Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

"Những ủi an mất mát chùng lòng"(hay truyện ngắn NGỌC MINH trên TUỔI NGỌC)


"Qua sông là một nhịp cầu/ 
Qua tôi là một KIẾP SẦU VÔ CHUNG"
(HOÀI KHANH)....
Xuất hiện như 1 giọng văn lạ, rất lạ (ngay cả so sánh với những "cây bút trẻ" trên văn đàn hiện nay)...Có 1 chút gì đó đau đớn, day dứt và ám ảnh trong suy nghĩ và tâm tưởng...nhiều khi làm tôi cảm thấy "quá sức" đối với nhiều cây bút "già" khác, huống hồ chỉ là 1 phiến tâm tư của  1 cô học sinh tỉnh lẻ ("lang bạt kỳ hồ" trong quãng đời ấu thơ, nhưng những truyện ngắn NTMN xuất hiện trên TUỔI NGỌC là lúc cô đang là học sinh trường PTTH PHAN BỘI CHÂU - PHAN THIẾT, cũng là quê của tôi - có lẽ vì thế mà có 1 chút đồng cảm nào đó giữa chủ blog và những tâm tình văn chương của cô, lúc trước..và cả sau này)!!! (Và tôi cũng nhiều khi bâng quơ hỏi, thế-hệ-năm-xưa ấy...có những cái nhìn rất riêng, rất buồn, nhưng cũng rất đẹp, về cuộc sống. những rung cảm xa vời mà sâu sắc lạ...như 1 chút buồn...bàng bạc thoáng ẩn hiện sau đôi mắt của những cô gái trên hầu hết những trang bìa của TUẦN BÁO YÊU THƯƠNG : TUỔI NGỌC mà các bạn đang thấy ở đây)

Nói về thời thơ ấu, trong 1 bài phỏng vấn, NTMN đã tâm sự như thế này

Thời  thơ ấu của chị đã  ảnh hường như thế nào đến con người văn chương của chị sau nầy ?
- Hồi tôi còn nhỏ, vì thời cuộc nên gia đình tôi di chuyển chỗ ở liên tục, từ Bà Rịa, Long Xuyên, Phan Thiết… cho đến Plây-ku, Huế.... Tôi sinh ở Bà Rịa còn các anh chị em tôi hầu như mỗi đứa sinh một quê khác nhau. Có điều thế này, gia đình tôi tuy chạy loạn khắp nơi, bán thốc bán tháo lần lượt tất cả các thứ tài sản như bàn ghế, tủ giường… nhưng có một thứ không bao giờ bán, đó là kho sách của cả nhà. Anh chị em chúng tôi hầu như lớn lên cùng sách, ăn ngủ cùng sách từ bé. Cho tới sau giải phóng, kho sách của gia đình chúng tôi (trong đó có cả tự điển) bị dân quân địa phương tịch thu toàn bộ khi đi lùng xét nhạc vàng. Sau đó thì nhiều lần đi mua hàng ở những tiệm bách hóa, tôi có dịp nhìn lại những trang sách của gia đình mình vì nó được đem đi… gói hàng hóa. Nếu trước đó nghe lời má tôi vác đi cân ký hết thì đã không gặp những tai ương hệ lụy đi kèm, dù sao nầy những cuốn sách ấy được in lại gần hết.
Nhưng có lẽ nhờ đó mà tôi có được một vốn sống phong phú, trở nên một con người “không giống ai” nhờ vốn kiến thức quý báu từ sách lẫn cuộc sống... Khi đỗ thủ khoa vào trường THPT Phan Bội Châu ở Phan Thiết thì có nhiều người phao tin là tôi kiêu ngạo, không thèm nhìn mặt ai. Tôi không quan tâm những lời đồn, cứ an nhiên mà sống. Tôi học giỏi đều các môn, đặc biệt môn toán, còn năng khiếu văn thì đã bộc lộ từ khi tôi học tiểu học ở trường Nữ tiểu học Phan Thiết. Khi ấy cô giáo Hồng Hà của tôi đã khuyến khích chúng tôi viết nhật ký và cũng chính cô gởi chúng đến trang Tuổi Ngọc của một tờ báo.
Tôi thấm hơn câu thơ của Alexandre Blok: “Ngọn lửa cách mạng đẹp lắm, nhưng nó cũng đã thiêu rụi tủ sách của tôi!” Khi sáng tác tôi hiểu phải cố sao cho những tác phẩm vẫn còn có thể tồn tại đằng sau những tro than vì lửa

Chị thực sự khởi nghiệp viết văn từ khi nào, và tác phẩm nào chị ưng ý nhất?
- Tôi không nhớ chính xác là năm nào. Nói chung là trước 1975 thì tôi có truyện đăng ở các tờ báo của người lớn khi còn là nữ sinh của trường trung học Phan Bội Châu ở Phan Thiết rồi sang học Dự Bị Y khoa ở Huế. Một số truyện ngắn ấy được bạn bè, thầy cô khen như Trái Khổ Qua, Trăng Huyết, Quốc Lộ, Dọn Nhà… Đặc biệt truyện Trăng Huyết đăng trên Thời Tập là truyện ngắn mà nhiều bạn văn và độc giả vẫn nhắc khi gặp lại. Nhiều người không hiểu tại sao khi ấy mới mười mấy tuổi đầu mà tôi lại có thể khởi viết được truyện ngắn nhiều ám ảnh đến như vậy. Có lẽ là do từ hồi nhỏ, sớm gặp nhiều ngộ nhận từ đám đông trong đó có khá nhiều người lớn nên tôi thường lang thang đi chơi với thiên nhiên và dạo quanh những khu mã lạng trên vùng đồi ven biển. Thiên nhiên và cái chết dạy tôi cần thoải mái tự do khi sáng tác, không tự trói mình bởi nội dung, chủ đề tư tưởng lẫn sự định hướng như sau nầy.

Mối giao cảm với nữ tác giả còn đến từ những vỡ kịch gắn với nhiều kỉ niệm (ấu thơ) của tôi nữa...này là những...TRÁI TIM NHẢY MÚA, VÀNG HAY BẠC NHÁI, XÓM NHỎ SÀI GÒN, HÃY YÊU NHAU ĐI,  TÔI LÀ AI, HÃY KHÓC ĐI EM, và mới đây là TÍA UI MÁ DZÌA & TƠ DUYÊN...

Những tâm sự, day dứt từ những truyện ngắn thưở ban sơ của cô bé NGỌC MINH là 1 khởi đầu cho cuộc hành trình của những "nổi loạn", ám ảnh...(của văn NTMN sau này).... NGỌC MINH hay viết về những phai tàn, những xa xôi, những hồi kết, những quạnh hiu, những tan biến, những khói sương, những bất toại ("Anh đứng ngoài sự thật/ Em đứng trong chiêm bao/ Cách nhau xa biết mấy/ Thương nhớ quá thì sao"...những bất toại với ý nghĩa khởi đi từ thơ Hàn Mặc Tử thế này rất hay gặp trong những truyện ngắn trên TUỔI NGỌC của NGỌC MINH)...và từ đó, chúng ta có NGUYỄN THỊ MINH NGỌC sau này...Những nỗi niềm đó, còn bắt nguồn từ/ cho sự nổi loạn/ chối từ...như tên 1 blog cũ của cô: toichoitutoi (Tôi chối từ tôi)

Hãy đọc lại những truyện ngắn, thời NGUYỄN THỊ MINH NGỌC còn để bút danh NGỌC MINH , còn là một MƠ NỮ của 1 ai đó, còn là 1 cô bé cô đơn và tội nghiệp ...!!!


".... Tôi vốn biết từ lâu qua sách vở và qua chính sự đơn lẻ của mình, rằng trên đời có một thứ quý báu có thể giúp ta vượt lướt được mọi khổ ải nhục nhằn của kiếp người. Đó là sự hoà hợp của hai tâm hồn được ghép lại làm một. Tôi biết - dù biết không hề đồng nghĩa với có - phần quà Hạnh Phúc không phải ai cũng nhận được giống ai. Tôi cũng biết thêm, khi đã có, không nên để mất. Và tôi thật sự ngu ngơ không biết mình phải làm gì để giữ được món quà mỏng manh như những tia nắng này......"
(trích KÍ SỰ NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ CHỒNG BỎ - NGUYỄN THỊ MINH NGỌC)!


CÔ ĐÀO HÁT

Sao chồng tôi đi lâu dữ vậy cà. Ảnh nói đi lấy áo cưới. Có khi nào ảnh đi luôn hôn. Hồi nảy ai như ảnh đánh mình, rồi kêu mình là đĩ. 

Mình có lạ gì thứ đó đâu, hồi mình còn nhỏ xíu 2 má con đã bị bà nội cũng gọi mẹ là tiếng đó, rồi còn tùm lum tiếng xấu nữa như đồ phù thủy, đồ xướng ca vô loại, đồ thương nữ bất tri vong quốc hận... Tại mẹ cũng là đào hát mà ba thì đâu có bênh mẹ được tiếng nào đâu. Bà nội đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà. Mình vừa đi học lóm chữ vừa kiếm việc làm thêm để phụ mẹ mua gạo qua ngày làm cực hát nghêu ngao chơi, không dè lọt tai ông bầu. Ổng cho vào gánh làm tì nữ rồi từ từ được đóng đào tư, đào ba rồi đến đào nhì.

Con lạy ông bầu, con đáng tuổi con gái ông bầu đừng làm vậy với con, con không ham làm đào chánh đâu, cho con xuống làm tì nữ cũng được. Bà bầu ơi! đừng xởn tóc con, đâu có phải lỗi con đâu, phát lương thấp nhất cho con cũng được để con đi hốt thuốc má con đang đợi ở nhà.

Má ơi sao ngủ hòai vậy. Dậy uống thuốc đi má, con hát ru má ngủ nha.

Má ơi! đừng đánh con đau

để con bắt ốc hái rau má nhờ

Má ơi! Đừng đánh con khờ 

để con hát bội làm đào má coi

Má chết rồi mình chỉ biết có gánh hát mà thôi nhưng anh cũng ngặt lắm, anh cứ nói mình là tình nhân trên sân khấu thôi, cưới nhau thiệt rồi, không còn ai thèm coi hát nữa.

Đã vậy, tên quan ba cứ bắt mình sau đêm diễn phải phục vụ cho 1 mình nó, không thôi nó kh ông cấp phép, rồi còn bắt kéo ghe hát đi chỗ khác, mình đi hát cho nó về rồi, thì anh em trong gánh không ai thèm nói chuyện với mình, nó giữ lời hứa không chạm tới người mình chỉ xé áo xé quần mình rồi tưới rươu lên bắt đóng vai đào say. Bởi vậy mà, anh khán giả mê tôi làm thông ngôn cho nó mới nổi điên. Tôi nói hoài mà anh không nghe cứ lấy hình tôi lặp trang thờ.

Ngó áo quần tôi bảnh bao vậy chứ cực nhục lắm khán giả ơi!.

Đám hương quản hội tề cứ thích giở ra coi bên trong cái áo đẹp có cái gì. Mấy bà vợ thì cứ nổi ghen đòi xởn tóc. Lấy được người chồng làm nhật trình tưởng ành cảm thông mà thương vợ, ảnh cứ viết bài ca ngợi vợ mà có thèm đi coi vợ diễn vở nào đâu. Giờ lại bắt vợ đi hầu rượu quan ba, không thôi nó lại không cho báo ảnh ra.

Mà sao nói đi lấy áo cưới gì mà lâu quá, thôi chẳng cần áo cưới nữa, cũng không cần đám cưới, không cần báo, không cần gánh hát hay là vợ chồng mình sống với nhau yêu thương nhau thiệt tình là đủ rồi. Mình viết em coi, em diễn mình coi.

Vậy là có cần phải quỵ luỵ đám quan ba, quan bảy gì đâu. 

Kiểu này chắc ảnh dám đi luôn quá? Thì thôi mình diễn một mình mình coi.




PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket


PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket