Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Một vài tài liệu sưu tầm về nhạc sĩ Lê Thương

Trung Thu, chắc ít ai là không nhớ đến bài hát thiếu nhi kinh điển Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương (ngoài ra còn những bài Thiếu Nhi Ca nổi tiếng khác như Học Sinh Hành Khúc, Ông Ninh Ông Nang,…), thật trùng hợp Trung Thu năm nay lại trùng với ngày mất của ông (17/9).

Nhớ tới Lê Thương là nhắc đến trường ca Hòn Vọng Phu, là nhắc đến Xuân Thu Nhạc Kịch, là nhắc đến ký giả Lê Thương, là nhắc đến nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Thương, là nhắc đến truyện ca Lê Thương (Lòng mẹ Việt Nam,…)

(1 số tài liệu về người nghệ sĩ tài hoa này, trong đó có 1 số trong tập sưu tầm & gom góp tài liệu của…chính nhạc sĩ mà mình may mắn lưu giữ.)













Xuân Thu Nhạc Kịch gắn liền với những bước đầu của tân nhạc Việt. Nhóm do Lê Thương & Võ Đức Thu cùng những người bạn thành lập. Trong hình là những tờ bướm có thể nói là từ những ngày đầu ban này trình diễn (khởi đi từ nhà hát lớn Hà Nội & sau này mang sang cả Nam Vang), trong tập hồ sơ này có lời chú với bút tích của chính tác giả “Buổi diễn đầu tiên của Lê Thương tại Saigon 15/8/1948) bên cạnh ông giữ lại tờ bướm của Lòng Mẹ Việt Nam

P/s: 2 bài về mẹ rất hay mà ít tiếp cận khán giả là bài này và bài Bà Mẹ Hai Con của Nguyễn Văn Đông: cũng là một truyện-ca: kể về câu chuyện đứa em ở nhà phải giả thư người anh viết về cho mẹ hàng tháng khi nghe tin anh tử trận.






















Comment của 1 người bạn bổ túc 1 số thông tin khi thấy những tờ bướm trên:
"Bravo và xin chủ kênh cho phép được đưa bài này về trang nhà của tôi nhé. Vì nó có rất nhiều tại liệu vô giá về buổi đầu tân nhạc Việt Nam được ghi lại trên mặt chữ. Qua đó, chúng ta có thể nhận ra được hầu hết những tên tuôi thành danh của nền tân nhạc Việt Nam sau này. Lúc đó, họ đều sử dụng tên thật, ngoại trừ cô Mộc Lan là có nghệ danh, vì cô đóng vai nàng Mộc Lan trong vở nhạc kịch Trên Sông Dương Tử của nhạc sĩ Lê Thương. Trong mớ tài liệu này, chúng ta thấy sự xuất hiện của Phi Phi, tức là nhạc sư dương cầm Nghiêm Phú Phi. Ông sinh năm 1930, lúc đó mới 18 tuổi, và là đệ tử ruột về môn dương cầm của nhạc sĩ Võ Đức Thu, trước khi ông Phi được gia đình cho du học sang Pháp. Ông Phi là người Bắc nhưng sống trong Nam từ nhỏ. Nhạc sĩ Đan Phú là em nhạc sĩ Đan Thọ cũng người Bắc. Ông Phú hiện còn sống tại Sài Gòn. Hoàng Đạt chính là tên thật của nhạc sĩ Lâm Tuyền, tác giả bài Khúc Nhạc Ly Hương. Ông Lâm Tuyền là em Dạ Chung tức Hoàng Vĩnh Lộc. Dạ Chung cũng được biết dưới cái tên trên khai sinh là Hoàng Liêu, lúc đó làm Tiếp Viên Hàng Không cho hãng Hàng Không Việt Nam. Võ Đức Lang là con trai Võ Đức Thu, chơi dương cầm rất giỏi, về sau sang Pháp du học năm 1950 cùng khoảng thời gian với Nghiêm Phú Phi. Còn cái tên Văn Sanh hát hợp ca chính là người đã dẫn dắt nhạc sĩ Lam Phương vào con đường ca hát và sáng tác tân nhạc. Nguyễn Ngọc cũng là ca nhạc sĩ buổi đầu, và ông mới mất ở Las Vegas. Vợ ông, tức nữ nghệ sĩ chơi hạ uy cầm Huyền Nga, là em nhạc sĩ Văn Thủy, đồng tác giả bài Dứt Đường Tơ sáng tác chung với Dzoãn Cảnh. Cô Sự hát bài Chinh Phụ Hoài Khúc chính là nữ danh ca Minh Diệu. Lúc đó, cô vẫn lấy tên thật là Sự để đi hát. Nguyễn Thống và Nguyễn Tình là 2 nghệ sĩ nhảy thiết hài nổi tiếng bấy giờ, 1 trong 2 người sau này có người em gái sẽ về làm vợ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Cô Ngọc Trâm ca bản Viễn Du của Võ Đức Thu chính là nữ danh ca Minh Trang khi sử dụng tên thật để lên sân khấu ca hát. Châu Kỳ tức nhạc sĩ sáng tác sau này và cũng là người chồng đầu tiên của cô Mộc Lan. Tôn Thất Sô lúc đó là một ca sĩ đi hát trong ban Thần Kinh Nhạc Đoàn, bây giờ chắc không ai còn nhớ tới nữa. Thanh Tâm có thể là tên thật của cô ca sĩ Kiều Nga đã có thâu dĩa bài Chiều Vàng rất nổi tiếng lúc đó. Trần Văn Khê thì ai cũng biết rồi, nhưng cái tên cô Thiều mà những giòng ghi chú trên các tài liệu này thì mới là đặc biệt. Cô tên Nguyễn Thị Thiều, nữ sinh viên Đại Học Hà Nội cùng thời gian với Trần Văn Khê. Cô theo học ngành Hộ sinh tức Nữ Y Tá bây giờ. Cô Thiều là người hát bản Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương đầu tiên trên sân khấu Sài Gòn năm 1938. Cô Thiều cũng là người hát bài Tiếng Gọi Sinh Viên đầu tiên tại Đại Học Hà Nội năm 1943 chung với cô Phan Thị Bình, vợ của Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn. Bài hát này sẽ được sử dụng là bản Quốc Ca chính thức của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sau này. Xin cảm ơn chủ kênh đã đưa lên Facebook, giúp lưu giữ những tài liệu quý giá mà tiền tài chưa chắc gì mua được."





Không có nhận xét nào: