Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Nhạc tình miền Nam trước 1975- Những con đường tình nào ta đi?

Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé

Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ…

… Hỡi người tình Văn khoa, bóng người trên hè phố

Lá đổ để đưa đường cho người tình Trưng Vương

Hỡi người tình Gia Long, hỡi người trong tuổi sống        

Con đường này xin dâng cho người bình thường…”

 

Có lẽ bất cứ ai lớn lên ở miền Nam Việt Nam từ trước 1975 đều biết và yêu mến giai điệu thiết tha cùng những ca từ  đẹp như thơ  trong các tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, một trong những cây  đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Và tôi xin được mượn một đoạn từ nhạc phẩm Con đường tình ta đi của ông, một bài hát đã làm say đắm biết bao trái tim học trò thưở ấy, để mở đầu cho entry ghi chép lại những cảm xúc và tích cóp của mình về một dòng nhạc mà tôi thật sự yêu mê từ những ngày đầu cắp sách tới trường, vì đó chính là “tiếng nước tôi”, hay là âm giai  của trái tim tôi – đó chính là Dòng Nhạc Tình miền Nam  trước 1975.

Nhạc tình trước 1975,  ngày xưa cách đây hơn 30 năm, tôi được biết người ta gọi chung là “nhạc vàng”, tôi thật sự không hiểu chữ “vàng” ở đây có nghĩa là gì, có thể là để phân biệt với thể loại “nhạc đỏ”được sáng tác ở miền Bắc, và không được phép lưu hành trên lãnh thổ VN từ sau sự kiện 30/4/1975.Theo tư liệu tra cứu từ internet, “nhạc vàng” chính xác hơn là thuật ngữ dùng riêng cho dòng nhạc tình bolero, rumba, với lời nhạc  mộc mạc dễ hiểu, và gần gũi với giới bình dân, mà chúng ta thường gọi là “nhạc sến”. Song song với loại nhạc bình dân này, đã xuất hiện những phong cách khác, như nhạc phản chiến, nhạc du ca, kích động nhạc, và một thế hệ nhạc sĩ mới xuất hiện như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương đã viết nên một dòng nhạc hoàn toàn khác với nhạc vàng, có hơi hướm của nhạc tiền chiến, nhưng ca từ và cách thể hiện trực diện hơn, mang chủ đề chính là tình yêu, con người và cuộc sống. . Đóng góp lớn cho kho tàng  tình khúc này phải kể đến  nhạc sĩ kỳ cựu Phạm Duy.  Và thể loại nhạc  mới này không có một thuật ngữ riêng  nào để phân biệt, nên gọi chung là “Những tình khúc giai đoạn 1954-1975”. Đó chính là dòng nhạc tình đã nhận được sự ngưỡng mộ và ủng hộ nồng nhiệt của tầng lớp trí thức trẻ phía nam cầu Hiền Lương trong suốt 20 năm.

Thật sự trong phạm vi bài viết này tôi chỉ có ý tưởng là lưu lại những rung động lãng mạn  đã đi qua nửa cuộc đời  mình, cũng như của nhiều người có cùng  nhạc cảm, được hình thành từ “những tình khúc thưở ấy” cùng các nhạc sĩ tôi đã từng ngưỡng mộ, và phần nào những xúc cảm đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của chính tôi. Những rung động ấy, tự nó cũng đã là kỷ niệm, dù không biểu hiện bằng một hình thái cụ thể nào cả,  nó như một chất xúc tác gợi lên trong nhận thức mỗi con người những suy tưởng thi vị, ngọt ngào mà cay đắng, hạnh phúc mà  cũng không ít đớn đau … Nhưng nếu kỷ niệm ấy chỉ mãi được cất giữ trong trái tim riêng mình, tôi bỗng thấy buồn vì rằng một ngày nào đó nó sẽ theo mình mất hút vào hư vô như định luật tất yếu của tạo hóa, hoặc giả nó sẽ bị phôi pha bởi sự già nua của bộ nhớ con người. Vì vậy tôi cảm thấy mình cần phải viết lại những cảm xúc này, chuyển tải tâm tư qua những dòng văn xuôi, để thế hệ trẻ trong gia đình tôi sau này, có thể đọc và cảm nhận, dù chỉ là một phần nào đó, nét đẹp nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, cùng sự tinh tế luôn ẩn chứa nhiều ý nghĩa triết lý về đời sống trong các tình khúc VN trước đây,  mà thế hệ  chúng tôi đã từng một thời say mê. Đặc biệt là giành cho lớp trẻ hiện đang sinh sống ở nước ngoài, mà chắc chắn họ đang  và sẽ lãng quên dần cái hồn tinh túy của ngôn ngữ trong âm nhạc VN.

Khi bàn về âm nhạc miền Nam giai đoạn đất nước còn bị chia cắt, có thể nói hầu hết  mọi người, kể cả người ngoại quốc, đều đầu tiên nghĩ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bởi sức sáng tác mãnh liệt cũng như ảnh hưởng sâu rộng từ những nhạc phẩm của ông đến với tầng lớp thanh niên, sinh viên học sinh, trí thức trẻ thời ấy, và như nhận định của hầu hết giới chuyên môn văn hóa nghệ thuật, họ Trịnh là một nhạc sĩ lớn hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam thế kỷ 20. Giữa lúc thế cuộc ngổn ngang, chiến tranh bom đạn tàn khốc, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, thì vấn đề suy tưởng về thân phận con người tất nhiên trở thành nỗi niềm chung của lớp trẻ. Và vì thế, ngay cả trong tình yêu vẫn nhận thấy thấp thoáng sự trăn trở ấy qua hơi thở của những bản nhạc tình. Có thể nói, Trịnh Công Sơn  là nhạc sĩ  đầu tiên đã lồng ghép vấn đề  thân phận con người vào  tình ca với hàng loạt tác phẩm mang dấu ấn của thời gian như Ru ta ngậm ngùi, Tình xót xa vừa, Cỏ xót xa đưa, Đóa hoa vô thường, Một ngày như mọi ngày, Bên đời hiu quạnh….

 Đã có một thời gian dài, người ta lên án mạnh mẽ dòng nhạc này, cho rằng đó là loại nhạc tình cảm ủy mị ru ngủ thanh niên. Người ta phản bác và thậm chí cấm không cho nghe, không cho hát…! Nhưng điều gì đã được cuộc sống công nhận là giá trị nghệ thuật  thì sẽ mãi mãi hiện hữu trong nhận thức và đời sống thực tế của con người. Nhạc tình miền Nam vì thế vẫn tồn tại một cách âm ỉ  và ngay cả mạnh mẽ. Lớp thanh niên vẫn ngày ngày rủ nhau ra  quán café cóc, nghe những cuốn băng cassette với Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Duy Quang…; bọn học trò thì tụ họp đàn hát và chuyền nhau những tập nhạc viết tay các bài hát rất thơ mộng ngọt ngào mà sâu xa khắc khoải như Tình nhớ (TCS), Vũng lầy của chúng ta (Lê Uyên Phương), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Trả lại em yêu (Phạm Duy), Trên đỉnh mùa đông (Trần Thiện Thanh), Bây giờ tháng mấy (Từ Công Phụng), Những bài không tên (Vũ Thành An)Đã là nhạc tình thì chắc hẳn phải viết về tình đôi lứa, nhưng bàng bạc trong tình yêu, trong niềm đau của sự tan vỡ nào đó, vẫn là nỗi day dứt về thân phận nhỏ bé và chông chênh của con người ở thời đoạn đất nước ngập chìm trong đạn bom máu lửa, khi chiến tranh và lòng hận thù, sự giết chóc… hầu như khóa kín mọi ngõ tương lai của tuổi thanh xuân,  mà các nhạc sĩ đã muốn gởi gấm đến công chúng của họ; như chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói lên quan điểm sáng tác của mình “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…” Quả vậy, cuộc sống  đã trở nên hư ảo, một khi con người đã không còn có khả năng nuôi lớn cho mình một ước mơ, tất cả sẽ đột nhiên vụn vỡ và trở thành phù du nếu bỗng một ngày nào đó  “Anh trở về chiều hoang trốn nắng, poncho buồn liệm kín hồn anh. Anh trở về bờ tóc em xanh, chít khăn sô trên đầu vội vã…”(Kỷ vật cho em – Phạm Duy). Chính vì vậy mà hầu hết các nhạc phẩm thời kỳ này đều nhuốm  màu sắc của sự ai oán, sự cô độc và lạc lõng, đôi khi mất định hướng. Nhưng cũng chính cái nét buồn và đẹp đến não nề ấy mà nhạc tình VN đã để lại trong  lòng công chúng yêu nhạc sự bồi hồi thổn thức, bởi những giai điệu và ý tình ấy  đã chuyên chở được nỗi niềm của cả người nghe lẫn người hát. 

Có thể khẳng định rằng, xu hướng viết nhạc tình từ cái nhìn  bi quan về cuộc đời là khá phổ biến trong hầu hết các nhạc sĩ và nhạc phẩm. Đầu tiên phải nhắc đến Vũ Thành An, nhạc sĩ nổi tiếng một thời với lọat tình khúc Những bài không tên, đã làm đắm đuối  giới trẻ ngày ấy qua tiếng hát của Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu….Nhận xét về nhạc Vũ Thành An, nhà thơ Du Tử Lê đã viết :

“Ðó là lúc Tình Khúc Thứ Nhất, rồi Những Bài Không Tên, xuất hiện. Sự xuất hiện của đời nhạc Vũ Thành An, lập tức, là một đáp ứng, đắp bù cho những thẳm sâu thiếu hụt; cho những đáy cùng bơ vơ -  Những đáy cùng lạc loài, mất hướng thanh xuân.Ðời nhạc Vũ Thành An, thế đó, đã là những phủ dụ, đã là những dỗ dành, lê lết về sự sống. Dù sự sống, phía trước, cũng chỉ là tuyệt vọng chan chứa: Hãy cố yêu người mà sống – lâu rồi đời người cũng qua…”

Những muộn phiền trong tình yêu, sự hoài nghi con người và chán chường cuộc sống, được các nhạc sĩ thể hiện  trong phần lớn các ca khúc : Lê Uyên Phương với Vũng lầy của chúng ta, Cho lần cuối; Từ Công Phụng với Đêm không cùng, Trên ngọn tình sầu; Trịnh Công Sơn với Tình sầu, Tình xa, Tình xót xa vừa…; bằng những giai điệu mênh mang chùng sâu, đa phần là điệu slow, slow rock, blues, boston, và cách sử dụng từ ngữ mang nhiều tính cách điệu, ẩn ý, có khi phổ từ các bài thơ, người nghệ sĩ đã khơi gợi được trong lòng thính giả yêu nhạc những nỗi riêng mang thầm kín. Và đó chính là điều cần thiết, là sứ mạng đặc biệt mà nghệ thuật âm nhạc đã đem lại cho cuộc sống con người. Thiếu điều đó, âm nhạc sẽ bị tách rời khỏi phạm trù nghệ thuật.

Tình yêu từ muôn thưở vẫn là đề tài chính đối với âm nhạc. Bởi thế  cho nên người ta không lấy làm ngạc nhiên khi hầu hết các nhạc sĩ đều có đời sống tình cảm rất phong phú. Đó chính là nguồn cảm hứng cho họ trong cuộc đời sáng tác. Và tất nhiên, mỗi cuộc tình tan vỡ, mỗi người tình đi qua đều để lại dấu vết trong các bản tình khúc. Khác với nhạc tình bình dân có giai điệu đơn giản, dễ hát, ca từ thông thường, dòng “tình khúc 1954-1975” này được một số giới gọi là “nhạc sang” do mang âm hưởng của nhạc thính phòng, về mặt ngữ nghĩa thì phảng phất tính triết lý và đậm chất tự sự, tự vấn, khi thể hiện nhân dáng của tình yêu. Do đa số các nhạc sĩ  khi ấy đều còn trong độ tuổi thanh xuân, nên sức sáng tác của họ cực kỳ mãnh liệt, mức độ  rung động nhạy bén và diễn đạt tâm trạng, nỗi ưu tư  một cách trực diện bằng chính nhân sinh quan  của người trí thức trẻ trong bối cảnh xã hội loạn lạc và quá nhiều mất mát ngày ấy.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng, mà những tình khúc của ông có thể nói là một style rất đặc biệt, nhạc của ông  khó biểu diễn vì âm giai tiết tấu khá phức tạp, và ngôn ngữ trong nhạc phẩm của ông như một giòng suối lãng mạn cuồn cuộn chảy luôn hàm chứa sự khắc khoải cũng như những ước vọng tình yêu, trong những lần trò chuyện cùng báo giới trong và ngoài nước, ông đã bộc bạch quan điểm viết nhạc tình ca:

  Nếu chúng ta có một thời để sống và một đời để chết, thì thời của thanh xuân là một thời đẹp nhất để sống, để dấn thân, là thời mang nhiều dấu ấn của tình yêu, và đó chính là thời sáng tác mạnh nhất….”

“Tôi tôn thờ tình yêu nên cuộc đời của tôi luôn gắn liền với tình ca. Trong gia tài hơn 100 ca khúc, tôi toàn viết về tình yêu thôi…Tình yêu bao giờ cũng bền bỉ, lâu dài và tạo nên tinh thần tốt đẹp, một sức sống mới cho nhiều người. …Trên đời còn những người yêu nhau thì nhạc tình vẫn sẽ được đón nhận. Tình ca như một tấm gương soi mà khi đi qua đó, mọi người đều thấy phần đời mình. Khán giả tìm về những bản tình ca xưa cũng là cách để họ tìm thấy chính mình trong đó”.

“Tôi muốn nói về hạnh phúc thật mong manh để lại trong ta những chuỗi ngày buồn sau khoảnh khắc hạnh phúc tan biến. Các bạn có thấy khi ca ngợi những niềm đau trong tình yêu qua tình khúc là muốn nói đến sự cần thiết của tình yêu trong đời sống chúng ta. Niềm đau đớn hiểu theo một cách khác cũng là một thứ hạnh phúc còn đọng lại trong cuộc đời chúng ta như là một hành trang cho những suy nghĩ về cuộc đời”

Thật vậy, nhạc tình Từ Công Phụng luôn sang trọng mà gần gũi, thích hợp với thị hiếu khán giả yêu nghệ thuật, vì đã  chạm được đến thẳm sâu của đời sống tình cảm con người. Bàng bạc trong các tình khúc của ông  là niềm đau để lại sau những  hạnh phúc vụn vỡ.

Diễn tả sự cô độc khi cuộc tình đã chia xa, Từ Công Phụng viết

Buồn rơi trên tâm hồn lẻ loi, thương hình hài con người nhỏ bé
Nghe bơ vơ tiếng ru ai về, ngủ đi người yêu

Tìm nhau từng đêm, mông lung nên không cùng
Và đêm xanh xao nên đêm gầy
Đêm bơ vơ như cuộc đời chúng mình
Và em, và tôi, và đôi môi dậy tiếng hát là chứng tích một cuộc tình
Trên giòng sông vỗ cánh bay đi

 (ĐÊM KHÔNG CÙNG )  

Hay một lời tạ tình hết sức chân thành với người yêu :

Một mai khi xa nhau
Người cho tôi tạ lỗi
Dù kiếp sống đã rêu phong rồi
Giọt nước mắt xót xa
Nhỏ xuống trái tim khô một đời tôi tê tái

(GIỌT LỆ CHO NGÀN SAU)

Vẻ đẹp kiêu sa, quý phái nhưng rất chân tình  của nhạc TCP không chỉ thể hiện qua giai điệu trầm bổng của thanh âm mà còn ẩn chứa trong hình ảnh lãng mạn giàu sức tưởng tượng phiêu linh khi diễn đạt nội tâm :

 

“Gom một chút nắng vàng. Hắt lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua. Em nhìn thấy chút gì. Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta”

(TRÊN THÁNG NGÀY ĐÃ QUA)

 

Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Còn dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen

(TRÊN NGỌN TÌNH SẦU)

Niềm đau trong nhạc tình Từ Công Phụng dẫu sao cũng vẫn là những nỗi đau dịu dàng, đủ để gợi nhắc những chia xa “ Em đi vào đời tôi, niềm đau em khôn lớn trong dịu dàng…”. Chính trong tình khúc Vũ Thành An, đó mới là niềm đau ngập ngụa đến mù lòa con tim, đến tê tái cả phận đời :

“ Khóc cho vơi đi những nhục hình. Nói cho vơi đi những tội tình….Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa.” (Bài không tên số 4)

Hay là những cuộc tình mịt mùng trong xót xa và đổ vỡ :

“Yêu nhau cho nhau một lần
Thương nhau thương cho một lần
Một lần thôi vĩnh biệt
Một lần thôi mất nhau

 

Đêm sâu mái tóc em dài
Buông xuôi, xuôi theo dòng đời
Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau”

(Bài không tên số 3)

Như đã đề cập ở trên, loạt tình khúc Mười bài không tên của Vũ Thành An như một dấu ấn đặc sắc của dòng nhạc tình VN. Có lẽ họ Vũ là người viết nhạc tình buồn nhất trong giai đoạn 20 năm này, còn buồn hơn cả Ướt mi và Tình xa của Trịnh Công Sơn. Cũng có lý do là chính tác giả đã gặp nhiều bất hạnh trong tình yêu của mình. Từng nốt nhạc của An như tiếng thổn thức của một trái tim không còn  lành lặn. Ngoài những bài không tên, Vũ Thành An còn một số bài có tên, trong đó được yêu thích và đánh giá cao nhất đó là Tình khúc thứ nhất, lời phổ thơ Nguyễn Đình Toàn. :

“Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai

Những cánh dơi lẻ loi ngủ trong bóng đêm dài

Lời nào em không nói em ơi.

Tình nào không gian dối…”

Phần nhạc của ca khúc này nếu được thể hiện độc tấu piano trong một đêm mưa thì có lẽ sẽ có khả năng  làm sóng sánh cả một ly rượu hoặc tách café trên tay ai đó!

Nỗi đau đớn trong nhạc VTA “thân anh rồi hoang phế, lê theo thời gian giông gió, thôi cũng đành cúi xuống cho mộng đời thoát đi…” không hiền hòa như nỗi đau của Từ Công Phụng, không triết lý như Trịnh Công Sơn, không nhẹ nhàng như Ngô Thụy miên, và cũng không dữ dội như Lê Uyên Phương. Nhạc của An có một phong cách rất riêng. Nói như Du Tử Lê, đó là thanh âm của sự lê lết bộc bạch một tâm tư chán chường trước cuộc sống không tình yêu không cả tương lai!

Khác với đa số các ca khúc VN được sáng tác thời gian gần đây thường có âm điệu hao hao như nhau, các nhạc sĩ trước kia có những phong cách rất riêng, từ “e nhạc” cho đến ngôn ngữ thể hiện, người thưởng thức nếu quan tâm và chú ý  có thể nhận biết ra ngay. Và đó cũng chính là điều đã làm nên tên tuổi cũng như sự ngưỡng mộ vĩnh cửu của một thế hệ thính giả VN đối với họ. Ngoài hai nhạc sĩ “đại thụ” là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, bên cạnh Từ Công Phụng và Vũ Thành An còn có một số nhạc sĩ đã đóng góp nhiều cho dòng nhạc tình VN như Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương…Trong số đó có lẽ nổi trội hơn cả là hai tên tuổi nhạc sĩ Lê Uyên Phương và Ngô Thụy Miên mà những tác phẩm ngay khi ra đời  đã tạo nên ấn tượng  sâu sắc cho giới trẻ ngày ấy.

Bản thân người viết bài  không trưởng thành trong giai đoạn này, thời ấy tôi vẫn còn là “nhi đồng”, chỉ bập bẹ vài câu “Nắng có hồng bằng đôi môi em…” hay “Trả lại em yêu khung trời đại học…”. Sau này khi bước vào tuổi hoa niên giai đoạn 75-85, tôi chỉ nghe lại những tình khúc vang bóng ấy bằng cách “nghe chui”, nghe anh chị,  bạn bè hát, hoặc len lén mượn về một hai cuốn băng và mở thật nhỏ, nếu để bị chính quyền phát hiện sẽ mang tội phản động!  Mặc dù chỉ được nghe lõm bõm như vậy nhưng tôi vẫn cảm nhận những đời nhạc ấy thấm sâu trong tâm hồn mình, vì thế có thể lý giải được tại sao những Ngô Thụy Miên, những Lê Uyên Phương … đã để lại được cho đời những đứa con tinh thần vô cùng quý giá.

Phải nói rằng, giữa Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương và Ngô Thụy Miên, là những  khác biệt rất lớn, dù các nhạc sĩ đều viết về chủ đề tình yêu và những nỗi buồn là cố hữu. Không “lê lết” như nhạc tình Vũ Thành An, tính cách tình yêu trong Lê Uyên Phương dữ dội, nóng bỏng và thực tế, một tình yêu bản năng mang dáng dấp của phần vô thức trong con người.

“Hãy ngồi xuống đây như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng dưới nắng ban mai, phô thân trần truồng kiếp sống hoang sơ”

(Hãy ngồi xuống đây)

“Bao đêm cùng chăn, cùng gối êm đềm

Cơn mê rồi tan , đâu còn thấy môi hồng say

Ôi ái ân đâu rồi, cơn tình ngất buông xuôi…

Ôi ta còn đấy, da thịt trắng riêng ta

…Qua những cơn mê cuồng sao còn mãi khôn nguôi”

(Trên da tình yêu)

Với nhạc phẩm của mình, Lê Uyên Phương khẳng định đã qua rồi cái thời mơ màng của Cô láng giềng, Dư âm, Cô hái mơ…, tình yêu thế hệ của ông là kiểu tình “gặp nhau hôm nay ngày mai đã thấy nhớ” mà ai đó đã viết về ông. Và đan xen trong  cảm xúc rất body-feeling ấy là những  đớn đau, thất vọng, bải hoải trước một tương lai đầy loạn lạc. Có phải chăng tất cả rồi cũng chỉ là rong rêu của thời gian “Yêu nhau giữa đám rong rêu theo giòng nước cuốn lêu bêu…” (Vũng lầy của chúng ta)

Một  cây bút chuyên nghiệp, Nguyễn Xuân Hoàng,. đã nhận xét :                                 

Âm nhạc Lê Uyên Phương trở thành những lời trối trăn của một  cuộc tình trong thời chiến, không cơ may nổi loạn, chỉ làm sao có thể sống sót cho qua cơn thảm sát ngu xuẩn của chiến tranh. Chia tay ngay trong giờ phút gặp gỡ hiện tại này, vì ngày mai chắc gi chúng ta còn nhìn thấy nhau. Lê Uyên Phương hát cho một tuổi trẻ bất lực trước cuộc sống không có ngày mai

Thực vậy, người nhạc sĩ đã thổ lộ tâm tư chia xa trong Cho lần cuối :

“Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền.. Nhìn suốt kiếp như chết mòn. Nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau”

Và những tuyệt vọng về tình yêu và nỗi chết trong Dạ khúc cho tình nhân :

“Màn đêm mở huyệt sâu Mộng đầu xin dài lâu Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái trên dòng hương khói bay Ái ân ơi đừng phụ lòng ta Nhớ thương sâu xin gởi người xa Khóc nhau trong cuộc đời Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau Chết bên nhau thật là hồn nhiên!”

Có thể nói nhạc tình Lê Uyên Phương ra đời như một hiện tượng mới lạ trong làng âm nhạc Việt Nam. Có lẽ xứ sở cao nguyên bảng lảng sương mù, Đà lạt, nơi đôi nghệ sĩ nổi tiếng “Lê Uyên và Phương” gặp nhau và cho ra đời những tình khúc đầy mộng mị, đã tạo nên cái không gian thanh âm nửa vời, lơ lửng, hơi có vẻ ma quái trong âm nhạc của Phương. Gần như bài hát nào ông cũng sử dụng nhiều nốt thăng và giáng, tiết tấu và giai điệu nghe rất “Tây”, vì thế ít có ca sĩ nào thể hiện thành công những nhạc phẩm như Một ngày vui mùa đông, Trên da tình yêu,… ngoài giọng hát đặc biệt của Uyên. Tuy nhạc LUP khó hát, vì nó không thướt tha như Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An, nhưng khi đã nghe thì không thể nào quên bởi cái chất rền rĩ rất quyến rủ.  Tình khúc cho em với “ Còn trong hôn mê buồn tênh lê mãi những bước ê chề… Xin cho yêu em nồng nàn…dù biết yêu tình yêu muộn màng”, hay Cho lần cuối với “Bàn tay năm ngón suông đem vào nhau hẹn sau…Người ngồi nghe xa cách đá xanh ơi mỏi mòn”, là vài bài thuộc loại “dễ hát, dễ nhớ” đã một thời in dấu trong tâm tưởng thế hệ sinh viên học sinh miền Nam.

Cùng với các nhạc sĩ nói trên, Ngô Thụy Miên với sáng tác đầu tay Chiều nay không có em năm 1965, và sự ra đời của 17 tình khúc tiếp sau đó đã nhanh chóng  được đón nhận và yêu mến. Có thể nói đó là những tình khúc ngọt ngào nhất, êm đềm nhất, tạo một cảm giác được vỗ về trong âm giai bềnh bồng, dặt dìu và cực kỳ thơ mộng. Ngoài nhạc sĩ Phạm Duy là người có tài phổ thơ thành nhạc hay nhất Việt nam, thì Ngô Thụy Miên cũng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ rất hay. Ông đã sáng tác nhiều nhạc phẩm nổi tiếng từ thơ Nguyên Sa như Áo lụa Hà đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em…

Bàng bạc trong nhạc tình Ngô Thụy Miên là hình ảnh của thi ca, với mùa thu mưa giăng lá đổ (Mùa thu cho em), với những tháng sáu mưa ướt mềm vai em (Tình khúc tháng sáu), với những lời ru đan ngón tay buồn (Dấu tình sầu)…Và những lời tự tình rất chân thực “Xin cho một lần, cho đêm mặn nồng, yêu thương vợ chồng”(Niệm khúc cuối).Cũng là tình yêu, cũng là những nỗi buồn, nhưng nhạc của Ngô không ai oán, không  khắc khoải hay rã rời, người nghe tìm thấy ở đây một tình yêu lãng mạn nhẹ nhàng nhưng vẫn chất chứa những muộn phiền sâu xa “Ngày nào người cho ta biết tình yêu đắm say. Ngày nào đời cho ta biết tình là đắng cay…” (Bản tình cuối), hay “ Không có em còn ai thương lá thu bay, còn ai vương vấn cơn say, đời gian dối cô đơn mình ta…”. Bằng các cung bậc sang trọng và mỹ miều, cùng những hình ảnh thơ mộng, nghệ thuật trong âm nhạc Ngô Thụy Miên đã đem lại sự xoa dịu êm đềm cho những mất mát đớn đau. Tuổi trẻ, nhất là tuổi học trò mới lớn, chưa từng đi qua hết những trải nghiệm đau thương trong cuộc sống, thường yêu thích Ngô Thụy Miên hơn là những bài hát có tính triết lý như Trịnh Công Sơn, hoặc quá ê chề như Vũ Thành An.

Như tựa đề của entry này “Nhạc tình miền Nam VN trước 1975 – Những nhạc sĩ tôi yêu”, trên đây tôi đã giành cho những dòng nhạc yêu thương từng đi qua cuộc đời và ở lại trong tim óc mình những sẻ chia sâu lắng nhất. Và có lẽ cũng là một lần nhìn lại, để nhớ lại kỷ niệm của một thời. Trong phạm vi bài này tôi không đề cập nhiều đến Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, vì đối với hai ông, phải có “những khoảng trời rất riêng”. Tôi tự nhận mình đã là một tín đồ của nhạc Trịnh, vì vậy đã có rất nhiều cảm xúc và bài viết về nhạc Trịnh Công Sơn, tuy không chuyên nghiệp nhưng là tình yêu tôi giành cho nhạc phẩm của ông. Riêng với nhạc Phạm Duy, có lẽ tôi sẽ cần phải có một thời gian để suy ngẫm về những cảm nhận đã đến với mình từ những ngày rất xa xưa. Tôi chỉ muốn nói thật ngắn gọn, rằng “ Nghìn trùng xa cách” đã ngấm vào tâm hồn tôi tự khi còn bé thơ, mà tôi cũng không thể hiểu tại sao “ nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười…

Khác với văn chương và thi ca, một nhạc phẩm khi muốn khẳng định vị trí trong lòng công chúng cần phải hội tụ đủ các yếu tố về giai điệu, ca từ, hòa âm và biểu diễn. Muốn đạt được những điều đó thì ngòai khả năng viết nhạc, các nhạc sĩ  còn phải thể hiện được ý tưởng qua phần lời của ca khúc, dẫn dắt cảm xúc người nghe  từ thính giác, vì vậy họ  cần phải lựa chọn cho tác phẩm của mình những giọng hát phù hợp, từ đó hình thành nên xu hướng những ca sĩ chuyên hát nhạc của từng nhạc sĩ rất thành công  thời bấy giờ như Khánh Ly – Trịnh Công Sơn, Lê Uyên – Phương, Duy Trác – Ngô Thụy Miên, Sĩ Phú – Vũ Thành An, Thái Thanh –  Phạm Duy…Nếu đề cập đến nhạc phẩm và nhạc sĩ thì không thể bỏ qua ca sĩ thể hiện. Cũng như khi nói về các tình khúc VN giai đoạn trước 1975 thì không thể không nhắc đến Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Sĩ Phú, Duy Trác…Đã có những tình khúc vượt thời gian, thì cũng sẽ có và tồn tại những tiếng hát vượt thời gian như thế. Trong số các ca sĩ tài năng, phải nói đến Tuấn Ngọc, một giọng nam bass cực kỳ điêu luyện và có sức truyền cảm ngang hàng với Khánh Ly và  Thái Thanh. Nhưng có lẽ khán giả VN đã biết nhiều đến anh hơi muộn màng, tức là sau khi anh đã định cư tại Hoa Kỳ, và thực hiện các album ở nước ngoài. Theo một số nhận định, cũng như trong tâm sự của chính Tuấn Ngọc, thì anh là ca sĩ hát nhạc Từ Công Phụng nhiều nhất, thành công nhất, như duyên nợ của anh và nhạc Từ. Tiếng hát trầm buồn của Tuấn Ngọc không chỉ phù hợp với nét nhạc Từ Công Phụng, mà đối với nhạc Vũ Thành An và Ngô Thụy Miên anh cũng thể hiện cực tốt, cực diễn cảm, xứng đáng được công chúng nhận biết như là một ca sĩ giành riêng cho dòng nhạc tình VN từ sau 1975 tại hải ngoại.

Âm nhạc, một phạm trù nghệ thuật đỉnh cao của nhân loại, tất nhiên sẽ tồn tại và phát triển mãi cùng với thời gian theo những xu hướng biến đổi của xã hội. Nhạc tình miền Nam VN cũng thế, đã không dừng lại hay bị bóp chết. Quan điểm và khả năng cảm thụ âm nhạc của công chúng mới là yếu tố quyết định. Một khi trong đời sống còn có tình yêu và những đôi lứa yêu nhau thì nhạc tình vẫn còn được đón nhận như một thứ dưỡng chất không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của con người. Có khác chăng chỉ là hơi thở và hương vị, bải hoải ngập ngụa đắng cay hay nhẹ nhàng tin yêu, là do bối cảnh sáng tác và tâm tư của người viết nhạc. Nhưng những tác phẩm cũ, đã phôi thai và ra đời trong một giai đoạn lịch sử đầy đau thương của đất nước, sẽ mãi mãi mang một sắc thái riêng biệt không thể phai mờ, cho dù người nghe đang sống ở thời đại nào và không gian nào.

Xin được gởi đến tất cả các nhạc sĩ yêu mến của tôi, dù còn sống hay đã mất, những lời tri ân chân thực, vì các anh đã để lại cho các thế hệ Việt Nam chúng ta một giá trị nghệ thuật ý nghĩa, một nét đẹp phiêu bồng của ngôn ngữ và tâm hồn Việt!

source: rosepham blog

3 nhận xét:

Thuan Nguyen nói...

Cho dù là những bài nhạc " sang ", cho dù là nhạc của Cung Tiến hay Vũ Thành An, của Phạm Duy hay của Hoàng Thi Thơ ..và cho dù là những bài nhạc bình dân , những bài nhạc tình trước 1975 đều để lại trong lòng người nghe những giai điệu không thể nào quên . Nó chất chứa mênh mang cảm xúc trong từng ca từ và trong từng nốt nhạc . Nó có thể lắng đọng cả một quá khứ và có thể làm chúng ta luyến tiếc những thăng hoa từng đến trong đời mình . Và mãi mãi ...nó không chỉ là của ký ức.

[H]UY! vespa nói...

Cảm ơn chị!!!
Nó đã là 1 phần,....hoặc nhiều phần cuả kí ức!
Nhưng đúng như chị nói, nó không chĩ là cuả kí ức, mà chính nó, còn là những con đường đưa lối cho ta trở về những bến bờ bình yên, nó là dòng suối mát tuôn chảy và tấm mát những tâm hồn...tưởng chừng cằn cỗi, nó là những bóng rợp ven đường, yên bình và than thản cho ta trú đỡ chân....
Và khi nào, những tâm hồn cuả chúng ta còn rung động, lúc đó, những bài nhạc tình, nhạc xưa vẫn còn ngân vang!

nguyen phat nói...

Cam on ban da noi thay tam trang cua hang trieu nguoiViet song o thoi ay-mat bai Tong ket quy gia ve Nen AN VN ngay ay