Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới

"Đông chi hạ, hạ chi nhật.
Bách niên quy hậu, quy vu kỳ thất."

"Qua bao ngày hạ lê thê và những đêm đông đằng đẵng, em cứ an nghỉ nơi đây.
Trăm năm nữa qua đi, rồi ta sẽ tới đây nằm cạnh em.
Hãy bình yên chờ ngày đó tới."

Một chút dư vị ngọt ngào....thấm đẫm & mát trong như sương đêm, đọng lại khẽ khàng trong tâm trí khi những trang cuồi cùng của TIẾNG GỌI TÌNH YÊU GIỮA LÒNG THẾ GIỚI khép lại..
Lâu lắm rồi mới đọc lại 1 quyển sách của tác giả NHẬT, 1 phần cũng do ít NXB nào phát hành???Gần đây nhất chỉ đọc bộ 3 HOÀNG HÔN RƠI XUỐNG, THÁP TOKYO & LẤP LÁNH...



Socrates in love đưa người đọc tới thế giới kỷ niệm đầy ắp những cung bậc cảm xúc vừa lãng mạn, vừa chua xót, vừa tha thiết, vừa day dứt của Sakutaro - và ở đó, người ta có thể thấy tình yêu đã vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết, hiện tại và tương lai…


"Câu chuyện là một bản tình ca buồn vang lên âm thanh của nỗi đau mất mát, trong trẻo, và da diết.

Cái chết của Aki tạo ra một khoảng trống và Saku rơi vào đó, Saku tiếp tục sống trong mảnh đất khô cằn, nơi mãi mãi không có Aki. Từ thế giới ấy, Saku cất tiếng gọi Aki, goi một tình yêu đã mất.
Tôi dần hoá thân vào Saku, nhìn Aki bằng đôi mắt của Saku, nghe tiếng nói Aki bằng đôi tai của Saku. Nụ hôn đầu, dường như mùi lá khô chiều ấy vẫn còn vương vẫn đâu đây. Saku đã yêu Aki nhiều đến thế, chứng kiến Aki tan biến từng ngày như thế...Nỗi đau từ từ ngấm vào lòng tôi, như đốm lửa tàn, liếm dần chiếc lá khô.
Đọc cuốn sách, tôi cảm thấy như có gì ngẹn ứ bên trong. Nỗi đau chia li hay sự nuối tiếc một điều gì quý giá?
Ông nội sống mòn mỏi đợi ngày chỉ còn lại nhúm tro tàn và hoà chung vào tro cốt người phụ nữ suốt đời ông thương nhớ. Ông tiếp tục sống với tình yêu không bao giờ trọn vẹn.
Saku giữ lọ tro cốt của Aki bên mình. Saku định sẽ sống như ông nội mình chăng, sống nốt cuộc đời và chờ đợi ngày cùng chung một mộ? Chính bản thân Saku cũng không hiểu rõ tại sao mình giữ lại nó. Saku giữ lọ tro cốt bên mình, và căm thù tất cả mọi thứ, những thứ mà giờ đây Aki không bao giờ có thể cảm nhận được nữa. Tình cảm của Saku là trẻ con, hay chính chắn, bồng bột tuổi trẻ hay sự sâu sắc của tình yêu...?



Tôi thích cái kết của câu chuyện.
Khi Saku để tro cốt Aki bay hoà theo cơn gió. Aki đã ra đi mãi mãi, đó là sự thật, là cuộc sống của Saku. Cái chẹn ứ trong lòng tôi vẫn còn đó, không hề mất đi. Nhưng cách miêu tả cái chết của tác giả thật đẹp và tinh tế. Aki là một thứ quý giá Saku đã đánh mất, và aki vẫn luôn ở đó, ở nơi Saku đánh rơi, nơi Saku không thể thấy được. Nơi ấy Aki vẫn thế, vẫn là Aki đẹp đẽ và cao thượng đang chờ đợi Saku.



"Chỉ bốn tháng thôi, chuyện gì xảy ra chỉ trong khoảng thời gian chuyển mùa ngắn ngủi. Một cô gái đã biến mất khỏi thế gian này, nhanh đến độ sửng sốt. So với sáu tỷ người trên trái đất, hiển nhiên việc đó chẳng thấm vào đâu. Thế nhưng, tôi không ở cùng một chỗ với sáu tỷ người ấy. Tôi không ở đó. Nơi tôi đang ở là miền đất mà cái chết của chỉ một người cũng đủ cuốn trôi mọi cảm xúc. Đó mới là nơi chốn của tôi. Không nhìn, không nghe, không cảm nhận được bất cứ điều gì. Thế nhưng có đúng là tôi đang ở đó hay không? Nếu không thì tôi đang ở nơi đâu?"

Tình yêu lặng lẽ và nhẹ nhàng tựa như mây trôi, nước chảy, lá rơi nhưng rồi lại có sự cuốn hút mãnh liệt khi thổn thức sâu tận trong những thứ đó lại chính là một trái tim biết yêu thương nồng cháy và khát khao."

...
http://img683.imageshack.us/img683/7500/cryoutlove.jpg
TV show cùng tên


Với cái tên tiếng Anh là "Triết gia đang yêu", đúng là tác giả lồng vào câu chuyện phiếm của đôi bạn trẻ rất nhiều triết lí của cuộc sống, những triết lí không thể phân biệt rạch ròi đúng sai, nhưng theo tôi vẫn đặc biệt yêu thích cái tên (dài dòng^^) của tác phẩm này.Để rồi mỗi khi nhắc tới "Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới" tôi lại nhớ về Aki, Saku, nhớ mùa hè, nhớ những bông cẩm tú cầu và mùi đốt lá khô chiều hè ấy...


Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

và đó là..."Những ngày tươi đẹp"

Belles journées, souris du temps,

Vous rongez peu à peu ma vie

APOLLINAIRE

(Những ngày tươi đẹp,

Những con chuột nhắt của thời gian,

Mi đã gặm nhấm lần hồi đời ta)

Đó là lời đề tựa mở đầu "NHỮNG NGÀY TƯƠI ĐẸP" của ĐOÀN THẠCH BIỀN, thật mừng, vì đã có NXB chịu phát hành lại những tác phẩm mộng mơ, không chỉ dành cho tuổi mới lớn, vừa lớn, mà còn dành cho những tâm hồn, những tâm hồn (yêu cái) đẹp!

Xin cám ơn!

(hơi đáng tiếc là hình bìa kiểu cách..và đẹp...vô hồn quá,phải chi dùng những hình ảnh chân phương của những bìa TUỔI NGỌC thì quá tuyệt)

 

4 nhà văn cùng thế hệ, xuất hiện khoảng 5,7 năm trước 1975. Điểm chung là truyện của họ hầu hết là truyện tình viết về tuổi mới lớn hoặc những người trẻ tuổi.


Ở MỘT NƠI AI CŨNG QUEN NHAU
Tập truyện gồm 10 truyện chọn lọc trong những truyện ngắn hay nhất của nhà văn tài hoa quá cố Hoàng Ngọc Tuấn. 

Ông là nhà văn nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tayHình như là tình yêu xuất bản năm 1971. Và từ đó đến 1975 là hàng loạt tác phẩm đã tạo nên diện mạo một nhà văn không thể lẫn lộn, với bút pháp khá mới lạ, bút lực khỏe khoắn,hấp dẫn. Hầu hết là những truyện viết về tình yêu và tình bạn của những người trẻ tuổi với tâm trạng bức bối sống trong thành phố ngột ngạt thời chiến tranh…




ANH CHI YÊU DẤU

Truyện dài của Đinh Tiến Luyện- “nhà văn của tuổi mới lớn” - tác giả hàng loạt tác phẩm viết cho tuổi thơ và tuổi mới lớn, cây bút chủ lực và gắn liền tên tuổi với tuần báo Tuổi Ngọc những năm 1969 - 1975. 

Truyện viết về một mối tình thơ dại lãng đãng khói sương, như thực như mơ, một thiên dường nhỏ dại, ở thành phố dốc đồi mù sương Đà Lạt, giữa một chàng sinh viên và một cô bé nữ sinh nội trú mười ba tuổi rưỡi, tưởng như là tình yêu nhưng chưa bao giờ và chẳng bao giờ, bởi cô bé mang tên một loài chim bé nhỏ Anh Chi đã “bay về trời” trong một chuyến bay bị nổ tung giữa trời!...





BÔNG HỒNG CHO TÌNH ĐẦU

- Truyện dài của Từ Kế Tường - nhà văn chuyên viết truyện tuổi thơ và tuổi mới lớn từ đầu những năm 1970, cho dến nay vẫn tiếp tục viết truyện tình tuổi mới lớn. 

BÔNG HỒNG CHO TÌNH ĐẦU viết về mối tình đầu thơ mộng và trắc trở, giữa một anh nhà báo trẻ của thời kỳ vừa đổi mới và một cô nữ sinh Đà Lạt. Bên cạnh đó một mối tình đơn phương của một cô gái hư hỏng con một giám đốc tham nhũng đối với chàng. Chính mối tình đơn phương rất đẹp này đã làm thay đổi cô gái…



NHỮNG NGÀY TƯƠI ĐẸP

Truyện dài của Đoàn Thạch Biền - một nhà văn có nhiều tác phẩm gây dấu ấn trong văn học miền Nam trước 1975, tiếp tục viết đến giờ, và là người sáng lập, chăm sóc tập san Áo Trắng hơn hai mươi năm qua, cũng như bồi dưỡng nhiều thế hệ các cây bút trẻ của Gia đình Áo Trắng. 

NHỮNG NGÀY TƯƠI ĐẸP viết về một mối tình đẹp như thơ. Đó là những ngày tươi đẹp đã sống qua, đã yêu thương, dù tưởng như mộng ảo nhưng cơn đắm say ngầy ngật vẫn còn rung động suốt một đời người. Dù những ngày tươi đẹp có thể không tươi đẹp chút nào, bởi nó đã long lanh những giọt lệ thầm…

Mưa trên cây sầu đông

Sáng nay tình cờ đọc bài Saigon Sầu Đông viết về nhạc sỹ Tuấn Khanh trên  báo...SÀNH ĐIỆU
Một bài báo khá hay và đầy đủ về thân thế của người nhạc sỹ "Hoa xoan/soan(???) bên thềm cũ"...bất chợt làm mình nghĩ tới...NHÃ CA...:)(Em về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ)<---download tập THƠ NHÃ CA


Bìa xuất bản ở hải ngoại:
Mưa Trên Cây Sầu Đông

Sầu đông, cái tên đã mang nặng một nỗi buồn để rồi khi đi vào thơ văn, nỗi buồn càng thêm nặng trĩu. Từ hình ảnh cây sầu đông trơ trọi dưới mưa, nhà văn Nhã Ca đã viết nên tiểu thuyết “Mưa trên cây sầu đông”. Truyện kể về cuộc tình buồn của một người con gái Huế với một chàng trai miền Nam. Hai người yêu nhau nhưng vì gia đình cô gái không chấp thuận nên cả hai đành phải chia tay. Trước khi từ biệt cô gái để vào Nam, chàng trai đã nói với người yêu: “Anh yêu em tới muốn bật khóc và anh sẽ gửi những giọt nước mắt đó làm mưa rơi trên cây sầu đông”. Mỗi mùa mưa đến, cô gái lại ra đứng lặng bên cây sầu đông, nhìn những hạt mưa rơi, cô nhớ đến chàng trai và luyến tiếc cho một cuộc tình tan vỡ. Phải chăng, đúng như cái tên gọi của nó, sầu đông đã chứa đựng nỗi sầu ly biệt. Nỗi sầu ấy kết tinh thành những bông hoa tim tím, nở rộ vào mỗi độ xuân về như minh chứng cho tình yêu vĩnh hằng của hai người. 


...Hình ảnh hoa sầu đông...
 


                                  PHỐ CŨ                                         

                                       Vũ Hoàng Chương.

Ôi chốn này xưa ai sánh vai
Trán cao hoài vọng tóc buông cài
Tuổi thơm mười sáu tình thơm mới
Duyên đượm hàng mi ngập nắng mai

Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu
Hàng Trống Hàng Khay rộn bước người
Sách vở lên hương trầm ngát nẻo
Hoa xoan hoa phượng chói màu tươi

Thấp thoáng hè qua đài phượng rụng
Lào rào thu muộn lá soan rơi
Tay trong tay nắm, tình trong mắt
Lòng bốn mùa xuân, nguyệt bốn trời

Đôi lứa mê say cùng gắn bó
Mẹ cha cùng hẹn sẽ dành nơi
Trường chung một hướng nhà chung ngõ
Hoa gấm cùng mơ dệt cuộc đời

Thế mà tan tác mười năm mộng
Có kẻ ra đi chẳng một lời
Nửa kiếp lênh đênh dừng phố cũ
Một mình trơ với tuổi ba mươi

Lớp học nào tan đường rộn rã
Tình thơm mộng nhỏ tóc buôngvai...
Hàng Khay Hàng Trống hoa nào rụng
Màu tím thờ ơ vạt áo ai .

Trong Văn Học Miền Nam (quyển “Thơ Miền Nam”), nhà văn Võ Phiến đã nhận định về Nhã Ca như sau:


“Sống giữa một thời không còn cấm kỵ, mà sôi nổi, mà cực đoan, Nhã Ca mạnh dạn tự mình chọn lựa tình yêu của mình, con đường hạnh phúc của mình, con đường đời của mình. Bà không ngần ngại bỏ nhà ra đi, đổi họ thay tên, phiêu lưu trong cái nghề viết văn làm báo. Tự do, bà thích nói đến tiếng ấy: tự do trong thể xác, trong đời mình...” Và văn chương bà, dù là văn chương viết về tuổi trẻ, vẫn trĩu nặng ưu tư. Nghệ thuật của bà là cuộc đời trước mặt. Ở bà, cá nhân là chính trị, là xã hội. Bà có chân dung đầy góc cạnh nhọn, như những bức tranh của Braque, của Picasso. Nhã Ca là một nhà văn độc lập và bất khuất, bà cũng là một tiêu biểu rõ rệt nhất cho nền văn chương nhân bản của miền Nam trong thời kỳ 1954-1975. 


 

 

Sinh tại Huế, 1939. Từ 1960 tới 1975, sống tại Saigon, đã xuất bản 36 tác phẩm, gồm nhiều tiểu thuyết, bút ký "Giải Khăn Sô Cho Huế" và tập thơ "Nhã Ca Mới."

Sau khi Saigon sụp đổ năm 1975,  Nhã Ca là nhà văn nữ duy nhất có tên trong sách "10 Biệt Kích Văn Hoá" do nhiều tác giả, học giả Cộng Sản cùng viết. Bà cũng là nhà văn nữ duy nhất bị cầm tù, trong cuộc hành quân lớn của công an cộng sản bắt giam các nhà văn, nhà báo miền Nam Việt Nam. Sau đó,  được mô tả  thành "nhân vật phản diện" trong tiểu thuyết điệp báo đăng nhiều kỳ trên báo Công An, rồi được in thành sách, dựng thành phim "Vụ Án Hồ Con Rùa".

Từ tháng 9-1988, cùng chồng là Trần Dạ Từ và các con rời Việt Nam sang Thụy Điển, nhờ sự can thiệp của P.E.N International và sự bảo lãnh trực tiếp của Thủ Tướng Thụy Điển Ingvar Karlsson.

Từ 1992, định cư tại California, tiếp tục viết văn làm báo, chủ nhiệm sáng lập hệ thống Việt Báo Daily News tại Hoa Kỳ.

 

Sách Đã In:

 

* Việt Nam, 1962 – 1975:

Thơ: Nhã Ca Mới. Thơ Nhã Ca. Văn: Đêm Nghe Tiếng Đại Bác. Đêm Dậy Thì. Bóng Tối Thời Con Gái. Khi Bước Xuống. Xuân Thì. Người Tình Ngoài Mặt Trận. Sống Một Ngày. Mưa Trên Cây Sầu Đông. Một Mai Khi Hòa Bình. Tình Ca Cho Huế Đổ Mát. Đoàn Nữ Binh Mùa Thu. Phượng Hoàng. Giải Khăn Sô Cho Huế. Tình Ca Trong Lửa Đỏ. Chiến Tranh Trong Thành Phố. Mùa Hè Rực Rỡ. Lăn Về Phía Mặt Trời. Đời Ca Hát. Cổng Trường Vôi Tím. Tòa Bin Đinh Bỏ Không. Dạ Khúc Bên Kia Phố. Đám Tang Cá Voi. Cô Hịp Py Lạc Loài. Tuổi Hồng Vỗ Cánh. Mộng Ngoài Cửa Lớp. Trưa Áo Trắng. Trăng Mười Sáu. Yêu Một Người Viết Văn. Hiền Như Mực Tím. Bầy Phượng Vỹ Khác Thường. Ngày Đôi Ta Mới Lớn. Bé Yêu. Bước Khẽ Tới Người Thương. Chuyện Đôi Ta. Ngày Thơ Tình Thơ. Đừng Khinh Tuổi Mười Lăm.

 

* Hải ngoại, từ 1989:

Thơ: Nhã Ca Thơ. Văn: Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa.  Saigon Cười Một Mình. Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng.  Chớp Mắt Một Thời. Đường Tự Do Saigon.

 

* Sách tái bản tại hải ngoại:

Giải Khăn Sô Cho Huế. Mưa Trên Cây Sầu Đông. Cổng Trường Vôi Tím. Ngày Thơ Tình Thơ. Trăng Mười Sáu.

"Les Canon tonnent la Nuit", Éditions Philippe Picquier, Paris (Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, bản Pháp ngữ của Liêu Trương)


 

Những tác phẩm NHÃ CA (khá đầy đủ)

http://vietmessenger.com/books/?author=nhaca

http://www.vantuyen.net/index.php?view=author&id=37


Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Hoàng Ngọc Tuấn - Thư về đường sơn cúc


Trước khi rao giảng những lời KINH TÌNH YÊU trong "TÔI VÀ EM"<-----, HOÀNG NGỌC TUẤN cũng đã kịp có 1 tác phẩm được yêu thích "THƯ VỀ ĐƯỜNG SƠN CÚC" (MỜI ĐỌC NGUYÊN TRUYỆN - chỉ là 5 đoạn ngắn, dễ thương - Ở PHẦN COMMENT) mà  trong tập Văn Học Miền Nam tổng quan, phần nhận định về Hoàng Ngọc Tuấn, Võ Phiến viết :

Thư về đường Sơn Cúc là một thiên truyện chăng?Không. Là thơ đó. Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít hoặc rất nhiều tính chất thơ. Bởi vây, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn, tiêu biểu về một xu hướng sáng tác chính yếu nơi ông.

Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác – những tác phẩm ‘hình như là tiểu thuyết’ – Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về hai đề tài : "Tình yêu và Thiên nhiên”.

Như thế có thể nói, Hoàng Ngọc Tuấn dùng những hình thức ‘ hình như là tiểu thuyết’ theo cách nói của Võ Phiến để viết những truyện ‘ hình như là tình yêu’ theo cách nói của chính Hoàng Ngọc Tuấn.

Tại sao lại chỉ hình như ?

Bởi vì, đọc những truyện như “Thư về đường Sơn Cúc” quả thật người ta không biết Hoàng Ngọc Tuấn đang làm thơ hay đang viết truyện.

Truyện được viết dưới hình thức những lá thư trao đổi giữa một người Bạn Lớn và một người Bạn Nhỏ. Những chữ in nghiêng là lời [ hay thư ] của người Bạn Lớn, những chữ in thẳng là thư của người Bạn Nhỏ. Nói rõ như vậy để các độc giả dù không có cuốn sách trong tay, cũng có thể mường tượng các trang sách được ấn loát thế nào.

Xin trích dẫn một đoạn sau đây :

"Căn nhà của em ở trên một con đường xác xơ ven biển, nhà không có số và gió đã thổi mất tấm bảng chỉ đường. Nhưng có hề gì đâu, tôi sẽ gửi cho em về địa chỉ mới : Con đường Sơn Cúc, vì em nói mỗi ngày em đèu đi qua đó :

Ông có biết có một loài hoa ấy không

Cả nhà gọi nó là cúc rừng

Chỉ mình em thầm gọi là hoa Sơn Cúc

Hoa vàng óng ả

Hoa vàng mật ngọt

Vàng rực rỡ cả một lối mòn

Được gọi là Đường Sơn Cúc của em

Tôi thấp thoáng trông hình bóng em chao mờ giữa một rừng hoa thắm. Mỗi sớm mai từ nhà đến trường, với cặp sách giáo khoa trên tay mà hồn đã bay lãng đãng đến tận cuối chân trời nào, một mình em lững thững, khônghè nôn nóng vội vàng nhớ đến tiếng chuông reo vào lớp.

Em chê đường mòn

Dẫu rằng lối mòn dẫn đến trường lâu hơn

Vẫn thích một mình giữa đám lính hầu

Sơn Cúc

Đứng ở hai bên làm vòm che mát cho em

Cả nhà gọi đùa em là cô bé quàng khăn đỏ

Nhưng đường dễ thươg ấy

‘răng’ có sói thịt em nổi

Ở đây chỉ có nai

Bọn hắn mê xơi tái hoa cúc ghê lắm

Những cặp mắt nai

tia nhụy óng nhớ thương ngăn em kể lể

Rồi ngày nào em cũng băn khoăn

Vừa muốn về lại nhà lại vừa không

Như ông sẽ về thăm con đường của em không?

Hơn là muốn nữa chứ. Tôi quá thèm bay về miền biển đó, nhảy nhót trên con đường của em theo tiếng sóng vỗ vào gềnh đá làm nhịp trống tưng bừng..."

Truyện như vậy ta nên gọi là tiểu thuyết hay thơ ? Có chăng tình yêu giữa người Bạn Lớn và người Bạn Nhỏ ? Hay chỉ có chút gì đó ‘hình như là tình yêu’ giữa họ ?

Có lẽ không có gì cả. Chỉ có một thế giới thơ mộng do Hoàng Ngọc Tuấn tạo ra để ông cất giữ cái tuổi đẹp nhất đời người, cái tuổi tất cả nhữõng ước mơ, tưởng tượng của người ta đều một nửa là sự thật. Ông không bận tâm gì đến cuộc chiến tranh tàn khốc đang vây quanh và trăm ngàn nỗi khó khăn của cuộc sống chính bản thân ông đang lận đận trong đó. Cũng có thể đó là cách Hoàng Ngọc Tuấn cố tình xây lưng lại thực tế để bảo vệ những ước mơ của mình. Đó là cái cõi rất ai cũng có lần trải qua nhưng vô tình bỏ lỡ không biết, hay không có cơ hôi tạo ra những kỷ niêïm nên không có dấu mốc để lần trở về, khi đi qua rồi chỉ còn lại một vùng trắng trong ký ức.

Chỉ riêng trong năm 71-72 Hoàng Ngọc Tuấn đã cho ra đời 6 tác phẩm. Ông dự tính trong năm 1973 sẽ viết thêm ít ít nhất 6 tác phẩm nữa. Ông sinh ở Huế nên còn có ý định dành cho Huế một tác phẩm lớn. Ông viết dễ dàng. Nên chắc ông có thể thực hiện được hết những ước muốn.

Nhưng kể từ biến cố 30 tháng 4 / 75 cho tới hiện tại, Hoàng Ngọc Tuấn đã hoàn toàn giữ im lặng. Ông không viết nữa hay không viết được nữa, điều đó chỉ một mình ông biết. Đã có một thời tuổi trẻ mang ơn ông vì ông đã đem đến cho tâm hồn họ thêm rất nhiều sự giàu có. Những người bằng tuổi ông , lớn hơn ông, cũng mang ơn ông vì ông đã giữ lại thế giới tuổi thơ cho họ trong các tác phẩm của mình, mặc dù cũng có những người cho rằng ông viết giản dị quá.

Xinh trích dẫn sau đây ít dòng trong truyện “Mưa Mùa Đông”, một truyện ngắn khác của Hoàng Ngọc Tuấn, chứng tỏ sự trong sáng, giản dị lại chính là cái đẹp của tâm hồn cũng như các trang văn của ông.

“ Đêm khuya, tôi nhìn sang nhà Bích Câu, phòng nàng vẫn còn thắp ánh điện vàng. Chắc nàng đang sửa soạn lại bài vở và ủi chiếc áo dài trắng. Tôi lấy chăn đắp kín người, để đôi mắt mở ra vẫn không nhìn thấy gì cả. Sáng mai, trên đường sẽ có nhiều người đi. Bích Câu sẽ thướt tha trong chiếc áo dài trắng, khuôn mặt nàng sẽ nghiêm trang như thuờng lệ, có thể nàng làm lơ khi thấy tôi hay chỉ nhếch mép cười mỉm rất nhanh. Dầu sao tôi cũng mong con đường của nàng đi sẽ đen nhánh, lóng lánh như hột nhãn sau những ngày nước mưa quét sạch bụi bậm. Nếu thỉnh thoảng trên đường có một vài màu xanh lấm tấm, đó là màu xanh của những trái sầu đông đã rơi vội vàng trong mùa mưa bão”.


(bài của Nguyễn Đình Toàn)

PHẦN viết thêm cho MƠ NỮ, như là 1 ngoại truyện của THƯ VỀ ĐƯỜNG SƠN CÚC,  đăng trên VĂN - 1975
(TƯ LIỆU CỦA HUYVESPA.MULTIPLY.COM)




PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket

BÀI THƠ KHÔNG VẦN
Khế Iêm
Để tưởng nhớ nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005)
Anh đến với tôi mỗi ngày thứ sáu,
như mỗi ngày đều là ngày thứ sáu,
còn những ngày khác anh đến với các
bạn khác, như mỗi bạn khác mỗi ngày
là mỗi ngày khác, cho đến một ngày
bất ngờ tôi biến mất, như mỗi ngày
thứ sáu biến mất vào mỗi ngày khác,
như mỗi đời người biến mất vào chỗ
đời khác, tôi biến mất khỏi anh, anh
biến mất khỏi tôi, vì tôi bị cuốn
theo cuộc đời lưu lạc, còn anh mãi
mãi đơn độc, mãi mãi không nhà, mãi
mãi ở lại, và tôi không biết nơi
nào anh trú ngụ vào mỗi ngày thứ
sáu, cho đến hôm nay bất ngờ anh
biến mất, anh biến mất khỏi anh, anh
biến mất khỏi tôi như mỗi chúng ta
là một tình cờ, như mỗi con đường
là một ngõ qua, tạm thời là thế,
có gì hay ho, có gì đáng nói
nơi cái chỗ ở là trần gian này,
chỉ có điều đáng nói là những gì
anh còn để lại, “Cô bé treo mùng”,
“Hình như là tình yêu”, “Thư về đường
Sơn cúc”... giống như những bài thơ không
vần, vì ngay cuộc đời anh cũng là
cuộc đời không vần, không vần gì cả
với những cuộc đời chung quanh, nên anh
cứ mãi lãng du, cuộc lãng du bất
tận kéo dài về nơi gió cát, còn
tôi thì cũng cứ mãi lãng du, nhưng
là cuộc lãng du giữa cuộc đời bình
thường và rất đỗi tầm thường, chưa biết
đến bao giờ mới xong, chưa biết đến
bao giờ mới hết. Nhưng bây giờ chúng
ta có thể nói câu giã từ thứ
sáu, và giã từ nhau, vì từ lâu
lắm rồi chẳng còn ngày nào là ngày
thứ sáu, của anh và tôi, và từ
đó đến nay anh và tôi cũng chưa
một lần gặp lại. Thôi, chúc anh an
giấc.
KHẾ IÊM




* Tiểu sử:

Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại TP Huế. Từ năm 1967, ông phiêu bạt vào Nam sinh sống, theo học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, và bắt đầu bước vào nghề cầm bút từ thời gian này. Ông được giới trẻ miền Nam đặc biệt yêu thích, đón nhận như một “hiện tượng văn học” từ trước 1975.

Trước 1975, Hoàng Ngọc Tuấn từng được bình chọn là 1 trong 5 nhà văn được yêu thích nhất của tuổi trẻ miền Nam, do tuần báo Khởi Hành (nhà thơ Viên Linh làm chủ biên) trưng cầu ý kiến bạn đọc. Có lẽ, ông là nhà văn hiếm hoi đã bắt trúng ngôn ngữ và tâm trạng của lớp trẻ vào thời điểm ấy.

Từ năm 1989 - 2005, các tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn được NXB Trẻ tái bản nhiều lần qua các tựa sách: Tuyển tập Hoàng Ngọc Tuấn (3 tập), Lời cầu hôn, Hình như là tình yêu... Thế nhưng, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn ít được công chúng biết, bởi ông có đời sống riêng khá lập dị, kín đáo và lặng lẽ và hầu như không có sáng tác nào mới cho đến khi qua đời, do lâm bạo bệnh vào tháng 7-2005.

* Tác phẩm:

- Hình như là tình yêu
- Cô bé treo mùng
- Ở một nơi ai cũng quen nhau
- Tôi và em



HỌC TRÒ - Hoàng Ngọc Tuấn - Vàng Son xb, 1972




Lời Cầu Hôn - Hoàng Ngọc Tuấn - Nxb Trẻ - 1989



Tôi và em, Hoàng Ngọc Tuấn, An Tiêm, 1973



Cô bé treo mùng - Hoàng Ngọc Tuấn - Trí Đăng - 1972






Hình như là tình yêu (tập truyện ngắn) - Hoàng Ngọc Tuấn - NXB Trẻ, 2006

BÀI THƠ KHÔNG VẦN
Khế Iêm
Để tưởng nhớ nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005)
Anh đến với tôi mỗi ngày thứ sáu,
như mỗi ngày đều là ngày thứ sáu,
còn những ngày khác anh đến với các
bạn khác, như mỗi bạn khác mỗi ngày
là mỗi ngày khác, cho đến một ngày
bất ngờ tôi biến mất, như mỗi ngày
thứ sáu biến mất vào mỗi ngày khác,
như mỗi đời người biến mất vào chỗ
đời khác, tôi biến mất khỏi anh, anh
biến mất khỏi tôi, vì tôi bị cuốn
theo cuộc đời lưu lạc, còn anh mãi
mãi đơn độc, mãi mãi không nhà, mãi
mãi ở lại, và tôi không biết nơi
nào anh trú ngụ vào mỗi ngày thứ
sáu, cho đến hôm nay bất ngờ anh
biến mất, anh biến mất khỏi anh, anh
biến mất khỏi tôi như mỗi chúng ta
là một tình cờ, như mỗi con đường
là một ngõ qua, tạm thời là thế,
có gì hay ho, có gì đáng nói
nơi cái chỗ ở là trần gian này,
chỉ có điều đáng nói là những gì
anh còn để lại, “Cô bé treo mùng”,
“Hình như là tình yêu”, “Thư về đường
Sơn cúc”... giống như những bài thơ không
vần, vì ngay cuộc đời anh cũng là
cuộc đời không vần, không vần gì cả
với những cuộc đời chung quanh, nên anh
cứ mãi lãng du, cuộc lãng du bất
tận kéo dài về nơi gió cát, còn
tôi thì cũng cứ mãi lãng du, nhưng
là cuộc lãng du giữa cuộc đời bình
thường và rất đỗi tầm thường, chưa biết
đến bao giờ mới xong, chưa biết đến
bao giờ mới hết. Nhưng bây giờ chúng
ta có thể nói câu giã từ thứ
sáu, và giã từ nhau, vì từ lâu
lắm rồi chẳng còn ngày nào là ngày
thứ sáu, của anh và tôi, và từ
đó đến nay anh và tôi cũng chưa
một lần gặp lại. Thôi, chúc anh an
giấc.
KHẾ IÊM
Mây Hồng Phỏng vấn Hoàng Ngọc Tuấn


Ý KIẾN VỀ SÁCH BÁO TUỔI TRẺ .

Theo cuộc phỏng vấn “Đi tìm các tác giả được ưa thích hiện nay” của tuần báo Khởi Hành, Hoàng Ngọc Tuấn là một nhà văn được ghi tên nhiều lần, đều đặn trên mỗi số báo  . Lý do Hoàng Ngọc Tuấn được ưa thích, được các độc giả tham dự cuộc phỏng vấn nêu ra là tính chất thơ mộng của văn chương Hoàng Ngọc Tuấn .
Với những tác phẩm đã xuất bản, các truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn thưởng viết về kỷ niệm ấu thời . Giới thiệu Hoàng Ngọc Tuấn, nhà văn Võ Phiến đã viết:
“…Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh . Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng . Anh Hoàng Ngọc Tuấn là một người vui vẻ, Anh vừa ngông, lại vừa nghịch, vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên anh quyến rũ vô tả …”
Dưới đây Mây Hồng đã được anh Hoàng Ngọc Tuấn cho biết ý kiến của anh qua một số câu hỏi về sách báo tuổi thơ
Mây Hồng (MH): Anh Hoàng Ngọc Tuấn, anh nghĩ gì về sách báo tuổi thơ hiện nay ?
HNT: Khá dồi dào và đặc sắc . Tôi nhớ chỉ cách đây vài năm, người ta thường than phiền là không có sách giải trí lành mạnh cho tuổi thơ, hồi đó tràn ngập trên vỉa hè là những loại sách hình nhảm nhí kiểu ma quái, Combat, Chú Thòng hoặc của ông Charlot Nguyễn Thọ …
Bây giờ thì học trò tha hồ mà chọn lựa, chỉ sợ không có tiền mua hết mà thôi . Hiện nay có ít nhất là 5 tờ báo và nhà xuất bản sách tuổi thơ hoạt động rất thường xuyên, mạnh mẽ . Các nhà sách, sạp báo ở Sàigòn đều thấy có một kệ riêng bày sách tuổi thơ, rất đông khách hàng .
Tóm lại, loại sách tuổi thơ bây giờ hầu hết đều là những món ăn tinh thần, một thú tiêu khiển bổ ích; mặc dù ít có cuốn nào đạt đến trình độ của một tác phẩm văn chương đúng nghĩa . Nhưng cần gì, các tác giả này có lẽ họ cũng chỉ muốn viết sách cho tuổi thơ đọc, chứ không muốn “sáng tác văn nghệ”, một việc đòi hỏi nhiều yếu tố khác ở ngoài lãnh vực tuổi thơ .
MH: Là một tác giả thường viết về tuổi thơ xin anh cho biết vì nguyên do nào mà anh đã chọn đề tài này ?
HNT: Trước hết, tôi thấy tôi không phải là “một tác giả viết về tuổi thơ” . Có lẽ độc giả thấy những nhân vật trong truyện tôi có một vài người nhỏ tuổi nên tưởng thế . Ngay cả một cuốn sách mới đây của tôi . “Thư Về Đường Sơn Cúc” tuy bé tí xíu như hạt tiêu nhưng không phải là một chuyện về tuổi thơ hay tuổi già . Một thời nào tôi đã sống qua tôi thường viết về nó . Do đó, dĩ nhiên là có một vài truyện tuổi thơ của tôi .
Một đề tài nằm mãi trong tôi, tự dưng có ngày phải nhảy ra đời để thành một chuyện . Tôi không chọn lựa đề tài .
MH: Anh có nghĩ những cuốn sách đứng đắn rồi sẽ “thắng thế” trước những cuốn sách nhảm nhí ?
HNT: Chắc chắn, điều đó đã xảy ra rồi . Nhưng tôi thấy “đứng đắn” chưa đủ, cần phải hào hứng và lôi cuốn mới thích hợp với độc giả tuổi thơ …Tiếc là ở VN chưa có những chuyện bằng hình hấp dẫn cả trẻ con lẫn người lớn tuổi . Chẳng hạn, như những chuyện Tin Tin Lucky Luke ..v..v…Sáng tác được loại truyện này không phải dễ, cần phải có một ông họa sĩ thật vững vàng và có năng khiếu riêng (vẽ sao cho hình vẽ trở nên sống động làm người xem có cảm tưởng như xem chớp bóng), và phải phối hợp với bộ óc tưởng tượng thật dồi dào của một người viết truyện hiểu biết rành rẽ về tâm lý nhi đồng nữa .
Cách đây khoảng 10 năm, hồi còn nhỏ, tôi đã khá thích thú khi xem những truyện bằng hình của họa sĩ Văn Hiếu (loại truyện Tarzan VN) và Đằng Giao (Truyện Hách Xì Xằng hoặc Thạch Thạch Sanh - Lý Thông “việt hoá” Cao bồi Mỹ)
MH: Qua các truyện ngắn của anh, tuổi thơ thường hiện lên những hình ảnh thơ mộng, tuổi thơ của anh có êm đềm như thế không ?
HNT: Hơn thế nữa là đằng khác . Tôi tiếc chưa có thì giờ và tâm hồn bình yên để làm sống lại những ngày xưa êm đềm đó . Thuở nhỏ, tôi theo gia đình đổi chỗ hoài, từ tỉnh này qua tỉnh khác, mỗi năm học một trường . Huế, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột ..v..v.. Trường Bà Sơ, trường Thầy Dòng (La San), trường Thầy Chùa (Bồ Đề), trường tư, trường công … đủ cả . Hồi đó tôi yêu thương rất nhiều điều, và tôi mừng mà thấy đến nay tôi vẫn chưa thay đổi .
MH: Trong cuốn “Hình như là tình yêu” anh thích truyện nào nhất ?
HNT: Truyện thứ nhất: “Hình như là tình yêu” . Khách quan mà nhận xét đây không phải là truyện ngắn tốn nhiều công phu hoặc có gì mới lạ nhất của tôi .
Nhưng tôi thích nó vì đã viết say sưa một mạch truyện đó . Nó đem lại cho tôi khá nhiều hạnh phúc, một thứ hạnh phúc khó cắt nghĩa được .
MH: Bây giờ nếu viết một truyện về tuổi thơ anh sẽ viết gì trong đó ?
HNT: Chắc là truyện có tính cách hồi tưởng, tự thuật ở Huế hoặc ở Ban Mê Thuột . Làm học trò, chăm học lẫn trốn học, chạy rông cho đã đời rồi bị nhốt vào nội trú, yêu thương mơ mộng vớ vẩn .v..v.. Ai cũng có một thời bé con đó cả, khi viết lại, có khác chăng là cách cảm nhận và diễn tả quá khứ riêng biệt của mỗi người .
MH: Xin anh gởi cho tuổi trẻ những ý nghĩ êm ái nhất của anh ?
HNT: Bất cứ một lời khuyên nào của những ông giáo đều chí lý cả . Bây giờ, nhớ lại hồi nhỏ đi học, tôi mới nhận thấy thế . Cái chân lý cổ điển nhưng bất hủ là học trò cứ nên nghe theo lời khuyên dạy của cha mẹ và thầy giáo .
Tôi đã sống trái ngược với điều vừa nói trên, nên bây giờ tôi mong m uốn những người còn trong lứa tuổi thơ (nói rõ ràng hơn là các em của tôi) hãy làm trái với những điều tôi đã làm . Đoạn trường ai có qua cầu mới hay …Gia đình và trường học đẹp lắm .

MÂY HỒNG THỰC HIỆN .
(Tuần báo Mây Hồng, số 1, 17-7-72)

NGUYÊN VĂN BÀI CỦA VÕ PHIẾN


Thư về đường Sơn Cúc là một thiên truyện chăng? - Không. Là thơ đấy. Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít nhiều hoặc rất nhiều tính chất thơ. Ðến như Thư về đường Sơn Cúc thì chính là một bài thơ. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn, tiêu biểu về một xu hướng sáng tác chính yếu nơi ông.

Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác - những tác phẩm “hình như là tiểu thuyết” - Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về hai đề tài: Tình Yêu và Thiên Nhiên. Trong Thư về đường Sơn Cúc, hai mối say mê nọ càng quấn quít mật thiết, càng như chan hòa làm một: Tình yêu giữa người Bạn Lớn với người Bạn Nhỏ được phát khởi do lòng thiết tha của cả hai đối với Thiên Nhiên. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn về mặt đề tài.



Người Bạn Nhỏ mà chúng ta gặp ở đây là một người bạn quá nhỏ. Người Bạn Lớn cũng nhận thấy thế, cho nên cuối thư chỉ xin đặt một chiếc hôn ở nơi trán. Nhưng ai nấy hãy yên trí: Trước sau gì rồi chiếc hôn cũng sẽ được đưa xuống xa hơn, cũng sẽ được đặt ở một nơi nào thích hợp với tình yêu hơn. Bởi vì, bất chấp sự cách biệt tuổi tác, đây chính thị là Tình Yêu.

Cách biệt tuổi tác là chuyện không đáng kể, là không thành chuyện trong các mối tình của Hoàng Ngọc Tuấn. Mà mọi thứ cách biệt khác cũng đều không thành trở ngại nào cả. Người Bạn Nhỏ không nên ái ngại: cô ta đâu có phải là một trường hợp đặc biệt? Trong tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đã từng có những người tình bé bỏng hơn nữa, được gọi là “nó” (Mùa Xuân Cuối Cùng, là “con bé”, là “con sóc nhỏ” (Cô Bé Tuyệt Vời Trên Cao Nguyên) v.v., cũng như đã có những người tình lớn hơn một chút, hoặc lớn như là một bà chị cả (Thuở Ấy Có Nhà), hoặc lớn như là một cô giáo (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ) v.v.

Lớn quá hay nhỏ quá: không can gì. Là con sóc nhỏ hay là cô giáo: không can gì. Hoàng Ngọc Tuấn có thể viết một cách hồn nhiên: “Thuở ấy tôi yêu cô Dạ Thảo vô cùng và tôi quả quyết với bạn bè là cô giáo cũng mê tôi như chết.” (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ) mà không một ai thấy bất bình vì cái chuyện kỳ cục động trời đó. Bởi vì hồn nhiên là tính cách căn bản của tình yêu, ở đây.

Hồn nhiên, cho nên trong sạch. Ở đây, có mối tình giữa chị em họ (Thuở Ấy Có Nhà), có mối tình với gái giang hồ (Canh Bạc Của Một Vài Người), có mối tình đưa đến sát nhân (Cô Bé Tuyệt Vời Trên Cao Nguyên) v.v., nhưng ở đây không có cảm tưởng tội lỗi. Trái lại.

Trái lại, nếu trong cái nếp sống đầy tội lỗi ngày nay, nếu giữa cái xã hội văn minh đầy khích động của dục tình hiện nay, thỉnh thoảng có ai cần tìm đến ẩn lánh ở một cõi thanh khiết thoát phàm, thì đừng nên ngần ngại mà giới thiệu với ai đó thế giới tình yêu của Hoàng Ngọc Tuấn. Thế giới của những người tình chị mỗi sáng ra lệnh cho người tình em đếm hộ những cánh buồm trên mặt biển, của những người tình chú mỗi ngày sắm đủ cả kem và bàn chải đánh răng cho người tình cháu, của những người Bạn Nhỏ gửi lá cỏ chông chông cho người Bạn Lớn xa xôi v.v. Chỉ có tình, không hề có dục. Ðẹp và lành không chịu được.

Có một lần Tristan và Iseult được nhắc đến (Có Bao Nhiêu Cánh Buồm Trên Biển). Dù cho không luôn luôn lãng mạn cao khiết như ở thời trung cổ xa xưa, các mối tình của Hoàng Ngọc Tuấn cũng gợi lên cái thời của ca dao, của cu gáy bướm vàng v.v. Nghĩa là một thuở nào hoàn toàn xa lạ với thời kỳ của thân xác hừng hực, thời kỳ nhiễm độc vì những khích động náo nhiệt mà chúng ta đang sống.

Bởi nó không giống với thứ tình yêu hỗn hễn, đổ lửa của hôm nay, cho nên nó khiến cho kẻ đối diện còn ngờ ngợ: “Hình như là tình yêu đây chăng?”

Nhưng đã biết rõ Hoàng Ngọc Tuấn rồi thì không còn ngờ vực gì nữa. Chính Nó đấy. Chính là thứ Tình Yêu tuyệt vời mà cuộc sống văn minh toan đánh mất của chúng ta đó.



Người ta gặp lại ở Hoàng Ngọc Tuấn thứ Tình Yêu đó một cách bất ngờ. Cũng như gặp lại Thiên Nhiên thật bất ngờ.

Nguyên sự có mặt của thiên nhiên trong tác phẩm văn nghệ lúc này đã là điều lạ. Thật vậy, hồi gần đây, trong tác phẩm cơ hồ chỉ có ta và địch, có kẻ giàu người nghèo, có thân phận với suy tư dằn vặt, có tự kỷ và tha nhân v.v. Nghĩa là chỉ có hoặc những đấu tranh, hoặc những ra rít, chỉ có người và người quần với nhau. Khắp cùng, mọi cái nhìn đều châu hướng về cuộc sống xã hội, về con người. Họa hoằn mới bắt gặp trong nghệ phẩm một khung cửa mở về hướng thiên nhiên. Hoàng Ngọc Tuấn là trường hợp họa hoằn như thế.

Bóng dáng thấp thoáng mơ hồ của chàng trai cùng cô bé Thùy một buổi sớm mai chờn vờn ẩn hiện trong màn sương mù trên khu rừng cao nguyên (Mùa Xuân Cuối Cùng) chắc chắn sẽ cùng với bóng dáng của hai chị em Hàn Mặc Tử thuở nào chơi giữa mùa trăng kết thành những cảnh tượng đẹp đẽ nhất mà văn chương hiện đại có thể lưu lại.

Rừng sương cao nguyên đẹp lắm, con đường Sơn Cúc ở sườn non ven biển rất đẹp v.v. Nhưng có khi không cần đến những cảnh đẹp như thế. Mặc ba chiếc áo sơ-mi thật dày chồng lên nhau, trùm một chiếc mũ to tướng của ông cậu lên đầu, rồi đi lang thang với một gã lớn tuổi dưới trời đông lạnh buốt, trao đổi với nhau những câu nói lạc mất trong tiếng mưa, đòi hút cho được điếu thuốc cay xè thuở mười lăm tuổi trong lúc mắt nhìn ra ngoài trời mờ mịt (Mưa Mùa Ðông Trên Tuổi Thơ), đó không phải là một cách thưởng ngoạn thiên nhiên vô cùng ý vị sao? Không có cái thiết tha đối với từng biến chuyển của tiết trời, không thấu triệt ý nghĩa thâm thúy của từng tiếng gió trận mưa, nhất định không sao có thể đốt được những điếu thuốc một cách hợp thời hợp cảnh như thế.

Thiên Nhiên đâu có cần luôn luôn xuất hiện trong những màn trình diễn huy hoàng? Kẻ gắn bó bằng mối thâm tình thật sâu xa có những lối tiếp cận Thiên Nhiên giản dị mà thân mật thấm thía, với một khói thuốc, một ngụm cà-phê vào đúng lúc, đúng nơi.

Hoàng Ngọc Tuấn đối với Thiên Nhiên chắc chắn cũng tương đắc thân thiết như người Bạn Nhỏ đối với người Bạn Lớn vậy.

Người Bạn Lớn gửi một lá Thư về đường Sơn Cúc. - Ðường ấy ở đâu vậy? Có con đường ấy chăng? Có loài hoa ấy chăng? - Xin đừng quấy rầy tác giả bằng những thắc mắc ấy. Không phải vì lẽ truyện là bịa, bởi thực ra truyện thường muốn bịa nên một thực tại. Ðàng này, Hoàng Ngọc Tuấn vốn có cái ngông nghênh muốn nương cánh tưởng tượng thoát khỏi truyện, thoát lìa thực tại. Cái ngông ấy đã khiến cho hành tung cô Bạn Nhỏ lần này bị đẩy vào cõi thơ huyền ảo, khiến cho cảnh sương mờ cao nguyên ngày nào nhuốm vẻ hư hư thực thực, khiến cho bao nhiêu nhân vật (nhất là những nhân vật phái nữ, được tác giả cưng nhất) và bao nhiêu tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đều mang những tên gọi thật ngộ nghĩnh.

Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh. Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng, ông Hoàng Ngọc Tuấn, là một người vui vẻ. Ông vừa ngông, lại vừa nghịch. Vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên ông quyến rủ vô tả.



Tất nhiên, tuổi trẻ sẽ giành Hoàng Ngọc Tuấn cho Hôm Nay. Sẽ giải thích sự thành công của ông (vì quả thật ông là một trong đôi ba thành công rực rỡ nhất, một trong đôi ba tài năng xuất sắc và độc đáo nhất của lớp cầm bút trẻ lúc này) bằng tính cách thích hợp với khát vọng, với tâm tình của giới trẻ hôm nay.

Nhưng trót không còn tuổi trẻ thì đố biết làm sao giải thích được cái tình yêu người , yêu thiên nhiên, cái thi vị trong lành, cái ngông và cái nghịch ấy lại chỉ có thể thuộc về hôm nay. Chẳng những thế, những cái đó dường như còn muốn đối nghịch với một xã hội hỗn loạn, một tình thế bi thương, một cuộc chiến ác liệt.

Sáng tác của ông mà phản ảnh hoàn cảnh ấy ư? Nếu muốn đề cập đến Hôm Nay, có lẽ bất quá chỉ có thể nói sáng tác của ông như một bông hồng gửi đến cho Hôm Nay. Một bông hồng rạng rỡ cho Hôm Nay tối tăm.



Bông hồng rạng rỡ, rồi có mong manh chăng?

Thú thực, tôi thường đọc Hoàng Ngọc Tuấn với một cảm tưởng lo lắng.

Người ta thường nói đến việc xây dựng tiểu thuyết, việc thai nghén cốt truyện, đi vào thực tại khách quan, nghiên cứu tâm lý nhân vật v.v... Nghề văn không có vẻ gì thư thái như nghề thơ. Nghề văn thật lắm công phu. Nhưng Hoàng Ngọc Tuấn thì không bao giờ giống với một tay nhà nghề. Ông không có vẻ làm nghề, dù là nghề văn. Tác phẩm của ông không có vẻ là một công trình lao tác. Tác phẩm của ông tuồng như chúng tuôn ra từ cuộc sống, từ cảm xúc của ông. Tuôn thẳng một mạch.

Một người có thể đem cái tâm tình chủ quan của mình mà viết như thế được mãi sao? được đến chừng nào? Không lo lắng sao được?

Nhưng có lẽ chính niềm lo lắng ấy cũng tăng thêm ý vị cho sự thưởng ngoạn. Bởi vì, cùng với sự khoái thích, nó thêm cho ta mỗi lúc một dịp ngạc nhiên mừng rỡ từ tác phẩm nọ sang tác phẩm kia.

Có thể cứ thế mãi mãi cho đến tận cùng cuộc đời sáng tác của ông..

2 - 1972

(Đây là lời tựa cho tác phẩm 
Thư về đường Sơn Cúc của HNT. Lời tựa này về sau VP cho in lại trong phần nhận định về truyện của bộ Văn học Miền Nam.)