Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Một vài tài liệu sưu tầm về nhạc sĩ Lê Thương

Trung Thu, chắc ít ai là không nhớ đến bài hát thiếu nhi kinh điển Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương (ngoài ra còn những bài Thiếu Nhi Ca nổi tiếng khác như Học Sinh Hành Khúc, Ông Ninh Ông Nang,…), thật trùng hợp Trung Thu năm nay lại trùng với ngày mất của ông (17/9).

Nhớ tới Lê Thương là nhắc đến trường ca Hòn Vọng Phu, là nhắc đến Xuân Thu Nhạc Kịch, là nhắc đến ký giả Lê Thương, là nhắc đến nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Thương, là nhắc đến truyện ca Lê Thương (Lòng mẹ Việt Nam,…)

(1 số tài liệu về người nghệ sĩ tài hoa này, trong đó có 1 số trong tập sưu tầm & gom góp tài liệu của…chính nhạc sĩ mà mình may mắn lưu giữ.)













Xuân Thu Nhạc Kịch gắn liền với những bước đầu của tân nhạc Việt. Nhóm do Lê Thương & Võ Đức Thu cùng những người bạn thành lập. Trong hình là những tờ bướm có thể nói là từ những ngày đầu ban này trình diễn (khởi đi từ nhà hát lớn Hà Nội & sau này mang sang cả Nam Vang), trong tập hồ sơ này có lời chú với bút tích của chính tác giả “Buổi diễn đầu tiên của Lê Thương tại Saigon 15/8/1948) bên cạnh ông giữ lại tờ bướm của Lòng Mẹ Việt Nam

P/s: 2 bài về mẹ rất hay mà ít tiếp cận khán giả là bài này và bài Bà Mẹ Hai Con của Nguyễn Văn Đông: cũng là một truyện-ca: kể về câu chuyện đứa em ở nhà phải giả thư người anh viết về cho mẹ hàng tháng khi nghe tin anh tử trận.






















Comment của 1 người bạn bổ túc 1 số thông tin khi thấy những tờ bướm trên:
"Bravo và xin chủ kênh cho phép được đưa bài này về trang nhà của tôi nhé. Vì nó có rất nhiều tại liệu vô giá về buổi đầu tân nhạc Việt Nam được ghi lại trên mặt chữ. Qua đó, chúng ta có thể nhận ra được hầu hết những tên tuôi thành danh của nền tân nhạc Việt Nam sau này. Lúc đó, họ đều sử dụng tên thật, ngoại trừ cô Mộc Lan là có nghệ danh, vì cô đóng vai nàng Mộc Lan trong vở nhạc kịch Trên Sông Dương Tử của nhạc sĩ Lê Thương. Trong mớ tài liệu này, chúng ta thấy sự xuất hiện của Phi Phi, tức là nhạc sư dương cầm Nghiêm Phú Phi. Ông sinh năm 1930, lúc đó mới 18 tuổi, và là đệ tử ruột về môn dương cầm của nhạc sĩ Võ Đức Thu, trước khi ông Phi được gia đình cho du học sang Pháp. Ông Phi là người Bắc nhưng sống trong Nam từ nhỏ. Nhạc sĩ Đan Phú là em nhạc sĩ Đan Thọ cũng người Bắc. Ông Phú hiện còn sống tại Sài Gòn. Hoàng Đạt chính là tên thật của nhạc sĩ Lâm Tuyền, tác giả bài Khúc Nhạc Ly Hương. Ông Lâm Tuyền là em Dạ Chung tức Hoàng Vĩnh Lộc. Dạ Chung cũng được biết dưới cái tên trên khai sinh là Hoàng Liêu, lúc đó làm Tiếp Viên Hàng Không cho hãng Hàng Không Việt Nam. Võ Đức Lang là con trai Võ Đức Thu, chơi dương cầm rất giỏi, về sau sang Pháp du học năm 1950 cùng khoảng thời gian với Nghiêm Phú Phi. Còn cái tên Văn Sanh hát hợp ca chính là người đã dẫn dắt nhạc sĩ Lam Phương vào con đường ca hát và sáng tác tân nhạc. Nguyễn Ngọc cũng là ca nhạc sĩ buổi đầu, và ông mới mất ở Las Vegas. Vợ ông, tức nữ nghệ sĩ chơi hạ uy cầm Huyền Nga, là em nhạc sĩ Văn Thủy, đồng tác giả bài Dứt Đường Tơ sáng tác chung với Dzoãn Cảnh. Cô Sự hát bài Chinh Phụ Hoài Khúc chính là nữ danh ca Minh Diệu. Lúc đó, cô vẫn lấy tên thật là Sự để đi hát. Nguyễn Thống và Nguyễn Tình là 2 nghệ sĩ nhảy thiết hài nổi tiếng bấy giờ, 1 trong 2 người sau này có người em gái sẽ về làm vợ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Cô Ngọc Trâm ca bản Viễn Du của Võ Đức Thu chính là nữ danh ca Minh Trang khi sử dụng tên thật để lên sân khấu ca hát. Châu Kỳ tức nhạc sĩ sáng tác sau này và cũng là người chồng đầu tiên của cô Mộc Lan. Tôn Thất Sô lúc đó là một ca sĩ đi hát trong ban Thần Kinh Nhạc Đoàn, bây giờ chắc không ai còn nhớ tới nữa. Thanh Tâm có thể là tên thật của cô ca sĩ Kiều Nga đã có thâu dĩa bài Chiều Vàng rất nổi tiếng lúc đó. Trần Văn Khê thì ai cũng biết rồi, nhưng cái tên cô Thiều mà những giòng ghi chú trên các tài liệu này thì mới là đặc biệt. Cô tên Nguyễn Thị Thiều, nữ sinh viên Đại Học Hà Nội cùng thời gian với Trần Văn Khê. Cô theo học ngành Hộ sinh tức Nữ Y Tá bây giờ. Cô Thiều là người hát bản Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương đầu tiên trên sân khấu Sài Gòn năm 1938. Cô Thiều cũng là người hát bài Tiếng Gọi Sinh Viên đầu tiên tại Đại Học Hà Nội năm 1943 chung với cô Phan Thị Bình, vợ của Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn. Bài hát này sẽ được sử dụng là bản Quốc Ca chính thức của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sau này. Xin cảm ơn chủ kênh đã đưa lên Facebook, giúp lưu giữ những tài liệu quý giá mà tiền tài chưa chắc gì mua được."





Phạm Duy trên Sáng Dội Miền Nam

“Dìu Nhau, Cho Nhau, Tìm Nhau... có người hiểu nhầm đó là những khúc tình ca của hai người...

Sự thực, tôi đặt những bài đó vào lúc sau chiến tranh, con người đi tìm ấm cúng.”

(Phạm Duy trên tạp chí Sáng Dội Miền Nam số ra mắt, tháng 8/1959)



Phạm Duy trên nguyệt san Sáng Dội Miền Nam qua các số báo trong năm đầu tiên 1959.

Ông phụ trách cả hai trang Âm Nhạc & Điện Ảnh.

SDMN với sự cộng tác của các tên tuổi lẫy lừng của nền nghệ thuật miền Nam, trong đó có hoạ sỹ Tạ Tỵ, Duy Liêm, trình bày: Văn Thanh… nên các bức hình minh hoạ & cách layout thật rực rỡ & ấn tượng. 





















Một vài sách sưu tầm văn chương miền Nam & hải-ngoại


Top 10+ tập thơ của các tác giả miền Nam xuất bản ở hải-ngoại sau 1975 tôi yêu, những quyển sách mà có chút tự hào & may mắn để nói “có tiền chưa chắc mua được”.

List này còn thiếu 2 quyển thơ của Duyên Anh (Thơ Tù - NXB Nam Á 1987; Em Tôi Saigon Và Paris 1989 & & 2 quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên (Tâm Dung - NXB Người Việt & Chuông Mơ - NXB Văn Nghệ) mà tôi CHƯA tìm được.















Thơ PHẠM CHU SA trên TUỔI NGỌC 






NGUYỄN THỊ HOÀNG 







HUY TƯỞNG 
Lục bát của Huy Tưởng như những giấc mơ trong “vườn chiêm bao” vừa cô liêu vừa day dứt…
…Sự tịch mịch, lặng lẽ…nhưng vang vọng trong một chiều không gian nào đó, một nét cọ dường-như-vô-tình vẩy lên tấm toan trắng… vướng trên đó một ảo hình khó phai.
Trên những vùng trời viễn mộng đó, chập chờn ẩn hiện tử sinh – tồn vong – thân phận – sự mắc kẹt ..cuộc trốn chạy, đuổi bắt của những thành hình & vô hình… nhận thức vs. vô thức, sự tất bật của khối kính vạn hoa màu sắc, âm điệu, hình ảnh, có lý và vô lý như lời của một con “Bướm khuya gáy đỏ mơ người/ Chim bay ngút mộ ghi lời cuối sương…”
Ngôn ngữ trong thơ Huy Tưởng mênh mang một hương vị thiền nhưng cũng vừa đó một thật của nỗi đau, thật của một cơn mộng, thật của một cõi “dưới dương thế cũng sa mù”, thật của một nghi vấn “Chao ôi tóc Ngã rợp trời/ Sao không phủ xuống ghi lời Pháp Châu?”
Giữa những lời nói, giữa những hình ảnh thoáng hiện qua mắt, giữa những niềm vui – nỗi buồn, giữa những lối về cố quận, giữa những chuyến đi vào lòng sống…là thơ..
Tôi muốn cảm ơn thơ của Huy Tưởng, đã nói lên những vô ngôn ấy, trong khắp cùng của…
“Mít mùng cành im lặng
Khói xanh mù,
khói điên…”
…Trước tiên, hãy cùng tôi đọc lại những phiêu diêu của vòm trời thơ Huy Tưởng trong những số báo Tuổi Ngọc (tuần san cho lứa tuổi…teenager, trước 1975), có thể là những bài thơ đầu tiên xuất hiện của tác giả…Một tâm tư của một thanh niên 30 tuổi…trong thế giới “siêu thực” và “bất quy tắc” của mình…












Cũng như Mai Thảo, tác phẩm cuối cùng của Thanh Tâm Tuyền cũng là một tập thơ được xuất bản ở ngoài nước, cả hai tập thơ của 2 tác giả “lẫy lừng” ấy đều tạo nên một cơn địa chấn, gây dư vang và để lại nhiều âm ba trong lòng độc giả. (có thể đọc trọn vẹn tập thơ độc đáo này ở link bên dưới) (2 tập thơ này cũng thuộc top 10 tập thơ yêu thích của tôi: ngoài ra còn có thể kể đến Thuỷ Mộ Quan - Viên Linh/ Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn - Cao Đông Khánh…)
Trong Thơ Ở Đâu Xa, người ta thấy có nỗi buồn và có niềm đau. Có sự cảm nhận buốt sắc về hiện sinh, về định mệnh mình. Nhưng kẻ thi sĩ ấy vẫn không chịu ngã gục hoặc nằm vùi trong sầu khổ.
Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc cũng đã viết 1 tiểu luận về tập thơ xuất sắc này, mời đọc ở phần comment.
Xin trích ra 2 trong số nhiều bài tôi thích trong thi tập này:
trú mưa trên phố hoà hưng
Đột nhiên rào trận thiết tha
Lạc trên phố bạn nhớ nhà thân quen
Trú chân hiên dột ướt mèm
Cửa sau lưng đóng nhá nhem mưa dầm
Mưa như xưa xối âm thầm
Réo um gió bạt nhoè câm bóng hình
Cố tri trời dội vong tình
Âm u sấm lảng nhạt dềnh chớp khuya
Đạp xe lặn lội đường về
Lênh đênh cây tối bộn bề gió lay.
./.
ngã trên núi việt hồng ở yên báy khi đi vác nứa
Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu
Duỗi soải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu
Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng sước đau
Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhoà hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà ở đâu?
















“Đứng im ngoài hàng giậu

Em mỉm nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Vừa thoáng nghe em hát

Lời em ca thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu.”

Bài thơ mang tựa đề «Thược dược». Tên một loài hoa. Nhưng kỳ thực Thoại nói tới tính thể thơ bằng những chữ vô cùng đơn giản qua sáu câu dung dị. Nói tới đạo rất bình thường mà chân xác.

Thơ là lúc ngôn ngữ chồm lên. Ngôn ngữ là suy tư giáng hình. Như ngọn lá không chỉ là tấm phiến đung đưa trong gió. Lá là một toàn thể màu sắc, thớ chất, mùa màng, cộng với sức chuyển vận mặt trời ra cuộc sống cây, tiếp rừng, đơm quả.

Ngôn ngữ Việt thành văn im lặng sau mười thế kỷ lệ thuộc, bỗng chồm lên lần đầu ở thế kỷ 10 với dòng văn thơ thiền Phật giáo. Dấy lên lần nữa qua Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15. Rồi rực rõ với Nguyễn Du. Mãi gần đây, dường như lại cuồn cuộn qua Bùi Giáng. Mỗi lúc ngôn ngữ chồm lên để hưng sinh là một lần tư tưởng Việt định hình.

Thơ Quách Thoại không đưa ngôn ngữ chồm lên. Nhưng Thoại nắm được sợi giây truyền thống giữ cho

thơ Việt không đắm chìm dao động.

Hình ảnh hoa cười dùng trong thơ khá cũ và thường. Nhưng khi nói thược dược mỉm nụ nhiệm mầu thì đã khác lắm. Cũng thế, ví người yêu như hoa là sáo. Song gọi thược dược bằng em đang đứng im ngoài hàng giậu, thì tứ thơ quả là mới và lạ, diễn đạt một cái gì ngoài hoa. Thi sĩ lại đặt mình ngang hoa. Xem hoa như người, theo chân lý bình đẳng của vũ trụ. Sự chấp nhận ấy tạo nên giao đồng, tương kính, chân nhận giá trị nhau qua mỗi lần kinh ngạc khám phá. Kinh ngạc, cánh cửa đầu của nhận thức đạo. Nhận thức này giúp thi sĩ vượt vùng giới hạn tri thức chỉ thấy hoa qua thực vật của hương và sắc. Trong khi ấy tiềm năng hoa còn cả thanh âm của tiếng mà lỗ tai người không bắt kịp. Tiếng hát trăm hoa chuyển rung nghìn thế kỷ, qua muôn nẻo tinh hà. Thoại kinh ngạc nắm bắt chân lý ấy.

Hóa ra những cánh hoa mỏng manh sớm nở tối tàn kia cứ sống hoài không chết. Thế thì nỗi buồn thương ly biệt mà người than khóc bấy lâu nào khác chi những phát hiện phù phiếm trong cơn thác loạn mất trí nhớ ban đầu? Không là thi sĩ, làm sao mình trở lại gặp mình như Thoại. Thi sĩ, kẻ có đôi hài vạn dặm vượt bước qua mọi vùng giới hạn kiếp người (Grenzsituation). Ý thức điêu này, Thoại «sụp lạy cúi đầu». Lạy nụ nhiệm mầu đã khiến mình kinh ngạc khi ngó thấy sắc và hương của hoa chuyển thanh ra tiếng hát. Cúi đầu lạy hoa, nhưng hoa đó cũng chính là mình. Mình của một toàn thể vũ trụ tương quan tương liên, khi chưa bị giáo điều cắt vụn thành những mẩu nhân sinh cô độc quằn quại trong đau đớn. Mình-của-xưa-nay bị trầm luân trong muôn vạn mình giả danh.

Người xưa khe khắt với thơ lắm. Thơ hay phải có tứ thơ sâu, ý thơ thực, nhạc thơ tròn, hướng thơ vút, lời thơ mới, bài thơ lạ. Họ rút vào sáu quy tắc: thâm, chân, viên, cao, tân, kỳ. Thiếu một trong sáu yếu tố ấy, thơ xem như non. Mà thơ non thì cũng như không thơ.

Bài «Thược dược» gom đủ sáu chất thơ này. Còn dẫn thơ vào đạo. Đạo là đường đi cho những bước chân chưa biết dẫn đời mình về đâu sau mỗi 24 giờ lao tác, ăn ngủ, lúc nhúc làm tình nơi những hộp nhà giam hãm. Trong khi ấy, bên ngoài vũ trụ vẫn tiếp tục sáng thế. Vũ trụ chưa xong chuyện bảy ngày. Vũ trụ còn duỗi mãi chân không gian vào chốn thơ kỳ vĩ tuyệt vời sau cái nổ bùng «big bang» ban đầu.

“Thược dược” là cái quải mắt quay nhìn trên dòng đời bải hoải, là tiếng xé tường để nhìn qua hàng giậu một bông hoa giữ mãi đã nghìn triệu năm một thông điệp chân tình ít ai ngó ngàng. Thấy rồi sự đó là thấy tất cả. Chưa, thì dẫu sống mấy cũng phôi pha.

Với bài «Thược dược», thơ Việt hớp lại hơi thơ đầu triều Lý để nền dựng cõi thơ bây giờ. Chúng ta đã đọc biết bao bài thơ đẹp từ đầu thế kỷ tới nay. Mỹ miều và quyến rũ.

Nhưng lắm bài chỉ là cái đẹp mượn, sơn phết lại và nhận làm của ta. Đặt bài «Thược dược» bên những bài thơ hay nhất của các thiền sư thi sĩ Lý Trần, thấy không thua về sự trong sáng, dản dị và kiến trúc thơ. Nói về đạo, «Thược dược» còn vượt xa khá nhiều bài. Vượt ở chỗ vói tới Đạo mà không cần vận dụng những từ ngữ tôn giáo hay triết học. Một số thơ do các Tăng sĩ phật giáo sáng tác gần đây mà tôi được đọc, ít thấy có bài nào «đắc đạo» như bài của Quách Thoại. Dù Quách Thoại chỉ là một cư sĩ, người Phật tử không lánh thế. Quách Thoại đã từng có lúc ở chùa. Nơi chốn giải thoát, cư sĩ với tăng sĩ khác nhau chỗ nào nhỉ?

(Thi Vũ viết về Quách Thoại trong "Bốn mươi năm Thơ Việt Nam 1945 – 1985”) link

 












NGUYỄN TÔN NHAN trên TUỔI NGỌC


















Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào
thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru
êm êm buồn trong ca dao
Còn đó tiếng khung quay tơ,
Còn đó con diều vật vờ
Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu
đến kiếp nào cho vừa...