Trang

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

...màu thời gian...

MÀU THỜI GIAN

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương (2) ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi (3)
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian (4)

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát (5)
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh (6)

Tóc mây một món chiếc dao vàng (7)
Nghìn trùng e lệ phụng (8) quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng (9)

Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình muôn thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát (10)


Lời chú của Hoài Thanh và Hoài Chân (trích Thi Nhân Việt Nam): 

(1) Không ai ngờ một cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình. 

(2) Hãy để ý đến cái âm điệu vấn vương của mấy chữ này. 

(3) Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có ngưòi cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất, nhất định không cho vua Hán Võ Đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần phi, thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng. 

"Ngàn xưa không lạnh nữa" : Chuyện xưa đã hầu quên nay nhớ lại lòng lại thấy nôn nao. 

(4) Thi nhân muốn nói dâng hồn mình cho người yêu. Song nói như thế thì sẽ sỗ sàng quá. Vả người thấy mình không có quyền nói thế, vì tình yêu ở đây chưa từng được san sẻ. Nên phải mượn cái hình ảnh "trời mây phảng phất nhuốm thời gian" để chỉ hồn mình. Chữ "nhuốm" có vẻ nhẹ nhàng không nặng nề như chữ "nhuộm". Chữ "dâng" hơi kiểu cách. 

(5) Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẩn với người yêu. 

(6) Hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng. 

(7) Nàng Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá, sai Cao Lực Sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc thương quá, lại vời nàng vào cung. 

Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương. 

— đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy. 

(8) Chữ "phụng" rất kín đáo, chữ "dâng" sẽ quá xa vời, chữ "tặng" quá suồng sã. 

(9) ý nói: thà phụ lòng mong mỏi của chàng; còn hơn gặp chàng trong lúc dung nhan tiều tụy để di hận về sau. 

(10) "Tím ngát" tả đúng mối tình dìu dịu. "Tím ngắt" sẽ đau đớn quá.
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét