"Tình ca như giòng sông hiền hoà chảy hoài tự ngàn kiếp. Đó là thứ hạnh phúc bắt gặp trong buổi sáng nắng dậy chan hoà, có bông hoa nở rộ và chim muông ngợi ca một ngày mới bắt đầu bằng nụ hôn nồng ấm của đôi tình nhân.
Tình ca là những lời phủ dụ ngọt ngào của tình yêu như giòng suối róc rách từ thiên thu dành cho những đôi tình nhân của bao miên man thế hệ, như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của nhân loại.
Xin cám ơn Đấng Tạo Hoá đã ban cho loài người có trái tim biết rung động, có tâm hồn biết thổn thức để tình yêu và cuộc đời còn được thăng hoa bằng những bài tình ca.
Nếu chim muông chỉ có một thời để ca hát, cỏ cây chỉ có một thời để xinh tươi, và loài người chỉ có một thời để sống và một đời để chết, thì xin hãy hát lên những bản nhạc tình để ngợi ca một thời để sống trước khi bước vào những nỗi khốn cùng buồn thảm của cái chết lẻ loi.
Bởi vậy, tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang một đời. Dù tôi có là chứng gian cho những cuộc tình không thực, nhưng ít ra tôi đã mang đến một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ cho những kẻ tình nhân của một thời yêu thương say đắm."
"Sinh ngày 27.7.1942 tại Văn Lâm Ninh Thuận. Cử nhân luật, cựu biên tập viên đài phát thanh VOF. Rời Việt Nam vào tháng 10.1980 hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ. Viết nhạc từ năm 1960
Tình ca của Từ Công Phụng với những nét đặc biệt mang tính chất lãng đãng, bàng bạc nhẹ nhàng đã trở nên thật gần gũi với những người yêu nhạc từ 40 năm qua, kể từ khi anh cho ra đời nhạc phẩm đầu tiên Bây Giờ Tháng Mấy vào năm 60. Không những thế anh còn có một giọng hát thật trầm ấm như những lời tâm sự chân tình, dễ gây cảm xúc bằng lối diễn tả bằng tất cả chiều sâu của tâm hồn. Với Bây Giờ Tháng Mấy Từ Công Phụng đã thành công ngay từ bước đầu khi người nhạc sĩ sinh quán ở Ninh Thuận này đang theo học lớp đệ nhị nhưng đã mon men đến với âm nhạc bằng cách tự học.
Bây Giờ Tháng Mấy sau đó được nhà xuất bản Minh Phát mua và tung ra thị trường. Chỉ trong một thời gian ngắn nhạc phẩm này đã trở nên rất quen thuộc. Sự phổ thông mạnh mẽ của nó đã khiến tựa đề của nhạc phẩm này được truyền khẩu thành Bây Giờ...Mấy Tháng? Từ Công Phụng cho biết đã không hài lòng lắm khi tên đứa con đầu đời của anh bị đổi tên một cách châm biếm như vậy. Nhưng dù sao anh cũng thừa nhận nhờ đó mà tác phẩm đầu tay của anh được nhắc nhở tới nhiều hơn. Một điểm đặc biệt là trước đó, Từ Công Phụng không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống với việc sáng tác mà chỉ muốn coi âm nhạc là một thú tiêu khiển thanh tao. Anh đến với âm nhạc hoàn toàn bằng năng khiếu, cộng với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, hoàn toàn không được ai nâng đỡ trong bước đầu. Sự kiện này lại được anh coi là một sự may mắn để tạo riêng cho mình một nét nhạc đặc thù...
Sau thành công ở bước đầu, trong thập niên 60, Từ Công Phụng đã sáng tác thêm được nhiều nhạc phẩm khác, trong số này có nhiều bài trở thành quen thuộc như Bài Cho Em, Lời Cuối, Mùa Thu Mây Ngàn, v.v. Tổng cộng trong thời gian này, anh sáng tác dược trên 20 bài. Tổng cộng cho đến nay số lượng sáng tác phẩm của Từ Công Phụng đã lên đến khoảng 100 bài, tuy nhiên anh chỉ xuất bản những bài nào anh còn nhớ được lời, sau đó chép lại nhạc.
Những nhạc phẩm được nhiều người ưa thích của anh đã được đưa vào bốn tuyển tập, tuyển tập gần đây nhất mang tựa đề Một Góc Đời Phôi Pha, ra đời cùng một lúc với CD mang cùng tên do chính Từ Công Phụng trình bầy. Trong CD mới nhất này, có một số nhạc phẩm viết từ lâu nhưng chưa được phổ biến như Xứ Thâm Trầm, Một Thoáng Nhìn
Riêng về phương diện phổ nhạc từ thơ của bạn bè, Từ Công Phụng đã hoàn tất được khoảng 10 bài, trong số đó nhạc phẩm mang tựa đề Giữ Đời Cho Nhau đã trở thành một trong những nhạc phẩm rất được ưa chuộng. Tuy nhiên tựa đề của nhạc phẩm đã gây nên một số thắc mắc vì có nhiều người cho tựa đề đó phải là Ơn Em. Đây chính là dịp để Từ Công Phụng giải thích về sự thắc mắc đó: Thực sự tựa bài thơ là Ơn Em. Sau khi làm xong, tôi thấy có mấy câu ở trong đó ngồ ngộ như kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau thì tôi đề nghị lấy tựa là Giữ Đời Cho Nhau với tác giả bài thơ là Du Tử Lê. Du Tử Lê đồng ý là có một ý tưởng mới lạ trong cái tựa...nhưng khi bài đó hát lên, người ta nghĩ là Ơn Em cũng đúng.?
Từ Công Phụng nói rõ thêm về trường hợp anh đã phổ nhạc từ bài thơ chỉ gồm có 10 câu này nhưng đã gây nơi anh nhiều xúc động khi thấy có những âm hưởng gợi lại lời ru của thân mẫu anh khi anh còn thơ ấu. Vì bài thơ ngắn nên thiếu trường canh cần thiết cho một bản nhạc nên Từ Công Phụng đã thêm hai câu cho đủ, đó là: Ơn em tình những mù lòa, như con sâu nhỏ bò qua rất mùi. Khi phổ xong anh mang lại tặng Du Tử Lê như một kỷ niệm sau khi anh đã từng phổ nhạc từ bài thơ Trên Ngọn Tình Sầu. Cũng với tựa đề Giữ Đời Cho Nhau, Du Tử Lê đã dùng để đặt cho bộ video do trung tâm Diễm Xưa thực hiện riêng cho anh, phát hành trong tháng Tư năm 2000.
Một trong vài thi phẩm của Du Tử Lê được Từ Công Phụng phổ nhạc và trở thành một ca khúc nổi tiếng phải nhắc tới là Trên Ngọn Tình Sầu vào khoảng năm 69, 70. Tựa đề nguyên thủy của bài thơ thật ra là Khúc Thêm Cho Huyền Châu, trong tập thơ của thi sĩ họ Lê ấn hành trong thời gian này. Cũng đề cập đến nhạc phẩm Trên Ngọn Tình Sầu, Từ Công Phụng cho biết thêm một chi tiết về sự anh gọi là bạo dạn trong việc phổ bài thơ của Du Tử Lê: là đã dùng âm vực rất cao. Lên cao và xuống thấp để diễn tả hết những cái nỗi buồn ở trong đó. Ngay vào đầu tôi đã dùng note rất cao. Từ Sol lên tới Fa. Tôi dùng Sol, Fa liền thay vì Mi lên Fa, tức là quá lên một ton nên tạo được một âm hưởng lạ.?
Trong bài thơ đó, Từ Công Phụng cho biết anh đã sửa lại một số câu để đúng với chiều hướng âm thanh: như là hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi từ những ngày con nước về. Ngoài trời mưa mau.., tôi lập lại ngoài trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng. Trong bài thơ tôi còn nhớ là bầy sẻ cũ hom hem, bầy sẻ cũ hom hem chiều mái xám. Tôi mới thêm hai chữ nữa là bầy sẻ cũ hom hem chiều mái xám rêu xanh. Mái xám mà còn rêu xanh nưa để nó phủ thêm một lớp thời gian. Bởi vì rêu đóng vào cái mái, qua thời gian mưa nắng các thứ, nó thành rêu, nó làm đậm thêm cái nét của hình ảnh.?
Cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương có lần đề cập đến nhạc phẩm này và đưa ra nhận xét là dưới mắt ông, bài thơ Khúc Thêm Cho Huyền Châu không có hơi nhạc mà Từ Công Phụng làm được như vậy thật là rất xuất sắc. Về sự liên hệ gắn bó giữa thơ Du Tử Lê và nhạc Từ Công Phụng, người phổ nhạc bài thơ của Du Tử Lê thành ca khúc Trên Ngọn Tình Sầu cho biết không có vấn đề Du Tử Lê làm thơ để anh phổ nhạc. Anh không chấp nhận điều đó vì chỉ phổ nhạc khi tìm thấy được một sự xúc cảm nơi bài thơ. Anh còn cho biết là đã nhận được rất nhiều thơ của các thi sĩ gửi tới nhờ anh phổ nhạc, nhưng vì nhận thấy không có xúc cảm nên không phổ được.
Qua những lời tâm sự, được biết cuộc sống của Từ Công Phụng nếu không có âm nhạc se rất ư tẻ nhạt. Với âm nhạc, anh đã tìm thấy một thứ hạnh phúc nhỏ nhoi trong đời sống của mình. Hàng đêm trước khi đi ngủ, anh không thể bỏ được thói quen nghe một vài nhạc phẩm cổ điển hoặc hòa tấu nhẹ nhàng. Đối với anh đó là một nhu cầu rất cần thiết. Cái nhu cầu cần thiết đó, với thời gian đã ẩn tàng trong tâm hồn đầy cảm xúc của anh, để từ đó phát xuất ra một dòng nhạc đặc biệt mang tên Từ Công Phụng.
Vì không chủ trương sinh sống bằng âm nhạc nên Từ Công Phụng không hề bị gò bó để bắt buộc làm những điều anh không thích trong phạm vi nghệ thuật. Từ đó anh cảm thấy thoáng hơn để đi theo cách riêng của mình, kể cả trong kỹ thuật viết nhạc. Tất cả đều thoát thai từ nét bẩm sinh của anh... Cái nét bẩm sinh Từ Công Phụng đó, tự anh không thể phân tích được mà phải đến những người thưởng thức. Bây giờ hễ nhạc của anh tấu lên, mọi người đều dễ dàng nhận ra dòng nhạc của Từ Công Phụng, không thể lẫn lộn với một ai khác như những Mùa Thu Mây Ngàn, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Lời Cuối, v.v. Riêng với nhạc phẩm Lời Cuối, Từ Công Phụng đã hoàn tất chỉ trong hai tiếng đồng hồ, thúc đẩy bởi một sự xúc cảm mạnh mẽ về một cuộc tình tan vỡ của anh.
Tuy đầu óc âm nhạc của anh đã ghi nhận được rất nhiều điều học hỏi nơi những người khác, nhưng khi một nhạc phẩm nào đó được Từ Công Phụng hoàn thành, những ảnh hưởng đó phối hợp với sự bẩm sinh của anh đã tạo thành một nét nhạc riêng biệt.
Đối với Từ Công Phụng, biến cố tháng Tư năm 75 đã gây cho anh rất nhiếu mất mát, do đó dùng anh đã dùng nhiều chữ cũng đành trong bài Như Chiếc Que Diêm để diễn tả một sự buông xuôi theo số phận vì không làm gì khác được: Thôi cũng đành một kiếp trăm năm đời người sẽ qua. Cũng đành một thoáng chiêm bao tình người cũng xa... Thôi cũng đành một kiếp phong ba lệ tình cũng sa... Thôi cũng đành như chiếc que diêm một lần lòa lên... Thôi cũng đành như kiếp rong rêu một lần hóa thân...
Giọt Lệ Cho Ngàn Sau - Khánh Hà
Trên Ngọn Tình Sầu - Trần Thái Hòa
Liên Khúc Tuổi Xa Người / Bài Cho Em
Khánh Ly & Từ Công Phụng
Tình Tự Mùa Xuân - Ngọc Hạ
Trên Tháng Ngày Ðã Qua - Loan Châu
Như Chiếc Que Diêm - Nhật Trung
Mùa Thu Mây Ngàn
Tuấn Ngọc & Thái Hiền
Kiếp Dã Tràng - Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích
Mãi Mãi Bên Em - Từ Công Phụng
DOWNLOAD HERE
NICK&PASS:nghenhac
Tâm trạng chán chường của Từ Công Phụng trong những ngày còn ở lại Việt Nam hơn năm năm sau ngày 30 tháng Tư được anh diễn tả một cách cụ thể: Mỗi buổi sáng thức dậy kiếm được một ít cà phê pha cho mình uống và suy nghĩ về cuộc đời... Vấn đề nghĩ đầu tiên là trong ngày hôm nay tôi có thể làm thế nào kiếm được một ít tiền để cơm nước cho con cái thôi, không có mơ ước gì hơn.
Trong thời gian lưu lại Việt Nam trước khi vượt biển vào tháng Mười năm 80, Từ Công Phụng đã sáng tác được một tình ca, sau này được phổ biến tại hải ngoại và trở thành rất nổi tiếng như Mắt Lệ Cho Người, Trên Tháng Ngày Đã Qua, v.v. Nhạc phẩm sau là một trong những nhạc phẩm anh thích thú nhất. Khi nói về nhạc phẩm mang tựa đề Tình Tự Mùa Xuân của mình, Từ Công Phụng cho biết anh muốn dùng nội dung của nhạc phẩm đó để nói nên niềm mơ ước của những người yêu nhau trong cuộc đời này: Tình Tự Mùa Xuân là tôi viết theo một cái hư cấu về một mối tình giữa đôi tình nhân khi mùa xuân tới thì có những nỗi vui mừng khi họ ngồi gần bên nhau nương tựa nhau ở trong cái cuộc đời. Có những lúc xa mà gặp lại, họ khóc mừng cho một ngày hạnh phúc. Đó là cái mơ ước dành cho những người yêu nhau trong cuộc đời này.
Trước kia, trong thời kỳ chiến tranh, Từ Công Phụng cũng đã từng mang một niềm mơ ước mà anh nhận thấy có tiềm ẩn một tư tưởng phản chiến trong nhạc phẩm Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên: Lúc thời gian chiến tranh khốc liệt, tôi dường như không muốn nghe tới tiếng súng nổ nên nhạc của tôi vẫn là nhạc tình. Trong thế giới này chúng ta cứ chiến tranh mãi thì con người sẽ bị tận diệt nên tôi mơ ước chỉ có tình yêu mới tạo nên sức sống thôi. Tôi vẽ ra một sự mơ ước của tôi là, có một ngày nào đó sẽ đưa người tình lên một chỗ thật là thanh bình, không còn nghe tiếng súng, không còn nghe tiếng đạn, không còn nghe tiếng thở dài, than vắn, mà chỉ sống trong thế giới của tình yêu. Điều đó hơi ích kỷ. Nhưng cái điều mơ ước đó thật ra không ích kỷ. Hồi đó tôi có ý phản đối chiến tranh, nhưng phản đối một cách nhẹ nhàng...
Đúng 40 năm trước, chúng ta đã được nghe nhạc phẩm bất hủ Bây Giờ Tháng Mấy. Nhưng không ngờ 40 năm sau tại hải ngoại chúng ta lại được thưởng thức một nhạc phẩm mang cùng một đề tựa, được viết thành ca khúc thứ hai của anh. Về trường hợp lý thú này, Từ Công Phụng kể lại: Đó là kỷ niệm của thời sinh viên khi tôi còn sống trên Đà Lạt. Lúc bấy giờ bài Bây Giờ Tháng Mấy 1 mà thính giả thường hay nghe được...trên đài phát thanh Đà Lạt, tôi có nhận được nhiều bức thư khen ngợi trong số có một bức thư đặc biệt không ký tên tác giả. Trong đó ngoài những lời khen tặng còn tặng cho tôi một bài thơ cảm hứng theo cái bài Bây Giờ Tháng Mấy.?
Đó là một bài thơ 5 chữ mà anh thấy mang một nội dung lạ nên đã sửa lại bài thơ và làm thành ca khúc 2 của Bây Giờ Tháng Mấy vào năm 65. Cho đến nay anh vẫn không biết tác giả bài thơ đó là ai. Trước khi chính thức được phổ biến trên CD mấy chục năm sau. Từ Công Phụng nói đùa, với lời nhạc mỗi câu 7 chữ của Bây Giờ Tháng Mấy Ca Khúc 1 người ta có thể đổi từ Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? thành Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em? Với bài thơ 5 chữ, mở đầu bằng Bây giờ là tháng mấy của Ca Khúc 2 có vẻ khó . . . xuyên tạc hơn.?
Với Từ Công Phụng nơi xứ thâm trầm nhiều khi anh quên đi cả bây giờ tháng mấy để vùi đầu vào việc sáng tác ở một góc trời phôi pha này. Bên cạnh anh đã có chị Kim Ái, thành hôn với anh sau khi cuộc hôn nhân giữa Từ Công Phụng và Từ Dung tan vỡ, quán xuyến mọi việc. Một người hướng nội với những suy tư triền miên về cuộc đời, về tình người. Một người hướng ngoại với những suy tính thích hợp với cuộc sống chạy theo kim đồng hồ. Phải chăng đó là một sự kết hợp chặt chẽ để giữ đời cho nhau?
( Bài viết của Trường Kỳ )
"...Ngôn ngữ của TCP.:Man mác. Nhẹ nhàng. Lãng đãng. Ẩn mật. Mang nhiều hình ảnh của một cõi trời tâm sự. Không ạt ào thác đổ. Mà là những chắt chiu đằm thắm. Những nâng niu tận cùng.
TCP không chỉ là nhạc sĩ của tình yêu. Nói đúng ra, tình yêu chỉ là dòng sông để TCP chuyên chở và phản ảnh tâm hồn mình. Trong giòng sông đó có phù sa cuộc sống, có bọt bèo thân phận, có vẩn đục tương lai, có trong veo kỷ niệm.
Từ Bây Giờ Tháng Mấy, bài nhạc đầu tay năm mười tám tuổi, cho đến những sáng tác sau đó, TCP đã chọn bước vào âm nhạc bằng đam mê trầm lắng. Không ồn ào. Không vội vã.
… Người về nghe tiếng hát âm vang
Trên vùng tuổi đa đoan
Người về nghe những âm vang
Trên cùng tuổi cưu mang
Người đan hơi thở bên nhau
Dù trời chợt sáng, xin tình chưa nghe muộn màng (1)
Ngôn tứ đó, là của riêng TCP. Ngay sau mỗi câu hỏi được mở ra, câu trả lời kết đọng. Dưới rực sáng của quên lãng phơi bày, là nhớ nhung khép kín.
… Gom một chút nắng vàng
Hắt lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua
Em tìm thấy chút gì -
Có phải chăng rạn vỡ lên tâm hồn chúng ta ? (2)
… Đêm nay, bên thềm
Nhìn anh, em khẽ nói: “Ngày mai anh đi rồi,
Anh có buồn gì không ?”
Buồn không, hỡi người đã đi rồi ? (3)
Sâu sắc. Ý nhị. Bởi người ở lại thường buồn hơn kẻ ra đi. Nhưng với TCP, người ở lại chỉ quan tâm đến nỗi buồn của kẻ ra đi. Thật ân cần. Đơn thuần. Chấp nhận.
Ở đó, là những lấp lánh ngọt ngào của TCP, khi nói về quê hương. Một quê hương muôn trùng xa khuất được thể hiện qua một tiếng gọi “Em!” dịu dàng, cay đắng.
… Ai chia vạt nắng se buồn
Như ta rồi cũng xa nguồn
Làm sao cho em biết tình ta vẫn lấp lánh
trong cõi hồn bát ngát ?
Làm sao cho em thấu tình ta
như núi biếc, như sông dài, biển rộng ?
Xin giữ cho nhau những khoảng đời nhớ mông lung.
Tình là trùng dương sóng vỗ chập chùng.
Mảnh hồn ta nay đã khuất nơi nao,
Đời sầu mấy chuyến thương đau
Mà nỡ chôn vội mấy kiếp trùng khơi… (4)
NICK&PASS;nghenhac
1. Tạ ơn em
2. Bài cho em
3. Rời nhau
4. Mùa xuân trên đỉnh bình yên
5.Mắt lệ cho người tình
6. Tuổi xa người
7. Kiếp dã tràng
8. Trên tháng ngày đã qua
9. Lời cuối
10. Như chiếc que diêm
Ở đó, là những long lanh bất chợt của TCP, khi nói về hạnh phúc. Một hạnh phúc hao gầy, trong hụt hẫng chia ly. Không bao giờ là đớn đau tuyệt vọng, mà là sống cho trọn vẹn với mất mát vây quanh.
… Lắng nghe muôn cung sầu hắt xuống đời
Một trời tôi thương đau, một trời em mưa mau
Sống buông xuôi theo ngày tháng
Từng thu qua, vời trông theo đã mờ
Lệ rơi trên tim tôi, lệ rơi trên đôi môi
Yên nhau một thời, xa nhau một đời
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi… (5)
Ở đó, là những lặng câm nhỏ máu của TCP, khi nói về tình yêu. Một tình yêu ngây ngất hương thơm, giữa vô vàng tiếc nuối. Không bao giờ là kêu gào than khóc, mà là tận tụy với đam mê về một thiên đường đã khuất.
… Thân mang kiếp dã tràng đem đời xe tơ duyên
Trên bãi cát vàng hão huyền
Chợt nghe lớp sóng xô lên đời mình
Niềm cay đắng
Cuộc tình trên tháng ngày muộn phiền
Còn in vết hằn đời mình
Người ơi hãy ru hồn ta ngủ quên… (6)
Ở đó, là những chắt chiu vơi đầy của TCP, khi nói về cuộc sống. Một cuộc sống miệt mài tư duy cùng muộn phiền thân phận. Những điều TCP sẻ chia không nằm trong lời hát , mà nằm sau những gì lời hát không nói ra.
… Có những điều tôi muốn nói cùng em
Vẫn vời vợi trên cao,
Những điều tôi muốn hiểu
Vẫn mù cõi vực sâu… (7)
Dường như ngay khi ý niệm vừa thành hình trong tư tưởng, TCP đã tự chọn cho lời nhạc của mình một định mệnh - Mỗi dòng chữ là một gắn bó với kỷ niệm, dẫu đang phai mờ dần theo thời gian, vẫn không bao giờ tuyệt tích. TCP đặt chữ nghĩa vào âm nhạc như phó thác từng hơi thở sau cùng của tình yêu vào căn phần mặc tưởng.
Mỗi bài hát là một vết hằn thăng hoa lên phiến đời huyễn hoặc.
Từ bao giờ, khi viết về nhạc phẩm, người ta chỉ thường hay nhắc đến những lời nhạc tiêu biểu của tác giả, rồi sau đó là vài phát biểu đơn sơ về tiết tấu và kỷ thuật hòa âm. Thật là một thiếu sót lớn khi đa số các bài viết về nhạc sĩ đều dành cho phần “lời” nhiều hơn phần “nhạc”.
Bởi ở đó, là nét tuyệt vời và độc đáo nhất của nhạc TCP, nhất là khi TCP tự trình bày những ca khúc của mình - bằng những nốt nhạc chợt vút cao và tắt hẳn, bằng những chữ được hát lại hai lần liên tiếp, bằng những âm thanh rơi từ đỉnh cao vào trầm thấp.
Khi TCP hát “…nỗi muộn phiền ngày tàn HƠI THỞ, em thấy không cõi đời vô vọng…” (8), người nghe liên tưởng ra sự chết dần của nhịp sống khi nốt nhạc của hai chữ “hơi thở” được hát vút lên cao rồi tắt hẳn trong mong manh của làn hơi rung.
Khi TCP hát “…Trên từng thung lũng buồn, từng thung lũng buồn, mùa thu đã đã trở mình trên gót nhỏ dìu em đến người…” (9), người nghe cảm nhận được sự chập chùng của những thung lũng mùa thu đã sống lại dưới gót hài tình yêu bằng lời hát được lập lại hai lần. Cũng thế, với “… hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi xuân, có một lần vui thôi em…” (10), TCP đã dùng sự lập lại của hai chữ “ôm trọn” để diễn tả thật tuyệt vời, thật trọn vẹn một nhắn nhủ ân cần về những hạnh phúc mong manh trong cuộc đời mà mỗi chúng ta ít khi tìm thấy.
Khi TCP hát “… rồi niềm vui bay ngang, miền tuổi vàng nắng và gió CUỐN… lá RƠI đầy, tuổi nầy người đâu có hay…” (11), chữ “cuốn” vút cao rồi tắt hẳn - như mất tích, chữ “rơi” được hát ngân dài từ nốt nhạc cao xuống nốt nhạc trầm. Dùng âm thanh để diễn tả hình ảnh của chữ nghĩa, đến thế, quả thật là nát ý.
Còn nữa, còn rất nhiều nét tuyệt vời, chất chứa như vậy trong âm nhạc của TCP để làm diệu huyền chữ nghĩa. Từ long lanh rực rỡ của “… Ôi, nỗi dịu dàng nào đã ngời SÁNG trên môi người…” (9) đến tiếc nuối tịch trầm của “…cuộc tình như cơn lốc mang theo hồn người vào trùng dương khép KÍN u mê ngàn đời…” (12). Từ chìm sâu tiếng nấc của “… kỷ niệm nào như muốn KHÓC, nên tôi xin một lần được trao hết cho nhau bằng một lần đôi mắt nai tơ…” (13) cho đến ngọt ngào đón nhận của “… cho tôi xin một lần chân em lại gần, để vòng tay ôm HẾT dung nhan…” (1). TCP đã đưa âm nhạc của ngôn ngữ đi vào một chiều nghệ thuật sâu hơn. Rộng mở hơn. Cô đọng hơn.
KẾT
Thôi, cũng đành như chiếc que diêm một lần lóe lên
Thắp đời em sáng lung linh buồn một cõi riêng…
Thôi, cũng đành như kiếp rong rêu một lần hóa thân
Cuốn về phong kín tim ta một đời chói chang…
Thôi, cũng đành như tấp gương tan mờ phai vết xưa
Xót dùm cho tấm thân ta - ngựa bầy đã xa
Những đêm mơ thấy tan hoang hương tình vừa chớm
Muộn màng… (14)
Một mình ta đứng nhìn mối tình duyên tan theo
Nghìn con sóng gào bạc đầu
Nhẹ xô lên dấu chân ghi cuộc tình nhòa trên cát.
Lời người nghe đã chợt lạc loài
Trên thân dã tràng tủi phận,
Hoài công tháng năm se cát biển Đông… (12)
Từng ấy âm thanh. Từng ấy chữ nghĩa. Nghĩ, cũng đã đủ để TCP nói về mình, về thân phận mình, về tình yêu, hạnh phúc. Đoán suy nào, cũng thiếu. Cắt nghĩa nào, cũng thừa.
Giữa một nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại chỉ chú tâm đến ca sĩ thay vì nhạc sĩ, chỉ chú tâm đến những bắt chước lai căng thay vì triển khai sáng tạo, giọng hát và lối diễn tả của TCP với từng nhạc phẩm của mình là một minh chứng tuyệt vời cho sự ký thác trọn vẹn của một linh hồn, của một đời người vào khung trời âm thanh nghệ thuật. Khung trời ấy vốn cô đơn, và hiu quạnh. Nhưng hiu quạnh hơn, cô đơn hơn, là những con người chọn bước âm thầm vào khung trời ấy bằng con tim hiến dâng cho âm nhạc. Và ở lại. Tận tụy. Như thế. Gần trọn đời mình. Và những sáng tác được ươm mầm và thành hình trong khung trời đó là những que diêm lóe sáng, là những viên cát hiến dâng.
Điều tuyệt vời nhất của nhạc TCP không chỉ nằm ở những lóe sáng đó, những hiến dâng đó. Bởi đó, là những lung linh hữu hạn.
Điều tuyệt vời nhất của nhạc TCP là khi que diêm đã tắt ngúm đi, chiều sâu của màn đêm trong mỗi chúng ta đã được đo lường.
Điều tuyệt vời nhất của nhạc TCP là khi viên cát đã vỡ tan vào lòng biển bầt thinh, con tim trong mỗi chúng ta vẫn còn mang âm vang của một đời sóng vỗ, của một trùng dương thầm lặng thiên đường.
Mà đó, là những thanh vọng vô cùng. Những trầm khơi bất tận.
Nguyễn Phước Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét