Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Nguyễn thị Hoàng trở lại - "định mệnh còn gõ cửa" (?!?)

“…Hãy thinh không nhé, hãy trùng khơi
Hãy im lặng đến thời lên tiếng

Vì tiếng em cao vọng tuyệt vời.”
(trích từ bài thơ: Sài Gòn trong nhà – Duyên Anh)


Trở lại “cõi” giới văn chương sau gần nửa thế kỷ (hầu như) im tiếng (nếu không kể đến một vài cuốn rời rạc, vd NXB Kim Đồng: Hồn Muối, NXB Đồng Nai: Lỡ Cánh Chim Trời, 1 cuốn in ở hải ngoại của NXB Kinh Đô Ấn Quán: Nhật Ký Của Im Lặng), tác giả của tiểu thuyết đình đám một thời: “Vòng Tay Học Trò”, 1 trong 5 nhà văn nữ hàng đầu của miền Nam trước 1975 (cùng Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Trùng Dương) đã chính thức trở lại với những người yêu văn chương & hơn thế, những người còn muốn một lần chìm đắm vào (dù chỉ là một thoáng) bãi êm đềm và lay động của văn chương miền Nam (kiếp trước).
Với một văn phong đặc trưng: “ảo não rung động” hoặc "kiều diễm và thơ mộng" nhưng đằng sau những con chữ là nỗi quay quắt và cuộc đuổi bắt để truy vấn chính bản thân nhân vật và người đọc, hoài nghi về (những) ý nghĩa của cuộc đời / hoặc giả chăng truy vấn …chính cuộc đời!


Trong một lần trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn, tác giả có nói: “Còn dự định lớn? Hoàn thành định mệnh như trời muốn!”

Sau ngần ấy năm im vắng, im vắng trong ẩn nhẫn - sự ẩn nhẫn “đội một hòn than chôn chân sầu đứng đợi” như trong lời một bài hát của Nguyễn Đình Toàn chăng? - (nhưng, đối với Nguyễn Thị Hoàng “bất động cũng là hành tung của một kẻ ẩn mình”),…có lẽ, định mệnh đã một lần nữa (không lúc nào thôi?!?) “gõ cửa”, và phải chăng người nữ sĩ ấy thấy đã đến lúc cần “hoàn thành”… điều “đó”, đã đến lúc “làm cho xong hết cuộc tiễn đưa” – tất toán một “dự định lớn”! - (& cuộc hồi đáp này, sau 2 quyển sách của “lần đầu”, hứa hẹn sẽ là 2 “bom tấn” lớn của chính bà: Người Yêu Của Đấng Trời & Nhật Ký Của Im Lặng – như trên tay gấp sách NXB New Viets đã teasing).
Trở lùi lại với một trong những cuộc phỏng vấn hiếm hoi sau 1975 (thực hiện bởi nhà văn Mai Ninh), tác giả đã từng bộc bạch:
“Một tác phẩm có mặt từ ba yếu tố: nghĩ (hay cảm), viết, và in. Nghĩ thì như thở, càng bị rượt đuổi vây khổn, càng dập dồn, chồng chất. Viết ra thì khó liên tục nếu ăn ở không yên và chèo chống không ngừng với mọi vấn đề. Nếu vượt hai điều trên được, lại phải đứng dừng trước bức tường thứ ba: in ra, ngoài khả năng của một tác giả tận cùng đơn độc, trong mọi nghĩa. Khi qua đi một khúc đoạn ở cuộc đời hay nỗi niềm riêng, NTH vẫn ngạc nhiên là mình vẫn còn sống và câu hỏi duy nhất là làm sao để in ra, cũ và mới những gì đã ứa ra từ quá trình sống… chín này.”
Thời may, giờ đây, cuộc “vượt thoát”…hình như đã bước đầu thành hình, 2 tuyển tập thơ & văn gom lại những quá vãng & trăn trở của tác giả:
“Thời của những khúc viết này ngắn ngủi từ 1967 đến 1972, với những tuyển tập truyện ngắn Trên thiên đường ký ức, Cho những mùa xuân phai, Đất hứa, Vết sương trên ghế đá hồng, Dưới vầng hoa trắng… Nửa thế kỷ im lìm, khuất bóng cho tác phẩm, người đọc và người viết cuộc đồng hành dang dở. Nhưng tất cả vẫn còn đâu đó truân chuyên và cách trở, trong âm vang mơ hồ của ký ức, từ ấy đến bây giờ và còn mãi cho đến ngày tro bụi bay lên thoát cõi người.


Trên Thiên Đường Ký Ức đứng tên cho toàn tập, vì là chút di sản tinh thần bé nhỏ thương yêu, ôm trọn thời ấu thơ, đã như bóng ảnh đồng hành vô hình nuôi dưỡng, nâng đỡ và che chở cho người viết suốt đường đời qua mê lầm, oan khiên, bạc đãi, ngộ nhận, của khổ nạn triền miên tâm và cảnh. Khách quan sẽ chẳng nhìn thấy gì trong đó, nhưng với người viết lại, mỗi hình ảnh, mỗi vết tích nhỏ nhoi đều là một thiên đường trong nghĩa đơn sơ là đẹp đẽ nhất, thuần khiết nhất, tôn quý nhất đủ xúc động tâm cảm bùi ngùi tưởng tiếc…”

Một lần nữa, những truy vấn, những suy tư như những “tiếng im thoát ra từ niềm đau, như giọt máu ứa từ vết thương lặng lẽ”…đã được gom nhặt từ những bài thơ quá vãng, và từ những truyện ngắn tâm đắc nhất của nữ sĩ… hồi sinh, trong một cõi khác: sau phần thư, sau thất tán, sau nát tan…cũng đã là đủ để một lần bạn & chúng ta cùng “nghiêng vai soi lại cuộc đời” qua những áng văn thơ của một trong những gương mặt sáng giá nhất của nền văn chương miền Nam rực rỡ!
Huyvespa

./.
Thông tin sách:
Với lần xuất bản này, ngoài những bản thường có ruột in 2 màu trên giấy Ford kem định lượng 80 gsm, New Viets còn ấn hành 300 bản đặc biệt với bìa cứng trên giấy Kraft 80 gsm, bìa áo giấy Cal 180 gsm, đánh số từ NTH–001 đến NTH–300, với chữ ký kèm tên và dấu triện của tác giả.
Contact NXB qua mail newviets@gmail.com 
./.




Lời tựa cho tập truyện TRÊN THIÊN ĐƯỜNG KÝ ỨC

Thời của những khúc viết này ngắn ngủi từ 1967 đến 1972, với những tuyển tập truyện ngắn Trên thiên đường ký ức, Cho những mùa xuân phai, Đất hứa, Vết sương trên ghế đá hồng, Dưới vầng hoa trắng… Nửa thế kỷ im lìm, khuất bóng cho tác phẩm, người đọc và người viết cuộc đồng hành dang dở. Nhưng tất cả vẫn còn đâu đó truân chuyên và cách trở, trong âm vang mơ hồ của ký ức, từ ấy đến bây giờ và còn mãi cho đến ngày tro bụi bay lên thoát cõi người.
Trên thiên đường ký ức đứng tên cho toàn tập, vì là chút di sản tinh thần bé nhỏ thương yêu, ôm trọn thời ấu thơ, đã như bóng ảnh đồng hành vô hình nuôi dưỡng, nâng đỡ và che chở cho người viết suốt đường đời qua mê lầm, oan khiên, bạc đãi, ngộ nhận, của khổ nạn triền miên tâm và cảnh. Khách quan sẽ chẳng nhìn thấy gì trong đó, nhưng với người viết lại, mỗi hình ảnh, mỗi vết tích nhỏ nhoi đều là một thiên đường trong nghĩa đơn sơ là đẹp đẽ nhất, thuần khiết nhất, tôn quý nhất đủ xúc động tâm cảm bùi ngùi tưởng tiếc, ngôi nhà và những lối đi trong trường Khải Định Huế, tòa Tịnh Cư Đường nguy nga ở Quảng Trị, làng quê nội ngoại thời tản cư, cuộc hồi cư trở về nơi chốn cũ tan hoang… những năm bốn mươi.
Những truyện ngắn, nội dung, tầng bậc và tính cách khác nhau, thường khởi nguồn từ một thoáng thấy về cảnh (Rừng lao xao) hay người (Trên miền xanh lá cây), một xúc động từ cái đẹp (Thành lũy hư vô), một cảm kích tương giao, nỗi niềm ấm ức không thể nói trong đời sống thật (Nắng bên trời, Bọt biển), từ chiêm bao ứng hiện (Đất hứa)… Chỉ là như thế, nhưng chứa đựng được ít nhiều suy nghiệm về con người cuộc sống và những băn khoăn trong nội thể âm u, hoặc những ước mong, tưởng tiếc bồi hồi (Đêm tàn oanh trảo)… hoặc ẩn dụ về tình yêu và sự chết (Tan theo sương mù). Chung thủy tuyệt đối dẫu làm sống được cái chết vẫn sẽ chấm dứt khi hình bóng khác thoáng qua tâm tưởng, chia lìa cuộc hợp nhất âm dương.
Không chỉ sống hay chết mà còn hay mất nhau trong tương quan khi không còn niềm tin vào tuyệt đối thiêng liêng. Nên bóng dáng sống trong chết biến tan theo sương mù ảo giác của kẻ tưởng chung tình.
Không gian hay bối cảnh những chuyện này quanh quẩn Saigon, Đà Lạt, Nha Trang, ba cạnh một tam giác con đường về đi cũ mòn của người viết. Thoáng bóng Đài Bắc (Dưới vầng hoa trắng, Bóng lá hồn hoa), Osaka (Dòng sông chết, Bóng ma), Kyoto (Tan theo sương mù), Seoul (Rừng lửa đen, Mùa xuân một lần), hoài niệm chuyến đi năm 1970.
Dòng truyện ngắn này chấm dứt, khoảng 1972. Về sau, khi viết lại hay viết tiếp, như con người và cuộc đời, những trang viết đã chuyển thể qua một tính cách và tầng bậc khác, khó gọi tên đúng là gì, nên tôi vẫn là tôi mà tôi ấy không thể nào là tôi này nữa. Tế hệ đọc những trang cũ ngày xưa đã già cỗi hoặc lụi tàn. Tuổi trẻ ngày nay sẽ hoàn toàn xa lạ và có thể vô cảm với mớ đồ cũ trên tay, nhưng qua dòng trôi chảy của thời gian và thế sự, biết đâu vẫn còn có ai vớt lại chút bọt bèo
mong manh của quá khứ. Chút bọt bèo có thể sẽ là mầm xanh cho mùa hoa trái mới, cũng có thể là phiến hóa thạch vô tri vì cuộc đợi chờ vô vọng mấy mươi năm mà kỳ thực đã mấy nghìn năm bên bờ ảo hóa.
Nguyễn Thị Hoàng
2019





Lời tựa cho tập thơ MÂY BAY QUA TRỜI XƯA

Nói với...
Thơ là tiếng im thoát ra từ niềm đau, như giọt máu ứa từ vết thương lặng lẽ. Là
tiếng vọng thiết tha của yêu thương, bâng khuâng của tưởng tiếc những vẻ đẹp,
nguồn vui đã đến rồi đi mất hút suốt đời. Đôi khi cũng là tiếng gào la thống hận,
hay tiếng vang lừng ca ngợi hân hoan. Là tiếp điểm của cảm ứng giữa con người
và thiên nhiên, mối nối êm đềm giữa nội tâm cùng ngoại giới. Là nguồn xúc động
ngắn ngủi hay dài lâu của chủ thể và tha nhân, khi tình cờ bắt gặp hay tìm kiếm
được đáp số trên hành trình thao thức chờ mong.
Nên, thơ là nguồn xúc động, phản chấn bên trong từ một hiện tượng, sự kiện,
tình thế bên ngoài, hoặc một bất ngờ hiện tại vang dội từ đáy thẳm hồi ức và
hoài niệm. Cuộc bốc thoát và trôi lướt hồn nhiên của ý trên dòng êm vô thức ấy,
dẫu lặng mà không tịnh vì huyên náo âm vang khắp thần trí và tâm can người
cảm niệm.

Krishnamurti nói chỉ trong định tĩnh mới phát sinh hiện thể sáng tạo. Ngược
lại, với thơ không thể nào định tĩnh được. Cũng không một hiện thể nào. Lại càng
không có bất cứ sáng tạo nào. Vì, thơ không nhờ làm ra mà có.
Người ta vẫn nói làm thơ. Chỉ có thể làm bàn ghế, cá thịt, nhưng không thể
làm ra thơ, trừ một số trường hợp thơ bị biến dạng dưới những chủ đề được đặt
định sẵn do tình thế bắt buộc, như thời xưa là thi cử, thời nay là nhóm họp, tuyên
dương… thành vịnh, thành vè... dù vẫn khoác sắc màu và vần điệu của thơ. Với
thơ, có thể có và cũng có thể không một hiện thể. Vì sự cảm nhận đôi khi từ vô
hình vô ảnh, những thấp thoáng âm vang thành cuộc hòa âm triền miên trong cõi
tâm tình.
Nếu tiểu thuyết giới hạn trong mô hình của chủ đề thì thơ mông lung vô tận
như mây trời, vì là cuộc vỡ tràn của uẩn thức nương theo vay mượn ngôn từ của
ý thức bốc thoát ra cõi hữu hình xa lạ và đôi khi đối nghịch. Vì thế thơ phải hoàn
toàn được tự do về ý tứ diễn tả, trừ những thể loại tất yếu chìu theo âm luật của
thơ. Và cũng không thể uốn ép thơ như tóc đàn bà theo kiểu mẫu của người nhìn
ngắm. Cũng đừng thắc mắc dò hỏi từ đâu và tại sao. Vì, nó như thế là như thế.
Vấn đề là cảm hay không cảm. Có thể cảm mà không nhận. Có thể cảm và nhận
thì cảm nhận ấy sắc phong thơ thành hòa điệu vô thanh của những tâm hồn cách
trở mà vẫn có thể cùng nhau.
Liên quan, ngoài làm thơ còn chuyện nhà thơ. Những tên tuổi lớn trùm phủ
văn học Pháp thế kỷ 19 như Lamartine lãng mạn và thanh thoát, Alfred de Vigny dữ dội và nồng nàn, nặng nề và trầm trọng như Beaudelaire... đích thực là những
nhà thơ... Và sau đó là Gérard de Nerval, John Keats… những mái nhà thơ trên
không gian và thời gian thế giới xưa kia bây giờ và mãi mãi.
Ở ta, một thế giới thơ tôn nghiêm quý giá như Nguyễn Du với Truyện Kiều, hay
thiết tha thâm trầm tài hoa như Đoàn Thị Điểm với Chinh Phụ Ngâm không ai gọi
là nhà thơ, chỉ cụ và bà. Trong những tác phẩm ấy, từng khúc đoạn, từng câu từng
chữ, diễn tả là của một nhà thơ bậc nhất.
Thời nay, chỉ vài ba tập in mỏng manh, có khi chỉ một ít bài rải rác đó đây, vẫn
được hay bị gọi là nhà thơ. Vì sao? Ai hiểu biết và quý yêu thơ, có thể cũng công
nhận một điều. Bản chất của thơ không cần dấu huyền. Nhưng cũng đừng ném
cho thơ dấu nặng. Bởi vì thơ chỉ là dấu hỏi. Là thở. Là hơi thở, thở ra, thở dài hay
thở than. Chỉ để gởi trao từ cõi trong ra ngoài niềm xúc động chứa chan, nỗi trầm
uất nghẹn ngào, niềm hân hoan thoát khỏi nguồn cơn không nói được bằng lời lẽ
thông thường với trần gian thế tục…
Lời giải trình mong được hiểu, những trang muộn màng này, Mây bay qua trời
xưa là gì và tại sao.
… Từ lớp nhất (lớp 5 bây giờ) trường Đoàn Thị Điểm, Huế, những bài thơ rỉ rả
đầu tiên, không vì đâu vì sao viết vào trang vở xé, nhét xuống hộc bàn, bỏ quên
đâu đó, rồi những bài được gọi là thơ khởi nguồn từ lớp đệ ngũ (lớp 7) Đồng
Khánh, bạn bè và cô giáo bắt gặp chuyền nhau đọc, in lên bích báo trường, chép
lén chia nhau… Người viết ra không có và cũng chẳng nhớ bài nào. Chỉ một câu trong Tình vật lý cô giáo khen ngợi ngâm nga “ai bình phương cường độ của lòng
đau”, toàn những chữ của bài đã học. Mười bốn tuổi chưa có lòng thì lấy gì đau,
thật là… láo toét. Cũng có thể là dự báo thời tiết cho cuộc đời bất ổn mai sau. Cùng
thời là bài Chi lạ rứa. Bạn bên cạnh chép, rồi truyền đi, lớp này, lớp khác. Người
viết lại không có và không nhớ, trừ một vài câu nghe mãi xung quanh “chi lạ rứa
chiều ni tui muốn khóc. Ngó chi tui đồ cỏ mọn hoa hèn”. Nói cho văn vẻ thôi,
không là cỏ mọn, hoa hèn gì đâu. Thơ biến mất nhưng nguyên nhân thì còn lại.
Ngồi tựa gốc cây phượng sân trường giờ chơi nhìn ra lối vào bên kia bãi cỏ, người
đi vào lững thững đứng lại nghiêng đầu nhìn không đăm đăm nhưng lâu hơn một
thoáng, mỉm cười… Có vậy thôi mà “chi lạ rứa bên ni bờ tui khóc”.
… Cho đến khoảng 1960, nhóm Bách Khoa của Lê Ngộ Châu, tình cờ mà cơ
duyên, tìm được và tóm gọn những bài thơ đầu tiên trong mấy tập thơ viết tay bị
lấy mất. 1964 là chuyển đoạn qua cuộc trường kỳ kháng chiến phu thê, thơ biến
mất nhường lời cho tiểu thuyết (Nguyễn Hiến Lê gọi Nguyễn Thị Hoàng là tiểu
thuyết gia, mấy người khác còn gọi là văn hào, đại văn hào, thật hay đùa không
cần biết nhưng vẫn được trả lời vui vẻ, đúng rồi, thêm giùm chữ g, là văng đại
xuống hào).
Những năm 70, rồi 80, 90, thơ sống lại từ những nguồn cơn và tâm cảnh khác,
thoi thóp và bất thường như hơi thở khi triền miên khi đứt nối chập chờn. Thật
ra, từ 90, thơ theo dòng những biến chuyển khác, cuộc đời và cảm nghĩ, dần dần
ra khỏi những ác mộng triền miên, thấy biết mà chưa thể lên đường phương
hướng mới.
Vì, khi vui thì ngộ nghĩnh:
trong quán cà phê
có một người ngồi
nhìn qua phía tôi
trong tôi
có một quán cà phê
nhìn về phía khác
Khi buồn thì thương thân:
vầng lá xanh ngoài kia của ai
cây tôi diệp lục tố khô rồi
có người bỏ vắng đời như ngõ
từng bước đi về cõi nhạt phai
Dấu vết trên đường đi của một con người qua số mệnh, mỗi một có vẻ như
chính là nhưng chẳng phải. Như mỗi hạt ngọc hay đá không là xâu chuỗi, mà phải
liên kết bằng sợi dây ẩn khuất bên trong mới biết được là gì. Từ những than van
rên rĩ vì những biến cố tội phúc đầu tiên, đến lời câm trách oán về lối rẽ bất ngờ từ
nợ duyên tiền kiếp, giây phút hồi sinh xao xuyến vì vẻ đẹp tương giao thoáng qua
thân ái xa vời, trở về ngõ đời phận sự tắt tiếng im hơi. Một thời dài chìm đắm viết
để sống mà không bao giờ được sống để viết.
Rồi đêm mưa khởi đầu cơn ác mộng triền miên. Thơ trở về nỉ non, tha thiết,
đắm đuối, mơ say… Toàn thể tâm thức và tình thế của một thứ người nín sống từ lâu tỉnh dậy. Chỉ là tỉnh dậy trong chiêm bao để nương tựa và phóng hóa tương
đối thành tuyệt đối, để tìm lại mình, để níu lại đời. Cho đến khi đêm dài dứt nẻo,
ngày trở về nguyên sơ thể tính bình minh.
Qua những khúc đời lưu chuyển ấy, thơ đến rồi đi, không giữ gìn không ước
hẹn. Đến, từ một xúc động bất chợt mong manh vẻ thoáng hiện sáng ngời của
bóng dáng, sợi nắng, giọt mưa, cơn gió, bông hoa, bờ rêu, vệt cỏ … Trên tất cả
thường là một hình tượng mơ hồ ảo giác không bao giờ có thật trên đời, hoặc có
thì cũng chỉ là lầm tưởng. Những lúc ấy thơ như con dã tràng trên bãi cát, chụp bắt
nhanh hoặc biến mất vào những lỗ sóng xoi mòn. Nên vớ phải bất cứ thứ bút gì,
mảnh giấy vụn nào, tờ lịch xé, mẩu hóa đơn… ghi nhanh có khi trong đêm chưa
kịp bật sáng đèn, ngoài đường đi, trên xe tàu, bãi bờ, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi
đâu, hứng đón lấy khi nó ứa ra, như giọt máu từ vết thương, nước mắt khi hoài
niệm, mồ hôi thời bửa củi trên rừng… Chỉ cần thở ra được hơi thở lửa nén vào lúc
ấy. Sau đó, những mảnh rời vất bỏ, mất mát, lẫn lộn vào đâu trong mớ bản thảo
cùng chôn vùi rách nát mấy mươi năm.
Cho nên, những trang sau, dù tuần tự xếp hàng theo dòng thời gian từ ấy đến
bây giờ, sáu mươi đến sắp sửa hai mươi, vẫn chỉ là chứng tích tan tành của những
khúc đoạn thác ghềnh trôi chảy không êm đềm của vượt thoát. Chỉ là những mảnh
gương vỡ tan tành chẳng đủ soi thấy gì dưới kính hiển vi đã mờ đục của trần gian.
Chỉ là, dừng lại cuộc chạy – chạy mà không đua – suốt một cuộc đời không
được giống bất cứ đời nào khác, thử nhìn lại giấc chiêm bao vừa ngắn ngủi vừa lê thê qua những trang thơ vô chủ như tờ rơi suốt dọc đường đời. Vô chủ vì thơ
đúng nghĩa là tác phẩm văn học thường có chủ đề hay chủ trương, riêng Mây bay
qua trời xưa thì rõ là hoàn toàn… vô chủ.
Dù sao, vẫn mang ơn những cơn đau trong ác mộng đã chuyển thành thơ và
những thương tích từ thực tại đã chuyển Tình qua Đạo.
Trên cao, mây bay đi, trời vắng, nhưng rồi mây khác đến, nhờ thế mà trời còn.
Dưới đời, mây đã bay đi, không mây khác đến, hoặc nếu có cũng trượt khỏi Miền
Không Tịch Tịnh. Để chỉ còn lại Tĩnh Lặng. Hoàn toàn tĩnh lặng sau những ngàn
năm gió bão tơi bời. Đôi mắt của Tĩnh Lặng ấy có thể nhìn xuyên suốt (không phải
xuyên thấu của thời trang!) nội tâm và ngoại giới bất chấp mọi đòn roi thực tại mãi
hoài tiếp tục những bất công và bất thông quất ngược vào chút hình hài mong
manh khách trọ trần gian.
Không bến bờ nào khác, không cõi giới nào khác, Tĩnh Lặng ấy, sau qua đi và đi
qua tất cả, chính là Nơi Đến của Trời Mây.
Nguyễn Thị Hoàng
Saigon 2019


---------------------------------------------

Vậy là Bộ sưu tập cá nhân còn thiếu 5/ 36 quyển của bà (tính luôn 2 quyển mới phát hành 2020 của NXB New Viets)
1. Cho những mùa xuân phai (tập truyện, Văn Uyển, 1968)
2. Một ngày rồi thôi (truyện dài, Hoàng Đông Phương, 1969)
3. Tiếng hát lên trời (truyện dài, Xuân Hương, 1970)
4. Bóng tối cuối cùng (truyện dài, Giao Điểm, 1971)
5. Tuần trăng mật màu xanh (truyện dài, Đồng Nai, 1973)



Full List sách của NTH:
1. Sầu riêng (thơ, 1960)
2. Kiếp đam mê (thơ, 1961)
3. Vòng tay học trò (truyện dài, Kim Anh,1966)
4. Tuổi Sàigòn (truyện dài, Kim Anh, 1967)
5. Ngày qua bóng tối (truyện dài, Văn, 1967)
6. Trên thiên đường ký ức (tập truyện, Hoàng Đông Phương, 1967)
7. Vào nơi gió cát (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1967)
8. Mảnh trời cuối cùng (truyện ngắn, Hoàng Đông Phương,1968)
9. Cho những mùa xuân phai (tập truyện, Văn Uyển, 1968)
10. Về trong sương mù (truyện dài, Thái Phương, 1968)
11. Một ngày rồi thôi (truyện dài, Hoàng Đông Phương, 1969)
12. Cho đến khi chiều xuống (truyện dài, Gió, 1969)
13. Đất hứa (truyện dài, Hoàng Đông Phương, 1969)
14. Tiếng chuông gọi người tình trở về (truyện dài, Sống Mới, 1969)
15. Vực nước mắt (truyện dài, Gió, 1969)
16. Vết sương trên ghế đá hồng (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1970)
17. Tiếng hát lên trời (truyện dài, Xuân Hương, 1970)
18. Trời xanh trên mái cao (truyện dài, Tân Văn, 1970)
19. Bóng người thiên thu (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1971)
20. Bóng tối cuối cùng (truyện dài, Giao Điểm, 1971)
21. Tình yêu, địa ngục (truyện dài, Nguyễn Đình Vượng, 1971)
22. Định mệnh còn gõ cửa (truyện dài, Đồng Nai, 1972)
23. Bây giờ và mãi mãi (truyện dài, Đời Mới, 1973)
24. Bóng lá hồn hoa (truyện dài, Văn, 1973)
25. Năm tháng dìu hiu (truyện dài, Đời Mới, 1973)
26. Trời xanh không còn nữa (truyện dài, Đời Mới, 1973)
27. Tuần trăng mật màu xanh (truyện dài, Đồng Nai, 1973)
28. Buồn như đời người (truyện dài, Đời Mới, 1974)
29. Chút tình xin lãng quên (truyện dài, Trương Vĩnh Ký, 1974)
30. Cuộc tình trong ngục thất (truyện dài, Nguyễn Đình Vượng, 1974)
31. Dưới vầng hoa trắng (tập truyện, Sống Mới, 197?)
32. Nhật ký của im lặng (Kinh Đô Ấn Quán, 1992)
33. Lỡ cánh chim trời (Đồng Nai, 1990)
34. Hồn muối (tập truyện, Kim Đồng, 2006)

---------------------------------------------

Bìa tạp chí Văn về 5 cây bút nữ nổi tiếng của văn học miền Nam trước 1975 & bài phỏng vấn (chỉ là Q&A nhưng là những đoạn “tiểu-thuyết” rất Nguyễn-thị-Hoàng) (với tranh minh hoạ của Choé)








blog counter
seedbox vpn norway

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

45 năm sau - "để lại cho em" những gì...?!?(những tờ báo cuối cùng vào tháng 4/1975 của VNCH)

“Trưóc 75, 'Sáng Tạo' và 'Văn' đã đưa văn học VN hòa nhập vào dòng văn học chung của thế giới. Kể từ 75, miền Bắc túm được miền Nam, đưa vào lò 'cải tạo', từ đó văn học VN lại lội bì bõm dưới ruộng... Thật sự không hy vọng có ngày bắt kịp và hòa nhập vào dòng chảy thế giới. Sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam, 1954-1975, thật vô cùng nhộn nhịp. Ai sống thời đó mà thuộc tên, chỉ cần tên tuổi thôi, của một nửa những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác của thời đó tôi xin gọi là thần đồng!
Gần như mọi giới đều có đóng 
góp. Thầy giáo, lính, sĩ quan, học sinh, sinh viên, doanh nhân, công nhân... đều có những người làm văn nghệ, viết lách... như lẽ sống. Một Nguyên Sa bận bịu thế, có bao giờ bỏ bút xuống đâu. Một Thế Uyên sáng tác liên tu bất tận. Một Nguyễn Tất Nhiên sống và chết với thơ... Ai được sống ở thời đó là một may mắn”
 

Đó là comment của anh Lương Lê Huy khi tôi chia sẻ về album TẠP CHÍ VĂN của mình trên facebook nhân đọc lại bài viết cảm động của tác giả BAN MAI về tạp chí này (bài bên dưới, được nhuận sắc vào 29/4/2020): hơn 200 số là minh chứng & là “nhân chứng” “sống” cho một thời văn học nghệ thuật vàng son, và không ai muốn mất, không ai muốn “giải phóng” khỏi những chân giá trị này. Nếu bạn không đồng ý? Xin chỉ giúp tôi sau tháng 4/1975 một tờ - chỉ cần 1 duy nhất thôi - một ấn bản mà trước hết là tuyền văn chương, thứ nữa chủ trương & coi sóc bởi tư nhân...có sức sống quá 1 năm?!?!?!

Nếu nó đủ sự hấp dẫn, đủ giá trị để được đón nhận, đủ giá trị để đứng vững ... thì người ta đã không tiếp tục “đập gương xưa tìm bóng” mà vọng hoài về quá khứ: 20 năm tuy ngắn nhưng thật dài...Sau đó, “để lại cho em” những gì ngoài 1 “Ngọn cờ bay trong bại thắng”!

(Để lại cho em - lời Nguyễn Đắc Xuân - nhạc Phạm Duy).

30/4/1975 - 30/4/2020
“Để lại cho em” những gì?
“Ðể lại cho em một nước phân lìa
Ðể lại cho em một giống nòi chia...
Chập chờn bay trong bại thắng
Ngọn cờ khăn sô mầu trắng”
Gói chỉ trong 1 bài hát, không những về ý nghĩa mà còn chính từ “tiểu sử” của bài hát này, phần lời là của Nguyễn Đắc Xuân - nhạc của Phạm Duy, từ 2 tác giả đủ để thấy (sơ qua) “nội hàm” phức tạp đan xen: phải vs trái/ thật vs. giả/ chân vs. "ngụy? (?!?) - của cuộc nội chiến ròng rã.
Bài hát sáng tác 1965, “bại thắng” được “nói” ra từ một Đảng viên toàn tòng (& cũng là 1 (trong những) người có liên quan đến cột mốc đau thương Tết Mậu Thân 1968 - góp phần tạo nên vết sẹo dài của cuộc chiến tranh Việt Nam)
Nên sau 45 năm, ngoài sách vở, ngoài “dòng chính”, thì bài hát này - của 1 người CS kết hợp với 1 người “quốc gia” - là một bài học khác đáng để suy ngẫm!


Những số báo cuối cùng của VNCH. 


Biến cố 30/4/1975 đã kết thúc đột ngột số phận của đại đa số các tờ báo miền Nam. Bách Khoa, tờ tạp chí có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, có tuổi đời lâu nhẩt (1957-1975) đã dừng lại ở số 426 phát hành ngày 19/4/1975. Văn (1964-1975), tờ tạp chí văn chương quan trọng bậc nhất của miền Nam đã dừng lại ở số phát hành ngày 26/3/1975 với chủ đề "Văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại", như một dự báo cho số phận tương lai của nền văn học này. Văn học tạp chí (1962-1975) cũng dừng lại ở số phát hành ngày 20/4/1975. Tập san Sử Địa, tạp chí nghiên cứu nổi tiếng kết thúc ở số 29, đặc khảo về Hoàng Sa, tháng 3/1975. Về báo ngày, trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng có tờ Đông Phương số ra ngày 30/4/1975. Có lẽ đây là tờ báo hiếm hoi xuất bản trong cái ngày lịch sử này. Sau ngày 30/4/1975, một số tờ báo của thành phần thứ ba thân chính quyền vẫn còn tồn tại thêm vài năm rồi mới chính thức đóng cửa như tờ Đối Diện/Đứng Dậy kết thúc ở số 114 tháng 12 năm 1978, tờ Tin sáng đóng cửa 6/1981. Từ đây báo chí tư nhân miền Nam chỉ còn trong ký ức.
Đất nước hòa bình thống nhất, nhân dân 2 miền phấn khởi cùng nhau đọc báo Nhân Dân mỗi ngày
J
(hình & note của anh Hoàng Minh)
Bổ sung thêm 1 bài cũ về những "điềm chẳng lành" trên các tạp chí miền Nam cuối cùng):
https://huyvespa.blogspot.com/…/nuoc-mat-truoc-con-muahay-n…
vd như tuần báo TUỔI NGỌC, khi chuyển thành bán nguyệt san, ra ngày 5 và 20 hàng tháng, khi chuẩn bị cho số lên Đệ Ngũ Chu Niên – tức TUỔI NGỌC 158 (“sẽ” ra vào ngày 20/4/1975) nhưng trong 1 cột nhỏ rao tin ở vài số trước đó, toà soạn đã nhắn gửi “CHUẨN BỊ NỤ CƯỜI VÀ NƯỚC MẮT CHO KỶ NIỆM NĂM THỨ NĂM – SỐ 157 – PHÁT HÀNH NGÀY 20/4/1975)
(lẽ ra phải là số 158) & ... số báo ra ngày 5/4/1975, số 157 - chính là số báo cuối cùng!

 


Phần kết



1 talk-show neutral của BBC:
..45 năm sau, "làm sao tìm được bóng gương xưa", trong một chương trình dưới đây của Ban Việt ngữ BBC nhằm nhìn lại 45 năm và chia sẻ những viễn kiến của cả 2 bên: đại diện cho "bên thắng cuộc" vs. bên thua cuộc (& guess what, cả 2 bên ,đều đang ở ...Mỹ)....tôi ghi nhận lại 2 điều có thể áp dụng (biết rồi, khổ lắm, nói mãi...nhưng chưa ai "có thể" làm):

- Đại diện "bên thắng trận": Bác sỹ Bùi Thị Quỳnh Hoa (con gái cưu Đại tá, chính uỷ QĐNDVN Bùi Văn Tùng): "Nếu thật sự hướng đến sự hòa giải giữa “2 bên” thì trước tiên phải có một ngày Tưởng Niệm (như Memorial Day – Ngày Chiến Sĩ Trận Vong của Mỹ)"


- Đại diện "bên thua trận": GS Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Thứ trưởng nội các Việt Nam Cộng hòa, giáo sư ĐH George Mason): "Nhà nước VN phải thừa nhận lại một lịch sử chính xác, 1 lịch sử như nó đúng là bởi “Dân tộc chỉ là dân tộc khi chia sẻ chung một lịch sử”



\

Biển ngoài: Jimmy Show tổng hợp  

Quốc nội: Ký ức hòa bình VTV   
- 2 bên (đặc biệt là bên "trong") muốn đi đến một sự "hòa giải" nhưng hòa giải sao được khi còn huênh hoang bên này "giải phóng" bên kia: 1 bên với những "em bé" được "giáo dục" giữ (chỉ) 2 cây kẹo để mang về cho các bạn miền Nam...thì "anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?": https://www.youtube.com/watch?v=HOw1LfxpOys
Nhưng "đời việc gì đến sẽ đến", hy vọng "mặt trời chân lý" rồi sẽ một ngày "chiếu qua tim" - như trong đoạn viết gần đây của nhạc sĩ Tuấn Khanh, kể về cái nhìn thiển cận của một người trong ngành vs. nền văn chương miền Nam, và sau đó cũng đã "tỉnh ngộ"!!!
"Mùa hè năm 2000, trong một lần trò chuyện với một biên tập viên văn học có tên tuổi từ miền Bắc vào, tôi có nhắc đến việc sắp kỷ niệm 3 năm mất của Bùi Giáng, một thi sĩ lừng danh của miền Nam.
Đó là lần trò chuyện tổn thương đến mức, tôi không sao quên được. Người biên tập viên đầy ắp các tác phẩm văn học cổ điển của Pháp, Đức và Nga đã cười nhẹ, như chừng thương hại tôi ‘Nói thật, Bùi Giáng có gì đâu mà xuất sắc. Chỉ là người miền Nam mấy anh cứ nống lên.’ Tôi sững người, vì chưa bao giờ trong đời đối mặt với một sự phủ nhận tàn khốc đến vậy. Sự phủ nhận cứ như xô tôi – một người miền Nam hoàn toàn trung dung – vào bờ biển như một người bị đắm tàu, trôi dạt và kiệt sức. Để thuyết phục tôi về sự vĩ đại của nền văn học miền Bắc, người biên tập viên ấy kể không ngớt về Nguyễn Khải, Nguyễn Tuân, Xuân Quỳnh, Viễn Phương… tôi im lặng nghe, nhưng trong đầu cứ quay cuồng với suy nghĩ về cái hố sâu thẳm chia rẽ nhận thức của người Việt với người Việt đến vậy. Nhưng tôi quyết định không thuyết phục người đối diện. Bởi, văn hóa hay tri thức, là điều phải tự đến, không phải bằng thắng ở một cuộc tranh cãi.
Gần 10 năm sau, tôi gặp lại người biên tập viên ấy, ở đường sách Sài Gòn đối diện Vương Cung Thánh Đường, nơi các nhà sách đương thời xếp hàng nhau trưng bày các ấn phẩm mới. Nhưng nơi đó, đặc biệt có những quầy sách cũ của miền Nam Việt Nam trước 1975, lúc nào cũng có người cắm cúi tìm, lật, đọc. Người biên tập viên ấy cười, chào và nói anh đang tìm mua một số sách cũ. ‘Ở đây thì đắt nhưng còn chịu được, chứ bọn con buôn vác ra Hà Nội thì đắt gấp mấy lần.’ Trong những chồng sách cũ ấy, có đủ các tác giả được nhà nước cho phép lẫn không vui khi thấy tên. Tôi kéo ra cuốn Hoàng Tử Bé của nhà văn Pháp Antoine De Saint-Exupéry do Bùi Giáng dịch, và nói rằng bao nhiêu năm đọc lại vẫn thú vị. ‘Vâng, Bùi Giáng thì siêu rồi,’ người biên tập viên ấy nói, hào hứng.
Tôi không nhắc lại câu chuyện mà tôi như bị rạch trong tim từ 10 năm trước. Như vậy chắc là đủ. Nhận thức là thời gian, và sự khác biệt của văn học miền Nam là thấm sâu và chiếm trọn trái tim, không cần một sự thuyết phục nào. Văn hóa miền Nam bị giằng xé rách rưới, đứng giữ đống bùn lầy, vẫn mỉm cười kiêu hãnh, bất chấp đạo quân chiến thắng năm 1975 đã trút mọi căm thù lên bằng cách đốt, cấm, bắt cả những người viết sách đi tù.
Tôi được nghe rằng sau năm 1990, có một chỉ đạo từ Hà Nội, rằng những gì mà miền Nam đã có, nguồn lực của chế độ mới có thể thay thế, thì phải ra sức thay, để nhấn chìm văn hóa miền Nam vào quên lãng. Chẳng hạn như sách dịch: cuốn Hoàng Tử Bé, bản gốc Le Petit Prince của nhà văn Pháp Antoine De Saint-Exupéry do Bùi Giáng dịch được thay bằng bản mới là Hoàng Tử Nhỏ. Bố Già, nguyên tác The Godfather của Mario Puzo, bản dịch của Ngọc Thứ Lang, thì được thay bằng bản mới là Ông Trùm. Đỉnh Gió Hú, nguyên bản của Emily Bronté do Nhất Linh chuyển sang Việt ngữ thì thay bằng Đồi Gió Hú…
Rõ ràng, có một chủ trương muốn thay thế và cào bằng đối với văn học miền Nam, nhưng có vẻ như sức sống của một giai đoạn văn chương và tri thức của hai nền Cộng Hòa vẫn đứng vững. Những ấn bản được nhặt lên từ bùn lầy, bị xô giật rách rưới, vẫn tỏa sáng kỳ lạ đến tận hôm nay.
Chuyện kể, để thay sự diễn giải khô cằn. Và thú vị thay, tôi còn nhìn thấy những người bạn trẻ quanh mình, từ phía Bắc, lớn lên và được tắm mát từ những gì đã bị phế bỏ ấy"

PHẦN PHỤ LỤC


Tạp chí Văn từ lòng đất

(Ban Mai)



Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường. Khóc cho nhà cửa vườn tược bỏ lại bị thiêu cháy, cho ruộng nương hoang tàn, cho trâu bò lạc lõng bơ vơ như thân phận của chính mình giữa dòng người chạy loạn.
Gia đình tôi như số đông dân Quy Nhơn chạy vào đến Tuy Hòa, rồi ráng qua được đèo Cả vào đến Nha Trang, lê lết thêm một quãng nữa đến Cam Ranh là hết sức. Chân phồng lên vì dộp. Mi mắt phồng lên vì mất ngủ, chúng tôi như những bóng ma của chiến tranh mang trong óc trí não phồng lên vì lo lắng. Chiến tranh có quy luật của loạn lạc. Chiến tranh Việt Nam có quy luật riêng: Dân không chạy ngược lên phía Bắc mà luôn chạy vào Nam. Xuôi Nam, là tìm đường sống, là tìm tự do, dù trên danh nghĩa được giải phóng.
Gia đình tôi cũng vậy. Chạy tất tả bờ bụi, ngay sau khi vỡ mặt trận. Mỗi ngày các chuyến xe đò và quân xa dồn dập đổ dồn về bến xe chính thị xã thải những con người lầm than, màn trời chiếu đất. Dân đất Quảng liều chết vượt đèo Hải Vân vô cho được Quy Nhơn. Hải Vân như rặng núi thiên nhiên chống đỡ, biết có ngăn được nguy biến cho chúng tôi? Ba tôi ở Phòng Thông tin về thất thần, tin Đà Nẵng mất như quả bom nổ giữa nhà. Thế là hết, Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung sụp đổ, là vỡ mặt trận. Tuổi mười hai tôi hiểu: Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đức Phổ liên tiếp vỡ mặt trận. Đức Phổ là đã sát Tam Quan, Hoài Nhơn, Bồng Sơn. Là đã vào đến Bình Định. Dân Quy Nhơn chỉ còn biết chạy. Gồng gánh, bồng bế nhau chạy theo đoàn người lam lũ mà mới hôm qua chúng tôi hãy còn sót thương, gói ghém thức ăn giúp đỡ khi họ lây lất nằm ngồi trên vỉa hè thị xã. Giờ chúng tôi thành họ, bỏ nhà cửa nhập vào cái đuôi rồng rắn dài ngoằn thậm thược bò trườn về phía Nam. Phía Nam… thật xa như biển Thái Bình vỗ sóng. Phía Nam… ở cuối chân trời còn trong xanh như giấc mơ tuổi thơ. Phía Nam mang hình ảnh nhu mì thanh bình của những đồng ruộng miền Tây, của lộng lẫy Sàigòn làm tuổi thơ tôi nô nức. Vâng, tôi hãy còn nhỏ, còn là cô bé đệ thất hóng chuyện người lớn, lo âu theo nỗi lo cha mẹ, sợ hãi theo nỗi sợ hãi của các anh chị, học lóm các danh từ quân sự từ miệng chú bác. Tuổi thơ chiến tranh trong Nam không hực lửa dữ dội như tuổi thơ miền Bắc mà êm đềm dịu lành như miền Nam, tuy chiến tranh xảy ra ở đây, nhưng những người lính Cộng hòa bảo vệ chúng tôi được yên bình. Đến tháng 4/1975, tôi sống trong sự an lành bấp bênh này.
Qua khỏi Nha Trang, gia đình tôi vào tạm trú trong cư xá Cam Ranh. Dừng lại vì đuối sức. Để thở. Để hô hấp. Để kịp nhìn quanh xác định vị trí thân phận gia đình mình giữa dòng loạn lạc, là điều cha mẹ đánh liều, vì các con hết sức, vì không biết làm gì khác. Cả nhà đã đuối. Tôi kiệt sức. Tôi muốn lả. Tôi uống ca nước mưa trong cư xá tìm vị nước mưa của quê hương mát lịm ngọt ngào.
Buổi chiều hôm ấy thật căng thẳng. Tôi còn nhớ tin quân giải phóng bị chận ở đèo M’Drak không cho xuống Khánh Dương tràn xuống miền duyên hải làm cả khu cư xá hân hoan, lên tinh thần. Rồi vụt đến tin lính mình tan hàng. Tôi chưa biết tan hàng là gì, nhưng nhìn gương mặt người lớn âu lo chùng xuống, tôi biết tin không lành. Ba mẹ tôi bằng mọi cách muốn con mình phải sống.
Sống, nên mấy chị em tôi đóng cửa ở trong nhà như ba mẹ dặn. Cả hai đi đâu chúng tôi không được quyền biết, chuyện người lớn, chiến tranh là của người lớn, nhưng chính chúng tôi đang cùng sống chiến tranh với họ. Thỉnh thoảng tôi len lén nhìn qua khe cửa. Cư xá vẫn náo động, nhưng tôi muốn nhìn ra bên ngoài, qua vách tường thấp trông ra mặt hè phố. Chị tôi la, mở cửa sổ cho chị, chị ngộp thở quá. Nhà gì mà kín mít. Được phép, tôi mở toang cửa sổ. Cảnh tượng ập đến như phim chiến tranh. Tôi gọi chị ra xem. Tôi la: Chị ơi, lính của mình vứt binh phục đầy đường rồi, họ quăng giày bốt trên vỉa hè… Chị lao tới, chị cũng sửng sờ, những người lính oai hùng hôm qua, những người lính điển trai sạm nắng, đàn ông tính và hiên ngang làm những thiếu nữ như chị mơ ước…
Tôi giật thót, khi nghe tiếng gõ cửa. Ba tôi trong khung cửa, ba trở về với một người lính trẻ thất thần, hối hả tháo binh phục, gần như muốn lột da anh để không ai biết da anh từng rằn ri lúc trước. Anh tháo hối hả áo trận, áo thun xanh lục bên trong, vứt thẻ bài tiếp tục lấp lánh trong góc tối rồi anh vội vã xin chúng tôi bộ quần áo. Anh còn trẻ lắm, chắc vừa xong tú tài. Tôi ngắm anh xương xương, tóc ngắn, da ngăm nhưng còn tươi nét thị thành, anh không phải là nông dân, mà phải xuất thân thành phố. Tôi luýnh quýnh lấy đồ dân sự đưa cho anh.
Người lính vứt xuống ba lô đầy bụi đất. Bộ sách English for today của Lê Bá Kông rơi ra đất. Trọn bộ 6 quyển và thêm 5 cuốn tập san Văn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tập san Văn. Thật ra tôi vẫn trông thấy chúng trong hiệu sách chú Thiện gần nhà, nhưng tôi hãy còn quá nhỏ để vươn tới văn chương của người lớn, tôi hài lòng với nguyệt san Ngàn Thông của Duyên Anh, nguyệt san Thiếu Nhi của Nhật Tiến, nguyệt san Thằng Bờm và mục Mai Bê Bi trên báo Chính Luận. Tháng 4/1975 làm tôi vụt lớn, giống như trông thấy xác chết làm đứa trẻ lớn lên vì hiểu cuộc đời là khổ đau và chết chóc. Tôi cảm giác cô bé Quy Nhơn hôm qua, đã là thiếu nữ lúc này, ánh mắt tôi nhìn đăm đăm tạp chí Văn và người lính nhìn thấy. Anh nhìn ra ánh mắt tôi trên tập san Văn, như để trả ơn tôi đem quần áo của ba cho anh, anh buồn buồn nói: mấy quyển tạp chí này anh cho em. Hết rồi, không còn gì nữa, anh không cần nữa. Anh không cần chúng nữa. Em hãy giữ lấy.
Tần ngần một lúc, anh đưa cho tôi. Tôi nhìn được vẻ ngậm ngùi trên gương mặt anh, hãy còn bơ phờ và cháy nắng. Bụi đất, thuốc súng, vết đạn bạn anh trúng thương như hãy còn nguyên trên trán anh. Trán của một người lính mang 5 quyển tạp chí Văn trong ba lô mà tôi không hiểu quan trọng đến mức nào khiến anh không vứt suốt đoạn đường lui binh, khiến anh chấp nhận mang ít đạn dược, lương khô để dành chỗ cho bộ English for today của Lê Bá Kông và 5 tập nguyệt san Văn.
Tôi hỏi: Đi lính mà mang theo sách văn chương chi vậy anh?
Anh nói: Đọc cho đỡ buồn để nhấc mình ra khỏi chiến tranh.
Rồi anh kể, anh mơ ước sẽ đi học tiếp. Anh học năm thứ nhất Văn khoa Sàigòn trước khi bị động viên. Anh muốn trở về trường cũ, hy vọng phía chiến thắng xem phía thua trận là anh em, cho phép anh sống bình thường, ước mơ bình thường, tốt nghiệp Văn khoa đi dạy một trường trung học tỉnh lỵ nào đó, đạm bạc mà yên ổn với cuộc đời. Anh không thích chiến tranh, anh không muốn đánh nhau hoài, thua trận nhưng cũng là dịp tốt chấm dứt nội chiến. Anh đưa tay vuốt tóc tôi, bàn tay có những đốt chai của người lính mà tôi cảm được khi lướt qua trán mình, lớp da tay sần có thể vì khuân đạn, vì phải đào công sự, chạm vào da làm tôi hơi giật mình. Da của một người đàn ông lạ, tôi nghĩ. Da của một bàn tay ham đọc sách văn chương, tôi cũng nghĩ. Chúng tôi tiễn anh ra cửa, bóng anh vụng về trong đồ dân sự cố đi bình thản nhưng bước chân như chạy trốn người lính là chính anh vừa ban nãy, còn đồ trận, giờ anh đã bỏ lại và muốn thoát bóng cũ.
Ngày ấy, tôi còn rất nhỏ. Tháng 4/1975 tôi chưa là thiếu nữ, tôi chỉ cảm thấy vô cùng thương tâm, lòng như lửa đốt vì lo lắng khi nghĩ đến người thân. Các anh con bác tôi cũng đi lính, những ngày này, các anh tôi lầm than đang trôi dạt nơi nào.
Rồi thời gian qua như bão sa mạc. Gió tốc tan hoang chỉ còn lại đất, tất cả biến mất khi chúng tôi trở về. Trong cơn bão, tủ sách của gia đình tôi bị đốt sạch, ba nói người ta sẽ vào nhà lục soát và kết án tàn dư chế độ cũ, ai giữ sách là phạm pháp. Ba sợ. Mẹ sợ. Cô chú, thím, bác, dì, dượng sợ. Không ai dám giữ, dám giấu hay cất hộ. Tôi và các chị lén ba, giấu những tập sách mà mình yêu thích nhất trong một hòm gỗ dưới chân cầu thang tầng 2, những quyển sách mà người lính đã tặng tôi cũng để lại không nỡ đốt đi. Ánh mắt anh như còn trên bìa sách. Ánh mắt lấp lánh hy vọng anh có thể theo học Văn khoa tiếp tục phảng phất trên trang giấy ố vàng. Thời gian làm những Tạp chí Văn ấy đã trở thành “di sản” của văn chương Miền Nam. Chính tôi cũng không ngờ tới, và có lẽ anh cũng không ngờ đến. Tôi đã giữ, đã đọc, đã “nhấc mình lên” khỏi cuộc chiến như anh dặn. Bằng văn chương.
Cách đây mấy năm, khi đọc trên online Tạp chí Văn ở Hoa Kỳ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thấy trên danh mục thiếu những tập năm 1969, tôi nhớ ngày xưa người lính đã cho tôi mấy cuốn nên lôi ra, sách đã ố màu và mối ăn lỗ chỗ. Tôi khẽ khàng lật từng trang sách vì giấy đã mục nát. Tôi cảm giác kỳ lạ là chính anh cũng đang cùng tôi lật khẽ khàng từng trang sách cũ. Lật từng chữ cũ, với sự hoài niệm của một thời đã mất.
Tôi lật từng trang.
Văn số 140, ra ngày 15 tháng 10 năm 1969, gồm 128 trang. Số đặc biệt về Yasunari Kawabata là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản được giải Nobel văn chương năm 1968. Hình bìa là bức ảnh nhà văn mặc áo kimono đen với gương mặc thiền tông, do Văn Thanh trình bày. Bài nhận định Yasunari Kawabata cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Thư Thanh viết từ Tokyo, tháng 7 năm 1969. Yasunari Kawabata dưới nhãn quang Tây phương của Chu sỹ Hạnh viết từ Melbourne, tháng 3 năm 69. Tiếp theo giới thiệu 5 tiểu thuyết tiêu biểu của Kawabata: Cô đào miền Izu, Tiếng núi rền, Ngàn cánh hạc do Vũ Thư Thanh dịch từ nguyên tác, riêng truyện Thủy Nguyệt do Chu Sỹ Hạnh dịch từ bản tiếng Anh, Nốt ruồi do Mai-Dzam dịch. Văn khi ấy, như thế đã cập nhật văn học thế giới rất nhanh vào miền Nam. Miền Nam, cảnh cửa văn chương mở ra thế giới của toàn Việt Nam. Tháng 4/1975 đã đóng lại phũ phàng.
Bên cạnh đó, Văn số 140 năm 1969 đăng tiếp truyện dài nhiều kỳ Khu rừng hực lửa của Nguyễn Xuân Hoàng. Mục Tin văn… do Thư Trung và các bạn đảm trách: đưa tin Mường Mán cây bút trẻ của Văn vừa ra chiến trường; Lê Bá Lãng thì được biệt phái trở về nghề gõ đầu trẻ; giới thiệu tập sách mới nhất của Nguyễn Mạnh Côn “Hòa bình…nghĩ gì?làm gì?”, tựa mà về sau Phan Nhật Nam lấy lại trong một chương của bi ký Tù binh và Hòa bình; rồi Hội Bút Việt cử phái đoàn tham dự hội nghị Văn Bút Quốc tế, ở Pháp. Tin ngoài nước: giới thiệu giải thưởng văn hóa ở Đại Hàn, Genève vừa tổ chức cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ XXII giữa các nhà văn hóa, để thảo luận về đề tài “Tự do và trật tự xã hội”.
Tiếp theo mục Thư tòa soạn loan báo trước chủ đề của những số báo sắp tới, cuối cùng Hộp thư bạn đọc Tòa soạn Văn giới thiệu những tác phẩm mới do các tác giả và nhà xuất bản gửi tặng.
Bờ sông lá mục của Phan Lạc Tiếp, là một tập bút ký chiến tranh, trình bày cuộc chiến Nam Bắc hiện tại qua cái nhìn của một người đi biển.
Nhật ký quân trường của Trần Châu Hồ, viết trong những ngày ở lại quân trường không đi nghỉ phép của nhà giáo Trần Châu Hồ khi thực tập quân sự tại TTHL Quang Trung.
Vực xoáy của Bàng Bá Lân, tập truyện dị thường gồm 10 đoản thiên, dịch từ nhiều tác giả Âu Mỹ nổi danh.
Những giọt đắng của Võ Hồng gồm 7 đoàn thiên, Bìa của Đinh Cường.
Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh của Erich Maria Remarque, Phạm Trọng Khôi dịch từ bản tiếng Pháp Rien de nouveau à l’Ouest, viết về tâm trạng phản chiến của binh sĩ Đức trong Thế chiến Thứ Nhất, đã được chuyển thành phim và dịch sang nhiều thứ tiếng. Bìa do Đinh Cường vẽ.
Văn chương tranh đấu miền Nam của Nguyễn Văn Sâm, khảo sát 24 tác giả quan trọng của văn chương nam bộ thời kỳ 1945-1950, là một công trình nghiêm túc và đáng tán thưởng.
Thơ Lữ Quỳnh, thi phẩm đầu tay gồm khoảng 30 bài. In Thạch bản, trình bày trang nhã, phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu.
Viết cho những người còn lại của Lê Trúc Khanh, Hà Huy Khanh và Lệ Thy. Thi phẩm đầu tay của ba tác giả tại Cần Thơ.
Quyển Tạp chí Văn hơn 40 năm trời đã lưu giữ tâm hồn bao con người, như một thước phim quay chậm, từng con chữ, từng con chữ hiện lên những cuộc đời. Số phận những nhà văn Miền Nam này đã ra sao sau biến cố tháng 4/1975, họ còn sống hay đã chết…, với tôi tạp chí Văn như một nấm mồ bí ẩn.
Nhưng chính những trang sách ẩn chứa bao điều bí ẩn đã giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn trong những năm dài cay nghiệt của cuộc đời. Văn chương tự do giúp tôi “nhấc mình” lên khỏi thực tế u buồn của xã hội thực tại. Tôi nhấc tôi lên bằng văn chương quá vãng của miền Nam, nhấc tôi lên khỏi cuộc đời thăng trầm trăm nỗi lo toan. Mà vây quanh là khẩu hiệu. Khẩu hiểu trên tranh cổ động không giúp nhấc mình mà nhấn mình xuống vì phải làm theo chỉ thị, theo khẩu hiệu, mà mình không muốn, vẫn phải làm. Làm tối mặt. Tối mắt. Để về nhà buồn bã là đã không sống thật với mình. Tạp chí Văn khi ấy tôi lưu giữ trong nhà rất lạ, không giống những tập san văn nghệ bày bán trên sạp báo bên ngoài, cũng không giống báo văn nghệ hội nhà văn, là một cái gì khác.
Văn chương tự do cho mình cuộc đời khác, sống cùng nhân vật, đem mình bay đến những miền đất lạ và tuy trong khoảnh khắc, nhưng cuộc đời bỗng hạnh phúc biết bao.
Bây giờ tôi đã hiểu vì sao ngày trước, người lính miền Nam ra chiến trường vẫn mang theo trong hành trang Tạp chí Văn cất trong ba lô của mình, như lời anh nói, giúp anh “nhấc mình ra khỏi chiến tranh”. Ra khỏi sắt thép, lửa và tham vọng. Trong văn miền Nam không có thép, nên anh tìm bình an trong Tạp chí Văn Sàigòn ngày ấy.
Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn tìm bình an trong văn chương.
( Bài viết đã đăng trên VOA trang văn chương nghệ thuật tại blog nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng năm 2011)
BAN MAI
Quy Nhơn, chỉnh sửa 29/04/2020


blog counter
seedbox vpn norway