Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Những mùa xuân cũ qua hình bìa tạp chí Làng Văn (Canada)

 

“Gửi cho anh một viên sỏi trên đường
Anh sẽ đọc ra muôn vàn lối cũ
Gửi cho anh một nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc ra đất trời ta thở
Gửi cho anh thêm một tờ giấy trắng
Thấm nước trời quê qua mái dột đêm mưa
Anh sẽ đọc ra mênh mông đời lạnh vắng
Em tiếc thương hoài ấp ám gối chăn xưa...”
(Thư em đến - thơ Cao Tần - nhạc Phạm Duy - Julie ca)
Một trong những bài tị-nạn-ca của Phạm Duy mình thích nhất







20 năm những người lưu ký ức
20 năm những nắn nót chữ và không chữ
20 năm vượt trùng dương xiển dương tiếng Việt
20 năm quẫy đạp xuyên không trong những vùng không-biên-giới
20 năm thao thức cho đầy một cơn mộng mị
20 năm “cho giải oan rồi, cho tình lên ngôi”
20 năm “...sao nghe như hơi thở
Ngạt ngào lòng thơ mới”
20 năm “tôi còn yêu tôi cứ yêu”
./.
diễn ngôn được trình bày tại buổi sinh hoạt
20 năm Gió-O nắn Net
Đại học UC Berkeley, California chiều Chủ Nhật 19/12/2021
Vũ Hoàng Thư
tản mạn hay... tản mạn?
Khoảng những năm cuối thế kỷ trước khi văn học VN tại hải ngoại bắt đầu leo net, tôi bắt gặp một bài tản mạn rất tình cờ. Đọc vài đoạn tôi giật mình sửng sốt, không biết mình đang đọc một tản văn hay đang đọc một bài thơ? Cách dụng chữ mới lạ, cấu trúc ngang ngửa khiến người đọc như bị thọc mạch tim, phấn khích tăng dần.Thế rồi tôi bỏ quên chuyện thắc mắc là thơ hay văn. Vì chất thơ quá đỗi của bài viết, thơ dẫn tôi lên xuống núi đồi Đa lạt. Chẳng phải Đà Lạt mà Đa lạt như âm tôi vẫn nghe lúc thiếu thời về tên thành phố cao nguyên này. Người thiếu nữ ấy xuống phố hát thầm “Đi với em chiều nay / Xuống phố hát sầu câu” (LTH). Câu gì mà ngược giọng, không là câu sầu, lại móc dựng lưỡi cong thành sầu câu? Để câu lấy một mối sầu? Ôi mênh mông trầm tịch, ôi bát ngát cô liêu những buổi chiều xuống phố việt nam. Đó là bí ẩn của Mỵ nương sầu, của người đàn bà đã ngoài bốn mươi. Nàng qui cố hương. Nơi nàng “trầm mình trong những tĩnh từ tiếng mẹ đẻ” và bắt gặp một xứ sở đã để cho nhiều thi sĩ bị điên, một xứ sở tệ quá đi thôi. Đâu là tiếng sáo thần cho lệ Mỵ chảy tan trong chén ngọc? Khi nào thi sĩ Việt Nam thôi bị đày đọa để họ khoác chiếc ao len tím than thẫm lên vai nàng Mỵ trong một đêm u trầm Đa lạt? Hỏi là để trầm ngâm sa mạc, để làm kẻ láng giềng thơ mộng của tịch nhiên lưu ly.
“Một thi sĩ có ý tưởng chết đi vì những câu thơ, thi sĩ ấy đáng hưởng một bất ngờ.”
(Đà Lạt Mỵ Nương Sầu – Lê Thị Huệ)
Bất ngờ thật, tôi yêu “Đà Lạt. Mỵ Nương Sầu” hơn 20 năm trước, và ấn tượng đầu tiên của tôi vẫn không thay đổi, vì thế tôi đã chọn bài này, dù có rất nhiều bài viết khác thật xuất sắc của nhà thơ Lê Thị Huệ, khi biên tập cho tuyển tập “Gió-O 20 năm tản mạn”.
Nhân cơ hội biên tập này tôi được dịp đọc lại những bài tản mạn từ nhiều tác giả ở Gio-O. Yêu thích làm sao một thể văn phóng khoáng và đa dạng. Như một con chim được chắp thêm nhiều cánh, tản mạn đưa người viết cũng như người đọc bay vút qua không biết bao nhiêu quãng trường khác nhau của nghệ thuật sáng tác. Có nên tự đặt câu hỏi “tản mạn là gì” chăng?.
Nhớ 10 năm trước, nhân ngày kỷ niệm Gio-O lên net được 10 năm, Chủ Biên Lê Thị Huệ có đặt câu hỏi với tôi như thế này:
‘Lê Thị Huệ: Trên Gió O, tôi thích dùng từ "tản mạn" cho dễ "gặp gỡ" với bất cứ đề tài nào, cách viết nào không phải là nghiên cứu (có trích dẫn công phu từ những nguồn uy tín, đáng tin cậy). Nhưng nếu có tác giả nào yêu cầu ghi theo cách của họ, thì tôi cũng làm theo yêu cầu. Tùy bút, tùy ký, tản văn, tạp văn, tạp ghi, tạp bút vvv ... anh thích dùng từ nào ? Và tại sao ?
Vũ Hoàng Thư: Vậy thì hãy thử “tản mạn” đôi chút về từ “tản mạn” nhé. Nói theo mấy cụ đồ thì “tản” có thể là tan như mây bay, là rời rạc không quy tắc, lại cũng có nghĩa là nhàn rỗi. Rồi tản là hạt mưa rơi xuống gặp môi trường khí hậu đầy đủ đóng thành hạt đá nhỏ, gọi là mưa đá. Sự kết tinh khi gặp đúng nhân duyên ? Tản còn là cái dù che nắng, che mưa […đá nhỏ]. Cho nên khi nhàn thì ta cứ “tản” một cách không cần quy củ, nói nôm na là rất cà khịa. Và cà khịa một cách rất chịu chơi các thứ. Bây giờ xoay qua chữ “mạn”. Một nghĩa của động từ “mạn” là khinh thường, tỉnh từ “mạn” là tràn đầy, bao trùm, sáng láng, phó từ “mạn” là thong thả, là phóng túng. Danh từ “mạn” cũng nói đến một thể từ đời nhà Tống. (“mạn” đôi khi cũng hàm ý [xấu] lười biếng). Ta sẽ chọn nghĩa nào khi kết “tản” và “mạn” cùng nhau ? Có lẽ sẽ nổ bung thế giới. Nổ bung trong ý nghĩa hủy diệt để tái tạo. Nó hàm chứa sự rộng rãi, phóng túng, bao trùm, thông tuệ một cách rất là bất quy tắc. Như hạt mưa. Có khi là nước, có lúc là tuyết, những hạt sẽ theo dòng tan vào đại thể, đại dương bao la kia… Tôi bỗng thích từ “tản mạn” của chị.’
Hãy nghe Nguyễn Tuân - nhà văn nổi tiếng viết tùy bút hàng đầu của Việt Nam - đã thừa nhận: "Nguyên tắc quan trọng nhất của tùy bút là không có nguyên tắc gì cả".
Và Đào Duy Anh định nghĩa từ “tùy bút” là "tùy thời mà biên chép" trong Hán Việt từ điển (trang 320).
Như vậy ta có thể dùng tản mạn như là một danh xưng bao gồm các thể tùy bút, tùy ký, tản văn, tạp văn, tạp ghi, tạp bút,...v.v... và rút tỉa hai đặc tính căn bản của thể văn tản mạn như sau:
· Tản mạn có khuynh hướng tự do và phóng khoáng. Tuy cũng có phân tích, bàn cãi nhưng ngôn ngữ tự nhiên xuất phát từ ký ức, kinh nghiệm từng trải của tác giả, những cảm nhận, giải bày tâm tư, cảm xúc của chính mình. Dù là viết về người khác, sự việc khác, nhưng trọng tâm vẫn mang hình ảnh và tình ý của tác giả trong đó. Nhắc đến diễn biến bên ngoài chỉ là phần nhỏ, như là một cái cớ để khêu gợi, bộc lộ nội tâm bên trong. Một ý nghĩ bất chợt, một khoảnh khắc thoáng về, một liên tưởng giữa thực tại và người viết, có lẽ đó là cái đích, trọng tâm được ghi lại của hầu hết các bài tản mạn.
· Chủ đề của tản mạn bao hàm mọi đề tài về lịch sử, xã hội, triết học, thi ca, nghệ thuật, v.v... Phong phú đa dạng về chủ đề nhưng mang đậm cá tính, bản sắc và lăng kính nhìn của tác giả.
Trong 20 năm qua, rất nhiều tản mạn tập trung ở Gió-O từ nhiều tác giả khắp nơi trên thế giới. Họ viết nhiều đề tài: tình tự hoài hương, đời sống mới nơi chốn định cư, nhận định văn chương, nghệ thuật, triết lý, v.v... Những bài viết thật sâu sắc, xúc tích và quý hiếm. Xin trích đoạn từ một đôi bài tiêu biểu cho những đề tài nêu trên dưới đây.
Tâm thức tỵ nạn lưu vong là điểm xuất phát và bộc lộ rõ nét nhất. Quê hương bỏ lại, đối đầu với những vật lộn ở xứ người luôn là nỗi ám ảnh của người Việt hải ngoại. Có thể không hẹn nhưng đa số tác giả Gió-O đều cùng chung một hành trình đi tìm lại thời gian đã mất. Nhớ tưởng về chốn cũ mang quê hương lại gần hơn bao giờ hết cho dù địa lý xa cách nghìn trùng.
Âm và màu chứa đủ quê hương khi âm là tiếng hát ve sầu và màu là hàng phượng đỏ rực nắng.
“Không có tiếng ve sầu, nhưng vẫn còn giọng ve kêu. Không hàng phượng đỏ rực, mùa hè vẫn âm ỉ chói nhói qua tim.
Quá khứ dội về bằng âm và màu. Dù mùa hè còn có nước và dòng sông chảy không vang. Với hương ngát không kêu, như hương sen trên dãy hào bao quanh hoàng cung.”
(Mùa hè săn đuổi – Thi Vũ)
Khi quê hương đã khác xưa, nơi ấy đã dập vùi những gì là quý giá thiêng liêng nhất của kẻ lưu xứ, thi sĩ gióng lời tuyên ngôn:
“Tôi nhân danh là một nàng thơ. Tôi nhân danh là một người nữ trong thơ, phản đối xứ sở đã tra tấn những thi sĩ và biến những hoa khôi thành những nàng Mỵ áo rách.”
(Đà Lạt Mỵ Nương Sầu – Lê Thị Huệ)
Rồi quê hương trở lại trong giấc mơ, những con hẻm tăm tối của Saigon xưa òa về không dứt. Những con hẻm hằng ghi ký ức và những gì nằm trong trí nhớ thì chẳng có ai có thể chiếm đoạt được. Quê hương vì vậy chưa hề mất.
“Giữa đường hẻm là dòng nước chảy vì có người nào đó đổ chậu nước giặt đồ lên sân. Thức giấc tôi thấy bàng hoàng. Những cảnh này vừa quen lại vừa lạ. Quen vì chúng giống những ngõ hẻm Sài Gòn, quận Tư hồi trước tôi sống ở đó, lạ là vì trong giấc mơ những chi tiết về cảnh trí khác với trong trí nhớ của tôi. Đây không phải là lần đầu tiên tôi mơ về những đường hẻm này. Chúng cứ trồi sụt trở đi trở lại trong giấc ngủ của tôi, mỗi lần mơ lại thấy cảnh khác đi một chút, nhưng vẫn biết là mình đã từng gặp những giấc mơ như thế này.”
(Hẻm Sài Gòn Trong Tôi – Nguyễn Thị Hải Hà)
Không chỉ con hẻm từng sống đã đi vào giấc mơ, người tha hương mang theo mình cả một di sản ẩm thực có từ nghìn năm chẳng có gì thay thế được, những kỹ xảo từ ông bà, tổ tiên chẳng có trường học nào có thể đào tạo. Đọc cách làm bánh khúc của Nguyễn Tà Cúc tôi bắt đầu nhìn những gói xôi khúc bày bán ở Little Saigon bằng một cặp mắt khác xưa.
“Bánh khúc chính hiệu là những viên bánh làm bằng bột pha với rau khúc băm nhỏ bao ngoài nhân đậu xanh thịt hành tiêu thơm ngát. Những viên bánh này, được bọc ngoài bằng một lớp nếp, khi hấp xong trông như những viên ngọc thạch xanh nhạt vẩn lên những sợi tơ màu xanh lá cây đậm, là chứng tích của rau khúc thái nhỏ lẫn vào bột. Những sợi rau khúc, ngoài phận sự giúp bánh khúc một màu xanh đặc biệt còn giúp cho bánh cứng cáp. Tôi đã từng phải băm rau khúc, sau khi đã giã nát cả lá và thân cành, đến tím cả lòng bàn tay. Thế nên, khi dọn ra đĩa, các viên bánh khúc có thể chiếm một chỗ huy hoàng, giữ nguyên hình trạng như một quả trứng, mà không nằm ẹp xuống như một tiểu thư ốm đau kinh niên của cái loại bánh khúc giả hiệu chỉ có màu xanh pha nhợt nhạt thê thảm kia. Cũng chính vì cứng cáp như thế nên bánh khúc làm khéo chỉ có đúng một lớp nếp bao ngoài, bạn có thể gắp riêng từng chiếc bánh khúc từ một đĩa bánh mà không bị giằng theo cả một tảng xôi, đến nỗi khi ăn xôi đi đằng xôi, khúc đi đằng khúc.”
(Những mười lăm năm ấy biết bao nhiêu là … - Nguyễn Tà Cúc)
Và bạn còn nhớ bầy chim di vần vũ bay đi khi bầu trời thường xám ở buổi ngày thu và cung điệu nức nở của câu hát J'ai cueilli ce brin de bruyère? Nhành thạch thảo, hương thời gian, ta đã ngắt một khung trời và níu lấy chân mây? “Thi nhân khóc tiếng bi ai / Cho vàng thu vương dấu lệ”, Julie Quang duyên dáng kể về giai thoại một thời, Mùa Thu Chết.
“Mùa Thu Chết là một kết hợp của Thi Ca – East meets West – thai nghén và sinh ra bởi những Cổ Thụ như Apolinaire Bùi Giáng và Phạm Duy thì làm sao không đáp ứng được nhu cầu Thời Thế. Duyên may cho tôi kết tụ tại đấy…”
(Mùa Thu Chết – Julie Quang)
Nhắc đến Bùi Giáng liền bắt gặp Phạm Chu Thái, một cây viết bát ngát chữ nghĩa làm tôi không khỏi không liên tưởng đến Trung niên Thi sĩ. Anh sống mình riêng một cõi theo lời anh, “hồ như chẳng bỏ vốn, chỉ thuần là ‘vay mượn Đất-Trời’, chế gây thành ‘mây-gió’ cho nó làm của riêng, bảo sao lại chẳng giàu có trong thanh đạm, bảo sao lại chẳng an nhiên cô liêu viễn xứ một góc trời nơi hải giác thiên nhai. Mai mốt nó đi, còn gì nữa không để mà buồn” (PCT). Hãy đọc thử một đoạn trong “Biết trả lời sao” của Phạm Chu Thái:
“Ai bảo Nhan-Hồi là nghèo? Không, thầy Nhan rất giàu sang trong nội thức, hoa tâm nghìn năm không héo; xưa kia nếu Lão-tử có cơ may gặp được Nhan-Hồi, thì sẽ chẳng còn can đảm đâu nữa để mà viết sách, bởi tất cả những gì được nói đến trong Đạo-Đức-Kinh của Lão thì Nhan-Hồi đã âm thầm thể hiện trọn vẹn trong kiếp đời ngắn ngủi đạo hạnh dư dục vô ngôn - huyền chi hựu huyền. Khổng Phu-tử rơi lệ xót xa mãi người học trò tâm truyền của mình, là vì thế. Les plus pures récoltes sont semées dans un sol qui n’existe pas – René Char, ý nghĩa là thế.”
(Biết trả lời sao – Phạm Chu Thái)
Một tác giả khác, Văn Cầm Hải, hành văn trong sáng và minh triết , tuy đóng góp không nhiều trên Gió-O nhưng những tản mạn của anh là những hành trình trực nhập lý thú về phương Đông thâm viễn.
“Không có mưa nơi nào, giống mưa ở Tây Tạng.
Mưa xứ Huế buồn thâm không gian. Bầu trời mây da diết mờ ánh mắt. Không biết mưa xuất xứ từ đâu đến.
Mưa Bắc Âu mịt mù biển lạnh. Người đi trong cô đơn sụt sùi băng tuyết. Không dám ngẩng mặt lên đòi hỏi nguồn gốc đất trời.
Mưa Tây Tạng là loài mưa sinh ra từ ánh sáng. Mưa rơi rất trinh! Nếu chăm chú, người ta có thể theo dõi được đường bay của một hạt mưa từ lúc xuất phát cho đến khi vỡ tan trên nền đất. Hơi lạnh Himalaya và gió cùng ánh sáng đã sinh ra loài mưa trong veo.”
(Đi Với Tang, Dưới Mưa Lhasa! – Văn Cầm Hải)
Nguyễn Thị Khánh Minh với những nhận định về chữ nghĩa, sáng tác, về những nhà thơ, nhà văn đương thời với cô ở hải ngoại trong cảm thức bóng bay gió ơi,
“A, Gió ơi, đó là những con chữ. Người bạn tâm tình khó tính. Cũng không một hẹn hò. Mở laptop ra và một trang trắng để sẵn sàng tí tách thì nó như con ma, biến mất. Lắm lúc đang, như nấu nướng, hay cắm cúi đánh máy layout bài vở sinh nhai, thì nó nhởn nhơ huơ huơ trước mắt mình một đóa bleuet xanh, nó mở một cánh vườn rực vàng daffodil, nó thả xuống một cánh thư mây xa, thế là, hoặc, ngâm ngấm nó trong đầu, làm tiếp công chuyện, hay, bỏ hết, để chạy theo nó. Hụt hơi về tay không là thường. Hoa mầu đầy tay, của hiếm. Ông chồng bảo “như con cú đêm” khi thấy mình lục xục ánh đèn khuya lắc.”
(Bóng bay gió ơi... – Nguyễn Thị Khánh Minh)
Bên cạnh đó, bạn đọc sẽ bắt gặp những chuyện khôi hài dí dỏm của nhà văn Hồ Đình Nghiêm, giọng văn châm chọc của anh đã khiến người đọc đôi khi phải xót xa vì những nham nhở, đổi thay của cuộc đời. Họa sĩ Hà Cẩm Tâm hiên ngang bất cần đời, cười vào mũi những trơ trẽn của xã hội với một tâm hồn xông xáo tuấn mã. Và nghe Hoàng Hải Thủy kể lại những tháng ngày đen tối khi làn sóng đỏ ở vào thời kỳ cao điểm sau 1975.
Tuyển tập “Gió-O 20 năm Nắn Net tản mạn” từ 18 tác giả là một tuyển chọn từ hàng trăm bài viết của rất nhiều tác giả trên Gió-O mà tôi được hân hạnh dự phần. Thật đáng ngưỡng mộ những đóng góp của họ cho một nền văn học nhân bản ở hải ngoại cũng như công sức gìn giữ, duy trì một trang mạng văn học sáng giá của chủ biên Lê Thị Huệ. Các nữ lưu Gió-O đã nắn và uốn Net cho văn chương chữ nghĩa Việt tròn đầy biết bao năm qua. Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập đến tất cả mọi nhà cùng lưu giữ, một cách duy trì tích cực nhất cho nền văn học tự do của người Việt hải ngoại cũng như hải nội.
Vũ Hoàng Thư
Tháng 12, 2021

Những bìa báo Xuân (hải ngoại) xưa – “Chúng ta đi mang theo quê hương”
Chúng ta đi mang theo quê hương - Tên một chương trình gây tiếng vang lớn của trung tâm Thuý Nga năm 1999 - lấy cảm hứng từ một đoản văn của Mai Thảo. Câu này MAI THẢO đã dùng lại trong “Quê hương trong trí nhớ” trên báo Sáng Tạo năm 1958 – số đặc biệt về Hà Nội:
“Kẻ thù không sợ chúng ta ở xa hay về gần. Điều nó sợ là ở xa hay gần mỗi chúng ta vẫn cứ là một khối sống rực rỡ. Cho nên đi hay ở đã không thành vấn đề. Đi không phài là tỵ nạn là mất gốc. Những cái mà tôi, mà anh, những người Hà Nội hiến dâng, góp phần vào cho sự sống ở Sài gòn, ở khắp nơi hôm nay mới chính là Hà nội, cái phần tinh hoa, cái phần quý giá nhất của Hà nội. Chúng ta đi mang theo quê hương, chúng ta đi mang theo Hà Nội là vì thế. Mà cũng chính là trong lối sống mà chúng ta đang chiến đấu, đang bảo vệ cho Hà nội, để vẫn là những người Hà nội…”
Nhưng nguồn gốc của nó chính từ tên của bức tranh hoạ sĩ Phạm Tăng làm bìa báo rực rỡ Xuân Văn Nghệ Tự Do - Bính Thân 1956 .
Báo Xuân, một đặc sản độc đáo của Việt Nam - với tờ báo Xuân đầu tiên được cho là số Xuân của Nam Phong tạp chí ra năm 1918 - mấy chục năm nhìn lại những trang bìa rực rỡ của hàng loạt bìa báo Xuân xưa cũ vẫn toát ra một thứ lân tinh bình an hạnh phúc, âm ỉ mà trường cửu, tưởng chừng chạm vào một thứ sáng mang tên là huyền ảo và say đắm...
"Chúng ta" (xưa) "đi mang theo quê hương" - cái "quê hương" vào năm 1956 ấy chính là cây đa - bến cũ - con đò, là những "thảo dã, xuân tình", là những hội hè Đình đám (mà theo tác giả Kim Định triết lý Việt Nam chính là bắt nguồn từ những mái đình như thế và ông đã khái quát thành một triết lý của dân tộc: triết lý Cái Đình - trong một quyển sách cùng tên), là những yếm thắm , má hồng, là những thầy đồ, lễ nghĩa, là những trẻ thơ khoanh tay nhận quà, là những "mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy...."
"Chúng ta" (1975) "ra đi" (cũng) "mang theo quê hương" ..., quê hương một lần nữa là những "Ly rượu mừng": "rót thêm tràn đầy chén quan san" , là những ước mộng "Việt Nam không đòi xương máu, tự do công bình bác ái muôn đời..." , là những "buổi chiều Thủ Đô tưng bừng phố xá"
Những bìa báo Xuân như hiện ra từ "tìm trong câu thơ cổ/ tìm trong tranh tố nữ..." ngỡ đã lắng chìm sâu vào dĩ vãng, chỉ một hôm nào đó, vô tình chạm thấy, từ khói sương đẹp; từ ẩn nhẫn đẹp, từ rạng rỡ hình đến lộng lẫy hồn ấy, du mình vào một vùng ngây ngất đầy của quê hương & kỷ niệm!
Bàn đến bìa báo Xuân: có thể nói ngay là báo Xuân trong nước sau 1975 hình như có một lời nguyền “không bao giờ (dám) đẹp”...Trong khi nhiều khi điều cần chỉ là 1 bức tranh, một ký hoạ + sự dàn trang, typo đơn giản (& thẩm mỹ) là sẽ ra được cái hồn-vía-Tết-Việt trên những ấn bản mà bản thân nó là một nét đặc sắc hiếm có quốc gia nào còn giữ là báo Xuân/ báo Tết (có thể xem báo Tết đó một trong những bản sắc, hồn cốt còn sót lại của dân tộc này chăng?). Xem lại các bìa báo Xuân trước 1975, những bìa báo chân phương - những sắc màu nồng ấm & hạnh phúc + với những phần typo (sắp chữ) xuất sắc, có thể một phần là do chữ toàn là viết tay - chưa có can thiệp của công nghệ - nên tính “art” sẵn & có "hồn" sẵn)
Nhưng ở biển-ngoài, may mắn thay, có những năm trên các bìa báo Xuân là những “tranh xuân” của Nguyễn Đồng- Nguyễn Thị Hợp, Thái Tuấn, Nguyên Khai, Trần Cao Lĩnh, Võ Đình, Nguyễn Nhật Tân, Vũ Thái Hòa… ; những bức tranh xuân thanh bình mà nếu được lên tiếng, thì nó không gì khác hơn là những khúc ca dao êm đềm, hay đó chính là câu trả lời cho những câu hỏi của nhà văn- nhà thơ Duyên Anh: "Có bao giờ em hỏi - quê hương mình ở đâu?", đó chính là đền bù cho những mất mát "Chưa kịp mê tam cúc, xuân hồng đã trôi mau / Chưa kịp hôn môi Tết, tháng Giêng son phấn sầu..." (*); đó là lời nhắc nhớ để không bao giờ lãng quên những gì của tình tự dân tộc, để không phải "Sợ em đã quên mùi hoàng lan đêm xuân/ Quên hương cau thông vàng bụi phấn..." (**)
Tựu trung; thử nhìn lại xem, những bức tranh xuân của những tờ báo Xuân trước 1975 trong nước, và tranh xuân của những họa sĩ làm riêng cho những bìa báo Xuân “hải ngoại” sau này là những nỗi lắng sầu dịu dàng, chút bình yên hiếm hoi giữa thời đại cuồng nộ này, đủ làm lòng độc giả khẽ vang khúc ca Xuân xúc động từ người-nhạc-sĩ-của-những-bài-ca-yêu-thương-sầu-muộn Trầm Tử Thiêng:
" Ước gì giờ này mẹ đang ôm con trong lòng mà ru
Cho mẹ còn nghe hương xuân trao cha mới vài xuân đầu
Ước gì từ một thời xưa êm đềm thành mùa xuân mới
Hoa rộ đầy trời mẹ ban cho con xuân vừa nằm nôi
Ước gì giờ này anh đang ôm em xuân về ngoài kia
Mối tình bình yên đôi ta không lo lắng gì chia lìa ..."
Xin gửi vời theo những diễm ảo bìa-báo-Xuân niềm mong “Ước gì từ một thời xưa êm đềm thành mùa xuân mới”!!!
*: bài thơ “Bấy giờ, em ơi” trong tập thơ Em, tôi, Sàigòn và Paris (1989)
**: bài thơ “Giả sử ngày mai em về Sài Gòn” – Duyên Anh
./.
Nói thêm về tạp chí Làng Văn, trích Trần Vũ trong “HỢP LƯU 12 NĂM, TRANG TÔN KINH HUYỀN HOẶC HẬU HIỆN ĐẠI”
“...Làng Văn thừa hưởng không khí bừng bừng khí thế của một cộng đồng đang độ tăng trưởng chín muồi sung mãn, kèm nỗi nhớ nhà nóng bỏng của lớp người mới vượt biên. Một tạp chí mới, một lớp độc giả mới với một tâm tình mới. Huyền Châu, Tuệ Nga, Hồ Trường An, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Ngọc Ngạn, Lê Văn Lân, Ngọc Khôi, Nguyễn Tấn Hưng, Thái Văn Kiểm, Võ Kỳ Ðiền, Nguyễn Văn Ba, Trần Long Hồ, Phan Ni Tấn, Luân Hoán, Lâm Hảo Dũng, Diệu Tần, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Ðức Bạt Ngàn… đem đến cho Làng Văn những độc giả trung thành trường kỳ. Những năm 84-89 thời kỳ cực thịnh, Làng Văn thành công rực rỡ, số bán vượt xa các tạp chí khác. Người Làng đông như trẩy hội như nhà báo Nguyễn Hữu Nghĩa nhận xét...”








Còn đây những “Hoa Xuân” của người-ảnh Trần Cao Lĩnh.

Trần Cao Lĩnh - cuộc triển lãm chân dung 50 tác giả miền Nam(phỏng vấn trên Văn 10/6/1974)
“Trần Cao Lĩnh sinh năm 1925 tai Nam Định ông là một trong những người đầu tiên sáng lập hoặc đỡ đầu nhiều hội nhóm nhiếp ảnh tại miền Nam Việt Nam như hội nhiếp ảnh Việt Nam (1954). Giáo sư Nhiếp ảnh tại Đại học Vạn Hạnh Sài gòn trước 1975.
Nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh là một tên tuổi lớn của giới ảnh miền Nam, chủ hiệu ảnh danh tiếng Đống Đa ở đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Ông thường lấy tên là Cao Lĩnh đi cặp với Cao Đàm nên người ta nghĩ hai người là hai anh em. Thật ra một người họ Trần và một người họ Nguyễn. Cao Lĩnh tuy là chủ hiệu ảnh thương mại nhưng hoạt động nhiều cho ảnh nghệ thuật.
Ông dạy các lớp ảnh ở Hội Việt Mỹ, đường Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn trước 75. Cao Đàm và Cao Lĩnh đứng tên chung cho mục Xem Ảnh Bạn trên tuần báo Màn Ảnh và trên một vài sách ảnh đã ấn hành. Ảnh “Độc Hành” gây nhiều xúc động do người xem ảnh có sự đối chiếu một người cô đơn chân thấp chân cao, ốm yếu lầm lũi quảy gia tài gom trọn trong một bao bị không đủ nặng đề làm que cây cong, đi giữa trời đất hoang vu, bên cạnh hai cây lớn dù bị cắt hết nhánh nhưng vẫn còn có đôi. Hai cây ngã qua hướng người đi như dợm đè bẹp kẻ độc hành. Một hình ảnh chua chát của cuộc đời.
Trần Cao Lĩnh là nhà nhiếp ảnh tiền phong của miền Nam, chuyện về ảnh nghệ thuật đen trắng và kỹ thuật phòng tối. Trần cao Lĩnh thực hiện 4 tuyển tập ảnh, nhiều lần thuyết trình và viết bài về kỹ thuật nhiếp ảnh. Ông di cư sang Mỹ năm 1980. Trần cao Lĩnh đã triễn lãm và được nhiều giải thưởng tại London , Torronto . Paris , Montreal , NewYork , Washington...”






Những tranh bìa của Võ Đình mang đến một “không khí” “Mùa Xuân trên cao” (Trầm Tử Thiêng)
“...Chờ giấc ba mươi mộng ảo
Mùa Xuân vẫn đẹp vô cùng
Nếu xuân này môi em còn hồng
Tình Yêu nào chợt về đêm xuân
Ta cần nhau, gặp nhau vài lần
Nhìn én bay qua đầu núi
thì xuân đã ngập trong lòng
Thương anh vào những ngày lập đông
Quê hương trong thời đau thương
Mùa Xuân chia ly là thường
bao nhiêu khổ nhục tủi hờn
Hát lên nhân loại
Trả buồn cho đông...”

Những bức tranh không phải Xuân nhưng rất Xuân-tình của Vũ Thái Hoà, làm gợi nhớ bài thơ “Bấy giờ, em ơi” của Duyên Anh - Phạm Duy phổ nhạc thành “Có bao giờ em hỏi?” :
Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu
Có bao giờ em nói
Lời tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau
Mùi hương nào gợi nhớ
Vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu đòi gió
Gửi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào
Em, bao giờ em khóc
Ngơ ngác vì chiêm bao
Chưa kịp mê tam cúc
Xuân hồng đã trôi mau
Chưa kịp hôn môi tết
Tháng giêng son phấn sầu
Bây giờ em mới biết
Em đã chết từ lâu
1984




Những "mùa xuân không còn nữa" của Vivi

Bìa Làng Văn với tranh Nguyên Khai như một khúc Xuân Thì
“Tình Xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời
Ngày Xuân con én đưa thoi
Có người nhớ tới những lời yêu mến nhau.
Xa xa có tiếng kinh cầu
Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông
Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương ...”
(Phạm Duy)




Những “thư Xuân hải ngoại” của Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp
“Ước gì giờ này mẹ đang ôm con trong lòng mà ru
Cho mẹ còn nghe hương xuân trao cha mới vài xuân đầu
Ước gì từ một thời xưa êm đềm thành mùa xuân mới
Hoa rộ đầy trời mẹ ban cho con xuân thuở nằm nôi
Ước gì giờ này anh đang ôm em xuân về ngoài kia
Mối tình bình yên đôi ta không lo lắng gì chia lìa
Thế mà người tình phải đi thế mà cuộc tình tan vỡ
Thân phận bềnh bồng để xuân trôi qua âm thầm đợi mong”


Tranh Thái Tuấn với những “mùa Xuân đó có em”
“...Hẹn hò xa xưa còn nguyên tất cả,
Dành cho em tình yêu rất lạ,
Dù sao anh cũng về, mộng xuân đã chín đỏ,
Bàn tay nâng niu hoa cúc,
Bàn tay hiu hắt giọt lệ đầy,
Em có nghe trời vào xuân chưa,
Bên sông từng giọt nắng hạ, .
Chợt lưa thưa và mùa xuân đó,
Có em thì xuân rất đẹp,
Anh không biết xuân về lúc nào,
Lời tình đong đưa theo gió,
Mình thương nhau mấy tuổi xuân rồi.”
(Anh Việt Thu)


GÓC TÌM SÁCH

  • Hôn Em Kỷ Niệm (tập nhạc của Duyên Anh) (NXB Nam Á)
  • Em tôi Saigon & Paris (thơ Duyên Anh) & Thơ Tù 
  • Bè Bạn gần xa (tùy bút Phan Lạc Phúc) (NXB Văn Nghệ)
  • Mai Thảo - chân dung 15 nhà văn nhà thơ Vietnam (NXB Văn Khoa)
  • Hồn say phấn lạ (Duyên Anh) (NXB Xuân Thu)
  • Ðáy Ðịa Ngục (hồi ký), NXB Thằng Mõ 1985
  • Những Khuôn Mặt Văn Nghệ – Đã Ði Qua Ðời Tôi (hồi ký), NXB Thằng Mõ 1990
  • Hai Tập Hồi Ký Phạm Duy (trừ tập 2: thời KHÁNG CHIẾN) (Phạm Duy Cường productions) 
  •  2 tập thơ Nguyễn Tất Nhiên (Tâm Dung & Chuông Mơ) 

HUYVESPA@GMAIL.COM