Tôi đang tìm 1 số sách (hard copy) xuất bản ở hải ngoại như sau. Quý anh chị & các bạn nào biết tủ sách nào có hay không dùng nữa có thể cho tôi xin/ mua lại ạ.
Mọi chi tiết xin comment ở đây hoặc gửi mail về giúp tôi qua huyvespa@gmail.com
Xin cám ơn mọi người rất nhiều!
1. Hôn Em Kỷ Niệm (tập nhạc của Duyên Anh) (NXB Nam Á)
2. Em tôi Saigon & Paris (thơ Duyên Anh) & Thơ Tù
“…không phải ai cũng biết rằng nhạc sĩ Cung Tiến còn là một nhà văn và là một dịch giả. Ông có thời gian cộng tác chặt chẽ với nhóm Sáng Tạo, một nhóm tiền phong về văn hóa nghệ thuật của những người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954. Nhiều người trong nhóm Sáng Tạo đã dựng nên một góc trời văn chương cho người Việt, trong đó có Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… Bút danh của nhạc sĩ Cung Tiến lúc đó là Thạch Chương, ông tham gia cả mảng sáng tác, nhận định và phê bình văn học. Ông có dịch hai đại tác phẩm của hai văn hào Nga là Fyodor Mikhailovich Dostoevski và Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn ra Việt Ngữ. Đó là Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác phẩm của M. Dostoievski, 1969) và Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch (dịch từ A. Solzhenitsyn, 1969)…”(theo “Nhạc sĩ Cung Tiến: Cây đại thụ trút lá trong lặng lẽ” - Tuấn Khanh)
Những người thân cận với gia đình của nhạc sĩ
Cung Tiến đều biết ông đã qua đời ngày 10 Tháng Năm, nhưng đến ngày 4 Tháng Sáu
2022, sau khi hậu sự hoàn tất, gia đình mới đăng cáo phó. Những người thân biết
ngày qua đời của nhạc sĩ cũng được dặn dò là xin hãy giữ yên lặng cho đến khi
hoàn tất tang lễ.
Khi mất, nhạc sĩ Cung Tiến hưởng thọ 83 tuổi, và
lễ hỏa táng thực hiện vào ngày 2 Tháng Sáu, ở Nam California. Ông để lại cho
đời nhiều tác phẩm cao quý như bài học mở đường của tân nhạc Việt Nam, đồng
thời đóng góp nhiều công sức của mình cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi ông giữ
chức Tổng Giám đốc Kế hoạch và Dự án, hoạt động như kinh tế gia, giúp cho Bộ
tài nguyên và Thiên Nhiên Minesota nhiều năm, sau khi tỵ nạn từ 1975.
Với giới chức cũ của Việt Nam Cộng Hòa, nhạc sĩ
Cung Tiến được nhớ đến như là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế
hoạch trước năm 1975. Còn với giới văn nghệ, ông được đánh giá không khác gì
một thần đồng âm nhạc. Từ khi đi di tản sau 1975, nhạc sĩ Cung Tiến chưa có lần
nào về Việt Nam, cũng như được biết ông từ chối mọi lời mời phỏng vấn từ Việt
Nam hoặc về nước tham dự biểu diễn.
Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến,
sinh ngày 27 Tháng Mười Một 1938 tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học
xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong
khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế và
ông có tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại nhạc
viện Sydney. Từ năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh
(British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Đại học Cambridge,
Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại đó.
Ngoài sáng tác, ông còn là nhà hòa âm, soạn khí
nhạc, hợp xướng… và chơi được các nhạc cụ như sáo, mandolin, guitar và piano.
Tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến bộc phát
trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. “Cụ thân sinh tôi là một nhà
thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào
âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả”, nhạc sĩ Cung Tiến lưu bút.
Trong lớp nhạc sĩ đầu thế kỷ, với những khúc tân
nhạc hoàn chỉnh như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Cung Tiến là
người hiếm hoi viết hoàn chỉnh ca khúc ở năm 14 tuổi (1953). Bài Hoài Cảm –
cũng là ca khúc đầu tay của ông, mà theo tâm tình lúc sinh thời là lúc đó, ông
mới học đệ lục và là một học sinh chịu nhiều ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của Huy
Cận, Xuân Diệu …. “Riêng với tôi nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu
thích tôi vẫn thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình”, lời của
nhạc sĩ Cung Tiến.
Nhạc sĩ Cung Tiến cũng là người dùng từ ngữ mô
tả mãnh liệt nhất, và đầu tiên: “lòng cuồng điên vì nhớ” cho một nỗi nhớ nhung
của một thiếu niên về tình yêu đầu đời. Vào lúc bài hát ra đời cũng có nhiều
người không quen và cảm thấy khó chịu với sự mô tả hết sức dữ dội này. Nhưng
rồi dần người ta nhận thấy rằng đó là cách diễn đạt chân thành và không kém
phần tinh tế khi hoán đổi “điên cuồng” thành “cuồng điên” – khiến khung cảnh
bài hát cũng nhẹ nhàng, bay bổng hơn. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi đó là cách sắp
xếp đầy mỹ cảm về phương diện tu từ học (rhetoric).
Nhiều người khi biết về ông đều ngạc nhiên, vì
sao có một kinh tế gia và một nhạc sĩ xen lẫn trong cuộc đời một con người. Thế
nhưng khi tìm hiểu sâu thêm về bối cảnh xã hội và cuộc đời của nhạc sĩ Cung
Tiến, người ta lại càng thán phục. Là một nhạc sĩ và có tinh thần hiếu học, ông
chỉ muốn mình được học sâu và cao hơn về âm nhạc. Thế nhưng lúc đó các con đường
du học và cấp học bổng chỉ có cho kinh tế. Vì vậy, nhạc sĩ Cung Tiến quyết định
thi lấy học bổng kinh tế để đi nước ngoài du học rồi bên cạnh đó sẽ tìm hiểu và
học thêm âm nhạc ở xứ người. Và từ đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa có thêm một
nhạc sĩ và một kinh tế gia tài giỏi.
Nhưng không phải ai cũng biết rằng nhạc sĩ Cung
Tiến còn là một nhà văn và là một dịch giả. Ông có thời gian cộng tác chặt chẽ
với nhóm Sáng Tạo, một nhóm tiền phong về văn hóa nghệ thuật của những người
miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954. Nhiều người trong nhóm Sáng Tạo đã dựng
nên một góc trời văn chương cho người Việt, trong đó có Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc
Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… Bút danh của nhạc sĩ Cung Tiến lúc đó là Thạch Chương, ông
tham gia cả mảng sáng tác, nhận định và phê bình văn học. Ông có dịch hai đại
tác phẩm của hai văn hào Nga là Fyodor Mikhailovich Dostoevski và Aleksandr
Isayevich Solzhenitsyn ra Việt Ngữ. Đó là Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác
phẩm của M. Dostoievski, 1969) và Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch (dịch từ
A. Solzhenitsyn, 1969). Riêng về Một Ngày của Ivan Denissovitch kể về những gì
xảy đến cho một người tù cải tạo tên Ivan Denissovitch trong một ngày dưới chế
độ bạo ngược cộng sản Stalin.
Năm 1956, nhân 200 năm ngày sinh của thiên tài
âm nhạc Mozart, Tổng thống Ngô Đình Diệm có tổ chức một buổi hòa nhạc với sự
tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Lúc đó nhạc sĩ Cung Tiến chỉ mới gần 18
tuổi, nhưng vì nghe danh tiếng của ông, đích thân Tổng thống Ngô Đình Diệm đã
viết thư mời ông tham dự. Trong tâm tình với báo chí về sau, nhạc sĩ Cung Tiến
nói lúc đó ông tràn ngập niềm vui sướng vì được tham dự chương trình hòa nhạc
về một tài năng âm nhạc thế giới mà ông vô cùng hâm mộ. Và kế đó, là ngỡ ngàng
là vì sao một cậu bé như mình lại được tổng thống mời đích danh.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông có viết cho một
số báo với bút danh là Đăng Hoàng. Nhưng với âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn nối
dài các sinh hoạt của mình. Ngoài chức vụ Ủy viên Diễn đàn các nhà soạn nhạc
Hoa Kỳ, ông vẫn sáng tác và sinh hoạt âm nhạc thính phòng để quảng bá tinh thần
âm nhạc Việt Nam. Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm, soạn
cho 21 nhạc khí Tây phương, được trình diễn lần đầu vào năm 1988 tại San Jose
với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật
quốc khánh 1988.
Vào đầu thập kỷ 1980 Cung Tiến phổ nhạc từ 12
bài thơ trong tù cải tạo của Thanh Tâm Tuyền mang tên “Vang Vang Trời Vào
Xuân”, tập nhạc này được viết cho giọng hát và Piano và được trình bày lần đầu
tiên tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1985.
Năm 1992, Cung Tiến soạn tập Ta Về, thơ Tô Thùy
Yên, cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 2003, Ông đã
thực hiện một tác phẩm nhạc đương đại Lơ thơ tơ liễu buông mành dựa trên một
điệu dân ca chèo cổ. Ông cũng là hội viên của diễn đàn nhạc sĩ sáng tác Hoa Kỳ.
Hầu hết người yêu nhạc, biết đến một Cung Tiến,
là đều tìm về kho tàng của 20 năm văn hóa vàng son của miền Nam. Trong một phát
hiện mang tính sử nhạc của nhà thơ Du Tử Lê, một dấu ấn đặc biệt của riêng ông,
là nhạc sĩ đầu tiên phổ nhạc từ dòng thơ tự do.
Từ giã nhạc sĩ Cung Tiến, là một lần nghiêng
mình trước một con nguời tài hoa, trầm lặng; và cũng là nghiêng mình trước một
thế hệ tiền nhân đã cống hiến cho văn hóa Việt có được những điều đẹp đẽ và quý
báu như hôm nay.
Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng (Doãn Hưng)
Vào một buổi chiều mưa đông cuối năm 2021 ở
Quận Cam, một số gương mặt tiêu biểu của nền văn học nghệ thuật Miền Nam trước
1975 đã có một buổi hội ngộ hiếm hoi: nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nữ minh tinh điện
ảnh Kiều Chinh, nhạc sĩ Cung Tiến, nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà thơ
Đỗ Quý Toàn, giáo sư Trần Huy Bích... Có người đã chạm mốc bách tuế, đa số đã
vượt qua tuổi tám mưới. Những mái đầu bạc ngồi ôn lại kỷ niệm thời trai trẻ,
chuyện buồn vui trong tù, chuyện điện ảnh, đọc thơ, hát nhạc Cung Tiến... Có ai
đó đã nói rằng sẽ khó có lại một buổi hội ngộ đông đủ như thế này, bởi vì
"...Bạn già lớp trước nay còn mấy..."
Vào một buổi trưa nắng ấm đầu hạ, rất ít người
có mặt trong buổi hội ngộ đó đã đến dự lễ tiễn đưa lần cuối nhạc sĩ Cung Tiến,
Ông ra đi ngày 10 tháng 5, 2022. Nguyện vọng của gia đình là tang lễ chỉ tổ
chức riêng, thông báo rất giới hạn đến một số thân hữu. Từ Thụy Điển, nhà văn
Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ lặng lẽ thắp nén nhang tưởng nhớ đến người bạn cố
tri - Cung Tiến, người nhạc sĩ có phong cách sống kín đáo, cuối đời cũng đã ra
đi thầm lặng như vậy.
Trong một chương trình thâu hình hiếm hoi giới
thiệu về Cung Tiến, chị Y Sa của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đã tóm
tắt khá đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài danh này: https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=bZQY3rdcKyY
Cung Tiến sinh năm 1938 ở Hà Nội. Trong thời
Việt Nam Cộng Hòa ông là một nhà kinh tế, đã từng tốt nghiệp Cử Nhân ở Úc và
Cao Học ở Anh về chuyên ngành này. Ông cũng từng là một cây viết với bút hiệu
Thạch Chương. Nhưng hầu hết người yêu nhạc Việt Nam chỉ biết đến ông như một
nhạc sĩ.
Lần gặp gỡ cuối của nhạc sĩ Cung Tiến với bạn hữu văn nghệ - Từ
trái: Trần Dạ Từ, Sông Văn, Cung Tiến, Trần Huy Bích, Doãn Quốc Sỹ, Hưng Doãn,
Nhã Ca, Josee Nguyễn Thụy Hữu, 30 tháng 12, 2021
Người hâm mộ hay kháo nhau những ca khúc đầu
tay của Cung Tiến được sáng tác năm ông mấy tuổi. Nhiều nhà bình luận cho rằng
ông là một thần đồng của âm nhạc Việt Nam. Có người đoán với phong cách nhạc và
lời của Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Hoài Cảm… tác giả phải là một người đã trưởng
thành lắm rồi. Kỳ thực, những ca khúc đầu tay Hoài Cảm, Thu Vàng được ông sáng
tác năm 13-15 tuổi, lúc đó chưa theo học bất kỳ một lớp nhạc nào! Còn ca khúc
được nhiều người yêu thích nhất là Hương Xưa được viết năm ông 18. Nữ ca sĩ Lệ
Thu có kể lại kỷ niệm lần đầu tiên trình diễn bài này ở nhà hàng Queen Bee Sài
Gòn. Khi Lệ Thu ngân dài và kết thúc câu hát cuối: ”…đời êm như tiếng
hát của lứa…đôi…”, tiếng hát dừng, rồi tiếng đàn dừng. Khán giả đông
nghẹt trong phòng trà cũng như chết lặng trong một khoảnh khắc trước khi bùng
nổ với tiếng vỗ tay và lời tán thưởng. Ca khúc của một chàng nhạc sĩ 18 tuổi đã
chinh phục giới yêu nhạc khó tính nhất của Sài Gòn như vậy đó! Nhưng cho dù
khán giả rất yêu thích những ca khúc đầu tay của mình, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn
cho rằng đó chỉ là những “bài tập” khởi đầu trong sự nghiệp âm nhạc của ông.
Như vậy đâu mới là thực sự là dấu ấn riêng, sự
toàn bích trong âm nhạc của Cung Tiến?
Không khó để nhận ra rằng nhạc của Cung Tiến
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ phong cách nhạc cổ điển Tây Phương. Ông là một trong số
rất ít tác giả người Việt soạn luôn phần đệm đàn cho những ca khúc của mình. Có
nhiều ca khúc của Cung Tiến rất khó đệm bằng một cây guitar, cần phải có dương
cầm hay dàn nhạc phụ họa. Nói về Hương Xưa, tác giả nhớ lại rằng đã lấy nguồn
cảm hứng từ những giai điệu trong sáng, lãng mạn của Mozart. Một trong những ca
khúc để đời khác của Cung Tiến là Nguyệt Cầm. Trong tập Ca Khúc Cung Tiến phát
hành trước 1975, bên dưới tiêu đề Nguyệt Cầm là một dòng nhạc ngắn với chú
thích của tác giả: (Hồ Cầm) Romance en FA, Beethoven. Bởi vì những nốt nhạc đầu
tiên của Nguyệt Cầm “Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta…” được gợi
hứng từ giai điệu của một trong những tấu khúc nổi tiếng của nhạc sĩ thiên tài
người Đức, Romance viết ở cung Fa trưởng. Cũng ở phần tiêu đề, tác giả chép lại
4 câu thơ của Xuân Diệu để giải thích nguồn cảm hứng khi ông soạn lời ca khúc:
Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần
Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân…
Những ai đã từng hát, từng đàn ca khúc này sẽ
cảm nhận được cái hồn lãng mạn của ca khúc đậm chất Cung Tiến này. Giai điệu
khởi đầu như một đêm trăng thu tĩnh lặng. Giữa đêm trăng vang vọng một tiếng
đàn hồ cầm (cello) cũng tĩnh lặng, chậm rãi, khoan thai:
Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...
Ngập ngừng xa...suối thu dồn lá úa trôi qua
Sầu thu, sầu lên vút mịt mù, mà e nhớ hương mùa thu…
Rồi tiếng đàn khi trầm bổng, khi da diết, thổn
thức theo tâm trạng của người chơi đàn đơn độc trong đêm trăng lạnh, cô liêu,
huyền ảo…
…Long lanh long lanh ... trăng chiếu một mình,
khơi vơi khơi vơi ... nhạc lắng tỏ ngời
Nguyệt cầm ơi từng lệ ngân, ...
chết từng mùa Xuân...
Đêm ngời men nhớ...Nhạc tê ngời thuở xưa
Trăng sầu riêng chiếc... Trăng sầu riêng chiếc, sầu cho tới bao giờ ?
Những cảm xúc mãnh liệt bỗng dưng biến mất như những áng mây tan loãng trong
bầu trời đêm, trả lại một khung trời tĩnh mịch dưới ánh trăng vằng vặc…
Có thể nói Nguyệt Cầm là một trong những tuyệt
tác trong nghệ thuật sử dụng giai điệu và lời ca để tả cảnh, diễn đạt nội tâm
của người nghệ sĩ.
Khởi đầu sự nghiệp rất sớm với sự đón nhận
nồng nhiệt của khán giả như vậy, Cung Tiến đã có thể trở thành một nhạc sĩ phổ
thông vào bậc nhất của nền âm nhạc Miền Nam trước 1975. Nhưng ông đã không chọn
con đường đó. Những ca khúc đầu đời Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa, Nguyệt Cầm
cũng là những ca khúc được hát và biết đến nhiều nhất của Cung Tiến. Những sáng
tác về sau của ông rất kén chọn người hát, người nghe. Điều này có thể giải
thích là vì Cung Tiến sáng tác ca khúc trước tiên là cho mình, để thỏa
mãn niềm đam mê âm nhạc của chính mình. Ông đã từng nói rằng âm nhạc là một sự
tìm tòi không có điểm dừng, không có sự thoả mãn. Không có một nền âm
nhạc nào duy nhất thống trị trên thế giới. Sự cầu tiến, khuynh hướng sáng tạo
đã biến thế giới âm nhạc của Cung Tiến trở thành một cõi riêng, ở đó ông không
cần nhiều sự tán thưởng, đồng cảm của đám đông.
Ông ngưỡng mộ và phổ thơ của người bạn văn
nghệ của mình là Thanh Tâm Tuyền, một thi sĩ đi đầu trong phong cách thơ mới
đầy sáng tạo. Lệ Đá Xanh là một ca khúc phổ thơ Thanh Tâm Tuyền cũng đậm dấu ấn
Cung Tiến. Bài hát được đề tặng Phạm Đình Chương, tác giả của Nửa Hồn Thương
Đau, một ca khúc cũng lấy ý từ cùng bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, có cùng câu
hát: “… đôi khi anh muốn tin, ôi những người sống lẻ loi một mình…” Không
thể so sánh hai ca khúc về mặt nghệ thuật, nhưng chắc chắn là Nửa Hồn Thương
Đau có mức độ phổ biến cao hơn nhiều.
Ca khúc Mắt Biếc được Cung Tiến viết tặng cho
đôi mắt của người bạn đời của mình, Josee. Một bản nhạc tình dù vẫn nồng nàn,
âu yếm nhưng vẫn toát ra vẻ sang trọng, quý phái một cách thoát tục. Người Sài
Gòn còn nhớ một Mắt Biếc khác nữa của Ngô Thụy Miên, lãng mạn và tình tứ một
cách nhẹ nhàng. Mỗi ca khúc đều mang dấu ấn riêng của hai tác giả, nhưng Mắt
Biếc của Cung Tiếc vẫn chọn lọc người nghe người hát hơn.
Khi bắt đầu sống đời lưu vong tại hải ngoại
sau 1975, Cung Tiến bắt đầu sáng tác những ca khúc mang âm hưởng ngũ cung, khởi
đầu là bài Hoàng Hạc Lâu, phổ bản dịch bài thơ Đường bất hủ cùng tên của Vũ
Hoàng Chương, là người thầy dạy Việt Văn của ông. Dù là ngũ cung, nhưng Hoàng
Hạc Lâu vẫn mang âm hưởng trường phái ấn tượng Tây Phương của một “Claude
Debussy trong bài Claire De Lune” như nữ ca sĩ Quỳnh Giao đã từng nhận xét. Sau
đó, ông sáng tác Hợp Tấu Khúc Chinh Phụ Ngâm, lần đầu tiên được trình bày vào
năm 1988 bởi dàn nhạc giao hưởng San Jose, được cộng đồng người Việt hải ngoại
hết sức trân trọng. Ông còn tiếp tục phổ tập thơ tù Vang Vang Trời Vào Xuân của
Thanh Tâm Tuyền. Những ca khúc vẫn với cách diễn đạt mới mẻ, lắng đọng, đầy nội
tâm, phong cách mà cả nhạc sĩ lẫn thi sĩ đã chọn trong suốt sự nghiệp sáng tác
của mình.
Nhạc sĩ Cung Tiến và bạn hữu: từ trái, Giáo Sư Trần Huy Bích;
Nhạc Sĩ Cung Tiến, Nhà Thơ Trần Dạ Từ, Nghệ Sĩ Điện Ảnh Kiều Chinh, Nhà Thơ Nhã
Ca, Nhà Thơ Đỗ Quý Toàn tại Fountain Valley, 30 tháng 12, 2021.
Buổi họp mặt chiều đông 2021 đã trở thành lần
gặp gỡ cuối cùng của Cung Tiến với những người bạn văn nghệ tri kỷ. Trưa thứ
Năm ngày 2 tháng Sáu, trong buổi tang lễ của người nhạc sĩ, một xấp nhạc trong
đó có các bản Symphony #5 và #8 của Mahler được đặt ngay ngắn trên bàn thờ -gia
đình cho biết những bài nhạc này được chuyển từ bàn viết của ông đến đây, những
giờ phút cuối cùng Ông vẫn đang nghiên cứu và học hỏi.
Khi nghe tin nhạc sĩ Cung Tiến đã từ giã chúng ta, nghệ sĩ Kiều Chinh đã ngậm
ngùi thốt lên: "Bạn ơi, chúc bạn đi yên lành, và hẹn ngày tất cả
chúng ta sẽ gặp lại."
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn trong tang lễ của nhạc sĩ Cung Tiến vào trưa thứ Năm, ngày
2 tháng 6 tại Camarillo đã nói: "Ban nãy, chị Josee có nói rằng
anh Cung Tiến có thể đang ở đây. Vậy Cung Tiến bây giờ ở đâu. Mình không biết
được. Nhưng mình biết rằng theo quan niệm của Phật Giáo không phải chỉ có một
thế giới này, ở chỗ này, mà có tới 3000 đại thiên thế giới. Cung Tiến có thể không
đang ở thế giới này, mà ở một thế giới khác. Anh Cung Tiến đã ra đi, chúng ta
có thể đoán được rằng anh vẫn đang ở một thế giới nào đó, rất có thể mình sẽ
lại gặp anh ấy, lại nhận ra nhau. Tôi muốn chia xẻ với gia đình, với chị Josee
và cháu Đăng Quang, rằng Cung Tiến vẫn đang còn ở với chúng ta."
Rồi tất cả những cây đại thụ của nền văn học nghệ thuật Miền Nam cũng sẽ lần
lượt từ giã trần thế, chỉ còn để lại những áng văn, vầng thơ, câu nhạc cho đời.
Mỗi người sẽ chọn cho mình một cõi bên kia thế giới. Qua những ca khúc của
mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã nhắn nhủ với đời rằng ông sẽ trở lại cõi người ta để
tiếp tục làm tình nhân, để tiếp tục yêu và được yêu.
Còn Cung Tiến?
Cõi nhạc của Cung Tiến đã là một cõi riêng.
Kiếp sau của Cung Tiến vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng chắc chắn, ông đã có một nơi
chốn vĩnh cữu trong trái tim của những người yêu nhạc Cung Tiến, và tất cả
những ai lấy sự toàn bích của cái đẹp trong nghệ thuật là đích đến của cuộc
đời.
***
Cung Tiến (1938-2022)
Cung Tiến sinh tại Hà Nội ngày 27 tháng Mười
Một, 1938, tạ thế ngày 10 tháng 5, 2022, Ông ra đi thanh thản nhẹ nhàng bên
người thân.
Ông tên thật là Cung Thúc Tiến. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký
âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian
1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Úc ngành kinh tế và ông có theo tham dự các
khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại A m nhạc viện Sydney.
Trong những năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh
(British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge, Anh, ông
đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại Sydney Music
Conservatory.
Ngoài các ca khúc, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm năm 1987,
soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3, 1988 tại San
Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn
Học nghệ thuật quốc khánh 1988.
Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát,
dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, với tài trợ của The
Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca
Việt Nam khác, ông đã soạn Tổ khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 1997,
ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm
thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này. Năm 2003, Cung Tiến đã trình làng một
sáng tác nhạc đương đại "Lơ thơ tơ liễu buông mành" dựa trên một điệu
dân ca Quan họ. Ông đã nhận được giải Artist-in-Residency từ The Schubert Club,
St. Paul, Minnesota. Ông là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác The American
Composers Forum từ năm 1882-98.
Ngoài sáng tác, Cung Tiến còn đóng góp nhiều khảo luận và nhận định về nhạc
dân gian Việt Nam cũng như nhạc Hiện đại Tây phương. Trong lãnh vực văn học,
những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương, Cung Tiến cũng đã từng
đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật,
cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm, và Văn. Hai trong số các truyện ngắn ông dịch
và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky và cuốn Một
ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn.
------------------------
Nhạc sĩ Cung Tiến: “Hoài cảm” về một “hương xưa’’ đã mất (Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Nhạc sĩ Cung Tiến được giới nghiên cứu cho là “Thần đồng âm nhạc”. Khi mới 15 tuổi, ông đã sáng tác ca khúc Thu vàng, rồi sau đó là Hoài cảm. Đã có một số so sánh cho rằng Cung Tiến tìm được xúc cảm để viết hai ca khúc nổi tiếng trên từ bản Romance cung Fa của Beethoven. Và thật, nếu nghe kỹ, người am hiểu, có kiến thức căn bản về âm nhạc đều thấy có nét tương đồng ở việc lặp lại cùng mô típ, đường nét và tư tưởng âm nhạc.
Tuy vậy, trong sáng tạo, những tư tưởng lớn gặp nhau vẫn là chuyện thường xảy ra.
Chưa khi nào Cung Tiến tự nhận mình là một nhạc sĩ, dù ông đã có những kiệt tác về âm nhạc. Ông luôn nói mình chỉ là “dân amateur”, tay chơi, một người viết nhạc nghiệp dư. Không phải Cung Tiến quá khiêm tốn, mà chỉ là ông có một quan niệm rất khắt khe. Ông cho rằng, khi bạn tận tâm làm một nghề gì đó và sống được với nghề, thì mới là chuyên nghiệp. Nếu không, bạn chỉ là một kẻ qua đường.
Cung Tiến từng nói với nhạc sĩ Phạm Duy rằng, các bài hát của mình thực ra cũng chỉ là những “bài tập”. Và dù vậy, ông vẫn nỗ lực và gắn bó với âm nhạc cho đến những giây phút cuối đời.
Ca khúc Hương xưa- ca sĩ Duy Trác:
Nhà thơ Du Tử Lê từng nhận xét về Cung Tiến: “Nhiều người cùng giới với nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng, đa số ca khúc của ông được viết trên căn bản bán cổ điển Tây phương, nên giai điệu rất sang trọng. Theo tôi, chúng ta có không ít nhạc sĩ xây dựng sáng tác của mình trên khung, nền bán cổ điển Tây phương. Nhưng rất ít người cho phần ca từ của họ nhiều hồn tính Đông phương như Cung Tiến”.
Tôi có kỷ niệm khá cảm động và cũng nhiều hối tiếc vì những kế hoạch còn dang dở, chưa kịp thực hiện trước khi ông đi xa. Cách đây hai năm, vợ chồng ca sĩ Camille Huyền và Trương Đình Ngộ - Giám đốc Nhà hát Bến Xuân (Huế) - có ngỏ ý nhờ tôi kết nối thực hiện một chương trình âm nhạc giới thiệu những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Cung Tiến. Và điều quan trọng nhất là nhạc sĩ Cung Tiến đã đồng ý cùng chúng tôi thực hiện chương trình này.
Ca sĩ CamilleHuyen hát nhạc Cung Tiến ở Thuỵ Sĩ.
Có được cơ duyên này do nhạc sĩ đánh giá rất cao tiếng hát của ca sĩ Camille Huyền, người đã hát nhiều ca khúc nổi tiếng của ông ở nước ngoài, trong đó có nhiều bài phổ thơ Hàn Mặc Tử. Và Cung Tiến đã cho phép Camille Huyền thực hiện một CD nhạc gồm những ca khúc của ông.
Từ giới thiệu của anh Ngộ, tôi đã viết email cho nhạc sĩ Cung Tiến để tham vấn, và xin thêm những góp ý trực tiếp của ông. Cung Tiến rất vui. Trong vài email, ông nhấn mạnh với tôi rằng điều cần nhất là phải làm sao tìm được những ca sĩ mới hát nhạc của ông. Và phải “hay như Camille Huyền”. Đặc biệt là các giọng nam. Và thực sự, đây quả là một thử thách. Nhạc của ông sâu sắc, uyên bác nhưng rất kén ca sĩ. Phần còn lại các ca sĩ “khá sợ” nên ít ai sẵn lòng để hát!
Công việc tính toán điều phối đang còn trên máy thì COVID-19 bùng nổ. Suốt một thời gian dài, mọi sinh hoạt văn hóa, trình diễn phải gián đoạn. Và hôm nay, khi mọi việc có thể bắt đầu trở lại thì chúng tôi nhận được tin nhạc sĩ Cung Tiến đã ra đi!
Ôi, những “hương xưa”, của “nguyệt cầm”, “hoài cảm”… phút giây đã lạc bến về đâu?
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Nhà kinh tế viết nhạc
Thừa hưởng gen nghệ thuật từ cha vốn là một nhà thơ, nhưng từ nhỏ, cậu bé Cung Thúc Tiến lại có thiên hướng về âm nhạc. Ngoài những lớp ký xướng âm được học ở trường trung học, phần lớn ông tự học nhạc là chính.
Nhạc sĩ Cung Tiến thời trẻ
Hai ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Cung Tiến là Thu vàng và Hoài cảm, viết năm 1953, khi ông chỉ mới là một thiếu niên 15 tuổi. Nhưng cả hai ca khúc đều cho thấy sự chín chắn, trưởng thành từ giai điệu đến ca từ.
19 tuổi, chàng trai Cung Thúc Tiến nhận học bổng du học ngành kinh tế tại Úc. Năm 1970, một lần nữa ông lại được Hội đồng Anh (British Council) trao học bổng nghiên cứu về kinh tế tại Đại học Cambridge. Trong hai lần đi du học, ông đều dành thời gian trau dồi âm nhạc. Khi ở Úc, ông dự các khóa về dương cầm, hòa âm, phối khí… tại một trường nhạc ở Sydney. Thời gian tu nghiệp ở Anh, ông cũng tham gia các lớp nhạc lý hiện đại, sáng tác âm nhạc…
Dù nhạc sĩ Cung Tiến luôn tự nhận mình là người “dạo chơi trong âm nhạc”, nhưng những ca khúc ông sáng tác luôn được giới chuyên môn đánh giá cao về học thuật, ca từ trau chuốt, lãng mạn và đẹp như thơ, điển hình cho sự điêu luyện và chuyên nghiệp bậc nhất.
Giới âm nhạc nhận xét ca khúc Hương xưa (1957) là sự kết hợp hoàn hảo giữa chất liệu âm nhạc phương Tây và ca từ đậm chất Á Đông. Ca khúc này ông viết tặng người bạn thân là ca sĩ Duy Trác. Và cho đến nay, ca sĩ Duy Trác vẫn được xem là người thể hiện ca khúc này thành công nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến nhận ra sức hấp dẫn và chất âm nhạc trong thơ ca. Ông cho rằng, khi thơ có thêm yếu tố âm nhạc song hành, sẽ tạo ra một chiều kích khác, và mang đến nhiều cảm xúc mới mẻ. Từ đó, phần lớn các sáng tác của ông được phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, hoặc từ ý thơ của Xuân Diệu…
Dù có thời gian dài sống ở Mỹ, nhưng tâm hồn Việt và chất liệu của âm nhạc dân gian Bắc bộ vẫn thấm đẫm trong tâm hồn ông. Năm 1987, Cung Tiến hoàn tất tấu khúc Chinh phụ ngâm, soạn cho 21 loại nhạc cụ. Tác phẩm được dàn nhạc thính phòng San Jose trình diễn lần đầu vào tháng 3/1988 tại San Jose, California.
Năm 1993, ông nhận một tài trợ cho công trình nghiên cứu quan họ Bắc Ninh, các thể loại dân ca Việt Nam. Ông đã soạn Tổ khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 2003 ông tiếp tục khai thác chất liệu quan họ trong tác phẩm nhạc đương đại Lơ thơ tơ liễu buông mành.
Ngoài sáng tác âm nhạc, công chúng còn biết ông ở lĩnh vực văn chương với bút hiệu Thạch Chương. Ông là dịch giả của tập sách Hồi ký viết dưới hầm của nhà văn Nga Dostoievsky. Những năm cuối đời, ông có cuộc sống bình yên ở Mỹ với gia đình và âm nhạc.
Theo cáo phó của gia đình, nhạc sĩ Cung Tiến qua đời ngày 10/5 tại Los Angeles (Mỹ), hưởng thọ 83 tuổi. Tang lễ được tổ chức ngày 2/6 trong phạm vi gia đình và thân hữu. Sau khi hỏa táng, tro cốt của nhạc sĩ sẽ được đặt tại nhà tang lễ, công viên tưởng niệm núi Conejo, California (Mỹ)
PV
------------------------
Cung Tiến - Thiên tài âm nhạc Việt Nam đã về kiếp mơ xa
Tin nhạc sĩ Cung Tiến qua đời gần một tháng mới được công bố khiến cho người yêu nhạc Việt ngỡ ngàng không tin đó là sự thật.
Không phổ thông như nhạc Trịnh Công Sơn, hay các dòng nhạc Bolero của một thời lay động nhiều thế hệ người nghe, nhạc Cung Tiến ở tần số lạ dành cho những tâm hồn hoài cổ, những giai điệu và ca từ ở cung bậc sang quý chỉ dành riêng cho một vài thế hệ “hồn muôn năm cũ”. Sau khi ông định cư ở Mỹ, một thời gian khá dài, các ca khúc của ông vắng mặt ở quê nhà với lý do kiểm duyệt.
Đến những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3, ca sĩ Camille Huyền (Việt kiều Thụy Sĩ) đã được cấp phép hát nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến ở Việt Nam, sau đó chị có ra album cho các ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến vào năm 2008 cùng với nhạc sĩ Walther Giger.
Hai bản nhạc đầu tiên thời niên thiếu của một tâm hồn nhạy cảm
Chưa kể đến giai điệu, chúng ta không thể nào hình dung một thiếu niên 14, 15 tuổi đã viết lời cho bài Hoài cảm và Thu vàng với những hình ảnh vượt ngoài sức tưởng tượng của những thế hệ cùng thời hoặc lớn hơn. Như những câu trong Hoài cảm:
Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người đâu ân tình cũ
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa
Hay trong Thu vàng:
Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái
Ca từ một số bản nhạc như một bức tranh phong cảnh lãng mạn quê nhà buồn man mác, bằng ngôn từ rất mới và sang quý kết hợp cùng giai điệu như chắp cánh nâng tâm hồn người thưởng thức vào cảnh giới thinh văn của nhạc sĩ.
Người ơi
Một chiều nắng tơ vàng hiền hòa
Hồn có mơ xa
Người ơi
Đường xa lắm con đường về làng
Dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru
Còn đó bóng đa hẹn hò
Còn đó những đêm sao mờ
Hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu
(Hương xưa)
Đặc biệt, trong ca khúc Hương xưa gợi lên nỗi nhớ nhung, mong chờ của tác giả. Có một số nhận định nói bản nhạc Hương xưa nhắc đến nhân vật Quỳnh Như, nhắc về mối tình của vừa lãng mạn và bi thương giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như thời Lê mạt - Nguyễn sơ của Việt Nam. Cả bài hát nhuốm một màu sắc nuối tiếc về những ngày yêu dấu cũ không thể tìm lại, vì đường về quê còn xa nên niềm mong ngóng đó thật mơ hồ như là một giấc mơ.
Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...
Ngập ngừng xa... suối thu dồn lá úa trôi qua
(Nguyệt cầm)
Tôn giáo trong âm nhạc Cung Tiến
Âm hưởng thánh ca, một số ca từ hướng đến hư vô, hồn, tái sinh và mơ về kiếp xa xôi… trong ca khúc của nhạc sĩ.
Ôi, những đêm dài
hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người
Hay:
Nay đời tan biến trong hư vô
Ngoài sáng tác, ông còn phổ thơ của các thi sĩ: Thôi Hiệu, Quang Dũng, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ…
Giai điệu phương Tây chuyển tải tự tình dân tộc
Trong hội họa, các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương được học kỹ thuật hội họa phương Tây nhưng khi các họa sĩ thể hiện tác phẩm thì nội dung hầu hết là hồn dân tộc. Trong âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến cũng vậy, các giai điệu mang âm hưởng cổ điển phương Tây nhưng ca từ lại là những tự tình dân tộc.
Nghe Hương xưa của Cung Tiến qua tiếng hát Duy Trác:
Tiểu sử nhạc sĩ Cung Tiến:
Nhạc sĩ Cung Tiến sinh ngày 2.11.1938, tên thật là Cung Thúc Tiến. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cụ thân sinh của Cung Tiến là một nhà thơ, một nhà cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trong gia đình Cung Tiến không có ai theo con đường âm nhạc, nhưng ông lại đam mê âm nhạc từ nhỏ. Cung Tiến bắt đầu sinh hoạt văn nghệ từ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.
Ngay từ thời niên thiếu, Cung Tiến đã được học nhạc tại trường trung học Nguyễn Trãi khi còn ở Hà Nội. Năm 1952, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn và học các lớp ký âm, xướng âm do hai nhạc sư nổi tiếng là Thẩm Oánh và Chung Quân hướng dẫn.
Đến năm 1957, Cung Tiến tiếp tục cho ra đời thêm một ca khúc để đời “Hương xưa”, đề tặng người bạn thân của ông là Khuất Duy Trác (danh ca Duy Trác), Duy Trác cũng là người trình bày thành công nhất ca khúc này. Ông tâm sự:
“Hồi đó tôi học đệ nhất, bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so với cảnh chiến tranh, lúc đó vào khoảng năm 1957-1958, so sánh hai trường hợp cảnh chiến tranh hiện đại và cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương xưa”.
Sau khi học xong trung học, năm 1956, Cung Tiến nhận được học bổng sang Úc học về kinh tế. Từ giai đoạn từ năm 1957 đến 1963, ông đi du học ở Úc. Ngoài học ngành kinh tế, trong thời gian rảnh, Cung Tiến đi học thêm âm nhạc như hoà âm, đối điểm, tổ khúc, phối âm… tại Nhạc viện Sydney. Lúc ấy, ông mới khám phá ra những khía cạnh khác của âm nhạc, không phải chỉ một melody, một làn điệu mà còn nhiều yếu tố khác tạo nên âm nhạc. Từ đó trở đi, Cung Tiến rất ý thức việc phổ thơ, phổ nhạc vào thơ. Ông cho rằng “vì thơ đứng một mình đọc cũng được, nhưng nếu có nhạc đi kèm vào, phụ họa vào thì nó có một chiều kích (dimension) khác, một kích thước khác, gọi là ca khúc nghệ thuật, “art song”, tức là lấy một văn bản có giá trị như thơ viết thành nhạc và cho vào bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc bằng một đàn ghita hoặc một ban nhạc”.
Năm 1965, Cung Tiến kết hôn cùng với một người con gái Việt xuất thân từ trường nữ Marie Curie ở Sài Gòn, hai người quen biết nhau khi ông còn du học ở Úc.
Từ năm 1970 đến 1973, Cung Tiến được học bổng cao học của Hội đồng Anh (Bristish Council) để nghiên cứu về kinh tế phát triển tại trường đại học Cambridge. Trong thời gian đó, ông trau dồi thêm về âm nhạc bằng cách tham dự các lớp về nhạc sử, nhạc học và nhạc lý hiện đại. Cũng kể từ đó, phong cách sáng tác của Cung Tiến cũng thay đổi hẳn.
Sau 1975, khi đang ở hải ngoại, Cung Tiến cho ra đời nhạc tấu khúc “Chinh phụ ngâm” vào năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27.3.1988 tại San Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose và đã đạt được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Quốc khánh năm 1988.
Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập “Ta Về”, thơ Tô Thuỳ Yên cho giọng hát, dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng.
Năm 1993, Cung Tiến đã soạn “Tổ khúc Bắc Ninh” cho dàn nhạc giao hưởng với sự tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác.
Năm 1997, với sự chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm trong âm nhạc của mình Cung Tiến đã được ca đoàn Dale Warland Singers đặt một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này.
Năm 2003, Cung Tiến ra mắt sáng tác nhạc đương đại “Lơ thơ tơ liễu buông mành” dựa trên một điệu dân ca Quan họ. Đồng thời ông cũng là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Cung Tiến là một trong số những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng theo dòng nhạc tiền chiến. Ông được xem là nhạc sĩ trẻ tuổi nhất có sáng tác được phổ biến rộng với ca khúc “Hoài Cảm”, “Thu Vàng” khi chỉ mới 14 tuổi. Thật không thể tưởng tượng dù chỉ mới 14, 15 tuổi mà ông lại có một nỗi khắc khoải như thế, về nỗi nhớ, về cố nhân. Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Cung Tiến còn đóng góp rất nhiều khảo luận cũng như là những nhận định về nhạc dân gian Việt Nam và nhạc Hiện đại Tây Phương.
Trong văn học, Cung Tiến đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học hay như dịch thuật, cho các tạp chí: Sáng tạo, Quan điểm, Văn… vào những thập niên 1950 và 1960, với bút hiệu Thạch Chương. Hai trong số các truyện ngắn mà ông đã dịch và xuất bản ở Việt Nam, đó là cuốn Hồi Ký viết dưới hầm của Dostoievsky và Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục viết cho một số báo với bút danh Đăng Hoàng.
Những bài báo khác trong nước về sự ra đi của ông:
Tôi đang tìm 1 số sách (hard copy) xuất bản ở hải ngoại như sau. Quý anh chị & các bạn nào biết tủ sách nào có hay không dùng nữa có thể cho tôi xin/ mua lại ạ.
Mọi chi tiết xin comment ở đây hoặc gửi mail về giúp tôi qua huyvespa@gmail.com
Xin cám ơn mọi người rất nhiều!
1. Hôn Em Kỷ Niệm (tập nhạc của Duyên Anh) (NXB Nam Á)
2. Em tôi Saigon & Paris (thơ Duyên Anh) & Thơ Tù