Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Tưởng nhớ nữ sĩ Túy Hồng "Thiên Tài Quỷ Ám Táo Bạo Phá Phách"

“Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn nhận xét Duyên Anh viết văn tinh khôn. Và Túy Hồng viết văn thông minh. Cũng có người nhận xét bà Túy Hồng có tài dùng đủ loại món ăn để mô tả câu chuyện hay so sánh sự vật.
– Chữ viết của chàng tròn như con ốc gạo.
– Em già đắng chát khổ qua.
– Đời con gái ví như cá nục kho tiêu, càng kho lâu càng thấm thía, càng hâm đi hâm lại nhiều lửa càng mặn mòi.
Cái đó là văn phong hay bút pháp của nhà văn. Những nhà văn nổi tiếng đều có một style riêng. Đọc Túy Hồng là nhận ra văn phong của bà ngay, không thể nhầm lẫn với ai khác.
Túy Hồng viết với văn phong riêng biệt, Túy Hồng còn có một ý hướng – ideal direction nào đó để dẫn đạo tác phẩm, khiến những điều hình như tầm thường khiến trở nên lung linh huyền ẩn.”
(Comment của một độc giả trên trang damau.org)
Hình: từ bộ sưu tập cá nhân huyvespa
1. Tuý Hồng qua ống kính Trần Cao Lĩnh - hình này cũng được dùng trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta
2. Một vài tác phẩm của bà trước & sau 1975
3. Thủ bút của tác giả “hỏi xin” lại “đứa con” thất lạc
4. Tuý Hồng qua nét vẽ Choé & bài viết về bút pháp Tuý Hồng của Nguyễn Hữu Hiệu trên Văn
(Trong bài này có 3 bài thơ của Bùi Giáng viết tặng Tuý Hồng khá lạ)

BÚT PHÁP TÚY HỒNG


TRONG NIỀM TƯỞNG TIẾC NỮ SĨ TÚY HỒNG
NHẮC LẠI CHUYỆN XƯA TÚY HỒNG - VÕ PHIẾN 
QUA ĐÓ THỬ NGHĨ "ĐỜI TƯ & TÁC PHẨM - CÓ NÊN TÁCH RỜI NHAU?"

Chuyện tình xưa của 2 tác giả lẫy lừng miền Nam nay đã thành người thiên cổ: Tuý Hồng - Võ Phiến.
Nhắc lại không để khêu lên 1 “scandal” không đáng mà chỉ là đưa ra một tài liệu văn học sử & (thử) cùng đi trên 1 chuyến tàu xuyên không để (thử) sống cùng, ứa tràn cùng mạch sống của các tác giả miền Nam đã tận hiến hết cả những cảm xúc, quá trình sống chín... & đưa hết tất thảy vào các tác phẩm để lại cho những kiếp yêu sau...!!!
Trước hết hãy đọc bài Tuý Hồng viết về “Võ Phiến” ở đây với một văn phong cũng rất hồng-tuý-luý http://www.gio-o.com/Chung/TuyHongVoPhien.htm
“Ánh trăng trên đường về sờ mó vuốt ve thịt da tôi, tôi nếm tình yêu trên chót lưỡi, nhắm mắt nhìn hình bóng mình in trên đường đời sỏi đá, trên lối đi lót gạch và đầu óc tôi tự hỏi làm sao một ai đó có thể vướng mắc chút sầu riêng trong một đêm trăng toàn bích và an lành như thế này. Tôi tự hỏi thêm một câu nữa: sao anh không cùng em đi hết đêm dài? Tình yêu cay như phở tái chín, tình yêu chua như hàn the, hay tình yêu làm xác thân ta rạo rực sướng khoái..làm sao giảng nghĩa được? Anh và em như hai hạt muối mặn hòa tan trong đêm ngọt. Những cảm giác em đang có, thúc đẩy em muốn đi cùng anh khắp tổ quốc và đến một nơi chỗ không có tiếng reo hò chiến thắng, không có tiếng khóc than thất thủ kinh thành, không có nội chiến Nam-Bắc quốc-cộng . Em đang hứng, em đang đầy và em đang căng, em có thể hứng và đầy và căng và yêu anh từ chỗ anh đang đi bên em đến bất cứ chỗ nào anh nằm xuống ôm em.
Sáng hôm sau, nhà văn bốc tôi ra khỏi cư xá giáo chức để đến một ngôi nhà cho thuê.
Đàlat hôm ấy thật đẹp. Sau mấy ngày âm u, hôm nay nắng hồi sinh. Trời bao la nắng hanh vàng, tôi hôn nắng, tôi hôn ánh sáng .
Tôi giữ bàn tay Võ Phiến khi đi giữa rừng thông. Dưới chân đồi, xe lam ba bánh đưa rước khách và xe ngựa thồ qua lại ngược chiều. Hai bàn tay tôi thật khô, thật ấm, và thật mềm, nhưng đa tình lắm lắm...”
...

Mới đây, nhắc lại chuyện cũ, hoạ sĩ Trịnh Cung  hồi tưởng trên facebook của ông (TÔI XIN SHARE LẠI CÂU CHUYỆN NÀY VỚI MỘT SỰ THẬN TRỌNG NHẤT ĐỊNH VỀ TÍNH XÁC THỰC & EVIDENCE CỦA CÂU CHUYỆN)
“Khi tôi đọc cuốn sách của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cho phổ biến những bức thư của nhà văn Võ Phiến ( đã chết ) viết cho vợ, trong đó nhà phê bình đã ca tụng hết lời về lòng chung thuỷ của nhà văn Võ Phiến dành cho vợ mình là bà Viễn Phố.
Lẽ dĩ nhiên, nếu căn cứ vào lời lẽ trong các bức thư ấy thì Nguyễn Hưng Quốc ca tụng lòng chung thuỷ của Võ Phiến là đúng, quá đúng. Tuy nhiên, không chỉ mình tôi, chắc còn nhiều thân hữu văn nghệ Sài Gòn trước 1975, biết rõ là Võ Phiến có một mối tình với nhà văn Tuý Hồng. Mối tình này, chính nhà văn Tuý Hồng đã cay đắng viết ra trong một bài viết về sự quay mặt của Võ Phiến khi gặp chị ở trại tị nạn ở đảo Guam sau ngày 30-4-75.
Riêng tôi, một kỷ niệm khó quên với Võ Phiến, năm 1963. Đó là vào một chiều hè Đà Lạt, tôi đang thả bộ xuống phố Phan Đình Phùng thì gặp anh Võ Phiến từ phía ngược lại đi lên. Trong bộ veston màu xám nhạt, đầu đội mũ Phớt đen, tay xách cặp da, anh bất ngờ gặp tôi. Tôi hỏi: “ Anh đi công tác à?”
-“ Không, mình có hẹn, muốn kiếm một chỗ”
Tôi nói ngay:” Tôi cho anh mượn phòng tôi, gần đây thôi”
Và cái buổi chiều hôm ấy, căn phòng trọ của tôi trong ngôi biệt thự số 10 đường Hoa Hồng, Đà Lạt là nơi cô giáo người Huế, nhà văn trẻ Tuý Hồng đã trải qua cái giây phút “Kim Đâm Thịt, Thịt Đau / Thịt Đâm Thịt, Nhớ Nhau Trọn Đời” với nhà văn tên tuổi Võ Phiến. Chuyện này, Tuý Hồng đã viết thành một truyện ngắn được đăng trên tạp chí Bách Khoa ngay sau cuộc hẹn hò này chừng vài tuần lễ sau trong đó có cụm từ “ kim đâm thịt.....” và nó nỗi tiếng ngay.”
Bolsa, July 25th-2020
TC.
(Hết trích dẫn)

Comment & tài liệu của huyvespa:
“Tra lại các số Bách Khoa 1963 - Tuý Hồng xuất hiện 3 lần với 3 truyện Lòng Thành, Niềm Tin Mong Manh, Thở Dài nhưng không có chi tiết như anh nói, nhưng chi tiết đó xuất hiện trong truyện Những Sợi Sắc Không (Đăng kỳ 1 trên Vấn Đề 1967, sau xuất bản thành sách bởi Nxb Làng Văn - Canada), hình như tác giả có chỉnh sửa so với bản đăng báo...
Tiếp nữa, hai tác giả lại gặp nhau trên Thời Tập năm 1973 trong mục Tay Đôi host bởi Viên Linh”
TÚY HỒNG VÕ PHIẾN - TAY ĐÔI trên THỜI TẬP

& khi share status về “chuyện tình” Túy Hồng - Võ Phiến. Tôi thấy có 1 vài nhận định về việc này như 2 status hình dưới comment sau đây.

Trong các status này có 2 việc, một là chuyện Túy Hồng đã nói ra (trước) câu chuyện này, hai là cách mà họa sĩ Trịnh Cung kể lại câu chuyện và có người nói là "xâm phạm đời tư". Tôi share câu chuyện của TC sai sót là quên không ghi một câu ghi chú quan trọng "share lại với sự thận trọng nhất định"... & Mục đích share của tôi đơn thuần là đưa lên “public” một nhận định "chủ quan" của một nhân chứng sống về 1 câu chuyện/ giai thoại...để góp vào một bức tranh nhiều cảnh huống, nhiều sự kiện của một thời đoạn có rất nhiều điểm son & ấn tượng của văn chương miền Nam. Có người sẽ nói là độc giả chỉ cần biết nhà văn qua tác phẩm của họ, nhưng ở đây, Túy Hồng đôi khi đã đem chính cuộc đời của bà tràn ra cả những trang văn, minh chứng là qua các bài "tản mạn" VÕ PHIẾN (với khá nhiều chi tiết đầy nhục cảm) hoặc THANH NAM. Một lần nữa, thiếu sót của tôi là tường thuật NHƯNG không ghi chú: "với sự e dè"; chủ quan mà nói: tôi không thấy trong trường hợp này, đụng đến vấn đề riêng tư là 1 điều gì đó cấm kỵ, vì bản thân nhà văn đã là một tiên phong hòa lẫn văn & đời của bà! Nhưng trên hết qua câu chuyện này là vấn đề ĐẠO ĐỨC ... của người/ câu chuyện được nói ra...Mà liên quan đến ĐẠO ĐỨC thì thật nhiều “quy chuẩn” và nhiều lí luận, đưa ra chắc cần phải có hẳn 1 bài luận sục sạo hết tất cả những “cảnh huống” dạng như thế này !




Một comment của một bạn khi tôi đề cập đến chuyện xưa của Túy Hồng - Võ Phiến: “Về đời tư và tác phẩm. Nên tách rời nhau. Bạn đừng nghĩ mọi thứ là tác giả tự thuật về mình phiến diện như thế. Và tôi không thích cảm nhận tác phẩm văn chương bằng cách soi mói đời tư tác giả như vậy”
Để trả lời & rộng đường dư luận, phản hồi của tôi như sau:
“I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it" (Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó)
Tách hay không; hay nửa tách nửa không ?!? - không đâu là quy chuẩn, không có gì là tuyệt đối, không có gì là nên/ không nên… nhất là trong thời đại này!
Có (phần lớn) trường hợp tôi đọc tuyền là tác phẩm, có trường hợp tôi đọc và liên kết nhiều điểm thú vị làm thăng hoa thêm cảm xúc của một độc giả khi biết thêm đời tư của tác giả, vd như Nhã Ca với Mậu Thân 1968 hoặc Nhã Ca bỏ Huế đi theo Trần Dạ Từ trong “Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi /Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
/Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn...”; vd như Nguyễn Thị Hoàng cũng đã từng bỏ Saigon lên Dalat trong thời điểm Vòng Tay Học Trò; vd như Mai Thảo trong một mối tình với một nữ danh ca trong Mười Đêm Ngà Ngọc; vd như Viên Linh với Cúc Hoa trong nhiều bài thơ - đặc biệt là “Đêm Trường” – Cúc Hoa là tên người tình mất sớm của Viên Linh khiến ông đau đớn và ám ảnh, ông ví mình như Phạm Công xuống địa ngục tìm người con gái mình yêu, tự gọi mình là Phạm Công (và nỗi ám ảnh ấy còn kéo dài đến ngày hôm nay – email của ông cũng lấy tên là phamcong); vd như Tô Thùy Yên với Nguyễn Thị Thụy Vũ – làm nên một giai thoại về cách ông đặt tên truyện dài của mình: Hôn Thụy; hoặc rõ ràng nhất là Tuý Hồng khi chính bà không che đậy một thời đoạn với Võ Phiến..."
(hết phản hồi)
./.
Một tài liệu văn học về chuyện tình Viên Linh/ Phạm Công & Cúc Hoa trong bài Sài Gòn Ngoại Chương của tác giả https://www.nguoi-viet.com/van-h…/Sai-Gon-ngoai-chuong-1622/
“Hình như tôi đang nhớ những ngày đã qua. Hình như tôi đang nhớ Quá Vãng. Trong không gian, ngoài khung cửa sổ, phải chăng mỗi khi thời gian vần vũ luân chuyển, có người lại ngóng tìm một áng mây bay, một cánh chim lạc. Lại nghĩ đến một ai đó thật thân yêu. Hình như để tâm sự. Hình như để hỏi han. Lục tìm trí nhớ, bao quát những chân trời, dõi theo những bóng dáng xa xăm, từ người thân tới bằng hữu, tôi không thấy một ai. Không một ai. Và đã từ lâu năm rồi, mỗi lần bơ vơ trong hồi tưởng, cuối cùng chỉ một khuôn mặt hiện về. Khuôn mặt trong khói sương mờ ảo lung linh, dịu dàng mỉm cười nhìn tôi. Khuôn mặt của Suối Vàng, nếu quả Âm Ty có ngọn suối huy hoàng đó. Khuôn mặt của một người bạn gái hồi niên thiếu đã chết trẻ, lúc vừa qua tuổi hai mươi. Hãy gọi hình bóng đó là Cúc Hoa, một nhân vật trong truyện thơ Việt Nam nhan đề Phạm Công Chúc Hoa. Cặp vợ chồng này đang sống yên vui với hai đứa con nhỏ thì Phạm Công sau khi học thành tài, phải lên đường chinh chiến giữ bờ cõi. Lúc chàng trở về quê hương, gia đình đã tan tác, lạc con, mất vợ. Đến khi tìm được con, tìm được gia đình bên ngoại, mới hay Cúc Hoa đã thác xuống suối vàng. Chàng xuống âm phủ tìm nàng, đi suốt 13 tầng địa ngục, cho đến khi mang được vợ trở về dương thế. Câu chuyện sơ lược như trên rất là văn tắt, cốt cái ý chính: Tình yêu không chia cách âm dương, nếu hai cõi âm dương mà tình yêu còn trong tâm tưởng. Đã thế, tấm lòng son sắt ấy của Phạm Công đã khiến “người chết hồi sinh,” Cúc Hoa trở về Dương Thế. Thật lạ lùng trong truyện thơ Việt Nam hơn hai thế kỷ trước có một áng thơ như thế.
Cúc Hoa mà tôi biết khi 17, 18 tuổi em vẫn hay làm như bà cụ non, trích thơ Tản Đà, (Say sưa nghĩ cũng hư đời) thơ Nguyễn Công Trứ (Làm trai đứng ở trong trời đất) trong những lá thư tràng giang đại hải gửi cho bạn, khiến bạn nghĩ mình đang đọc Gia Huấn Ca hay gì gì đó, như “Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan…” Nếu có dịp nói, có lẽ tôi sẽ nói: Em hay trích thơ Nguyễn Công Trứ nhất để anh theo đó mà làm gương, trong khi cứ thấy thơ ông này thì anh khổ sở. Chỉ lúc ông hết làm quan, dắt mấy nàng hầu đi du sơn du thủy thì còn khả dĩ thích được.
Thư gửi Cúc Hoa,
“Khi còn ở Sài Gòn, ngoài chuyện Phạm Công Cúc Hoa, anh còn thích huyền thoại chàng thi sĩ Orphée đi xuống địa ngục kiếm người yêu. Sau nhiều truân chuyên, chàng kiếm được, và Diêm Vương Hades cho phép Orphée mang nàng về Dương Thế, đoàn tụ yêu đương, với một điều kiện: Trên đường rời Địa Ngục, cấm quay đầu nhìn lại. Chuyện ra sao, có lẽ em đã biết. Khi Orphée và Eurydice sắp sửa rời Địa Ngục, thì người thiếu phụ ấy đã quên lời hứa với Satan: nàng quay đầu nhìn lại. Nàng cũng như nhiều con người, đã không tin tưởng Satan, “đã là Satan làm gì có chuyện giữ lời hứa.” Có biết đâu ma quỷ hay thánh thần đều có quyền lực ngang nhau, và chưa biết ai giữ chữ Tín hơn ai. Orphée đã bước chân ra khỏi cửa Địa Ngục. Eurydice chỉ còn một hai bước cuối cùng. Và đã hóa đá. Vĩnh viễn không còn trở lại được Dương Gian.
Anh có làm đâu hai chục bài thơ cho em, trong có bài Đêm Trường , bài này anh Lê Huy Oanh thích lắm. (Anh Oanh không nhớ em, mặc dù lúc khoảng 1956 chúng ta theo học lớp hè ở Trường Trung Học Lê Quí Đôn đường Minh Mạng trong Chợ Lớn, anh Oanh hướng dẫn chúng ta về Quốc Văn).
Đêm Trường
Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa
Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm
Nhớ em vèo cái thu âm
Hồn theo bóng ngoại phân thân chín từng.
Nhớ em ly rượu còn lưng
So đôi đũa mộc cười bừng cơn say.
Phải anh rồi, phải anh đây
Bữa cơm hai bóng một ngày phần dương.
Nhớ anh chưa Cúc mắt vàng
Cúc xanh mi Cúc biếc hường trái tim.
Cúc đen đâu đó Cúc mềm
Vùi anh trong bụng Cúc hiền như dao.
Năm năm đời trú mái sầu
Thời gian phai nhạt những màu yêu đương.
Nhớ em lần nữa chiếu giường
Đêm nay lại một đêm trường như xưa.
(Thơ Viên Linh, 1973)






Tuý Hồng “viết vội những chữ rời” trên tạp chí Nhà Văn số đầu tiên phát hành 1974.



Thuỵ Vũ viết về 4 nhà văn nữ cùng thời, chương 3 “Nàng Là Thiên Tài Quỷ Ám Táo Bạo Phá Phách” là viết về Tuý Hồng: “nàng là một thiên tài quỷ ám đã viết nhiều câu văn, đẻ ra nhiều nhân vật làm cho các người đạo đức giả rống lên gào nhưng trong lòng thì có hàng trăm lá cờ bay phất phới” 
http://huyvespa.blogspot.com/2019/08/oc-lai-1-vai-bai-la-thuy-vu-to-thuy-yen.html

TƯỞNG NHỚ TÚY HỒNG - TRÙNG DƯƠNG
Tin Túy Hồng qua đời vào một buổi sáng tháng 7, 2020 khiến tôi khựng lại một lát. Chị là một trong năm bà mà giới văn học mệnh danh – do yêu, ghét, nghịch, hay có thể cả… cợt nhạo – là “năm nữ quái” của Văn học Miền Nam trước 1975, gồm Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng và Trùng Dương.
Chị Túy Hồng là người đầu tiên đã bỏ cuộc chơi ra đi, ở tuổi 82.
Túy Hồng và gia đình tới Mỹ cùng một năm với tôi, cùng định cư dọc theo bờ biển miền Tây. Vậy mà suốt 45 năm qua chúng tôi chưa một lần gặp nhau. Thực ra chúng tôi đã suýt có lần gặp nhau. Cách đây hơn 10 năm khi tôi vừa về hưu và dọn lên Bandon, một tỉnh hẻo lánh nằm trên bờ biển phía nam Tiểu bang Oregon, nghe chị cũng ở cùng tiểu bang nên tôi liên lạc mời chị xuống chơi. Chị nói không đi được vì kẹt phải trông coi một cháu trai bị tai nạn đã lâu và có vấn đề. Tôi đề nghị để tôi lên thăm chị, chị không hẳn từ chối nhưng có ý ngần ngại, viện thêm những lẽ này khác. Tôi không ép, mặc dù tha thiết muốn gặp chị, song đành chờ. Cách nay vài năm tôi tìm cách liên lạc lại qua điện thư nhưng thư bị trả về. Hỏi quanh cũng không bạn nào biết tung tích của chị.
Và rồi được tin chị đã qua đời. Tin do một người bạn gửi text báo qua điện thoại, trước cả khi trên Internet đăng, vì ngay sau khi nghe tin tôi lên Web ngay tìm thêm chi tiết, song chưa thấy. Người bạn gửi text kèm với trang bìa và trang mục lục của tạp chí Văn số đặc biệt về năm nhà văn nữ, xuất bản tháng 7 năm 1973, trong đó có tranh hí họa đầy nghịch ngợm của họa sĩ Chóe (1944-2003) về mỗi chúng tôi.
Nhìn hình bìa báo Văn mà bùi ngùi. Miền Nam đã có một thời khai phóng, trăm hoa đua nở như thế, nhờ một thể chế tương đối tự do, và một khung cửa rộng mở ra thế giới bên ngoài đón nhận đủ loại hương hoa của nhân loại. Giới phụ nữ cầm bút xục xạo các góc cạnh xã hội, kể về những mảnh đời phụ nữ nhỏ bé, khiêm tốn, bị dồn ép, bỏ quên, tưởng là vô nghĩa, trong một xã hội vốn còn trọng nam khinh nữ, nhưng đang bị chiến tranh làm đảo lộn, thay đổi sâu xa. Nhưng có lẽ gây chú ý hơn cả là việc những cây bút phụ nữ thời đó khai phá các ngõ ngách của tâm hồn đàn bà mà lâu nay các cây bút phái nam thường chỉ có thể tưởng tượng ra (thậm chí có người nói chúng tôi chuyên về khai thác dục tính, như thể họ chỉ có thể nhìn thấy được mỗi góc cạnh đó). Chúng tôi hồn nhiên ghi nhận và kể lại, không mầu mè, song cũng không lộ liễu sỗ sàng, kể cả khi đề cập tới những tâm cảnh rất riêng tư.
Chúng tôi, và nhiều các chị em cầm bút khác thuở ấy, là sản phẩm của một Miền Nam phóng khoáng, nhân bản và tự do, mặc dù những xáo trộn thời cuộc. Đặc biệt hơn cả, và đây là điều chưa từng xẩy ra trước kia, bốn người trong chúng tôi mà tôi biết chắc chắn, đó là các chị Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ và Nguyễn Thị Hoàng, đã trở thành những cây bút chuyên nghiệp, ở chỗ họ đã sống bằng ngòi bút, và có người còn là nguồn lợi tức chính của gia đình. Hai người đã đoạt giải Văn Chương Quốc Gia, đó là Nguyễn Thị Thụy Vũ với tác phẩm Khung Rêu, và Túy Hồng với cuốn Những Sợi Sắc Không — một hãnh diện không chỉ riêng cho các tác giả và giới cầm bút phái nữ, mà còn cho cả văn học Việt Nam.
Hôm nay, như một nén hương tưởng niệm người bạn một thời đồng nghiệp, nhà văn Túy Hồng, xin dịch một trích đoạn từ bài biên khảo công phu bằng Anh ngữ về các nhà văn nữ Nam Việt Nam từ 1954 tới 1975 của nữ học giả Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang.
http://www.second-sites.com/nhatrang/womenwriters.html
Đây là bài biên khảo đầy đủ nhất về các cây bút phụ nữ của văn học Việt Nam tự do trước 1975, có tính cách học thuật, được thực hiện vào giữa thập niên 1980, dựa vào nhiều tài liệu và các cuộc phỏng vấn một số tác giả cũng như nhiều vị trong giới cầm bút ở Miền Nam trước 1975. Người dịch chủ ý bỏ những ghi chú (footnotes) về nguồn của các chi tiết trong bản dịch trích đoạn, trong đó có cuộc phỏng vấn có ghi âm của học giả Nha Trang với nhà văn Túy Hồng vào năm 1984. Riêng độc giả nào muốn đọc văn của Túy Hồng, xin mời vào đây.
Xin cầu chúc hương hồn nhà văn Túy Hồng được tiêu diêu Miền Vĩnh Cửu. [TD, 2020/07]
***
Túy Hồng qua cái nhìn của học giả Tôn Nữ Nha Trang
(Trích đoạn)
Nguyên tác: Women Writers of South Vietnam – 1954-1975
Chuyển ngữ: Trùng Dương
Trong khi Nhã Ca và Nguyễn Thị Thụy Vũ chuyên chú vào việc mô tả tình thế khó xử của người đàn bà trong những hoàn cảnh cay nghiệt, chú tâm chính của Túy Hồng nằm ở việc tái duyệt xét sâu sắc vị thế của người phụ nữ trong mối liên hệ nam-nữ.
Túy Hồng sinh ra dưới tên Nguyển Thị Túy Hồng tại làng Chí Long, Tỉnh Thừa Thiên, vào năm 1937. Bà lớn lên tại Huế, theo học các trường trung học Đồng Khánh và Quốc Học, rồi trải qua hai năm tại trường Đại học Huế, tới năm 1961 thì quay qua dậy học. Lần đầu tiên bà thử sáng tác là vào lúc chờ nhận nhiệm sở đi dậy học, và truyện đầu tiên của bà là “Bát Nước Đầy,” do tạp chí Văn Hữu in vào năm 1961. Sau đó lần lượt xuất hiện những truyện ngắn khác trên Văn Hữu, Bách Khoa, và Văn, ngay lập tức lôi kéo sự chú ý của độc giả và khiến bà trở thành một tác giả đáng kể. Một số trong những truyện ngắn này xuất bản thành sách với tựa Thở Dài (1964). Tiếp theo là tập truyện ngắn Vết Thương Dậy Thì (1965). Cả hai tập cùng được xuất bản tại Huế. Vào năm 1966, Túy Hồng cùng gia đình dọn vào Sài Gòn, tại đây bà kết hôn với Thanh Nam, nhà văn, và tiếp tục vừa dậy học vừa viết văn. Sau khi sinh con trai đầu lòng vào năm 1968, bà nghỉ dây học và chú trọng vào viết văn toàn thời. Thời kỳ viết sung sức nhất của bà là từ 1969 tới 1972 khi bà viết thường xuyên cho trên hai mươi nhật báo và tạp chí. Bà cũng còn dùng bút hiệu Hân Tố Tố cho những bài phiếm viết vào 1969-1970. Tới tháng Tư 1975 bà đã xuất bản hai mươi cuốn sách, quan trọng nhất là Thở Dài (tập truyện ngắn, 1964), Tôi Nhìn Tôi Trên Vách (tiểu thuyết, 1970), và Những Sợi Sắc Không (tiểu thuyết, 1971).
Thở Dài gồm năm truyện ngắn. Truyện ngắn dùng làm tựa tập truyện kể về hoàn cảnh của một cô giáo trẻ khi nhỏ bị một lính Pháp hiếp, cảm thấy mình bị cô lập với các bạn cùng trang lứa, bị ám ảnh bởi nỗi sợ trở thành gái già vì người đàn ông duy nhất hiểu và chập nhận được cô thì lại ở ngoài tầm với. “Vòng Tay Anh” kể về kinh nghiệm của một cô giáo khác đã yêu thương một người đàn ông suốt ba năm mà không biết là anh ta đã có vợ và là cha của năm người con. Cô ngủ với anh ta trong cơn tuyệt vọng để khám phá ra anh ta không xứng đáng với nỗi nhục nhã và đau đớn của mình. “Ngày Xuân Đêm Xuân” kể về một cô công chúa nhà Nguyễn nổi loạn đối với đời sống ngột ngạt, trì trệ trong Hoàng Thành. Sự nổi loạn của cô là thẳng thắn khước từ cung cách đạo đức áp đặt trên cô qua việc đối xử tệ với người chồng chọn cho cô và mối tình của cô dành cho một người đàn ông khác ngay sau khi chồng cô bị giết chết. “Nhìn xuống” mô tả tâm trạng bối rối của một cô dâu trẻ sống chung với đại gia đình nhà chồng với bà mẹ chồng ghen tuông đã phá hỏng hoàn toàn hạnh phúc của cô, một phần của hạnh phúc ấy cô đang tìm lại được khi biết mình mang thai. “Lòng Thành” trình bầy hoàn cảnh của một cô ca sĩ trẻ mong ước một cuộc sống riêng tư làm vợ và mẹ, song bị chồng áp lực phải tiếp tục bán giọng ca của mình để tăng thêm ngân quỹ gia đình. Với giọng ca ngày một sa sút, kết quả là lợi tức suy giảm khiến chồng cô hết còn tình cảm đối với cô, và sau khi con cô chết vì thiếu sự săn sóc của mẹ, cô tìm an ủi nơi một cô bạn, người mà sau đó lại là kẻ chính phục trái tim của chồng cô ca sĩ.
Tôi Nhìn Tôi Trên Vách là tiểu thuyết đầu tay của Túy hồng, xuất bản năm 1971. Đây là câu chuyện về cuộc hôn nhân giữa một phụ nữ không-còn-trẻ-lắm xuất thân từ Huế, với một nhà văn không-còn-trẻ-lắm gốc Bắc, cả hai gặp nhau khi cùng sống ở Sài Gòn. Cuốn tiểu thuyết mô tả đủ loại xung đột [Bắc, Trung, và Nam], những xung đột càng trở nên phức tạp khi họ quyết định dọn về sống chung với gia đình của người vợ, gồm cha mẹ và các em của nàng. Sự bất bình và khó chịu của người vợ vì tình trạng bất bình đẳng trong hôn nhân vì bà phải hy sinh và tỏ ra rộng lượng hơn được tác giả diễn tả một cách hiện thực và châm biếm hài hước.
Những Sợi Sắc Không, tác phẩm mà tác giả hài lòng nhất, đã đem về cho bà Giải Văn Học Quốc Gia năm 1971. Tiểu thuyết này đã được đăng từng kỳ trên tạp chí Vấn Đề từ tháng Mười 1967 tới tháng Mười Hai 1970, và chưa cả xuất bản thành sách khi bà gửi đi dự thi. Chuyện kể về giai đoạn vừa anh dũng vừa bi thảm đối với người dân Huế khi giới trí thức trẻ bắt tay với giới Phật tử để lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa dưới thời Ngô Đình Diệm. Trong thời gian sau khi nhà Ngô bị lật đổ đã diễn ra sự chia rẽ giữa các nhóm một thời liên kết. Giới sinh viên thì muốn duy trì cái nhìn lý tưởng về một cuộc cách mạng và muốn dân chúng theo họ trong cuộc tranh đấu chống lại chính quyền; tuy nhiên giới Phật giáo thì lại từ chối không muốn tiếp tục tổ chức chống đối. Trong bối cảnh đó là hai nhân vật nữ trẻ tuổi: một gia nhập phong trào vì những lý do lý tưởng; người kia, một nhà văn đang lên, tham gia để có dịp tìm hiểu tình hình nhiều hơn. Kinh nghiệm của các nhân vật này phản ảnh tình trạng rối rắm, rối loạn, và thay đổi mãnh liệt trong thực tại xã hội tại Huế – điều này còn bao gồm cả việc khước từ khuôn thước của các định chế xã hội chưa từng xẩy ra nơi nhà văn trẻ.
Túy Hồng cũng còn viết về phụ nữ trong yêu đương. Đây là những phụ nữ có bề ngoài trung bình và thuộc gia đình tầm thường, hoặc kết hôn trễ hoặc còn độc thân trong khi các bạn đồng trang lứa may mắn hơn đã ổn định chuyện chồng con. Việc họ đã quá tuổi kết hôn và bị xã hội nhạo báng hay kết tội đã khiến họ nghĩ về tình yêu như một thỏa mãn lãng mạn riêng tư, song đúng ra là để tự phóng thích khỏi cảnh không chồng. Áp lực tuân theo những đòi hỏi của xã hội thường đẩy họ vào các liên hệ tình cảm và tình dục ngoài ý muốn, khiến họ bơ vơ, khao khát của họ không được tiếp nhận và thỏa mãn. Các [nhân vật] phụ nữ này bác bỏ và chỉ trích những định kiến xã hội không còn hợp thời và đã cho họ rất ít chọn lựa, song cuối cùng thì họ lại bị lôi cuốn vào các định chế đó.
Khác với các nhân vật phái nam vốn dĩ là ích kỷ của tác giả Linh Bảo, người đàn ông trong tác phẩm của Túy Hồng được trình bầy như cũng là nạn nhân của hệ thống xã hội [cổ hủ] này. Bởi chính họ đã từng bị nhồi sọ việc coi phụ nữ phục tòng và chịu mọi bất lợi là điều đương nhiên nên chính họ cũng không thấy chọn lựa nào khác – cho họ cũng như cho người đàn bà. Túy Hồng mô tả cái địa ngục mà những người phụ nữ trẻ không chồng này phải trải qua ở mức độ sâu xa nhất của tâm lý của họ, luôn bị ám ảnh bởi bề ngoài và khát vọng tình dục, lùng bùng trong một mạng lưới yêu, ghét, ganh tị, ghen tuông, hứng khởi, tuyệt vọng, tự thương xót – đầy dẫy ràng buộc của đạo đức đòi người đàn bà cho đi song không nhận lại được bao nhiêu. Sự chú tâm của nhà văn vào khối nữ giới vốn bị bỏ quên này đã, nói không quá, phong phú hóa nội dung của văn học Việt hiện đại. Khía cạnh tình dục trong liên hệ nam nữ, như đã trải nghiệm bởi người phụ nữ, chưa bao giờ đã được mô tả sâu sắc như vậy. Trên một khía cạnh khác, sự khoái lạc thể xác đã được diễn tả một cách có nghệ thuật, phần lớn qua kỹ thuật gợi hình hoặc qua ngôn ngữ, do đấy mà sự mô tả không bao giờ trở nên thô tục.
Khác với Nguyễn Thị Thụy Vũ dùng ngôi thứ nhất để kể chuyện của các nhân vật của mình, các nhân vật nữ của Túy Hồng được trình bầy như là chính họ dùng ngôi thứ nhất để kể lại chuyện của họ, khiến kinh nghiệm và cảm xúc của họ có cái gần gũi và xác thực một cách sâu sắc. Tuy nhiên, trên cả cái nhìn soi sâu này có lẽ đã khơi dậy sự tò mò của nhiều độc giả, mà còn là thái độ của tác giả đối với một chủ đề đã tạo nên một chỗ đứng riêng biệt cho bà so với đồng nghiệp. Bà có thể được nhìn như cây bút hài hước thuần thành qua khả năng sử dụng chất liệu của mình với giọng châm biếm khiến người đọc phải bật cười đồng thời không khỏi suy nghĩ. Trong khi văn của Linh Bảo tế nhị và cay đắng xuất phát từ cảm nhận về các nghịch cảnh lố bịch của đời sống, ta tìm thấy trong nghệ thuật của Túy Hồng sự châm biếm vừa trào lộng vừa huyên náo của một người đàn bà luôn cằn nhằn trong khi nêu lên những lề luật và định chế phi lý khôi hài trong khi chính mình lại đang ngụp lặn trong đó. Theo thời gian, tính hài hước nghịch ngợm này dần bớt huyên náo và trở thành phê phán tinh tế hơn, chuyển biến từ hành động sang nhận định châm biếm – thể hiện qua những câu đối thoại khai triển một cách có nghệ thuật. Khai thác tâm lý nhân vật và xử dụng đối thoại là hai khía cạnh nổi bật trong văn chương của nhà văn. Sâu xa hơn thì ta có thể nói là chính qua đối thoại mà tâm lý nhân vật được phơi bầy hơn là qua những mô tả động tác. Sự căng thẳng của cốt chuyện, qua các chuyển biến bất ngờ trong đối thoại, khiến người đọc thích thú theo dõi, và từ đó thấm đượm một cách tự nhiên việc xây dựng nhân vật của tác giả.
Cuối cùng, ta có thể đưa ra giả thuyết là văn phong của Túy Hồng ngầm chứa một nỗ lực tìm kiếm sự mới mẻ cho văn chương Việt hiện đại, một quan tâm của nhiều người đồng thời với bà. Quả thế, bà không bước theo con đường mòn đầy những ngôn ngữ sáo mòn vay mượn không phù hợp với kinh nghiệm địa phương. Bám sát cái bột phát tự nhiên xuôi chảy của tiếng địa phương Huế nơi bà sinh trưởng, bà sản xuất ra một văn phong gói gọn nhịp đập của đời sống ấy vào thế giới bà tái tạo trong tác phẩm. Đọc văn bà là nghe cái giọng Huế mô tả người và vật trong ngôn ngữ và châm ngôn địa phương thuần khiết; là lắng nghe những diễn tả đầy phản kháng bí mật và tinh quái của phụ nữ Huế đằng sau cái bề mặt bảo thủ và khắc khổ của một thành phố kiêu kỳ. Đọc bà là thấy cái độc đáo của tiếng Huế chộn lộn với tiếng mẹ đẻ vốn phong phú trong so sánh và ẩn dụ, và đầy âm điệu. Sự so sánh của bà thật bất ngờ và thông minh, do đấy không hề buồn chán; thay vì thế, chúng cho ta cái thú vị ở chỗ tìm thấy cái gì đó quen thuộc cách lạ lùng. Cũng vậy là việc bà khéo léo dùng những từ thông thường và cả sáo ngữ nhưng mang nghĩa mới, trong một bối cảnh nào đó, song ai cũng hiểu và chấp nhận. [Dứt trích đoạn]
free counter for website