Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Như màu trang vở cũ (Nguyễn Tất Nhiên)...



Trước tiên là những quyển sách đã và đang đọc trong tháng 11 vừa qua...Độc giả hãy trở lại để đọc các version của tạp chí VĂN & TUỔI NGỌC về chủ đề mùa GIÁNG SINH trong các số báo trước 1975 tại blog này.,..
Coming soon...











Đầu tháng 12 THƯ ẤN QUÁN cho xuất bản THƯ QUÁN BẢN THÁO trong đó có 1 TRUYỆN NGẮN của NGUYỄN TẤT NHIÊN lần đầu tiên xuất hiện trên mạng (chưa có cả ở đây http://huyvespa.blogspot.com/2012/07/ngan-nam-rong-cua-thien-uong-kho-au-hay.html), xin được phép post...

(có 1 bài hay của CAO THOẠI CHÂU - TÔI & VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM có thể đọc ở đây http://caothoaichau.blogspot.com/2013/12/tan-man-thieunhat-lam-van-chuong-mien.html)





NGUYỄN TẤT NHIÊN
NHƯ MÀU TRANG VỞ CŨ

Giờ này, trên ấy, nhỏ đang làm gì đó nhỏ? Một câu hỏi
xưa như kinh thánh mà cũng bất diệt như thánh kinh của
những tình nhân cách biệt nhớ nhung, chắc nhỏ cũng vừa
hỏi anh (bằng cớ là anh mới ách xì). Có bao giờ nhỏ nghĩ
rằng tình yêu và hạnh phúc như hai mặt gương soi đối
diện? Chúng chẳng soi thấy nhau gì cả, nếu không có sự
hiện hữu của mình. Và chúng chỉ soi được bóng mình với
bề ngoài diêm dúa, điệu bộ. Anh muốn nói đến sự dối lừa.
Có bao giờ nhỏ nghĩ rằng tình yêu và hạnh phúc chỉ là sự
dối lừa mà Thượng Đế đặc biệt riêng tặng loài người?

------------
Gần tàn điếu thuốc, tôi hỏi:
 - Em đóng kịch được chứ?
- Không.
- Gắng lên xem nào. Ông bạn Hòa đã cho biết là năm nay
ông định dựng một vở kịch ở trường đại học Đà-lạt. Anh
đang chờ ổng gởi kịch bản về.
- Ai đạo diễn?
- Anh.
- Anh vừa đạo diễn vừa diễn viên?
- Ừ. Anh định sắp em một vai.
Nàng rụt cổ:
- Thôi, khó lắm, em sợ lắm.
- Không khó lắm đâu… Kịch ngắn, chỉ có hai vai, anh với
em tha hồ múa rối.
Nàng cúi đầu, do dự:
- Để em nghĩ xem.
- Không nghĩ chi hết, anh đã chọn em rồi. Tầm vóc mình
rất tương xứng. Mình vừa là đôi tình nhân ngoài đời vừa là
đôi tình nhân trên sân khấu. Thiên hạ sẽ buồn, sẽ vui, sẽ
mệt theo mình. Anh là người phía đám đông, em là một
phần tử đã tách rời đám đông phải đứng cạnh anh.
Nàng cười:
- Anh lúc nào cũng đầy ắp tự tin.
- Và tự kiêu...
Giờ này, trên ấy, nhỏ đang làm gì đó nhỏ?

-------------


“Đàlạt 5-1-74
Ông,
Nhỏ buồn.
Nhận thư và quà ông lúc bắt đầu thi môn thứ nhất của đệ
 nhất lục cá nguyệt. Buổi sáng, trời ngập sương nhỏ đứng
cuối hành lang ấp hai tay lên má lạnh run, thèm ngủ quá
ông ạ, nhỏ chong đèn trốn mẹ chui xuống gầm giường học
sáng đêm mà. Mẹ Cécile đến đưa quà cho nhỏ và bảo
sướng nhé, ai thế? Nhỏ nhìn mẹ cười buồn rượi buồn: anh
con. Mẹ vỗ vỗ đầu: ráng thi nghe con… Rồi mẹ đi. Cái lúp
xanh phần phật với những sợi tóc mai ủ kín hai mang tai
lộng buốt trong gió sáng. Người tình của Chúa, bình yên
quá! Ông có thấy đó là một kiểu hạnh phúc không? Mùa
thi làm rời đau từng ngón tay, từng sợi tóc, rồi đau đến giọt
nước mắt ứa ra thầm lặng ở những khuya sách vở vung vãi
ngủ vùi. Nên cả tháng không thư, biết nói gì với ông bây
giờ ngoài nỗi buồn, mà nỗi buồn thì ngập lụt đầu cổ, hồn
xác, buồn thắt ruột mềm môi, ông. Thi xong, đau. Vừa vặn
cho mùa Noel nằm trong chăn khóc mướt. Đêm Chúa, mẹ
dắt đi lễ, quì ngoan quì hiền ở một góc, chuông đổ trầm
ngâm nhỏ hiền mắt thánh, nhỏ nghĩ ông vui lắm ở Biên
Hòa. Đến ông một lời chúc thật nồng dù đã quá muộn, ông
nghe.
Nước mắt đã ứa đỏ môi cay con gái. Ở đây mẹ chỉ biết có
mình cô và dượng, chỉ hai người đó mới lãnh nhỏ ra khỏi
trường được thôi. Luật nội trú là thế. Nhỏ xin lỗi ông,
không ông giận, tội nhỏ vô tội.
Mười ba trường mở kermesse, chắc là rộn rịp lắm, bề bề
công việc, chắc là nhỏ sẽ lây vui lắm với bạn bè. Ông có
chúc nhỏ vui không? Mùa đông buồn hơn mắt khóc mà,
ông chả tội nhỏ tí nào hết. Đà-lạt là nấm mồ sâu, nội trú là
quan tài lạnh, nhỏ nằm trong đó, nhỏ ăn, nhỏ ngủ, nhỏ
chơi, nhỏ học, như cái bóng với cái bóng. Thầm. Chết.
Nhớ hội chợ tết trường Ngô-Quyền quá, ông. Cây nêu cao
ngất ngưởng với tờ báo xuân lắc lư, những gian hàng nô
nức như chợ chồm hỗm, nhưng mà nhớ nhất là con nhỏ áo
bà ba trắng trốn bạn bè đang vui vẻ ăn uống la hét thấy ghê
xuống thư viện chơi với ông, ông “cụ” học sinh. Gian hàng
Cựu Học Sinh một mình ông xốc nổi, ông hát hay ghê, ông
ngâm thơ hay ghê, ông thổi sáo, ông đàn hay ghê... Sao mà
 ông lắm tài thế? Ông, sao mà nhỏ chả biết cái gì thế ông?
Ông giành của nhỏ hết rồi mà, ông tham lam tợn đời. Mai
mốt ông dậy nhỏ thổi sáo nhé, eo, nhỏ mà thổi chắc thiên
hạ chết hết (bởi rách lỗ tai ấy). Nhỏ biết năm nay Ngô-
Quyền cũng tổ chức như thế, ông có dự không? Dự đi ông,
nghe. Ông, cho nhỏ một chút xíu vui ké nhé.
Chiều mù 6-1
Chúa nhật long nhong loanh quanh trường, chả biết làm gì
cả dù có quá nhiều chuyện để làm. Trưa cuộn trong chăn
lôi một xấp thư ra, nâng niu từng cái. Thân tình là đây,
ngậm ngùi là đấy. Đọc thư ông. Nghe chừng trong lòng có
nỗi buồn vỡ ra, xót xa. Những thân tình đã là những hệ lụy.
Thôi ông, nội trú tường dầy tường kín, hãy để cho con
chim nhỏ bình yên ngậm câm tiếng hót, đã bỏ lại một thời
lao đao, cuống quít ở phố cũ trường Ngô Quyền xưa, đừng
bắt nhỏ qua những khúc quanh ông đã đến, đã bỏ đi, đã
mất hút... quá lạ lùng mắt nhìn mười bảy tuổi. Nhỏ sợ chết
được những ồn ào, những vội vã nên nghe ông, có đến hãy
bằng bước nhỏ nhẹ, bước nâng niu mây khói, đã là thiên
đường thinh lặng mà.
Mùa đông và cái hẹn của ông như ly nước nóng hong mắt
đầm đầm rời đau. Anh đào nở, ông cũng nên đến, qua
những con đường run rẩy để nghe một chút rét mướt dịu
dàng, sống cho mình, riêng mình một cõi. Chúc ông cười
hở hết răng và gặp nhiều chuyện ly kỳ, vui vẻ ông nghe.
Nhỏ không đùa đâu, mẹ nội trú giữ con gái hơn giữ của,
ông đến trường chắc gì mẹ cho nhỏ ra, chỉ nói chuyện thôi
chứ đừng nói chi việc dạo phố xá. Trăm ngàn lý do để mẹ
đưa ra. Chấm hết, chấm hết. Có thể, biết đâu nhỏ sẽ đứng
đâu đó, một góc lầu khuất tối hay một khung cửa sổ mở ra
lộng gió nhìn ông bỏ đi, mẹ ạ. Hãy nói nhỏ với Ngô Quyền
rằng: Chim núi nhớ Ngô Quyền chim núi khóc, ông nghe.
Sáng mù 7-1
Đêm mơ thấy về Biên Hòa, thấy ông ghê gớm lắm, thấy
bạn bè ghê gớm lắm, bỏ hết quên hết, nhòa mất hết. Nhỏ
 nghe chừng có ngàn phiến băng rã ra, vỡ nát. Thấy nhỏ về
vùi trong tóc mạ khóc mướt, mạ ơi, con gái mười bảy tuổi
sầu đời. Con gái thương mình, thương mạ chùng lòng.
Thấy tay mạ dài, mắt mạ ướt, thấy nhỏ hỏi hoài một câu
sao mạ bỏ con thui thủi, sao cha mù đời, sao tình chết mạ
mang, gánh ăn năn cha nặng, sao xác-chết-tình-xưa của mạ
của cha cứ theo trói quít chân con?... Ông ơi, mạ khóc,
nước mắt nghìn lần cho cuộc tình rã vỡ ngày xưa.
Sáng dậy, đứng trước lavabo áp nước tê run lên má, gương
ơi, mắt ơi, môi ơi... ông ơi, sao rời, sao buồn? Cười với
nhỏ một cái đi. Thèm cười ghê lắm, sao chả nhếch môi
run?
Dù sao, nhỏ cũng ráng nghe lời ông, phải «cố vươn vai mà
sống” ông ạ...”
“... Nhiều lúc nhỏ muốn nói với ông những điều nhỏ nhoi
khiêm tốn nhỏ nghĩ ở cuộc đời dài này lắm chứ. Nhưng sao
cứ thấy ông ngùi ngùi xa khuất, ông mông mênh, lênh
láng, lông bông thế nào. Nhỏ hay quên và cũng hay nhớ.
Như ông. Rồi cái chi cũng một thời, qua mất hút. Người ta
cứ nghĩ rằng bớt mơ mộng để sáng suốt hơn. Nhưng ông
thấy mà, sáng suốt không phải là tìm được lối thơ ngây cũ.
Đời sống một ngày một chất chồng thêm đuôi kéo, mòn
mỏi lê thê. Nhỏ lắc đầu hoài nên ngủ mơ hoài, không
muốn mơ vẫn cứ mơ, mơ hoài, những giấc mơ đẹp, những
nụ hồng rũ cánh buồn hiu khi chưa kịp nở một cánh nhỏ
ngát hương nào, nhỏ thấy mơ hồ và thương ơi cái hình ảnh
đó.
Nhỏ mới đi phố về, phố chiều êm và sâu. Qua mấy tủ kính
thấp thoáng mắt môi trôi nổi, nắm tay nhỏ bạn, tay lạnh
run, đầu trống không. Hồn tôi bỏ tôi mà đi đâu mất biệt.
Về trường, thấy Soeur cười đẹp như con gái, thấy nhà thờ
lặng lẽ lãng mạn sương mù, thấy một chút máu rớt xuống
chân thành đá. Có phải, một chút nhớ mù khơi, một chút
hồn phố cũ thức giấc trở mình đau xót mấy chục con mắt
quay lui quay ngược. Nhỏ vẫn vậy, quẩn quanh hoài cái
đuôi cụt lê thê hệ lụy của mình.
Ừ, tháng năm ông vào quân trường bỏ một lớp áo và lấy
một lớp áo, mới mẻ, ngượng ngùng. Chúc ông vui, ông
buồn, mắn may, may mắn. Ừ, tháng năm nhỏ rời chào sách
vở, này thi cử, này những ngọn đèn cầy thắp lén leo lét nửa
đêm sâu lạnh, này những cơn trở mình không yên chữ
nghĩa, những yếu đuối lướt qua, những mỏi mê cúi
xuống... có còn một lỗ trống nhỏ nào cho ông nghĩ, nhỏ
nghĩ, đến nhau một khoảnh khắc nào không? Hay quên,
quên mất. Ngó lại. Lặng câm. Xa lạ. Ừ, ông, ông có một
đời mù ngạo mạn còn nhỏ thì ngàn năm tỉ năm mù đời mất
mát. Nhỏ thả cho bóng bay, nhìn theo, ngẩn ngơ nước mắt
vắn dài, nuối. Còn hơn, nhìn bóng vỡ ngay trong tay nắm,
đau xót, ích chi.
Đêm nào mẹ cũng đứng đầu giường, nhìn nhỏ cười và bảo
nhỏ học ngoan học chăm. Thương mẹ quá đi ông, nhỏ
không đời nào thích làm mẹ buồn hết.
Nội trú quặn ruột buồn, ông nói cái gì cho nhỏ vui một
chút, than hoài làm nhỏ thở theo...
Anh biết nói cái gì cho nhỏ vui một chút bây giờ? Ngoài
những mẩu chuyện đời anh tràn trề bóng tối, ngoài những
cay cú, oán hờn ngậm búng trong chuyện nhiều năm. Nhỏ
có sân trường tuổi thơ xúm xít bạn bè để luyến tiếc. Anh
có đôi người tình học trò điêu ngoa, vài ông thầy tàn nhẫn,
dăm anh em kết nghĩa phản trắc để nhớ nhung. Nên, anh
yêu khí hậu rét buốt, yêu sương mù, yêu mẫu người bệnh
hoạn. Nhỏ kể lể nhỏ mặc cảm về chứng đau tim nghiệt ngã
càng nhiều, anh càng lao vút tới bởi đau thương là cổng
chính của tình yêu.
Giờ này, trên ấy, nhỏ đang làm gì đó nhỏ? Anh đang quay
mòng mòng nhớ nhỏ đây. Anh đang hình dung những con
đường sương sa mù mù thành phố lặng, cao vời, tĩnh mịch,
êm ru, có sườn núi lầm lì, có sườn đồi cỏ mượt với đàn bò
thảnh thơi, có lũ thông già nhân danh mùa đông, có anh lêu
khêu lom khom quàng vai nhỏ xinh xắn, mũm mĩm, thấy
ghét. Anh đang thèm cắn vào đôi má phinh phính hồng
ngon lành như cắn ngập răng thứ trái cây gì chín mọng
ngọt ngào hương. Gần hai năm, một núi thư từ, lá nào cũng
tỉ tê, đổ trút tâm sự vào nhau, vậy mà, xa cách vẫn cách xa.
Gần bốn năm quen, mình vẫn không hơn không kém, chỉ là
hai kẻ biết mặt biết tên biết tuồng chữ nhau. Một giáng
sinh và một tết nguyên đán rồi, làm sao anh gửi thư đòi lên
thăm nhỏ cũng đều bị cúp liên lạc ngắn hạn.
Chiều đang chầm chậm kéo lôi từng vạt nắng lưu luyến
trên những mái nhà. Thành phố sắp sửa lên đèn. Hoàng
hôn bắt đầu lan tỏa một cách quí phái bằng chút mỏng mù
sương. Tôi vuốt tóc nàng, mềm mại bàn tay gian dối. Nàng
ngồi im mơ màng. Hạnh phúc chỉ đến với người mới biết
yêu. Đời sống hạnh phúc chỉ thích thú đối với kẻ mơ
mộng. Có lần nàng khóc tầm tã trong ngực áo tôi, bởi lần
ấy tôi quá mạnh tay lôi nàng về thực tế. Hạnh phúc đôi tình
nhân khác hẳn hạnh phúc gia đình, em hãy ghi nhớ điều
đó, và đừng bao giờ nghĩ rằng người yêu tuyệt vời sẽ là
người chồng xứng đáng. Anh suốt đời có lẽ, không đủ tư
cách làm chồng ai cả. Nếu anh nói thế thì ngay từ bây giờ
mình nên xa nhau, để em còn kịp thời quên lãng, em hy
sinh tình đầu cho anh khỏi bận tâm. Tôi kiêu ngạo hỏi, nổi
chăng? Nàng quay chỗ khác, khẽ gật. Tôi im. Cả hai bất
động. Một lát, hết nhẫn tâm được nữa, tôi đặt tay lên tóc
nàng, nói nhỏ, thôi em... Và nàng cũng đuối sức dằn nén,
khóc mùi, khóc nấc... Sau đêm ấy tôi đành phó mặc, nàng
tin tưởng hy vọng gì nơi tôi, thây kệ. Khi tình yêu lên
tiếng, người ta chống đối tất cả mọi sự thật khách quan.
Cuối tháng mười một Tây. Tôi hớp ngụm café, chậm chạp
nhìn quanh một lượt, nói:
- Anh thích ngồi dưới những mái thấp, thích cảm
tưởng dưới hầm.
- Và thích nhộn nhịp?
- Đôi khi. Nhưng nhộn nhịp khác xô bồ.
- Vậy sao anh lại thích đến đây?
- Vì đã vài lần được hưởng không khí quán vắng.
- Chỉ vào buổi sáng.
- Cũng có buổi chiều.
- Rất hiếm.
- Anh hay chơi trò hy vọng. Trước khi tới hy vọng
quán vắng, tới rồi thì ngồi đợi với hy vọng khách
thưa dần.
Nàng cười:
- Khách càng lúc càng đông hơn!
Tôi lui ghế đứng lên xốc áo, vui vẻ:
- Thì mình về.
Giờ này, trên ấy, nhỏ đang làm gì đó nhỏ? Đang dõi đôi
tằm buồn rười rượi ngó mông mênh sương đục, lạnh se tóc
thề? Đang chăm chỉ học hành lo mùa thi tới? Đang chọn
màu len đan khăn quàng cổ cho anh như đã hứa? Hay đang
chuẩn bị viết bức thư dài, chờ qua giáng sinh mới gửi, từ
chối muộn màng lời hò hẹn tình anh?
Có bao giờ nhỏ nghĩ rằng anh là kẻ suốt đời chơi trò chơi
hy vọng? Biết trước nạn tai nhưng vẫn lì tin gặp gỡ ngày
lành!
Chị giúp việc ra mở cổng. Tôi nhìn vô nhà thấy trống trơn
nên hỏi anh đi đâu giờ này vậy chị? Chị đáp cậu chở mợ đi
từ hai giờ trưa, hổng biết đi đâu, em chờ cơm hụt hơi. Trời
tối hẳn. Trước khi đẩy xe vào sân tôi quay nhìn nàng dọ ý.
Nàng tỏ vẻ bằng lòng nán chơi.
Việc đầu tiên, thành thói quen, ghé nhà ai tôi hay xăm xăm
tới kệ sách. Nàng lại giường bế xốc đứa bé gái nhỏ lên
nựng nịu, trong khi tôi lúi húi lục lạo.
Chọn sách xong tôi bật ngọn đèn hiên, ra ngồi bệt xuống
đất, dựa vách, đọc lam nham. Ánh điện vàng phả trên trang
giấy cũ, trên mấy cành hoa sứ lay lay, trên vuông cỏ kiểng
cọng ngắn to bản mà anh chị Lịch mất hàng tháng công lao
tha từng ụ về bồi đắp dần dà, trên hồ cá nhỏ đào giữa sân,
và xa hơn chút xíu, trên những chiếc lá trúc đào thuôn
động đậy, hòa nhập cùng cái lạnh gay gay, tưởng như mình
đang sống ở miệt ngoại ô nào Âu châu, hình dung qua
phim ảnh. Em ơi, tôi gọi. Dạ. Ra đây. Dạ...
Bỗng nhiên tôi nghĩ đến một tổ ấm, một đôi uyên ương,
nên muốn cạnh nàng. Phải chăng mùa đông và ngôi nhà
xinh xinh yên tĩnh của anh chị Lịch đã quyến rũ tôi rồi?
Hồi nãy nếu định đến đây, tôi nói, thì anh đã bảo em rời
quán sớm hơn, để mình xem cá vàng. Nàng hỏi to không
anh? Vừa vừa, ông Lịch thả chung đủ thứ, cá trê cá lòng
tong cũng có. Chúng không thịt nhau à? Biết đâu, anh có
nói cá vàng dễ chết lắm, mà anh Lịch cứ bướng. Mùa đông
thả từng ngụm gió rời rạc, nhẹ, ngắn, xuống đồng miền
Nam như những bước chân lững thững của một người đi
chẳng thiết tới.
- Anh.
- Hả?
- Em quên mang áo len theo rồi.
- Lạnh à?
- Hơi thôi, nhưng em đang bệnh, sợ tí nữa đường về trúng
gió.
- Chút nữa anh chạy chậm chậm. Bịnh gì mà mấy tháng
chưa hết?
- Cảm, ho.
- Cảm gì tới mấy tháng lận?
- Tại em sợ thuốc lắm.
- Hư vậy còn nói nữa.
- Anh.
- Hả?
- Mắng em...
- Đáng!
Nàng phụng phịu ngồi dậy. Tôi cười:
- Bé con.
- Ờ, bé con thế đấy.
- Cà chớn!
Nàng dẫy nẩy:
- Á... à... Anh nói em vậy đó hả? Hổng chịu đâu... hổng
chịu đâu...
Tôi chọc thêm:
- Biểu diễn luôn màn khóc nữa cho đủ bộ. Mít ướt.
 - Không thèm.
Mặc cho nàng giận dỗi, tôi vờ tỉnh bơ đọc sách. Đôi lúc
thầm thì nhỏ to, nàng trách tôi hay vô tình nói nhiều câu
khiến nàng có cảm tưởng tôi xem thường nàng quá. Tôi
phải vuốt ve an ủi mãi. Em nghĩ vậy sao được, nếu xem
thường em thì chẳng khi nào anh chịu khó bỏ cả ngày trời
ra dỗ dành. Dỗ dành là một lẽ, xem thường là một lẽ! Nói
vậy mà cũng nói, xem thường thì dỗ dành làm chi? Tại tính
anh đặc sệt Nam kỳ, đã coi nhau như người nhà rồi là ít để
ý để tứ lời ăn tiếng nói lắm. Tự dưng, nàng khóc thật vô
duyên. Tôi nhăn mặt hỏi khóc gì mà khóc kỳ cục? Nàng
ấm ức, em cứ nghĩ anh xem thường em, mà tại sao... em lại
thương cái tính đó của anh... Nàng lẳng lặng đứng lên bỏ
vào nhà, còn mình tôi với vài mẩu bực mình, vài mẩu suy
tưởng, vài mẩu nhớ nhung.
Khi yêu cuồng nhiệt con gái dễ lộ rõ chân tướng. Trong
giai đoạn tình nhân giao du lẩm cẩm tranh tối tranh sáng
này đáng lẽ, nàng phải tế nhị và cần thiết nhất là phải tỏ ra
nể nang tôi càng nhiều càng tốt, đàng này, nàng lại rình rập
tìm đủ cách hỏi chận đầu chận đuôi, ghen tuông bực mình.
Nàng sẽ đau lòng chết được nếu biết rằng tôi chẳng bao
giờ liều lĩnh cưới một bà vợ có máu Hoạn Thư. Từ hồi biết
yêu đến giờ, tôi tìm hoài, sao chưa gặp mối tình nào vừa ý,
tại tôi chăng?
Hơn tám giờ anh chị Lịch về. Anh người. Bắc, chị người
Trung lai Nam. Hai người thương tôi như ruột thịt. Vừa
thấy tôi anh đã kêu:
- Ủa, tưởng em về Biên-hòa rồi chứ.
Nàng bước ra chào, tôi chỉ:
- Giữa đường gặp mưa lớn.
Anh nhướng mày, đùa:
- Cái này không phải mưa. Bão!
Chị nhìn chúng tôi cười trìu mến. Thời anh chị đã qua.
Những ngọt bùi tình yêu đã trở thành những cắn đắng vợ
chồng. Sự nghèo túng bực bội lâu năm chày tháng nuôi
nấng chật lòng ân hận. Qua nụ cười giòn tiềm ẩn men
chua, qua câu nói nửa đùa nửa thật, nghệ sĩ ngắm xa xa
 thấy tuyệt lắm, ai tưởng bở đến gần là chết! Tôi hiểu chị
muốn nói chị lỡ lầm chống đối các ông anh, vượt mọi trở
lực ghê gớm gia đình trước ngày đám cưới, chạy điên
cuồng theo tiếng gọi lừa dối của tình yêu, chị muốn nói
anh Lịch gạt gẫm chị tàn nhẫn quá, anh đã bỏ vợ con để
đeo đuổi chị tới cùng, hậu quả bây giờ một mình anh hào
hiển gánh gồng, đồng lương quân đội chia tam xẻ tứ! Tôi
thương anh chị có thể nói sánh sau bố mẹ mà không
ngượng miệng, nhất là anh, nhưng tình thương của một
thằng thất nghiệp chỉ ăn hại và phiền toái kẻ “bị” thương!
- Cô cậu ăn cơm chưa?
- Thưa rồi chị. Tụi em ăn mì.
- Ai bao?
- Em.
- Tốt, tôi cứ tưởng cậu lại bắt cô bao. Lớn rồi, liệu kiếm
việc làm nuôi vợ chứ.
- Chị khỏi lo, em sẽ nuôi bằng thuốc lá với cà phê.
Chị nheo mắt, hỏi gặng:
- Gì chớ? Cậu nói gì tôi nghe không rõ? Tàn thuốc lá với
bã cà phê hả?
Anh Lịch cười, phụ họa:
- Cô ráng học ra trường, kiếm tiền nuôi lấy thân, chứ đừng
dại dột trông vào thằng này.
Rồi quay sang chị bảo:
- Thôi mình vào ăn cơm.
Hai đứa tiếp tục ngồi hàng hiên ánh điện vàng mái tóc, tình
yêu thở nhịp bình thường, cũng có nghĩa là tình yêu đang
hấp hối.
Giờ này, trên ấy, nhỏ đang làm gì đó nhỏ? Đang cuộn
mình trong chăn? Đang chui xuống... gầm giường thắp đèn
cầy leo lét? Đang đọc kinh buổi tối? Hay đang chết giấc
chửa hồi sinh?
“... Ông coi, con nhỏ đau, phòng ngủ vắng ngắt lạnh tanh,
tụi nó đi học hết bỏ con nhỏ một mình lủi thủi, loay hoay
với cái mền dầy tận ngực, chơi với mấy con muỗi đói,
chán, chơi với nghìn nghìn sợi mưa xiêu ngoài trời, chán,
 nên lôi giấy ra tiếu ngạo với ông, ông ạ.
Nói cho Ông nghe, nghe.
Ngày xưa đệ tứ đệ ngũ chi đó, nhỏ đã xé một trang vở và
viết cho một người lớn mấy chữ: “Em cười với tình nhưng
em không thích sánh bước đi với tình”. Bây giờ thì vẫn
thế, dường như nhỏ sợ những cái tầm thường của con
người, nhỏ sợ những vết thật làm lem luốc cõi yêu thương
nhỏ nước mắt vẽ vời từ thuở biết nuôi tóc dài, biết yêu
phòng riêng, biết soi gương khóc nuối. Nhỏ kỳ cục thế,
ông thấy không vô duyên đời nữa, nên không ai ưa nổi hết,
nhỏ cũng thèm mà cần, trời sinh ra ta là để phớt tỉnh, coi
mọi người như coi ta, chẳng là cái gì hết. Cũng như ông
chả là cái gì của nhỏ, nhỏ cũng chả là cái gì của ông, ông
đùa nhỏ đùa, cho đời vui vẻ một chút, cho hồn cao nghêu
một chút, trong lẽ đời, không mấy vui này. Nhỏ vui thắt
ruột thắt gan ông ơi. Vui muốn đạp tung hết mền hết chăn,
đau. Những cơn kích ngất đấy, vẫn còn quyến luyến thủ thỉ
tình nhân với nhỏ hoài, ông chẳng biết chi hết...”
Hình như mình càng nói năng càng thở vắn than dài tâm sự
càng mờ mờ mịt mịt về nhau. Và hình như, tình yêu khởi
đi từ cõi mịt mờ nhòa nhập ấy.
“... Đời vung chân đá ông lăn lông lốc bao nhiêu lần rồi hở
ông? Mà hồn ông vẫn mới với những cuộc chơi mới, phục
ông ghê á. Hồn nhỏ chưa kịp mới mà đã cũ mèm rồi nhỏ
cũng phục nhỏ ghê à!
Đếm trên đầu ngón tay đi rồi thật thà kể cho nhỏ nghe
những nụ tình hồng đã qua, đã mất cũng như đang nở bung
trên tay ông. Thèm nghe chuyện mọi người, đời sống hay
ho lắm ông, nhất là đời sống thấm rịm yêu thương.
Có khi nào ông nghĩ được cái điều này không, cái điều nhỏ
thèm làm con trai, không đùa đâu, thật tình là thèm nghênh
ngang như con trai, con trai muốn nói gì thì nói, đi đâu thì
đi, sống sao thì sống, không có cái cảnh che che phủ phủ,
trong lòng sóng nổi mà ngoài thì cứ như, cứ như cái gì ông
nhỉ? Coi nhỏ như một tên bạn trai nào đó của ông được
không?
Thật tình là coi ông như ông bạn lớn, chân tình. Ông ạ...»
 Có bao giờ nhỏ nghĩ rằng anh lãng mạn đến độ tìm yêu
một nàng con gái mắc chứng bệnh tê liệt dạo nào? Tình
yêu phải chăng, là mũi tên xé gió lao vào bia hạnh phúc mà
hồng tâm là đích đau thương?
Tôi vuốt tóc nàng làm lành:
- Lâu lâu anh nói chơi, đừng giận.
- Mặc em.
- Thôi mà…
Nàng lẩm bẩm:
- Ở xa thì nhớ, ở gần thì tức.
Tôi mỉm cười:
- Thôi tức chi cho mệt. Ngoan coi nào.
Thưa quý vị,
Truyện viết đến đây là mười dòng đầu của trang đánh máy
thứ mười hai. Đoạn ba này, tôi định gom hết tài nghệ ra tả
một chiếc cầu với hai hàng đèn xa lộ mù sương, tôi định
gom hết vốn liếng chữ nghĩa ra nói sạch bách, nói thỏa
mãn lần này, về nỗi đắm đuối của gã quanh năm chờ đợi
mùa đông để được hưởng thú lang thang trong sương mù,
tôi định cho câu chuyện kết thúc ở cuộc đưa tiễn nhau vào
lạnh lẽo…
Nhưng tôi bỗng khựng, điếng, tiêu tan!
Lý do, vừa nhận được phong thư đóng dấu bưu điện Đà
Lạt, chứa một tờ giấy tập trắng và một bức ảnh nhỏ. Cô bé
mặc váy, áo trắng ngắn tay, mũm mĩm, lí lắc đứng nơi
vườn hoa nghiêng đầu cười với tôi, thấy ghét…
Tôi phải đi nằm. Bắt đầu trò chơi hy vọng mới: xoay được
tiền đủ cho đêm hăm bốn và hăm lăm tháng mười hai Tây
tới đây không ai có thể tìm thấy tôi ở thành phố đồng bằng.
Tôi sẽ viết thư báo tin ông bạn Hòa đa, đừng gửi kịch bản
vô ích.
Nguyễn Tất Nhiên
(Tuổi Ngọc số 151)

---------------------------


SỐ 58 THÁNG 12– 2013
Thư Quán Bản Thảo - Tạp chí văn học nghệ thuật
TẬP 58, THÁNG 12, NĂM 2013
Chủ đề: GS & Tính nhân bản trong Văn chương MN
MỤC LỤC
Thư Tòa Soạn / 3
Sống và Viết / 5
● Phay Van (5) ● Lưu Thủy Hương (8) ● Huyền Chiêu
(17) ● Nguyễn Kim Tiến (20) ● Trần Thị Nguyệt Mai
(25) ● Hạnh Thảo (29) ● Đoàn Xuân Thu (32) ● Trần
Hoài Thư (37) ●
Chủ đề tính nhân bản trong văn chương miền Nam
Trần Hoài Thư: Hình như cây súng con lạ lắm (41)
Phạm văn Nhàn: Vài suy nghĩ : Có phải Văn Học MN Trg
Thời Chiến Là Một Loại Hình Văn Học Đích Thật? (59)
Doãn Quốc Sỹ: Mây trắng, nước xanh, người tử tù (66)
Trần Hoài Thư: Em bé và con chó con (79)
Cao Thoại Châu: Tôi và văn chương miền Nam (88)
Di sản văn chương miền Nam
Mai Thảo: Lá cờ đỏ chói (96)
Nguyễn Tất Nhiên: Như màu trang vở cũ (106)
Nguyễn Xuân Hoàng: Ý nghĩ trên cỏ (119)
Di sản văn học
Bình Nguyên Lộc: Gương mặt của dân Lạc Việt qua ngôn
ngữ VN (126)
Chủ đề Giáng Sinh
Nguyễn Thị Thanh Sâm: Người ta sống bằng gì? (137)
Song Linh: Bên này thiên đường (173)
2 Đặng Kim Côn: Ánh mắt chiều Giáng Sinh (186)
Sáng tác mới
Văn
Khuất Đẩu: Con mèo (192)
Hoài Ziang Duy: Có đời sống thực (201)
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh: Từ Một Góc Đời (214)
Thơ
● Chu Trầm Nguyên Minh (225) ● Mai Quang (227) ●
Trần Vạn Giã (228) ● Đinh Thắng (230) ● Lưu Trọng
Tưởng (232) ● Đinh Cường (234) ● Nguyễn Thị Khánh
Minh (236) ● mhhoàilinhphương (237) ● Tuyết Linh
(239) ● Nguyễn Dương Quang (241) ● Nguyễn Thanh
Châu (242) ● Nguyễn Hàn Chung (244) ●
Đọc sách
Hoàng Ngọc Hiển: Đọc « Truyện từ Văn » của Trần Hoài
Thư (245)
Giới thiệu sách báo / 256
Phạm văn Nhàn phụ trách
Giữa thân hữu và tòa soạn / 264
Tranh bìa : Họa sĩ Đinh Cường
Trang trí bìa: Trần Hoài Thư
Tòa soạn:
719 Coolidge Street
Plainfield, NJ 07062 USA
Email: thuquanbanthao@yahoo.com

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Melaka - Boracay ...

"Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em..."
George Harrison