Trang

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Nguyễn Tất Nhiên - "Sao THIÊN THU không là THIÊN THU" - chiều nhạc tưởng nhớ NTN - 24/07/2016


Bên Nhau (Nguyễn Tất Nhiên) - Nhật Hạ

Bên nhau chút nắng vương vương tóc ngắn chiều lắng
Bên nhau lướt thướt sương giăng sướt mướt đôi lòng
Bên nhau dắt díu tay đan ngón yếu qua cầu nuối nắm nhau tình đau
Bên nhau ánh mắt vương tơ tóc buốt vào tim
Bên nhau thấy Chúa không cho đất hứa chung về
Bên nhau thấy thế gian ngăn chắn lối chung đời
Ngồi bên nhau tiêu điều
Xin cho những nụ hôn ngắn ngắn hơ ấm khi gió lay em gầy vai
Xin cho những nụ hôn nhớ đời đỡ nâng người những cơn đau lẻ loi
Em bay tóc ngắn cho mây ướm nắng chiều tan
Cho cây cuối xuống bao dung bóng lá ân cần
Cho tôi sống nuối như tia nắng cuối không đành về bên kia chân ngày.


Ngàn năm rộng cửa thiên đường khổ đau (hay thơ, văn Nguyễn Tất Nhiên trên Tuổi Ngọc)<---
"Tôi đã nguyện làm cây thánh giá đứng chơ vơ trên chót đỉnh cô đơn nhìn bụi thời gian rong rêu lên đời mình cô quạnh.
Tôi đã xin làm giọt mưa vỡ trên mặt người yêu dấu.
Tôi đã quì ngay trên nát tan mình xưng tụng tình yêu, ngưỡng vọng người yêu hiền dịu như “ma soeur” tuyệt vời như thánh nữ.
Từ muôn thưở nhân loaị vẫn ưa nhìn những màu sắc buồn thảm. Tình khúc tuyệt vời, vả chăng, là khổ đau chất ngất.
Khi một tác phẩm đã thành hình, đã được ném vào mênh mông cõi trần gian hệ luỵ thì “nói năng chi cũng thừa”.
Cám ơn người đã bước vào tình khúc tôi. Hay nói khác đi cám ơn người đã mang lấy tình tôi"
NGUYỄN TẤT NHIÊN đọc lời phi lộ cho băng nhạc của chính mình NHỮNG NĂM TÌNH LÂN ĐẬN phát hành năm 1984 USA
NGUYỄN TẤT NHIÊN - người 23 năm trước , 3/8/1992 đã dựng lên một THIÊN THU cho chính mình, đã trả lời câu hỏi "Sao thiên thu không là thiên thu?" bằng cách đi vào thiên thu trong một cơn ngủ không trở dậy trong một xe hơi cũ, dưới bóng cây trong 1 sân chùa ở Cali...


Và từ đây, những bài nhạc của PHẠM DUY phổ thơ gã si tình lãng mạn “bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng”:

1/ ANH NAM KỲ DỄ THƯƠNG (tên khác: ANH VÁI TRỜI) (phổ thơ bài CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ) – DUY QUANG

2/ CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ (phổ thơ bài ĐÁM ĐÔNG)– DUY QUANG / DON HỒ / TUẤN ANH

3/ EM HIỀN NHƯ MA SOEUR (phổ thơ bài MA SOEUR) – DUY QUANG / DON HỒ / SĨ PHÚ/ THÁI CHÂU

4/ HAI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN (phổ thơ bài cùng tên) – DUY QUANG / SĨ PHÚ / TRẦN THÁI HOÀ / KHÁNH LY 

5/ HÃY YÊU CHÀNG (phổ thơ bài OANH) – THÁI HIỀN / DUY QUANG + TUẤN NGỌC + ELVIS PHƯƠNG

6/ THÀ NHƯ GIỌT MƯA (phổ thơ bài KHÚC TÌNH BUỒN) – LÊ UYÊN / KHÁNH LY / NGỌC LAN / JULIE / DUY QUANG / THÁI CHÂU + DUY QUANG 

BONUS : VÌ TÔI LÀ LINH MỤC (NGUYỄN ĐỨC QUANG phổ bài thơ LINH MỤC) – DON HỒ / KHÁNH LY / NGỌC LAN 








Nhà thơ đã từng có một ước mơ khá nhẫn tâm khi muốn ban phát cho người yêu của mình một niềm "vì ta phải khổ" ("Để người tên Duyên, đau khổ muôn niên")...đã từng có rất nhiều bài thơ trác tuyệt mang đầy không khí và hơi hướm của/ về Saigon, mặc dù ông chẳng mảy may gì nhắc về địa danh thân thương này, dù là nửa chữ...trong những bài thơ mà hàng hàng lớp lớp thanh niên trước 1975..không ít thì nhiều....để ở đầu giường! Thơ của ông tình đến nỗi...mà chỉ có thơ mới chuyên chở được hết..cái tình ..thơ ấy! Nó là một sự tổng hòa của mãnh liệt (từ những) ngây ngô, của đằm thắm (khởi nguồn từ) ao ước, của những rung cảm (đến từ) tinh khôi...khi bắt đầu chạm ngưỡng ...đời sống, chạm những rung động đầu đời của cái thời mà văn thơ vô cùng diễm tuyệt, những mối tình chỉ là e ấp của "Bước khẽ tới người thương"(Nhã Ca), của giả định"Ví dụ ta yêu nhau"(Nguyễn Thanh Trịnh/ Đoàn Thạch Biền), của lời ngỏ "Cám ơn em đã yêu anh"; của mơ màng "Hôn em, kỷ niệm" (Duyên Anh) của ấm êm "Như con mèo ngái ngủ trên tay anh"(Võ Hà Anh)... như thế, mà thôi!

Chắc cũng bởi, những hình ảnh trong thơ của ông đủ sức nhắc nhớ về 1 thời mà "vùng tuổi xanh" còn đang miệt mài chắp chới những mộng lành chưa tan, và như thế , cũng đủ để bất cứ ai cũng giữ trong lòng...một Saigon rất riêng, khi đọc thơ ông! (mà chắc, cũng bởi, nhiều người đã ví Saigon như một "thục nữ", một hình ảnh rất "kịp tóc" nào đó...và những mối tình của ông Nhiên, cho một người tình nhỏ, hay một người tình lớn...thì có khác nhau gì mấy.



Saigon từ những lúc....

"...Đèo nhau qua đoạn đời này

Cầu Trương Minh Giảng nghe đầy hoàng hôn
Mưa rỉ rả, mưa nguồn cơn
Mưa đâm lóc thịt, mưa dầm thuộc da…
Chở em đi học mưa nhòa
Đường loang loáng nước lập lòa loáng cây
Lạnh vừa đủ siết vòng tay
Run đi em để sau này… nhớ nhau…"

(CHỞ EM ĐI HỌC TRƯỜNG ĐÊM)
...cho đến ...những khi lo lắng ..dùm cho người thương...
"Ngày thi sắp gần kề rồi đó nhỏ
Nhỏ lo năm mà ta ngại tới mười
Sợ bài thi làm nhỏ biếng môi cười
Ta thật sự nghe lòng đau khôn xiết
Ta tưởng tượng nếu nhỏ mà thi rớt
Nhỏ sẽ buồn như những lá thu bay
Lệ thắm nồng ướt đẫm chiếc khăn tay
Như có dạo nhỏ buồn ta phải đỗ
Ta tưởng tượng nếu nhỏ mà thi đỗ
Nhỏ có mừng chưa chắc đã hơn ta
Nụ nhỏ cười sẽ rực rở như hoa
Nỗi sung sướng ửng hồng đôi má đỏ
Ngày thi đã gần kề rồi đó nhỏ
Ta không thi nhưng hồi hộp lạ thường
Đêm ta nằm cầu mong Chúa xót thương
Cho nhỏ đỗ dẫu ta… người ngoại đạo"
(CHO NHỎ NGÀY THI)

...hay thậm chí..
"Ta tiếc dùm ai từng sợi tóc
Rụng lẻ loi sầu trên vai ngang"
(HỒNG TRẦN)

Đặc biệt nhất là 2 bài thơ viết gợi hứng từ 2 con đường ở Saigon....ngoài tiêu đề, không còn nhắc chi về Saigon, hay về 2 con đường đó, nhưng có lẽ, nó (phải) là 2 bài thơ hay, nặng tình (và táo bạo) nhất về Saigon!

"Hôn rách mặt mà sao còn nghi ngại?
Nhớ điên đầu sao cứ sợ chia tan?
Mỗi lòng người một lý lẽ bất an
Mỗi cuộc chết, có một hình thức, khác
Mỗi đắm đuối có một mầm gian ác
Mỗi đời tình, có một thú, chia ly
Chiều nắng âm thầm chào biệt lũ lá me
Lá me nhỏ, như nụ cười hai đứa, nhỏ
Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó
Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần
Em bắt đầu thấy ân hận, chưa em?
Vì lỡ nói thương anh, cái thằng quanh năm túng thiếu
Ân hận, có, thì hãy nên, ráng chịu
Hãy xem như cảnh ngộ đã an bài
Như địa cầu không thể ngược vòng quay
Như Chúa, Phật phải cam go trước giờ lên ngôi Phật, Chúa
Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó
Nên mới yêu, mà cư xử rất vợ chồng
Rất thiệt tình khi lựa quán bình dân
Khi nói thẳng: “Anh gọi cà phê đen bởi hụt tiền uống cà phê đá”
Mỗi cuộc sống thăng trầm, phải mua bằng nhục nhã
Mỗi mặt trời, phải trả giá một hoàng hôn
Đêm, chẳng còn cách khác tối tăm hơn
Nên mặt mũi ta đây, bùn cứ tạt
Môi thâm tím bận nào tươi tắn, hát
Em nhớ vờ hoan hỉ vỗ tay, khen
Để anh còn cao hứng cười duyên
Còn tin tưởng nụ hôn mình, vẫn ngọt
Khăn tăm tối hãy ngang đầu quấn nốt
Quấn cho nhau, quấn bạo, quấn cuồng điên
Vòng sau cùng sẽ gặp quỷ Sa Tăng
Bởi hạnh phúc mơ hồ như Thượng Đế
Đời, vốn không nương người thất thế
Thì thôi, ô nhục cũng là danh
Mình nếu chọn đời nhau làm dấu chấm
Mỗi câu văn đâu được chấm hai lần."

(HAI HÀNG ME TRÊN ĐƯỜNG GIA LONG)

"Em còn nhỏ làm sao mà biết được
Ta oặn mình trong những khổ tâm riêng
Em còn nhỏ làm sao mà biết được
Đời buồn hiu như lá rụng, ban đêm
Chiều đã kêu chiều bằng tiếng gió
Lòng ta u uất cũng kêu nhau
Em còn nhỏ làm sao mà biết được
Nụ cười nào báo hiệu cơn đau
Nụ cười nào chỉ là hơi thở mệt
Của một thằng mạt gọng, rán, phong lưu
Nụ cười nào phát âm từ đáy ngực
Đã gần như những tiếng ho khan
Chiều đã kêu chiều bằng tiếng gió
Trong ta đêm xuống rất bạo tàn
Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất
Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài
Ta với người bắt buộc, phải chia hai
Làm sao em biết trời đau đớn
Làm sao em lớn bằng ta lớn
Để chung cùng công việc: đứng than thân
Để chung cùng rõ nghĩa thêm , hơn
Phía nào khác của biến từ “chóng mặt”
Em còn nhỏ làm sao mà biết được
Áo cơm hành bủn rủn thiên tài
Học thói người xưa ta cạo đầu bán tóc
Chưa đủ tặng em nửa chiếc áo dài
Em còn nhỏ làm sao mà biết được
Ta với đời, thực sự chẳng nương nhau
Ta với đời, tất nhiên thua cuộc
Vì áo cơm là những ngọn lao
Em còn nhỏ làm sao mà biết được
Mỗi nụ tình ẩn chứa một loài sâu
Và , khi em thấm nhuần ê ẩm
Ta sợ tài ta đã rũ nhầu"

(VÀI ĐOẠN VIẾT Ở ĐINH TIÊN HOÀNG)
...Và vì thế, cùng với những câu thơ....
"Chiều em vui quá, thuở vàng son
Ta bỗng lang thang khắp ngã đường
Ta đi cho hết thời oanh liệt
Cho thấu một trời đau đớn riêng !"
(THỤC NỮ)

...tôi "lang thang khắp ngã đường" đi tìm riêng cho mình 1 góc khác của Saigon....
Thì đó, cũng "bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng"...!


Những bức hình chụp Saigon của 5 năm về trước, thời Saigon còn bùng binh Cây Liễu … Với lời comment của nhà văn Viên Linh:

“ Nhìn những góc giáo đường nhà thờ Đức Bà, một khung cổng sắt thâm nghiêm, nhìn bồn nước và mấy bậc thang cũ kỹ, hoen rỉ, những lưới sắt bao kín một ngôi nhà (khiến mình hình dung có dáng người thanh thoát nào đó bên trong); nhìn cây cột xi măng ở con đường Duy Tân bóng mát, nhớ con rùa trong hồ nước, chỗ ấy gần Trường Luật, gần khu Cư xá các giáo sư Đại học, bác nhớ những lời ca của Phạm Duy “Con đường Duy Tân, Cây dài bong mát, … Uống ly chanh đường, Uống môi em ngọt…” 37 năm rồi từ ngày bỏ Sài gòn, bác chưa về lại, và ngạc nhiên tìm thấy Sài gòn cũ qua cái nhìn của Huy, một chàng trai trẻ măng mà nhìn thấy vẻ đẹp của thành xưa cổ kính. Bác nhớ những buổi trưa ngồi Lambretta xẹt vào Bưu Điện mua một bao thuốc lá Pall Mall điếu dài, một cái bánh mì, hôm nào không ăn bánh mì thì thay bằng một cái bánh “Papa au rhum” (bánh ngọt có pha rươu rhum, hình thể tròn, để trong cái chén bằng giấy, nổi tiếng của tiệm bánh ở ngoài cửa Bưu Điện). Huy chụp được cả mấy chùm hoa phượng đỏ tươi . Không nói ra mà bác thấy Huy vừa đi vừa ngước nhìn lển trời xanh, nhìn hoa lá cành, những mái nhà, bờ tường, cột sắt, tượng đá. Saigon, Paris của Viễn Đông như ngưởi Pháp nói. Đó là khu Phố Tây của Sài gòn đấy. …” Huy là một thi sĩ đấy, thi sĩ làm thơ về sự thanh vắng của lá cành, vỉa hè, hoa viên, làm thơ bằng ống kính máy hình, chụp được sự im lặng dữ dội - [! chữ này hay đấy, của cô gì đấy bác mới đọc! ] – cái nghịch lý của một chữ như thế mới diễn tả được nét đẹp làm ta đau thương. Gửi Huy một bài thơ về Sài gòn đăng báo khoảng năm 1970. 

BÀI NÓI CHUYỆN MỞ ĐẦU 
CHIỀU NHẠC "THIÊN THU" TƯỞNG NHỚ NGUYỄN TẤT NHIÊN
24.07.2016
San Jose - USA

https://vietbao.com/a256058/san-jose-chieu-tho-nhac-nguyen-tat-nhien-nong-nan


Sao thiên thu không là xa nhau?
nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
và một con đường cúp điện rất lâu
Thiên thu, đối với chúng ta, là bất tận. Đối với nghệ sĩ, đối với thi sĩ, thiên thu là sự tuyệt đối trong nghệ thuật, là lý tưởng của thi ca. Khi say mê theo đuổi lý tưởng đó, thi sĩ tìm ra hạnh phúc. Nhưng vì không thoát được quá khứ, thi sĩ phải tỉnh táo lại, va chạm vào thực tế, nhận ra thiên thu kia không có trên thế giới này, và sẽ đặt câu hỏi:
Sao thiên thu không là thiên thu?
Bi kịch của người làm thơ, bi kịch của Nguyễn Tất Nhiên, bắt đầu từ đó.
“Thiên Thu” là bài cuối trong tập thơ “Thiên Tai” của Nguyễn Tất Nhiên. Những bài trước, như “Khúc Tình Buồn” mà Phạm Duy phổ nhạc dưới tựa đề “Thà như giọt mưa” hoặc “Linh mục” mà Nguyễn Đức Quang phổ ra thành “Vì tôi là linh mục” cho người đọc thấy một Nguyễn Tất Nhiên đang lạc trong một “thiên thu” mà không hề đặt câu hỏi. Thiên thu được xếp vào cuối tập thơ Thiên tai là điều hợp lý. Sau cơn mê say, sau cơn ảo tưởng, khi trở về với thực tại, thi sĩ bắt đầu chiêm nghiệm về lý tưởng của mình, và bắt đầu đặt câu hỏi. Và thi sĩ bắt đầu phải đối mặt với sự thật.
Sao thiên thu không là xa nhau?
Sao xa nhau không là thiên thu? Để nỗi sầu của thi sĩ trở thành nỗi sầu bất tận, để thi sĩ không nhận ra mình bất lực, như cột đèn dựng lên để soi sáng con đường, nhưng đã bị gẫy đổ, để cho “con đường [ bị ] cúp điện rất lâu”.
Đang “chạy vòng vòng”, đang “chạy mòn chân”, đang “nào hay đời cạn”, thi sĩ bừng tỉnh, thấy mình như cột đèn đã gẫy, không còn khả năng để soi sáng đường đi.
Hơn mọi bài khác, “Thiên thu” cho ta thấy được chân diện mục của nghệ sĩ Nguyễn Tất Nhiên: luôn theo đuổi lý tưởng của nghệ thuật nhưng không thoát khỏi cuộc đời thực, nơi thi sĩ phải đối diện với những khuyết điểm của mình, của thơ. Muốn thiên thu thực là thiên thu, thi sĩ chỉ còn con đường duy nhất là rời bỏ cõi thực.
Nhưng tại sao thi sĩ không ngủ quên trong mê say để khỏi va chạm vào thực tế? Nguyễn Tất Nhiên không quên được vì quá khứ mãi chắn ngang. Nguyễn Tất Nhiên bị “mưa xưa giăng ngang hồn sầu”, bị “nắng xưa làm hanh mái tóc nhầu”, bị “mây năm xưa còn vương trên tay phiền”, bị “tình xưa đốt cháy âm thầm”, và bị “mặt trời xưa còn gượng huy hoàng”. Nói tóm lại, Nguyễn Tất Nhiên bị những cái XƯA làm cho mình không quên được, không thoát được, thực tại.
Mỗi khi bị quá khứ bắt kịp, buộc Nguyễn Tất Nhiên phải đối mặt thực tại, nhà thơ ĐỨNG lại. Tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
. . .
Tôi đứng như xe tang ngừng ngập
. . .
Tôi đứng như tường vôi luống tuổi
. . .
Tôi đứng như căn nhà nám lửa
. . .
Tôi đứng như dòng sông im lặng
. . .
Tôi đứng một mình trong nghĩa địa ...
Nguyễn Tất Nhiên phải đứng lại để chiêm nghiệm về hành trình tìm thiên thu của mình, tự biến mình thành nhân chứng cho thực tại, cho cái hữu hạn, cho sự bất lực của nhà thơ. Và để tự thấy mình đã bị gẫy gập như cây cột đèn, ngập ngừng như chiếc xe tang chưa muốn đưa quan tài đi chôn vào lòng đất, thấy mình cằn cỗi như tường vôi, sắp sửa bị đốt cháy như căn nhà nám lửa, im lặng như dòng sông không có sóng đưa thuyền, để rồi đứng giữa nghĩa trang tìm hiểu sao thiên thu lại không là thiên thu . . .
Ngày trước, Bùi Giáng cũng tìm thiên thu của thi ca nơi mùa xuân trước mặt.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.
Bùi Giáng không băn khoăn về những gì bỏ lại ở sau lưng. Quá khứ là một giấc ngủ dài, chỉ có mùa xuân, lý tưởng của thi ca phía trước là quan trọng. Bùi Giáng không đặt câu hỏi về cõi thực, nên thơ ông không bị dằn vặt, không có tính chất bi kịch của nhà thơ trẻ Nguyễn Tất Nhiên.
Sao thiên thu không là chôn sâu?
nên nắng xưa còn hanh mái tóc nhầu
tôi đứng như xe tang ngừng ngập
và một họ hàng khăn trắng buồn đau
Nguyễn Tất Nhiên không chôn sâu được cuộc đời thực, vẫn để nó ngập ngừng như chiếc quan tài chưa chịu bị chôn vùi vĩnh viễn. Có nghĩa là Nguyễn Tất Nhiên dạo ấy, thuở còn ở ngưỡng cửa tuổi trưởng thành, đã ao ước thiên thu nhưng không dám đi vào thiên thu. Để rồi nhà thơ phải đặt câu hỏi quan trọng nhất, một câu hỏi mà ông không muốn trả lời: Sao thiên thu không là thiên thu?
Sao thiên thu không là thiên thu?
nên những người yêu là những ngôi mồ
tôi đứng một mình trong nghĩa địa
và chắc không đành quên khổ đau!
Nhà thơ muốn tìm một tình yêu tuyệt đối, nhưng chỉ có được những mối tình ngắn ngủi trong cuộc sống phù du. Nhà thơ muốn quên mà không quên được cuộc đời thực, cuộc đời hữu hạn, nên đành nói chữa: Và chắc không đành quên khổ đau.
Năm 1992, năm Nguyễn Tất Nhiên được 40 tuổi, nhà thơ đã đi tìm thiên thu, đã giã từ quá khứ, đã chấp nhận rời cuộc sống thực để quên khổ đau. Và huyền thoại Nguyễn Tất Nhiên đã trở thành thiên thu từ đó.
Đỗ Quý Dân





13686666_10209035650061772_448805831022081354_n 13882414_10209030171244805_8730576137895089892_n 13782253_10209030173124852_2166956966603900057_n "BUỔI CHIỀU THIÊN THU"
CHƯƠNG TRÌNH ÂM NHẠC THÍNH PHÒNG TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ NGUYỄN TẤT NHIÊN TẠI TRIANON THEATER, SAN JOSE, CALIFORNIA 24/7/2016
(Bài đăng trên Phương Đông Times thứ Sáu 29/7/2016)
Với tôi, đã là Thiên Thu thì không có phân định không gian hay thời gian nữa, đó là sự vô tận, là miên viễn mãi hoài. Nhưng tôi vẫn muốn gọi tên cái buổi chiều hôm ấy là buổi chiều Thiên Thu! Buổi chiều chỉ dành cho thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và niềm vọng tưởng của tất cả chúng ta đến anh.
Vượt qua một hành trình dài gần hai tháng đi dọc hết chiều ngang của nước Mỹ, chặng gần cuối khi trở về của tôi là San Jose, California, thành phố vùng tây bắc xinh đẹp của Hoa Kỳ, nơi sẽ diễn ra chương trình ca nhạc Thiên Thu dành cho tài hoa thi ca Việt Nam Nguyễn Tất Nhiên. Trong chương trình này, tôi có mặt với tư cách là một người làm thơ… hát cho một người làm thơ!
Đêm cuối ở Nam Cali cùng những người bạn văn nghệ gồm có nhà thơ Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vị, nhạc sĩ Lai Ton Dung, KTS. Phạm Vũ, Hải Hoa Phượng… Chúng tôi đã ngồi nhắc nhớ nhiều kỷ niệm về nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, một nhân vật khá dị biệt của thi ca Việt Nam và cũng là một người bạn thân thiết của những người bạn vong niên đáng kính của tôi, sau đó chúng tôi chia tay nhau vào lúc 2 giờ sáng thứ Bảy để lên xe của KTS. Phạm Vũ nhằm hướng bắc mà đi. Đến San Jose trời đã quá trưa, nhạc sĩ Trần Quảng Nam đã chờ sẵn ở điểm hẹn để đưa đến nhà nhạc sĩ Nguyên Nhu, chủ nhiệm CLB âm nhạc San Jose. Hôm đó là bữa tập sau cùng trước ngày diễn. Lúc tôi đến mọi người đã khá đông đủ, ban nhạc thật hùng hậu gồm 3 guitars (trong đó có nam ca sĩ Duy Hùng con nhạc sĩ Phạm Duy, Công Dũng cùng nhạc sĩ Nguyên Nhu), 3 violons (Cường Trần, Giao Vũ, Zing Nguyễn), 1 saxophone là nghệ sĩ Trọng Khôi và tất cả cùng phối hợp dưới sự dẫn dắt tài ba của nghệ sĩ piano Vũ Huân. Lần lượt các ca nhạc sĩ thay phiên nhau cùng tập dợt với ban nhạc trong khi đó thì hai người dẫn chuyện là nhà thơ, luật sư Đỗ Quý Dân cùng nhà thơ Nguyễn Vũ Nhã đang trao đổi kịch bản ngoài sân vườn. Mọi người có vẻ háo hức tập luyện và nóng lòng chờ giờ khai diễn cho chiều hôm sau. Buổi chiều chủ nhật Thiên Thu.
Lúc còn ở Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Vũ Nhã đã từng bày tỏ với tôi về ý định tổ chức đêm thơ nhạc cho nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên sau gần 10 năm tính từ lần tổ chức đầu tiên trước đó. Hôm nay anh cũng là người sốt sắng nhất trong các khâu chuẩn bị cùng với người bạn thân là nhạc sĩ Trần Quảng Nam và các cộng sự của CLB âm nhạc San Jose. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao cái tên Nguyễn Tất Nhiên lại gây sự chú ý đến như vậy? Với tôi, đơn giản anh là một người làm thơ tài hoa, có số mệnh đặc biệt và sự ảnh hưởng sâu rộng đến giới thưởng ngoạn, đặc biệt là những người yêu thơ tình.
Nguyễn Tất nhiên sinh năm 1952 tại Biên Hoà, Đồng Nai. Anh là cựu học sinh của trường Trung học Ngô Quyền, Biên Hoà. Năm 14 tuổi (1966) đã cùng người bạn thân là Đinh Thiên Phương ra mắt tập thơ đầu tay “Nàng Thơ Trong Mắt”, nhưng tập thơ gây tiếng vang của ông là tập “Thiên Tai” xuất bản năm 1970, với bài thơ “Thiên Thu” nằm ở cuối tập sách. Sự phát tiết quá sớm của một tài năng thi ca và tính cách ngông cuồng, dị biệt đã như một dự báo bất an cho Nguyễn Tất Nhiên về cách anh xuất hiện và rời khỏi cuộc đời này. Nguyễn Tất Nhiên thành danh sớm, thơ được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc (như Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Anh Bằng…), những người thuộc thế hệ ông sống thường chép tay những bài thơ, ca khúc phổ thơ gắn chặt với tên tuổi ông như Chiều Trên Đường Hồng Thập Tự, Như Màu Nắng Sân Trường, Khi Nào Em Vượt Biển (tự viết cả nhạc và lời), Em Hiền Như Masoeur, Thà Như Giọt Mưa, Hai Năm Tình Lận Đận, Hãy Yêu Chàng, Anh Vái Trời, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ… (Phạm Duy phổ nhạc), Trúc Đào (Anh Bằng), Vì Tôi Là Linh Mục (Nguyễn Đức Quang) v.v… Bấy nhiêu đó đã đủ nói lên sự tài hoa và khả năng sáng tạo đa dạng của một nhà thơ trẻ tuổi bạc mệnh.
Vượt biên năm 1980 cùng gia đình, lúc đầu Nguyễn Tất Nhiên sống lưu vong ở Pháp. Sau đó không lâu ông di cư qua Mỹ và chỉ sống đến năm 1992, tự kết thúc đời mình ở năm 40 tuổi, cái tuổi được gọi là “Nhi bất hoặc”, như mọi thứ đã “định” rồi! Trong dịp này, tôi cũng có gặp anh Nguyễn Hoàng Nam là em trai của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên từ Nam Cali lên dự, một lần nữa anh khẳng định bút danh Nguyễn Tất Nhiên là do chính ông tự đặt cho mình chứ không dùng tên thật là Nguyễn Hoàng Hải đã ký. Câu chuyện này đã có một thời gian tranh cãi đình đám trên các mặt báo cách đây không lâu.
Vé của chương trình Thiên Thu đã được bán hết từ trước đó. Buổi chiều Chủ nhật hôm ấy tại nhà hát Trianon, San Jose đã không còn một chỗ trống. Đây có thể được xem như một bất ngờ dành cho một chương trình nhạc thính phòng đậm đặc màu sắc kinh viện và cổ điển. Khán giả hầu hết là những người đứng tuổi. Họ đến rất sớm và chăm chú theo dõi cho đến tận giờ cuối chương trình. Các ca sĩ đến từ Nam California như Nguyên Khang, Nhật Hạ, khách mời đến từ trong nước là thi sĩ Bùi Thanh Tuấn (người viết) và các nghệ sĩ địa phương như Nguyên Nhu, Trần Quảng Nam, Duy Hùng, Đỗ Quý Dân, Nguyễn Vũ Nhã, Đồng Thảo, Vĩnh Thanh Thảo, Anh Tuấn, cùng với sự có mặt bất ngờ của hoạt náo viên Hoàng Tuấn (Quê Hương Media) đã cùng nhau tạo nên một không gian âm nhạc trang trọng nhưng rất phong phú và đạt hiệu quả nghệ thuật cao.
Như trong đề từ dẫn nhập vào chương trình, nhà thơ – luật sư Đỗ Quý Dân có nói “Hơn mọi bài khác, “Thiên thu” cho ta thấy được chân diện mục của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Ông luôn theo đuổi lý tưởng của nghệ thuật nhưng không thoát khỏi cuộc đời thực, nơi thi sĩ phải đối diện với những khuyết điểm của mình, của thơ. Muốn thiên thu thực là thiên thu, thi sĩ chỉ còn con đường duy nhất là rời bỏ cõi thực.
Nhưng tại sao thi sĩ không ngủ quên trong mê say để khỏi va chạm vào thực tế? Nguyễn Tất Nhiên không quên được vì quá khứ mãi chắn ngang. Nguyễn Tất Nhiên bị “mưa xưa giăng ngang hồn sầu”, bị “nắng xưa làm hanh mái tóc nhầu”, bị “mây năm xưa còn vương trên tay phiền”, bị “tình xưa đốt cháy âm thầm”, và bị “mặt trời xưa còn gượng huy hoàng”. Nói tóm lại, Nguyễn Tất Nhiên bị những cái XƯA ấy làm cho mình không quên được, không thoát được thực tại”.
Có phải vì không thoát được cái thực tại mà Nguyễn Tất Nhiên đã tự cố ý tấn công vào chính những tình si của mình nên ông đã chọn lối thoát đi về Thiên Thu ở thời điểm mà trần gian không còn tồn tại nữa…?
Seattle July 28/ 2016
BÙI THANH TUẤN

& 1 SỐ SƯU TẬP "MỚI" của Huyvespa về 

NGUYỄN TẤT NHIÊN trên tạp chí VẤN ĐỀ/ 

VĂN...
FullSizeRender_5 (2) FullSizeRender_6 FullSizeRender_7 FullSizeRender_8 FullSizeRender_9 FullSizeRender_10 FullSizeRender_11 FullSizeRender_12 IMG_7249 (2) FullSizeRender FullSizeRender_1 FullSizeRender_2 FullSizeRender_3 FullSizeRender_4 website counter
free hits
Track My Website

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét