Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

...Em về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ...

Độc giả miền Nam biết đến Nhã Ca với bài thơ Nhã Ca Thứ Nhất ký tên Trần Thy Nhã Ca đầu thập niên 1960. Nhưng trước đó, giữa thập niên 1950, thuở học trò, Nhã Ca đã có thơ đăng trên các tuần báo văn nghệ học sinh, Văn Nghệ Tiền Phong ở Saigon ký tên thật là Thu Vân. Năm 1964, thơ được in thành tập Nhã Ca Mới, được trao Giải Thi Ca Toàn Quốc năm 1965. Giải văn toàn quốc Giải Khăn Sô Cho Huế năm 1969.

Tên tuổi Nhã Ca được yêu mến, bà nổi tiếng khắp miền Nam.

Theo nhà biên khảo Đặng Tiến, cái gọi được là thơ trong Nhã Ca, trước hết là một không gian.

Sân chiều chao nhẹ dăm tờ lá
Và khói sương về cuộn cánh song

Buổi chiều xa xưa ở đây không còn hiu hắt như trong Huy Cận hay đằm thắm như trong Xuân Diệu. Buổi chiều của Nhã Ca chao nhẹ, chao thật nhẹ như trong Nhất Linh. Những buổi chiều vô cùng mịn màng, óng ả, mềm mại, dìu dặt… mà đặc biệt trong thơ Nhã Ca mới có.

Ngày cũng vừa xanh dáng tịch liêu
Đường xa sầu tiếp với cây chiều
Bầy chim én cũ qua thành phố
Về gọi thời gian vỗ cánh theo

Thôi trả cho dòng sông tối đen
Trả cho người đó nỗi ưu phiền
Còn đây chút tủi hờn thơ dại
Rồi cũng xa vời trong lãng quên

Thiếu nữ thời ấy-thập niên 1960 rất yêu truyện của Nhã Ca. Văn Nhã Ca nhẹ nhàng và đẹp như một bài thơ. Nhân vật chính trong các truyện đa số là những cô bé học sinh mới lớn, nhiều mơ mộng. Khung cảnh trong truyện vẫn là một góc thành phố, một góc sân trường, một thế giới nhỏ bé, nhưng vẫn xảy ra những biến động quay quắt, những uẩn khúc bi thương... 

......


Nữ sĩ Nhã Ca là đại diện xứng đáng của nền văn chương nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hoà: nhân bản, có đôi chỗ nổi loạn, và thường  bàng bạc nỗi ưu tư cho thân phận nước nhà. Nhìn Nhã Ca, đọc Nhã Ca, người ta có thể bắt gặp lại gương mặt hằng trăm, thậm chí hằng ngàn văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hoà, những người đã góp sức dựng nên một nền văn nghệ đặc sắc, giàu sáng tạo, và đậm chất Việt chỉ trong khoảng 20 năm ngắn ngủi, với nhiều tác phẩm đến nay đọc lại, nghe lại, xem lại vẫn khiến người ta bồi hồi thổn thức.

http://farm5.static.flickr.com/4129/5043317140_514752e590.jpg



Sau đây là bài viết của DU TỬ LÊ:

Với bút hiệu Trần Thy Nhã Ca, thơ Nhã Ca xuất hiện lần đầu trên tạp chí Hiện Ðại, số ra mắt, của nhà thơ Nguyên Sa chủ trương. Cũng ở số ra mắt đó, tác giả “Áo Lụa Hà Ðông” đã dành cho thơ Trần Thy Nhã Ca vị trí trang trọng nhất.

Người đọc cũng như một số anh chị em văn giới thuở đó, xao xác hỏi nhau:

“Trần Thy Nhã Ca là ai?

“Ai là Trần Thy Nhã Ca?”

Những câu hỏi được cất lên nhiều thêm nữa, khi những bài thơ kế tiếp của bà, càng lúc càng dội vang xa hơn.

Nhà thơ Thành Tôn, người hiện có trong tay tạp chí Hiện Ðại số 1, cho biết, ba bài thơ đầu tiên của Trần Thy Nhã Ca là: “Bài Nhã Ca thứ nhất”, “Ngày Tháng Trôi Ði” và, “Thanh Xuân.”

“Bài Nhã Ca Thứ Nhất” là một bài thơ 4 chữ, có những đoạn như:

Tôi làm con gái

Buồn như lá cây

Chút hồn thơ dại

Xanh xao tháng ngày

Tôi làm con gái

Một lần yêu người

Một lần mãi mãi

Bao giờ cho nguôi

Tôi làm con gái

Bao nhiêu tuổi đời

Bấy lần thơ dại

Buồn không ai...
... hay.
(1)

 

“Ngày tháng trôi đi” là một bài thơ 7 chữ:

Ngày cũng vừa xanh dáng tịch liêu

Ðường xa sầu tiếp với mây chiều

Bày chim én cũ qua thành phố

Về gọi thời gian vỗ cánh theo

Thôi trả cho dòng sông tối đen

Trả cho người đó nỗi ưu phiền

Còn đây chút tủi hờn thơ dại

Rồi cũng xa vời trong lãng quên

Mắt dõi theo vừa ngút bóng cây

Ðời chia dăm bảy dấu chân bày

Tôi hồn vẫn đứng im như tượng

Trông tháng ngày đi trên cánh tay.

(Trọn bài) (1)

Và đây, trích đoạn bài “Thanh Xuân”:

Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây

Người đi chưa dạt dấu chân bày

Bày tay nằm đó không ngày tháng

Tình ái xin về với cỏ cây

Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài

Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai

Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối

Tôi mất thời gian lỡ nụ cười

Ðời sống ôi buồn như cỏ khô

Này anh em cũng tợ sương mù

Khi về tay nhỏ che trời rét

Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ.” (1)

Tính tới đầu đầu thập niên 1960, trong sinh hoạt văn học miền Nam, chúng ta có rất ít nhà thơ nữ. Ðã thế, họ lại thường không nói về phía khuất lấp của thân, tâm mình.

Tình yêu, nếu được họ đề cập đến, dẫu thừa thãi những tính từ chỉ tính chất cô đơn, sầu muộn, hoặc những hình ảnh lãng mạn đã sáo mòn thì, chúng cũng vẫn giống như thể họ đang nói xa xôi, mơ hồ, quanh co về một phần số hẩm hiu, một thất lỡ, vay mượn chuyện tình từ một nữ lưu nào đó, trong đời thường!

Trần Thy Nhã Ca không vậy! Thơ bà xuất hiện, như tiếng nổ lớn của một khối thuốc nổ TNT.

Ngay tự những dòng thứ nhất của bài thơ thứ nhất, tác giả đã tự giới thiệu, không chỉ giới tính mà còn là “tiểu sử” đời mình một cách trực khởi. Tự tin. Không mặc cảm:

“Tôi làm con gái

Bao nhiêu tuổi đời

Bấy lần thơ dại

Buồn không ai hay.”

Với số chữ ít oi của thể thơ 4 chữ (bằng nửa số chữ thể thơ 8 chữ,) nhưng mỗi con chữ trong đoạn thơ tôi vừa lập lại của Trần Thy Nhã Ca lại có khả năng tự bào phân ở cấp số nhân, để cái hình hữu hạn này khơi dẫn tới tượng mênh mang của những chân trời nắng, gió lênh đênh cảm thức hiu quạnh, mới.

Cũng thế, ở bài thơ thứ hai, trừ một hai câu mang âm hưởng thơ Huy Cận (như câu “đường xa sầu tiếp với mây chiều”,) thấp thoáng trong bài thơ là những nhát chém không hình tích của những lát dao chữ nghĩa và, hình ảnh xẻ dọc toàn cảnh:

“Bầy chim én cũ qua thành phố

Về gọi thời gian vỗ cánh theo.”

Hoặc:

“Tôi hồn vẫn đứng im như tượng

trông tháng ngày đi trên cánh tay”...

Với tôi, là những cánh cửa hé mở cho thi ca miền Nam thời kỳ đó, một chân trời khác.

Bước vào bài thứ ba, bài cuối cùng trong loạt bài đầu tiên của Trần Thy Nhã Ca, với những câu như:

“Bàn tay nằm đó không ngày tháng

Tình ái xin về với cỏ cây.”

Hoặc phỏng, rát hơn với hai câu mà, mỗi chữ tựa một hòn than vừa bén lửa:

“Khi về tay nhỏ che trời rét

nghe giá băng mòn hết tuổi thơ.”

Với tôi, chừng đó ngôn ngữ, chừng đó hình ảnh và sự điêu luyện trong nghệ thuật diễn tả, đã đủ khẳng định, đủ định hình chỗ đứng của tài hoa thi ca này.

Tôi không biết trước khi có cho mình bút hiệu Trần Thy Nhã Ca, tác giả đã có cho mình bao nhiêu bút hiệu?

Tôi cũng không biết tác giả làm quen với thi ca từ năm nào? Bao nhiêu tuổi? (2)

Chỉ biết tôi đã lặng, điếng như một nạn nhân bất lực, chới với giữa hai đối cực:

Cực tiểu là hình ảnh bàn tay quá mức nhỏ bé của con người, theo phản ứng tự nhiên, tuyệt vọng như chống trả cái cực đại là thời tiết (cái rét,) hay thiên nhiên.

Với 14 chữ, Trần Thy Nhã Ca tự thú (một cách buồn bã wink , bản chất “con tin,” tính thất lạc của thân phận con người trước thiên nhiên, trong dòng chảy thời gian, bất tận.

Tôi vẫn cho rằng, thời tiết (hay thiên nhiên,) nơi chốn... tự nó vốn trung tính, hoặc vô ký. Nếu chúng có mang một linh hồn, một ý nghĩa nào đó, thì phần linh hồn, phần ý nghĩa kia, do con người, do chúng ta mặc, khoác cho chúng.

Từ đó, với tôi, cái rét (thời tiết) trong thơ Trần Thy Nhã Ca, không chỉ là một ẩn dụ (metaphor) hay một hoán dụ (metonymy) cho một trạng thái tình yêu mà, nó còn là một thực chứng bơ vơ, thất lạc của bà trước thiên nhiên.

Nói cách khác, đó là thân phận không thể chối bỏ của định phận người nữ, với kết cuộc vốn là bôi xóa, lãng quên trong dòng chảy nhân quần!

Hiểu như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng hơn, có được cho mình câu trả lời:

- Tại sao thơ Nhã Ca, lại đầy rẫy những đối kháng dữ-dội-buồn-thảm, khi bà luôn tự nói về mình, như một sinh vật có khả năng bật sáng những ngọn đèn tâm thức nghìn nến, để soi thấu đáy tầng vô thức thân phận mình?

Những bài thơ kế tiếp của Trần Thy Nhã Ca, càng thêm xác tín cho sự hiện hiện rực rỡ của bà trong dòng văn học 20 năm miền Nam Việt Nam. Chúng mở ra và, đi đến những chân trời chưa một người làm thơ nữ nào thời đó, bước tới.

Một trong những bài thơ kế tiếp của Trần Thy Nhã Ca được nhiều người nói tới, là bài “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Bài thơ ghi lại “biến cố” bà bỏ nhà ra đi năm bà mới 19 tuổi.

Có người cho rằng, thơ Nhã Ca mà bài “Tiếng Chuông Thiên Mụ” là một thí dụ; ra đời trong bối cảnh miền Nam Việt Nam thập niên 1960 đã được “giải phóng,” không còn bị truyền thống đạo lý, xã hội khắt khe cấm kỵ. (Vì thế) bà mới dám mạnh mẽ tự chọn tình yêu, chọn sống cuộc đời cho riêng mình...

Nhận định này, tuy chỉ để đưa tới những ngợi ca sự can đảm của Trần Thy Nhã Ca; Nhưng với tôi, nó lại không chỉ là một nhận định hời hợt vì chưa hay, không hề đọc kỹ thơ Nhã Ca mà nó còn làm giảm rất nhiều tính cương cường, lẫm liệt, đối đầu xã hội và, luôn cả những nghĩ lại chua chát, thất vọng, ê chề... trong đôi phút nào đó, nơi thẳm sâu tâm hồn người nữ, thi sĩ này nữa.

Bài thơ vừa kể, mở vào bằng những câu vẫn mang tính tự giới thiệu (hay tự khẳng định) thân thế mình:

“Tôi lớn lên bên này sông Hương - Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ - Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ - Cửa từ bi vồn vã bước chân sông - Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng - Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn - Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn - Những sáng chim chiều dế canh gà - Tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da - Người với chuông như chiều với tối.”

Từ bối cảnh “Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ” với “Cửa từ bi vồn vã bước chân sông,” bà đi tới một chọn lựa gây ái ngại hay hoảng hốt, lo lắng cho bất cứ bậc phụ huynh nào, thậm chí, cả những người trẻ, ở tuổi bà, thuở ấy nữa.

Nhưng với bà thì, dường như đó là sự chấp nhận một hò hẹn bất trắc với trăm năm hay, một thách đố với định mệnh:

“Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi - Ðêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông - Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn - Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy - Tiếng chuông đến chỉ một mình tôi thấy - Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan - Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em - Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền - Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố.”

Và đây là phần ê chề, thất vọng của tác giả, như tôi mới viết ở trên:

“Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời - Ðổi họ thay tên viết văn làm báo - Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo - Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư - Tháp cổ chuông xưa, sông nhỏ sa mù - Dòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục - Con đường cũ nghe trong hồn cỏ mọc - Chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da (...)Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay - Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay - Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ - Cho con trở về đứng mê sảng ngó.” (1)

Nhưng với tôi, hai câu thơ trong bài “Bài Tháng Sáu,” không được nhiều người nhắc “Tôi đã biết tội thân làm con gái - Ðời không thương tất cả héo khô dần” (1) - Mới thực sự cho thấy tài năng ngoại khổ của tiếng thơ này.

Tôi không nghĩ khi viết xuống hai câu thơ trên, Trần Thy Nhã Ca muốn khai triển hoặc, ứng dụng cái tương quan hữu cơ giữa tâm và, sinh lý.

Tôi cũng không nghĩ một nhà thơ phái nam, dù tài hoa nhất mực, có thể cảm nghiệm được sự héo hon, đưa lần tới héo khô những cơ phận trên thân thể người nữ! Một khi nâng niu, săn sóc, thương yêu, ân cần rời bỏ họ. Như những con sóng cấp bảy, cấp tám thình lình rút xa, rất xa bờ cát.

Cảm thức bị lãng quên, bị vất lại, bị bỏ xó... luôn là cảm thức sâu kín, trầm trọng nhất của bản năng người nữ. Nó thường dẫn dắt thân, tâm người nữ tới những kết luận hay chọn lựa cực đoan. Tận. Tuyệt.

Tôi nghĩ, bà viết như một thốt kêu tự nhiên, của con chim thương tích. Lẻ bạn.

Tôi cho, đó là một thứ cảm-tính-chỉ-riêng-thi-sĩ.

Và, vì thế, câu thơ lớn lao. Nó như ngọn núi sừng sững (nhiều phần chênh vênh), giữa biển khơi và, vực thẳm.



Chú thích:

(1) Theo “Nhã Ca Thơ” Vietbook, USA, Calif. xuất bản, 1999.

(2) Gần đây, khi sưu tầm tài liệu cho bài viết của mình, tôi tình cờ đọc được một trích dẫn, ghi lại lời kể của Nhã Ca. Bà cho biết, với bút hiệu khác, bà đã cho đăng thơ, văn rất sớm, trên tờ Văn Nghệ Học Sinh của Lê Bá Thảng, khoảng giữa thập niên 1950.

Khi đó, nhà thơ Trần Dạ Từ, người bạn đời của bà sau này, phụ trách phần bài vở.



http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=20895


TRUYỆN NHÃ CA

http://vantuyen.net/index.php?view=author&id=37




http://www.viettidemagazine.net/images/2008/March08/9/giai%20khan%20so.jpg

 

ĐỌC ONLINE

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6221&rb=08


Bìa Giai phẩm Văn
số đặc biệt “Năm Nhà Văn Nữ nổi tiếng nhất của văn chương tiểu thuyết hiện nay”
Bìa Giai Phẩm Văn - 5 Nhà Văn Nữ

 

 

Trang 2 (Bìa trong) Giai phẩm Văn
số đặc biệt “Năm Nhà Văn Nữ nổi tiếng nhất của văn chương tiểu thuyết hiện nay”

 BiaVan-trang2-5nhavannu

 

Túy Hồng

 Túy Hồng

 

 

 

Trùng Dương

cnt-trungduong

 

 

 

Nhã Ca

Nhã Ca

 

 

 

Nguyễn Thị Hoàng

 

cnt-nguyenthihoang

 

 

 

Nguyễn Thị Thụy Vũ

cnt-nguyenthithuyvu


NHÃ CA - MỘT XUẤT HIỆN RỰC RỠ CỦA VĂN HỌC MIỀN NAM

http://www.dutule.com/D_1-2_2-105_4-3576_15-2/

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

{tạp chí Văn} - đi tìm bình an, trong/qua văn chương...

Trong 1 bài viết về 1 kỉ niệm lạ lùng của BAN MAI trên trang blog của đài VOA tiếng VIỆT, cô BAN MAI đã trải nghiệm 1 cảm xúc khá...hấp dẫn với quyển tạp chí này, đối với cô, đọc tạp chí VĂN là đi tìm một bình an trong văn chương...còn đối với những người lính, với VĂN, là đến với một nguồn sống khác, để "nhấc mình ra khỏi cuộc chiến"...

Không gì khác hơn là tôi phải đồng ý với những cảm nghĩ này...

"Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường. Khóc cho nhà cửa vườn tược bỏ lại bị thiêu cháy, cho ruộng nương hoang tàn, cho trâu bò lạc lõng bơ vơ như thân phận của chính mình giữa dòng người chạy loạn.


Gia đình tôi như số đông dân Quy Nhơn chạy vào đến Tuy Hòa, rồi ráng qua được đèo Cả vào đến Nha Trang, lê lết thêm một quãng nữa đến Cam Ranh là hết sức. Chân phồng lên vì dộp. Mi mắt phồng lên vì mất ngủ, chúng tôi như những bóng ma của chiến tranh mang trong óc trí não phồng lên vì lo lắng. Chiến tranh có quy luật của loạn lạc. Chiến tranh Việt Nam có quy luật riêng: Dân không chạy ngược lên phía Bắc mà luôn chạy vào Nam. Xuôi Nam, là tìm đường sống, là tìm tự do, dù trên danh nghĩa được giải phóng.

Gia đình tôi cũng vậy. Chạy tất tả bờ bụi, ngay sau khi vỡ mặt trận. Mỗi ngày các chuyến xe đò và quân xa dồn dập đổ dồn về bến xe chính thị xã thải ra những con người lầm than, màn trời chiếu đất. Dân đất Quảng liều chết vượt đèo Hải Vân vô cho được Quy Nhơn. Hải Vân như rặng núi thiên nhiên chống đỡ, biết có ngăn được nguy biến cho chúng tôi? Ba tôi ở Phòng Thông tin về thất thần, tin Đà Nẵng mất như quả bom nổ giữa nhà. Thế là hết, Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung sụp đổ, là vỡ mặt trận. Tuổi mười hai tôi hiểu: Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đức Phổ liên tiếp vỡ mặt trận. Đức Phổ là đã sát Tam Quan, Hoài Nhơn, Bồng Sơn. Là đã vào đến Bình Định. Dân Quy Nhơn chỉ còn biết chạy. Gồng gánh, bồng bế nhau chạy theo đoàn người lam lũ mà mới hôm qua chúng tôi hãy còn xót thương, gói ghém thức ăn giúp đỡ khi họ lây lất nằm ngồi trên vỉa hè thị xã. Giờ chúng tôi thành họ, bỏ nhà cửa nhập vào cái đuôi rồng rắn dài ngoằn thậm thược bò trườn về phía Nam. Phía Nam… thật xa như biển Thái Bình vỗ sóng. Phía Nam… ở cuối chân trời còn trong xanh như giấc mơ tuổi thơ. Phía Nam mang hình ảnh hiền hoà thanh bình của những đồng ruộng miền Tây, của lộng lẫy Sài Gòn làm tuổi thơ tôi nô nức. Vâng, tôi hãy còn nhỏ, còn là cô bé đệ thất hóng chuyện người lớn, lo âu theo nỗi lo cha mẹ, sợ hãi theo nỗi sợ hãi của các anh chị, học lóm các danh từ quân sự từ miệng chú bác. Tuổi thơ chiến tranh trong Nam không hực lửa dữ dội như tuổi thơ miền Bắc mà êm đềm dịu lành như miền Nam, tuy chiến tranh xảy ra ở đây, nhưng những người lính Cộng hòa bảo vệ chúng tôi được yên bình. Đến tháng 4/1975, tôi sống trong sự an lành bấp bênh này.

Qua khỏi Nha Trang, gia đình tôi vào tạm trú trong cư xá Cam Ranh. Dừng lại vì đuối sức. Để thở. Để hô hấp. Để kịp nhìn quanh xác định vị trí thân phận gia đình mình giữa dòng loạn lạc, là điều cha mẹ đánh liều, vì các con hết sức, vì không biết làm gì khác. Cả nhà đã đuối. Tôi kiệt sức. Tôi muốn lả. Tôi uống ca nước mưa trong cư xá tìm vị nước mưa của quê hương mát lịm ngọt ngào.

Buổi chiều hôm ấy thật căng thẳng. Tôi còn nhớ tin quân giải phóng bị chận ở đèo M’Drak không cho xuống Khánh Dương tràn xuống miền duyên hải làm cả khu cư xá hân hoan, lên tinh thần. Rồi vụt đến tin lính mình tan hàng. Tôi chưa biết tan hàng là gì, nhưng nhìn gương mặt người lớn âu lo chùng xuống, tôi biết tin không lành. Ba mẹ tôi bằng mọi cách muốn con mình phải sống.

Sống, nên mấy chị em tôi đóng cửa ở trong nhà như ba mẹ dặn. Cả hai đi đâu chúng tôi không được quyền biết, chuyện người lớn, chiến tranh là của người lớn, nhưng chính chúng tôi đang cùng sống chiến tranh với họ. Thỉnh thoảng tôi len lén nhìn qua khe cửa. Cư xá vẫn náo động, nhưng tôi muốn nhìn ra bên ngoài, qua vách tường thấp trông ra mặt hè phố. Chị tôi la, mở cửa sổ cho chị, chị ngộp thở quá. Nhà gì mà kín mít. Được phép, tôi mở toang cửa sổ. Cảnh tượng ập đến như phim chiến tranh. Tôi gọi chị ra xem. Tôi la: Chị ơi, lính của mình vứt quân phục đầy đường rồi, họ quăng giày bốt trên vỉa hè… Chị lao tới, chị cũng sững sờ, những người lính oai hùng hôm qua, những người lính điển trai sạm nắng, đàn ông tính và hiên ngang làm những thiếu nữ như chị mơ ước…

Tôi giật thót, khi nghe tiếng gõ cửa. Ba tôi trong khung cửa, ba trở về với một người lính trẻ thất thần, hối hả cởi quân phục, gần như muốn lột da anh để không ai biết da anh từng rằn ri lúc trước. Anh tháo hối hả áo trận, áo thun xanh lục bên trong, vứt thẻ bài tiếp tục lấp lánh trong góc tối rồi anh vội vã xin chúng tôi bộ quần áo. Anh còn trẻ lắm, chắc vừa xong tú tài. Tôi ngắm anh xương xương, tóc ngắn, da ngăm nhưng còn tươi nét thị thành, anh không phải là nông dân, mà phải xuất thân thành phố. Tôi luýnh quýnh lấy đồ dân sự đưa cho anh.

Người lính vứt xuống ba lô đầy bụi đất. Bộ sách English for today của Lê Bá Kông rơi ra đất. Trọn bộ 6 quyển và thêm 5 cuốn tập san Văn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tập san Văn. Thật ra tôi vẫn trông thấy chúng trong hiệu sách chú Thiện gần nhà, nhưng tôi hãy còn quá nhỏ để vươn tới văn chương của người lớn, tôi hài lòng với nguyệt san Ngàn Thông của Duyên Anh, nguyệt san Thiếu Nhi của Nhật Tiến, nguyệt san Thằng Bờm và mục Mai Bê Bi trên báo Chính Luận. Tháng 4/1975 làm tôi vụt lớn, giống như trông thấy xác chết làm đứa trẻ lớn lên vì hiểu cuộc đời là khổ đau và chết chóc. Tôi có cảm giác cô bé Quy Nhơn hôm qua, đã là thiếu nữ lúc này, ánh mắt tôi nhìn đăm đăm tạp chí Văn và người lính nhìn thấy. Anh nhìn ra ánh mắt tôi trên tập san Văn, như để trả ơn tôi đem quần áo của ba cho anh, anh buồn buồn nói: Mấy quyển tạp chí này anh cho em. Hết rồi, không còn gì nữa, anh không cần nữa. Anh không cần chúng nữa. Em hãy giữ lấy.

Tần ngần một lúc, anh đưa cho tôi. Tôi nhìn được vẻ ngậm ngùi trên gương mặt anh, hãy còn bơ phờ và cháy nắng. Bụi đất, thuốc súng, vết đạn bạn anh trúng thương như hãy còn nguyên trên trán anh. Trán của một người lính mang 5 quyển tạp chí Văn trong ba lô mà tôi không hiểu quan trọng đến mức nào khiến anh không vứt suốt đoạn đường lui binh, khiến anh chấp nhận mang ít đạn dược, lương khô để dành chỗ cho bộ English for today của Lê Bá Kông và 5 tập nguyệt san Văn.

Tôi hỏi: Đi lính mà mang theo sách văn chương chi vậy anh?

Anh nói: Đọc cho đỡ buồn để nhấc mình ra khỏi chiến tranh.

Rồi anh kể, anh mơ ước sẽ đi học tiếp. Anh học năm thứ nhất Văn khoa Sài Gòn trước khi bị động viên. Anh muốn trở về trường cũ, hy vọng phía chiến thắng xem phía thua trận là anh em, cho phép anh sống bình thường, ước mơ bình thường, tốt nghiệp Văn khoa đi dạy một trường trung học tỉnh lỵ nào đó, đạm bạc mà yên ổn với cuộc đời. Anh không thích chiến tranh, anh không muốn đánh nhau hoài, thua trận nhưng cũng là dịp tốt chấm dứt nội chiến. Anh đưa tay vuốt tóc tôi, bàn tay có những đốt chai của người lính mà tôi cảm được khi lướt qua trán mình, lớp da tay sần có thể vì khuân đạn, vì phải đào công sự, chạm vào da làm tôi hơi giật mình. Da của một người đàn ông lạ, tôi nghĩ. Da của một bàn tay ham đọc sách văn chương, tôi cũng nghĩ. Chúng tôi tiễn anh ra cửa, bóng anh vụng về trong bộ đồ dân sự cố đi bình thản nhưng bước chân như chạy trốn người lính là chính anh vừa ban nãy, còn đồ trận, giờ anh đã bỏ lại và muốn thoát bóng cũ.

Ngày ấy, tôi còn rất nhỏ. Tháng 4/1975 tôi chưa là thiếu nữ, tôi chỉ cảm thấy vô cùng thương tâm, lòng như lửa đốt vì lo lắng khi nghĩ đến người thân. Các anh con bác tôi cũng đi lính, những ngày này, các anh tôi lầm than đang trôi dạt nơi nào.

Rồi thời gian qua như bão sa mạc. Gió tốc tan hoang chỉ còn lại đất, tất cả biến mất khi chúng tôi trở về. Trong cơn bão, tủ sách của gia đình tôi bị đốt sạch, ba nói người ta sẽ vào nhà lục soát và kết án tàn dư chế độ cũ, ai giữ sách là phạm pháp. Ba sợ. Mẹ sợ. Cô chú, thím, bác, dì, dượng sợ. Không ai dám giữ, dám giấu hay cất hộ. Tôi và các chị lén ba, giấu những tập sách mà mình yêu thích nhất trong một hòm gỗ dưới chân cầu thang tầng 2, những quyển sách mà người lính đã tặng tôi cũng để lại không nỡ đốt đi. Ánh mắt anh như còn trên bìa sách. Ánh mắt lấp lánh hy vọng anh có thể theo học Văn khoa tiếp tục phảng phất trên trang giấy ố vàng. Thời gian làm những Tạp chí Văn ấy đã trở thành “di sản” của văn chương Miền Nam. Chính tôi cũng không ngờ tới, và có lẽ anh cũng không ngờ đến. Tôi đã giữ, đã đọc, đã “nhấc mình lên” khỏi cuộc chiến như anh dặn. Bằng văn chương.

Cách đây mấy năm, khi đọc trên online Tạp chí Văn ở Hoa Kỳ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thấy trên danh mục thiếu những tập năm 1969, tôi nhớ ngày xưa người lính đã cho tôi mấy cuốn nên lôi ra, sách đã ố màu và mối ăn lỗ chỗ. Tôi khẽ khàng lật từng trang sách vì giấy đã mục nát. Tôi cảm giác kỳ lạ là chính anh cũng đang cùng tôi lật khẽ khàng từng trang sách cũ. Lật từng chữ cũ, với sự hoài niệm của một thời đã mất.

Tôi lật từng trang.

Văn
số 140, ra ngày 15 tháng 10 năm 1969, gồm 128 trang. Số đặc biệt về Yasunari Kawabata là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản được giải Nobel văn chương năm 1968. Hình bìa là bức ảnh nhà văn mặc áo kimono đen với gương mặc thiền tông, do Văn Thanh trình bày. Bài nhận định Yasunari Kawabata cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Thư Thanh viết từ Tokyo, tháng 7 năm 1969. Yasunari Kawabata dưới nhãn quang Tây phương của Chu sỹ Hạnh viết từ Melbourne, tháng 3 năm 69. Tiếp theo giới thiệu 5 tiểu thuyết tiêu biểu của Kawabata: Cô đào miền Izu, Tiếng núi rền, Ngàn cánh hạc do Vũ Thư Thanh dịch từ nguyên tác, riêng truyện Thủy Nguyệt do Chu Sỹ Hạnh dịch từ bản tiếng Anh, Nốt ruồi do Mai-Dzam dịch. Văn khi ấy, như thế đã cập nhật văn học thế giới rất nhanh vào miền Nam. Miền Nam, cảnh cửa văn chương mở ra thế giới của toàn Việt Nam. Tháng 4/1975 đã đóng lại phũ phàng.

Bên cạnh đó, Văn số 140 năm 1969 đăng tiếp truyện dài nhiều kỳ Khu rừng hực lửa của Nguyễn Xuân Hoàng.  Mục Tin văn do Thư Trung và các bạn đảm trách: đưa tin Mường Mán cây bút trẻ của Văn vừa ra chiến trường; Lê Bá Lãng thì được biệt phái trở về nghề gõ đầu trẻ; giới thiệu tập sách mới nhất của Nguyễn Mạnh Côn Hòa bình…nghĩ gì?làm gì?, tựa mà về sau Phan Nhật Nam lấy  lại trong một chương của bi ký Tù binh và Hòa bình; rồi Hội Bút Việt cử phái đoàn tham dự hội nghị Văn Bút Quốc tế, ở Pháp. Tin ngoài nước: giới thiệu giải thưởng văn hóa ở Đại Hàn, Genève vừa tổ chức cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ XXII giữa các nhà văn hóa, để thảo luận về đề tài “Tự do và trật tự xã hội”.

Tiếp theo mục Thư tòa soạn loan báo trước chủ đề của những số báo sắp tới, cuối cùng Hộp thư bạn đọc Tòa soạn Văn giới thiệu những tác phẩm mới do các tác giả và nhà xuất bản gửi tặng.

Bờ sông lá mục
của Phan Lạc Tiếp, là một tập bút ký chiến tranh, trình bày cuộc nội chiến Nam Bắc hiện tại qua cái nhìn của một người đi biển.

Nhật ký quân trường
của Trần Châu Hồ, viết trong những ngày ở lại quân trường không đi nghỉ phép của nhà giáo Trần Châu Hồ khi thực tập quân sự tại TTHL Quang Trung.

Vực xoáy
của Bàng Bá Lân, tập truyện dị thường gồm 10 đoản thiên, dịch từ nhiều tác giả Âu Mỹ nổi danh.

Những giọt đắng
của Võ Hồng gồm 7 đoàn thiên, bìa của Đinh Cường.

Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh
của Erich Maria Remarque, Phạm Trọng Khôi dịch từ bản tiếng Pháp A l’Ouest, rien de nouveau viết về tâm trạng phản chiến của binh sĩ Đức trong Thế chiến Thứ Nhất, đã được chuyển thành phim và dịch sang nhiều thứ tiếng. Bìa do Đinh Cường vẽ.

Văn chương tranh đấu miền Nam
của Nguyễn Văn Sâm, khảo sát 24 tác giả quan trọng của văn chương nam bộ thời kỳ 1945-1950, là một công trình nghiêm túc và đáng tán thưởng.

Thơ Lữ Quỳnh, thi phẩm đầu tay gồm khoảng 30 bài. In Thạch bản, trình bày trang nhã, phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu.

Viết cho những người còn lại của Lê Trúc Khanh, Hà Huy Khanh và Lệ Thy. Thi phẩm đầu tay của ba tác giả tại Cần Thơ.

Quyển Tạp chí Văn hơn 30 năm trời đã lưu giữ tâm hồn bao con người, như một thước phim quay chậm, từng con chữ, từng con chữ hiện lên những cuộc đời. Số phận những nhà văn Miền Nam này đã ra sao sau biến cố tháng 4/1975, họ còn sống hay đã chết…, với tôi Tạp chí Văn như một nấm mồ bí ẩn.

Nhưng chính những trang sách ẩn chứa bao điều bí ẩn đã giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn trong những năm dài cay nghiệt của cuộc đời. Văn chương tự do giúp tôi “nhấc mình” lên khỏi thực tế u buồn của xã hội thực tại. Tôi nhấc tôi lên bằng văn chương đã vắng bóng  của miền Nam, nhấc tôi lên khỏi cuộc đời thăng trầm trăm nỗi lo toan. Mà vây quanh là khẩu hiệu. Khẩu hiệu trên tranh cổ động không giúp nhấc mình mà nhấn mình xuống vì phải làm theo chỉ thị, theo khẩu hiệu, mà mình không muốn, vẫn phải làm. Làm tối mặt. Tối mắt. Để về nhà buồn bã là đã không sống thật với mình. Tạp chí Văn khi ấy tôi lưu giữ trong nhà rất lạ, không giống những tập san văn nghệ bày bán trên sạp báo bên ngoài, cũng không giống báo văn nghệ hội nhà văn, là một cái gì khác.

Văn chương tự do cho mình cuộc đời khác, sống cùng nhân vật, đem mình bay đến những miền đất lạ và tuy trong khoảnh khắc, nhưng cuộc đời bỗng hạnh phúc biết bao.

Bây giờ tôi đã hiểu vì sao ngày trước, người lính miền Nam ra chiến trường vẫn mang theo trong hành trang Tạp chí Văn cất trong ba lô của mình, như lời anh nói, giúp anh “nhấc mình ra khỏi chiến tranh”. Ra khỏi sắt thép, lửa và tham vọng. Trong văn miền Nam không có thép, nên anh tìm bình an trong Tạp chí Văn Sài Gòn ngày ấy.

Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn tìm bình an trong văn chương.

Ban Mai
Quy Nhơn, 20/01/2011


Trong quyển VĂN tôi sắp giới thiệu sau đây, có một vài bài mà tôi thích, và một phần nào đó, minh chứng được cho điều..đến với văn chương nói chung, và đến với VĂN là tiệm cận mình với một bình an...ít ra là trong tâm tưởng!


NGUYỄN THỊ HOÀNG, 1 tác giả nữ từng gây 1 tiếng vang lớn trong văn đàn văn miền Nam pre 1975 .Chưa một nhà văn Việt nào được các thế hệ thanh niên say mê và tác phẩm đầu tay đem đến tiếng tăm lẫn sóng gió nhiều như Nguyễn Thị Hoàng. Vòng Tay Học Trò, thập niên 60, đã biểu trưng tâm tình nổi loạn của cả một thế hệ trẻ trong một thời đại bắt đầu làm quen với văn chương "hiện sinh", trong tình yêu và trước xã hội, với khao khát một cách sống độc lập.


Còn trong những truyện ngắn mà tôi có dịp đọc trên VĂN, đằng sau mỗi câu chuyện là một trùng dương cô đơn, một dai dẳng ám ảnh mà tôi không thể rời bỏ được, BÓNG MA sau đây là một ví dụ.

Hơn thế, trong truyện ngắn NTH, tôi luôn bắt gặp những suy tư rất riêng, và nhiều lúc, những độc thoại này, như một độc thoại dành riêng cho mình. Đặc biệt, với đoạn này


"...đến một lúc nào đó, ta gặp một người nào, chỉ một lần, dù mến yêu dù thù ghét, cũng chỉ một lần, rồi từ đó cho đến ngày nhắm mắt, vĩnh viễn, dù trái đất còn quay, người ta vẫn có thể còn đi lại, viếng thăm nhau, những đường bay vẫn tiếp tục nối kết mây trời và biên cương nhưng không bao giờ, ta còn gặp lại người đã gặp một lần thứ hai nào nữa, DÙ SỐNG SÓT ĐẾN VẠN TRIỆU ĐỜI TA SỐNG.."



PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
Photobucket

KIM TUẤN là 1 nhà thơ quân đội khá nổi tiếng và góp mặt thường xuyên trên VĂN.

Kim Tuấn tên thật Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh năm 1938, tại Hà Tĩnh, là hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Nhà thơ trưởng thành tại Phan Thiết và Sài Gòn, sau đó dạy tiếng Anh tại thị xã Pleiku (trước 1975). Sau 1975, về Sài Gòn đi dạy và viết sách tiếng Anh.
Nhà thơ Kim Tuấn đến với thơ ca từ rất sớm, năm 1959, đã xuất bản tập thơ đầu tay Hoa Mười Phương. Sau đó là các tập Ngàn Thương (1969, in chung với Định Giang), Dấu Bụi Hồng (1971) Thơ Kim Tuấn, (1975), Thời Của Trái Tim Hồng (1990), Tuổi Phượng Hồng (1991) Tạ Tình Phương Nam (1994)...

Thơ của Kim Tuấn rất mặn duyên với nhạc. Một số bài thơ của Kim Tuấn đã trở thành ca khúc của nhiều nhạc sĩ như: Nguyễn Hiền, Y Vân, Vũ Hoàng, Nguyễn Phú Yên...

Nhiều người có thể không nhớ kỹ tên nhà thơ, nhưng những lời thơ của Kim Tuấn, đã trở thành ca từ như: Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở (Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân) hay: Từng bước từng bước thầm, hoa vông rừng tuyết trắng, rặng thông già lặng câm... (Kỷ Niệm), hoặc: Khi con đường một mình, hai hàng cây nhớ gió... (Một Mình) thì đã và sẽ còn mãi ngân nga trong lòng công chúng.

Với loạt thơ về những địa điểm nổi tiếng trong chiến trận của cuộc chiến với phía "bên kia sông"...qua thơ, qua nhạc...đã trở thành quên thuộc với người dân trong thời chến...Những nơi chốn mà có lẽ, sẽ không bao giờ ta có thể đến, ta có thể gặp...Nhưng những địa danh ấy, là tượng trưng cho cái xa xăm, cái mơ hồ, cái khốc liệt của cuộc chiến lạ lùng này, Nơi đó, người, và đất, cùng cô đơn, như nhau...

Nói đến KIM TUẤN, có 1 bài thơ, hay nói đúng ra là từ những hình ảnh trong bài thơ này, mà tôi thích ông hơn:

'....Buổi chiều ở Pleiku có gì hỡi em
có nỗi cô đơn trong khói sương mù
có phố buồn hiu, có đêm giấu mặt
có giấc sầu dài trong cõi thiên thu
có bức tường vôi ghi dấu đạn thù
có cuộc đời ta chìm trong khói lửa
kiếp người sao đã lãng du
buổi chiều ở Pleiku, buổi chiều nghe mưa bay trên đầu núi
buổi chiều như mọi buổi chiều
tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
anh còn tiếng nào để nói yêu em"

http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=2100




Photobucket
Photobucket

TẠ TỴ từng nói về DƯƠNG NGHIỄM MẬU như thế này

Dương Nghiễm Mậu xuất hiện trên văn đàn miền Nam cách đây  như một chứng tích. Cái chứng tích đó là nỗi bơ vơ của tuổi trẻ, của một thế hệ tuổi trẻ đang sống giữa cuộc sống không thuộc về mình. Cái tuổi trẻ nào đó được tô hồng trong những dạ hội, dưới mái đại học, hay rong chơi quanh năm với bốn mùa tình tự, đều ở ngoài tầm tay của Dương Nghiễm Mậu. Cuộc sống đối với Mậu là cái gì quá khe khắt, quá cứng rắn và từ đó mỗi suy nghĩ, mỗi hành động hình như, ít nhiều gì cũng để chống đối cuộc đời. Những xấu xa, ti tiện, lòng ganh ghét và đố kị thấp hèn, trộn lẫn với tình thương yêu con người làm giọng văn của Dương Nghiễm Mậu vừa phẫn nộ vừa chua xót.

....

Cái chứng tích- cô đơn và bơ vơ đó, diễn tả đầy đủ trong truyện ngắn sau: CÕI SỐNG LẠNH, mội cõi sống của những người đã chết, hay một cõi chết của người sống?PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket









Cũng chưa lâu lắm, ấy là vào dạo Tháng Tư 2007. Dương Nghiễm Mậu vừa cho in lại 4 cuốn sách (trong đó có Nhan Sắc) bán rất chạy, Với việc xuất bản 4 cuốn sách này, gây ra luồng ý kiến trái chiều, trong đó có 1 bài "đập" mạnh của VŨ HẠNH, 1 nhà văn cũng được khá yêu thích trước 75 (còn sau này thì,...ô hô, ai tai)

http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2007/4/96188/





pic







pic





pic
.



pic

Đọc bài thơ này của DU TỬ LÊ làm mình nhớ đến 2 bài hát của PHẠM DUY...cũng với ý nghĩa tìm kiếm nhau trong cuộc đời này;

TÌM NHAU

      Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mợ
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh Tố Nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thụ
Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông.
Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như goá phụ tìm mộ biạ
Tìm đâu môi em đỏ
Tìm đâu mây trong mắt
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tụ
Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi
Gặp nhau dưới Ðức Tin bao la phơi phới
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người
Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơị

NHỮNG CUỘC TÌNH TAN VỠ

Rồi sẽ có một thời
Cuộc tình rồi vỡ đôi
Ta lôi kéo nhau đi
Như một lũ tình si
Từ khắp những nẻo đường
Người tìm nhau trăm hướng
Những cánh bướm mầu đen
Như quên lối vườn tiên
Nên hoa cũng dại điên .
Ta tìm người như sông tìm ra biển
Người tìm ta như biển ngược về sông
Gỡ đôi tay là tình thả bay như diều không dây
Người tìm ta bao la nơi biển Bắc
Ta tìm người ở tận cuối biển Đông
Hỡi ôi tìm nhau như thể tìm chim ...
Và chớ có ngỡ ngàng
Tình nào chẳng vỡ tan ?
Ta lê bước lang thang
Như một lũ mèo hoang
Và cũng chớ bẽ bàng
Dạ tràng đi se cát
Gió rét lúc tịch liêu
Hay trong nắng lửa thiêu
Đi vun sới tình yêu ...
Rồi sẽ có một ngày
Cuộc tình phải tan vỡ
Chỉ còn lại thương nhớ
Ở lòng người đi tìm
Đi tìm nhau ...
Photobucket
Photobucket


MỘT VÀI TÁC PHẨM HAY KHÁC TRÊN VĂN số này:



PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Saigon- ở chỗ nhân gian không thể hiểu...

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Đôi mắt người hồ như biển đông
Có mưa-tôi-cũ về ngang đó
Tự buổi thiên đàng chưa lập xong

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Mái tóc người hồ như rừng cây
Có mấy che lối về cho lá
Và những con đường thật riêng tây

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi có người hồ như vết thương
Có đêm ngó xuống bàn tay lạnh
Và chỗ em ngồi đã bỏ không

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi có người hồ như tấm gương
Thấy tôi thắt cổ trên cành tuyết
Và bóng đo dài nỗi tủi thân

Ở chỗ nhân giang không thể hiểu
Tôi có người hồ như hạt sương
Có bông hoa đỏ chiều tâm khúc
Tôi thấy từ em một quê hương

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi có người hồ như tiếng chim
Theo cơn bão rớt về ngang phố
Tôi học từ em: niềm lãng quên

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi có người hồ như ấu thơ
Đêm đêm khóc vụng cùng chăn gối
Và buồn thấy như mẹ ở xa

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi biết người mang một nỗi buồn
Biết ta cuối kiếp tim còn lạnh
Cùng nỗi sầu bay đâu hư không

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi xin người sớm phục sinh tôi

(DU TỬ LÊ)


Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển . Bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp . Tâm hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Buổi chiều chăn gối thiếu hơi ai
Em đi để lại hồn thơ dại
Tôi vó câu buồn sâu sớm mai

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Em còn gương lược dấu đường ngôi
Nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
Và khoảng trời xanh đến rợn người

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Bàn tay dư mấy ngón chia phôi
(Tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn)
Và những tàn phai đầy tuổi tôi

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Như trời nhớ đất (rất xa xôi)
Nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
Thư nhớ hồi âm – Lệ nhớ môi

Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
Nói gì kiếp khác với đời sau
Đôi khi nghe ấm trên da thịt
Như thể ai đi mới trở về

CHẲNG CHIẾN CHINH MÀ CŨNG LẺ ĐÔI (DU TỬ LÊ)











tôi xa người như xa núi sông
em bên kia suối? – bên kia rừng
em bên kia nắng? – bên kia gió
tôi một dòng sương, lên, mênh mông

tôi xa người như xa biển đông
chiều lên lênh láng chiều, giăng hàng
những cây ghi dấu ngày em đến
đã chết từ đêm mưa không sang

tôi xa người xa đôi môi tham
em biết: rồi em như chim ngàn
thôi còn khua động làm chi nữa
hồn tôi vốn đã là tro than

tôi xa người xa đôi mắt ngoan
vườn tôi trăng lạnh đến hoang tàn
em xa xôi quá làm sao biết
vốn liếng tôi còn: những ngổn ngang

tôi xa người xa trên sân bay
hồn tôi cồn cát dấu chân bầy
em vui đời khác làm sao hiểu
tôi sống âm thầm như cỏ cây

tôi xa người xa hơi thuốc cay
ngày mai tình sẽ bỏ tim này
chiều em không đến hàng cây cũng
nghiêng xuống tôi: từng ngọn heo may

tôi xa người xa bàn tay, vui
bàn tay có ngón đã chôn đời
bàn tay có ngón không đeo nhẫn
có ngón dành riêng cho môi tôi

tôi xa người xa miền thiết tha
hoa xuân đã héo rụng, hiên nhà
phố xưa em buộc đôi hàng bím
nay tóc về đâu? – hồn ở đâu?

tôi xa người xa niềm mê oan
hồn tôi khô xác sợi giây đàn
máu tôi đã gửi trong con chữ
dẫu chết, còn nguyên lời oán than

tôi xa người xa một mùi hương
bãi khuya, hồn ốc, lạc thiên đường
nhớ ai buồn ngất trên vai áo
mưa ở đâu về? – như vết thương


K KHÚC RIÊNG CHÀNG