Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

MAI THẢO & tạp chí Văn (Saigon, pre-1975)

Trong những số cuối cùng của Văn, đáng chú ý là những bài (dạng) NHẬT KÝ của MAI THẢO , những kỷ niệm rời, những dấu ấn hiu hắt “buồn vào hồn không tên” kéo dài từ Tết đến những ngày “gần cuối”, một phong cách rất mai-thảo …
Một không khí rất văn-nghệ, rất Sài-gòn, rất miền-Nam…của một thời thành phố vẫn còn là một êm đềm thủ đô... không những về mặt địa lý mà còn là thủ đô trên danh nghĩa đồn trú của văn chương - nghệ thuật...
Và thấy... vẫn là 1 Mai Thảo sống riêng với niềm ẩn mật...một mình của mình; “Sớm ra đi sớm hoa không biết / Đêm trở về đêm cành không hay / Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu / Nơi góc tường in cái bóng gầy.”, vẫn là một Mai Thảo bắt những con chữ xoay những lả lướt valse hay dặt dìu boston, những nhịp thơ (thơ thẩn hay thơ mộng ?!?) lăn theo chân trên hè phố & rồi gieo vào lòng độc giả những say mê, những bùi ngùi, những kỷ niệm ngày cũ, và những rung động thầm kín...một lần được thức dậy!
Nói về những tao nhân mặc khách, chỉ với vài ba chữ, dăm phác hoạ…mà thành ra là một vĩnh viễn thương yêu:
“Tuý Hồng mội kiếp sữa tươi. Lệ Hằng một đời trà đá. Trùng Dương thuốc lá rượu mạnh…Nguyễn Thị Ngọc Minh ba máu sáu cơn về Tri Hành học kịch. Nhỏ này viết thật tợn mà nhát như thỏ…Những người đàn bà muôn đời. Những Messaline quỷ cái, những Juliette thiên thần, những nhăn mặt Tây Thi, những Ngu Cơ soã tóc…”
Vẫn những con đường, những việc làm hàng ngày, những bữa ăn, những cuộc rượu…nhưng với tài văn và niềm-mẫn-cảm của một tâm-hồn-thơ, bẳng những “nghĩ thầm thầm” (chữ của ông), bằng thu hết vào lòng những “im phắc lớn”, bằng “nhập thế” và là một với hồn cốt của thủ đô, …Mai Thảo chạm khắc lại những khoảnh khắc thường nhật đó thành những chân dung trác tuyệt, bằng những dòng văn ngẫu hứng điệu nhạc jazz trầm uất…
Số cuối cùng, trang cuối, giới thiệu những tập sách sẽ ra mắt, với dự án NHẬT KÝ MAI THẢO - Quyển sách dang dở và sau này, một cách nào đó, được nối tiếp bằng SỔ TAY MAI THẢO trên VĂN hải ngoại. ( http://huyvespa.blogspot.com/…/mai-thao-thanh-tam-tuyen-ngu…
P/s:
Văn số cuối (26/3/1975) như một dự báo rùng mình với chủ đề…VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM Ở HẢI NGOẠI (toàn bộ được chụp lại ở đây http://huyvespa.blogspot.com/…/tap-chi-van-so-cuoi-cung-260…)
(cũng như những câu chuyện khác về những số báo cuối cùng của miền Nam trước 1975
“Nước mắt trước cơn mưa...(hay những điềm chẳng lành trên các tạp chí miền Nam cuối cùng)” http://huyvespa.blogspot.com/…/nuoc-mat-truoc-con-muahay-nh…

To be continued…

No automatic alt text available.

Image may contain: text



No automatic alt text available.

No automatic alt text available.


No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.


No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.


No automatic alt text available.

Image may contain: text

Image may contain: text

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.


No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

Image may contain: text

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

No automatic alt text available.

Image may contain: text

"12 SỐ XUÂN & 7 SỐ KỶ NIỆM (ngày ra mắt) tạp chí VĂN Saigon"
Trọn vẹn chúng ta có đúng tròn 1 giáp (12 năm - 12 mùa Tết miền Nam 1964 - 1975) các số Xuân (tôi thiếu mất số Canh Tuất 1970) - và 1 điểm đặc biệt của báo chí miền Nam (sau này ít thấy) là kỷ niệm từng năm dưới tên "Kỷ niệm đệ nhất/nhị/tam...chu niên" - Văn cũng kỷ niệm như vậy đến số Kỷ niệm đệ bát chu niên (1972) trước khi chuyển sang Giai phẩm Văn (hình như năm kỷ niệm thứ sáu "đệ lục" Văn quên/không làm ?!?)
Trong số đệ bát chu niên, có nhiều bài nhìn lại 1 chặng đường Văn từ ngày ra mắt 1964 (***) như:
"Bán Nguyệt San Văn Dưới Mắt Mười Một Tác Giả" với loạt trả lời cho 2 câu hỏi
• Ông (bà) thấy tạp chí Văn như thế nào, từ số đầu đến giờ?
• Chiều hướng nào trong tương lai mà ông (bà) thấy Văn nên theo đuổi để xứng đáng là một diễn đàn văn học nghệ thuật đúng với danh nghĩa của nó?
...
đến từ những tác giả thời danh : Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Bình Nguyên Lộc Nguyễn Sỹ Tế, Võ Phiến, Viên Linh Vũ Hoàng Chương, Tuý Hồng, Mặc Đỗ, Duyên Anh...
Và 1 bài tuỳ bút / ký ...ghi lại kỷ niệm của Mai Thảo với chốn lui về thân quen của ông "38, Phạm Ngũ Lão" – nơi đó, ông sống cái “đời sống chính là và chỉ là cái có đó, cái hàng ngày, mỗi cá nhân bắt gặp và sống với. Bằng một số hình, bằng một số ảnh. Nếu là như thế thì 38 Phạm Ngũ Lão đã đích thực là một ảnh hình, đậm, và một tiếng động, lớn, trong đời sống hàng ngày của tôi từ nhiều năm nay”…
Một điểm đặc biệt trong bài, Mai Thảo nhắc đến “nét mực Song Long” (?!?) và sau này, ra hải ngoại, hình ảnh cứ lặp đi lặp lại trong Sổ Tay Mai Thảo, trong những tuỳ bút của ông là căn-phòng của ông (sau restaurant tên là) Song Long , định mệnh nào đang gõ cửa?!?
(Text đánh máy dưới đây do nhà văn Trần Hoài Thư thực hiện:)
*** (Bán nguyệt san Văn ra số đầu tiên vào ngày 1.1.1964 với chủ đề “Tuyển tập thơ văn”.
Số cuối cùng phát hành ở Sài Gòn mang tên Giai phẩm Văn có phần đặc biệt : “Văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại”
(Trang cuối tờ giai phẩm VĂN số này có ghi : "Giấy phép số 315/75/BVDCH/PHBCNT/ALP/GP. Sàigòn ngày 13-3-75. Phát hành ngày 26-3-1975. Số lượng in 6.000 cuốn.)
Văn do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm, thư ký tòa soạn Trần Phong Giao.
Năm 1972, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thay Trần Phong Giao trong vai trò thư ký toà soạn. Một năm sau, 1973, Mai Thảo về Văn cùng với Nguyễn Xuân Hoàng trông coi Văn. Năm 1974, do nhu cầu đời sống, Nguyễn Xuân Hoàng rời Văn, một mình Mai Thảo làm tiếp đến 30.4.1975) ***
38, PHẠM NGŨ LÃO
(MAI THẢO)
Mỗi người trong chúng ta đều sống với một số hình ảnh và một số tiếng động quen thuộc, hàng ngày, nhất định. Sống và chết với những cái đó. Những hình ảnh và những tiếng động ấy chính là đời sống chúng ta, làm nên đời sống chúng ta. Nói sống với những cái khác chỉ là suy nghĩ, văn chương và tưởng tượng. Không biết tôi có ghi lại được thật sát đúng ý nghĩ mấy câu nói trên của Thanh Tâm Tuyền hay không. Chỉ nhớ đại khái là như thế, một buổi tối cuối năm năm ngoái, chung quanh một cuộc họp mặt uống rượu trên căn lầu của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ, có tôi, Phạm Công Thiện, Cung Tiến và Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền đã an ủi Bùi Giáng, một Bùi Giáng hôm đó thất lạc, dao động, khi nhà thơ bầy tỏ sự hoang mang về mối liên hệ với chung quanh của con người mình. Bùi Giáng: Tôi không biết tôi thế nào nữa. Lúc mất trí. Hồi minh mẫn. Sống với cái gì đây. Tại sao tôi làm thơ. Và tại sao tôi làm thơ về cả những điều không bao giờ nên nói. Câu trả lời cho Bùi Giáng: một số hình ảnh, một số tiếng động. Những tiếng động nào là đời Bùi Giáng? Những hình ảnh nào? Hay thơ cũng chỉ là một hình ảnh, thơ cũng chỉ là một tiếng động?
Mấy câu nói trong bữa rượu bè bạn tối nào của Thanh Tâm Tuyền bất chợt hiện hình trong trí nhớ tôi, lúc này, ngồi tìm một ý tưởng dẫn nhập cho bài viết này về 38 Phạm Ngũ Lão đệ bát chu niên. Anh không sống với cái gì khác hết. Mà với tiếng chim kêu anh nghe thấy khi thức dậy mỗi buổi sáng ở đầu ngõ anh ở, bóng lá in mỗi hoàng hôn trong căn vườn sau nhà, những con đường anh đi về hàng ngày, quen thuộc đến không nhận thức nữa, hiện hữu của chúng. Những hình ảnh. Những tiếng động. Một số hình ảnh, một số tiếng động vây bọc đời ta, ở đó đời ta. Có lẽ cuối cùng và đơn giản là như thế thật, là đời sống chẳng thâm sâu mịt mùng gì hết, đời sống chính là và chỉ là cái có đó, cái hàng ngày, mỗi cá nhân bắt gặp và sống với. Bằng một số hình, bằng một số ảnh. Nếu là như thế thì 38 Phạm Ngũ Lão đã đích thực là một ảnh hình, đậm, và một tiếng động, lớn, trong đời sống hàng ngày của tôi từ nhiều năm nay.
Trí nhớ nhòa trùng không cho phép tôi gọi về một con số tháng năm cụ thể. Chỉ nhớ là từ khá lâu trước số Văn ra mắt. Bấy giờ tôi đang cho in tờ Sáng Tạo, đâu như ở nhà in Tia Sáng, đường Phát Diệm, của ông Nguyễn Trung Thành. Nhà in thình lình thầu được mấy món lớn, không in tiếp nữa, phải tìm nhà in mới. Một hôm, tôi mở coi mấy tờ báo, tìm một địa chỉ ấn quán. Xem thuyết mác-xít của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, tình cờ cái tên Nguyễn Đình Vượng và con số 38 Phạm Ngũ Lão hiện ra trước mắt.
Tiếng động Văn và hình ảnh Văn đã tới với tôi tự đó. Những ngày đầu tiên đặt chân tới cái ấn quán nhỏ chật trước rạp chiếu bóng Thanh Bình và xế cửa chợ Thái Bình này, tôi nhớ thường đến vào buổi trưa, một mình. Hoặc với Duy Thanh. 38 Phạm Ngũ Lão không phơi bày, biểu diễn giữa những bức tường đầy đặc vết mực Song Long của nó, cái cảnh tượng sầm uất, choáng váng, quay lăn không ngừng không nghỉ của một ấn quán bội thực tới cổ những ẩn vụ linh tinh đủ mọi thể loại như bây giờ. Bây giờ là hiệp thợ đóng, gấp đàn bà con gái ngồi chấn từ thềm, từ ngưỡng. Là giấy journal chất ngất tới trần. Là máy cản cầu thang, chướng lối vào. Là thợ chữ, thợ đóng chen chân, lách luồn, đụng chạm trên những khoảng trống khít khao nhỏ chật. Bây giờ là 38 Phạm Ngũ Lão quay hết tốc độ, đèn sáng về đêm, vào bìa tới khuya, cắt từ tảng sáng.
Trước ra đời của Văn, ấn quán ngược lại, chỉ là cái hình ảnh của một dòng sông xuôi chảy bình thường và phẳng lặng nhất. Cửa thường đóng, cách biệt với phố trước. Đèn thường tắt. Cho những giấc ngủ trưa. Và máy chạy tùy giờ. Và xuống khuôn thanh thản. Cảm tưởng còn lưu giữ lại được ở trong tôi, về những ngày đầu Sáng Tạo in ở 38 Phạm Ngũ Lão, là cái cảm tưởng phẳng và trống ấy của những cái không đụng đầu, không gặp mặt. Bàn giấy chủ nhà trống, ông Nguyễn Đình Vượng đâu mất ấy.
Những khung chữ im lìm, mấy trang mo-rát lăn lóc, tôi đến, thợ chữ đã về, tôi về, anh xếp typo mới lại và cái không khí của 38 Phạm Ngũ Lão hồi ấy lạnh tối và âm thầm, đầy những cái ngưng đọng phủ nhòa những xó góc thu mình vào lãng quên. Đến cái con đường Phạm Ngũ Lão mấy năm đó, cũng thênh thang trống trải, chứ chưa hề biến thành một trong những cảnh tượng lưu thông công cộng nghẹn ứ kinh khủng vào bậc nhất của phường phố chín quận bây giờ. Trưa nhà in ngà ngà. Các hình thể mất đi cái cồng kềnh chỉ còn là những khối kim khí bất động ngủ thiếp. Từ phòng chữ vắng lặng đi xuống, chờ hiệp thợ chưa tới, tôi lần bước trong thứ bóng tối chập chờn của ấn loát gián đoạn, lại kéo Duy Thanh ra ngồi ở quán nước bên kia đường, ngay hông vào hậu trường rạp chiếu bóng Thanh Bình, hồi đó tối nào cũng có ca sĩ Anh Ngọc tới điều khiển những chương trình đại nhạc hội. Không bao giờ chúng tôi nói đến những trang báo sắp in. Cái tinh thần làm báo hồi đó thư thái lạ thường, chẳng như bây giờ, dao động mệt mỏi, làm báo bây giờ cho tôi cái cảm giác chới với vĩnh viễn của một cuộc chạy trốn với chữ nghĩa hoài nghi và ý thức vỡ nát về mịt mùng trước mặt. Con đường Phạm Ngũ Lão chói lòa ánh nắng những trưa Nguyễn Đình Vượng lim dim. Tới ba, bốn giờ, khung cửa sắt màu xanh nhạt của một mặt tiền ấn quán lổng chổng mới mở hé, một cách miễn cưỡng. Thợ đến. Xe đạp, xe máy dựng. Nhìn từ quán nước hè đường đối diện nhìn sang, về những buổi trưa mười năm trước ấy, 38 Phạm Ngũ Lão không trưng bày một dấu hiệu tao nhã thường thấy của một siêu thị chữ nghĩa, thứ chữ nghĩa vì có mặc khải và dự phóng, nên được gọi tên là văn chương. Nó cũng không phô diễn cái không khí sầm uất, trẻ trung của một môi trường báo chí, tôi nói trẻ trung, vì báo chí là cái trẻ trung nhất của sinh hoạt con người. Không, ngay từ hồi đó, và bây giờ cũng vậy, cái dễ nhận thấy của 38 Phạm Ngũ Lão chính là nó chẳng có gì để nhận thấy hết. Nó từ khước quyết liệt mọi hình thức trang điểm. Cũng không cần thiết với nó, ở nơi mặt tiền xập xệ kia, một báo hiệu, một xưng danh làm dễ dàng cho những nhận diện từ ngoài. Thơ miền Trung, truyện ngắn Tiền Giang, bút ký Lục Tỉnh và kịch Cao Nguyên cứ việc theo đường quen nẻo thuộc mà về. Tới. Và vào. Xếp chữ, lên khuôn hay xếp lại trong hồ sơ lưu trữcủa tòa soạn. Cái mặt tiền của 38 Phạm Ngũ Lão trước sao, sau vậy, tuyệt nhiên không có cái khuôn mặt sáng ngời đầy cảm tình của một đón chào niềm nở.
Trở lại thời kỳ đầu. Vậy là tôi đã đưa tờ Sáng Tạo tới in ở Văn. Và lui tới hàng ngày Phạm Ngũ Lão 38. Anh Nguyễn Đình Vượng hồi đó trẻ và khỏe hơn bây giờ, chưa có cái tên là cụ Vượng già, chưa đau yếu khục khặc linh đình như bây giờ. Nhưng hiệp thợ chữ của 38 Phạm Ngũ Lão hồi đó không phải là mười sáu, mười bảy sắp chữ mà là bốn mươi năm mươi làm typo. Có một ông già nào đó, tôi quên tên, tóc bạc phơ, mặt hồng, đĩnh đạc như một ông lý trưởng ngoài Bắc, thường vừa sắp chữ vừa cùng chúng tôi trò chuyện. Khuôn báo chẳng vội lắm. Máy in sẵn đợi chờ. Những trang tạp chí cũ do tôi làm chủ nhiệm, Duy Thanh trình bầy, được hình thành, giữa một không khí ấn loát thủ công nghiệp, bằng những mẩu đối thoại ung dung về mưa nắng, nhà cửa, trời đất, giữa chúng tôi và ông typo già như thế.
38 Phạm Ngũ Lão, trước Văn, trong suốt một thời gian dài không hề là nơi lui tới tấp nập của người viết, người đọc, của lao động ấn loát và chất xám trí tuệ thể hiện thành cái cảnh ngộ nhân mãn trong một ngôi nhà đông đặc tầng trên tầng dưới như 38 Phạm Ngũ Lão, khởi đi từ Văn, tăng thêm Tân Văn, Tuổi Ngọc, Vấn Đề và xuất bản sách truyện là cái hiện tại của nó. Quá khứ, nó tĩnh lặng. Dĩ vãng, nó chìm và tầm. Hiếu động, tôi và Duy Thanh đã đưa tờ Sáng Tạo đến những ô chữ và những cỗ máy Yoda sáng tươi hơn. Nhưng tôi đã ở lại. Thứ nhất, nhà in mới mở, đã mang nặng cái ưu tư làm đẹp, đặt làm đẹp một trang in thành cái tiêu chuẩn hàng đầu. Hà tiện cái gì chứ mua thay chữ mới thì không bốc thơm một ly ông cụ, 38 Phạm Ngũ Lão chịu chơi lắm. Tôi nhớ đã gửi được tới bạn đọc những tờ Sáng Tạo hình thức chững chạc. Vì trình bày Duy
Thanh một phần. Phần lớn vì chữ vì máy của 38. Những hình ảnh và những tiếng động. Một số hình ảnh và một số tiếng động vây bọc đời ta. Một số. Một số.
TTT. đang sống với những tiếng và những ảnh nào giữa thông giữa núi Đà Lạt? Trong một lá thư ngắn tháng trước, y tả cho tôi, cảnh tượng một trận cháy rừng nhìn thấy trong đêm. Những đốm lửa bay tạt trong gió cắt. Đêm núi tối đặc. Sáng rỡ. Những ảnh mới, những tiếng mới có thay thế được những ảnh cũ và những tiếng cũ? Trong cõi tâm thức rối loạn điên ngất của B.G. cái số tiếng động kia nổi lên từ một hướng tâm linh nào, và vỡ, cái số hình ảnh ấy gửi đến từ một miền tâm thể nào, và nhòa? Phải đó là tiếng động phải đó là hình ảnh, những cái chợt đã nhòa, thoắt đã vỡ? Với tôi, ảnh và tiếng tiếp nhận vào cái thường nhật nhỏ chật mòn nhẵn của mình trong cuộc sống chôn chân giữa lòng thành phố biển người này là cái tiếng động nhòa vào cái biển tiếng động của một cỗ máy in lăn một vòng ra một trang chữ ướt, là cái hình ảnh lẫn vào cái rừng hình ảnh của những chồng sách còn thơm mùi giấy mới, của tôi và của người, như thế ít nhất cũng cho tới gần xế đời mình.
Báo quán Văn, 38 Phạm Ngũ Lão, trên cái tinh thần này của một ràng buộc mà trọng lượng là cái ngày lại ngày từng chút tích lũy lại, khởi đầu chỉ là một thói quen của lui tới. Rồi thì là cái trạng thái của một không khí, một nơi chốn thân hữu lúc nào, không hay.
Ở một cuốn phim và cũng ở một cuốn tiểu thuyết ngoại quốc nào không nhớ rõ, tôi đã được màn ảnh trình bày và chữ viết thuật lại những buổi chiều muộn ở lại phòng giấy của một tư chức già. Y có nhà ở một vùng ngoại ô thành phố. Nhưng sở hết giờ mọi người về hết mà y không về. Y ở lại trong căn phòng làm việc tiều tụy. Dưới ánh đèn vàng vọt, giữa đống hồ sơ im lìm và bàn ghế lăn lóc. Ngồi đó, không làm gì hết, trong khi bóng tối và im lặng đã tràn chiếm cùng khắp những hành lang vắng lạnh. Khi người tư chức già đứng lên, ra khỏi ngôi nhà, y là người cuối cùng, ngọn đèn y tắt đi là ngọn đèn cuối cùng, cái hình bóng y đi ra trong đêm là động ảnh cuối chót. Đó là một trường hợp điển hình của lưu luyến giữa một nơi chốn với người, mặc dầu nơi chốn tuyệt nhiên không mời gọi, không thu hút. Nhiều trường hợp như thế. Trong bài vào tập Nhặt Lá Bàng cho truyện dài Đôi Bạn, Nhất Linh tả quãng đường ông đi từ nhà đến báo quán Đời Nay ở 80 Quan Thánh, Hà Nội, lên gác, mở cửa sổ, bật đèn, ngồi vào bàn viết, viết những câu đầu tiên về cuộc đời Loan, về cuộc đời Dũng, với những tiếng động và những hình ảnh vây bọc đời họ.
Đêm đó, Nhất Linh không viết được gì. Nhưng đã ở lại báo quán, ở lại nhà in. Tới sáng. Nghe tiếng lá rụng trên mái. Nhìn trẻ nghèo nhặt lá bàng dưới đường. Hẳn là còn rất nhiều đêm, Nhất Linh đến tòa báo ban đêm một mình như thế. Tôi nghĩ lan sang đến những hý viện vắng lặng, ở ngoài mùa kịch, nơi Jouvet Barraut nhiều đêm tạt qua, đi vào, ngồi lặng một mình, với hàng hàng những tấm vải phủ trắng toát phủ kín những thành ghế, và tấm màn nhung bất động, im lìm trước mặt. Để tưởng nhớ lại những vang động của một mùa kịch trước? Để sống với những kỷ niệm, những âm hưởng của làm kịch một đời? Không phải.
Đến là đến. Chỉ là cái vấn đề, cái hiện tượng nơi chốn đơn thuần. Gắn bó. Sống đó. Sống là gắn bó. Nơi chốn đạt tới một sự thật một khuôn mặt nào, mang cái ý nghĩa của một gắn bó êm đềm dịu dàng, trong nó, anh tìm thấy cái ấm áp, cái yên tâm. Thấy anh và nơi chốn không phải là hai cá thể tách rời biệt lập, mà là một hòa nhập. Matisse vẫn giữ mãi căn nhà chứa hàng làm xưởng họa. Mozart hay Chopin, tôi phỏng đoán thôi và nếu sự thật là như vậy, đôi lần trở lại với những nơi chốn cũ ở đó thiên tài đã dạo nhạc cho hàng nghìn vành tai thành kính, trở lại, ngồi vào cái ghế đẩu bọc gấm đỏ cũ, đặt những ngón tay trên phím dương cầm, đó là tiếng và ảnh ở mãi với đời ta, cái hiện tượng gắn bó của đời sống và tâm hồn với nơi chốn. Giải thích như thế để trở lại với 38 Phạm Ngũ Lão.
Mười mấy năm nay, tôi đến với những tòa soạn, báo quán khá nhiều. Báo mình, báo người, báo bạn, đủ loại của ấn loát định kỳ và thường xuyên. Nguyên ở cái phố báo Phạm Ngũ Lão nhan nhản những bảng hiệu “cơ quan, diễn đàn, tiếng nói”, trước sau đã năm bảy chỗ ngồi làm việc. Tôi đã có mặt ở những địa chỉ đó. Trong những thời gian lâu dài. Tám tiếng một ngày, đêm nữa, nếu cần, cặm cụi với trăm nghìn công việc xào nấu linh tinh của một tòa soạn, và lựa chọn, và đãi lọc sáng tác lai cảo của một bộ biên tập. Nhưng bằng những tạt qua thoang thoáng, những ghé vào chốc lát, những bữa đực bữa cái, chiều nay năm phút hôm trước nửa giờ, cộng lại, thời gian có mặt của tôi ở 38 Phạm Ngũ Lão vẫn là con số nhiều nhất của giờ trên đồng hồ. Những bài viết cho Văn, phần lớn tôi viết tại chỗ. Lạ lắm. 38 Phạm Ngũ Lão chỉ có chỗ thở, những phiến yên
tĩnh, những khoảng cách biệt, cần thiết thích hợp cho viết và nghĩ hồi đầu, hồi Sáng Tạo còn, chưa chào đời Văn.
Bây giờ nó chật cứng, cá hộp. Cái bên trong của ngôi nhà cũng nghẹn ứ như Phạm Ngũ Lão ngoài đường, chỉ thiếu đèn xanh đèn đỏ. Tầng dưới ngộp. Tầng trên hầm. Chỗ đứng chỗ ngồi cho viết nhà nghề và viết tài tử đều không có. Dương Nghiễm Mậu đến phải chờ ngoài cửa cho Nguyễn Đình Toàn đi ra. Vũ Hoàng Chương lại có nghĩa là Vũ Bằng phải bước. Hết chỗ. Vào kiểu thay phiên. Hết chỗ. Ngồi lâu không tiện. Chỗ của giấy của máy ưu tiên. Chỗ của người thứ yếu. Nói đến phòng riêng, phòng khách, bàn viết cho tòa soạn ở đây là cái chuyện khôi hài không tưởng được.
Lầu một của 38 có một phòng sách báo cũ. Góc phòng có một khoảng trống nhỏ xíu chỉ chừng một mét vuông thôi. Và một cái bàn tròn nhỏ, kiểu bàn ăn cho hai người của ba Tầu Chợ Lớn. Tòa soạn của hai tờ báo bạn Tuổi Ngọc và Vấn Đề đó. Chỗ điều hành công việc tòa soạn của ba ông Vũ Khắc Khoan, Duyên Anh, Mai Thảo đó. Thảm chưa. 38 Phạm Ngũ Lão bốn không hoàn toàn với mọi tiện nghi tối thiểu phải dành cho thân chủ, dầu là thân chủ bê bối nhất. Vậy mà tôi đã ngồi ở cái góc bàn đó, bên cạnh một khung cửa sổ gió mưa bay tạt, ngó ra những ống thu lôi, những mái ngói, những ăng-ten vô tuyến truyền hình.
Nghĩ và viết được. Chừng như phải đến đó mới viết thành, bởi ở những chỗ khác, trước hết là cái bàn giấy nhà mình, đã cố nhiều lần, viết sao chẳng được.
Cho ngòi bút tôi, bao nhiêu năm rồi, 38 Phạm Ngũ Lão thiếu vắng hết mọi tiện nghi và không khí thoải mái gợi hứng, lại là một thúc đẩy thuận hợp. Những tiếng động và những hình ảnh. Một số tiếng động và một số hình ảnh vây bọc đời ta, ở đó đời ta, phải thế thật sao? Chỉ biết tôi đã đến đó, trong vang động máy chạy rung rinh sàn gác, giữa hơi nóng và mồ hôi người, viết một mạch, ngon lành được những bài về ngôn ngữ Thạch Lam, cái chết Vũ Trọng Phụng, tình yêu Nguyễn Bính, mấy bài viết tương đối khá cẩn thận bởi được nói đến những tài năng làm vinh hiển cho thơ văn tiếng mẹ, cùng nhiều bài khác, đóng góp cái phần tri thức nhỏ mọn của mình cho một diễn đàn ra đời ngày nào với truyện ngắn Con Chó Uất Trì của Lê Văn Siêu đăng lại trong số kỷ niệm này, bây giờ đã đệ bát chu niên.
Đệ bát chu niên. Đã tám năm Văn có. Ở những sự vật khác, cái thâm niên không nói được gì hết. Đáng nói là những cái thanh niên. Cổ thụ chẳng đáng nói ngoài cái hiện tượng cổ thụ. Mừng vui đáng nói là mầm là hạt, là thoạt ra khơi và mới khởi hành. Sống ở phía bình minh hồng. Hoàng hôn chỉ là cái dấu dứt. Nhưng hiện tượng thâm niên của một diễn đàn văn học nghệ thuật giữ được một điệu dáng nghiêm chỉnh, không sa thấp xuống vũng lầy thương mại, tồn tại được với tám năm chuyển động toàn diện, hiện tượng ấy đáng nói, đáng khen ngợi. Tôi không bảo Văn là một diễn đàn lớn. Như 38 Phạm Ngũ Lão không phải là một báo quán lớn. Diễn đàn lớn, theo ý những người, là miền tập hợp đanh thép, kiên trì và vô điều kiện của những kẻ làm công tác văn học nghệ thuật xung kích, làm thơ như đánh trận, viết văn là xuống đường, những kẻ đốt lên trong đêm văn học và đêm xã hội đen tối những ngọn lửa hồng đỏ của ý thức tiền tiến, bằng ý thức ấy, hình thành một thể loại văn chương chất nổ ném vào cái ngưng đọng toàn thể, đánh thức, lay tỉnh hết thẩy, khởi từ lay tỉnh, đánh thức chính nó. 38 Phạm Ngũ Lão không thất bại trong ý hướng này. Bởi cái lẽ giản dị là Văn đã chọn cho Văn một chiều hướng, một đất đứng và những đối tượng khác, sau này thế nào không biết nhưng là sắc thái của Văn từ tám năm qua. Văn nhận. Rõ rệt nhất như vậy. Nhận. Từ dòng chảy ào, đến con suối nhỏ. Từ mây lại tự phương Nam, gió đến tự phương Bắc. Nó tỏa thành nan quạt, đóng vai trò gạch nối. Cửa mở rộng bốn phía. Đón gió trời bốn phương. Nội dung của mỗi số báo thoạt nhìn thì văn nghệ mà cái tinh thần, cái phong thái văn học nhiều hơn. Cõi Văn nhiều bóng rợp. Không nắng chói chang, mưa dào dạt. Tám năm lui tới Phạm Ngũ Lão bằng một lui tới thường hằng, điều tôi lâu dần nhận thấy là Văn đến được với cái thâm niên không đơn thuần vì cơ sở tự lập, căn bản chắc chắn, hoặc tác phong cần mẫn, siêng năng là điểm son của người phụ trách cũ đã chia lìa để tạo dựng cơ sở riêng. Mà sống lâu, sống bền vì cái phong thái thù nghịch bất đồng với mọi kinh động sát phạt. Đến Văn mà coi. Ngày nào cũng vậy, máy chạy đều, công việc liên tục.
Người sống không vị những cảm giác chát chúa, giữ cho nhịp tim đập bình thường, nhịp máu chảy tuần tự, là người có hy vọng ăn mừng thượng thọ. Đến Văn mà coi. Bình chân như vại. Việc ta ta làm. Công thức tồn tại của Văn là hết thảy đều chừng mực, vừa phải. Xuất phát từ một thủ đô tràn ngập nhu cầu và thị hiếu vật chất nhân gấp với dao động thời thế, đến với những địa phương không an ninh bởi chiến thời, sản phẩm chính của 38 Phạm Ngũ Lão là bán nguyệt không hề vạch ra một con đường riêng mà hóa thành có được một lối đi riêng. Những người đọc Văn, đọc thấy cái hiền. Viết cho Văn, cũng hiền đi một phần mà viết. Cái hiền của hai phía gặp nhau, làm thành cái thâm niên Văn. Đừng so sánh với những cơ quan ngôn luận văn học nghệ thuật thế giới cha truyền con nối, có chúc thư người nằm xuống giao phó lại cho quản trị còn sống làm
gì. Báo chí ta, yểu mệnh, hơi thở hụt hẫng, tam phen tứ bận gồng mình, uống nước lã mà làm, cũng không có được cái truyền thống thâm niên cố đế, cái vững chắc bàn thạch như một số báo chí ngoại quốc. Tám năm với ta kể là thâm niên. Thấm gì. Thâm niên với ấn loát bốn biển là từng thế kỷ. Có điều là trước khó khăn chung của báo chí thế giới, 8 năm với một bán nguyệt Việt không hình bìa pin-up, không tình dục trong ruột thì cũng là điều đáng khen đi. Những Look, những Mercure de France, Croix du sud còn chết lăn ra kia. Tỏa lan được những nhánh rễ lực lưỡng vào sâu và xa trong mảnh đất cảm tình của người đọc mọi lứa tuổi, Văn thâm niên chắc chắn là loại ấn phẩm định kỳ
dành được một chỗ đứng tốt trong mọi tủ sách gia đình. Về mặt liên hệ hợp tác của 38 Phạm Ngũ Lão với những nhà văn nhà thơ và tác giả ba miền, tôi lấy tôi là người đã có truyện ngắn Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật đăng từ Văn số ra mắt, để thử phân tích những biến thái của một giao hảo, thắm thiết hay nhạt loãng thế nào không cần thiết, đã kéo dài từ tám năm nay.
Một cách thế giao tình bền vững của người được ví với hương thơm của một loài hoa Việt. Hoa nhài. Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu. 38 Phạm Ngũ Lão giao liên với hải nội chư quân tử cũng bằng thứ hương thơm đó của nhài, hương thơm không nồng đượm chói gắt, nhưng hoài hoài phảng phất. Cái bắt tay với người này không vồ vập siết chặt. Cái bắt tay với người kia không hững hờ chiếu lệ. Mà vừa vặn năm ngón thân quen. Cảm tình không cầu thang, lúc cao lúc thấp. Đãi đằng và tiếp nhận cũng vậy, tà tà bình thường. Ở ngoài tờ báo, phong cách giao tình này cũng là tờ báo. Nó là một yếu tố thêm nữa cộng với những yếu tố khác làm thành cái thâm niên Văn. Tôi nhớ trong suốt tám năm, vào những lúc người chủ nhiệm yếu mỏi bất chợt có được những buổi chiều khỏe mạnh, tòa soạn lại có một bữa ăn mời thân hữu ở gần. Tôi gặp Y
Uyên có một lần. Võ Hồng cũng một lần. Và nhiều nhà văn trẻ ở miền Trung vào tôi không nhớ tên, trong những bữa ăn này của 38 Phạm Ngũ Lão. Thù tạc và ẩm thực của các tòa soạn văn nghệ, mười mấy năm nay tôi tham dự nhiều lắm. Gần đây như gỏi cá trong tiểu đoàn 55 của Tiền Tuyến, nhúng của Vấn Đề, cơm tây làm lấy ở nhà của An Tiêm, và những bữa rượu quên đời say ngất với phát hành và báo ngày miền Nam. Thường là rượu vào nhời ra. Lúc bốc hốt, thơ ngâm ào ào và luận bàn hào hứng về văn chương bốn biển. Hoặc đấu khẩu kịch liệt. Những bữa ăn với Văn khác. Tĩnh. Chừng mực. Một nửa rượu mạnh, nửa kia, nước ngọt. Những bữa ăn ngắn của những họp mặt vừa, với người chủ nhiệm chay tịnh sợ gió bao giờ cũng đứng lên cáo từ về trước. Đó là một trong những khía cạnh giao tình loại hương thơm hoa nhài của bán nguyệt san
Văn. Thế mà lại có cái hay. Không ngoạn mục thì gỡ lại được cái điềm điềm bền chặt. Trong một không khí an lành, trên một mặt phẳng chắc chắn như thế, 38 Phạm Ngũ
Lão sống với chính nó và với xa gần, bằng cùng một thái độ. Thái độ này đã được chấp nhận. Cái thâm niên của 38 do đó là cái thâm niên nhiều mặt, có tự bên trong, đến tự bên ngoài, như một vùng trời xanh rất nhạt ở đó có những chùm mây yên tĩnh bay, yên tĩnh bay trong trời văn chương.
Chỉ với riêng tôi, 38 Phạm Ngũ Lão đã là một truyện dài. Như một truyện dài nhân dân tự vệ. Riêng tôi với người chủ nhiệm xập xệ, đã có biết bao nhiêu chuyện làm vui được bạn đọc với bài viết kỷ niệm này cho tám năm của 38. Chẳng hạn như hồi tôi thất thế lui về sống ẩn trên một căn gác gió thổi ở đường Trần Hưng Đạo, tiếng can của người chủ ấn quán đến đòi tiền còn thiếu sáng sáng lộc cộc trên từng bực thang. Chẳng hạn như cái lần 38 Phạm Ngũ Lão cháy nhà, tôi đến, ngây nhìn những tro than cùng khắp đã nghĩ mình phải viết một bài viết cho 38 từ trần vì lửa. Nhưng rồi máy lại quay, việc lại nhận, báo của mình và báo của bạn lại ra đều. Cuối cùng 38 Phạm Ngũ Lão là gì? Và tương quan của một tờ báo với người viết là gì?
Mọi tình cảm quá độ đều không đúng vì không phải như vậy. Một tờ báo có thể là tất cả, với một người viết. Hoặc chẳng là gì hết. Trường hợp nào cũng có cái sự thật của nó.
Vậy thì tình cảm không đặt ra mà cuối cùng vẫn chỉ là vấn đề tình cảm mà thôi. Giản đơn là viết được một bài cho Văn tôi thấy bằng lòng, vì Văn muốn tôi có bài viết đó.
Giản đơn là tôi không tới lui 38 như một ngôi nhà, một địa chỉ. Mà một nơi chốn, ở đó tôi có cái phần tôi, một cách nào đó, từ tám năm, và lâu hơn về trước. Một ngày nào đótrong tương lai, bởi không có một vật thể, một cảnh tượng nào tồn tại vĩnh viễn, tấm biển 38 Phạm Ngũ Lão cũng sẽ hạ xuống. Ngôi nhà khi đó sẽ thay đổi hình dáng, cái chứa đựng. Khi đó, chỗ của 38 cũ là một tòa buynh-đinh mườibảy tầng chan hòa ánh nắng mặt trời buổi sớm, cũng chưa biết chừng. Và nếu là như thế, một lúc nào đó đi qua 38, tôi sẽ đứng lại một phút như tôi đã đứng lại một phút, bao giờ cũng vậy, trước tất cả những nơi chốn đã ở của mình, đánh dấu một phần đời của mình. Những hình ảnh và
những tiếng động. Đồng ý. Không có trời nào. Chẳng cóbiển nào. Chỉ là một số tiếng. Chỉ là một số ảnh. Và 38. Và tám năm, trên con đường hàng ngày tôi còn đang đi, tôicòn bắt gặp. Mới đây thôi và trong lát nữa.
./.
Image may contain: 2 people
Image may contain: 2 people
No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
No automatic alt text available.
No automatic alt text available.













page visitor counter
who is online counter blog counter