự bối rối âu lo, vì em đã cố ý thoát ra khỏi những ràng buộc thường nhật, thoát ra một cách lạnh lùng, dửng dưng, em đã im lặng trư ? nỗi hốt hoảng của mọi người, của mẹ em, của cả gia đình em, của các bạn đồng nghiệp, của mấy lớp học đang phải bỏ về khi tới giờ em phụ trách, của những người từ lâu vẫn hiện thân cho đời sống vô vị của em, đời sống mà em vô tình phải tham dự nhưng không hề sống đến.
Bây giờ em đang ở đây, trong căn phòng trọ ở tầng lầu ba mà anh đã từng lên xuống nhiều lần, em nằm trên chiếc giường một người mà có lẽ vì cảm tình bà chủ nhà đã cố ý cho mang lên, chiếc giường con bây giờ vẫn còn mang vết mực màu xanh đen mà hôm anh đến chơi lần đầu, gặp lúc em đang cho mực vào ống bơm cây bút máy chính anh đã tặng cho em một tháng trước, em đã cảm động đến nỗi đánh đổ cả lọ lên phía đầu nằm, bây giờ nhớ lại điệu bộ hốt hoảng của em khi chạy khắp phòng kiếm giấy để lau chỗ mực đang thấm dần vào chiếc drap trắng, nhớ lại cái nhìn dịu dàng thương hại của anh, với vẻ bối rối hiện rõ trên khuôn mặt của cả hai đứa, em mới nghĩ ra dạo đó chúng ta thật là trẻ con – hôm đầu tiên bà chủ nhà cho mang chiếc giường lên, thoạt trông thấy lại vết mực em đã thấy nhói lên một mối khổ tâm pha lẫn với một thứ hạnh phúc lạ lùng, em nghĩ đến anh như một ý nghĩ quen thuộc, nhưng vết mực kia, vết mực màu xanh đen đánh dấu ngày anh đến phòng em, bước một bước thật dài vào cuộc sống của em, quả thật nó có để lại một cái gì bất thường, cái bất thường mà em tưởng không bao giờ quên được nhưng rồi cũng đã quên đi. Bây giờ trời đang mưa, căn phòng trọ tối hẳn, em bật chiếc đèn nhỏ ở đầu giường và nằm ôm gối đọc sách, những đám mây đen kéo nhau chạy qua khung cửa sổ trước mặt em như những đoạn phim hư, những đoạn phim đang chiếu lại quãng đời vô vị lẽ ra em không nên sống theo – em nhìn những đám mây đó êm đềm trôi qua, lặng lẽ, và chính em cũng đang lặng lẽ trôi theo với những tháng ngày vô nghĩa, em biết mọi người đang thất vọng về em, về óc không thực tế của em, cha mẹ em trước tiên, rồi đến những đồng nghiệp, và biết đâu luôn cả lũ học trò của em – em nằm đây, trước cuốn sách của một tác giả quen thuộc của anh, em ôm chiếc gối màu trời xanh mà em đã cố tình đem lên đây, em nghe tiếng xe cộ vọng lên từ dưới con đường nhựa lởm chởm đá xanh trước mặt nhà, em nghe rõ từng tiếng bánh xe sụp xuống những ổ gà ăm ắp nước mưa, hòa với những âm thanh thường xuyên của một khu phố thương mại, em tưởng như nghe đâu đây trong tiếng gió lời trách mắng của những người thân, lời trách mắng thật là nặng nề, tưởng như thấy được cái nhìn thất vọng của cha em, của mẹ em, em cầm trên tay cuốn sách của một tác giả anh thường hay đọc dạo đó nhưng bây giờ có thể không còn là tác giả của anh nữa, và những hàng chữ tiếp tục nhảy múa, mờ dần, mờ dần, em không đọc được chữ nào cả.
Dạo trước, những buổi chiều mưa như thế này, em thường hay nghĩ đến anh, em cũng nằm trên chiếc giường con có một vết mực màu xanh đen ở phía đầu nằm, em cũng bật ngọn đèn đầu giường lên và đem sách ra học, nhưng dạo trước làm sao em có thể nằm yên như thế này được, chắc hẳn em sẽ khoác áo mưa vào, chiếc áo màu trời xanh mà anh và các bạn anh vẫn thích, em sẽ đến mở cửa (chiếc cửa nằm ngay chỗ cầu thang lên xuống mà mỗi lần đến thăm anh vẫn vẫn thường hay gõ rất nhẹ, rất dè dặt, rồi đứng yên đợi em ra), em sẽ bước xuống hai tầng lầu để ra đường, em sẽ đi lên phố, sẽ ghé mắt qua các tiệm billard để tìm anh, để được yên chí rằng anh còn đó, đang vui chơi, em sẽ thấy ghen tức với các bạn của anh, nhưng em sẽ chỉ hơi ghen thôi, sẽ không đứng lâu ở đó để anh khỏi trông thấy, để khỏi làm anh bận tâm, dạo trước, những buổi chiều mưa như thế này, em sẽ khoác áo đi tìm anh, em sẽ ghé mắt vào các tiệm billard, nhưng em cũng không quên nhìn kỹ qua các khung cửa kính khép kín của các tiệm café lờ mờ bóng đèn điện để tìm anh, em sẽ đi qua những tiệm ăn quen thuộc, những tiệm bánh, những tiệm chụp hình, những hàng quán nằm hai bên vệ đường, hai tay em ôm vòng lồng ngực lạnh ngắt trước luồng gió dưới hồ liên miên thổi lên, em sẽ qua mặt những bạn bè trong đại học, nhiều người trong bọn họ biết đâu sẽ đoán được ý nghĩ của em, mục đích cuộc dạo phố dưới trời mưa của em, biết đâu họ sẽ đọc được trong đôi mắt say đắm của em những ước mơ thầm kín nhất, dạo trước, những buổi chiều mưa, em đâu có nằm yên được thế này, em sẽ khoác áo một mình lên phố tìm anh, em sẽ trở về một mình, sẽ bước lên hai chiếc cầu thang dài thăm thẳm để đến tầng lầu thứ ba, sẽ vào phòng thay áo và nằm lên chiếc giường nhỏ có vết mực màu xanh đen, nghe lại những tiếng động vọng lên từ dưới đường, và nghĩ đến anh.
Bây giờ em đang nằm một mình ở đây, đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết vừa mới mua sáng nay khi vào núp mưa trong một tiệm sách ngoài phố, đang tìm lại từng tiếng động nhỏ ngày xưa đã nhiều lần vô tình làm gián đoạn, vô tình quấy rầy những buổi chuyện trò của chúng ta, những buổi chuyện trò tình tự thường khi vẫn kéo dài gần suốt cả ngày, như tiếng trẻ con khóc bên hàng xóm, tiếng cãi nhau của một cặp vợ chồng láng giềng, tiếng máy một nhà in từ xa vọng đến, em đang tìm lại, đang lắng nghe những tiếng động có giờ giấc, như tiếng máy xe hơi của ông chủ nhà ngày hai bận đến sở làm, tiếng rửa chén bát vọng lên từ nhà bếp ở tầng dưới cùng ngày xưa mỗi buổi trưa thường đánh thức em dậy để đến trường, những âm thanh quen thuộc đã tạo nên cái không khí nồng nàn thân yêu mà em vẫn thấy thiếu thốn – nhưng rồi cũng vẫn phải chịu đựng và đã chịu đựng được – bây giờ em nằm một mình trên căn gác trọ ở tầng ba, em tưởng như nghe lại hết những âm thanh đó (hay chính em đang nghe thật?), mỗi âm thanh không một mối liên lạc gì mà lại gợi trong em từng khoảnh khắc thời gian nho nhỏ trong ba năm học êm đềm, tiếng trẻ con khóc hình như có làm sống lại một buổi giận hờn giữa hai đứa? tiếng cãi nhau giữa hai vợ chồng láng giềng chắc hẳn đã nhắc lại bữa ăn chung đầu tiên ngoài phố? hay nhắc lại buổi dạo chơi đầu tiên bị bạn bè bắt gặp? thế mà em đang tìm lại những âm thanh đó, để được thấy anh, em tìm lại không khó, bởi vì chung quanh em bây giờ vẫn vang dội những tiếng động cũ, sau hai năm âm thanh đã có xa lạ đi nhiều, đã mất đi vẻ thân mật, cũng như em, một mình giữa thành phố này, không anh, em cũng đã là một người lạ rồi.
Em đưa tay đẩy chiếc màn nhung đỏ nặng nề và bước ra khỏi rạp hát, trời lúc này đã tạnh hẳn, và hình như trời hết mưa thì gió lại lạnh hơn, em đưa tay trái lên xem đồng hồ và thấy hãy còn sớm – ở đây mười giờ rưỡi đêm kể ra cũng chưa lấy gì làm khuya lắm – em tần ngần đứng nhìn các bích chương quảng cáo các phim sắp chiếu trong vài ngày nữa, vài tháng nữa, những hình người đàn bà tây phương trần truồng, với hai cánh tay trắng nõn ôm vòng hai vai, trong dáng điệu sợ hãi mà quyến rũ, bên cạnh những thân hình đàn ông lực lưỡng đang chỉa súng vào em, em tần ngần đứng nhìn các bích chương đó, và các thông cáo của tòa thị chính dán trên ba phía vách tường, (em nhớ đến hôm đi chơi ở hồ bị mưa đột ngột anh đã cầm tay em cùng chạy băng lên con dốc rất gắt trước rạp hát để vào trú mưa, cơn mưa chiều hôm đó kéo dài, chúng ta đã đi lui đi tới nhiều lần dọc theo ba bức tường quét vôi vàng dán đầy bích chương quảng cáo và các thông tư của tòa thị chính, hình như anh đã có càu nhàu vì phải lỡ mất một buổi hẹn các bạn anh ở tiệm billard, hay ở một tiệmcafé nào đó, và hình như em đã có giận,) bây giờ em bỏ ra về giữa chừng cuốn phim, em chưa biết sẽ đi đâu, nhưng nhất định em chưa muốn trở về, em bước ra cửa lớn, một luồng gió lạnh dưới hồ tạt lên, em đưa tay kéo cổ áo thật cao và bước ra đường. Em đi dài theo con đường dẫn ra khu chợ lúc này hãy còn sáng đèn, đêm nay là tối thứ bảy, từ năm sáu giờ chiều các chiếc xe hơi đủ màu đã bắt đầu vượt qua mấy cây số sương mù trên đèo Prenn để tiến vào thành phố, những xe trễ nhất bây giờ cũng đã nằm yên tĩnh chung quanh khu chợ, trước một tiệm ăn chẳng hạn, hay có thể đã nằm ngơi nghỉ trong nhà xe của một khách sạn hay một biệt thự nào đó, đêm nay là đêm thứ bảy, các tiệm ăn hãy còn mở cửa, các tiệm tạp hóa hãy còn nhiều người ra vào, phần đông là du khách ở Saigon lên, họ không còn tấp nập như mấy tháng giữa hè, bởi vì bây giờ đã vào thu, nhưng họ vẫn còn lên đây, họ vào các tiệm tạp hóa, tò mò xem xét những cung những nỏ, những chiếc gùi đan bằng mây, những nhà sàn đan bằng tre, họ nhìn thật gần những tấm vải mọi nhiều màu, những hàng ren dệt thật bền, thật công phu, họ nhìn, họ mua... Phố xá lúc này vẫn sáng đèn, em đi mấy vòng quanh khu chợ, qua những tiệm len, những hiệu ảnh, em đưa mắt gần những tủ kính để nhìn những bức ảnh bán thân bây giờ đã thay đổi khuôn mặt, để tìm giữa những hàng dài áopardessus một kiểu mới, hay một màu lạ, rồi em ghé vào một tiệm ăn quen thuộc ngày xưa anh vẫn thường dẫn em đến, em ngồi vào chiếc ghế bành lót nệm màu nâu đen đã cũ, yên tĩnh, trước chiếc bàn thấp ở bên phải cửa ra vào, phía b ?mặt kính có chữ POUSSEZ, đối diện với quầy rượu, từ đây em có thể nhìn gần trọn cả khu chợ, luôn cả tiệm thuốc tây nằm cuối con đường vòng ra bến xe cũ, và đến khi em uống hết nửa ly cà phê đen – chính anh đã tập cho em uống cà phê đấy – đến khi em uống hết nửa ly cà phê đen, thì phố chợ không còn sáng rực như lúc trước, gần như cùng một lúc, một vài tiệm đã đóng cửa tắt đèn, qua khung cửa kính trên đó người ta ghi bằng phấn trắng những thức ăn đặc biệt trong ngày, những chữ ngoại quốc, em không còn trông rõ như khi mới bước vào tiệm, khách bộ hành bây giờ chỉ còn là những bóng mờ di động trên một màn sương mù ẩn hiện đây đó một vài chấm sáng hoặc lớn dần hoặc quét dài ra, một vài đường nét, vài góc cạnh của khu phố chợ về khuya.

Niên học đã bước qua tuần lễ đầu của tháng thứ hai, gần năm tuần lễ nay em vẫn nguyên trong tình trạng cũ, gió ở đây mỗi ngày một lạnh hơn, những cơn mưa bụi bắt đầu đều đặn kéo dài, những con suối mùa hè bây giờ có lẽ cũng đã hết khô nắng, lớp bụi vàng đóng trên các thân cây sau những trận mưa đầu thu chắc hẳn đã dần dần biến mất để lộ lớp vỏ sần sùi, rách nát, gần năm tuần lễ nay em vẫn nguyên tình trạng cũ, ngày ngày đi trên những con đường cũ bây giờ như đã được mở rộng ra hơn, kéo dài ra hơn, đêm đêm đi vòng quanh khu chợ sáng đèn, ngắm những tiệm tạp hóa hình như có vẻ huy hoàng hơn trước nhiều, và mỗi buổi sáng buổi chiều em lên xuống con dốc quen thuộc để đi ăn, giống như hồi còn đi học – và cũng giống như hồi còn đi học, những sáng chủ nhật trời nắng ấm (lạ thay bây giờ cũng như ba bốn năm về trước em vẫn có cảm tưởng là ở đây ít khi trời mưa vào những sáng chủ nhật) em lên phố ăn sáng, em cũng lại vào tiệm ăn ngày xưa anh thường dẫn em vào, em cũng lại gọi những món nhẹ để điểm tâm, em ngồi trên chiếc ghế bành mọi hôm em vẫn ngồi, chiếc ghế bành lót nệm màu nâu đen đã cũ, tay phải em đặt lên chiếc áo pardessus màu trời xanh, bên cạnh cuốn tiểu thuyết đang đọc dở, tay trái em thỉnh thoảng nhịp nhịp theo điệu nhạc êm dịu phát ra từ bộ phận phóng thanh móc trên trần nhà, điệu nhạc mới em chưa từng nghe, nghĩa là chưa từng nghe cùng với anh bao giờ, chiếc ghế bành kê ngay sau khung của kính, hướng ra đường, từ đây em có có thể nhìn thấy gần hết cả đám người hỗn tạp mà phần đông tuy có di động nhưng hình như không rời khỏi bốn khu phố ngắn bao quanh công trường, họ là những người đi nghỉ mát cuối cùng còn lại ở đây, hoặc là những du khách chỉ quen đến vào chiều thứ bảy và chiều chủ nhật đã vội lên xe trở về, họ là những thị dân trong thành phố, phần đông suốt sáu ngày liền trong tuần lễ gần như không hề ra khỏi nhà, đến ngày chủ nhật có dịp ra phố, họ dạo quanh chợ thật lâu, nhìn ngắm thật kỹ, như để ôn lại những sinh hoạt cùng những thay đổi trong sáu ngày trước mà họ đã không được chứng kiến hay tham dự, họ là những đồng bào thượng xuống phố buôn bán, những người đàn ông lực lưỡng luôn phì phà chiếc vố do chính tay họ làm lấy, và những người đàn bà lủng lẳng những cặp vú lớn đen bóng trước ngực, giống như những bức phấn tiên em thường được cùng xem với anh trong các phòng triển lãm hội họa, họ là những sinh viên đại học, những sinh viên mới và những sinh viên cũ, nhưng dù cũ hay mới, họ cũng chỉ mới lên đây sớm nhất là một tuần lễ nay, có người đã quá quen với cảnh nhộn nhịp khác thường của bốn góc phố này, như em, như anh, chỉ im lặng đứng hút thuốc hay chuyện trò bên các trụ đèn hoặc dựa vào mặt tiền các căn phố lớn để nhìn ngắm, nhưng sinh viên mới lên lần đầu, bỡ ngỡ trước muôn ngàn màu sắc rực rỡ của những chiếc áo ấm, tò mò nhìn vào các tiệm tạp hóa mà cách bày biện dĩ nhiên cũng có khác lạ, với những cung những nỏ, những gùi lớn đan bằng mây, những nhà sàn đan bằng tre, họ nhớn nhác thăm dò, em nghĩ có lẽ là những sinh viên mới, mới đối với đại học và mới đối với thành phố, họ cũng như em, như anh cách đây mấy năm, cũng thắc mắc về nơi ăn chốn ở, về túi tiền (một tháng họ sẽ phải tiêu mất bao nhiêu chẳng hạn, những vấn đề họ chưa bao giờ phải đặt ra khi còn ở trong gia đình), thỉnh thoảng họ cũng thấy mình lạc lõng, mất hút, trong một căn gác trọ nào đó, cho đến, cho đến ngày tình cờ mỗi người trong bọn họ tìm thấy được một người để nói chuyện, hay để thương yêu, như em đã tìm thấy được nơi anh (và cũng đã vội đánh mất đi với anh), họ cũng là những học sinh, những học sinh ngoại trú ngoài giờ học vẫn được rong chơi suốt cả tuần lễ nhưng lại còn muốn rong chơi nhiều hơn nữa, những nam nữ học sinh nội trú các trường nhà dòng, các trường bà phước hoặc các trường trung học Pháp chỉ được dạo phố trong một thời gian giới hạn, đang vội vã thưởng thức những phút giây hiếm hoi được hoàn toàn tự do trong tuần lễ, họ cũng là những người em quen mặt bây giờ có vẻ già hơn, buồn hơn, âu lo hơn, có lẽ sau những cuộc chính biến xưa nay vốn ít khi xảy ra nơi này, những sáng chủ nhật trời nắng ấm, em lại ra ngồi nhìn đám người qua lại chung quanh khu chợ (họ di động mà hình như vẫn không rời khỏi bốn khu phố bao quanh công trường), em nhớ đến anh, ý nghĩ thật là quen thuộc, em nhớ đến những sáng chủ nhật của anh và của các bạn anh – đến lần đầu tiên gặp anh cũng nơi chiếc bàn thấp này, dưới ấn bản một bức tranh Tàu mà sau này em đã thấy quen dần, anh đang ngồi trầm ngâm nhìn ra phố, hai tay anh đều tựa lên thành ghế, nhưng chỉ có bàn tay trái của anh mới nhịp nhịp theo một điệu nhạc êm dịu, điệu nhạc em nghe lần đầu tiên hôm đó nhưng đến bây giờ thì không còn xa lạ nữa, và có nhiều đêm yên tĩnh tai nghe tiếng côn trùng từ xa vọng lại, em cứ ngỡ chính là bài nhạc đó, từ nhà ai phát ra, em khẽ hát theo và có cảm tưởng những âm thanh kia của thiên nhiên đang trùng hợp với những âm điệu của bài nhạc – em đưa tay phải cầm tách café đưa lên miệng, nhưng em sẽ không uống vội, em sẽ kéo dài buổi sáng của em, cũng như em đang kéo dài vụ hè này, đang kéo dài nỗi lo âu hốt hoảng của gia đình, sự kinh ngạc của các bạn đồng nghiệp, mối bận tâm của bà hiệu trưởng, và nỗi vui mừng của lũ học trò mỗi khi đến giờ em dạy được cắp sách ra về, em sẽ còn kéo dài tất cả những thứ đó đến tận đâu, đến bao giờ?

Bây giờ em đang ngồi trong căn phòng trọ ở tầng lầu ba, ngoài kia trời cũng đang mưa, em vừa thức dậy với tiếng rửa chén bát ở nhà dưới, em ngồi trên chiếc giường nhỏ có vết mực màu xanh đen ở đầu nằm, em dựa lưng vào thành giường, hai tay ôm trọn đầu gối, em kê đầu lên hai cánh tay, mặt hướng vào chiếc bàn viết trên đó em bày những cuốn sách của em, bên cạnh khung hình nhỏ chụp anh ngồi cười trên mỏm đá, những cuốn sách em đã cố tình đem lên đây nhưng chưa hề cầm đến, dĩ nhiên, vì đó là những cuốn sách cũ, em đã mua (hoặc anh đã cho em) từ lâu và cũng đã đọc qua từ dạo còn đi học, em còn nhớ cái hôn đầu tiên đánh dấu sự thua trận của em đã xảy ra ở chiếc bàn này, sau buổi khiêu vũ ở trường vào đêm Giáng sinh, hôm đó anh đã cúi xuống trên tóc em, anh đã cúi xuống một cách đột ngột quá, làm em không kịp phản ứng (hay em đã phản ứng rất yếu ớt?), anh nói với em bằng một giọng thật nhỏ nhẹ, thật dịu dàng, đến nỗi em không nghe rõ được gì cả, và anh vẫn tiếp tục nói trong cổ họng, như để tự trấn an mình, để được can đảm hơn, thế rồi em không biết anh đã theo những con đường nào để ghé khuôn mặt trẻ thơ của anh trên má em, khuôn mặt còn đẫm hơi sương nhưng hình như đang ấm dần. Bây giờ em ngồi ở đây, em nhìn lại cả căn phòng thân yêu đầy dẫy sự hiện diện của anh, em nhìn lại chỗ đinh trên tường bây giờ để không, ngày xưa chính tay anh đã đóng lên để treo bức tranh của một người bạn tặng anh, bức tranh lớn quá nên em đã không đem theo lên với em được, em nhìn lại những chỗ tường bị lở, ngày xưa em vẫn thích ngồi tưởng tượng ra những hình thù lạ lùng mà những vết lở đó để lại, em nhìn lại chỗ móc áo, tay nắm bằng sành bị bể mất một nửa ở cửa ra vào, hộp gỗ móc màn sơn nâu đã ngả màu phía trên cửa sổ, chiếc bàn con ở đầu giường em dùng làm chỗ đựng hộp son phấn, em nhìn lại những thứ đó một cách buồn rầu, bất chợt em bắt gặp mình đang nghe ngóng, đang chờ đợi, em thở dài trong sự chờ đợi nghe ngóng đó, em đứng xuống đất đi ra cửa sổ, trời vẫn còn mưa, bên kia là khu nghĩa trang của thành phố, những cơn mưa đầu thu đã rửa sạch lớp bụi vàng, những ngôi mộ bây giờ trắng xóa, nhìn từ xa cả nghĩa trang trông giống như một thành phố thứ hai, một thành phố vắng ngắt, sạch sẽ nhưng cũng thật lạnh lẽo, bên kia là những con đường đất ngoằn ngoèo chạy dài trên đồi thấp thoáng bóng một vài người đang cắm cúi đi, cao hơn nữa là nóc nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế mờ mờ sau mấy lớp mưa bụi đàng sau em, đàng sau em là thành phố, cả thành phố dốc đồi, với khu chợ đông đúc, với con đường nhựa chạy quanh hồ rợp bóng lá cây, với gác chuông nhà thờ cao vút, với tiếng chuông chùa ngân dài trong đêm mưa, với những áo ấm màu sắc rực rỡ buổi sáng chủ nhật, những tiệm ăn ấm cúng, những tiệm café lờ mờ bóng đèn màu, cả thành phố dốc đồi, với những gánh phở rong, những xe mì bốc khói, những tiệm billard đông đảo, những đồ vật miền núi, cả thành phố dốc đồi, với những mương suối quanh co, những vườn rau cải mênh mông, những biệt thự cũ và những kiến trúc mới, vài ngày nữa, em phải trả lại căn phòng này cho một sinh viên lên trễ, em sẽ phải từ giã tất cả những nơi chốn thân yêu, tiếng rửa chén bát ở nhà dưới sẽ không còn đánh thức em giữa giấc ngủ trưa, tiệm ăn trước công trường sẽ mất đi (và có thể sẽ mất hẳn) một khách hàng quen thuộc, vài ngày nữa, vài tháng nữa, bất giác em nghĩ thầm...

Photobucket


PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
Visitor Counter
Visitor Counter


tháng mười -thành phố dốc đồi
tôi yêu những đám mây...những đám mây trôi qua...

trên kia...trên kia...những đám mây tuyệt diệu!
(baudelaire-spleen de paris)



(ĐỖ TRUNG QUÂN - tháng 10.1991)


1.thành phố dốc đồi già theo người đi
hoa quì dại có bao giờ vàng thế
sao hoa quỳ buồn quá
hay chính ta buồn
tẩu thuốc nào để lại khói sương
trên đỉnh tháp nhà thờ buổi sáng
phố chợ buổi chiều
trên cửa kính quán cà phê buổi tối
khói sương buồn thế
hay chính ta buồn...

2.
chiếc valise vuông& ống poster tròn
trên vai một người chở nặng
bay lên bầu trời
thành phố dốc đồi không ngoái lại
buồn như những thung lũng ngủ say
buồn như nghìn năm cao nguyên hoang dại
buồn như một nghìn ngọn thông ướt sương
trên đồi...

3.
bây giờ còn lại mình tôi
buổi chiều
kéo cao cổ áo lên phố chợ
gió...gió
chưa chi đã mùa đông
khum tay che một đốm lửa hồng
cho đỡ lạnh
cho đỡ hoài mong

4.bây giờ còn lại mình tôi
vỉa hè đá lát
đá những trái thông khô
nhảy một nhịp vu vơ
hoa tím trong cỏ
sao mày lẻ loi đến vậy
chúng ta ai buồn hơn?...

5.
bây giờ còn lại mình tôi
thềm đá cao phố chợ
co ro ngồi thổi khói-ly sữa nóng nửa khuya bốc mù
tròng kính
này,những vì sao khuya đừng nhỏ lệ
ướt đường về chân ta...
này hoa quỳ
sao mày không ngủ
thức làm gì như ta...

6.
chiếc valise &ống poster tròn
trên vai một người chở nặng
bay lên bầu trời
lòng ta cũng bay lên một cánh chim 
rách nát
vào chân mây

ngậm ngùi...

12 nhận xét:

  1. Chị ngồi ở trường giờ chơi ...Đọc lướt qua thôi ..Sẽ trở lại !

    Trả lờiXóa
  2. Chị còn lưu giữ vài cuốn tạp chí Văn . Rất tiếc là không đọc được những trang viết này vì chữ nhỏ quá

    Trả lờiXóa
  3. em scan chất lượng cao, sẽ upload mediafire quyển này, chị có thể Cltr & dấu cộng để tăng kích thước trang lên đọc sẽ thấy nha chị!

    Trả lờiXóa
  4. Chị lấy về , rảnh đọc, Cảm ơn H

    Trả lờiXóa
  5. không biết có phải là Hoàng Ngọc Biên hiện đang sinh hoạt Thơ ở trang tienve.org

    Trả lờiXóa
  6. vâng, mình cũng rất thích đọc Thơ của HNB lúc này; tranh digital của ông ấy thì chưa biết thưởng thức!

    Trả lờiXóa
  7. tò mò thôi nhen: thấy cách thưởng ngoạn của huy rất ... văn chương, không biết có viết lách gì không, hì

    Trả lờiXóa
  8. dạ, thỉnh thoảng thì cũng làm thơ...nhưng nói chung thì thích đọc hơn..chắc chút lãng mạn và văn chương/ văn nghệ có sẵn trong máu rồi:))!

    Trả lờiXóa
  9. vâng, nhất là âm nhạc, nếu có sinh hoạt thêm về âm nhạc thì tâm hồn sẽ phóng khoáng hơn
    chúc vui vẻ

    Trả lờiXóa
  10. Chị lấy về nhà xem au nhà H

    Trả lờiXóa