Top 10+ tập thơ của các tác giả miền Nam xuất bản ở hải-ngoại
sau 1975 tôi yêu, những quyển sách
mà có chút tự hào & may mắn để nói “có tiền chưa chắc mua được”.
List này còn thiếu 2 quyển thơ của Duyên Anh (Thơ Tù - NXB
Nam Á 1987; Em Tôi Saigon Và Paris 1989 & & 2 quyển thơ của Nguyễn Tất
Nhiên (Tâm Dung - NXB Người Việt & Chuông Mơ - NXB Văn Nghệ) mà tôi CHƯA
tìm được.
“Đứng im ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.”
Bài thơ mang tựa đề «Thược dược». Tên một loài hoa. Nhưng kỳ
thực Thoại nói tới tính thể thơ bằng những chữ vô cùng đơn giản qua sáu câu
dung dị. Nói tới đạo rất bình thường mà chân xác.
Thơ là lúc ngôn ngữ chồm lên. Ngôn ngữ là suy tư giáng hình.
Như ngọn lá không chỉ là tấm phiến đung đưa trong gió. Lá là một toàn thể màu sắc,
thớ chất, mùa màng, cộng với sức chuyển vận mặt trời ra cuộc sống cây, tiếp rừng,
đơm quả.
Ngôn ngữ Việt thành văn im lặng sau mười thế kỷ lệ thuộc, bỗng
chồm lên lần đầu ở thế kỷ 10 với dòng văn thơ thiền Phật giáo. Dấy lên lần nữa
qua Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15. Rồi rực rõ với Nguyễn Du. Mãi gần đây, dường như
lại cuồn cuộn qua Bùi Giáng. Mỗi lúc ngôn ngữ chồm lên để hưng sinh là một lần
tư tưởng Việt định hình.
Thơ Quách Thoại không đưa ngôn ngữ chồm lên. Nhưng Thoại nắm
được sợi giây truyền thống giữ cho
thơ Việt không đắm chìm dao động.
Hình ảnh hoa cười dùng trong thơ khá cũ và thường. Nhưng khi
nói thược dược mỉm nụ nhiệm mầu thì đã khác lắm. Cũng thế, ví người yêu như hoa
là sáo. Song gọi thược dược bằng em đang đứng im ngoài hàng giậu, thì tứ thơ quả
là mới và lạ, diễn đạt một cái gì ngoài hoa. Thi sĩ lại đặt mình ngang hoa. Xem
hoa như người, theo chân lý bình đẳng của vũ trụ. Sự chấp nhận ấy tạo nên giao
đồng, tương kính, chân nhận giá trị nhau qua mỗi lần kinh ngạc khám phá. Kinh
ngạc, cánh cửa đầu của nhận thức đạo. Nhận thức này giúp thi sĩ vượt vùng giới
hạn tri thức chỉ thấy hoa qua thực vật của hương và sắc. Trong khi ấy tiềm năng
hoa còn cả thanh âm của tiếng mà lỗ tai người không bắt kịp. Tiếng hát trăm hoa
chuyển rung nghìn thế kỷ, qua muôn nẻo tinh hà. Thoại kinh ngạc nắm bắt chân lý
ấy.
Hóa ra những cánh hoa mỏng manh sớm nở tối tàn kia cứ sống
hoài không chết. Thế thì nỗi buồn thương ly biệt mà người than khóc bấy lâu nào
khác chi những phát hiện phù phiếm trong cơn thác loạn mất trí nhớ ban đầu?
Không là thi sĩ, làm sao mình trở lại gặp mình như Thoại. Thi sĩ, kẻ có đôi hài
vạn dặm vượt bước qua mọi vùng giới hạn kiếp người (Grenzsituation). Ý thức
điêu này, Thoại «sụp lạy cúi đầu». Lạy nụ nhiệm mầu đã khiến mình kinh ngạc khi
ngó thấy sắc và hương của hoa chuyển thanh ra tiếng hát. Cúi đầu lạy hoa, nhưng
hoa đó cũng chính là mình. Mình của một toàn thể vũ trụ tương quan tương liên,
khi chưa bị giáo điều cắt vụn thành những mẩu nhân sinh cô độc quằn quại trong
đau đớn. Mình-của-xưa-nay bị trầm luân trong muôn vạn mình giả danh.
Người xưa khe khắt với thơ lắm. Thơ hay phải có tứ thơ sâu,
ý thơ thực, nhạc thơ tròn, hướng thơ vút, lời thơ mới, bài thơ lạ. Họ rút vào
sáu quy tắc: thâm, chân, viên, cao, tân, kỳ. Thiếu một trong sáu yếu tố ấy, thơ
xem như non. Mà thơ non thì cũng như không thơ.
Bài «Thược dược» gom đủ sáu chất thơ này. Còn dẫn thơ vào đạo.
Đạo là đường đi cho những bước chân chưa biết dẫn đời mình về đâu sau mỗi 24 giờ
lao tác, ăn ngủ, lúc nhúc làm tình nơi những hộp nhà giam hãm. Trong khi ấy,
bên ngoài vũ trụ vẫn tiếp tục sáng thế. Vũ trụ chưa xong chuyện bảy ngày. Vũ trụ
còn duỗi mãi chân không gian vào chốn thơ kỳ vĩ tuyệt vời sau cái nổ bùng «big
bang» ban đầu.
“Thược dược” là cái quải mắt quay nhìn trên dòng đời bải hoải,
là tiếng xé tường để nhìn qua hàng giậu một bông hoa giữ mãi đã nghìn triệu năm
một thông điệp chân tình ít ai ngó ngàng. Thấy rồi sự đó là thấy tất cả. Chưa,
thì dẫu sống mấy cũng phôi pha.
Với bài «Thược dược», thơ Việt hớp lại hơi thơ đầu triều Lý
để nền dựng cõi thơ bây giờ. Chúng ta đã đọc biết bao bài thơ đẹp từ đầu thế kỷ
tới nay. Mỹ miều và quyến rũ.
Nhưng lắm bài chỉ là cái đẹp mượn, sơn phết lại và nhận làm
của ta. Đặt bài «Thược dược» bên những bài thơ hay nhất của các thiền sư thi sĩ
Lý Trần, thấy không thua về sự trong sáng, dản dị và kiến trúc thơ. Nói về đạo,
«Thược dược» còn vượt xa khá nhiều bài. Vượt ở chỗ vói tới Đạo mà không cần vận
dụng những từ ngữ tôn giáo hay triết học. Một số thơ do các Tăng sĩ phật giáo
sáng tác gần đây mà tôi được đọc, ít thấy có bài nào «đắc đạo» như bài của
Quách Thoại. Dù Quách Thoại chỉ là một cư sĩ, người Phật tử không lánh thế.
Quách Thoại đã từng có lúc ở chùa. Nơi chốn giải thoát, cư sĩ với tăng sĩ khác
nhau chỗ nào nhỉ?
(Thi Vũ viết về Quách Thoại trong "Bốn mươi năm Thơ Việt Nam 1945 – 1985”) link
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét