Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Ngày nhắc ta những tình, thơ, đau! (Uyên Nguyên)

Nhân đại nhạc hội Cám Ơn Anh kỳ 6,
chép lại mấy bài thơ lính của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992)

 

Thơ Anh tôi đọc nhiều và rất mê, nhưng mấy tập thơ của Anh tôi còn giữ lại được thì chỉ có hai trong số bảy tập xuất bản trước đây, có một tập là nhạc. Với hai quyển thơ này, tôi ví thơ Anh như là hai cánh cửa trước và cửa sau của một ngôi nhà. Ở đó, Anh đã từng sống để nếm trải hết mọi niềm thống khổ và hoan lạc của cuộc đời.

Quê hương gốc tích ngàn năm
sao nhìn gia phả… ôi, toàn câu kinh?!

ông tôi đi lính triều đình
giáo gươm thất thủ nơi thành quách xưa!

cha tôi kháng chiến đánh Chà
tầm vông gẫy dưới chiến xa năm nào!

anh tôi áo trận hoa màu
một ngày con khóc vợ đau mất chồng!

tôi, sinh viên dở học hành
AK, nón cối – chiến trường Cao Miên!

- chừng nào xứ Việt bình yên?
tôi ngu ngơ hỏi hoài trên xác người…
(Gia Phả, 1980)

Vậy, ngôi nhà của Anh là toàn cảnh đất nước Việt Nam đắm chìm qua bao cuộc chiến tang thương từ thuở lập quốc.

Hầu hết hàng trăm bài thơ tình của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã khiến cho biết bao trái tim yêu thơ lẫn yêu nhạc say đắm, vì người vẫn tiếp tục tin vào tình yêu để xưng tụng bời bời. Riêng tôi ngoài phạm trù đó, vẫn luôn bị ám ảnh bởi một số ít bài thơ kể về chiến tranh và thân phận người lính Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc chiến điêu tàn:

Từ anh cất bước chinh nhân
nàng làm thiếu phụ thương con xót chồng
một mùa đông… chín mùa đông
biên khu cách trở hơn… đồng giấy xanh
chín năm làm vợ nhà binh
đồng lương vợ lính bốn con vẫn cười
trời làm cho đám mưa rơi
chín năm ai khiến nụ đời vừa tan?!

quê hương sầu nát điêu tàn
hậu phương tiếng hát buồn chan tháng ngày
giã từ mái tóc thảo ngay
giã đời vợ lính tháng ngày xanh xao
nàng làm gái rượu má đào
phấn son khách cũng cúi chào nâng niu!
đời trên bạc lắm tiền nhiều
nhớ đêm đô thị hơn chiều… tắm con!
nghe vui, kỷ niệm hao mòn
đương xuân ai để héo hon tuổi đời?!
– giã từ tình nghĩa anh ơi
phấn son em đã chọn đời cho thuê!

… ngày kia lính chiến trở về
với nghìn tâm sự cuối nghề đao binh
về trên nạng gỗ mà nhìn
chín năm chinh chiến thương mình làm cha
chín năm chống nạng về nhà
bốn con trên một tay bà run run
hỏi nàng, mẹ bảo: theo chồng!
hỏi nàng, con nói: theo ông mất rồi!

hãy cười đi chiến binh ơi
sá chi dâu biển dưới trời hợp tan
bao nhiêu đau khổ trần gian
gửi chàng cho trọn cưu mang kiếp người!
hãy cười đi chiến binh ơi
trở về nay đã mắt người phế nhân
đạn thù cắt mất một chân
vợ tôi đã chọn ngoại nhân làm chồng!

về trên nạng gỗ mà trông
lô nhô lãnh đạo cong lưng bôn đào
Huân Chương Bảo Quốc đây sao?
hôm nay là tội giết bao… “anh hùng!”

về trên nạng gỗ mà trông
chín năm chinh chiến… đeo tròng “ngụy quân!”
con thơ nhục nhã đến trường
ê a phỉ báng máu xương cha mình!
cha “lính ngụy” – con tự nhiên
thành phần không được ngóc lên làm người
học vừa đủ biết đọc thôi
đủ làm gia súc hiểu lời Đảng sai!

hãy cười đi phế binh ơi
một tay cũng rán mà… moi củ mì!

từ đây dỗ đói thường khi
ru con tôi hát não nề ca dao…
(Về trên nạng gỗ, Nguyễn Tất Nhiên, 1980)

Ðiều không chỉ thấy được trong những bài thơ lính của Nguyễn Tất Nhiên, nỗi ê chề của những người lính trận mang nặng tình quê hương, nhưng còn có tiếng khóc của những người quả phụ mất chồng; hay nàng thiếu nữ tuổi độ xuân xanh sớm mất người yêu; của bầy con thơ cha đã chết trận. Rồi chưa hết, niềm đau đau hơn nữa, kéo lê ngày sau bao nỗi đời chinh phụ trôi trên sóng vận thay mùa:
Chàng về nay đã cụt tay
đêm đêm dạ hội lấy ai dắt dìu?
thương chàng nay hết nâng niu
theo chồng ngoại quốc nó chiều tuổi xuân!

chàng về nay đã cưa chân
thương chàng thương một – thương thân thương mười
trời sinh em cũng là người
bỏ anh em cũng… chín mười đắng cay!

chàng về nay tắt tròng ngươi
mấy năm chinh chiến – nửa đời âm u
thế gian ai thích chồng mù?
khuyên chàng đừng trách bể dâu cuộc đời!

anh nay đã phế nhân rồi
thương anh lạnh bấy cuộc đời tàn binh
thương anh… cũng muốn chung tình
chị em, chúng bạn, gia đình… không ưng!

chàng về án tích “ngụy quân”
thân tàn “nợ máu nhân dân” lút đầu
anh nay cầm cuốc nổi đâu
lấy chồng bộ đội… làm dâu Bác Hồ!
(Ca dao, Nguyễn Tất Nhiên, 1980)

Hẳn, những bài thơ về lính của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, có thể thay cho tiếng của bao người ở lại, khóc ngất! Nhưng cùng lúc, khiến kẻ vừa nằm sâu dưới mấy nấm mồ xanh kia, còn linh hiển, đau theo:

Người yêu tôi khóc ngất
Chiều quân đội nghĩa trang
Rạt rào hơi gió nóng
Cho đau tà áo tang
Người yêu tôi khóc ngất
Chiều quân đội nghĩa trang
Ngập ngừng hơi xác ướp
Bay pha mùi áo nhang
Người yêu tôi khóc ngất
Trước quan tài sĩ quan
Trước hai chàng lính đứng
Thao diễn nghỉ lạnh lùng
Người yêu tôi khóc ngất
Trung úy thản nhiên cười
Lồng trong khung ảnh đẹp
Dựng sau bình bông tươi
Sự vinh thăng bất ngờ
Là đem theo nước mắt
Là danh dự xót xa
Là một lần đắp mặt
Một lá cờ quốc gia
Tờ thư nào cuối cùng
Nơi chiến trường Cam Bốt
Tờ thư nào cuối cùng
Dùng làm câu trăn trối
“Nhớ gởi lời giùm anh
Ai cũng thăm nhắn hết
Nhớ cho Duyên hai nghìn
Nó mừng hôm sinh nhật!… “
Chiều quân đội nghĩa trang
Chiều mệnh danh tổ quốc
Có muôn ngàn câu kinh
Có muôn ngàn tiếng khóc
Có chuyến xe nhà binh
Đưa “Thiên Thần” xuống đất
Còn ai, còn ai chăng?
Mua cờ bằng tính mệnh
Cho tôi đừng biết tên
Cho tôi đừng nhận diện
Cho tôi đừng chứng kiến
Xác “thiên thần” rã manh
Người yêu tôi khóc ngất
Chiều quân đội nghĩa trang
Vài dặm bụi lang thang… 
(Chiều mệnh danh Tổ quốc, Nguyễn Tất Nhiên, 1971)

Khi đọc những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, tập trước rồi sau, tôi luôn có cảm tưởng thơ Anh vào độ trước, ngay cả lúc đang yêu đắm đuối, thì hầu hết là những bài thơ thật buồn bã, là sự trói buộc. Song, nếu có buồn bã bao nhiêu, thì những áng thơ cuối cùng tôi tin đó là cách anh đã mở ra cánh cửa sau của ngôi nhà năm xưa, để hoàn toàn bước ra ngoài. Nhưng đó không phải là thái độ chối bỏ hay trốn chạy thực tại khổ đau của kiếp người, mà để khởi sự cho một lần trở về nhìn nhận lại cõi đời này, luôn đẹp bằng lượng cả tình yêu mà anh chứng nghiệm: TÂM DUNG.

DUNG, theo nghĩa dung chứa.
Năm lần Phật chỉ cho ngài A Nan, tâm là cái thấy.
Lấy cái thấy phân biệt để chỉ thấy vô phân biệt, lấy cái tâm vọng để chỉ cái tâm chơn, lấy ngón tay phàm phu để dụ như ngón tay Phật chỉ trăng. Kẻ trèo đèo này chỉ mong góp một cỏn con Phật sự, vọng động chăng?
Chỉ mong quý thiện hữu niệm tình: vọng mà biết mình vọng, còn hơn không.
(Bài tựa cho tập thơ Tâm Dung, Nguyễn Tất Nhiên, Người Việt xuất bản 1989)

37 năm sau ngày tàn cuộc chiến, những người thương phế binh QLVNCH, những cô nhi quả phụ và những người thân trong gia đình còn ở lại quê nhà chắc chắn chưa hưởng được một ngày hòa bình thật sự. Có chăng, một chút niềm vui thay vào đó, cũng xoa dịu những mất mát mà không gì bù đắp được, là hôm nay đồng bào Việt Nam hải ngoại vẫn biết ơn và nhớ nghĩ về họ.

Cuối cùng, hòa bình chỉ có mặt thật sự khi con người sống với nhau với cái TÂM DUNG, mà thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã nói trong thơ mình:

Vì người yêu thương trời đất cũng yêu thương - (Tâm Dung, 19/01/89)

 

Thượng tuần tháng 8, 2012

 

Bích chương (Ảnh: Uyên Nguyên)