Trước khi nổi tiếng với tác phẩm đầu tay VÒNG TAY HỌC TRÒ, Nguyễn-thị-Hoàng xuất hiện trên văn đàn với chất giọng thơ lạ và lẩn khuất đâu đó là một niềm sầu sâu thẳm rất đàn bà như trong những bài thơ ký dưới tên Hoàng Đông Phương trên VĂN….
Em đợi anh về những chiều thứ bẩy
Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật”
“Cho em xin một chiều vui thứ bẩy
Có nhạc phòng trà có lá me bay
Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ
Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay”
Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật”
“Cho em xin một chiều vui thứ bẩy
Có nhạc phòng trà có lá me bay
Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ
Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay”
..Người ta chỉ biết nhiều đến Nguyễn-thị-Hoàng khi bà nổi lên với ồn ào scandal “Vòng Tay Học Trò”...
Nhìn gần hơn có thể thấy, Vòng Tay Học Trò – xuất hiện nhiều kỳ trên 1 tờ báo khá “chính thống” là Bách Khoa và ký tên là Hoàng Đông Phương bắt đầu từ 1966 – ngoài là thành công đầu tay khiến Nguyễn-thị-Hoàng đường hoàng bước vào “chiếu trên” trên văn đàn từ những năm đầu thập niên 60, trong một chừng mực nào đó là 1 cơn déjà-vu..xảy ra đến 2 lần với bà..
Trong một bài phỏng vấn với Mai Ninh, bà Nguyễn – thị - Hoàng đã nói rõ & nói kỹ về quyển này như sau
Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học, đi làm không lâu lại bỏ việc này (thư ký riêng của một tỉ phú) 1960, tìm việc khác 1961. Được bổ nhiệm về Nha-Trang dạy học, trường nơi đây từ chối; chuyển lên Đà-Lạt. Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà-Lạt. Mùa hè 1964, một xấp pelure5 ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng, VTHT. Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Đến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng. Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết.
Khi viết, với không phải viết cái gì đã sống, mà trên khung cảnh, sự kiện, nhân vật của khoảnh khắc thoáng qua “trong vai” cô giáo ấy, tăng giảm biến đổi để đúng vóc dáng một câu chuyện. Đã không tính đến chuyện viết tiểu thuyết hay hình thành một tác phẩm với dụng ý, mục đích nào mà chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn của một khúc đời đã vỡ.
Thế mà nó trở thành tác phẩm, tác giả với hàng loạt những hệ quả sinh khắc liên hồi từ ấy.
Được lồng bóng trong một giai đoạn thời sự bất an, những ngộ nhận phê phán không thuần túy qua lăng kính văn học nghệ thuật mà nhiều vấn đề ngoài nó.Cái nhãn hiệu độc dược hiển nhiên dễ dán là vô luân lý đạo đức, hay một chữ gì đó tương đương hoặc nặng nề hơn.
Nhưng nó là như thế nào so với hàng loạt những tác phẩm đã dịch và in ra, những câu chuyện có thật trong đời thật. Trong VTHT hay bất cứ đâu, nếu cô giáo yêu một học trò ngoài lớp mình dạy bị kết án thì những mối tình hay hôn nhân giữa thầy giáo với học trò(chuyện thường thấy), lớp mình hay lớp khác trong trường, thì được phép, tại sao?
Nên hình như chủ đề chỉ là cái khiên, những mũi tên nhắm phần sau là một trường hợp, của một giai đoạn.
Nó là cái chìa khóa mở cửa vào một thế giới, nhưng hơn mười năm sau, cũng là thứ chìa khóa đóng kín thế giới ấy lại để có mặt bỗng nhiên vắng mặt.
Nó là cái khởi đầu muốn chấm dứt tất cả những gì trước và sau nó, nhưng thật phản tác dụng, nó lại là cái tín hiệu, là mối nối của những tương giao, hiệu ứng hai mặt của một tính cách định mệnh. Bởi, nó gián đoạn, chôn vùi gần kín thời gian một đời người hay một đời viết, nhưng bù đắp, cái gián đoạn chôn vùi này lại lắng đọng và tích lũy một tố chất cuồn cuộn khác trong hồn nhiên tự tính.
Trên tất cả, nó đem đến những kiếm tìm gặp gỡ và bù đắp cái không là gì cả mà là tất cả của hôm nay, như giọt lửa sau cùng dưới đám tro vùi, thắp lại được một phần còn mong manh mà kỳ thực là cái khởi đầu chờ mong của SỐNG và VIẾT.
Khoảng 71, 72 gì đó, Kiều Chinh và Đặng Trần Thức có tìm gặp NTH định làm phim VTHT. Về sau lại thôi, hình như vì sợ đọ sức với Mourir d’aimer của Pháp. Sau đó (sách hay phim) ai làm gì liên quan đến VTHT, NTH hoàn toàn không hay biết, cho đến nay. NTH vẫn vấp phải những thứ tương tự oan khiên như vậy. Sự thật, những thứ kia là thuần túy phim ảnh, tiểu thuyết, phía mình thì trích dẫn và phóng tác bằng chính những mảnh vỡ đời mình. Ví dụ, một thời gian sau cuốn Ngày Qua Bóng Tối, NTH xem Un Certain Sourire của F. Sagan. Những nhân vật trong NQBT của NTH lại giống như Luc (với Rossano Brazzi Ý), Bertrand, Dominique và Francoise, chỉ khác ở F.S thì phá phách, ở NTH thì rã rời (trong truyện này).
Tấm ảnh nào trên HL? Có người về khi đi mang theo mấy tấm hình NTH trong thời gian viết VTHT, sau khi ra khỏi vai trò cô giáo thoáng qua. Có phải trên trận biến hóa liên hồi của những vai trò và tính cách, con người (hoặc NTH) không thể khoác áo sai lúc và nhầm vai? Chỉ mỗi một điều ngàn muôn năm không thay đổi, cái là tự tính bất biến, hoặc “luyện tập” (không phải luyện tập để có ma lực!), để trở thành bất biến hoại, để có ai còn tìm kiếm kiếp nào sau, còn nhận ra và gặp lại.
NTH xin lỗi về những lời đáp lại không vừa ý những câu hỏi; trong phạm vi bài này và từ mọi phía thắc mắc chưa gặp được nhau. Bởi vì NTH đã không thu nhỏ hoặc phóng lớn mình theo thói thường của một phỏng vấn xưa kia. Chỉ vì những câu hỏi trên đã “chạm mối thương tâm”, nhức nhối mấy mươi năm trời nên đành phóng tỏa không đắn đo suy nghĩ gì hậu quả những lời mình. Cám ơn, MN và “ai đó” (biết có chữ nào qua giới hạn chữ nghĩa?) đã giúp người câm- câm thời khí, không phải bẩm sinh- bỗng được nói “sau ngần ấy năm trời”. Còn gì nữa không? Còn. Vẫn còn. Vẫn còn những gì không bao giờ có thể hết.
Sáng tác sung mãn (như phần nhiều các tác giả trước 1975 – dĩ nhiên trong số các tác phẩm của bà có quyển hay rất hay và dở rất dở). Nhưng trong những cái “rất dở” đó tôi vẫn luôn bắt gặp được điều gì đó rất độc đáo, có khi là cách dùng một từ đảo, một câu văn dài hay chỉ đôi khi là một ý tưởng miên man hoài hoài không chấm dứt…(khác ngược hẳn với văn chương hiện nay, nhiều quyển chỉ…”kiêu” mỗi cái tựa sách, bên trong…là một cùng cực của sự rỗng tuyếch và sáo mòn)
Cái sự miên man bất tận như những lời độc thoại của nhân vật cũng có thể nói là phong cách sáng tác đặc trưng của bà, đặc biệt trong các truyện ngắn trên Văn…
Bà từng nói về việc VIẾT của mình như sau
“Một tác phẩm có mặt từ ba yếu tố: nghĩ (hay cảm), viết, và in. Nghĩ thì như thở, càng bị rượt đuổi vây khổn, càng dập dồn, chồng chất. Viết ra thì khó liên tục nếu ăn ở không yên và chèo chống không ngừng với mọi vấn đề. Nếu vượt hai điều trên được, lại phải đứng dừng trước bức tường thứ ba: in ra, ngoài khả năng của một tác giả tận cùng đơn độc, trong mọi nghĩa. Khi qua đi một khúc đoạn ở cuộc đời hay nỗi niềm riêng, NTH vẫn ngạc nhiên là mình vẫn còn sống và câu hỏi duy nhất là làm sao để in ra, cũ và mới những gì đã ứa ra từ quá trình sống… chín này.”
Tôi không biết lúc bà đang sáng tác những tác phẩm này trên VĂN - bà có một niềm ưu tư hay món nợ tình cảm gì đang nợ nần với ai không mà trong mỗi tác phẩm, để lại dư vị trong tôi đều là một chút buồn…loang ra như nền “trời xanh trên mái cao”, cuộn trào như sóng, cao xa tầm tay với, buồn thấm đẫm vào thịt da qua từng con chữ, từng câu văn…Khi chấm hết mội truyện ngắn, Nguyễn-thị-Hoàng gieo vào độc giả một thứ dung môi “độc hại” nhưng đầy thú-đau-thương “ứa ra từ quá trình sống chin” ấy của bà…
Những nỗi buồn “oan trái” đôi khi mang chút ít dằn vặt “hiện sinh” đã từng gây nên ít nhiều “dè bỉu” nơi những người cho văn chương của Nguyễn-thị-Hoàng chỉ là một thứ văn chương “làm dáng”… (như Mai Thảo?!?) Tôi không biết nên đồng tình hay phủ nhận ý kiến này…?!?
Chỉ biết rằng sự “làm dáng” ấy, hay nói đúng hơn là cái ý thức “làm văn” nơi Nguyễn-thị-Hoàng , nếu có, đến từ sự ham muốn biến tiểu thuyết/ truyện ngắn của mình thành một “phương tiện” để lý giải đời sống, lý giải sự “vô-lý” của đời sống và cái hoa mỹ, nếu có, chính là sự khỏa lấp vết thương sâu trong lòng các nhân vật bất hạnh của mình…Vì hơn ai hết, bà biết, cái kết không viên mãn, cái kết dấy lên như một vết sưng tấy… là bản án mà mỗi nhân vật phải lãnh chịu, không hơn không kém…
Những chữ, những dòng, những chấm và cả những-không-chấm trong truyện ngắn Nguyễn-thị-Hoàng…như một chiếc thuyền lòng đã mắt nạn và nằm kẹt lại vĩnh viễn nơi người đọc, những “triết lý”, những câu hỏi liên tiếp reo lên trong truyện ngắn của Nguyễn-thị-Hoàng neo lại trong lòng tôi một chút mơ màng trong đời sống chật chội này, nó cũng đủ làm dấy sáng trong tôi leo lét những lân tinh hy vọng, dù là ít ỏi… hy vọng lấy từ chút hơi tàn sức kiệt muốn sống và phải sống… Cái triết lý ấy từng được Nguyễn – thị- Hoàng nói đến dâu đó trong nhiều tác phẩm
“Trong mỗi mấp máy , bước chân đi vào hay ra khỏi đời sống hỗn tạp mang mang, trong từng thấp thoáng linh cảm hay cỏn con mơ tưởng của con người đều vẩn vơ dấu vết của bước chân định mệnh. Bước chân đó dù ghé dến thềm đời của một người nào, dù dịu dàng hay mãnh liệt, dù thầm kín hay ngang nghiên cũng đều là một ma lực kì dỵ, vừa dẫn dắt ta theo con đường vạch sẵn từ tiềm thức nhưng đồng thời cũng dìu ta lên một cõi sáng láng nào, dù là khoảng cao phải trải qua bao nhiêu vực thẳm của đời sống và tâm hồn. Sự trốn chạy chỉ là một cách để dấn sâu thêm vào vực thẳm. Và sự dấn sâu tâm hồn hay đời sống vào vực thẳm cũng là một cách để cuối cùng bay vút lên cao” (Cho Đến Khi Chiều Xuống – truyện dài)
Cách diễn tả tâm trạng của người nữ trong những truyện ngắn trên VĂN của bà cũng thật đặc biệt và táo bạo: thường là một trào dâng thèm khát yêu thương, thèm khát được vỗ về… tình thương như là một cứu cánh cần kíp cho đời sống trong từng nhân vật của Nguyễn – thị- Hoàng, họ có thể không ăn, không ngủ…nhưng họ phải yêu, phải tận hiến cho tình yêu, phải thở “khói thương nhau”…thì lúc đó họ mới tồn tại…cho đến khi sự bất toại của đời sống xảy đến, những người nữ ấy bàng hoàng nhận ra khuôn mặt đau đớn của đời sống…Buông tay và trượt ngã…nhưng họ, vẫn tiếp tục phải sống, phải đối mặt…
Vẽ thêm nhiều khuôn mặt cho nỗi buồn, Nguyễn-thị-Hoàng còn biến truyện ngắn của bà hấp dẫn độc giả bằng chính cái cảnh huống bà gán ghép cho những nhân vật như chưa thể bi kịch hơn của mình – có khi là khung cảnh của một đêm tối, chàng trai vô danh nào đó gặp lại cô gái nhỏ năm nào, giờ đã “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” trong ĐÊM TÀN OANH TRẢO; bao nhiêu kỷ niệm – bấy nhiêu đau đớn.. ; có khi lại là một hành trình đi tìm sự cứu cánh trong tình yêu của một người nữ đã qua thời xuân sắc gặp lại người em gái nhỏ năm nào…trao yêu thương để rồi bẽ bàng thấy rõ vị trí của mình, chỉ có thể là bên lề của cuộc sống, khi mà “đi chỉ là dẫm đẹp lên chỗ của những người khác ” trong MÙA XUÂN LÁ VÀNG (cũng có thể nói phải chăng Nguyễn –thị-Hoàng là nhà văn đầu tiên chạm đến vấn đề nhạy cảm trong văn chương : đồng tính nữ với tinh tế trong ngòi viết không thể “sensual” hơn) ; lại có khi là một cõi sống mịt mùng trong đó tình yêu tìm đến trong một bóng dáng vừa xa xôi, vùa gần gũi nhưng rồi tất cả cũng chỉ là hư ảnh dể rồi cuối cùng con người còn lại trong chính nỗi bơ vơ cực cùng của mình khi tuyệt vọng ùa đến một cách choáng ngợp và bất ngờ trong BÓNG SAO CHÌM , BÓNG MA…Và rồi nữa, sự hạnh ngộ thoáng chốc, tưởng chừng là một nhịp cầu tương phùng giữa hai tâm hồn lạc loài, nhưng rồi, gặp chỉ để càng xa thêm, vì mỗi người đã tự đẩy mình sang hai bờ của trùng dương cô đơn… trong GỢI NIỀM THÂN MẬT…
….
Nữ nhà văn “hồng nhan đa truân” ấy, sau khi khuấy đảo văn đàn trong một thời huy hoàng của văn chương miền tự do, nay đã chọn cho mình một lối sống im lặng…nói như bà trong trường thiên “nhật ký” NHẬT KÝ CỦA IM LẶNG… phải chăng “bất động cũng là hành tung của một kẻ ẩn mình”…Tôi thấy đâu đó cũng có sự “nổi loạn” ngay trong “phát ngôn” có phần yếm thế kia…
Tôi luôn bắt gặp những suy tư rất riêng, và nhiều lúc, những độc thoại này, như một độc thoại dành riêng cho mình trong truyện ngắn Nguyễn-thị-Hoàng
"...đến một lúc nào đó, ta gặp một người nào, chỉ một lần, dù mến yêu dù thù ghét, cũng chỉ một lần, rồi từ đó cho đến ngày nhắm mắt, vĩnh viễn, dù trái đất còn quay, người ta vẫn có thể còn đi lại, viếng thăm nhau, những đường bay vẫn tiếp tục nối kết mây trời và biên cương nhưng không bao giờ, ta còn gặp lại người đã gặp một lần thứ hai nào nữa, DÙ SỐNG SÓT ĐẾN VẠN TRIỆU ĐỜI TA SỐNG.."
Tôi không mong đó là những gì mà Nguyễn-thị-Hoàng muốn dành cho chính bà trong đời sống này...
Chút tình…xin đừng lãng quên! *
(CHÚT TÌNH XIN LÃNG QUÊN - Tên 1 truyện dài của NTH)
(CHÚT TÌNH XIN LÃNG QUÊN - Tên 1 truyện dài của NTH)
huyvespa@gmail.com
Fast Counters