Văn - 1966
Văn - 1966
Văn – 1975
gio-o.com 2011
VÀI HÀNG VỀ NH. TAY NGÀN
|
....Trong bài "Nh. Tay Ngàn, lập lòe trí nhớ" của Thi Vũ đăng trong Website Gio-O có viết như sau:
"..... Cùng thời gian lao xao lá ngô đồng ấy, thư Nh. Tay Ngàn gửi tới mừng vui tin tạp chí ra đời. Nhĩ tự giới thiệu sang Pháp du học ngành họa đồ kỹ nghệ, mong được gặp hai chúng tôi và hứa sẽ làm bất cứ gì nặng nhọc trong tòa soạn để đóng góp. Chúng tôi quen nhau từ đó.
Nh. Tay Ngàn, tên thật Nguyễn Văn Nhĩ, sinh năm 1943, mất đầu tháng giêng 1978 tại Paris vào năm 35 tuổi. Chiến tranh là tên tử thần theo đuổi Nhĩ từ tấm bé. Nó đưa đẩy thi mệnh Nhĩ vào ngõ cụt. Cụt nhưng không kẹt trên bước đi khai phá của người thơ.
...
Nhĩ ít nói, ít tâm sự. Đôi mắt nai đăm đăm. Tôi cũng là người ít nói, gặp nhau chúng tôi hỏi thăm qua loa về cuộc sống rồi ngồi trầm ngâm. Nhĩ dõi theo một cõi ngoài chẳng ai vào được. Một thứ săn đuổi nội tâm và độc thoại. Trực giác tôi cảm nhận, điều ấy làm an ủi Nhĩ. Theo niềm tin cậy này Nhĩ càng trầm ngâm yên lặng như cùng tôi song thoại nơi thinh không. Lâu lâu Nhĩ hỏi một vài câu về chuyện viết lách, văn học, các tác giả...
Có thời Nhĩ theo người bạn gái người Tây Ban Nha sang sống ở Madrid cho đến khi biết mình mắc bệnh lao mới trở về Paris chữa chạy. Rồi Nhĩ quay cuồng theo bệnh tâm thần, người ta đã nhốt Nhĩ vào nhà thương điên Villejuif, vùng phụ cận Paris, với cách đốt điện trên đầu điên cuồng hơn cơn điên. Đây là thời gian địa ngục, mà dấu vết còn lưu trong văn thơ Nhĩ. Ít ai biết.
Nhĩ làm thơ, viết văn và vẽ tranh. Có một lần triển lãm cá nhân tại phòng tranh Louis Soulanges trên đường Montparnasse.
Mối tình đầu của Nhĩ là Liên trong Nỗi Liên đen tối vô cùng, mà Nhĩ trở về Saigon thăm lại năm 1973. May mắn cho Nhĩ là Liên vẫn yêu Nhĩ thiết tha, muốn sang Paris sống cùng Nhĩ. Nhưng cuộc sống không tiền bạc, không nghề nghiệp, Nhĩ đành thúc thủ. Nếu không có vài ba người bạn học cùng lứa thương yêu giúp đỡ Nhĩ, có lẽ Nhĩ đã chết sớm hơn.
Tôi ít thấy ai say sưa viết như Nhĩ. Âm thầm. Cặm cụi. Không nói. Không ba hoa. Những chuyến viễn trình, những cuộc tình vặt, những đêm đốt thuốc bên quầy bar với rượu rhum từng ngụm cay nhè... chỉ để dàn ra từng dòng chữ chân chỉ trang này sang trang khác. Có hôm tôi nhìn thấy trên 20 tập bloc, dễ cũng trên bốn nghìn trang, chữ nhỏ đều đặn. Từ chữ đầu đến chữ cuối không một lần mất kiên nhẫn, như một vũ trụ kiến kéo nhau đi thành hàng dọc. Khi thơ khi văn. Trong văn học Việt Nam có hai người không viết văn, viết thơ thành bài, mà dàn trải tới vô tận dòng thơ văn không có dấu chấm. Đó là Bùi Giáng và Nh. Tay Ngàn. Văn và ý tưởng, thơ và ý tưởng trộn nhau như chớp với đá kết ngọc. Hết õng ẻo với quá khứ, không thời trang thế cuộc, không nép mình vào ca dao hay bốc khói trên chợ trời văn học. Đọc Nhĩ phải có mắt xanh với tấm lòng rớm máu thì mới cùng Nhĩ song thoại trong "thế giới vốn nhỏ và hạt bụi muốn đau", khi nhà văn Việt Nam "thấy ngu trước nhà văn quốc tế".
Nhĩ không thích văn thơ Saigon thời ấy, Nhĩ nói : "Có thể vốn sống trong thời loạn ly của họ bị nghẹt nên sanh ra nhiều tánh ganh tị trách móc hoặc ghen ghét nhỏ nhoi, bởi đó mức văn hóa trì trệ rồi rút lì vào ảo tưởng bất nhất kia" (thư viết ngày 17.12.76). Nhĩ không ưa văn thơ tiền chiến và Tự lực Văn đoàn, vì cho rằng: "Giá trị họ ở trong tầng lớp sinh viên học sinh còn trẻ, thiếu sáng tác chứ không thể là giá trị vĩnh cữu cho chúng ta nữa, đành rằng mọi tư thế phê bình luôn toa rập với số đông. Ngay cả tôi hồi nhỏ cũng chẳng bao giờ ưa "tự lực văn đoàn", tới nay chuyện xưa rồi, nhắc lại để tự mình thấy điềm nào đó không hay ho nữa" (thư viết ngày 17.12.76).
Thoạt đầu Nhĩ thích nhóm Sáng Tạo, có lẽ vì chiều hướng đập phá cổ lệ văn chương. Nhưng không hiểu vì sao sau chuyến đi Saigon về, Nhĩ bất bình với Mai Thảo và một thiên tài khác mà Nhĩ ôm ấp trước kia.
...Đầu tháng Giêng 1978, các bạn của Nhĩ gọi dây nói cho biết Nhĩ chết rồi. Một hôm, bà gác dan (concierge) thấy mấy ngày qua Nhĩ không ghé lấy thư. Bà lên đập cửa phòng. Không nghe hồi đáp, bà lo lắng mở cửa xem thì Nhĩ đã nằm chết trên giường nhiều ngày. Lâu quá tôi quên, nhưng có thể là ở địa chỉ 16, rue Jean Ferrandi, Paris quận 6.
Các bạn hùn nhau làm đám. Thi hài đốt ở nghĩa địa Père-Lachaise, Paris quận 20. Dự tính sau này sẽ gửi tro về Việt Nam. Dường như Nhĩ có một người anh sống ở Saigon. Nghĩa địa Père-Lachaise còn lưu giữ những mộ chí của Gerard de Nerval, Chopin, Balzac, Alfred de Musset, Proust, Apollinaire, Pissaro, Oscar Wilde..."
Thơ Nh . Tay Ngàn
Anh chợt nhớ ra sau cơn mộng kinh hoàng em đã ngàn trùng mây nước kêu gào vô vọng nhớ thương Đáng lẽ giờ này em đang nũng nịu trong vòng tay anh, mớ tóc đen mềm mướt, đôi mắt ngái ngủ dịu dàng và bên ngoài nắng ấm dọi qua song Căn phòng vang tiếng em cười vui bữa ăn sáng mà anh nghe thấy cùng một lúc với giọng chim sẻ ca hát trên những mái ngói Rồi anh đưa em qua những cửa nhà thân thuộc, một cái dốc một chiếc cầu con sông chợ nhóm, vườn thú có những lùm cây xanh tươi hoa đỏ và anh rẽ tay mặt Trên đường về nhà qua những con đường bóng mát anh thường huýt sáo Đâu ngờ đến ngã rẽ cuối cùng bây giờ anh ở đây với bầu trời xám thấp, các cửa kính đóng chặt - đóng chặt ngàn đời, những ống khói đen sầm Anh lo sợ cho em trong những buổi chuông về bước nhỏ đánh thức mọi vật reo hò kỷ niệm Anh lo sợ trong những chiều sụp tối gian phòng vắng lạnh bóng đêm lặng lẽ vây lấy em Anh lo sợ ở cuối đêm anh trở về hình bóng chập chờn không sưởi đủ chuỗi ngày em đốt bằng ký ức Em ơi, đâu còn ai cận kề bên em những giữa đêm mưa dưng không òa khóc Làm thế nào có thể quên em những khi hoàng hôn sậm mặt Trong vườn Luxembourg anh ngó anh ngồi im một mình Những hàng cây đượm vàng lá úa Mỗi trận gió đem rơi từng chiếc u sầu Những pho tượng hoen rỉ kia yêu nhau ngàn năm Cặp tình nhân trong một góc hôn dài đắm đuối Đâu như đôi ta phải vội vã xa lìa Để những giọt nước mắt em anh chưa kịp lau Chưa kịp nếm đắng cay trên môi em đầu lưỡi Làn tóc rối tung không đợi anh kịp vuốt Để tháng ngày em xõa mộng thương đau Em ơi em, làm cách nào em giam giữ hoài con chim giữa lồng ngực Anh bay ra thương tích đầy hồn Em ơi em, những nắng mưa bên kia miền nhiệt đới Với âu lo chuông đổ gió về Em lụn tàn đêm gối chiếc bơ vơ Ôi mộng mị nuôi cuộc đời sao đủ Còn tương lai kia anh mang bỏ giữa rừng Em lạc lõng giữa hùm beo rắn rít Với thân gầy em chỉ khóc van xin. Làm thế nào có thể quên em được khi đèn đường bật lên vàng võ Trong những nẻo quanh co phố lầu tẻ ngắt Anh tìm một vì sao như lệ mắt em Anh chỉ thấy một khung trời mưng mủ Và hai tay lạnh giá đã dầy. Tranh Đinh Cường ẢNH TƯỢNG CUỐI THU nghe những chuyến xe lửa hú, anh dẫm lên lớp lá khô như giấc mộng tàn; nhớ lại khi xưa em là đồng bằng mỗi ngày anh núi rừng ao ước, muốn gặp nhau anh cất lời gọi vọng, em trao tình hoa dại đọng sương; giờ anh đã mờ xây xa vắng, ngóng về em tiếng gào còm cõi, chạm xác xơ mặt cỏ nám u buồn. qua vườn Luxembourg, nhìn pho tượng trần truồng gục đầu ngó đất; lá rụng dày thương nhớ trở vàng thêm. Un jour sans toi Những chiếc lá tàn rơi không cần một làn gió Điếu thuốc đốt lên hình bóng Và chợt tắt bơ vơ Kỷ niệm xuống đêm Ở chót vót của tuyệt vọng Anh im lìm ngắm hai tay không Un jour sans toi Người thủy thủ già từ bỏ biển khơi Chiếc tàu đã chìm Căn phòng nhuộm đầy bóng tối Mền gối bắt đầu rã mục Liễu ơi Liễu Un jour sans toi Tiếng hát cuối cùng nhỏ xuống Gạch ngói hoang tàn hồn anh Cùng tiếc thương mọc lan trên đó Un jour sans toi Một ngày người thủy thủ già Vô vọng chuyến ra khơi Liễu ơi Liễu MỘT VỆT SAO MỜ CHÂN PHƯƠNG
Đầu thập niên 90 lúc mới dọn về ở Cambridge (Boston) tôi rất siêng lui tới thư viện Harvard-Yenching để sưu tầm thơ văn miền Nam trước 1975 trong mớ báo chí Sàigòn cũ. Tình cờ một hôm khi lục lọi mấy chồng bán nguyệt san VĂN, giữa vô số những câu vần điệu phần nhiều là lục bát tôi khám phá một bài thơ tự do của Nh. Tay Ngàn đăng trong VĂN số 25 (15-2-1965). Vừa bàng hoàng vừa thú vị tôi chép ngay vào sổ tay bài Đơn khúc của Liễu với tâm trạng của kẻ đang khát bỗng được uống từng ngụm suối mát. Đó cũng là lần đầu tôi hạnh ngộ với sáng tác của thi sĩ này. Cái bút hiệu nửa mộc mạc nửa bí ẩn kia trở thành dấu hỏi ám ảnh tôi. Nh. Tay Ngàn, người là ai? Đang lưu lạc góc trời nào? Còn sống hay đã mất?
Tôi dò hỏi trong đám bạn hữu văn nghệ và ít lâu sau có người gửi cho tờ Quê Mẹ, (Xuân Canh Ngọ 1990), trong đó có nhiều trang văn xuôi Nh. Tay Ngàn và một tùy bút-tự sự của Phạm Công Thiện thuật lại cuộc gặp gỡ của họ ở Paris “trong thời gian cả hai đều nghèo đói và chỉ biết sống hết mình với thơ văn nghệ thuật; cả hai thường lang thang suốt đêm trên những đường phố Paris, lúc nào có chút ít tiền thì la cà ngày đêm trong những quán café ở Montparnasse hoặc ở Montmartre. Cả hai đều say sưa viết, mộng và mơ bất tận. … Có lúc dắt nhau ra bờ sông Seine, thòng mấy chai rượu đỏ xuống nước sông, uống rượu say lướt khướt, ngâm thơ Lý Bạch và Nguyễn Du, đọc thơ Apollinaire ngay nơi chỗ ở xưa của thi nhân, ngó những cụm mây trắng ngập ngừng trên tháp chuông nhà nguyện Saint Germain-des-Prés, ngồi quán café ở Montparnasse vui cười ngó nhìn Jean-Paul Sartre dẫn cô đầm trẻ tóc vàng bước qua vỉa hè. …”
Rất có thể Đơn khúc của Liễu cũng như một số ít bài thơ khác đăng trên báo VĂN vài năm sau đó đã được tác giả chúng sáng tác trong thời gian nói trên vì chúng mang khá đậm không khí của thơ hiện đại Paris, đặc biệt là chất trữ tình bình dân Prévert và âm vang thời gian siêu hình Apollinaire như mấy câu sau:
Ba giờ trưa một khúc nhạc sầu Un jour sans toi … Liễu ơi Liễu Un jour sans toi tiếng hát cuối cùng nhỏ xuống gạch ngói hoang tàn hồn anh … Đơn khúc của Liễu
Dù chưa tìm ra tài liệu hay nhân chứng nào để hỏi cho biết ngày sinh tháng đẻ tôi đoán rằng thi sĩ lúc ấy khoảng 23-25 tuổi, cái thuở thanh xuân tràn trề hoài bảo của chàng sinh viên VN say mê văn nghệ lại được đặt chân lên thánh địa của thơ văn quốc tế. Bị ma lực của thủ đô ánh sáng réo mời, tâm hồn tài hoa nhưng non bản lĩnh ấy đã hóa làm thiêu thân…”Nh. Tay Ngàn bỏ học kỹ sư không gian ở Paris, sống nghèo đói cả chục năm hoang liêu, suốt ngày chỉ làm thơ và chẳng bận tâm xuất bản.Rất ít nói và khiêm tốn, không bao giờ tự nhận là thi sĩ, dù đã làm cả ngàn bài thơ tuyệt diệu. …Nh. Tay Ngàn… dám sống cho tới nơi trọn cả nỗi đời nghệ sĩ hiu quạnh, từ chối đời sống khoa cử trường ốc, …,vợ con, việc làm, nhà cửa ấm êm, cô độc đói rét lao cả thân mệnh mình vào thơ, và chỉ biết có thơ và thơ mà thôi.” Người Pháp có hai chữ POÈTE MAUDIT ngắn gọn để tôn vinh những kẻ chấp nhận mọi nguyền rủa của đời đổi lấy sự thủy chung với Nàng Thơ. Hơn cả Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng … còn có thân nhân, đồng bào khi hoạn nạn, Nh. Tay Ngàn hoàn toàn tứ cố vô thân ở Pháp trong những năm tháng túng thiếu, nghiện ngập, lao phổi, điên khùng … Không hiểu những bóng hình phụ nữ (gái Việt, đầm Pháp, đàn bà Tây ban nha) trong những trang bản thảo của ông có an ủi, khỏa lấp được chút nào niềm tuyệt vọng và ám ảnh hư vô chủ nghĩa đã thấm vào máu thịt nhà thơ?
Rồi mùa thu rủ tôi đi xa Tôi đi xa mãi tôi rồi Nhằm đêm hoa rụng như ánh trăng Tan mù mù trên miệt hải ngạn … Ánh trăng không thành như cơn huyễn mộng của tôi và Liên hôm nay … Một mùa thu trước Liên xa Không còn gì nhớ lại nữa đâu Những hàng sao im nguyên ngày ấy của con đường Trà Vinh sớm hôm Không còn gì ru nhớ làm chi … Mười hai năm thành điệu gió mùa Thổi lưu lạc mỗi hôm mù mắt Trên hình bóng Liên xa và xa Như hiện thân tôi trôi và trôi Mãi mãi với muôn ngàn ánh sao giá lạnh … Nỗi Liên đen tối vô cùng
Cũng nhờ bài viết nói trên của PCT tôi biết được hung tin trễ tràng: “Nh. Tay Ngàn đã chết từ lâu,…chết lúc mới ngoài ba mươi tuổi, tự tử. Người ta tung cửa phòng anh và biết rằng anh đã chết bốn năm ngày. Ông bạn thi sĩ ở G. đã khổ công lắm mới tìm được cả ngàn trang văn thơ của Nh. Tay Ngàn. Cả một sự nghiệp thi văn vĩ đại hãy còn quạnh hiu đâu đó mà chưa có ai hay biết..”
Vài đoạn trích trong bài giới thiệu sơ lược này kèm theo mấy bài thơ dưới đây dĩ nhiên không thể đại diện cho sự nghiệp sáng tác của người quá cố . Hi vọng giới yêu thơ VN sẽ hợp tác để khôi phục lại tác phẩm, đặc biệt là thơ, của Nh. Tay Ngàn; đồng thời bổ túc cho một chương văn học sử VN hiện đại do những nhà thơ Việt từng sinh sống ở Pháp như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Trần Hồng Châu, Nh. Tay Ngàn…tạo dựng nên và đang đứng trước nguy cơ bị phủ nhận hay quên lãng.
ĐƠN KHÚC CỦA LIỄU
ba giờ trưa một khúc nhạc sầu Un jour sans toi những chiếc lá tàn rơi không cần một làn gió điếu thuốc đốt lên hình bóng và chợt tắt bơ vơ kỹ niệm xuống đêm ở chót vót của tuyệt vọng anh im lìm ngắm hai tay không
Un jour sans toi người thủy thủ già rời bỏ biển khơi chiếc tàu đã chìm căn phòng nhuộm đầy bóng tối mền gối bắt đầu rã mục
Liễu ơi Liễu Un jour sans toi tiếng hát cuối cùng nhỏ xuống gạch ngói hoang tàn hồn anh cùng tiếc thương mọc lan trên đó
Un jour sans toi một ngày người thủy thủ già vô vọng chuyến ra khơi Liễu ơi Liễu
BÀN TAY
trên cao xa kia nhớ nhung nàng chỉ còn mảng trời tím lạnh. buổi chiều tắt dần tắt dần tiếng chuông, cây lá sẩm. nàng vuốt lấy mặt nàng, thấy ngón tay nàng ướt đẫm.
những đớn đau lớn theo đời nàng nàng đếm mãi trên bàn tay (ôi những ngón tay yếu ớt như côn trùng đơn chiếc) còn thanh xuân nàng ư? nàng hỏi sao mùa đông loài chim ủ rũ
ôi những chiều những chiều kéo nàng vào bóng tối những xót đau khó hiểu của hồn chàng, chàng đặt giữa vũng tay nàng, chàng bỏ chàng đi; rồi mặc tình cho con lốc bi thương cháy rực.
nàng vuốt lên thân thể nàng; ôi bàn tay em đâu là cánh tay anh. nàng hôn lấy hôn lấy từng chiếc móng. ở cuối đêm khuôn mặt chàng xanh.
CHIM
một sáng thức dậy nàng biết nàng không còn tiếng hót mặt trời nàng nhìn thẳng cũng hóa đen
rồi mùa rét mang về nhớ nhung lòng nàng mướt xanh vết thương tự đấy mưng lên nàng muốn bay vào miền ấm áp của lòng chàng nhưng cánh nàng đã mỏi
và bắt đầu nàng gọi rừng chập chùng căn lầu vườn cây bốc cháy đêm ơi đêm anh ơi anh
CHÚ THÍCH
Giai phẩm Quê Mẹ ( Xuân Canh Ngọ 1990) với tùy bút của Phạm Công Thiện, Tuyết vẫn bay đêm cuối năm, 83-87; và truyện của Nh. Tay Ngàn, Ngồi như nỗi gió reo cuồng,88-94, là tư liệu cung cấp nhiều thông tin quí về đoạn đời ở Pháp của nhà thơ. Bài trường ca Nỗi Liên đen tối vô cùng trong Tạp chí Thơ 13 (Thu 1998 NH. TAY NGÀNvà bài thơ NỖI LIÊN ĐEN TỐI VÔ CÙNG Nh.Tay Ngàn không phải là một tác giả quen thuộc đối với người yêu thơ vì thơ ông ít xuất hiện trên báo chí. Ông qua đời đã lâu , để lại cho đời một bài thơ tuyệt vời: NỖI LIÊN ĐEN TỐI VÔ CÙNG. Bài thơ được đăng trên báo Quê Mẹ của nhà thơ nhà tranh đấu Nhân Quyền Thi Vũ Võ Văn Ái ở Pháp, vào thời gian đầu của đợt người Việt tỵ nạn Cộng Sản ra hải ngoại sau 1975. Đây là một bài thơ tự do dài 255 câu, trong đó tên của người thiếu nữ, Liên, đã được ông nhắc đến trên 50 lần. Có lẽ đây là một trong những bài thơ tự do dài nhất trong thi ca Việt Nam. Tôi có mười hai điệu Liên sầu Có nhiều điều lạ lùng nơi người thi sĩ này: cách chọn bút hiệu, cách đặt tựa đề bài thơ, số câu trong bài thơ. Ngay cả cuộc sống và cái chết của Nh. Tay Ngàn cũng lạ lùng. Ông sang Pháp du học vào thập niên sáu mươi, và một ngày kia người ta tìm thấy ông nằm chết đã hai ba ngày trong một căn gác trọ ở Paris. Nh. Tay Ngàn tên thật là Nguyễn Văn Nhĩ, sinh năm 1943, mất đầu tháng giêng 1978 tại Paris vào năm 35 tuổi. Đoàn Thị Thư Nỗi Liên Đen Tối Vô Cùng Rồi mùa thu rủ tôi đi xa Tôi có mười hai điệu Liên sầu Rồi mùa thu đốt lá để quên tôi Tôi có những bầu trời để giết hồn ma trơi Tôi có làm gì đâu giữa đất bọn thạo đời này Rồi mùa thu áo cưới Liên đâu Mộng ngày rũ rượi đó Liên nh tay ngàn Những bài khác về NH TAY NGÀN: http://www.gio-o.com/ThiVuNhTayNgan.html http://www.gio-o.com/MotBaiThoHayNhTayNgan.html Hình bìa Ai Đã Chết Một Mình Chim Xanh Khóc do NH. Tay Ngàn vẽ, và thủ bút trang đầu |
Ngay từ lúc đọc vài bài thơ đầu của Nh_Tay_Ngàn chị đã thấy bóng dáng của Phạm Công Thiện thấp thoáng trong cách nghĩ và kết cấu từ ngữ của ông ...Và khi đọc đến những trang cuối cùng mới biết thì ra 2 người đã có một mối quan hệ tình bạn....Một cuộc đời nhiều bi kịch quá có khi lại do chính nhà thơ tạo ra chứ ko ai khác
Trả lờiXóadạ, chắc là do có chút gì tương đồng giữa SỰ VÂY HÃM CỦA CÔ ĐƠN và ...IM LẶNG HỐ THẲM hả chị? Em cũng mới biết mối tương giao này và thấy rất thú vị!
Trả lờiXóaÀ, mà em còn thấy bóng dáng của THANH TÂM TUYỀN trong thơ NH TAY NGÀN nữa chị:)
Chúc chị tuần mới vui:)