Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đôi mắt nào của CHÚA ở trần gian...

Mùa đông đã về rồi đó nhỏ.
Đồng bằng miền Nam trở trời trái gió
Anh chợt nghe hồn thánh thót tiếng chuông
Vừa đủ hồi sinh miền giáo đường buồn
Mùa đông đã về rồi đó nhỏ.
Anh mặc áo len quấn khăn quàng cổ.
Bồng ẵm tim mình đi lễ tình yêu
Đồng bằng miền nam dù chẳng lạnh bao nhiêu
Nhưng cũng phải ra cái điều rét mướt
Làm chiên ngoan, cả đời, tôn vinh hạnh phúc
Cả đời tin sự thật có, thiên đàng
Đôi mắt nào của Chúa ở trần gian
Bóng tôi ngã hướng thâm cùng đời sống khó
Mùa đông đã về rồi đó nhỏ.
Phúc âm mừng ngân vọng được bao lâu?
Tôi cả tin, nên rất dễ nghi ngờ
Tôi vụng tính, nên vẫn thường do dự.
Tình chảy xiết qua đời như, thác lũ
Tội thân tôi bầm dập, mủn như bùn
Đôi mắt nào của Chúa ở trần gian
Có soi thấu tận cùng miền u uẩn ?
Đôi mắt nào sáng như trời quang đãng
Hay ân cần chuyên chở lụy phiền tôi
Chẳng bao giờ thần thánh chịu hở môi
Tôi cũng thế nên sầu say lúy túy
Tôi cũng thế nên hờn cao ngất núi
Chờ em qua, rồi, để qua luôn…
Đôi mắt nào của Chúa ở trần gian
Hãy phán đoán tâm hồn tôi, thánh thiện
Đôi mắt nào tuyệt vời linh hiển
Hãy tò mò thêm chút nữa, tình tôi !
Chẳng bao giờ thần thánh chịu lìa ngôi
Tôi cũng thế nên tượng hình rêu phủ.
Tôi cũng thế nên xương tàn cốt rũ
Nơi miếu đền hoang rợn cánh dơi bay
(Hãy một lần định bụng đến thăm tôi
Thần thánh cô đơn rất sẵn sàng đãi ngộ!)
Mùa đông đã về rồi đó nhỏ.
Anh lặng mình thấm thía tiếng chuông
Làm cây thông già đứng lặng hưởng mù sương
Còn bao nhiêu đèn và bao nhiêu nến
Hãy một lần mang ra thắp hết
Hãy một lần khôi phục lại, niềm vui
Đôi mắt nào của Chúa ở lòng tôi
Nhỏ ơi, ơi nhỏ, và nhỏ ơi…


Photobucket

PhotobucketPhotobucket









Displaying photo.JPG

http://huyvespa.blogspot.com/2012/07/ngan-nam-rong-cua-thien-uong-kho-au-hay.html

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

...những truyện ngắn hay nhất CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA...(1974)







Cách đây 2 năm, chia sẻ về quyển sách này...

download (2/3 quyển sách, 1/3 còn lại đang scan...)


Nghĩ đến Văn Học Miền Nam 54-75 là nghĩ đến một khoảng thời gian 20 năm bị hư vô hóa. Nền văn học này, sau 30/4/1975, đứng chênh vênh nơi ranh giới giữa có thực và phi thực, giữa sống sót và hủy diệt, chưa kể đến những âm mưu đánh tráo nó với cái gọi là “Văn học giải phóng Miền Nam”...để khi thế giới muốn nghiên cứu về Văn Học Miền Nam trong chiến tranh, tất cả những gì họ có được chỉ là cuốn Văn học giải phóng Miền Nam của Phạm Văn Sĩ (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp Hà Nội, năm 1975) trong đó đại diện là một tập hợp những nhà văn cộng sản gốc Nam bộ gồm Trần Bạch Đằng, Huỳnh Minh Siêng, Thanh Hải, Anh Đức, Phan Tứ, Giang Nam…

Còn Văn Học Miền Nam chân chính? Đó là những công trình thất lạc, tứ tán, rách tung, mà trong nỗi ám ảnh của Trần Vũ đó là những cuốn sách câm chưa được phép mở ra (Sài Gòn, Ngày Lạ Mặt).

Những ruột sách cũ đó chứa đựng toàn cảnh xã hội miền Nam thời đó: những tâm tư và biến chuyển tinh thần, những thể hiện mỹ học đa dạng, những phi lý tàn khốc của nội chiến, những khuynh hướng dấn thân, những kêu gọi phản chiến; những tiếng nói đối lập của những nhà văn chống cộng và cùng lúc chống chính quyền, chống sự hiện diện của Mỹ ở miền Nam. Tiêu biểu cho khuynh hướng đối lập là tiểu luận Nghĩ Trong Một Xã Hội Tan Rã của Thế Uyên thuộc nhóm văn hóa Thái Độ. Tính phi lý của chiến tranh thể hiện qua các tác phẩm của Nhã Ca, Cung Tích Biền, Võ Phiến, Thảo Trường, Phan Nhật Nam… Sáng tạo trong bút pháp và tư tưởng phản ánh qua tác phẩm của Huỳnh Phan Anh, Tường Hùng, Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc… Những suy nghiệm mang tính triết học và tôn giáo trong truyện Hồ Hữu Tường và Nhất Hạnh… 

Không phải chỉ là sự tấp nập, đông đảo cúa tác giả và tác phẩm; người đọc của giai đoạn này thực sự còn đã chứng kiến những ma sát, va chạm, nhiều tiếng nói, giọng văn, quan điểm, khuynh hướng khác nhau.
Chúng vẫn có đó, lẫn khuất, sâu bên trong, để đôi khi nói năng, đôi lúc hỏi han, những tiếng nói thầm không ngừng nuôi dưỡng ký ức con người chống lại sự lãng quên....

Với NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA - 1 tuyển tập, mà ngay từ cái tên đã nói đến sự trân trọng của những người biên tập tập sách quý giá này. QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA. Thân & thương lạ! Mà trong lời phi lộ bùi ngùi 1 cảnh tình khó giải bày, cũng phần nào giải đáp được lí do, vì sao, trước 1975, VĂN HỌC là một phần đời, là một hơi thở, của đa số mọi người giai đoạn đó! Đây , "Đây là một trong những đóng góp một đời còn lại dành tặng quê hương trong cuộc chiến một phần tư thế kỷ hầu như đã phá vỡ gần hết tất cả gia tài nổi chìm của chúng ta. Sự đóng góp và cái gia sản tinh thần bất diệt của tổ tiên của những người làm việc trong lặng lẽ giữa tiếng ồn ào của đạn bom này, đã nói lên hùng hồn ý nghĩa của tranh đấu cho Tự Do và những giá trị Nhân Bản. Những người của phần đất bên này giòng Bến Hải."

NHỮNG TIẾNG NÓI ĐÓ tha thiết đó, Ở ĐÂY, XIN MỜI...cùng lắng nghe!
























































































Còn đây, bài viết mới nhất của 1 người trong cuộc...

Tròn 40 năm (1973-2013) một tác phẩm tiên tri 


Vào đầu năm 1974, nhà xuất bản Sóng của nhà văn Nguyễn Ðông Ngạc (1939, Phúc Yên - 1996, Montréal), xuất bản một bộ sách anh gọi là “tác phẩm một đời” để lại: Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (1954-1973), trong có 45 truyện ngắn của 45 nhà văn, ngay trên bìa sách, và trong lời mở đầu, là những dòng chữ sau này anh em gọi là “tiên tri:” Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 54-73. Cuốn sách dày 800 trang cộng với 48 trang giấy trắng mịn in chân dung 45 nhà văn chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất lúc bấy giờ: Trần Cao Lĩnh.


Một ngày trên đường phố Montréal, Viên Linh và Nguyễn Ðông Ngạc. (Hình: Việt Thường)



Càng về sau, cho tới giờ là đúng 40 năm từ khi bộ sách hiện diện, người ta càng thấy Nguyễn Ðông Ngạc có tầm nhìn xa, nghĩ rộng, khi anh bắt tay vào việc. Anh mất ít nhất là sáu tháng để đi gặp từng nhà văn anh đã chọn lựa, khi đi một mình, khi đi với nhiếp ảnh gia, vừa chụp ảnh nhà văn, vừa xin nhà văn có mặt một chữ ký, và 3 câu hỏi chính, trong đó câu chót rất thiết thực: “Về truyện ngắn hay nhất và thích nhất (anh hay chị) chọn lựa để (in trong bộ sách), xin quí anh chị nói thêm ít lời để soi sáng thêm (ý nghĩa trong truyện, hay vì sao thích nhất chuyện đó).”



Bộ sách chính là di sản của nhà xuất bản, và đạt tầm mức anh đã định trước, như trong “Lời Nhà Xuất Bản:” “Ðây là một trong những đóng góp một đời còn lại dành cho quê hương trong cuộc chiến hơn một phần tư thế kỷ hầu như đã phá vỡ gần hết tất cả gia tài nổi chìm của chúng ta. Sự đóng góp vào cái gia sản tinh thần bất diệt của tổ tiên của những người làm việc trong lặng lẽ giữa tiếng ồn ào của đạn bom này, đã nói lên hùng hồn ý nghĩa của tranh đấu cho tự do và những giá trị nhân bản. Những người của phần đất bên này dòng Bến Hải.”



Mục đích thật rõ ràng. Những ai vào tuổi 33 đã quan niệm rõ ràng hơn Nguyễn Ðông Ngạc về cuộc tranh đấu cho tự do và các giá trị nhân bản, hơn Nguyễn Ðông Ngạc, giữa những gì đang xảy ra lúc đó? Trong hỗn loạn của những cuộc biểu tình bị xúi giục, của một sinh hoạt truyền thông bị đánh lạc hướng, nhiễm độc bởi các âm mưu lật đổ, phá hoại? Có một câu nữa khẳng định hơn về bộ sách: “Trong cuốn sách này bạn đọc sẽ có thể sống lại trọn vẹn cuộc sống ‘đã mất’ (in nghiêng trong sách) hay ‘sắp đến’ của chính mình, và của cả dân tộc. Tất cả. Vằng vặc.” Sao anh lại có thể cả quyết đến thế nếu anh không nhìn thấy trước, trong tâm tưởng? Thực tế bùng vỡ chỉ hơn một năm sau, Miền Nam mất, những cuộc sống cũ đã mất, và những cuộc sống sắp đến đã đến.



Bốn mươi năm đã qua từ năm chót của cuốn sách (1973), 45 nhà văn góp mặt, theo thứ tự ABC, nay đã ra đi rất nhiều. Chúng ta hãy kiểm điểm những người lúc góp truyện còn sống cả, nay ghi dấu bằng một chữ thập, nếu họ đã không còn: Bình-Nguyên Lộc (+), Cung Tích Biền, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Duy Lam, Duyên Anh (+), Dương Nghiễm Mậu, Ðịnh Nguyên (+), Hồ Hữu Tường (+), Huỳnh Phan Anh, Lê Tất Ðiều, Mai Thảo (+), Mặc Ðỗ, Nguyễn Ðình Toàn, Nguyễn Ðông Ngạc (+), Nguyễn Ðức Sơn, Nguyễn Mạnh Côn (+), Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Sỹ Tế (+), Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thụy Long (+), Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Xuân Hoàng, Nhã Ca, Nhất Hạnh, Nhật Tiến, Sơn Nam (+), Thái Lãng, Thanh Nam (+), Thanh Tâm Tuyền (+), Thảo Trường (+), Thế Phong, Thế Uyên (+), Tô Thùy Yên, Trần Thị Ngh, Trần Tuấn Kiệt, Trùng Dương, Túy Hồng, Viên Linh, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Vũ Khắc Khoan (+).Ðúng một phần ba trong số 45 đã không còn nữa.



Nhưng không ai ngờ tới sự ra đi của Ngạc, cũng như không ai ngờ tới sự ra đi của Ng., vợ trước của Ngạc ở Sài gòn. Còn nhớ một buổi tôi tới nhà thăm bạn, chị còn nằm trên võng. Lúc tôi qua Montréal thăm bạn khoảng ba bốn năm trước khi anh mất là lúc Ngạc đang sống với bà vợ trẻ sau này, chị hát rất nhà nghề, cái tên nghe ra cũng là một cái tên văn nghệ, Nguyên Ngọc. Chị hát hay. Hai vợ chồng trông như tài tử, Ngạc thì nhất định là một tài tử, mà là một tài tử phong lưu, tóc hơi ngả vàng, có lẽ vì bị hun mỗi ngày bởi khói thơm bốc lên từ cái ống vố không bao giờ thấy rời khỏi miệng, trên một khuôn mặt cởi mở, thanh thoáng, hai mắt long lanh. Tôi vốn không có ngưỡng mộ nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, nhưng vì đi chơi với Ngạc (vợ anh là cháu Nhất Linh), nên ngồi xe anh tới chợ An Ðông, leo lên lầu thăm ông một bữa đi ăn cơm gà Siu Siu ở cái quán bên đường rầy xe lửa. Ðôi chút kỷ niệm song gặp nhau đâu cũng vui, vì con người ấy văn nghệ thực sự, và văn nghệ khoan dung, nhất là những ngày gặp nhau tại nhà in Phúc Hưng tại số 51/51B đường Nguyễn Trãi. Nhà in này vốn trước đó là của nhóm bạn Ngạc, bỏ trống vì không có khách. Lần nào anh tới cũng thấy tôi bận bịu túi bụi, mà vẫn rủ tôi ra quán Tầu Tân Lạc Viên ở ngã tư ăn nhậu. Thường là buổi trưa. Chính Ngạc dẫn nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh tới nhà in, đề nghị chụp cái ảnh ngồi trước mấy hộc chữ chì của nhà in. Cái ảnh này in trong bộ Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta.



Nghe kể hai vợ chồng vừa đi ăn về, Ngạc vào bếp chỗ có cái điện thoại, vợ ở phòng khác, chợt nghe tiếng người ngã đổ ầm xuống sàn nhà. Ðưa vào bệnh viện Jean Talon mới biết anh bị đứt mạch máu não. Anh không bao giờ tỉnh lại, ra đi vĩnh viễn vào Tết Bính Tý (18, 19.2.1996). Anh qua Giao thừa trong hôn mê sau bữa tiệc tất niên cùng bạn hữu trước đêm 30 Tết. Chủ nhà xuất bản Sóng ra đời ngày 10 tháng 9, 1939 tại Phúc Yên, một tỉnh phía Bắc Hà Nội, vào Nam 1954 và học Chu Văn An. Anh sinh sống bằng nghề dạy học, thỉnh thoảng gửi bài cho các tạp chí. Chúng tôi cộng tác với nhau một thời gian ngắn trong nhật báo Tranh Ðấu thời Phật giáo vận động.



Mộng của Nguyễn Ðông Ngạc là phải dịch toàn bộ 45 truyện ngắn trong tác phẩm để đời của anh, như một nhà xuất bản có chủ trương văn hóa và khai phóng, vì theo anh đây là “những truyện ngắn tiêu biểu của văn học Miền Nam,” và anh “tin rằng về thơ và truyện ngắn chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.” Người viết bài này chia sẻ niềm tin ấy nơi người bạn ra đi quá sớm lúc mộng còn dở dang. Bộ sách anh làm xứng danh nhất trong mấy chục năm nay là bộ sách giá trị nhất về phần chọn lọc bài vở, tác giả, trình bày, và những công trình biên tập khiến “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, Hai Mươi Năm Văn học Miền Nam 54-75” là một bộ sách 40 năm qua chưa có đối thủ.



(Tháng 11, 2013)


Photobucket