Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

Nguyễn thị Hoàng - những đoạn rời (tiếp theo...)










Thêm 1 quyển Nguyễn Thị Hoàng (bìa Nguyễn Trung, nguyệt san Văn Uyển xuất bản lần thứ nhất, 28/5/1968) vào bộ sưu tập. Vậy là còn thiếu quyển Bóng Tối Cuối Cùng (Nxb Giao Điểm, 1971) để hoàn thành collection Nguyễn Thị Hoàng.
Quyển này đã được số hoá bởi talawas http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14374&rb=08


Nói về việc viết & viết ra những “truyện ngắn mà người đọc thường than là đọc không hiểu gì hết”, tác giả đã trình bày trong buổi nói chuyện tại Đại Học Văn Kho 1971 (được trích từ tạp chí Nghiên cứu Văn học, Năm thứ nhất, Bộ mới số 5, ngày 15 tháng 7 năm 1971):
“Tôi không nhớ rõ những gì đã viết, tên truyện và thời gian sáng tác theo thứ tự. Tôi viết như thở ra, và khó mà đếm nhớ được những nhịp thở ra của mình… Dù cuốn truyện dày hay mỏng, điều mong muốn là vẫn diễn tả đủ và đúng phần ý tưởng chính yếu với những nhân vật và khung cảnh là nền tảng sân khấu. Phần ý tưởng chính yếu đó là tia ánh sáng duy nhất chiếu dọi lên toàn thể phần sân khấu kia, vì tia sáng quá mong manh nên ít người tìm thấy. Người ta chỉ nhìn thấy ở các tác phẩm tôi phần sân khấu, gồm nhân vật và khung cảnh, và ít khi nhận ra chút le lói ánh sáng ấy. Trong khi chính tôi nếu không có chút ánh sáng kia chiếu lên sân khấu, tôi không thể nào tạo dựng nổi toàn bộ một sân khấu tiểu thuyết.
Tôi chỉ viết lúc nào cần mà lúc nào cũng cần trên thực tế cũng như tinh thần, nên lúc nào cũng phải viết. Ngồi lại với một xấp giấy, giấy phải nhiều và sạch, cứ đánh máy cho đến khi mỏi tay hay một công việc khác quá cấp bách kêu gọi mới có thể dừng lại được. Việc viết đối với tôi giản dị, bất kể ngày đêm. Mọi người đều quan niệm viết bất cứ gì, tình cảm, tư tưởng đều đòi hỏi những điều kiện như khung cảnh thích hợp với trạng thái tâm hồn lúc viết, có đầy đủ thì giờ và thoát hẳn ra ngoài mọi công việc thực tế, không bị điều gì ám ảnh hay quấy rối. Tóm lại, khi viết phải được rảnh rang, thanh tĩnh, ngoài khung cảnh như trong tâm hồn.
Tôi viết trong những điều kiện trái ngược trên. Nếu bị giam giữ trong ngôi nhà xinh đẹp hay khung cảnh nên thơ tách rời khỏi đời sống gia đình và sinh kế, tôi sẽ không viết được nổi một trang nào. Tôi chỉ viết được nếu bị thúc bách, và có nhiều công việc phải làm cùng một lúc. Càng có nhiều việc làm cùng một lúc, càng viết được nhiều, thiếu không khí làm việc, náo nhiệt, rộn ràng, thúc đẩy, nhất định là tôi không viết được. Những việc song song với viết lách như thế thường lại tương phản nhau, và khó chấp nhận nổi nhau : một trang tiểu thuyết lãng mạn, một món ăn đang nấu dở trên bếp, một đứa con đang khóc đòi bế, đòi ăn níu kéo quanh chân. Trẻ con vẫn thường la khóc cùng lúc với những nhân vật trong tiểu thuyết đang lên tiếng mắng nhiếc hay tự tình với nhau. Hai đám, một ngoài đời, một trong tiểu thuyết, đôi khi đánh lộn thường xuyên như thế. Khi nào cuộc giao tranh giữa hai đám người trong truyện và ngoài đời cùng đòi tôi kịch liệt chừng nào tôi lại càng bị dồn đưổi thiêu đốt, càng viết mạnh, nhanh và nhiều chừng đó, và như vậy cuộc hòa giải giữa đôi bên sẽ chóng kết thúc.
Đúng ra, đàn bà chỉ nên làm việc bếp núc và nếu dự phần gì trong đời sống rộng lớn hơn, thì là tạo cho người đàn ông bên cạnh đủ điều kiện để họ thực hiện và chu toàn vai trò và nhiệm vụ đàn ông tùy theo cấp bực và khả năng của họ có thể thực hiện trong đời sống lớn là xã hội. Tôi muốn đóng một lúc tất cả những vai trò con người, bất kể là đàn ông hay đàn bà, có thể thực hiện và đóng góp vào đời sống. Và vì vậy, không bao giờ cảm thấy được sống đủ nếu thiếu một trong ba sinh hoạt : gia đình, xã hội, nghệ thuật. Điều khó khăn là làm thế nào cho một công việc của mình lại có kết quả tốt đẹp cho cả ba phía đó : tài chánh đầy đủ cho gia đình, ảnh hưởng tốt đẹp cho xã hội, giá trị lâu dài cho văn chương.
Tôi không bao giờ viết một truyện suông sẻ từ đầu chí cuối. Thường phải viết ba bốn truyện một lúc, và vì vậy thỉnh thoảng phải bỏ ngang đoạn cuối của truyện này để nhảy sang đoạn khác của truyện kia, khâu vá những khoảng cách bỏ dở. Chẳng hạn, khi nhà in đến lấy bài, dở ra nếu tiêu mất trang 28, tôi phải viết lại ngay trang đã mất. Viết lại, ráp nối bằng cách đọc lại chút xíu phần cuối trang 27, phần đầu trang 29 và vá ngay đoạn mất…
Khi viết cũng có lúc chán bỏ ngang. Như đã viết « Bóng người thiên thu », bối cảnh là Đài Loan thì những nhân vật tình tiết cảm xúc câu truyện này đánh lộn với một truyện khác là « Tình yêu, địa ngục ». Đó là trường hợp những nhân vật và ý tưởng của một truyện khác bỗng trổi lên kêu gọi thiết tha, mãnh liệt hơn những nhân vật và ý tưởng truyện đang viết. Nếu một chương nào trong « Bóng người thiên thu » hấp dẫn quá, thì các nhân vật trong đó lại đánh bạt những nhân vật trong truyện « Tình yêu, địa ngục » ra khỏi tâm trí tôi, thì « Tình yêu, địa ngục » bị bỏ rơi tức khắc… Đôi khi gặp một khúc truyện nào không thích, tôi bỏ ngang, có khi một lúc rồi tiếp tục, có khi hai ba ngày. Nhiều khi không bị nhà in thúc hối, tôi ghét cả đoạn truyện đó hàng tháng. Khúc chót của truyện thứ nhất bị bỏ, tôi sang khúc đầu của truyện thứ hai, thứ ba hay thứ tư, và cứ thế, khi cần hoàn thành thực sự một truyện nào trong thời gian hạn định thì lại phải làm lại công việc chắp vá, ráp nối, như đạo diễn làm phim. Công việc ráp nối cũng có lợi là có thể cắt bỏ bớt những khúc không ưa thích hay không ổn thỏa và thêm những ý tưởng mới nẩy mầm về sau. Tính tham lam, tôi chỉ thích thêm và ít khi chịu bớt… Khi nhà xuất bản cần cuốn nào, tôi chỉ đưa cho họ khúc có sẵn của mỗi cuốn. Trong thời gian kiểm duyệt, tôi vá ráp thêm những đoạn còn thiếu. Đó là cách vừa làm được nhiều, vừa đúng hẹn. Rồi thì mọi chuyện đã trở thành thói quen, tôi thích làm việc cách đó, không thể khác nữa, dù có được điều kiện để thay đổi cách khác...”









TRUYỆN NGẮN "PHẦN CÒN LẠI"





TÙY BÚT
LỤA NGÀ TÔN NỮ
---------------------------------------------------------

Hơn ba mươi năm sau, hôm nay, tình cờ tôi cầm lại cuốn sách xưa trong tay. Nơi trang đầu của sách, tác giả viết tặng tôi: "Gửi anh Cao Huy Thuần. Chưa gặp nhưng rất hiểu vì cách cảm". Tôi lặng người vì hai chữ "cách cảm". Bởi vì nơi những trang cuối của sách, Nguyễn Thị Hoàng viết về Trịnh Công Sơn. Như thử tôi đã "cách cảm" được, hơn ba mươi năm về trước, nội tâm của người viết và nội tâm của người hát, cả hai nhập một trong một thần khí. Cuộc đời, thân phận, tình yêu... tất cả trong Nguyễn Thị Hoàng là nửa này dằn xé với nửa kia, trong dằn xé có hòa điệu, trong hòa điệu có dằn xé, về là đi, hy vọng là tuyệt vọng, lời nói là tịch liêu, im lặng là vỡ bờ. Tôi nghe nội tâm ấy trong những lời ca bí hiểm đầy hoang vu và hoan lạc của Trịnh Công Sơn. Đầy những chập chờn giữa tỉnh với say, giữa cô đơn cùng cực và hạnh ngộ tràn lan, giữa nấm mồ hoang và đôi vai cánh vạc, giữa tiền kiếp và lai sinh. Xin cả hai về đây thăm nhau trong một đoạn văn nhật ký để nhớ lại một thời, những đôi môi rồ dại, những hồn cũ người xưa.
Cao Huy Thuần, 01/06/2021

Sau đây là các trang viết về Trịnh Công Sơn trong quyển "Nhật ký của im lặng" :

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, vài lần tôi được gặp chị Nguyễn Thị Hoàng ở Hội Văn Nghệ, Sài Gòn, hoặc ở « terrasse » nhà Trịnh Công Sơn, tôi có hân hạnh được chị nhờ dịch sang tiếng Pháp sách của chị, tôi từ chối, vì trước tiên, tôi không biết gì về tâm hồn và văn phong của chị, ngoài những chuyện trên báo chí của thời « Vòng tay học trò », và thứ nữa, tôi cũng cảm thấy thật sự không đủ sức, tôi nói với chị, theo tôi biết, ở Pháp chỉ có 2, 3 người là đủ khả năng thôi, tôi nghĩ đến Phan Huy Đường, Trần Thiện Đạo, chẳng hạn, hai người bạn với hai văn phong rất khác nhau, một vần vũ sai cuồng, một hàn lâm nhà giáo, tuy đôi khi cũng thử nghiệm (?) các cách cảm khác, thậm chí đối ngược lại, cả hai ông bạn này giờ đây chắc đang chơi rong văn, rong tửu, rong nghệ với Trịnh Công Sơn bên kia núi, khi rừng xưa đã khép? Nhưng cũng có thể “về” đây, các ông ơi, mà ngẫm nghiệm, nhâm nhi với những trang tràn kích cảm của người xưa… không thèm im lặng nữa kìa !
Phạm văn Đỉnh, 07/06/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét