Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Joseph Huỳnh Văn & Tập San Văn Chương (1972 - 1974)


Joseph Huỳnh Văn, một “người-thơ” mà cách đây khoảng hai thập niên trước, khi tôi lần đầu chạm ngõ những bồi hồi chữ thấm đẫm “máu lệ chứa chan”, những bài thơ rung vang “khúc cầm dương sầu quý phái” của ông; tôi đã chạm vào một bàng hoàng xao xuyến, vì lúc ấy,  thấy, dường như đây chính là một thi sĩ – trong ngữ nghĩa cao quý nhất của thi ca – toàn tòng, một tâm hồn mơ huyễn chìm khuất giữa điêu linh và ảo ảnh, rồi những tinh huyết tràn ra trên những dòng thơ - những tiếng nấc nghẹn, những siết rên – qua đó tạo dựng một thế giới (mang nhiều tính âm) thâm trầm như bí tích, sang cả như giọt lệ điêu-linh-lần-đầu của tình nhân , đẹp-(như)-đau-thương ...trong ngôn ngữ thi ca của mình và hơn thế, kiến tạo một thẩm mỹ khác ?!?
Lúc đó, đối với tôi, ông như một người thơ rất mơ hồ mông lung xa xôi – xa và… thơ như chính cái tên thánh của ông vậy – nhưng với những tận hiến trong từng dòng chữ viết ra, tôi như chạm gần đến ông hơn qua một khắc thăng hoa cảm xúc, chìm vào những vầng thơ đắm đuối mà vẫy vùng trong tinh tuyền của suối nguồn thi ca – trải nghiệm những “nát tan” nhất, những “đẹp thương đau” nhất, những “sầu ngất tạnh”, những ngàn trùng, những “hoàng hôn không cùng ngực tuyệt vọng”, những xám ngắt hiu quạnh của những buổi chiều…trong thơ ông, làm tôi run trong nỗi bàng hoàng rờn rợn, và cũng run lên vì đê mê “nhập thế” vào thế giới thi ca bi thiết mà vô ngần ơn phước ấy!
TẬP SAN VĂN CHƯƠNG - Với số ra mắt mang tên NHÃ TẬP (đến nay tôi chưa tìm thấy những số nào khác - và cũng chưa thấy trên mạng - ngoài 5 số sau:
Số 1 – chưa có tên TẬP SAN VĂN CHƯƠNG – NHÃ TẬP (MÙA CẦM XANH) – THÁNG 8/1972
Số 2 – số ra mắt TẬP SAN VĂN CHƯƠNG (?!?) – MỸ TỪ PHÁP – THÁNG 5/1973
Số 3 – SOLEILS PERDUS SOLEILS RETROVÉS – THÁNG 8 /1973
Số 4 – MÁI ĐÔNG – THÁNG 11/1973
Số 5 – TRUNG TÂN – 1974)
đọc lại để thấy rằng, đây chắc chắn là một trong số những tập san / tạp chí “văn nghệ” có giá trị nhưng vì nhiều lí do, hay thường bị quên đi khi người ta viết biên-niên-ký cho 20 năm văn chương miền Nam đã mịt mùng …nhưng chưa “tan đi như bụi mờ”.

huyvespa@gmail.com

“Huỳnh Văn là linh hồn, là tinh thần, và tổng thư ký của tờ báo.
Không có anh, chắc tờ báo không ra quá số hai. Sài-gòn nhỏ xíu: chiến tranh, nỗi sợ hãi, đời sống riêng tư của mỗi con người... làm người ta co cụm lại. Đám bạn bè tuy biết nhau, nhưng chỉ chịu ngồi bên nhau, khi có anh.
Tập san còn có Nguyễn Tử Lộc, đã chết vì bệnh tại Sài-gòn ít lâu sau 75. Phạm Hoán, Phạm Kiều Tùng, Nguyễn Đạt, Nguyễn Tường Giang... Không có Phạm Kiều Tùng, tập san không có một ấn loát tuyệt hảo. Nguyễn Đông Ngạc khi còn sống vẫn tự hào về cuốn Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam) do anh xuất bản, Phạm Kiều Tùng, Phạm Hoán lo in ấn, trình bày. Bạn lấy đầu một cây kim chấm một đầu trang. Dấu chấm đó sẽ xuyên suốt mọi đầu trang thường của cuốn sách. Không có Nguyễn Tường Giang thì không đào đâu ra tiền và mối thiện cảm, độc giả, thân hữu quảng cáo dành cho tập san. Những bài khảo luận của Nguyễn Tử Lộc và sở học của anh chiết ra từ những dòng thác ngầm của nhân loại - dòng văn chương Anglo-Saxon - làm ngỡ ngàng đám chúng tôi, những đứa chỉ mê đọc sách Tây, một căn bệnh ấu trĩ nhằm tỏ sự khó chịu vì sự có mặt của những quân nhân Hoa-kỳ tại Miền Nam….
Tạp chí văn học 'Tập san Văn chương' ra mắt độc giả khoảng 1972-74, tại Sài-gòn. Chết trước ngày 30/ 4/ 75. Hình như là do Nguyễn Tường Giang, bác sĩ kiêm quản lý bất đắc dĩ của tờ báo chán chuyện đi lấy quảng cáo, mặc dù đi là có; mặc dù tập san có nhà in riêng - nhà in ABC của thân phụ anh Phạm Kiều Tùng” (theo hồi ức của nhà văn/ nhà phê bình văn học Nguyễn Quốc Trụ)

Joseph Huỳnh Văn sinh năm 1942 trên vùng đất Quảng Đà. Ông nguyên được đào tạo trong một trường dòng, lớn lên lại ra đời nhập thế, đi dạy học. Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn tên thật là Huỳnh Văn Hiến. Ông có người anh ruột tên Huỳnh Văn Trọng, một trong những nhà tình báo của phe “cách mạng”, từng leo lên tới chức cố vấn đặc biệt (cùng với tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ) của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1969, vụ án gián điệp đổ bể, Huỳnh Văn Trọng bị bắt, đến 1973 được trao trả về phe “Chính phủ Cách Mạng lâm thời Miền Nam VN” tại Lộc Ninh. Nhà văn Cao Huy Khanh trong tập Chân dung “Những số phận đặc biệt” đang biên soạn truyền mạng, phần viết về Joseph Huỳnh Văn cũng xác nhận rõ mối quan hệ đặc biệt này” (Võ Chân Cửu)


“…nhưng không nhiều lắm chữ nghĩa thành thơ…”
Nguyễn Lương Vỵ
Giới thiệu thi tập
Thơ Joseph Huỳnh Văn 
(Giấy Vụn, 2011)

“Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn (1942-1995) tên thật là Huỳnh Văn Hiến, quê quán: Thừa Thiên, Huế. Định cư tại Sài Gòn vào giữa thập niên 60, dạy học tại Thủ Đức, Biên Hòa. Sau tháng 4.1975, làm thợ mộc và hầu như không còn làm thơ nữa. (Vào khoảng cuối năm 1993, trong một lần uống rượu tay đôi với ông, thi sĩ, lúc đã ngấm rượu, cao hứng “khoe” và đọc cho tôi nghe một bài thơ ông mới sáng tác về Hà Nội với một giọng rất trầm ấm, khinh khoái. Hôm sau, đến thăm ông tại nhà, tôi xin ông được đọc lại bài thơ ấy, ông bảo, bài thơ vẫn còn nằm ở trong đầu, chưa vừa ý lắm, nên chưa viết ra. Sau nầy, hỏi gia đình ông, cũng cho biết, không tìm thấy bài thơ ấy trong di cảo!). Ông từ trần tại Sài Gòn ngày 28.02.1995 sau một cơn đột quỵ. Joseph Huỳnh Văn làm thơ từ thời còn là học sinh trường Quốc Học – Huế, nhưng, thơ của ông chỉ xuất hiện duy nhất trên Tập San Văn Chương. Ngay sau đó, đã tạo được sự quý mến, trân trọng của bằng hữu trong giới văn nghệ Sài Gòn và độc giả yêu chuộng văn chương.
Di sản thơ, cũng là di cảo, thi tập “Thơ Joseph Huỳnh Văn” chỉ có khoảng trên dưới 30 bài thơ, được thể hiện rất cô đọng trong 5 chủ đề: Mỹ Từ Pháp – Viễn Xứ – Hòa Âm Bên Khổ Tu Viện Xitô (gồm: Hòa Âm Trầm Ngữ – Hòa Âm Thu Rừng – Hòa Âm Mùa Cầm Xanh.) – Gởi Cho Chiều Hơi Thở Đất Sâu – Lộc Khổ Đau, Thạch Ngữ Khắc Vách Ngục. Ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, cấu trúc trong thi pháp Joseph Huỳnh Văn mang phẩm cách rất riêng, nhất là sức nén rất sâu, sức ngân rất xa của Chữ. Thơ, đối với ông, như một đóa Thạch Hoa. Thi sĩ, đối với ông, như một Thuật Sĩ luyện kim, hứng trọn Lộc Khổ Đau ở chốn trần gian nầy, trầm mình trong hồn cốt của Chữ, âm vang và sắc màu, để thấy, nghe, cảm ứng với cái Đẹp trầm thống, bi thiết và u uẩn của kiếp người. Vì thế, số lượng thơ không nhiều, của đời thơ Joseph Huỳnh Văn, là điều dễ hiểu. Cũng vì thế, thơ Joseph Huỳnh Văn rất kén người đọc do tính cô đọng, hàm súc; tính ẩn dụ, biểu tượng đa tầng đa nghĩa của ngôn ngữ, cấu trúc thi pháp trong thơ ông.
* * *
Khoảng giữa năm 1973, tôi [Nguyễn Lương Vỵ] đang là sinh viên năm thứ 3, ban triết học, viện đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn. Một hôm, tình cờ ghé vào sạp báo ở đường Trương Minh Giảng, thấy có bày bán Tập San Văn Chương, hình bìa trình bày lạ và đẹp. Không cần phải xem trang trong, tôi mua ngay và mang về căn gác trọ, mở ra đọc một hơi mấy trang thơ của Joseph Huỳnh Văn. Đọc xong, tôi buột miệng nhủ thầm: Thơ rất hay và rất lạ! Tên thi sĩ cũng rất lạ, tôi chưa từng thấy xuất hiện trên bất cứ tạp chí văn học nghệ thuật nào ở Sài Gòn lúc đó. Theo địa chỉ tòa soạn có in ở bìa trong tập san, tôi cao hứng, đánh bạo gửi một bài thơ khá dài – có nhan đề “Âm Nhạc” viết năm 1970 để tưởng nhớ Ludwig van Beethoven, nhạc sĩ cổ điển người Đức mà tôi rất yêu thích, có ảnh hưởng rất mạnh trong thơ tôi lúc bấy giờ – đến Tập San Văn Chương. Không ngờ, hơn hai tháng sau, bài thơ của tôi được chọn đăng trong Tập San Văn Chương số tiếp theo. Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn đã đến tìm và gặp tôi tại hành lang viện đại học Vạn Hạnh. Từ đó, tôi có thiện duyên được làm người bạn vong niên của anh. Tôi rất quí trọng anh và anh cũng rất thương tôi như một người em. Lệ thường, mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần, đã có hẹn trước, tôi ngồi đợi anh ở quán cà phê Nắng Mới, cạnh cổng trường viện đại học Vạn Hạnh. Anh dạy học ở Biên Hòa, đi tàu lửa về Sài Gòn khoảng 4, 5 giờ chiều. Hai anh em gặp nhau, ngồi uống cà phê cho đến lúc trời sẩm tối thì chia tay. Thời ấy, tôi vốn rụt rè, sống cô độc, ít nói. Anh cũng rất trầm tĩnh, kiệm lời. Lắm khi, hai anh em khi gặp nhau, chỉ vui vẻ cười chào, hỏi thăm nhau bâng quơ vài câu, rồi im lặng ngồi nhìn vạt nắng chiều đang dần sẫm lại, uống cà phê và đốt thuốc liên tục.
Sau nầy, khi khá thân thiết, tôi được biết anh đam mê cõi văn chương, nhất là thơ, từ khi còn rất trẻ. Giao tình và tri tình với anh ngày càng sâu đậm, tôi càng cảm nhận phẩm cách thi sĩ hiếm thấy nơi anh. Joseph Huỳnh Văn, thơ, người thơ và đời thơ: Nhất quán. Tầm kiến thức, tư duy về thơ của anh khá sâu rộng, lịch lãm. Sức sáng tạo trong thơ anh cuồn cuộn những mạch ngầm của biểu tượng và ẩn dụ với âm sắc rất đẹp rất lạ trong hồn cốt chữ nghĩa. Tôi hiểu một cách thâm thiết rằng: Thơ, với Joseph Huỳnh Văn, chính là Đạo Sống và Chết. Tận Hiến và Tuẫn Đạo.
Thi sĩ, kẻ thọ mệnh điêu linh, cô độc ngút ngàn. Thi sĩ không có bạn. Thi sĩ làm bạn với chính họ – hiểu theo nghĩa rốt ráo nhất. Nhưng, Chữ của thi sĩ thì vẫn có đồng vọng tri âm. Tôi tin một cách rất thơ mộng như thế!
…”


TẬP SAN VĂN CHƯƠNG LÀ GÌ ?
Nguyễn Quốc Trụ

Tạp chí văn học 'Tập san Văn chương' ra mắt độc giả khoảng 1972-74, tại Sài-gòn. Chết trước ngày 30/ 4/ 75. Hình như là do Nguyễn Tường Giang, bác sĩ kiêm quản lý bất đắc dĩ của tờ báo chán chuyện đi lấy quảng cáo, mặc dù đi là có; mặc dù tập san có nhà in riêng - nhà in ABC của thân phụ anh Phạm Kiều Tùng. Có lần, trên tạp chí Thơ, tôi đã viết về cái đức sửa mo-rát, sửa lỗi chính tả của anh. Tôi vẫn còn nhớ tiểu đề một số tập san, Mặt Trời Mất Đi Mặt Trời Tìm Thấy, do anh đề nghị. Bằng tiếng Tây: Soleils Perdus Soleils Retrouvés. Đây là một dị ứng, một phản ứng tự vệ, trước sự hiện diện, không phải với mấy anh chàng Yankees đứng ngơ ngẩn ở ngã tư đường phố Sài-gòn, tò mò nhìn phố xá, dòng người qua lại, vào những buổi cuối tuần, những ngày mới tới, mà là những thay đổi quá nhanh chóng của thành phố, cùng với sự hiện diện của họ.
Y hệt như một phim Viễn Tây, trên đường phố Sài-gòn đang biến dạng.
Trong bọn, chỉ có Nguyễn Tử Lộc là sớm sủa làm quen với tư tưởng, thí dụ, của một F. R. Leavis, 'phê bình gia lý tưởng là một người đọc lý tưởng, từ đó văn chương tùy thuộc hoàn toàn vào những từ ngữ của nhà thơ, hay tiểu thuyết gia mà kinh nghiệm đã đem tới cho họ.' Và ở đây, là tiếng Anh, 'thứ tiếng nói sức mạnh của nó thuộc về đất, như tổ tiên của họ là những người dân quê... Khi người ta thêm vào đó, rằng lời nói, theo một trật tự cổ xưa, là một dạng văn hóa nghệ thuật phổ thông, rằng người ta nói thay vì đọc, hay lắng nghe la-dô, đài'(1), Nguyễn Tử Lộc đã sớm nhận ra sự đa dạng của một chủ nghĩa tự chủ mang tính đồng quê, thuộc về 'đất và những người đã chết của nó' (la terre et ses morts)(2) anh có lẽ đã linh cảm, 'định mệnh của một tiếng nói, như hồi nhớ về biết bao nhiêu con ngườI' (Thanh Tâm Tuyền).
'Nếu muối mất vị mặn của nó, làm sao có lại được.' (Phúc Âm theo thánh Ma-thi-ơ). Nhà văn theo một nghĩa nào đó, là muối của đất, hay ngắn gọn hơn, là đất. Marguerite Yourcenar, thuộc Hàn lâm viện Pháp ghi nhận, trong tiếng Anh của người Mỹ, dirt, dơ dáy, là đất, theo nghĩa của người làm vườn; một thứ đất mầu mỡ, sẵn sàng để trồng trọt: 'Cho thêm tí dơ vào chậu bông này đi. (Put a little more dirt in this flower pot.)'
Hiểu như thế, một nhà văn, khi bị bứng ra khỏi đất, anh ta trở nên sạch, theo nghĩa vô dụng, hết xài, đã bị thiến. Cũng theo nghĩa đó, nỗi nhớ bùn là thê thảm nhất, trong mọi nỗi nhớ. Anh ta phải động viên mọi sức lực, quyền năng, nghệ năng, biến sở đoản thành sở trường, biến chữ thành đất: Chúng ta đi mang theo quê hương. Sự thành công của dòng văn chương di dân viết bằng tiếng Anh là một ví dụ.
Vả chăng, kinh nghiệm ăn nhờ ở đậu là rất một mình, mỗi người một kiểu. Bạn luôn đau nỗi đau nhớ nhà, nhưng tệ hại hơn, còn nỗi đau vong thân: tiến trình biến thân quen thành xa lạ, hờ hững. Người viết chưa gặp phải tình trạng này, nhưng hình như một số người Việt về nước đã gặp cảnh chua xót. Cứ nghe như quê hương nói mát nói mẻ: 'Ơ kìa, anh/chị này, tôi không quen!' Ôi nỗi xa lạ hờ hững, không phải của một dáng dấp chưa từng gặp, mà từ chính người yêu dấu, thân thương mới ngày nào còn là của mình!
Nhưng Nguyễn Tử Lộc đã chẳng cần tới mấy chuyện đó. Chẳng cần thứ kinh nghiệm đó. Anh ở lại mãi mãi, sau 1975, vì bạo bệnh. Đám tang anh, có Nguyễn Đạt, Joseph Huỳnh Văn, Phạm Kiều Tùng, Phạm Hoán, tôi... đi sau quan tài. Hình như chỉ thiếu Nguyễn Tường Giang. Sau anh là Joseph Huỳnh Văn. Mới đây thôi (20/2/95), vậy mà cũng đã mấy năm trời rồi.
Tôi biết Lộc, và J. Huỳnh Văn, là qua Tập san Văn chương. Không biết ai là người đầu tiên đưa ra việc làm báo. Khi có tôi, mọi chuyện đã được quyết định. Tôi nhận lời, phần lớn là vì hai người bạn mới. Nhất là J. Huỳnh Văn. Như một hậu quả tất nhiên của những buổi bỏ sở ra ngồi quán cà phê gốc me đường Nguyễn Du, hoặc bên đường Hai Bà Trưng, quãng gần ngã tư Gia Long, khi bên kia quá ồn. Số là lúc này, Bưu Điện đã phân đôi, thành Bưu Vụ, và Viễn Thông; tôi chuyển về Trung Ương, chuyên lo việc lên đồ biểu điện đàm/ điện tín, dưới quyền ông T. nghe nói người của Mỹ. Vào những ngày cuối cùng, trong lúc Đà Nẵng đang trong cơn hỗn loạn, tôi còn cố liên lạc với Phòng Điện Toán, xin con số điện đàm/ điện tín ... 'Anh có biết Đà Nẵng sắp sửa đi đoong không...",' tôi nghe tiếng người bạn bên kia đường dây hốt hoảng. Quay qua phòng sếp, một đống hồ sơ vẫn y nguyên. Đã hơn tuần ông chưa vô sở. Người Mỹ đã đưa ông và gia đình đi từ mấy ngày đầu tháng tư.
Huỳnh Văn là linh hồn của cả bọn, là tinh thần, và tổng thư ký của tờ báo. Không có anh, chắc tờ báo không ra quá số hai. Sài-gòn nhỏ xíu: chiến tranh, nỗi sợ hãi, đời sống riêng tư của mỗi con người... làm người ta co cụm lại. Đám bạn bè tuy biết nhau, nhưng chỉ chịu ngồi bên nhau, khi có anh. Anh nói, anh biết tôi từ hồi mồ ma tuần báo Nghệ Thuật. Từ những ngày, thỉnh thoảng ghé quán Cái Chùa, thấy một gã lúc nào cũng đeo kính đen, ngồi trơ một mình tại một chiếc bàn ở góc quán. Nếu không có Tập san Văn chương, chúng tôi chẳng bao giờ có dịp quen nhau. Và có thể chẳng bao giờ người đọc biết anh là một thi sĩ. Cũng chẳng mấy người biết anh dậy học, cho một trường tư ở Biên Hòa. Có thể những dòng Cầm Dương Xanh đã rong ruổi cùng với anh, suốt quãng đường Sàigòn-Biênhòa, và ngược lại. Chúng xuất hiện lần đầu tiên, và cũng là cuối cùng trên Tập san Văn chương. Nhà thơ Huy Tưởng, thay mặt anh em ở ngoài này tới gia đình đốt những nén hương tưởng niệm, sau đó gửi ra vài dòng. Về câu hỏi, 'chị còn nhớ..."': 'Thời gian sau này, bạn bè nhiều nhưng thật tình là tôi không được quen biết hết, chỉ có các anh là bạn cũ trước 75 thì tôi mới nhớ thôi.'
Thật đơn giản, nhưng...
Ba mươi năm sau, một tập san cùng tên (3) dự trù xuất hiện ở hải ngoại. Những dòng hồi tưởng ở trên, là do tôi muốn anh em chủ trương làm quen với những người đã cũ, hoặc đã chết. Muốn anh em chia sẻ cùng chúng tôi không khí ngột ngạt của Sài-gòn hồi đó. '... tôi hi vọng vào khoảng cách giữa các thế hệ. Hoàng Cầm và tôi là người cùng thời, nhưng ông có trước tôi một thời đại không lập lại nữa, hay dùng chữ của ông: một gia phả tinh thần mà dù đã được rũ bụi thì tôi cũng không đơn giản làm quen'. (Phạm Thị Hoài, Đọc Mưa Thuận Thành của Hoàng Cầm, Tạp chí Thơ, Mùa Đông 1997). Tôi không hiểu anh em trong ban chủ trương khi đồng ý với nhau về một danh xưng, có biết, có những người đã gắn bó với nhau chung quanh một cái tên như vậy. Rằng nó đã có một tiền thân" Hay đây chỉ là tình cờ" Và chủ trương, đường lối của tờ báo mới mẻ này có gì tương tự với tờ cũ không" Và liệu người cũ có cần làm một nghi lễ rũ bụi, trước khi ngồi xuống bàn viết, ở đây"
Bởi vì Tập san Văn chương quả có những nét riêng: nó cách mạng, lật đổ theo tinh thần bất bạo động, hoặc theo hiểu hiền lành của nhà văn Nga, Chekhov. Bây giờ, sau hơn ba mươi năm, trong số ít ỏi những thực sự quan tâm và gắn bó với một nền văn chương Miền Nam trước 75, có người đã nhận ra, bên cạnh cuộc cách mạng lớn, do Sáng Tạo hô hào, có một cách mạng nhỏ, thầm lặng của Tập san Văn chương. Ngay trong lời phi lộ số ra mắt, khi định nghĩa nhà văn, một người được thông tri đầy đủ (những dữ kiện của thời đại anh ta đang sống), chúng tôi đã hoài vọng một điều: hãy đưa ra thật nhiều thông tin, hãy giới thiệu những dòng tư tưởng đang ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, rồi để cho người đọc tự do chọn lựa, theo khẩu vị của họ. Cho phép tôi dùng chữ khẩu vị, theo nghĩa của Roland Barthes: Chữ viết ở khắp nơi, khi mà những từ có mùi, có vị (tri thức, savoir, và mùi vị, saveur, trong tiếng La-tinh là cùng một nguồn). Vả chăng, việc lập lại một cái tên theo dòng thời gian, vốn vô thường, liệu có liên quan đến lịch sử, vốn ưa lập lại" Hoặc đến huyền thoại Quy Hồi Vĩnh Cửu, vốn rất hàm hồ"
Cách mạng là một từ đã bị bão hòa. Ai cũng có, hơn một ý niệm, về nó. Michel Foucault, trong bài 'Khai sáng là gì" (What is Enlightenment")', viết: Ngày nay, khi một tờ báo đưa ra câu hỏi đối với độc giả, là để thâu gom một số ý kiến, về một vấn đề mà mọi người, nhiều hoặc ít, đã hiểu tại sao câu hỏi được đặt ra: chẳng hi vọng nhiều ở những cuộc thăm dò dư luận như thế. Vào thế kỷ thứ 18, giới in ấn, chủ báo thường hỏi công chúng về một vấn đề chưa có câu trả lời. Ông đưa ra thí dụ: vào năm 1784, một tờ báo Đức, Berlinische Monatschrift, đã đặt câu hỏi: Khai sáng là gì" (Was ist Aufklarung"). Và người trả lời, là Kant. Bài viết của Kant, theo M. Foucault, chỉ nhỏ nhoi thôi, nhưng nó mở ra một lối đi thận trọng vào lịch sử tư tưởng, về một câu hỏi mà triết học hiện đại vẫn chưa có đủ khả năng để trả lời, và cũng chẳng bao giờ rũ khỏi. Nó đã được lập lại, dưới những hình thức khác nhau, từ hai thế kỷ, bởi những triết gia, từ Hegel qua Marx, hay Max Weber tới Horkheimer hay Habermas, và tội thay, tất cả đều đã thất bại, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, khi phải đối đầu với nó. Giả sử tờ báo Đức kia vẫn còn sống, và nó lại đặt ra câu hỏi: triết học hiện đại là gì" Có thể chúng ta sẽ nghe một tiếng dội: triết học hiện đại là một toan tính nhằm trả lời một câu hỏi đã được khinh suất đặt ra từ hai thế kỷ trước: Khai sáng là gì"
Bởi vì có thể vẫn là một định nghĩa tương tự đã được đặt ra, khi Tập san Văn chương ra đời hải ngoại: nhà văn là người được thông tri đầy đủ những dữ kiện của cả hai miền, về thời đại của chúng ta, với tất cả những vấn nạn của nó.
Chú thích:
(1) và (2). George Steiner, viết về F. R. Leavis, trong Ngôn ngữ và Im lặng.
(3) Bài viết cho tạp chí Văn Chương, dự định ra mắt tại hải ngoại.



IMG_6373-001



IMG_6374 IMG_6496 IMG_6498 IMG_6499 IMG_6500 IMG_6501 IMG_6375 IMG_6502 IMG_6503 IMG_6504 IMG_6505 IMG_6506 IMG_6507 IMG_6508 IMG_6509 IMG_6510 IMG_6511 IMG_6376 IMG_6512 IMG_6513 IMG_6514 IMG_6377 IMG_6515 IMG_6516 IMG_6517 IMG_6518 IMG_6519 IMG_6520 IMG_6521 IMG_6522 IMG_6524 IMG_6378 IMG_6536 IMG_6526 IMG_6527 IMG_6528 IMG_6529 IMG_6530 IMG_6531 IMG_6532 IMG_6533 IMG_6534 IMG_6535

CUỘC PHỎNG VẤN & LẦN XUẤT HIỆN (CÓ LẼ LÀ CUỐI CÙNG) CỦA JOSEPH HUỲNH VĂN TRÊN TẠP CHÍ "VĂN TUYỂN" TRONG NƯỚC - NĂM 1994
IMG_6449 FullSizeRender page counter

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét