Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

{EPISODE 15}-Saigon-những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ...???

....Trong cái se lạnh cuối năm, Saigon dường như hiền hoà hơn bao giờ hết...
Hổm rày đi ngang qua 1 con ngõ nhõ và cứ nghe văng vẳng bài cải lương được mở từ chiếc radio, bỗng thấy yêu Saigon lạ..
Bước qua con phố sầm uất nọ, thấy mặt đường bốc lên cái khói nắng ươm vàng, cùng 1 đám lá-chẳng biết là loại lá chi-xôn xao xoay tròn như đang đuổi bắt trên suốt cả 1 con đường...Thấy SG thật đẹp và thật lạ.....
Lướt nhẹ trên mặt đường với chiếc Vespa cũ kĩ, thường hay ngước nhìn SG từ trên cao, để còn thấy những kiến trúc cũ, những khung cưả xưa, những chạm khắc chưa kịp bị thay đổi....và thầm nghĩ, đằng sau khung cưả đó, trên góc balcony kia, ngày xưa,...đã từng...
Thử nhắm mắt và thấy ta đang đi tới bằng những ...bước lùi về 1 miền nào đó xa ngái....


Có còn nhớ Saigon không? Nơi ướp hương thơ tình tự, nơi gió nắng cũng rất phóng khoáng thổi bay vạt áo em mềm trong 1 buổi chiều hiền rất hiền, nơi những hàng me xanh xao 1 nỗi nhớ, nơi có những niềm buồn không tên, nhựng nỗi nhớ cháy rực 1 góc trời chiều, nơi ôm ấp biết bao những tình xưa cũ, những niềm xa xăm, nơi "chưa xa đã nhớ", nơi có những ngày trời trong để anh thấy mình là hương cốm và loay hoay tìm hoài "tay ai là lá sen", nơi không thể dứt bỏ, nơi náo nhiệt mà cũng rất bình yên, nơi sầm uất nhưng chao ôi sâu lắng.......
Thôi, đừng bao giờ em hỏi....!!!



một phần chung cư Eden bắt đầu xây
__________________



__________________





__________________
__________________



__________________









________________

__________________

{EPISODE 14}-Saigon ơi, thôi hết rồi mộng ước xa xôi..!!!

.....These are a few great shots of Saigon that I have ever happened run into while searching on the internet. The candid photos depict muti-faceted daily life of Saigon during the war time. You can notice the barbwire and sand bags as war-reminding images in some pictures while the others would bring back many "things" and "signs" that time had erased in our memories

            If you haven't been there by 1975, now you can see what Saigon looks like by then. She wasn't charming or elegant as "Pearl of The Far East" as some colonist or novelists had glamorized. She was so ordinary, down-to-earth, but confident; tattered but self-reliant; volatile but dedicated; and above all and most importantly she breathed free...! Enjoy the nostalgic photos!






__________________








__________________







quận 3
__________________

1.

Saigon, Hòn Ngọc Viễn Đông những năm 60
mượt mà ánh điện giấu kín nụ cười
chợ Bến Thành như toa tàu trăm năm đỗ lại
trước bùng binh Quách Thị Trang dòng xe và người

Ngày cuối tuần bát phố qua cửa hiệu sang
đêm dìu nhau qua đường vắng ánh đèn vàng
sa-lông Adam động Eve thì thầm tinh cổ sử
đôi người Tây già trầm lặng giữa phai tàn.

Đường Catinat phố Charner và đâu đó lính viễn chinh trở lại
những bước chân vội dưới ánh lửa hoả châu
quán cóc vỉa hè ngồi quen thuộc người phu xích lô phu khuân vác
thổi cà-phê dĩa đọc báo cọp tán gẫu chuyện bể dâu.

Ngày hụ dài tiếng còi tầm Ba Son
thợ thuyền công chức sinh viên học sinh bánh xe quay tròn
con đường xanh từ Bến Tre Củ Chi Tây Nguyên Huế Hà Nội
về tụ điểm Saigon
 

2.

Saigon, phố dinh thự biệt điện villa
hành lang Eden thương xá Tam Đa
vũ trường Maxim Đế Vương Nhất Dạ
nhà hàng cửa hiệu Pháp Mỹ Việt Hoa

Phố trưởng giả cự phú tướng lĩnh đại quan
sân cỏ bồn hoa vườn cảnh phong lan
khung cửa rèm buông sâm banh điệu cười luân vũ
ngực trần bồng lai ân ái đêm vàng

Saigon phố cầu không vận viễn chinh
ngày đêm rầm rập tiếng giày đinh
Mỹ Hàn Phi Thái Tân Tây Lan và Úc
đồ hộp đô-la đàn áp biểu tình

Phố sách bán sôn Ngã Tư Chợ Trời
khu Dân Sinh bán đủ thứ trên đời
khổ kẻ bán trôn giàu thằng bán nước
bán thánh thần mua bom đạn đủ kiểu ăn chơi

Phố nhạc bập bùng lầu cao
cuồng say thân xác vũ điệu màu
đêm Châu Mỹ vọng buồn qua khúc hát
tiếng kèn đồng vong quốc gào đêm thâu

Phố Chiều Tím quán Gió Đêm Màu Hồng
đời như thể hư không
ly tách chạm điếu thuốc tàn môi lệch
khúc Da Vàng ai ru hồn non sông.
 

3.

Saigon, phố hẻm sâu nhà gầm cầu
nơi những người không biết đi đâu về đâu
che chắn đời nhau bằng cuộc đời thuê mượn
thiếu ăn thừa lạnh đầy đủ lo âu.

Phố kênh đen của người trắng tay
mục rã chân sàn lắt lay qua mùa
nhà thuyền đậu dập duềnh dông bão
rác và người và chó đói chung sống nắng mưa

Phố của người tàn phế đánh giày mồ côi ăn xin
lang thang ngày xó chợ bãi rác đêm co ro phố buồn
cuộc sống quặp vào nỗi lo sợ
vắt kiệt sức bấu chặt lấy quê hương.
 

4.

Saigon những con đường rợp bóng cây
không hơi đông không heo may
nắng một mùa rụng vàng bên mái phố
mưa một mùa vội thả lá xanh bay

Những con đường tuổi trẻ đi qua
sân trương Chu Văn An Trưng Vương Văn Khoa
mùa phượng đỏ cháy trong hồn áo trắng
văn hiến ngàn năm ánh hoàng hoa.

Những con đường mang tên cổ nhân
Lê Lợi Quang Trung Hàm Nghi Duy Tân
đêm không ngủ xuống đường đọc Hịch Tướng Sỹ
mơ cờ đào Nguyễn Huệ mộng Văn Thân

Những con đường cùng ai xe đạp con
dưới vòm lá me non
đưa nhau về hoa mộng
buồn vui mênh mang giữa mất còn.
 

SAIGON, 1969
ĐOÀN THUẬN

SAIGON-EM THƯỞ ẤY CÒN HOA PHONG NHỤY..(PIC SG TRƯỚC 1975)

SAIGON ĐI RẤT CHẬM BUỔI CHIỀU...(PIC SG TRƯỚC 1975)(PART II)

SAIGON BÂY GIỜ TRỜI MƯA HAY NẮNG...(PIC SG TRƯỚC 1975)(PART III)

SAIGON-NHỮNG NGÀY THỦ ĐÔ TƯNG BỪNG PHỐ XÁ(PICS SG TRƯỚC 1975)(PART IV)

SAIGON-THỦ ĐÔ YÊU DẤU NƯỚC NAM TỰ DO(PICS SG TRƯỚC 1975)(PART V)

{episode 6}SAIGON ƠI?ĐÂU NHỮNG NGÀY ÔI HÈ PHỐ XÔN XAO?

(episode 7}-GIÃ BIỆT SAIGON!

{EPISODE 8}*SAIGON1975*-SAIGON NIỀM NHỚ KHÔNG TÊN

{episode 9}-SAIGON âm thầm đèn đỏ đèn xanh...

{episode 10}-SAIGON-Một thời cho một đời (Nguyễn Mạnh Trinh)

{episode 11}-SAIGON mai gọi nhau bằng cưng...

(episode 12}Em vưà hay đã mất SAIGON?

{episode 13}- SAIGON, những con đường buồn xưa chưa nguôi...

Nhạc tình miền Nam trước 1975- Những con đường tình nào ta đi?

Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé

Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ…

… Hỡi người tình Văn khoa, bóng người trên hè phố

Lá đổ để đưa đường cho người tình Trưng Vương

Hỡi người tình Gia Long, hỡi người trong tuổi sống        

Con đường này xin dâng cho người bình thường…”

 

Có lẽ bất cứ ai lớn lên ở miền Nam Việt Nam từ trước 1975 đều biết và yêu mến giai điệu thiết tha cùng những ca từ  đẹp như thơ  trong các tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, một trong những cây  đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Và tôi xin được mượn một đoạn từ nhạc phẩm Con đường tình ta đi của ông, một bài hát đã làm say đắm biết bao trái tim học trò thưở ấy, để mở đầu cho entry ghi chép lại những cảm xúc và tích cóp của mình về một dòng nhạc mà tôi thật sự yêu mê từ những ngày đầu cắp sách tới trường, vì đó chính là “tiếng nước tôi”, hay là âm giai  của trái tim tôi – đó chính là Dòng Nhạc Tình miền Nam  trước 1975.

Nhạc tình trước 1975,  ngày xưa cách đây hơn 30 năm, tôi được biết người ta gọi chung là “nhạc vàng”, tôi thật sự không hiểu chữ “vàng” ở đây có nghĩa là gì, có thể là để phân biệt với thể loại “nhạc đỏ”được sáng tác ở miền Bắc, và không được phép lưu hành trên lãnh thổ VN từ sau sự kiện 30/4/1975.Theo tư liệu tra cứu từ internet, “nhạc vàng” chính xác hơn là thuật ngữ dùng riêng cho dòng nhạc tình bolero, rumba, với lời nhạc  mộc mạc dễ hiểu, và gần gũi với giới bình dân, mà chúng ta thường gọi là “nhạc sến”. Song song với loại nhạc bình dân này, đã xuất hiện những phong cách khác, như nhạc phản chiến, nhạc du ca, kích động nhạc, và một thế hệ nhạc sĩ mới xuất hiện như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương đã viết nên một dòng nhạc hoàn toàn khác với nhạc vàng, có hơi hướm của nhạc tiền chiến, nhưng ca từ và cách thể hiện trực diện hơn, mang chủ đề chính là tình yêu, con người và cuộc sống. . Đóng góp lớn cho kho tàng  tình khúc này phải kể đến  nhạc sĩ kỳ cựu Phạm Duy.  Và thể loại nhạc  mới này không có một thuật ngữ riêng  nào để phân biệt, nên gọi chung là “Những tình khúc giai đoạn 1954-1975”. Đó chính là dòng nhạc tình đã nhận được sự ngưỡng mộ và ủng hộ nồng nhiệt của tầng lớp trí thức trẻ phía nam cầu Hiền Lương trong suốt 20 năm.

Thật sự trong phạm vi bài viết này tôi chỉ có ý tưởng là lưu lại những rung động lãng mạn  đã đi qua nửa cuộc đời  mình, cũng như của nhiều người có cùng  nhạc cảm, được hình thành từ “những tình khúc thưở ấy” cùng các nhạc sĩ tôi đã từng ngưỡng mộ, và phần nào những xúc cảm đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của chính tôi. Những rung động ấy, tự nó cũng đã là kỷ niệm, dù không biểu hiện bằng một hình thái cụ thể nào cả,  nó như một chất xúc tác gợi lên trong nhận thức mỗi con người những suy tưởng thi vị, ngọt ngào mà cay đắng, hạnh phúc mà  cũng không ít đớn đau … Nhưng nếu kỷ niệm ấy chỉ mãi được cất giữ trong trái tim riêng mình, tôi bỗng thấy buồn vì rằng một ngày nào đó nó sẽ theo mình mất hút vào hư vô như định luật tất yếu của tạo hóa, hoặc giả nó sẽ bị phôi pha bởi sự già nua của bộ nhớ con người. Vì vậy tôi cảm thấy mình cần phải viết lại những cảm xúc này, chuyển tải tâm tư qua những dòng văn xuôi, để thế hệ trẻ trong gia đình tôi sau này, có thể đọc và cảm nhận, dù chỉ là một phần nào đó, nét đẹp nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, cùng sự tinh tế luôn ẩn chứa nhiều ý nghĩa triết lý về đời sống trong các tình khúc VN trước đây,  mà thế hệ  chúng tôi đã từng một thời say mê. Đặc biệt là giành cho lớp trẻ hiện đang sinh sống ở nước ngoài, mà chắc chắn họ đang  và sẽ lãng quên dần cái hồn tinh túy của ngôn ngữ trong âm nhạc VN.

Khi bàn về âm nhạc miền Nam giai đoạn đất nước còn bị chia cắt, có thể nói hầu hết  mọi người, kể cả người ngoại quốc, đều đầu tiên nghĩ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bởi sức sáng tác mãnh liệt cũng như ảnh hưởng sâu rộng từ những nhạc phẩm của ông đến với tầng lớp thanh niên, sinh viên học sinh, trí thức trẻ thời ấy, và như nhận định của hầu hết giới chuyên môn văn hóa nghệ thuật, họ Trịnh là một nhạc sĩ lớn hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam thế kỷ 20. Giữa lúc thế cuộc ngổn ngang, chiến tranh bom đạn tàn khốc, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, thì vấn đề suy tưởng về thân phận con người tất nhiên trở thành nỗi niềm chung của lớp trẻ. Và vì thế, ngay cả trong tình yêu vẫn nhận thấy thấp thoáng sự trăn trở ấy qua hơi thở của những bản nhạc tình. Có thể nói, Trịnh Công Sơn  là nhạc sĩ  đầu tiên đã lồng ghép vấn đề  thân phận con người vào  tình ca với hàng loạt tác phẩm mang dấu ấn của thời gian như Ru ta ngậm ngùi, Tình xót xa vừa, Cỏ xót xa đưa, Đóa hoa vô thường, Một ngày như mọi ngày, Bên đời hiu quạnh….

 Đã có một thời gian dài, người ta lên án mạnh mẽ dòng nhạc này, cho rằng đó là loại nhạc tình cảm ủy mị ru ngủ thanh niên. Người ta phản bác và thậm chí cấm không cho nghe, không cho hát…! Nhưng điều gì đã được cuộc sống công nhận là giá trị nghệ thuật  thì sẽ mãi mãi hiện hữu trong nhận thức và đời sống thực tế của con người. Nhạc tình miền Nam vì thế vẫn tồn tại một cách âm ỉ  và ngay cả mạnh mẽ. Lớp thanh niên vẫn ngày ngày rủ nhau ra  quán café cóc, nghe những cuốn băng cassette với Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Duy Quang…; bọn học trò thì tụ họp đàn hát và chuyền nhau những tập nhạc viết tay các bài hát rất thơ mộng ngọt ngào mà sâu xa khắc khoải như Tình nhớ (TCS), Vũng lầy của chúng ta (Lê Uyên Phương), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Trả lại em yêu (Phạm Duy), Trên đỉnh mùa đông (Trần Thiện Thanh), Bây giờ tháng mấy (Từ Công Phụng), Những bài không tên (Vũ Thành An)Đã là nhạc tình thì chắc hẳn phải viết về tình đôi lứa, nhưng bàng bạc trong tình yêu, trong niềm đau của sự tan vỡ nào đó, vẫn là nỗi day dứt về thân phận nhỏ bé và chông chênh của con người ở thời đoạn đất nước ngập chìm trong đạn bom máu lửa, khi chiến tranh và lòng hận thù, sự giết chóc… hầu như khóa kín mọi ngõ tương lai của tuổi thanh xuân,  mà các nhạc sĩ đã muốn gởi gấm đến công chúng của họ; như chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói lên quan điểm sáng tác của mình “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…” Quả vậy, cuộc sống  đã trở nên hư ảo, một khi con người đã không còn có khả năng nuôi lớn cho mình một ước mơ, tất cả sẽ đột nhiên vụn vỡ và trở thành phù du nếu bỗng một ngày nào đó  “Anh trở về chiều hoang trốn nắng, poncho buồn liệm kín hồn anh. Anh trở về bờ tóc em xanh, chít khăn sô trên đầu vội vã…”(Kỷ vật cho em – Phạm Duy). Chính vì vậy mà hầu hết các nhạc phẩm thời kỳ này đều nhuốm  màu sắc của sự ai oán, sự cô độc và lạc lõng, đôi khi mất định hướng. Nhưng cũng chính cái nét buồn và đẹp đến não nề ấy mà nhạc tình VN đã để lại trong  lòng công chúng yêu nhạc sự bồi hồi thổn thức, bởi những giai điệu và ý tình ấy  đã chuyên chở được nỗi niềm của cả người nghe lẫn người hát. 

Có thể khẳng định rằng, xu hướng viết nhạc tình từ cái nhìn  bi quan về cuộc đời là khá phổ biến trong hầu hết các nhạc sĩ và nhạc phẩm. Đầu tiên phải nhắc đến Vũ Thành An, nhạc sĩ nổi tiếng một thời với lọat tình khúc Những bài không tên, đã làm đắm đuối  giới trẻ ngày ấy qua tiếng hát của Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu….Nhận xét về nhạc Vũ Thành An, nhà thơ Du Tử Lê đã viết :

“Ðó là lúc Tình Khúc Thứ Nhất, rồi Những Bài Không Tên, xuất hiện. Sự xuất hiện của đời nhạc Vũ Thành An, lập tức, là một đáp ứng, đắp bù cho những thẳm sâu thiếu hụt; cho những đáy cùng bơ vơ -  Những đáy cùng lạc loài, mất hướng thanh xuân.Ðời nhạc Vũ Thành An, thế đó, đã là những phủ dụ, đã là những dỗ dành, lê lết về sự sống. Dù sự sống, phía trước, cũng chỉ là tuyệt vọng chan chứa: Hãy cố yêu người mà sống – lâu rồi đời người cũng qua…”

Những muộn phiền trong tình yêu, sự hoài nghi con người và chán chường cuộc sống, được các nhạc sĩ thể hiện  trong phần lớn các ca khúc : Lê Uyên Phương với Vũng lầy của chúng ta, Cho lần cuối; Từ Công Phụng với Đêm không cùng, Trên ngọn tình sầu; Trịnh Công Sơn với Tình sầu, Tình xa, Tình xót xa vừa…; bằng những giai điệu mênh mang chùng sâu, đa phần là điệu slow, slow rock, blues, boston, và cách sử dụng từ ngữ mang nhiều tính cách điệu, ẩn ý, có khi phổ từ các bài thơ, người nghệ sĩ đã khơi gợi được trong lòng thính giả yêu nhạc những nỗi riêng mang thầm kín. Và đó chính là điều cần thiết, là sứ mạng đặc biệt mà nghệ thuật âm nhạc đã đem lại cho cuộc sống con người. Thiếu điều đó, âm nhạc sẽ bị tách rời khỏi phạm trù nghệ thuật.

Tình yêu từ muôn thưở vẫn là đề tài chính đối với âm nhạc. Bởi thế  cho nên người ta không lấy làm ngạc nhiên khi hầu hết các nhạc sĩ đều có đời sống tình cảm rất phong phú. Đó chính là nguồn cảm hứng cho họ trong cuộc đời sáng tác. Và tất nhiên, mỗi cuộc tình tan vỡ, mỗi người tình đi qua đều để lại dấu vết trong các bản tình khúc. Khác với nhạc tình bình dân có giai điệu đơn giản, dễ hát, ca từ thông thường, dòng “tình khúc 1954-1975” này được một số giới gọi là “nhạc sang” do mang âm hưởng của nhạc thính phòng, về mặt ngữ nghĩa thì phảng phất tính triết lý và đậm chất tự sự, tự vấn, khi thể hiện nhân dáng của tình yêu. Do đa số các nhạc sĩ  khi ấy đều còn trong độ tuổi thanh xuân, nên sức sáng tác của họ cực kỳ mãnh liệt, mức độ  rung động nhạy bén và diễn đạt tâm trạng, nỗi ưu tư  một cách trực diện bằng chính nhân sinh quan  của người trí thức trẻ trong bối cảnh xã hội loạn lạc và quá nhiều mất mát ngày ấy.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng, mà những tình khúc của ông có thể nói là một style rất đặc biệt, nhạc của ông  khó biểu diễn vì âm giai tiết tấu khá phức tạp, và ngôn ngữ trong nhạc phẩm của ông như một giòng suối lãng mạn cuồn cuộn chảy luôn hàm chứa sự khắc khoải cũng như những ước vọng tình yêu, trong những lần trò chuyện cùng báo giới trong và ngoài nước, ông đã bộc bạch quan điểm viết nhạc tình ca:

  Nếu chúng ta có một thời để sống và một đời để chết, thì thời của thanh xuân là một thời đẹp nhất để sống, để dấn thân, là thời mang nhiều dấu ấn của tình yêu, và đó chính là thời sáng tác mạnh nhất….”

“Tôi tôn thờ tình yêu nên cuộc đời của tôi luôn gắn liền với tình ca. Trong gia tài hơn 100 ca khúc, tôi toàn viết về tình yêu thôi…Tình yêu bao giờ cũng bền bỉ, lâu dài và tạo nên tinh thần tốt đẹp, một sức sống mới cho nhiều người. …Trên đời còn những người yêu nhau thì nhạc tình vẫn sẽ được đón nhận. Tình ca như một tấm gương soi mà khi đi qua đó, mọi người đều thấy phần đời mình. Khán giả tìm về những bản tình ca xưa cũng là cách để họ tìm thấy chính mình trong đó”.

“Tôi muốn nói về hạnh phúc thật mong manh để lại trong ta những chuỗi ngày buồn sau khoảnh khắc hạnh phúc tan biến. Các bạn có thấy khi ca ngợi những niềm đau trong tình yêu qua tình khúc là muốn nói đến sự cần thiết của tình yêu trong đời sống chúng ta. Niềm đau đớn hiểu theo một cách khác cũng là một thứ hạnh phúc còn đọng lại trong cuộc đời chúng ta như là một hành trang cho những suy nghĩ về cuộc đời”

Thật vậy, nhạc tình Từ Công Phụng luôn sang trọng mà gần gũi, thích hợp với thị hiếu khán giả yêu nghệ thuật, vì đã  chạm được đến thẳm sâu của đời sống tình cảm con người. Bàng bạc trong các tình khúc của ông  là niềm đau để lại sau những  hạnh phúc vụn vỡ.

Diễn tả sự cô độc khi cuộc tình đã chia xa, Từ Công Phụng viết

Buồn rơi trên tâm hồn lẻ loi, thương hình hài con người nhỏ bé
Nghe bơ vơ tiếng ru ai về, ngủ đi người yêu

Tìm nhau từng đêm, mông lung nên không cùng
Và đêm xanh xao nên đêm gầy
Đêm bơ vơ như cuộc đời chúng mình
Và em, và tôi, và đôi môi dậy tiếng hát là chứng tích một cuộc tình
Trên giòng sông vỗ cánh bay đi

 (ĐÊM KHÔNG CÙNG )  

Hay một lời tạ tình hết sức chân thành với người yêu :

Một mai khi xa nhau
Người cho tôi tạ lỗi
Dù kiếp sống đã rêu phong rồi
Giọt nước mắt xót xa
Nhỏ xuống trái tim khô một đời tôi tê tái

(GIỌT LỆ CHO NGÀN SAU)

Vẻ đẹp kiêu sa, quý phái nhưng rất chân tình  của nhạc TCP không chỉ thể hiện qua giai điệu trầm bổng của thanh âm mà còn ẩn chứa trong hình ảnh lãng mạn giàu sức tưởng tượng phiêu linh khi diễn đạt nội tâm :

 

“Gom một chút nắng vàng. Hắt lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua. Em nhìn thấy chút gì. Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta”

(TRÊN THÁNG NGÀY ĐÃ QUA)

 

Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Còn dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen

(TRÊN NGỌN TÌNH SẦU)

Niềm đau trong nhạc tình Từ Công Phụng dẫu sao cũng vẫn là những nỗi đau dịu dàng, đủ để gợi nhắc những chia xa “ Em đi vào đời tôi, niềm đau em khôn lớn trong dịu dàng…”. Chính trong tình khúc Vũ Thành An, đó mới là niềm đau ngập ngụa đến mù lòa con tim, đến tê tái cả phận đời :

“ Khóc cho vơi đi những nhục hình. Nói cho vơi đi những tội tình….Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa.” (Bài không tên số 4)

Hay là những cuộc tình mịt mùng trong xót xa và đổ vỡ :

“Yêu nhau cho nhau một lần
Thương nhau thương cho một lần
Một lần thôi vĩnh biệt
Một lần thôi mất nhau

 

Đêm sâu mái tóc em dài
Buông xuôi, xuôi theo dòng đời
Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau”

(Bài không tên số 3)

Như đã đề cập ở trên, loạt tình khúc Mười bài không tên của Vũ Thành An như một dấu ấn đặc sắc của dòng nhạc tình VN. Có lẽ họ Vũ là người viết nhạc tình buồn nhất trong giai đoạn 20 năm này, còn buồn hơn cả Ướt mi và Tình xa của Trịnh Công Sơn. Cũng có lý do là chính tác giả đã gặp nhiều bất hạnh trong tình yêu của mình. Từng nốt nhạc của An như tiếng thổn thức của một trái tim không còn  lành lặn. Ngoài những bài không tên, Vũ Thành An còn một số bài có tên, trong đó được yêu thích và đánh giá cao nhất đó là Tình khúc thứ nhất, lời phổ thơ Nguyễn Đình Toàn. :

“Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai

Những cánh dơi lẻ loi ngủ trong bóng đêm dài

Lời nào em không nói em ơi.

Tình nào không gian dối…”

Phần nhạc của ca khúc này nếu được thể hiện độc tấu piano trong một đêm mưa thì có lẽ sẽ có khả năng  làm sóng sánh cả một ly rượu hoặc tách café trên tay ai đó!

Nỗi đau đớn trong nhạc VTA “thân anh rồi hoang phế, lê theo thời gian giông gió, thôi cũng đành cúi xuống cho mộng đời thoát đi…” không hiền hòa như nỗi đau của Từ Công Phụng, không triết lý như Trịnh Công Sơn, không nhẹ nhàng như Ngô Thụy miên, và cũng không dữ dội như Lê Uyên Phương. Nhạc của An có một phong cách rất riêng. Nói như Du Tử Lê, đó là thanh âm của sự lê lết bộc bạch một tâm tư chán chường trước cuộc sống không tình yêu không cả tương lai!

Khác với đa số các ca khúc VN được sáng tác thời gian gần đây thường có âm điệu hao hao như nhau, các nhạc sĩ trước kia có những phong cách rất riêng, từ “e nhạc” cho đến ngôn ngữ thể hiện, người thưởng thức nếu quan tâm và chú ý  có thể nhận biết ra ngay. Và đó cũng chính là điều đã làm nên tên tuổi cũng như sự ngưỡng mộ vĩnh cửu của một thế hệ thính giả VN đối với họ. Ngoài hai nhạc sĩ “đại thụ” là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, bên cạnh Từ Công Phụng và Vũ Thành An còn có một số nhạc sĩ đã đóng góp nhiều cho dòng nhạc tình VN như Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương…Trong số đó có lẽ nổi trội hơn cả là hai tên tuổi nhạc sĩ Lê Uyên Phương và Ngô Thụy Miên mà những tác phẩm ngay khi ra đời  đã tạo nên ấn tượng  sâu sắc cho giới trẻ ngày ấy.

Bản thân người viết bài  không trưởng thành trong giai đoạn này, thời ấy tôi vẫn còn là “nhi đồng”, chỉ bập bẹ vài câu “Nắng có hồng bằng đôi môi em…” hay “Trả lại em yêu khung trời đại học…”. Sau này khi bước vào tuổi hoa niên giai đoạn 75-85, tôi chỉ nghe lại những tình khúc vang bóng ấy bằng cách “nghe chui”, nghe anh chị,  bạn bè hát, hoặc len lén mượn về một hai cuốn băng và mở thật nhỏ, nếu để bị chính quyền phát hiện sẽ mang tội phản động!  Mặc dù chỉ được nghe lõm bõm như vậy nhưng tôi vẫn cảm nhận những đời nhạc ấy thấm sâu trong tâm hồn mình, vì thế có thể lý giải được tại sao những Ngô Thụy Miên, những Lê Uyên Phương … đã để lại được cho đời những đứa con tinh thần vô cùng quý giá.

Phải nói rằng, giữa Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương và Ngô Thụy Miên, là những  khác biệt rất lớn, dù các nhạc sĩ đều viết về chủ đề tình yêu và những nỗi buồn là cố hữu. Không “lê lết” như nhạc tình Vũ Thành An, tính cách tình yêu trong Lê Uyên Phương dữ dội, nóng bỏng và thực tế, một tình yêu bản năng mang dáng dấp của phần vô thức trong con người.

“Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng dưới nắng ban mai, phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ”

(Hãy ngồi xuống đây)

“Bao đêm cùng chăn, cùng gối êm đềm

Cơn mê rồi tan , đâu còn thấy môi hồng say

Ôi ái ân đâu rồi, cơn tình ngất buông xuôi…

Ôi ta còn đấy, da thịt trắng riêng ta

…Qua những cơn mê cuồng sao còn mãi khôn nguôi”

(Trên da tình yêu)

Với nhạc phẩm của mình, Lê Uyên Phương khẳng định đã qua rồi cái thời mơ màng của Cô láng giềng, Dư âm, Cô hái mơ…, tình yêu thế hệ của ông là kiểu tình “gặp nhau hôm nay ngày mai đã thấy nhớ” mà ai đó đã viết về ông. Và đan xen trong  cảm xúc rất body-feeling ấy là những  đớn đau, thất vọng, bải hoải trước một tương lai đầy loạn lạc. Có phải chăng tất cả rồi cũng chỉ là rong rêu của thời gian “Yêu nhau giữa đám rong rêu theo giòng nước cuốn lêu bêu…” (Vũng lầy của chúng ta)

Một  cây bút chuyên nghiệp, Nguyễn Xuân Hoàng,. đã nhận xét :                                 

Âm nhạc Lê Uyên Phương trở thành những lời trối trăn của một  cuộc tình trong thời chiến, không cơ may nổi loạn, chỉ làm sao có thể sống sót cho qua cơn thảm sát ngu xuẩn của chiến tranh. Chia tay ngay trong giờ phút gặp gỡ hiện tại này, vì ngày mai chắc gi chúng ta còn nhìn thấy nhau. Lê Uyên Phương hát cho một tuổi trẻ bất lực trước cuộc sống không có ngày mai

Thực vậy, người nhạc sĩ đã thổ lộ tâm tư chia xa trong Cho lần cuối :

“Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền.. Nhìn suốt kiếp như chết mòn. Nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau”

Và những tuyệt vọng về tình yêu và nỗi chết trong Dạ khúc cho tình nhân :

“Màn đêm mở huyệt sâu Mộng đầu xin dài lâu Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái trên dòng hương khói bay Ái ân ơi đừng phụ lòng ta Nhớ thương sâu xin gởi người xa Khóc nhau trong cuộc đời Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau Chết bên nhau thật là hồn nhiên!”

Có thể nói nhạc tình Lê Uyên Phương ra đời như một hiện tượng mới lạ trong làng âm nhạc Việt Nam. Có lẽ xứ sở cao nguyên bảng lảng sương mù, Đà lạt, nơi đôi nghệ sĩ nổi tiếng “Lê Uyên và Phương” gặp nhau và cho ra đời những tình khúc đầy mộng mị, đã tạo nên cái không gian thanh âm nửa vời, lơ lửng, hơi có vẻ ma quái trong âm nhạc của Phương. Gần như bài hát nào ông cũng sử dụng nhiều nốt thăng và giáng, tiết tấu và giai điệu nghe rất “Tây”, vì thế ít có ca sĩ nào thể hiện thành công những nhạc phẩm như Một ngày vui mùa đông, Trên da tình yêu,… ngoài giọng hát đặc biệt của Uyên. Tuy nhạc LUP khó hát, vì nó không thướt tha như Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An, nhưng khi đã nghe thì không thể nào quên bởi cái chất rền rĩ rất quyến rủ.  Tình khúc cho em với “ Còn trong hôn mê buồn tênh lê mãi những bước ê chề… Xin cho yêu em nồng nàn…dù biết yêu tình yêu muộn màng”, hay Cho lần cuối với “Bàn tay năm ngón suông đem vào nhau hẹn sau…Người ngồi nghe xa cách đá xanh ơi mỏi mòn”, là vài bài thuộc loại “dễ hát, dễ nhớ” đã một thời in dấu trong tâm tưởng thế hệ sinh viên học sinh miền Nam.

Cùng với các nhạc sĩ nói trên, Ngô Thụy Miên với sáng tác đầu tay Chiều nay không có em năm 1965, và sự ra đời của 17 tình khúc tiếp sau đó đã nhanh chóng  được đón nhận và yêu mến. Có thể nói đó là những tình khúc ngọt ngào nhất, êm đềm nhất, tạo một cảm giác được vỗ về trong âm giai bềnh bồng, dặt dìu và cực kỳ thơ mộng. Ngoài nhạc sĩ Phạm Duy là người có tài phổ thơ thành nhạc hay nhất Việt nam, thì Ngô Thụy Miên cũng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ rất hay. Ông đã sáng tác nhiều nhạc phẩm nổi tiếng từ thơ Nguyên Sa như Áo lụa Hà đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em…

Bàng bạc trong nhạc tình Ngô Thụy Miên là hình ảnh của thi ca, với mùa thu mưa giăng lá đổ (Mùa thu cho em), với những tháng sáu mưa ướt mềm vai em (Tình khúc tháng sáu), với những lời ru đan ngón tay buồn (Dấu tình sầu)…Và những lời tự tình rất chân thực “Xin cho một lần, cho đêm mặn nồng, yêu thương vợ chồng”(Niệm khúc cuối).Cũng là tình yêu, cũng là những nỗi buồn, nhưng nhạc của Ngô không ai oán, không  khắc khoải hay rã rời, người nghe tìm thấy ở đây một tình yêu lãng mạn nhẹ nhàng nhưng vẫn chất chứa những muộn phiền sâu xa “Ngày nào người cho ta biết tình yêu đắm say. Ngày nào đời cho ta biết tình là đắng cay…” (Bản tình cuối), hay “ Không có em còn ai thương lá thu bay, còn ai vương vấn cơn say, đời gian dối cô đơn mình ta…”. Bằng các cung bậc sang trọng và mỹ miều, cùng những hình ảnh thơ mộng, nghệ thuật trong âm nhạc Ngô Thụy Miên đã đem lại sự xoa dịu êm đềm cho những mất mát đớn đau. Tuổi trẻ, nhất là tuổi học trò mới lớn, chưa từng đi qua hết những trải nghiệm đau thương trong cuộc sống, thường yêu thích Ngô Thụy Miên hơn là những bài hát có tính triết lý như Trịnh Công Sơn, hoặc quá ê chề như Vũ Thành An.

Như tựa đề của entry này “Nhạc tình miền Nam VN trước 1975 – Những nhạc sĩ tôi yêu”, trên đây tôi đã giành cho những dòng nhạc yêu thương từng đi qua cuộc đời và ở lại trong tim óc mình những sẻ chia sâu lắng nhất. Và có lẽ cũng là một lần nhìn lại, để nhớ lại kỷ niệm của một thời. Trong phạm vi bài này tôi không đề cập nhiều đến Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, vì đối với hai ông, phải có “những khoảng trời rất riêng”. Tôi tự nhận mình đã là một tín đồ của nhạc Trịnh, vì vậy đã có rất nhiều cảm xúc và bài viết về nhạc Trịnh Công Sơn, tuy không chuyên nghiệp nhưng là tình yêu tôi giành cho nhạc phẩm của ông. Riêng với nhạc Phạm Duy, có lẽ tôi sẽ cần phải có một thời gian để suy ngẫm về những cảm nhận đã đến với mình từ những ngày rất xa xưa. Tôi chỉ muốn nói thật ngắn gọn, rằng “ Nghìn trùng xa cách” đã ngấm vào tâm hồn tôi tự khi còn bé thơ, mà tôi cũng không thể hiểu tại sao “ nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười…

Khác với văn chương và thi ca, một nhạc phẩm khi muốn khẳng định vị trí trong lòng công chúng cần phải hội tụ đủ các yếu tố về giai điệu, ca từ, hòa âm và biểu diễn. Muốn đạt được những điều đó thì ngòai khả năng viết nhạc, các nhạc sĩ  còn phải thể hiện được ý tưởng qua phần lời của ca khúc, dẫn dắt cảm xúc người nghe  từ thính giác, vì vậy họ  cần phải lựa chọn cho tác phẩm của mình những giọng hát phù hợp, từ đó hình thành nên xu hướng những ca sĩ chuyên hát nhạc của từng nhạc sĩ rất thành công  thời bấy giờ như Khánh Ly – Trịnh Công Sơn, Lê Uyên – Phương, Duy Trác – Ngô Thụy Miên, Sĩ Phú – Vũ Thành An, Thái Thanh –  Phạm Duy…Nếu đề cập đến nhạc phẩm và nhạc sĩ thì không thể bỏ qua ca sĩ thể hiện. Cũng như khi nói về các tình khúc VN giai đoạn trước 1975 thì không thể không nhắc đến Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Sĩ Phú, Duy Trác…Đã có những tình khúc vượt thời gian, thì cũng sẽ có và tồn tại những tiếng hát vượt thời gian như thế. Trong số các ca sĩ tài năng, phải nói đến Tuấn Ngọc, một giọng nam bass cực kỳ điêu luyện và có sức truyền cảm ngang hàng với Khánh Ly và  Thái Thanh. Nhưng có lẽ khán giả VN đã biết nhiều đến anh hơi muộn màng, tức là sau khi anh đã định cư tại Hoa Kỳ, và thực hiện các album ở nước ngoài. Theo một số nhận định, cũng như trong tâm sự của chính Tuấn Ngọc, thì anh là ca sĩ hát nhạc Từ Công Phụng nhiều nhất, thành công nhất, như duyên nợ của anh và nhạc Từ. Tiếng hát trầm buồn của Tuấn Ngọc không chỉ phù hợp với nét nhạc Từ Công Phụng, mà đối với nhạc Vũ Thành An và Ngô Thụy Miên anh cũng thể hiện cực tốt, cực diễn cảm, xứng đáng được công chúng nhận biết như là một ca sĩ giành riêng cho dòng nhạc tình VN từ sau 1975 tại hải ngoại.

Âm nhạc, một phạm trù nghệ thuật đỉnh cao của nhân loại, tất nhiên sẽ tồn tại và phát triển mãi cùng với thời gian theo những xu hướng biến đổi của xã hội. Nhạc tình miền Nam VN cũng thế, đã không dừng lại hay bị bóp chết. Quan điểm và khả năng cảm thụ âm nhạc của công chúng mới là yếu tố quyết định. Một khi trong đời sống còn có tình yêu và những đôi lứa yêu nhau thì nhạc tình vẫn còn được đón nhận như một thứ dưỡng chất không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của con người. Có khác chăng chỉ là hơi thở và hương vị, bải hoải ngập ngụa đắng cay hay nhẹ nhàng tin yêu, là do bối cảnh sáng tác và tâm tư của người viết nhạc. Nhưng những tác phẩm cũ, đã phôi thai và ra đời trong một giai đoạn lịch sử đầy đau thương của đất nước, sẽ mãi mãi mang một sắc thái riêng biệt không thể phai mờ, cho dù người nghe đang sống ở thời đại nào và không gian nào.

Xin được gởi đến tất cả các nhạc sĩ yêu mến của tôi, dù còn sống hay đã mất, những lời tri ân chân thực, vì các anh đã để lại cho các thế hệ Việt Nam chúng ta một giá trị nghệ thuật ý nghĩa, một nét đẹp phiêu bồng của ngôn ngữ và tâm hồn Việt!

source: rosepham blog

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Từ Công Phụng, phát ngôn nhân tình yêu của tuổi trẻ miền Nam

Du Tử Lê

Một trong những nét đặc thù của sinh hoạt tân nhạc miền Nam, 20 năm, theo tôi là sự xuất hiện, như những mảnh đất tân-bồi-nghệ-thuật của lớp nhạc sĩ trẻ, thuộc thế hệ thứ hai - Những người sinh trong khoảng 1940.
Ảnh hưởng từ những thành tựu văn chương mang ý nghĩa dứt khoát bước ra khỏi vạch phấn tiền chiến; nỗ lực đoạn tuyệt mọi diễn tả có tính khuôn sáo, đã khô cứng, đã cliché; lớp nhạc sĩ trẻ, thuộc thế hệ thứ hai, ở miền Nam, cũng cho thấy sự thành công huy hoắc của họ - Nhất là lãnh vực tình ca, với những ca từ mà, người thưởng ngoạn khó tìm thấy nơi những tình khúc thời tiền chiến.

Theo nhạc sĩ Cung Tiến, Việt Nam không có âm nhạc thuần túy, hiểu theo nghĩa nhạc không lời mà, chúng ta chỉ có những ca khúc. Cho nên ca từ của một ca khúc trở thành linh hồn, yếu tố quyết định giá trị, sự tồn tại của ca khúc ấy.

Nói về ảnh hưởng của thi ca đối với âm nhạc miền Nam 20 năm trước đây, một lần, đã lâu, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang cũng đồng ý rằng, nhờ những đổi mới tích cực của thi ca mà ca từ của tân nhạc đã có những chuyển biến đáng kể.

Tôi vẫn nghĩ, nếu không có những cuộc “cách mạng” chữ nghĩa một cách táo bạo của một số thi sĩ ở cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, đưa thi ca miền Nam tới những biển trời chói chan cảm thức mới - Ðể sau đó, âm nhạc được chắp cánh, bay tới những biên cương tự do phơi phới; thì không ai có thể đoán biết, bao giờ tình ca miền Nam mới đoạn tuyệt được tàng cây, bóng lớn của tình khúc tiền chiến.

Một trong những thi sĩ có công làm cuộc cách mạng khá rốt ráo ở lãnh vực chữ nghĩa với thể so sánh và liên tưởng, theo tôi là Nguyên Sa.

Một Nguyên Sa, thơ tình, với những câu thơ như “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm/như con mèo ngái ngủ trên tay anh/đôi mắt cá ươn sắp sửa xe mình/để anh giận sao chả là nước biển!...” trong bài “Nga”. Hoặc “...Nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly/của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi/những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau/với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh/như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn..” trong bài “Paris”. (1)

Ngay cả câu thơ (như lời tiên tri về định mệnh chính mình), của nhà thơ Quách Thoại, trước khi mất: “Rưng rưng mùa hoa gạo/lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo”; (2) cùng một số nhà thơ khác, tất cả, cộng lại, đã làm thành những nhát rìu phá tung nhiều ngục tù ngôn ngữ sáo mòn từ tiền chiến.

Trước Nguyên Sa, tôi không thấy ai đem người yêu của mình so sánh với “chó/mèo”! Ðôi mắt của người yêu khi hờn dỗi, được ông ví von với “đôi mắt cá ươn”! Cũng trước ông, tôi chưa thấy ai đem những “người phu đổ rác,” “những thùng rác,” những “đinh”, những “búa” ra làm nhân chứng cho cuộc chia tay giữa hai người yêu nhau. Trước Quách Thoại, tôi cũng chưa thấy ai mang vào trong thơ họ, cụm từ “chết trần truồng không cơm áo”

Lý do? Rất dễ hiểu: Ðó là những hình ảnh không thơ. Không đẹp theo quan niệm thi ca cũ.

Một khi những hình ảnh được coi là không thơ, không đẹp vốn hiếm thấy xuất hiện trong dòng thơ tình thời tiền chiến; thì người ta sẽ càng khó tìm thấy chúng hơn nữa, trong những tình khúc cùng thời điểm.

Nhìn lại ca từ những tình khúc tiền chiến, ngay giai đoạn cực thịnh của phong trào lãng mạn, khi nói tới người nữ, người ta chỉ thấy những những mô tả chung chung, mờ nhạt, không cá tính. Vì thế, các nhạc sĩ thường bị “đụng hàng” khi so sánh người yêu của họ, một cách ước lệ như: “Em hay nàng” đẹp như tranh! “Em hay nàng” đẹp như thơ! Cụ thể hơn một chút thì, họ ví nhan sắc người nữ đẹp như trăng, như sao, như hoa tươi, như nắng sớmà Nghĩa là những so sánh, những ví von rất mơ hồ. Rất “huề vốn”!

Lại nữa, khi mô tả dung nhan người yêu, đa số các nhạc sĩ chú tâm vào vài điểm khôngà hiểm hóc, như tóc, môi, mắt. Do đó, chúng ta có hàng loạt tóc mây, tóc thề, tóc (dài như) suối. Về đôi mắt người nữ, thì chúng ta cũng có hàng loạt mắt buồn, mắt hồ thu, hay mắt mơ huyền. Còn môi thì chúng ta có môi tiên nữ, môi thắm, môi son, môi quyến rũ.

Làm như dung nhan hay thân thể phụ nữ, chỉ có mấy điểm đó đáng ca ngợi. Ngoại giả, những phần còn lại đều xấu! Phải quên đi! Không nên nhắc tới! Trong khi thực tế, từ lâu, đa số đã “đồng thuận” với nhau rằng: Nét đẹp, sự quyến rũ tự nhiên của bộ ngực, vòng eo, tay, chân, dáng đi của người phụ nữà là những gì ta không dễà“nhắm mắt. Bỏ qua!”

Tuy nhiên, ở thế hệ nhạc sĩ thứ hai của 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, lãnh vực tình khúc, những giới hạn hay, những úy kỵ kể trên, đã được vượt qua.

Lần đầu tiên, giới thưởng ngoạn gặp được trong tình ca của các nhạc sĩ lớp tân- bồi-âm-nhạc này, nhiều hình ảnh mới, lạ bất ngờ, như “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, trong tình khúc Trịnh Công Sơn - Như “Em rơi vào đời tôi/tình yêu em khôn lớn trong dịu dàng” Hoặc “Dòng sông đang thì thầm trong tóc những khúc nhạc tình” trong các ca khúc nhan đề “Như Ngọn Buồn Rơi” và, “Tình Tự Mùa Xuân” của họ Từ.

Trước Trịnh Công Sơn, tôi không thấy nhạc sĩ nào nhân cách hóa “sỏi đá” để nói lên khao khát có nhau của đôi lứa. Trước Từ Công Phụng, tôi cũng chưa thấy một nhạc sĩ nào “vật thể hóa” người yêu khi ông dùng động tự “rơi” hoặc, nhân cách hóa dòng sông, để dòng sông có thể “thì thầm” trong tóc. Và, nếu tình khúc tiền chiến chỉ ghi nhận hình ảnh người nữ từ đầu tới cổ thì, qua một vài bài thơ phổ nhạc, ông cũng đã mang được nhiều phần khác của người nữ vào trong ca khúc của mình.

Một đặc điểm khác, tôi nghĩ, cũng nên ghi lại. Ðó là: Trước khi chúng ta có truyền hình vào cuối thập niên 1960, khởi đầu, đa số các nhạc sĩ thường nhờ tới các làn sóng phát thanh, để phổ biến sáng tác của mình. Nhưng một số nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ hai, như Từ Công Phụng, đã không chọn đi qua chiếc cầu gập ghềnh, gian nan này.

Nhiều tình khúc Từ Công Phụng được cất lên từ sân trường, các giảng đường đại học; trước khi chúng “xuống đường” bước về đại chúng. Lớp thính giả đầu tiên của Từ Công Phụng là thanh niên, sinh viên. Họ đón nhận ông, như đón nhận một phát ngôn nhân tình yêu gần gũi, đằm thắm nhất của họ. Họ cũng tìm thấy hình bóng, trái tim họ, trong cả những tình khúc chia, lìa, phụ rẫy nhất, của họ Từ.

------------
Chú thích:
(1) Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1 Tháng Ba, năm 1932 tại Hà Nội. Ông mất ngày 18 Tháng Tư, năm 1998, tại miền Nam California. Cả hai bài thơ được trích dẫn, đều nằm trong “Thơ Nguyên Sa” tập 1. Tổ hợp Gió, xuất bản lần thứ 6, Saigon, 1971.
(2) Nhà thơ Quách Thoại sinh năm 1929 tại Huế. Ông mất ngày 7 Tháng Mười Một, năm 1957 tại Saigòn.

ImageImage

PART 1
PART 2


Từ Công Phụng và ‘Bây Giờ Tháng Mấy’
Du Tử Lê
(Bài 2)


Tôi không biết Từ Công Phụng tìm đến với âm nhạc hay âm nhạc đưa tay gõ những tiếng gõ rụt rè đầu tiên, nơi cánh cửa tâm hồn, khi ông mới 13 tuổi, lúc còn theo học bậc tiểu học ở quê hương Phanrang, Ninh Thuận. (*)

Ông kể, thời điểm đó, một lần, khi tình cờ nghe người anh cả đàn và hát bài “Con Thuyền Không Bến” của Ðặng Thế Phong, và “Trương Chi” của Văn Cao, ông bồi hồi, xúc động. Chạm mặt đầu tiên với âm nhạc, nơi Từ Công Phụng khiến ông ngây ngất, như sự chạm mặt với tình yêu thứ nhất. Ông bắt đầu học nhạc với người anh, qua những câu hỏi đơn giản về các nốt nhạc, cách đánh đàn.

Ông nói:
“Nhưng mãi tới năm 16 tuổi, tôi mới thực sự hiểu biết về âm nhạc một cách sâu sắc qua cuốn sách nhạc nhan đề 'Harmonie et Orchestration' của Robert de Kers, bản tiếng Pháp, xuất bản tại Paris, năm 1944; mà tôi vẫn còn giữ, như một kỷ niệm quý báu.”

Cũng thuộc về kỷ niệm thời niên thiếu, Từ Công Phụng kể, lần đầu tiên ông bước lên sân khấu là khi đang học năm lớp nhất, trường Nam Phanrang (lớp 5 bây giờ). Sau đó, ông được đề cử đi hát ở các buổi lễ lớn, thi đua cùng các trường tiểu học khác. Con đường “nghệ sĩ trình diễn” này, tiếp tục đon đả mời ông bước tới khi lên trung học. Ông luôn được chọn lên sân khấu đơn ca trong các buổi sinh hoạt văn nghệ toàn trường. Hai năm cuối cùng của bậc trung học ở các trường Duy Tân, Phanrang và Trần Hưng Ðạo, Ðà Lạt, ông được chọn làm trưởng ban văn nghệ toàn trường.

Năm 1961, ông sáng tác ca khúc “Bây Giờ Tháng Mấy.”
“Nhưng tôi không dám trình bày trước công chúng. Phần vì nhát, phần chưa tin tưởng lắm vào tài sáng tác của mình,” họ Từ tâm sự.

Thời gian ở Ðà Lạt, Từ Công Phụng cùng một số bạn học mới, thành lập ban nhạc Ngàn Thông, chơi hàng tuần cho đài phát thanh Ðà Lạt. Ca khúc “Bây Giờ Tháng Mấy” của họ Từ được trình bày lần đầu tiên, qua làn sóng điện này.

Ngay sau đó, ông nhận được rất nhiều thư khen ngợi. Những bức thư khen ngợi kia, đã khuyến khích Từ Công Phụng mạnh dạn hơn trong lãnh vực sáng tác. Và lần lượt, những ca khúc như “Mùa Thu Mây Ngàn,” “Bài Cho Em” ra đời.

Tác giả “Bây Giờ Tháng Mấy” kể, một thành viên cùng trong ban Ngàn Thông với ông, sau này cũng trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Ðó là nhạc sĩ Lê Uyên Phương.

Tuy nhiên, vẫn theo Từ Công Phụng, kể từ khi di chuyển về Saigòn, học Ðại Học Quốc Gia Hành Chánh, thì:
“Con đường âm nhạc của tôi mở ra thênh thang hơn. Sách vở về âm nhạc nhiều hơn, đã cho tôi một cái nhìn khác về âm nhạc. Tôi bắt đầu mê nhạc hòa tấu giao hưởng và thích nghe nhạc cổ điển Tây phương nhiều hơn. Trường hợp ca khúc ‘Bây Giờ Tháng Mấy’ cũng là một cái duyên kỳ lạ, đưa nó tới quảng đại quần chúng. Ban đầu nó chỉ nằm trong khuôn viên ký túc xá của trường Quốc Gia Hành Chánh. Ðêm đêm anh em ngồi quây quần chung quanh, nghe tôi hát. Bản ‘Bây Giờ Tháng Mấy’ đã bị một anh bạn ‘chôm’, đem ra nhà xuất bản gạ bán giùm tôi. Nhà xuất bản Minh Phát lúc bấy giờ đã trả giá bản nhạc ấy có $4,000; và được hứa hẹn khi nào bán chạy sẽ trả thêm. Sau khi ca sĩ Nhật Trường trình bày ca khúc ấy, lần đầu tiên trên đài Quân Ðội, bản nhạc bán chạy như tôm tươi. Nhạc lẻ in ra bán hết chục ngàn này tới chục ngàn khác, mà lời hứa hẹn của Minh Phát ngày nào, cũng tan bay theo gió!”

Về nguồn gốc của ca khúc đầu tay vừa đề cập, Từ Công Phụng nói:
“‘Bây Giờ Tháng Mấy’ là một sáng tác hoàn toàn hư cấu, là những mơ mộng của chàng học sinh mới lớn, là tâm tư của một tên học trò đọc quá nhiều tiểu thuyết lãng mạn,” cho nên, như ghi nhận của nhà văn Song Thao: “‘Bây Giờ Tháng Mấy’ đã bắt được nhịp đập con tim của giới trẻ lúc bấy giờ. Lúc họ đang sống thấp thỏm trong hoàn cảnh chiến tranh, khao khát một tình yêu trong sáng lãng mạn. Và Từ Công Phụng đã mang lại cho họ món ăn tinh thần ấy.”

Sau gần 40 năm, kể từ sáng tác đầu tay, cảnh thổ âm nhạc mang tên Từ Công Phụng vẫn là tình ca. Ông tâm sự:

“Với tôi, tình ca vẫn là con đường đẹp nhất dẫn mọi người đến gần nhau hơn, chia sẻ được với nhau nhiều hơn vì cùng chung một hơi thở.”
Họ Từ nói thêm:
“...Cho đến tuổi này,
chúng ta không còn thì giờ để chia lìa. Quá muộn màng cho một bắt đầu mới (?). Dĩ nhiên mỗi tuổi cái nhìn về cuộc đời có khác đi (tùy người). Và dĩ nhiên sự chuyển hướng có đậm nét hay không, chắc chắn là phải có trong sáng tác của tôi sau này khi ra hải ngoại và khi tuổi đời đã chồng chất.” Nhân đề cặp tới tình khúc, nhạc sĩ Từ cũng đưa ra quan niệm của ông chung quanh hai danh từ “ca khúc” và “nhạc phẩm.”

Ông đề nghị những bài hát hiện nay các ca sĩ thường hát, chúng ta nên gọi là “ca khúc” hay “bài hát”, hơn là “nhạc phẩm.”

“Vì danh từ ‘nhạc phẩm’ thường được dành cho những sáng tác âm nhạc lớn. Những sáng tác dùng nốt nhạc để diễn tả tâm tư hay hình ảnh v.v... Nhưng vì dùng nốt nhạc để diễn tả khiến không mấy ai hiểu nổi. Nên chúng ta mới có ca khúc. Ca khúc dùng nốt nhạc để chuyển lời ca đến với khán thính giả thì dễ hiểu hơn. Cho nên, nhạc và lời bao giờ cũng phải quyện với nhau sao cho tương xứng. Nói cách khác là khéo xếp đặt lời ca và nốt nhạc làm sao dễ đi vào lòng người. Tóm lại, ca khúc là chuyển tâm tư của người viết đến người nghe bằng những lời thơ qua âm nhạc” Ông nói.
Về thói quen sáng tác, Từ Công Phụng cho biết, ông không biết các nhạc sĩ sáng tác ca khúc như thế nào; nhưng riêng với ông, ông coi trọng cả hai thứ: Nhạc và Lời. Ông nói, Nhạc phải cho hay, Lời phải cho đẹp và ý nghĩa. Ðôi khi ông viết nhạc trước theo dòng cảm hứng và tìm lời phù hợp với nốt nhạc gắn vào. Ðôi khi ông lại làm lời trước. Ðó là trường hợp ông muốn nói tới một điều gì đặc biệtà Sau đó ông mới tìm nốt nhạc gắn vào.
Ông tóm gọn:

“Tôi luôn tìm cách hành âm cho có sự thay đổi khác lạ; gây thích thú cho người nghe. Và cũng có đôi khi, tôi viết luôn hai thứ một lúc.”

-----------
Chú thích:
(*): Từ Công Phụng sinh ngày 27 Tháng Bảy, năm 1943 tại xã Văn Lâm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Image

Image
PART 1
PART 2
Từ Công Phụng, hạnh phúc tựa những lời nói dối
Du Tử Lê

Với tiêu chí tự đặt cho mình: “Nhạc phải cho hay, lời phải cho đẹp và ý nghĩa;” Từ Công Phụng đã đem đến cho giới thưởng ngoạn những tình khúc sang cả, mượt mà từ nhạc tới lời. Nhưng ông không chỉ cho thấy khả năng viết ca từ với những câu đầy thi tính mà, trong nhiều ca khúc của họ Từ, người ta còn thấy sự hiện diện cùng lúc, những ca từ như thơ và những ngôn ngữ dung dị, đời thường.

Bạn tôi, một lần, kể rằng giữa lúc đang chăm chú làm việc, khi không, một đoạn nhạc của Từ Công Phụng đã dềnh lên trong đầu bạn tôi. Ðó là hai câu: “Ðôi mắt em rất buồn / đôi chúng ta rất buồn...” (ca khúc “Mắt Lệ Cho Người”) “Ðôi mắt em rất buồn” hay “quá buồn,” là một câu nói đơn giản. Ở đời thường, một lúc nào đó, có thể chúng ta cũng đã từng buột miệng, nói như vậy, với người thương yêu của mình. Nhưng cũng trong ca khúc này, trước đấy, lại là những câu mang tính văn chương bác học, với chủ tâm (tình cờ) nhân cách hoá “mưa” và “rong rêu”; khi tác giả viết: “Mưa soi dấu chân em qua cầu / theo những cánh rong cưu mang niềm đau.” Bạn tôi nói, những ca từ đơn giản này, như có năng lực huyền bí, thẩm, nhập, rồi tiềm phục đâu đó, trong vô thức của bạn tôi. Tôi cho đó cũng là một trong những nét đặc thù của tình khúc Từ Công Phụng.

Sự kiện vừa kể, khiến tôi liên tưởng tới khí hậu trong cõi giới tình ca của Phụng. Khí hậu trong nhạc tình Từ Công Phụng, theo cảm nhận của tôi, là cái khí hậu ẩm đục những cơn mưa. Ðầm đìa những lệ mặn, chát đắng những quá khứ. La đà những cây, trái thất lạc tương lai. Ðồng thời, người nghe cũng có thể cảm được những tay ôm, vỗ về của biển. Những chân đi chập chùng của gió. Những rét mướt của rừng. Những bơ vơ của núi. Những ngơ ngác phố cũ. Những rữa nát thềm xưa. Những cỏ cây. Chim muông. Hình bóng. Kỷ niệm... Tất cả, dường đã cùng thức dậy, đứng lên, buồn bã, chông chênh bước vào tâm hồn người thưởng ngoạn. Vì trong rất nhiều tình khúc của Phụng, hạnh phúc đã tựa như lời nói dối; nếu hiểu, tình yêu, vốn là điều không thật! Nói tới tình ca, tôi nhớ, tình cờ đọc được ở đâu đó, trước Tháng Tư, 1975, một câu của nhạc sĩ Phạm Duy, in trang trọng nơi trang đầu một tuyển tập nhạc tình của ông. Ðại ý ông tỏ dấu tiếc đã không dành hết quãng đời viết nhạc của mình, cho sự ngợi ca tình yêu. Tôi thú vị lắm, phải nói thế, khi đọc lời tâm sự buồn bã nhưng rất thực của người viết nhạc lớp trước. Tình yêu, cách nào khác, tôi nghĩ, chính là khuôn mặt chập lại, sáng lên cùng lúc: Sự sống và lẽ chết.

Nói tới tình ca, cũng là nói tới bước đường mà, chẳng một nhạc sĩ nào không ít, nhiều kinh qua. Nó giống như cánh cửa mê hoặc đầy cạm bẫy sinh / tử của thể thơ lục bát, với những người làm thơ vậy. Tình ca, cái thế giới mầu nhiệm, thần thánh của tuổi trẻ? Hay nó là mặt bên kia của cảm nhận địa ngục, thiên đường; hắt lên từ một dương gian hiu quạnh? Lại nữa, những tình khúc của họ Từ, hình như đã không chỉ như những tình khúc hiểu theo nghĩa một sáng tác nói về tình yêu đôi lứa. Ẩn giữa những dòng nhạc, giấu trong những lời ca, mỗi tình khúc của Từ Công Phụng còn là một thánh thoát êm đềm, dù cho nhạc phẩm nói về một tình yêu đổ vỡ. Ở đâu đó, trong những dòng nhạc, giữa những từ ngữ, vẫn thấp thoáng một nhân sinh quan đầy cam chịu và độ lượng.

Từ những cảm nhận trên, tôi thấy, một trong những nét đặc thù của sinh hoạt âm nhạc miền Nam trước Tháng Tư, 1975, là sự góp mặt đông đảo và sự phồn thịnh sáng tác của nhiều người viết nhạc. Nhưng, nói như thế, không có nghĩa tất cả những người sáng tác nhạc đều trở thành nhạc sĩ. Ðịnh đề khắc nghiệt của nghệ thuật là, giá trị thực hữu trong sáng tác, phải được ấn chứng bởi ngọn lửa thời gian bạo liệt. Thời gian tuồng keo kiệt nụ cười trước mỗi lao tác tinh thần, tự nguyện. Mặc dù, cuối cùng, thời gian, cũng vẫn là đôi tay duy nhất, nâng niu, gìn gìn giữ cho chúng ta, những hạt ngọc. Trong biển sống cuồn cuộn của nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng thì, mỗi tài hoa tiêu biểu cho một dòng sống. Kẻ đại diện dòng sống đó, được quần chúng ngắm nhìn, yêu thích, như một phần đời dậy hương của chính họ. Trong nghĩa này, Từ Công Phụng là người đã được giới thưởng ngoạn chọn lựa. ông là đại diện thân ái nhất cho dòng suối tình ca lênh đênh ly biệt, của hai mươi năm tân nhạc Nam, Việt Nam.

Là một trong những ngọn thác âm giai chảy từ đầu nguồn riêng lẻ, đời nhạc Từ Công Phụng, nhìn lại, từ điểm đứng tỵ nạn, nửa vòng trái đất, tôi thấy, trước sau, vẫn đằm đằm sang-cả-buồn-bã, mới. Từ điểm đứng kia, tôi chợt hiểu sự kỳ diệu của âm nhạc, không chỉ là những phối ngẫu toàn hảo giữa âm giai và ca từ mà, âm nhạc, ở độ chín nào đó, còn là những hồi chuông lung linh kỷ niệm khôn nguôi, một đời vậy. Bạn có quyền không đồng ý những cảm nhận của tôi. Bạn cũng có quyền cất tiếng thảo luận với nhạc sĩ... Nhưng trước đó, tôi đề nghị, bạn nên có một lần, buông, thả thân, tâm mình trong dòng suối tình khúc của họ Từ. Dù cho, hạnh phúc trong tình khúc Từ Công Phụng có tựa như những lời nói dối!

Hết
Du Tử Lê, (Calif. 7 Tháng Mười, 2009)

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Hoàng Thi Thơ- Rong chơi cuối trời quên lãng...




THÁI TÚ HẠP


Theo nhận định của tôi, mỗi đời nghệ sĩ chỉ cần một vài tác phẩm giá trị được quần chúng ái mộ, lưu truyền cũng đủ tạo nên danh tiếng để đời và yêu thương trong lòng mọi người miên viễn. Vinh quang cho chính tác giả và hạnh phúc cho tha nhân, vì tự tác phẩm đã hiển nhiên vượt ra ngoài thử thách của thời gian, trở thành vốn liếng quý của dân tộc và nhân loại. Có những tác phẩm mà giá trị nghệ thuật không những được trang trọng đón nhận huy hoàng trong một lãnh thổ quốc gia, mà còn vượt thoát ra ngoài biên giới, hòa nhập vào sự rung động chung của loài người. Tôi muốn nói tới những tên tuổi lừng lẫy của thế giới âm nhạc như Schubert, Beethoven, Mozart, Strauss, Toselli, Giuber, Chopin...Cũng như thế giới màu sắc không ai mà không biết tới những bậc thầy hội họa như Gauguin, Matisse, Van Gogh, Picasso, Dufy, Kandinsky, Braque, Chagall Miro...Về văn chương đại khái những thiên tài như Chateaubriand, André Maurois, Apollinaire, Hemingway..., Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hạo...

Đó là chuyện những thiên tài thế giới, mà những người yêu văn học nghệ thuật Việt Nam chúng ta luôn luôn ngưỡng phục và ít nhất đã hơn một lần trong đời được thưởng thức, xem qua cho dù trong sách vở hoặc đã từng đọc đến những tuyệt tác thơ văn của các tài danh xuất chúng đó.

 

Hoàng Thi Thơ và các nghệ sĩ của Đoàn tại Đài TiVi NHK Tokyo
trong chuyến trình diễn Nhật Bản 1975


Đất nước thân yêu của chúng ta, triền miên trong chiến tranh hơn nửa thế kỷ, hàng triệu thanh niên đã hy sinh tính mạng để bảo vệ lý tưởng Tự Do. Người nghệ sĩ cũng đã bị cuốn hút vào cơn bão lửa hãi hùng đó, chưa bao giờ có được cái không khí thanh bình thực sự, sống với thế giới đam mê sáng tạo riêng tư của mình. Hơn thế nữa, nền tân nhạc Việt Nam chưa có một độ dày nhạc sử thâm niên, nếu tính từ những bước đầu tiên cho đến nay chưa đầy 60 năm. Tuy nhiên, giòng nhạc Việt Nam đã đánh dấu những khúc bi hùng nổi trôi theo vận mệnh lịch sử của dân tộc. Những đau thương nghiệt ngã tận cùng, đã biến người nghệ sĩ Việt Nam chẳng khác nào như hạt lúa gieo vào lòng đất Mẹ, quằn quại vỡ nát từng cơn đau xót, nẩy mầm vươn lên trong mưa nắng cuộc đời, để đem tới nhân gian những chùm lúa vàng thắm, làm đẹp cho quê hương và cung ứng món ăn tinh thần cho nhân thế. Trong cuộc hành trình gian nguy đầy máu, nước mắt cùng những tiếng cười hân hoan đó, chúng ta đã nhìn thấy những khuôn mặt rạng rỡ, tài hoa đem tiếng ca và những âm điệu tuyệt vời đến với mọi người: THẨM OÁNH, NGUYỄN XUÂN KHOÁT, VĂN CAO, PHẠM DUY, DƯƠNG THIỆU TƯỚC, ĐẶNG THẾ PHONG, DOÃN MẪN, HOÀNG QUÝ, PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG, LÊ THƯƠNG, HOÀNG THI THƠ...Và liên tục lên đường như HOÀNG GIÁC, TÔ VŨ, LAM PHƯƠNG, NHẬT NGÂN, NGÔ THỤY MIÊN, TỪ CÔNG PHỤNG, TRẦM TỬ THIÊNG...như những lượn sóng đuổi nhau dạt dào vào tâm hồn thưởng ngoạn của quần chúng trên khắp cùng đất nước.

Thế hệ của chúng tôi 50-60, sinh nhằm giai đoạn lịch sử nghiệt ngã nhất, chiến tranh bùng nổ khắp nơi. Vừa mới trưởng thành đã cuốn hút vào cuộc chiến khốc liệt. Có nhiều đồng bạn nhận xét tế nhị: chiến tranh đã đưa đẩy chúng ta có cơ hội đi đến nhiều nơi chốn trên khắp miền quê hương xa lạ. Một cuộc du ngoạn không mất tiền. Trong lý tưởng khôi hài ngộ nghĩnh đó có một phần đúng. Chúng tôi được cơ may biết đến những địa danh vang lừng trong sách sử: Khe Sanh, Ái Tử, A Sao, A Lưới, Phá Tam Giang, Hiên-Gằng, Thượng Đức, Lao Bảo, Lộc Ninh, biên giới Miên Việt, U Minh Hạ, Vàm Cỏ Đông...Và chính trong những chuyến hành quân qua thôn xóm điêu tàn, chúng tôi đã sống gần gũi với thiên nhiên và đã cảm mến những cô thôn nữ xinh đẹp giã gạo trong đêm trăng. Đã nhìn thấy đôi trai gái tát nước bên giòng sông Thạch Hãn. Đã ngây ngất hình ảnh vừng trăng nửa mảnh lung linh dưới cầu tre, bắc qua con suối Trà Mi. Tiếng hò tình tứ mùa gặt lúa ở đồng bằng sông Cửu...Từ đó bỗng dưng tôi cảm thấy những bóng dáng hiện thực từ đời sống thôn dã đã được nhạc sĩ HOÀNG THI THƠ đưa vào thế giới âm nhạc của ông. Thời kỳ của những CÁC ANH VỀ, ĐÀNH QUÊN SAO, MÚC ÁNH TRĂNG VÀNG, DUYÊN QUÊ, GẠO TRẮNG TRĂNG THANH, TÀ ÁO CƯỚI, TÌM ANH, TÔI NHỚ TÊN ANH, MÁI TRANH CHIỀU, TÌNH ĐÊM LIÊN HOAN, TÌNH SẦU BIÊN GIỚI...đã được mọi tầng lớp dân chúng miền Nam yêu thích, biết đến nhiều nhất qua nhiều thập niên ở quê nhà.

 

Hoàng Thi Thơ và các bông hoa trong vũ MÚA DÙ



Cho đến nay đã 20 năm qua, những biến cố đau thương như những dấu chàm in sâu trong tâm hồn chúng ta nơi đất khách. Những biển dâu tang điền mãi như căn bệnh trầm kha không thể nào thuyên giảm đối với những ai còn vọng hoài cố quốc. Chính hoàn cảnh không gian đổi mới này, chúng ta mới cảm thấy nỗi niềm bi thiết, đi đâu rồi cũng chỉ một lòng với nước non. Một thoáng mây bay qua. Một sợi khói hắt hiu trên sông buổi chiều, cũng đủ giao động lòng trắc ẩn nhớ nhung của lữ khách.

...Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

(Thôi Hạo)

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

(Tản Đà)

Cả trăm năm trước, ông Thôi Hạo có lý thật. Mang tâm trạng lưu vong ở nơi xứ người, chúng ta mới khám phá, yêu mến những hình ảnh tầm thường ở chung quanh trong đời sống, nhưng nó đã cưu mang từng ý niệm tuyệt vời cao quý trong tâm hồn mỗi chúng ta. Từ những giọt nước đọng trên tàu lá chuối. Tiếng chim trong đêm thanh vắng. Tiếng mưa nhỏ giọt ở đầu hiên. Tiếng chim cu gù trên hàng cây bạc hà trong nắng chiều hiu hắt...đã đánh thức những kỷ niệm từ tiềm thức hoang vu...Và chính những khoảnh khắc đó, giòng nhạc Hoàng Thi Thơ lại hiện về trong tâm tưởng, như một đồng điệu mang nỗi sầu viễn phương, dắt díu nhau về quê hương bằng trí tưởng êm đềm thơ mộng nhất. Những ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ, ANH BIẾT EM ĐI CHẲNG TRỞ VỀ, MẤY NHỊP CẦU TRE, ĐÁM CƯỚI TRÊN ĐƯỜNG QUÊ, TÌNH CA TRÊN LÚA, ĐƯA EM QUA CÁNH ĐỒNG VÀNG, RƯỚC TÌNH VỀ VỚI QUÊ HƯƠNG...

Trong hầu hết số lượng tác phẩm của Hoàng Thi Thơ, chúng ta có thể phân chia nhiều đề tài cảm tác: Tình Yêu, Chiến Tranh và Quê Hương. Theo cách nhìn chủ quan của tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã dành hơn 70% ca ngợi tình yêu thăng hoa và những cuộc tình chia biệt. Qua lời nhạc, chúng ta đoán biết là mỗi rung động hiện thực cho mỗi sáng tác không phải là tình yêu ảo giác, hư cấu như đã ẩn dụ bàng bạc trong thơ Hàn Mặc Tử hay Nguyễn Bính. Còn lại 30% cho tình Quê Hương, tha nhân và chiến tranh. Tình yêu trong nhạc Hoàng Thi Thơ đan kết bằng những sợi chỉ màu có thật, không bằng triết lý cao xa hay nhuốm vào tôn gíao, hư vô nào, ông hoàn toàn thực thà với chính ông, ông không thích thần thoại, huyễn hoặc. Chính trong TỪ THỨC LẠC LỐI BÍCH ĐÀO, ông cũng đã chấp nhận một nhân sinh quan hiện thực, sống với đời, yêu người không viễn mơ tiên cảnh, lìa xa nhân thế. Sự cấu trúc một tác phẩm nghệ thuật không phải do huyền lực xuất thần, không chỉ do vận dụng trí tuệ, những tư duy tận cùng mà còn chính sự kết hợp tuyệt vời của tình cảm bén nhạy, chân thành cùng những kinh nghiệm đã rút tỉa từ cuộc sống. Hoàng Thi Thơ, ông đã bước vào cuộc đời, khai mở thế giới âm nhạc bằng những cung bậc nhẹ nhàng trong sáng, bằng bản chất hồn nhiên, bằng tình cảm mộc mạc như hương đồng phấn nội. Và ông như nhà nhiếp ảnh tài ba đã ghi nhận toàn vẹn khung cảnh sinh hoạt đầy màu sắc, âm thanh và hồn tính của truyền thống dân tộc hiền hòa nhân ái. Cho đến nay thực sự ông đã để lại cho đời, cho người, cho nền âm nhạc Việt Nam một vốn liếng đáng kể, mãi mãi lưu truyền trong nhân gian từ trong nước và hải ngoại.

 

Hoàng Thi Thơ và các cô Thái trắng trong vũ MÚA XÒE



Hai mươi hai năm qua, thời gian đủ trưởng thành cho một đứa trẻ vừa sinh ra đời, từ lúc chúng ta rời bỏ quê hương yêu dấu, tự nó đã hủy diệt những thiên kiến thủ đoạn, độc tài phản trắc của chính trị.
Hai mươi hai năm, hy vọng thời gian sẽ phai tàn thù hận trong lòng nhau, Và hai mươi hai năm chuẩn bị cho một tương lai rạng rỡ của những thế hệ vươn tới Tự Do Dân Chủ trong hòa bình, tiến bộ, sáng tạo chung của nhân loại.

Hoàng Thi Thơ, ông đã bước qua nhiều năm ở cửa tri thiên mệnh và chính ông đã hiểu, đến lúc trở về cõi tâm thức an bình, như viên sỏi đã chìm sâu dưới đáy hồ tĩnh mịch, là lúc ông đã ngộ với lẽ sống vô thường. Đời đi qua như bóng huyễn.

Có nhiều khi tưởng chừng như ông đã quên lãng? Nhưng đời và “lũ chúng ta lạc loài nơi đất khách” vẫn không bao giờ quên ông. Vẫn giữ trong lòng nguyên vẹn những tình cảm ưu ái về ông như một niềm chia xẻ đồng điệu, tri âm nơi viễn xứ.

Tôi vẫn nghĩ, cho dù cuộc đời đang thúc bách, biến hóa chúng ta thành những con ốc trong guồng máy thực dụng, và những trái tim băng giá, nhưng chúng ta đang cần có nhau trong đời sống tinh thần.
Cám ơn Hoàng Thi Thơ, chính ông đã mang lửa ấm sưởi lòng chúng ta bằng những giòng nhạc chan chứa yêu thương và đậm đà tình nghĩa quê hương muôn đời.

THÁI TÚ HẠP
(Trích từ Hoàng Thi Thơ - 50 Năm Văn Nghệ)


Image

Image

DOWNLOAD


Image
Image
PART 1
           PART 2



Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

Nhật Trường - tiếng hát của một mùa kỉ niệm!

Nơi cuối trời em thắp vì sao,
      phiên gác buồn anh vẫn lẻ loi
 
       (“Lời cho người yêu nhỏ”, Trần Thiện Thanh)


H ầu như mỗi người trong chúng ta đều giữ riêng cho mình những khúc hát, những bài nhạc mình yêu thích nhất. Một bài nhạc cũ đôi lúc không có ý nghĩa gì nhiều lắm đối với người này thế nhưng đối với người khác, mỗi lần nghe lại, như khơi dậy cả “một trời kỷ niệm”. Khi nói về bài nhạc mình yêu thích, người ta cũng thường nói về giọng hát gắn liền với bài nhạc ấy. Không chỉ yêu bài nhạc ấy thôi, có khi người ta còn “yêu” cả giọng hát ấy nữa và chỉ muốn được nghe bài ấy với giọng ấy chứ không phải giọng nào khác. “Bài này là phải nghe Thái Thanh hát” hoặc “bài này không ai hát qua được Thái Thanh”, ta vẫn nghe như vậy. “Bài này” có thể là tên một nhạc phẩm của Phạm Duy, hay của Văn Cao, hay của Phạm Đình Chương…
      Người ta có thể thay tên Thái Thanh trong những câu ấy bằng tên một ca sĩ nào khác, và “bài này” có thể là tên một nhạc phẩm của nhạc sĩ nào khác. Một trường hợp khá đặc biệt: khi bài nhạc được yêu thích là của Trần Thiện Thanh thì người ca sĩ hay giọng hát gắn liền với bài ấy nhiều phần lại là… tác giả của bài nhạc: ca sĩ Nhật Trường.
 
Từ “tiếng hát đôi mươi” đến “đêm giã từ sân khấu”
 
Bao giờ cũng vậy, nghe câu hát ấy và nghe giọng hát ấy cất lên đâu đó, cho dù có đang làm gì, tôi cũng lặng yên một lúc, lắng nghe cho đến hết bài nhạc. Câu hát như đánh thức trong tôi những nhớ thương dịu dàng và, nói như ở trên, cũng đã khơi dậy trong tôi cả “một trời kỷ niệm”.
 
      Rồi đến một chiều phai nắng
      và khi gió heo may sang,
      tôi cúi đầu trên sân vắng…
 
      Bài hát, thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, chỉ là nói về nỗi niềm của chàng trai vừa “xếp áo thư sinh”, giã từ trường lớp, giã biệt tình đầu, vai mang hành trang bước vào đời quân ngũ.
 
      Tôi lặng ngước trông cao vời,
      nghe đâu nghìn mưa bão sắp xô lên đời mình…
 
      Chữ “xô” ấy nghe hay quá, và phải là giọng hát ấy mới nghe ra được cái ý dập vùi của giông tố phũ phàng.
 
      Xin chớ hỏi lòng nhau nữa,
      vì biết nói sao cho vừa…
 
      Chữ “hỏi” nghe chùng xuống như tiếng đàn chùng dây. Chữ “vì” khựng lại như một thoáng ngập ngừng. Chữ “nói” rướn lên, và nốt láy mỏng ở “cho… vừa” nghe sao mà tha thiết quá chừng!
 
      Tôi vội bước ra sân trường
      không quay nhìn đôi mắt thoáng… rưng rưng lệ buồn.
     
      Cái xuống giọng ở những nốt nhạc “rưng rưng” ấy nghe sao mà… rưng rưng!
      Giọng hát ấy là giọng Nhật Trường. Bài hát ấy là một bài của Trần Thiện Thanh, “Giây phút tạ từ” (1967).     
 

 
 
 
      Thường thì nhạc sĩ không phải là ca sĩ, và nếu kiêm nhiệm hai vai một lúc thì cũng… ít được tán thưởng. Muốn những ca khúc của mình tới được người yêu nhạc, cần đến một giọng hát; hơn thế nữa, một giọng hát phù hợp, thể hiện được tình cảm của bài nhạc. Trường hợp Trần Thiện Thanh có hơi khác một chút, ông được giới yêu nhạc biết đến qua sự giới thiệu của… ca sĩ Nhật Trường; hay nói cách khác, người ta yêu tiếng hát Nhật Trường từ khi chưa quen biết nhiều tên tuổi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
      Tiếng hát Nhật Trường nghe được trên các làn sóng phát thanh ở miền Nam Việt Nam từ đầu thập niên 60’s, và đã sớm chinh phục trái tim thính giả yêu nhạc. Giọng hát ấy cũng cất lên trên các sân khấu ca nhạc, đại nhạc hội, và cả trong những màn “phụ diễn văn nghệ” cho các chương trình “tuyển lựa ca sĩ” của đài phát thanh Saigon tại rạp Quốc Thanh (nơi ông và ca sĩ Duy Khánh, mỗi lần dứt tiếng hát là mỗi lần nhận được những tràng pháo tay vang dội lẫn trong tiếng hò hét “bis, bis” từ phía khán giả cuồng nhiệt để yêu cầu hát tiếp, hát thêm, hát nữa…). Giọng hát ấy cũng nghe được qua các dĩa nhạc, băng nhạc và các chương trình ca nhạc của đài truyền hình, đài phát thanh Saigon, đài phát thanh Quân Đội, đặc biệt là chương trình Tiếng Hát Đôi Mươi (từ năm 1965) vào mỗi chiều thứ Hai trên làn sóng phát thanh đài Tiếng Nói Quân Đội. Giọng hát ấy cũng từng góp tiếng trong các ban nhạc truyền thanh, truyền hình được yêu chuộng thuở ấy như Tiếng Nhạc Tâm Tình (ca sĩ Anh Ngọc phụ trách), Tiếng Tơ Đồng (nhạc sĩ Hoàng Trọng), Hoa Xuân (nhạc sĩ Phạm Duy), Tiếng Thời Gian (nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông)…      
      Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, trong khi ấy, tuy đã có những sáng tác từ trước đó, chỉ được biết đến nhiều qua nhạc phẩm “Không bao giờ ngăn cách” (1963), ra đời ít lâu sau nhạc phẩm “Ngăn cách” khá nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân. “Không bao giờ ngăn cách” được nhiều ca sĩ tên tuổi thuở ấy trình bày (gồm cả những giọng ca gắn liền với “Ngăn cách” như Thanh Thúy, Minh Hiếu và cả… Nhật Trường, tất nhiên), được yêu chuộng và phổ biến rộng rãi, trở thành… nổi tiếng không kém gì “Ngăn cách” và làm nên tên tuổi Trần Thiện Thanh. (Có lẽ vì câu hát “chúng mình cách xa mà vẫn gần nhau”–gói trọn tình ý của bài nhạc–đáp ứng được tâm tư tình cảm của những lứa đôi thời chinh chiến). 
      Một ca sĩ tên tuổi thường có ít nhất một, hai bài nhạc nào đó gắn liền với tên mình. Khi nhắc đến tên bài nhạc ấy, người ta nghĩ ngay đến tên ca sĩ ấy. Một bài nhạc khi đã gắn liền với tên tuổi ca sĩ nào rồi thì ca sĩ khác tốt hơn nên… hát bài khác, nếu không muốn người nghe làm một sự so sánh và thêm nhớ… một giọng hát khác. Có khi chỉ một bài nhạc thôi cũng đủ làm nên tên tuổi ca sĩ (bây giờ gọi là “thành danh”). Nhiều ca sĩ một “đời ca hát” chỉ mong được “ký tên, đóng dấu” vào một bài nào đó để tên tuổi không chìm vào quên lãng. Nhưng đâu có phải muốn là được. Việc thẩm định và đưa ra phán quyết bài hát nào thuộc về ca sĩ nào là… thuộc về thính giả. Nhiều ca sĩ từng hát nhiều bài và bài nào… nghe cũng hay, nhưng vẫn không “đóng dấu” nổi tên mình vào một bài nhất định. Trong lúc ấy, Nhật Trường lại có khá nhiều bài hát gắn liền với tên mình, hầu hết là những bài của… Trần Thiện Thanh. “Nhạc Trần Thiện Thanh không ai hát hay hơn Nhật Trường,” nhiều người dễ dàng chia sẻ nhận xét này của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Hát “hay hơn” thì chưa thấy có ai thật, nhưng hát hay… không kém, theo tôi, có thể kể ra được một vài, chẳng hạn Lệ Thanh với “Anh nhớ về thăm em”, Minh Hiếu với “Không bao giờ ngăn cách”, Trúc Mai với “Hàn Mạc Tử”, Sĩ Phú với “Khi người yêu tôi khóc”… Khi nhắc đến tên các bài nhạc ấy, người ta vẫn hay nhắc đến tên các ca sĩ này.
 
 
      Đúng là “nhạc Trần Thiện Thanh không ai hát hay hơn Nhật Trường”, kể cả những bài… không dành cho Nhật Trường. “Bảy ngày đợi mong” chẳng hạn, bài hát tưởng chỉ dành cho giọng nữ (nói về nỗi hờn trách của cô gái vì người yêu lỗi hẹn), vậy mà đến nay vẫn chưa thấy ai hát hay hơn Nhật Trường.
      Tôi có anh bạn rất “chịu” giọng Nhật Trường, lạ một điều là trong số những bài anh ta thích nghe ca sĩ này hát lại chẳng có bài nào của… Trần Thiện Thanh cả. “Bài tango ấy là chỉ có nghe Nhật Trường thôi,” anh ta nói thế khi nhắc đến bài “Ngỡ ngàng” của Hoàng Trọng. Anh cũng chịu Nhật Trường hát “Bến giang đầu” của Lê Trọng Nguyễn, “Khi em nhìn anh” của Y Vân và “Tình yêu đến trong giã từ” của Phạm Mạnh Cương (không phải bài nhạc cùng tên của Nguyễn Ánh 9). Tôi không rõ vì sao anh ta không “chấm” được bài nào của Trần Thiện Thanh (hoặc vì Nhật Trường hát nhạc Trần Thiện Thanh thì… bắt buộc phải hay rồi nên không cần phải bàn tới).
 
      Tôi cũng đồng ý với anh bạn là Nhật Trường hát những bài ấy thì… không chê vào đâu được, và cũng muốn kể thêm một ít bài, tuy không phải là nhạc Trần Thiện Thanh nhưng “không ai hát hay hơn Nhật Trường” (tất nhiên chỉ là ý kiến cá nhân), chẳng hạn “Em tôi” của Lê Trạch Lựu, “Tấm ảnh ngày xưa” của Lê Dinh, “Chuyến đi về sáng” của Mạnh Phát, “Tôi sẽ về thăm em” của Hoàng Nguyên, “Mưa chiều kỷ niệm” của Duy Yên & Quốc Kỳ, “Kể chuyện trong đêm” của Hoàng Trang, “Hành trang giã từ” của Trường Sa, “Tình khúc mùa đông” của Thanh Trang, “Bây giờ tháng mấy” của Từ Công Phụng, “Biết nói gì đây” của Huỳnh Anh & Huyền Thanh, “Hoa biển” của Anh Thy, “Qua cơn mê” của Trịnh Lâm Ngân, “Tám điệp khúc”, “Hai vì sao lạc” của Anh Việt Thu…
      Những nhận xét nêu trên là hoàn toàn chủ quan, không hẳn đã phù hợp với nhiều người. Có điều, dường như ai cũng có thể tìm thấy, qua tiếng hát Nhật Trường, bài hát nào đó mình yêu thích. Có thể nói thêm một hai điều: thứ nhất, trong số những bài trên, không ít bài, qua tiếng hát Nhật Trường, được phổ biến, được yêu chuộng và làm nên tên tuổi tác giả (như chính các nhạc sĩ ấy cũng thừa nhận), chẳng hạn “Tấm ảnh ngày xưa” của Lê Dinh, “Bây giờ tháng mấy” của Từ Công Phụng, “Hoa biển” của Anh Thy... Thứ hai, nhiều người dễ nhầm tưởng một đôi bài trong số những bài trên là “nhạc Trần Thiện Thanh” (như “Hoa biển”, “Hành trang giã từ”…) cũng chỉ vì những bài ấy “không ai hát hay hơn Nhật Trường”.
      Những điểm nêu trên cũng cho thấy, không thể nào nói tới Nhật Trường mà không nói tới Trần Thiện Thanh, không thể nào tách rời hai con người ấy được, như một diễn viên đóng một lúc hai vai, như “mình với ta tuy hai mà một”. Có lẽ vì vậy mà sau này người ta thống nhất với nhau gọi ông là “ca-nhạc-sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh” cho… tiện (tuy có hơi… dài). Tuy vậy, có những lúc không nhất thiết sử dụng danh hiệu ấy, chẳng hạn khi giới thiệu ca khúc nào đó được “ca-nhạc-sĩ” này trình bày thì nên trả ông về với “ca sĩ Nhật Trường”. Hoặc, khi giới thiệu ca sĩ trình diễn nhạc phẩm nào đó của ông thì không cần nói, “Xin giới thiệu ca sĩ X. trong một nhạc phẩm của ca-nhạc-sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh”, mà chỉ nên nói “… của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh”.
      Chuyện một nghệ sĩ trình diễn vừa là ca sĩ vừa là người soạn nhạc (singer-songwriter) không phải là chuyện lạ lùng gì, nhất là ở nước ngoài. Thực ra, không riêng gì Nhật Trường, trong số các nhạc sĩ của chúng ta vẫn có những người từng… kiêm nhiệm ca sĩ, hiểu theo nghĩa từng trình bày, trình diễn các nhạc phẩm của mình (và của nhạc sĩ khác, đôi lúc), thế nhưng người ta vẫn chỉ gọi là “nhạc sĩ”. Điều này có thể giải thích được: thứ nhất, vai trò nhạc sĩ trội hơn và được biết đến nhiều hơn là ca sĩ (chỉ “thường thường bậc trung”); thứ hai, để có thể gọi là “ca-nhạc-sĩ”, các nhạc sĩ này cần chứng tỏ rằng khó ai hát các nhạc phẩm ấy hay hơn… mình.
 
      Trong vai trò “ca sĩ” (không phải ca-nhạc-sĩ), nhiều nhạc phẩm của nhiều nhạc sĩ, với nhiều thể loại, thể điệu khác nhau từng được thể hiện qua tiếng hát Nhật Trường (không hẳn là ông chỉ “chuyên trị” các thể điệu Bolero, Rhumba hoặc Slow, Slow Rock… như nhiều người tưởng). Người yêu nhạc hẳn vẫn còn nhớ từng được nghe Nhật Trường, từ những bài xưa cũ như “Bến đò xưa” của Đào Thừa Liệt & Nguyễn Kim (ban nhạc Tiếng Tơ Đồng), “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn (ban Tứ ca Nhật Trường), “Lá thư”, “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, “Ông lái đò” của Hiếu Nghĩa, đến những bài “Hòn vọng phu 1&3” của Lê Thương (với Thái Thanh), “Lối về xóm nhỏ” của Trịnh Hưng (với Như Thủy), “Hoài cảm” của Cung Tiến, “Tiễn bước sang ngang” của Hoàng Trọng & Hồ Đình Phương, “Tình anh lính chiến”, “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” của Lam Phương (ban Tứ ca Nhật Trường), “Khúc nhạc ly hương” của Lâm Tuyền, “Mộng dưới hoa” của Phạm Đình Chương & Đinh Hùng, “Ngày trở về”, “Trả lại em yêu” của Phạm Duy (với Thanh Lan), “Ghen” của Trọng Khương & Nguyễn Bính, “Hồn bướm mơ tiên” của Mai Trường & Tô Vân, “Lệ Đá” của Trần Trịnh & Hà Huyền Chi, “Bài không tên số 2” của Vũ Thành An (với Như Thủy), “Bông hồng cài áo”, “Tóc mây” của Phạm Thế Mỹ...
 
      Trong lúc mỗi ca sĩ tên tuổi có một đối tượng thính giả nhất định thì tiếng hát Nhật Trường lại như có vẻ đáp ứng được các đối tượng thính giả khác nhau. Riêng đối với những ca khúc là sáng tác của chính ông, những ý kiến đại loại “nhạc Trần Thiện Thanh là ‘nhạc đại chúng’” có thể được hiểu là một lời khen hoặc ngược lại. Những bình phẩm cách ấy không nói được điều gì. Nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, như những món ăn tinh thần, thực khách tự ý chọn lựa cho mình những món hợp khẩu vị, thanh đạm hoặc cầu kỳ, quý hồ thưởng thức thấy ngon miệng. Không có sự hơn kém trong những khác biệt về quan niệm thẩm mỹ, về thưởng ngoạn nghệ thuật khi xem một bức tranh, nghe một bản đàn, đọc một bài thơ hay ngắm một bông hoa… Nhật Trường, trước sau ông vẫn muốn tìm kiếm những lối đi để lời ca tiếng hát mình đến được với trái tim của quần chúng. Ít nhiều ông cũng đã đạt được điều ước muốn ấy.
 
      Đối với Nhật Trường, người ca sĩ có “tuổi nghề” trên dưới 40 năm, có tiếng hát khá quen thuộc và gần gũi với công chúng, ngày Chủ Nhật 3/11/2002 đánh dấu sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong “đời ca hát” của ông: “Nhật Trường và Bạn Hữu, Đêm Giã Từ Sân Khấu”, một chương trình ca nhạc, nói đúng hơn, một buổi họp mặt văn nghệ được ông tổ chức trong vòng thân hữu, là cơ hội để ông được chính thức thông báo về quyết định “giã từ sân khấu” và cũng để mọi người có dịp nói lời chia tay với “tiếng hát Nhật Trường”.
      Có giọng hát nào đứng mãi được với thời gian đâu. Sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu giông tố dập vùi, khi mà những “vết hằn năm tháng” đã hiện rõ trên khuôn mặt chàng ca sĩ điển trai ấy thì giọng hát ấy cũng không còn “trẻ” nữa. “Giã từ sân khấu” hay “chia tay tiếng hát”, những cách gọi ấy mang ý nghĩa gì nếu không phải là “giây phút tạ từ” (tên một bài nhạc của ông) để giữ cho tên tuổi ấy, giữ cho tiếng hát ấy còn đẹp mãi, còn ở lại mãi trong lòng người.
 
      Tuy không còn chính thức xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc, ông vẫn không từ chối mang lời ca tiếng hát tới những nơi nào cần đến sự góp mặt góp tiếng của ông, cho đến ngày ông thực sự nhắm mắt xuôi tay “giã từ cuộc sống” (gần ba năm sau ngày “giã từ sân khấu”) mà ông từng sống sôi nổi, từng yêu thiết tha và luôn muốn làm đẹp cuộc sống ấy.
      Từ “Tiếng hát đôi mươi” đến “Đêm giã từ sân khấu” là cuộc hành trình thật là dài của người nghệ sĩ ấy, của tiếng hát ấy. Trong suốt cuộc hành trình ấy đã có những năm dài tiếng hát phải im hơi, là những năm mây đen phủ trùm lên đất nước, lên số phận cả một dân tộc, thế nhưng chưa có lúc nào tiếng hát ấy bị lãng quên. Như những khúc hát của Trần Thiện Thanh vẫn nghe thấy cất lên đâu đó, những tình cảm thương yêu dành cho tiếng hát ấy vẫn còn nguyên vẹn.    
 


 
Nhật Trường (bên trái, ngoài cùng) và các ca sĩ trong ban
 Tiếng Nhạc Tâm Tình (ca sĩ Anh Ngọc phụ trách) đầu thập niên 60’s
 
Nhạc tình, “một trời trăng sao”
 
Giọng Nhật Trường không vang lộng, không được kể là “làn hơi phong phú”. Kỹ thuật ngân, rung không được kể là điêu luyện. Giọng ông cũng không “ấm” hơn những giọng nam trầm khác cùng thời với ông, nhưng nghe “mềm” hơn và “ngọt” hơn. Ông biết tận dụng cái giọng tốt trời cho ấy và biết cách “make-up” để làm đẹp thêm giọng hát mình. Nhiều người cho là giọng hát ấy có hơi… điệu. Nói thế không phải là không đúng, và cũng… không có gì lạ. Cái “điệu” ấy cũng là… tự nhiên thôi, vì ngay từ cử chỉ, điệu bộ cho đến cung cách nói chuyện của ông cũng đã có một vẻ gì… điều điệu. Và khi ông hát, cái “điệu” rất… Nhật Trường ấy thể hiện qua kiểu cách nhấn nhá và luyến láy mềm mại, qua chất giọng nồng nàn, tình tứ như những vuốt ve, mơn trớn. Quả là ông có “điệu” một chút thật, nhưng cũng chỉ là làm duyên làm dáng vậy thôi chứ không thái quá như những kiểu rên xiết, nấc nghẹn… hoặc “phô diễn kỹ thuật” như ít ca sĩ về sau này (rằng hay thì có hay nhưng… vô hồn, vô cảm). “Giọng hát truyền cảm”, nhiều người đã gọi tiếng hát Nhật Trường như thế, có nghĩa giọng hát ấy truyền được những rung cảm tới người nghe, hoặc nói cách văn vẻ, chạm được tới trái tim người nghe. Sức “truyền cảm” của giọng hát ấy không phải chỉ do ở “kỹ thuật” của riêng ông mà còn ở cách ông phả hơi thở đầy cảm xúc vào từng lời, từng chữ, từng nốt nhạc.
 
      Qua tiếng hát Nhật Trường, có những bài hát đã trở thành kỷ niệm khó phai của “một thời để yêu, một thời để nhớ”. Không ít những cặp tình nhân cùng yêu thích một bài hát, một giọng hát. Khi gắn bó với một bài hát, một giọng hát, người ta càng cảm thấy gắn bó với nhau hơn. Giọng hát ấy không rơi vào quên lãng vì đã làm lay động những trái tim, làm đẹp thêm những mối tình.
      Ta vẫn nghe được trong những câu hát của Nhật Trường–những năm đầu và giữa thập niên 60’s–những khung trời đầy trăng và sao, những khung trời tự tình của lứa đôi, và chất giọng nồng nàn, quyến rũ như lời tình tự ngọt ngào ấy đã làm xao xuyến, rung động không ít trái tim vừa chớm biết yêu của các cô nữ sinh, sinh viên hay mơ hay mộng.
     
      Một ngày gần đây,
      những đêm dài vô tận hôm nay
      sẽ thay bằng một trời trăng sao
 
      Sao rơi trong mắt này
      trăng vương vai áo này
      một trời trăng sao đó riêng đôi mình
        (“Một ngày gần đây”, Trần Thiện Thanh)
 
      Xin không thiếu trăng vàng trên tóc em
      khi ánh sao rơi đầy mắt người yêu
        (“Chân trời tím”, Trần Thiện Thanh)
           
      Tôi sẽ về thăm em
      khi trời lấp lánh sao đêm
      và gió trăng theo từng bước chân êm
        (“Tôi sẽ về thăm em”, Hoàng Nguyên)
     
      Giọng hát Nhật Trường, giọng hát đánh thức những trái tim, đánh thức tình yêu dậy. Tình yêu, trong tiếng hát Nhật Trường, như được ướp bằng chất men lãng mạn, luôn có một vẻ gì đắm say, thiết tha và đầy thi vị.
 
      Anh sẽ vì em làm thơ tình ái
      (“Lâu đài tình ái”, Trần Thiện Thanh & Mai Trung Tĩnh)  
 
       Anh sẽ đưa em về nơi chân trời tím
        (“Chân trời tím”, Trần Thiện Thanh & Nguyễn Văn Hạnh)
     
      Câu hát mà nghe tựa câu thơ, giọng hát mà nghe như giọng đọc thơ.
 
      Mây từ đâu trôi tới, mờ dấu chân trời
      Em, tại sao em tới, cho anh yêu vội
       (“Người yêu tôi khóc”, Trần Thiện Thanh)
 
 
      “Người yêu tôi khóc”, một trong những “tình khúc Trần Thiện Thanh” được nhiều người yêu thích, là bài hát đẹp cả về giai điệu lẫn ca từ.
  
      Khi người yêu tôi khóc, xin rất im lìm
      như từ lâu tôi dấu những cơn muộn phiền
     
      Khi người yêu tôi khóc thành phố buồn thiu…
 
      Phải là “buồn thiu” chứ… buồn tênh (như một vài ca sĩ đổi lời) hay buồn teo, hay buồn xo, hay buồn… gì khác thì lại kém hay. Phải nghe Nhật Trường hát “buồn thiu” mới hình dung được con phố ấy… “buồn thỉu buồn thiu” như thế nào.
      Trong những câu hát của Nhật Trường ta vẫn nhặt ra được những “câu thơ” như thế.
 
      Chiều mù sương hay mù khói thuốc anh?
      Áo ai xanh hờ hững đi vào đêm…
 
      Em mới yêu lần đầu / Anh đã yêu lần sau
        (“Chuyện hẹn hò”, Trần Thiện Thanh)
 
 
      Dường như bài hát nào, câu hát nào cũng được ông phả vào hơi thở đầy cảm xúc (như phả hương vị nồng nàn vào cuộc sống), cũng được ông nắn nót từng chữ từng lời (như người nắn nót, gọt dũa từng chữ từng câu trong lá thư tình viết gửi người mình yêu). Không riêng gì nhạc Trần Thiện Thanh, nghe một bài nhạc tình của ai khác, qua giọng Nhật Trường, cũng dễ nhận ra điều này. “Ngày đó chúng mình” của Phạm Duy chẳng hạn (từng được các ca sĩ tên tuổi thuở ấy như Anh Ngọc, Duy Trác, Thái Thanh… trình bày, mỗi giọng đều có cái hay riêng trong cách thể hiện).
 
      Ngày đó có em đi nhẹ vào đời…
 
      Nghe ông hát “đi… nhẹ vào đời” ta tưởng nghe được tiếng bước chân ai khe khẽ, chầm chậm…
     
      Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cười
      ôi những cánh tay ngỡ ngàng, tả tơi…
     
      Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi…
 
      Nghe ông hát “xé nát nụ cười”, “ngỡ ngàng, tả tơi” và “rách rưới… lẻ loi” mới thấy cái cách ông thể hiện tình cảm “nồng nàn và đau đớn” mà người nhạc sĩ ghi ở đầu bài nhạc ấy như thế nào!
      Có khi chỉ nghe câu hát đầu tiên của một bài hát, người ta nhận ra ngay ra… giọng Nhật Trường.
 
      Nhớ chiều nào… (ngưng một chút) tôi đến thăm em
        (“Mưa chiều kỷ niệm”, Duy Yên & Quốc Kỳ)
 
      Mai tầu xa bến (…) xin em đừng buồn
        (“Tâm tình người lính thủy”, Anh Thy & Thanh Viên)  
 
      Anh sẽ vì em (…) làm thơ tình ái
        (“Lâu đài tình ái”, Trần Thiện Thanh & Mai Trung Tĩnh)
 
 
      Những chỗ ngưng nghỉ như là… dấu lặng ấy, những chỗ ông hát thật thong thả, thật chậm rãi ấy nghe rất… Nhật Trường. Có lắm lúc ta tưởng như là ông “nói” chứ không phải là “hát” nữa. Có lắm lúc ta nghe ông hát như nghe những chuyện trò nhỏ to hay những lời thủ thỉ tâm tình. Khi ông hát một bài tình ca, những thủ thỉ tâm tình ấy có khi là những xao xuyến, bâng khuâng của trái tim vừa chớm biết yêu.
 
      Ngắt nụ hoa vàng (…) biết rằng mình yêu
       (“Yêu”, Trần Thiện Thanh)
 
      Có khi là vẻ đẹp thật mong manh của tình yêu.
 
      Tình yêu như nụ hoa
      chỉ nở một lần thôi
      chỉ đẹp một lần thôi…
       (“Chuyến đi về sáng”, Mạnh Phát)
      
      Có khi là lời tỏ tình thầm kín hoặc đắm say mà những người yêu nhau vẫn thường nói với nhau.
 
      Anh hứa yêu em trọn một đời
      yêu như ngày đầu đôi ta chung lối…
       
      Yêu em như trời xanh yêu mây trắng
      (“Một đời yêu em”, Trần Thiện Thanh)
 
      Có khi là những lời tình tự nồng nàn, đắm đuối và chan chứa những tình ý yêu đương.
 
      Ta tìm lên núi Tình
      ta đến suối Yêu Đương
      rồi đi thăm bến Mộng
      sẽ qua đồi Ái Ân
        (“Khi em nhìn anh”, Y Vân)
     
      Có khi là nỗi đợi chờ và nhớ nhung da diết, như nỗi nhớ trong thơ Hồ Dzếnh.
     
      Thôi em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
      để anh buồn như anh chàng làm thơ
 
      Em có hay trời buồn, trời chuyển mưa đó không?
      Biết yêu em là biết nghe chờ mong
        (“Chuyện hẹn hò”, Trần Thiện Thanh)
     
      Có khi là những lời tình cay đắng nhiều hơn ngọt ngào, những lời tình đẹp và buồn như một nỗi tiếc thương của những lứa đôi yêu nhau mà không đến được với nhau.
 
      Xưa hôn em một lần, rồi đau thương tràn lấp…
      Anh xa em thật rồi mà chưa quên mùi tóc…
      (“Mùa đông của anh”, Trần Thiện Thanh)
 
      Anh lãng du đêm dài vùng khói mây
      hôn tóc em nghe hồn mình đắng cay
        (“Tình khúc mùa đông”, Thanh Trang)
 
      Khi biết yêu thì chia phôi
      như đóa hoa tàn ban mai
      tình yêu đến trong giã từ…
       (“Tình yêu đến trong giã từ”, Phạm Mạnh Cương)
 
 
      Đôi lúc ta ngỡ như ông “nói” chứ không phải là hát, cho đến khi ta nghe được giọng nói của ông trên nền nhạc dạo của bài hát thì đúng là ông… nói thật. Nhật Trường cũng là một trong những ca sĩ đầu tiên sử dụng lối “độc thoại” trên nền nhạc, khiến bài hát nghe “lạ” hơn và cuốn hút hơn. Giọng ông khá diễn cảm, ngọt ngào như rót mật vào tai và ấm áp, dịu dàng như lời… thì thầm bên gối.       
 
      “Anh yêu những chân trời tím, mầu tím thắm thiết của yêu đương, của hai đứa chúng mình đi vào tình yêu, đi vào kỷ niệm. Anh sẽ đưa em tới đó, anh sẽ sống bên em như mầu tím và chân trời. Nhưng anh biết, không bao giờ… chúng mình tới đó.”       
 
      Lời “độc thoại” ấy ghi ở trang đầu cuốn tiểu thuyết Chân trời tím của Văn Quang và cũng ghi trên đầu bản nhạc cùng tên của Trần Thiện Thanh (1966), lấy ý và nguồn cảm hứng từ tiểu thuyết ấy. “Chân trời tím” là nhạc phẩm hợp soạn giữa Anh Chương (một tên khác của Trần Thiện Thanh) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh. Chi tiết này ít người còn nhớ, có lẽ vì cái tên thứ hai ít được nhắc đến.
      Giọng nói ấm áp và diễn cảm trên nền nhạc ấy, những lời hát thật thong thả, chậm rãi ấy, những “dấu lặng” giữa câu hát ấy, những lối nhấn nhá và luyến láy mềm mại ấy, cùng với chất giọng nồng nàn, trữ tình và cách phả hơi thở đầy cảm xúc vào từng lời từng chữ ấy, tất cả, đã làm nên giọng hát đầy “kịch tính” và… “lãng mạn Nhật Trường”.
       
 
Nhạc lính, những “bản tình ca thời chiến”
 
Anh bảo em đừng buồn
bao nhiêu ngày hôm nay cho ngày mai…
 
      Bài hát đầu tiên tôi nghe được của Trần Thiện Thanh có những lời như thế. Tôi đã yêu câu hát ấy và yêu giọng hát ấy.
      Bài hát có giai điệu tha thiết quá, và giọng hát cũng tha thiết quá, nghe như lời dỗ dành, vỗ về.
 
      Anh nhớ đừng thăm em một ngày chưa yên vui
      Mây nước còn chia phôi, thì đừng mơ lứa đôi…
 
      Bài hát ấy là “Anh nhớ về thăm em” (1961), giọng hát ấy là giọng Lệ Thanh, có chút gì nũng nịu và vẻ gì cam chịu nghe đến… tội nghiệp.
      Bài hát ấy cũng là bài “nhạc lính” đầu tiên tôi nghe được của Trần Thiện Thanh, và không phải là nghe với giọng Nhật Trường.
      Những năm về sau này, Nhật Trường vẫn được nhắc đến như một ca sĩ chuyên hát “nhạc lính” (làm như là từ xưa tới nay ông chỉ có… hát nhạc lính), có lẽ vì tên ông gắn liền với tên Trần Thiện Thanh (Nhật Trường-Trần Thiện Thanh), mà nhạc Trần Thiện Thanh hầu hết đều có “chất” lính tráng. Hầu như trong bất kỳ chương trình văn nghệ lớn nhỏ nào có ít nhiều liên quan tới “lính”, ta thấy các ca sĩ vẫn tìm đến những bài quen thuộc của Trần Thiện Thanh (trong lúc không thiếu những bài “nhạc lính” khá hay của các nhạc sĩ tên tuổi khác). Thậm chí, sau ngày ông qua đời, đôi lúc ta vẫn nghe người dẫn chương trình văn nghệ giới thiệu “ca sĩ X. trong một nhạc phẩm của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh”, trong lúc các nhạc sĩ khác đã “quá cố”, trước hoặc sau ông, lại không nghe gọi là “cố”, “cựu” chi cả. Nói điều này cũng để thấy rằng, ông nhận được sự “chiếu cố” đặc biệt từ những tình cảm quý mến và thương tiếc dành cho ông.
 
      Thế nhưng, như thế nào gọi là “nhạc lính”? Chắc phải là những ca khúc viết về đời lính và người lính, về tinh thần chiến đấu anh dũng, về sự hy sinh cao cả, thầm lặng, và về tình yêu của người lính dành cho quê hương đất nước. Những bài nhạc lính ấy có thể được viết nên từ cảm xúc của những người yêu lính, yêu đời lính hoặc từ những nỗi niềm, tâm tình của người lính.
      Như thế, liệu nhạc lính (như nhạc Trần Thiện Thanh, đặc biệt là những bài thể điệu bolero, rhumba…) có thể xếp vào loại “nhạc đại chúng” hay “nhạc bình dân” như cách gọi (ngụ ý xem thường, hạ thấp giá trị) của một số người, chỉ vì những bài nhạc hát giữa tiền đồn hay những sân khấu ngoài trời ấy không thể đưa vào được những hí viện, những khán phòng ấm cúng, thanh lịch với những giàn nhạc “tầm cỡ” và với một đối tượng khán thính giả chọn lọc của những “nhạc thính phòng”, những “bán cổ điển”… này nọ, như là những kiểu cách thời thượng. Điều thực sự có ý nghĩa, không phải là bài nhạc được trình diễn ở nơi nào, mà là bài nhạc nào còn ở lại trong lòng người về lâu về dài.
      Dù sao thì nhạc lính Trần Thiện Thanh cũng đã được khối “quảng đại quần chúng” ấy thực sự yêu thích, và Nhật Trường, khi hát những bài nhạc lính ấy, ông cũng đã nhắm vào đối tượng chính ấy, như tên gọi một album nhạc của ông trước năm 1975, Hát Cho Lính và Những Người Yêu Lính.
      Phân biệt nhạc lính với nhạc tình Trần Thiện Thanh có vẻ không dễ dàng chút nào, cho dù có những bài nhạc chỉ nói về tình yêu mà không hề nhắc nhở, đả động gì tới lính tráng. Dường như người ta ngầm hiểu rằng tình yêu trong bài nhạc ấy là tình yêu của “người lính”, chàng trai trong bài hát ấy là chàng lính chiến, và cô gái là “người yêu của lính”. Và ngược lại, gần như bài nhạc nào viết về lính của ông cũng ít nhiều pha lẫn chút tình riêng.
      Làm sao biết được nhạc lính hay nhạc tình? “Không bao giờ ngăn cách” có vẻ là “tình khúc Trần Thiện Thanh”, nhưng lại có “viết tên người yêu lên ba-lô nặng trĩu”. “Chân trời tím” chắc phải là “nhạc tình”, nhưng vẫn có “anh vì lửa khói quê hương, đường hun hút biên cương…” Nhạc tình hay nhạc lính, “Chiều trên phá Tam Giang”, bài phổ thơ Mai Trung Tĩnh? Thơ ấy là thơ tình hay thơ… lính? (Hay thơ tình của người lính?). Nếu là thơ lính thì nhạc ấy phải là… nhạc lính.
      Làm sao biết được nhạc tình hay nhạc lính? Những ca khúc ấy, tôi nghĩ, có thể gọi chung là “những bản tình ca thời chiến”.
 
      Những đêm mười sáu trăng tròn
      vượt con đường mòn đi giữ làng thôn,
      bỗng thấy lòng mình thương quá
      thương thuở học trò đi tìm vần thơ…
      (“Mười sáu trăng tròn”, Trần Thiện Thanh)

      Đấy không phải là bài nhạc lính đầu tiên tôi nghe được, và cũng không phải là bài nhạc lính đầu tiên tôi yêu thích, thế nhưng không hiểu sao tôi rất “chịu” Nhật Trường hát bài ấy. “Mười sáu trăng tròn” (1964) là nỗi niềm của chàng trai thời loạn “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, lên đường theo tiếng gọi của non sông, bỏ lại sau lưng những mộng ước chưa tròn... Bài hát có một vẻ gì lãng mạn của những đêm “trăng treo đầu súng”, của “xếp áo thư sinh, vui bước đăng trình…” Hình ảnh người lính chiến “lênh đênh tám hướng, bạc mầu vai sương áo kết bụi đường” với lời thề sắt son ghi trên báng súng đã gieo vào lòng tôi thuở ấy những cảm xúc dạt dào.
      Một người đi, một người ở lại với năm chờ tháng đợi ngày nào người chiến binh trở về khi đất nước yên vui để tay trong tay đi xây lại chuyện tình giữa mùa trăng thanh bình.
 
      Em ơi, khi non nước đang còn
      mịt mờ bên phương nớ
      thì chuyện đó đừng mơ…
      (“Mười sáu trăng tròn”, Trần Thiện Thanh)

      “Mịt mờ bên phương nớ”, câu hát nghe là lạ, ngồ ngộ. Tôi thích chữ “phương nớ”, và tôi cũng nhận ra một điều là Nhật Trường hát nhạc lính rất hay, nhạc lính của bất cứ ai chứ không riêng gì của Trần Thiện Thanh (chẳng hạn “Tình anh lính chiến” của Lam Phương, “Tôi đã gặp” của Lê Dinh & Minh Kỳ”, “Biệt kinh kỳ” của Minh Kỳ & Hoài Linh, “Tôi sẽ về thăm em” của Hoàng Nguyên, “Kỷ vật cho em” của Phạm Duy & Linh Phương, “Kể chuyện trong đêm” của Hoàng Trang, “Hành trang giã từ”, “Một lần xa bến” của Trường Sa, “Hoa biển”, “Tâm tình người lính thủy” của Anh Thy…). Nghe lại giọng hát ấy, nghe lại những khúc hát quen thuộc của một mùa chinh chiến ấy, vẫn thấy lòng dậy lên những cảm xúc rất “lính”.
 
      Trong khói lửa chiến tranh, bên cạnh những nỗi bất trắc, tình yêu vẫn nở hoa như những đóa hồng vẫn nở bên những hầm hố và hàng rào kẽm gai. Trong những lời nhạc Trần Thiện Thanh ta nghe được qua tiếng hát Nhật Trường luôn có những “người yêu nhỏ” đợi chờ và dõi theo bước đường hành quân của người lính chiến.
 
      Nơi cuối trời em thắp vì sao,
      phiên gác buồn anh vẫn lẻ loi…
       (“Lời cho người yêu nhỏ”)
 
      Xa xôi đêm nào xuôi quân dừng chân,
      khi trăng rơi bên lều, anh chợt thấy nhớ em yêu...
 
      Như chim trời anh đi xa vắng,
      em có thành sao sáng yêu đương
      xuyên lá rừng khép nép vai anh…
        (“Một đời yêu em”)
 
      Người lính chiến, ngoài ba-lô, súng đạn, còn mang theo bên mình một hình bóng không quên, một nỗi nhớ không rời.
      Tình yêu thường xen lẫn thân phận người lính xa nhà, xa người mình thương yêu. Những tâm tình của người lính ta nghe được qua tiếng hát Nhật Trường, là những chuyến về thăm, là những lần về phép, người lính chiến dừng chân trong chốc lát, rồi lại lên đường, lại miệt mài đi khi quê hương còn tiếng súng, khi máu xương còn rơi.
 
      Nụ cười đầu môi anh khẽ nói,
      “Về thăm em chiều nay thôi,
      sông hồ mai sớm lại đi...”
        (“Chiều mưa anh về”)
 
      Nếu ta nghe Nhật Trường hát nhạc tình như hát những lời tình tự của những kẻ yêu nhau thì ông hát nhạc lính như hát những lời tình tự với quê hương của ông.
 
      Tôi thức từng đêm thơ ấu mà nghe muối phả trong lòng…
 
      Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi
      nên năm hăm mốt tuổi
      tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai…
        (“Biển mặn”)
 
      “Biển mặn” là tình yêu của người lính dành cho quê hương mình. Tôi vẫn cho “Biển mặn” là một trong những bài nhạc lính hay nhất của Trần Thiện Thanh. Nghe “Biển mặn” là nghe lời tình tự dân tộc từ một trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương. Quê hương ở đây là biển cả, là “mẹ trùng dương”, là vị mặn mà của muối biển, là vị mặn nồng của gió biển, là màu xanh của ruộng đồng, của biển rộng sông dài. Và tiếng hát Nhật Trường, và giai điệu dìu dặt ấy, như tiếng sóng vỗ rì rào, như tiếng suối nguồn róc rách, như tiếng sông hiền hòa xuôi chảy qua từng miền đất nước, thấm vào từng mạch đất quê hương.
 
      Người yêu tôi hay khóc trong chiều mưa
      lúc mầu xanh biển mặn đục sắc mây

      Trong bao lần quân hành, tôi qua vùng khô cằn
      mồ hôi thành biển mặn trên môi
 
      Những giọt mồ hôi rịn trên môi người lính trong cái nóng cháy da vùng hành quân như có vị mặn của muối biển quê mình. Có hình ảnh nào đẹp hơn, ý nghĩa hơn? Nghe “Biển mặn”, ta nghe tình lính, tình riêng, tình quê hương đất nước quyện lẫn vào nhau.
      Nhạc lính, không chỉ ngợi ca những chiến tích làm vẻ vang màu cờ sắc áo, còn ngợi ca những người lính can trường, những người lính đã hy sinh cả máu xương mình cho tình yêu đất nước, những người lính “nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây”. Bài đầu tiên Nhật Trường hát ngợi ca người hùng trong cuộc chiến là một bài của Phạm Duy, “Huyền sử ca một người mang tên Quốc”. Giọng hát ông và cách ông thể hiện tình cảm của bài hát đã truyền tới người nghe những cảm xúc rưng rưng.
 
      đặt tên cho anh, anh là Quốc
      đặt tên cho anh, anh là nước
      đặt tên cho người, đặt tình yêu nước vào nôi
       
      Tôi tin rằng bài ấy ít nhiều đã gợi hứng cho những sáng tác về sau này của ông nhằm vinh danh tên tuổi những người hùng đã hy sinh trong chiến trận. Hai bài được nói đến nhiều nhất trong số ấy là “Anh không chết đâu em” và “Người ở lại Charlie”, và giọng hát Nhật Trường quả tình đã gieo vào lòng người sự ngưỡng phục và mối xúc cảm đến rơi nước mắt về những thiên anh hùng ca của dân tộc.
 
      “Không, chiến sĩ không bao giờ chết,” câu nói bình dị của Nhật Trường trong vở nhạc kịch ông diễn chung với Thanh Lan (“Anh không chết đâu em”) như nói với ta rằng ngọn lửa bất khuất và ý chí đấu tranh kiên cường không bao giờ tắt trong tim những người lính.
 
Pho tượng lính và “anh chiến sĩ của mộng mơ”
 
Hình tượng người lính chiến, qua tiếng hát Nhật Trường, qua những ca khúc Trần Thiện Thanh, như trở nên gần gũi hơn, thân thiết hơn với quần chúng. Lý tưởng của những chàng trai thời loạn hiến thân vì tổ quốc như được tô đậm hơn, sắc nét hơn. Người đời, qua đó, thấy yêu mến, thấy cảm kích những hy sinh cao cả và thầm lặng của người chiến binh vì nước quên mình.
      “Nhạc lính” mà ta nghe được trong những lời ca tiếng hát Nhật Trường không sắt máu, không hận thù mà chỉ có những…
     
      Nếu anh có về khi tàn chinh chiến
      xin em cúi mặt dấu lệ mừng nghe em…
      (“Tạ từ trong đêm”),  
 
và những…
     
      Nếu một mai khi hòa bình
      anh sẽ trở về như giấc mơ
      cho từng ngón tay đan lại ái ân ngọt mềm
      mình yêu nhau như khi vừa mới biết nghe em…
     
      Từng đêm không còn tiếng súng
      ngủ đi em, ngủ cho yên…  
        (“Lời cho người yêu nhỏ”)
 
 
      “Lời cho người yêu nhỏ” là bài hát nói về những giấc mơ, những nỗi khát khao của những người lính, những người tình. Người nhạc sĩ ấy, người ca sĩ ấy, ông có mơ mộng lắm không?...
      Nhật Trường, ông từng có những giấc mơ như vậy, ông từng hát về những giấc mơ như vậy. Hạnh phúc, trong những câu hát của Nhật Trường, vẫn luôn là những nỗi đợi chờ, những niềm khát khao. Hạnh phúc ấy, tiếc thay, như những giấc mơ không đến bao giờ... Tất cả vụt biến mất. Cơn bão của lịch sử năm 1975 đã vùi dập phũ phàng, đã nhận chìm và cuốn phăng đi tất cả. Hạnh phúc ấy mãi mãi chỉ là những giấc mơ. Những giấc mơ rạn vỡ, những giấc mơ ngậm ngùi.
      Nhật Trường, ông đã sống cùng những giấc mơ đó, đã chết cùng những giấc mơ đó. Cho đến những phút cuối của cuộc đời ông vẫn chưa hề từ bỏ những giấc mơ đó.
     

 
      Sau ngày ông mất, trong lúc xếp dọn lại đồ đạc trong kho, tình cờ tôi đọc được một mẩu tin trong chồng báo cũ, thật cũ. Mẩu tin ngắn, tôi chắc ít người để ý:
 
      “Nhật Trường Hát Rong Gây Quỹ Xây Tượng Đài
      Quận Cam: Trưa Chủ Nhật 27/2/2000 vừa qua, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường đã tự thực hiện một chương trình văn nghệ ‘hát rong’ trên đường phố Bolsa để gây quỹ xây dựng Tượng Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ. Cùng tham dự chương trình văn nghệ thiện nguyện này có nhạc sĩ Xuân Điềm và ca sĩ Mỹ Lan.
      Đội chiếc nón rừng có in cờ Việt Nam Cộng Hòa và với quân phục tác chiến, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, cựu quân nhân Quân Lực VNCH, đã ôm tây ban cầm đi giữa đám đông và hát một số nhạc phẩm nổi tiếng của ông.
      Có khoảng một ngàn đồng hương đã cùng tham gia với nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi này. Buổi hát xuống đường gây quỹ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh kéo dài đến 5 giờ 30 chiều, tổng số tiền thu được là 15,418.000 mỹ kim.”
       (Nhật báo Việt Báo, Calif., 29/2/2000)
 


 
 
      “Buổi hát xuống đường” hay “chương trình văn nghệ ‘hát rong’” của Nhật Trường đã thu hút khoảng 1,000 khán giả đồng hương người Việt và quyên góp được trên 15,000 mỹ kim. Những con số không lớn không nhỏ. Chỉ là những con số, nhưng ít nhiều cũng đã thể hiện ý nghĩa công trình mà ông và những bạn đồng hành của ông muốn thực hiện cho bằng được: chiến tranh đã đi qua, nhưng hình tượng hào hùng của người lính chiến vẫn còn sống mãi, vẫn không bao giờ nhạt phai trong tâm tưởng người đời.
 


 


 
 


 
 
 
      Mẩu tin ấy cũng làm tôi nhớ một chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thôi nhưng có làm tôi và nhiều người xúc động: Nhật Trường, trong những phút cuối đời, những phút chạm tay vào lằn ranh sống, chết, đã dặn dò người thân trong gia đình cho ông được một lần cuối ngắm nhìn “Tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ”, được một lần cuối trông thấy tận mắt ước mơ cuối đời của ông–của chàng nghệ sĩ khoác cây đàn lên vai làm người hát rong trên đường phố để thu nhặt từng đồng bạc nhỏ cho công trình ấy–sau cùng đã thành tựu.
      Gần ba mươi năm sau ngày chiến tranh kết thúc, trên mảnh đất của người Việt tỵ nạn này, tượng đài chiến sĩ ấy đã mọc lên, ngọn lửa vĩnh cửu ấy đã cháy lên, để vinh danh những người lính từng có một thời chiến đấu bên nhau cho những lý tưởng cao đẹp mà họ thực sự tin tưởng.
      Tượng đài hai người lính Việt và Mỹ lặng yên đứng bên nhau, lặng yên dõi mắt nhìn về phương xa như trông đợi, như tìm kiếm những đồng đội của mình… đi mãi không về.
      Tượng đài hai người lính lặng câm ấy là tượng đài của những hy sinh thầm lặng, là tượng đài của lòng ngưỡng phục, của niềm tự hào và nỗi tiếc thương.
      Những thế hệ hôm nay và mai sau, những đứa bé sinh ra sau chiến tranh, những đứa bé sinh ra trên quê hương thứ hai này, như đứa bé con trai ông, mai kia lớn lên, những lần về qua nơi ấy, đứng dưới chân tượng đài ấy, ngước mắt nhìn pho tượng hai người lính lặng câm ấy, sẽ hiểu được vì sao người cha thân yêu của mình, trong “giây phút tạ từ” cuộc sống tươi đẹp, vẫn ước ao được ghé thăm một lần cuối, được đưa tay chào một lần cuối pho tượng hai người lính ấy.
      Sau ngày Nhật Trường lìa đời, người ta nhắc nhiều đến ông, nói nhiều về ông (hơn cả lúc ông còn sinh thời). Nhiều bài báo, nhiều chương trình phát thanh, phát hình, văn nghệ, ca nhạc… ngợi ca và tôn vinh ông, như một việc làm, một thái độ trân trọng của quần chúng dành cho người từng có những cống hiến lớn lao và ý nghĩa cho cộng đồng, cho xã hội đương thời. Có điều, nhiều phần người ta nói về ca khúc này, ca khúc kia của Trần Thiện Thanh hơn là nói về tiếng hát của người ca sĩ đã làm cho những ca khúc ấy được người đời biết đến và yêu thích.
 
      Trong một chương trình ca nhạc DVD tôi được xem qua (Asia 50 – Anh Không Chết Đâu Anh / Nhật Trường-Trần Thiện Thanh, Tình Yêu, Cuộc Đời và Sự Nghiệp), tiết mục tôi “chịu” nhất là phần trình diễn của nhóm ca sĩ trẻ, những ca sĩ sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại, nghĩa là ra đời sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. “Tình thư của lính”, ca khúc được các em trình diễn là một bài “nhạc lính” của Trần Thiện Thanh mà ngày xưa Nhật Trường vẫn hay “khoác áo treillis” trình diễn trên các sân khấu, và rất được tán thưởng. Các ca sĩ mới mẻ, trẻ trung này có thể không hiểu gì nhiều lắm về cuộc chiến mà máu xương của thế hệ cha anh các em đã đổ xuống, và cũng chưa hề trải qua một ngày nào đời sống quân ngũ; thế nhưng, các em đã “cảm” được bài nhạc ấy cách nào đó, đã hát thật say sưa bài nhạc ấy bằng nhịp điệu vui tươi, bằng tiết tấu sôi động trong hoạt cảnh các chàng lính trẻ “vui đời quân ngũ”. Các “chàng lính trẻ” ấy đã hát hay… không thua gì Nhật Trường.
 
      Nhiều tên trong đơn vị gọi đùa “anh chiến sĩ của mộng mơ”…
 
      Trong một thoáng, tôi “bắt” được câu hát ấy, và trong một thoáng tôi đã nhận ra anh, nhận ra Nhật Trường, nhận ra Trần Thiện Thanh. Anh phải là “anh chiến sĩ của mộng mơ” trong câu hát ấy. Các ca sĩ trẻ trung ấy, thế hệ tiếp nối ấy, đã gọi tên anh như vậy.
      Tiết tấu nhộn nhịp của bài hát ấy, những khuôn mặt rạng rỡ ấy, những ánh mắt tươi vui ấy và những bước nhảy sinh động ấy tựa hồ những bàn chân tiếp bước những bàn chân, những thế hệ tiếp nối những thế hệ, rộn ràng theo nhau lên đường đi xây lại những ước mơ chưa thành tựu của những người đã nằm xuống cho một ngày mai tươi sáng về trên quê hương.   
      Nỗi mất mát, thiệt thòi lớn nhất sau cái chết của Nhật Trường-Trần Thiện Thanh là chúng ta mất đi một lúc đến hai con người nghệ sĩ, một ca sĩ và một nhạc sĩ, rất gần gũi với quần chúng và rất được quần chúng yêu mến. Những mất mát, thiệt thòi ấy làm sao có thể bù đắp được!   
 
      Nhật Trường, hay Trần Thiện Thanh, ông không dễ gì chết được, không hẳn là theo cách mà người ta vẫn gọi ông, “Anh không chết đâu anh”, mà bởi vì ông vẫn sống cùng với những bài hát của ông, cùng với tiếng hát của ông. Những bài hát vẫn còn ở lại cho dù người nhạc sĩ ấy, người ca sĩ ấy đã đi xa. Những bài hát mỗi lần nghe cất lên từ giọng hát nào là mỗi lần người ta lại nhớ đến ông, lại nhớ đến tiếng hát ông, và lại nói với vẻ tiếc nhớ, ngậm ngùi, “Bài này không ai hát qua được Nhật Trường”. Và cứ mỗi lần nghe nhắc đến tên ông như thế, ta cứ ngỡ như ông vẫn còn quanh quẩn đâu đây, ngỡ như ông vẫn còn ở với chúng ta, như là một câu hát của ông vẫn được nhiều người nghe, nhiều người hát, “Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính”.
      Cám ơn Nhật Trường, cám ơn tiếng hát đã gợi nhớ trong ta những kỷ niệm ấm áp về những ngày vui mơ hồ và những tháng năm tươi đẹp.
    
      Đối với những người từng có một thời yêu thích những khúc hát Trần Thiện Thanh, từng có một thời rung cảm vì giọng hát Nhật Trường, có lúc nào bất chợt nghe lại giọng hát nồng nàn, tha thiết ấy cất lên đâu đó, ngỡ như bất chợt lật lại những trang sách cũ, lòng bồi hồi gặp lại những bông hoa ép khô của một mùa kỷ niệm. Những khúc hát êm đềm và quen thuộc ấy luôn đánh thức trong ta những giấc mơ ngọt ngào, luôn gợi lại trong ta nỗi tiếc nhớ xa xôi về tiếng hát của một mùa nào lãng mạn.
 
      Rồi đến một chiều phai nắng…
 
lê hữu