Trang

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2008

Hoàng Ngọc Ẩn-Những đường bay vần điệu đam mê...

Đó là thành phố Los Angeles năm đầu của thập niên tám mươi, khi những con bồ câu còn xuống những ngọn đồi bên kia đường Sunset. Khi những ngày mưa còn hốt hoảng bay thong thả những lượng nước xuống đáy khuya của Culver City, nơi tọa lạc của Nhà In Kim, đứng đầu bởi người họa sĩ tiếng tăm một thời, Lâm Triết, sơn dầu. Cái địa chỉ của những tựu thành chập chững mà tươi rói da non văn học Việt Nam quê người. Đó là nơi những trang báo “Văn” tục bản đầu tiên, do Mai Thảo chủ trương. Nơi điệu khắc gia Mai Chửng ngả tấm lưng mệt mỏi, rã rời sau những ngày vượt biển bão tố. Nơi “Tiểu Thuyết Tuần San” mang hoài bão phá rừng, khẩn hoang cho văn chương ta ở quê người một vùng đất mới. Nơi đó, nơi bước tới, ở lại, làm việc và ngả lưng của một thanh niên, mang trong lồng ngực trái tim trẻ thơ cùng tình yêu thi ca đầu đời, bất biến Hoàng Ngọc Ẩn.

Làm thơ, sinh hoạt với văn học nghệ thuật ở Việt Nam, là tri kỷ của những tên tuổi lớn như: Nguyễn Thị Vinh, Vi Huyền Đắc, Hoàng Hương Trang, Lệ Khánh, Kiều Mộng Thu… từ rất sớm, nhưng ở thời điểm chưa mất nước. Hoàng Ngọc Ẫn chưa là con chim tung hết đôi cánh đo chiều rộng không gian bởi những ràng buộc công việc và chức vụ.

Phải tới lìa xa đất nước mến yêu, phải giữa khi quê hương nghìn trùng khuất lấp, tổ quốc phương xa thôi thúc, lưu vong, đánh những nhát búa xuống tâm thức lưu đày, lầm than, lúc đó lồng ngực Việt Nam trong Hoàng Ngọc Ẫn, mới toàn vẹn nhịp đập thi ca.

Phải tới lìa xa đất nước mến, phải sau đứt lìa, trái tim thi ca trong một Hoàng Ngọc Ẫn truy tầm quá khứ, duổi bắt kỷ niệm, mới thực sự thức dậy, bay vào vòm trời thi ca Việt nam, quê người.

Những dòng thơ mang tên Hoàng Ngọc Ẫn sũng ướt kỷ niệm, ắp đầy quá khứ, đã là những mũi tên tâm cảm tự tìm lấy cho nó đường về tri kỷ.

Những dòng thơ mang tên Hoàng Ngọc Ẫn, lập tức, đã là những tiếng kêu thương của một loài chim lẻ bạn, bên trời, ngân vang, đồng vọng núi đồi.

Mỗi đời nhạc, như mỗi dòng thơ, tự tìm lấy cho nó một tri âm. Mỗi đời thơ, như một đời nhạc, tự đòi lấy cho nó một cuộc hôn phối tốt đẹp và xứng hợp.

Định luật tự nhiên của thiên địa, của nhật nguyệt này, đã mang lại cho đời thơ Hoàng Ngọc Ẫn, những cuộc phối ngẫu xứng hợp nhất.

Có dễ chưa có một nhà thơ nào, có được những hôn phối giữa vần điệu âm giai hòa hợp, thấm sâu như thơ Hoàng Ngọc Ẫn và nhạc của những nhạc sĩ thời danh. Những thi phẩm được phổ từ thơ Hoàng Ngọc Ẫn, lập tức trở thành những phi thuyền bay vút vào không gian. Những chiếc phi thuyền tâm cảm, ném ngược trở lại nhân gian, những lời thơ và những cung bậc mà, mỗi chúng ta, ít nhất cũng đã hơn một lần đón nhận, lắng nghe, rung động.

Đó là những phối ngẫu tuyệt vời giữa thơ Hoàng Ngọc Ẫn và những tên tuổi đồng nghĩa với âm giai, như Phạm Duy, như Phạm Đình Chương, như Huỳnh Anh, như Anh Bằng, như Trầm Tử Thiêng, như Lê Uyên Phương, như Nhật Ngân, như Phó Quốc Thăng, như Lê Dinh, như Hoàng Cầm, như Hoàng Văn, như Song Ngọc, như Châu Đình An, như Trần Quan Long, như Việt Dzũng, như Khúc Lan, như Hoàng An, như Hoàng Thanh Tâm….

Mỗi cá nhân, từ chỗ đứng, từ vũ trụ nhỏ, với những cảm nhận nhỏ, với những cảm nhận siêu hình, vô thức riêng, sẽ mang lại ta, một giải thích cho những cuộc hôn phối giữa thơ Hoàng Ngọc Ẫn và nhạc của các nhạc sĩ kia. Giải thích nào, tự nó cũng là một đáp ứng đủ cho tựu thành này.

Có người cho rằng thơ Hoàng Ngọc Ẩn vốn đầy ắp nhạc tính hay thơ Hoàng Ngọc Ẫn tự thân đã là âm nhạc.

Có người cho rằng thơ Hoàng Ngọc Ẫn đã mang lại cho thiếu hụt, cho khuất vắng của tâm hồn ta, lượng thực phẩm tâm linh, lãng mạn ngất ngây, chân chất.

Có người lại cho rằng thơ Hoàng Ngọc Ẫn đã mang lại cho đời những thảm cỏ nõm xanh, nơi đó, những cánh bướm xưa, những vườn ao cũ, những giậu mồng tơi, nhửng giàn thiên lý….trong mơ…

Nói cách nào, đứng từ vị trí nào, từ vị trí chủ vị hay khách quan, thì thơ Hoàng Ngọc Ẫn, vẫn là một thực thể mang ý nghĩa một hiện diện tất yếu, thuận chiều bất đảo nghịch trong dòng sông tâm cảm của một đời lưu vong ta, ở quê người.

Nói cách nào thì:

Hẹn đến thăm rồi không đến thăm

Chiều hoang mình lặng mắt chờ trông

Người yêu hẹn đến rồi không đến

Hẹn đến sao rồi không đến thăm?!



Hẹn viết thư rồi không viết thư

Chao ơi! Mình chỉ uổng công chờ

Người yêu chắc hẳn giờ quên lãng

Lặng để sầu dâng ngập tâm tư…!



Mùa đã sang rồi em có hay?

Người đi từ độ tuyết giăng đầy

Vàng thu thưở trước còn vương vấn

Em có chạnh lòng trong phút giây?



Chẳng biết em còn thương nhớ nhau

Mùa trang mộng cũ giạt về đâu?

Ngàn xưa chắc hẳn không còn nhớ

Thì nhớ nhung gì vạn kiếp sau?!



Trời đã sang mùa nghe trở lạnh

Vai gầy run nếp áo thi nhân

Thức trắng canh dài mơ ảo ảnh

Chao ơi! Băng giá chỉ riêng mình…!!




(Đó là thơ Hoàng Ngọc Ẫn qua nhạc Hoàng An, dưới nhan “Mùa Đã Sang Rồi Em Có Hay?”

Mỗi dòng thơ là một câu hỏi, một vấn nạn tình yêu nhẹ nhàng mà tha thiết. Một hững hờ mà quyến luyến, bơ vơ. Một trách móc thương yêu mà thật ra là van nài ở với.

Cũng thế, trong “Buồn Xưa”, thơ của Hoàng Ngọc Ẫn, được âm giai mang tên Phạm Duy nâng bổng lên những tầng cao sương khói với:


BUỒN XƯA

Từ vắng Em rồi tôi nhớ thương

Lần theo từng kỷ niệm yêu đương

Chao ơi! Thu đã qua thành phố

Thu đến rồi Em có vấn vương?



Lần tiễn nào không xót xa

Tôi về phố cũ nhìn mưa sa

Mùa đông sắp gội qua thành phố

Lần ngón tay chờ năm tháng qua…!



Vùng tóc Em thơm mùi đại dương

Vòng tay dìu dịu, mắt Em buồn

Bờ môi nũng nịu nhiều thương nhớ

Tôi đắm say qua từng nụ hôn…



Từng nụ hôn dài không muốn dứt

Từng vòng tay siết chặt bờ vai

Yêu thương đó tháng ngày lây lất

Tôi vẫn mơ và vẫn đắm say…



Cho đến bây giờ tôi chợt hiểu

Chuyện tình xưa đã khép ô vuông

Từng đêm mặc niệm nhiều thương nhớ

Kỷ niệm buồn xưa thắm thía buồn…!



Mỗi lời, mỗi ý, mỗi ảnh hình hay hồi tưởng mông lung nơi thơ Hoàng Ngọc Ẫn, tự nó đã ẩn chứa một nốt nhạc bổng trầm những nhờ nhung khôn dứt, những vắng xa vô bờ. Không cần một cố gắng nào, chỉ cần một lắng nghe, nhạc đã lừng vang trong mỗi vần, mỗi chữ.

Cũng thật dễ dàng, thật nhẹ nhàng, tự nhiên như hoa nở, như khí trời, nhạc Phạm Duy đưa thơ Hoàng Ngọc Ẫn đi vào long người, bằng những bước ngân nga của rừng hay hoàng hôn của nắng:


Sao Em biết thu về mà đan áo?

Vàng thu xưa, vàng cả cuộc tình mình

Mây tháng Tám giăng đầy trời mộng ảo

Gió đầu mùa giá lạnh cả hồn anh…!



Thư ngày cũ từng đêm mang ra đọc

Lời Em xưa sao êm ái đậm đà

Ta mặc niệm một cuộc tình đã lỡ

Em đi rồi như một ánh sao sa…!



Theo sóng đời Em trôi vào biển lạ

Anh lang thang khắp lục địa trông tìm

Anh mòn mõi theo tháng ngày nghiệt ngã

Từng thu tàn vẫn bặt dấu chân chim…!



Mưa tháng Tám giăng đầy trời Texas

Trời D.C. (Đi-Xi) mùa chắc đã sang rồi?!

Mang chiếc áo của ngày nào ra mặc

Mang thư tình ra đọc mãi không thôi…!



(Nhạc phẩm “Sao Em Biết Thu Về” do Phạm Duy soạn thành ca khúc từ thi phẩm “Tháng Tám Mưa Mây” của Hoàng Ngọc Ẩn.)


Trong thơ Hoàng Ngọc Ẫn thời gian, không gian luôn chiếm lĩnh một vị trí quan trọng. Sự quan trọng của không gian, thời gian trong thơ họ Hoàng, làm nền lót cho những hình ảnh quen thuộc, cho những gợi khêu cảnh tượng muôn dời còn lấp lánh trong ký ức nhân gian.

Ở một thi phẩm khác, một thi phẩm được Việt Dzũng, chọn hầu gửi gắm không chỉ cung bậc mà cả tâm hồn, cả xót đau kiếp người, tình yêu mình trong đó; thi phẩm “Bên Đời Hiu Quạnh”, đã là một quen thuộc, đã là một vỗ về, an ủi đêm ngày cho những tâm hồn cô đơn, cho những gối đơn, cho những chăn lẻ và cho một bóng võ vàng.


Tiếng hát khơi dòng thương nhớ xưa

Mênh mang trời đất mới giao mùa

Ở đây ta vẫn sầu cô quạnh

Vẫn nhớ thương về năm tháng xưa…!



Vẫn xót xa đau ngày hạ cũ

Lỡ làng cho một kiếp phù sinh

Người đi từ thưở vô tình ấy

Để lại lòng ta xót một mính!!



Nếu đã xem nhau là quán trọ

Vị đời hãy cạn những chiều say

Gió mưa trả lại đời mưa gió

Một thoáng dâng sầu trong mắt ai…!!



Men chẳng ấm lòng khi cách biệt

Giang hồ rượu uống mãi khôn say

Môi vẫn tìm môi chừng đã nhạt

Hương thừa nghe một thoáng men cay…!



Thôi giã từ nhau như bóng mây

Và, trôi theo ngày tháng lưu đày

Đất khách mấy mùa trăng ngóng đợi

Quê nhà từng cánh nhạn tung bay…


Rừng khuya khắc khoải từng cơn gió

Phố cũ mong chờ cuộc đổi thay

Chim Hồng vút cánh trời thăm thẳm

Gió vẫn vô tình, mây vẫn bay…



Người đi từ thuở vô tình ấy

Để lại lòng ta xót một mình

Để lại lòng ta buồn biết mấy

Lỡ làng cho một kiếp phù sinh!



Tiếng hát khơi nồng chăn gối xưa

Mênh mang trời đất mới giao mùa

Cố nhân có xót niềm cô quạnh

Có nhớ thương về năm tháng xưa?!



Như thế đó mà thơ Hoàng Ngọc Ẫn mặc nhiên, trở thành một cần thiết cho đời sống tâm cảm của ta. Một cần thiết mang tên thi ca âm nhạc. Một cần thiết làm sáng lên cái ý nghĩa toàn vẹn của những cuộc hôn phối giữa vần điệu và thanh âm, giữa nghìn sâu lắng đọng nhớ thương của người thơ và dĩnh cao nát tan của người nhạc.

Tựu thành kia, cuộc hôn phối tốt đẹp nọ, rực rỡ chói gắt hơn cả, tiêu biểu hơn cả, là thi phẩm “Rừng Lá Thay Chưa?”: của họ Hoàng qua nét nhạc tài hoa, kén chọn của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Đó là một trong những hạt ngọc của thơ nhạc Việt Nam ta, ở quê người. Đó là một trong những đón nhận huy hoàng, vẻ vang của thơ nhạc ta, ném ngược về cha, chấn động khắp những bục gỗ quê mẹ.

“Rừng Lá Thay Chưa?” thơ Hoàng Ngọc Ẫn, không chỉ là một chọn lựa thứ nhất, đầu tiên của tất cả mọi giọng hát vàng mười của ta ở hải ngoại, mà, những tiếng hát Việt Nam ở lại, giữa Sài Gòn cũ, giữa Hà Nội xưa, nơi những tụ điểm nhạc từ Nam ra Bắc, cũng là chọn lựa thứ nhất của những tiếng hát thành danh, đã chói lọi.

Tựu thành này, vinh dự này, chưa một nhà thơ Việt Nam nào ở quê người được đón nhận. Hòa điệu này, sáng giá này, chưa một nhạc sĩ Việt Nam nào ở bên ngoài quê hương, được đón nhận. Trừ, Hoàng Ngọc Ẩn. Trừ, Huỳnh Anh.


Anh đi, rừng chưa thay lá

Em về, rừng lá thay chưa?

Phố cũ bây chừ xa lạ

Hắt hiu đợi gió giao muà…!



Xuân xưa, mình chung đôi bóng

Xuân này, mình ngóng trông nhau

Hun hút phương trời vô vọng

Nhớ thương bạc trắng mái đầu!



Em có về qua phố cũ

Phố phường chừ đã đổi thay

Thương em, nửa đời hoang phế

Thương ta, chịu kiếp lưu đày!



Xuân nay, mình em lẻ bóng

Có còn tiếc nhớ xuân xưa

Dài tay đếm từng nhung nhớ

Em ơi! Chờ gió giao muà…!



(Trọn vẹn nhạc phẩm “Rừng Lá Thay Chưa?” thơ Hoàng Ngọc Ẫn, nhạc Huỳnh Anh).



ImageImage


Nếu thơ tự nó đòi hỏi cho nó những tri âm, nếu thơ tự nó đòi hỏi cho nó, những hồn nhạc xứng hợp, để làm thành những tựu thành tốt đẹp, tiêu biểu cho tính chất nhất nguyên của cặp nhị nguyên thi-ca thì, âm nhạc cũng tự nó đòi hỏi cho nó những tri âm, đãi lọc từ các tiếng hát.

Hồi nào giờ, tôi vẫn hằng quan niệm, một tiếng hát là một sứ giả âm nhạc thủy chung, tuyệt vời nhất của một dòng nhạc, của một nhạc sĩ. Nếu như có những sứ giả , những kẻ thừa sai âm nhạc là những giọng hát, chúng ta sẽ không có âm nhạc. Định đề này, còn khắc nghiệt, kỳ khu hoặc khi nó đòi hỏi một giọng ca cho một nhạc phẩm vốn khởi đi từ thơ. Tuy nhiên, nếu định đề này được hoàn chỉnh một cách nghiêm cẩn thì mỗi tiếng hát, đã không chỉ hát nhạc mà, họ còn hát thơ. Hát cùng lúc tấm lòng, nói hộ cùng lúc, tiếng nói của trái tim thi sĩ và, trái tim nhạc sĩ. Kẻ thừa sai âm nhạc là các ca sĩ kia, đương nhiên, trở thành hiện thân của những tựu thành hai mặt. Qua tiếng hát, cùng lúc, người hát, rao giảng với nhân gian thơ ca và nhạc ca.

Những tiếng hát có được khả năng này, những tiếng hát như những thừa sai thi và ca kia, được tập trung nơi hai compact disc, mang tên “Màu Tím Tango” và Bài Tango Cho Người Tình Lỡ”.

Đó là tiếng hát của một Lệ Thu, huyền thoại; một Khánh Ly, tiên tri; một Ngọc Lan, sương khói; một Như Mai, rạo rực; một Mai Hương, hiếm quý; một Xuân Sơn, nghìn sâu; một Giao Linh, thương cảm; một Lưu Hồng, nhức nhối; một Hương Lan, thịt xương; một Elvis Phương, xoáy buốt; một Duy Quang, lãng mạn; một Châu Đình An, biển khơi; một Giáng Ngọc, dỗi hờn và một Thái Hiền, óng mượt…

Thơ Hoàng Ngọc Ẫn, xẻ đều cho cả hai compact disc này, như một vùng trời khói sương, mưa buốt trên thân phận, đời sống và tình yêu ở mặt khổ đau, đọa lạc của chính ta vậy.

Hồ Huấn Cao


(1-1992)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét