Trang

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

3 số nguyệt san NHÀ VĂN đầu tiên và (cũng là) cuối cùng trước "tháng Tư úng thủy"

Những điểm đặc biệt của 3 số tạp chí NHÀ VĂN này (chủ trương: TRẦN DẠ TỪ & NGUYÊN SA) (từ tháng 1 đến tháng 3/1975)

- 3 số đầu và cũng là 3 số cuối của tạp chí văn chương nghệ thuật này , kết thúc ngay trước thềm Avril Noir
- Tập hợp hầu hết những nhà văn/ nhà thơ thời danh lúc bấy giờ , (có lẽ) chưa ai ngờ và không ai (muốn) ngờ đến một cuộc đổi đời thảm khốc ngay sau đó...bằng chứng là vẫn tràn đầy những sáng tác, tươi mới, đa dạng, tự do sáng tạo... và những hứa hẹn, khai phá mới... những quảng bá, giới thiệu v
à mong ngóng các tác phẩm cho một một ngày mai… không bao giờ đến…
- Những khuôn mặt của các nhà văn/ nhà thơ của 20 năm nền VHNT huy hoàng ấy được xuất hiện trang trọng trên các số báo như một bảo chứng cho độc giả về giá trị nhân văn & nghệ thuật, không là những son phấn , những bích chương quảng cáo mà chính là những chân dung của các tác giá như loé sáng một chút bình yên của một miền tự do trong những giờ cuối cùng , những hình ảnh đóng đinh ngay tức khắc vào trí não độc giả như một yêu dấu đã từng...

Khi tôi post những tấm hình của 3 số báo NHÀ VĂN lên facebook, có 1 comment thú vị làm tôi khá xúc động

“Hai ông bà cụ, bố mẹ đứa bạn thân, tháng Tư, 1975, chạy bán sống bán chết, cuối cũng may mắn sang được Pháp. Gia tài mang theo: một bộ mạc chuơc cổ, chai cà cuống và (có vẻ như) toàn bộ Văn”

Và như thế là “chúng ta đi mang theo quê hương” , phải chăng?

(nhắc đến chuyện này tôi nhớ trong 1 bài viết ngắn , nhà văn Viên Linh đã kể lại một câu chuyện - của 1 cá nhân - nhưng cũng là câu chuyện của miền Nam bất hạnh - của sách vở miền Nam bất hạnh vậy:


"Người đàn ông tới tòa soạn tờ báo kiếm tôi muốn bán bộ tạp chí Văn 245 số đã đóng thành 42 tập. Ðương nhiên là tạp chí Văn đối với người viết văn đáng quí hơn là tạp chí Bách Khoa. Người bán không chịu ra giá. Hỏi nhiều lần anh cũng không nói. Người bán không nói giá, người mua không biết đâu mà tính, nhưng cứ khả năng mình, tôi nói sẽ biếu anh nguyên bộ Khởi Hành trị giá lúc ấy khoảng 300 Mỹ kim, cộng thêm 1500 Mỹ kim tiền mặt, anh nhìn tôi lặng lẽ đi ra. Khoảng vài chục thước, anh quay lại nói: “Tôi nợ credit card sát ván rồi, nên mới phải bán bộ báo Văn.” Hỏi anh bộ báo của chính anh mua rồi mang từ Việt Nam qua hay của ai, anh nói khi còn ở Việt Nam, anh chỉ mua tiểu thuyết đọc, chứ không mua tạp chí. 

Nhưng một hôm vào cái ngõ ở khu Tân Ðịnh, thấy một ông mập mạp cởi trần đang ngồi bán mấy thứ lặt vặt trước nhà, anh hỏi mua sách, thì ông nói có bộ báo Văn, có mua thì ông bán. Ông mang ra cho xem mới thấy ở gáy tập báo nào cũng có tên chủ nhân mạ chữ vàng in nổi trên cái bìa simili màu xanh xám: Trần Phong Giao. Tôi im lặng nhưng lòng trĩu nặng, đó là thư ký tòa soạn tạp chí Văn, đó là bạn tôi, đó là người mang hết tinh hoa kiến thức của mình gầy dựng nên tờ báo văn chương có nhiều năm bán chạy nhất ở miền Nam. Năm 1975 từ Virginia tôi gửi thư về địa chỉ ở Tân Ðịnh cho bạn, nhưng thư bị trả về, bên ngoài phong bì có nét bút gạch chéo sỗ sàng, và mấy chữ “không có ở đây.” Người bán sách cũ nói thêm anh không định mua bộ báo, chỉ khi biết người đó là Trần Phong Giao, người làm ra bộ báo, anh mới mua, để giúp ông, vì đoán chừng ông đang cùng quẫn.."


NHỮNG TỜ BÁO CŨ MIỀN NAM:
http://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/Nhung-to-bao-cu-mien-Nam-1249/

Trong một đoạn thơ từ dòng “thơ tháng Tư” được làm từ rất sớm sau “Tháng tư úng thủy đầu mùa máu tuôn” :

“Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương”
(Cao Tần)

Những bài học yêu thương đó, hãy bắt đầu bằng những dặt dìu lục bát Cung Trầm Tưởng (&...lục bát Viên Linh, Hoài Khanh..) , bằng những nghi hoặc (từ) đoản văn Vũ Khắc Khoan, bằng những êm ái thơ-văn-xuôi Mai Thảo, bằng những tuỳ bút Võ Phiến, bằng những “bởi yêu em nên sầu khổ” dịu dàng Nguyễn Tất Nhiên, bằng những thao thiết thơ Thanh Tâm Tuyền, bằng những cháy rát văn Dương Nghiễm Mậu. Dạy những bài học yêu thương “Cho nhau này dãy Trường Sơn / Cho nhau cả bốn trùng dương ..Cho rồi xin lại Tự Do”

"Từ sau 1954 đến nay, những người sống chết với đất nước này, đau niềm đau của đất nước này, vươn lên sức vươn bất tuyệt của đất nước này, như VÕ PHIẾN, NGUYỄN MẠNH CÔN..., chúng ta quên họ sau được. Những hoang mang rã rời, những cựa mình bão tố kết tụ nơi những tác phẩm dài ngắn của THANH TÂM TUYỀN, MAI THẢO, DƯƠNG NGHIỄM MẬU, LÊ TẤT ĐIỀU...vân vân và vân vân, chúng ta quên họ sao được. Làm sao mà quên được những "móc mưa hạt huyền" họ đã khóc cho dân tộc này, và cũng chính những hạt sương mai ấy, họ kết thành muôn ngàn nỗi mừng, mong manh mà trường cửu, nhỏ bé mà muôn vàn tươi mát cho dân tộc này" 
(Doãn Quốc Sỹ)

Làm sao mà quên được?

"Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung" 
(Viên Linh)

Và tôi mong, hãy cho tôi khóc lại "tiếng khóc chung" bằng "nỗi mừng" đó, bằng giọt nước mắt của "móc mưa hạt huyền" đó...bằng những suy tư & trầm lắng của một nền văn học bất hạnh ấy!

huyvespa@gmail.com




IMG_0845



IMG_0848






Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Tháng 4 - ru đời phù ảo...(& tạp chí NGHỆ THUẬT số 52 - 1966)




"trót nghe nửa tiếng cười đùa
xóm hoa mưa đổ hương xưa nghẹn ngào
thuở buồn ai đẹp phương nao
cúi đầu trinh khóc xôn xao trêu người
yêu nhau không dám ngó trời
trời xanh mây trắng xuân đời bỏ hoang
hoa mai nở đón mắt nàng
mà trông môi lạnh muôn vàn cách xa
hôm nay muốn gió thành hoa
muốn mây thành tóc lòng ta rũ cười
bao giờ trọn vẹn cuộc đời
ta ôm mây trắng cho trời mãi xanh"
(Xuân Ca - Thanh Tâm Tuyền) 








chỉ với tên các nhà xuất bản đã nói lên cái tầm văn hoá của 20 năm rực rỡ một nền văn chương nghệ thuật phong phú và nhân văn: GÌN VÀNG GIỮ NGỌC, KHAI PHÓNG, AN TIÊM, CA DAO, VÀNG SON...






Tháng 4 với những cơn "phiền nhung gấm"....bảng lảng, và hôn mê

Ngày xưa em lụa đào
Anh nắng vàng xôn xao
Ôi người yêu ngọc ngà
Sợ quên em đêm nhớ
Nụ hôn đêm nào cho
Khi về còn ngẩn ngơ
Dòng sông dưa chuyện tình
Theo sóng đầy lênh đên
Em lụa phai nhạt màu
Nụ hôn xưa rớm máu
Vạt nắng sáng nguồn cơn
Bây giờ… hoàng hôn!

music.hatnang.com/audio/by/album/ru_a_a_i_pha_a_o_-_ta_nh_kha_c_duya_n_anh


"Dường như sau những năm tháng khốc liệt ở trong nước, bây giờ như chim vừa được tháo cũi sổ lồng, Duyên Anh còn muốn nói thêm nỗi lòng của mình qua âm nhạc. Nhưng những ca khúc trong selection Ru Đời Phù Ảo chỉ có thể được soạn ra để nhà văn tự ru mình sau những cơn phiền muộn, mê hoặc, phù ảo và để tự vấn : chỉ còn vậy thôi sao ?"
(Phạm Duy)

------------------------------------


Tròn 4 giáp số kỷ niệm ĐỆ NHẤT CHU NIÊN tuần báo NGHỆ THUẬT  (số 50) (10/1966 -- 10/2014)

tuần báo NGHỆ THUẬT - XUÂN BÍNH NGỌ 1966 - Mùa xuân, tình yêu & đất nước trong THƠ VĂN

Tuần báo NGHỆ THUẬT (1965-1966) - một RỰC RỠ khác của VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM...

{Tuần báo NGHỆ THUẬT 1966-1967} - Loạt 10 bài 10 tác giả viết về 10 tác giả

( VIÊN LINH viết về VÕ PHIẾN
MAI THẢO viết về VŨ KHẮC KHOAN
CUNG TRẦM TƯỞNG viết về THANH TÂM TUYỀN
TẠ TỴ viết về VŨ HOÀNG CHƯƠNG
LÊ HUY OANH viết về SƠN NAM
BÌNH NGUYÊN LỘC viết về THANH NAM
LÝ HOÀNG PHONG viết về KIÊM MINH
PHAN LẠC PHÚC viết về MẶC ĐỖ
TÔ THUỲ YÊN viết về DƯƠNG NGHIỄM MẬU
SƠ DẠ HƯƠNG viết về NGUYỄN ĐÌNH TOÀN  )


NGHỆ THUẬT SỐ 52 với bài tường thuật VIẾT VỀ ĐÊM ĐỌC THƠ CHIẾN TRANH & TÌNH YÊU cùng với 1 bài "TẠI SAO TÔI LÀM THƠ" của THANH TÂM TUYỀN....






Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng...( & tạp chí Nghệ Thuật số 51 - năm 1966)





"Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
Hạ phương ngày tháng bể dâu
Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều..."


(PCT)


rồi em lại ra đi như đã đến
dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
(Hoài Khanh)










Trong đĩa này của nhạc sĩ ĐĂNG KHÁNH, có bài MẮT EM VƯƠNG GIỌT SẦU lấy ý từ 2 câu thơ trên của HOÀI KHANH








Những ngày thứ bảy đẹp trời trong năm...
Ngồi đọc lại 2 quyển VĂN (hải ngoại) thời MAI THẢO và thời NGUYỄN XUÂN HOÀNG, 1 cuốn năm 1988 (lúc đó mình chỉ mới..2 tuổi)...Đọc đi đọc lại mục SỔ TAY MAI THẢO - đọc là đọc cái cách ông viết ra - đọc một giọng văn bay bướm ngắt câu lãng mạn kiểu Mai Thảo - những bài này đã đọc rồi nhưng lần nào đọc lại cũng như lần đầu tiên....Và nghĩ đến 1 tuyển tập tên là SỔ TAY MAI THẢO (tại sao là không?!?:)
Số này có bài " LÊN CAO HÔN TRỜI" - Nguyễn Hưng Quốc Nguyễn Hưng Quốc viết về thơ CUNG TRẦM TƯỞNG cũng khá thú vị.
Cuốn bên phải năm 1998 với tranh bìa của hoạ sĩ NGHIÊU ĐỀ - nhìn vào là biết ngay - với những "gam" màu, với những bụi chuối, với những bố cục rất "Nghiêu Đề"...trong số này có bài thơ của MAI THẢO tặng hoạ sĩ ĐINH CƯỜNG năm 1957 - NGÀY MAI VUI









"tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế
nắng rọi trong đầu những trắng bao la
còn đôi mắt tôi ở nhà bè Gia Định
ở ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi

em đạp xe mini trời gió mềm trong áo
thành phố bập bềnh trôi giữa nắng mênh mông
sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo
vạt áo sau lưng khép hở Saigon
...
em ở cư xá Thanh Đa em ở chung cư Minh Mạng
em ở khắp đất trời trong thế giới tôi
em ở với Việt Nam ở với ly cà phê đá
ở với chỗ em ngồi ấm uyên ủy tôi

tôi ngủ mấy ngày đêm vẫn chưa mộng mị
thử tưởng tượng một ngày cho đỡ thê lương
em với nắng với Saigon với tôi tập họp
nắng trên Saigon, Saigon trên nắng lô nhô

em đâu biết, tôi bây giờ, hầu như cây kiểng
bỏ phế trong nhà cũng mấy năm qua
tôi sống, cảm giác, ngọn dáo đâm trước ngực."
(CAO ĐÔNG KHÁNH)









Trả lại em yêu khung trời mùa hạ / Ngọn đèn hiu hiu nỗi lòng cư xá...
‪#‎saigon‬ ‪#‎onthemove‬ ‪#‎wanderlust‬ 
chiều qua rất êm như môi ai...






Last but not least, mỗi tuần/ ...hoặc tháng, tôi sẽ chia sẻ 1 tài liệu văn chương miền Nam trên blog/ issuu...hòng 
CỦA TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY LÀM GHI
Rgds!



Visitor Counter


Visitor Counter

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Ebook tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ - Làng Văn - Văn Học


Diễn Đàn Thế Kỷ đã điện toán hóa toàn bộ tạp chí Thế Kỷ 21 từ Số Ra Mắt vào tháng Năm 1989 đến số 223 tháng Mười Một năm 2007 là số cuối cùng tờ báo này còn thuộc về công ty Người Việt, trước khi nhượng quyền khai thác cho một cá nhân.
Trong thời gian 18 năm, trải qua 223 số báo, Thế Kỷ 21 góp phần đóng vai trò một diễn đàn phong phú cho đời sống tinh thần của người Việt Nam hải ngoại, qua các đời Chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến (1989-1991), Lê Đình Điểu (1991-1996), Phạm Phú Minh (1997-2001), Hoàng Ngọc Tuệ (2001-2004), Đỗ Việt Anh (2005-2007); và với hai đời Chủ bút Vương Hữu Bột (1997-2001), Phạm Phú Minh (2001-2007).
Là một tạp chí mang tính cách bách khoa, Thế Kỷ 21 suốt thời gian hoạt động của mình đã có được sự cộng tác của những cây bút hàng đầu của cộng đồng Việt Nam hải ngoại về các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, khoa học, văn hóa, văn học..., đã phát hành đến khắp nơi trên thế giới có người Việt Nam sinh sống, và dưới mắt nhiều người, tờ báo đã thành một định chế ngôn luận chung của người Việt Nam.


"Sau Văn của Mai Thảo, tạp chí Làng Văn trình làng.http://issuu.com/duongkim Làng Văn thừa hưởng không khí bừng bừng khí thế của một cộng đồng đang độ tăng trưởng chín muồi sung mãn, kèm nỗi nhớ nhà nóng bỏng của lớp người mới vượt biên. Một tạp chí mới, một lớp độc giả mới với một tâm tình mới. Huyền Châu, Tuệ Nga, Hồ Trường An, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Ngọc Ngạn, Lê Văn Lân, Ngọc Khôi, Nguyễn Tấn Hưng, Thái Vaên Kiểm, Võ Kỳ Ðiền, Nguyễn Văn Ba, Trần Long Hồ, Phan Ni Tấn, Luân Hoán, Lâm Hảo Dũng, Diệu Tần, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Ðức Bạt Ngàn... đem đến cho Làng Văn những độc giả trung thành trường kỳ. Những năm 84-89 thời kỳ cực thịnh, Làng Văn thành công rực rỡ, số bán vượt xa các tạp chí khác. Người Làng đông như trẩy hội như nhà báo Nguyễn Hữu Nghĩa nhận xét.

Cùng thời gian đó, 1985 Võ Phiến tục bản Văn Học Nghệ Thuật bộ mới,http://issuu.com/kesach rồi từ tháng giêng 86 đổi tên là tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng Giác điều hành có thể xem là tạp chí uy tín nhất của giai đoạn 85-88. Ða số những bài viết xuất sắc đều xuất hiện trên diễn đàn này và bên cạnh những nhà văn cộng tác trụ cột thường xuyên Nhật Tiến, Võ Ðình, Lê Tất Ðiều, Ðịnh Nguyên, Tưởng Năng Tiến, Võ Phiến, Nguyễn Bá Trạc, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Tất Nhiên, Thế Uyên, Hoàng Khởi Phong, Trần Hoài Thư, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Xuân Hoàng, xuất hiện vô số người viết mới: Khế Iêm, Ngu Yên, Phạm Việt Cường, Phan Tấn Hải, Kiệt Tấn, Thường Quán, Cao Xuân Huy, Trịnh Y Thư, Nguyễn Ðức Lập, Nguyễn Ý Thuần, Hồ Ðình Nghiêm, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Trúc Giang, Trần Thị Kim Lan, Trần Thị Lai Hồng, Trân Sa, Lê Bi, Vũ Huy Quang, Trương Vũ, Thế Giang, Trần Vũ, Ðỗ Kh., Mai Kim Ngọc, Vũ Quỳnh Hương, Nhược Thủy (Y Chi)... Cũng chính trên diễn đàn này khởi đầu nền phê bình ngoài nước qua các bài viết đầu tiên của Thụy Khuê, Bùi Vĩnh Phúc và Nguyễn Hưng Quốc. Văn Học như thế đã ra đời trong hoàn cảnh vô cùng thuận tiện, với một nguồn nhân lực mới mẽ hùng hậu đang trong giai đoạn khởi viết"