BÚT KÝ - CŨNG GỌI LÀ MỘT CHUYẾN ĐI
MT
MỘT VÀI TÂM TÌNH CỦA DUYÊN ANH VỚI BẠN ĐỌC
KỶ NIỆM ĐINH TIẾN LUYỆN - DUYÊN ANH (từ facebook nhà văn / hoạ sĩ ĐTL)
Thời gian anh DA đoàn tụ với gia đình trên đất Pháp, tôi liên lạc với anh đúng một lần, và đó cũng là lần duy nhất, ngay cả cho tới sau này khi đoạn đời cầm bút của anh đã chuyển từ tay phải qua tay trái, bởi những đòn thù oan nghiệt giáng xuống đời anh, (bị liệt nửa phải và đi cần nương gậy), chúng tôi đã mất liên lạc hoàn toàn. Không bi quan nhưng anh không đủ lạc quan để đặt định cho tương lai mình. Cậu biết không, truyện 'Đồi Fanta' đăng nhiều kỳ trên Paris Match nhé, cũng chỉ đủ sống cho 1 tháng ở đây ( Cuốn Đồi Fanta viết trong thời gian tác giả còn ở VN, tôi cũng tham gia một lần vào 'đường dây' chuyển tác phẩm này đi Pháp). Không dấu được nỗi cô đơn, anh đã để lộ ra tuyệt vọng: Rồi tôi sẽ chết như một con chó ghẻ trên xứ người này thôi. Tôi không khỏi lặng người khi xem tới phần cuối của video clip bài nhạc do anh sáng tác 'Em, Anh đã tới Paris'. Anh nằm đó lẻ loi, đơn độc, lặng lẽ…Rồi bay đi rồi tan đi rồi chìm vào trong lãng quên. Như xác lá trong bao xác lá nơi xứ người, xác lá DA, anh sớm hòa tan vào mọi thứ bụi bặm cõi trần, cả thương yêu lẫn hận thù, cả bao dung và ngộ nhận. Tất cả đã chôn vùi theo một con người. Nhưng còn đó trong chúng ta, thời TN, Thời 'của những tháng năm đẹp nhất đời người'.
VIẾT VĂN & LÀM BÁO
Bữa nào tới lượt trang truyện dài của mình phải xếp chữ lên khuôn, tôi thường mất một đêm trước ở nhà viết cho xong, tới tòa soạn chỉ lo việc biên tập không cũng chẳng kịp, chưa nói chi tới chuyện thả hồn theo văn mà tuôn ra chữ trong cái không khí của một i tòa soạn nơt ấp nập kẻ ra người vào và không ngơi nghỉ là tiếng xầm xập của máy in, tôi không thể nào tập trung được. Với anh DA và một số người viết chuyên nghiệp thì khác. Họ thu mình vào một góc và chỉ cặm cụi trên xấp giấy trước mặt mình. Áp lực công việc rất rõ rệt, nhất là các nhật báo, bài không kịp thì làm sao kịp cho báo phát hành. Những người làm tin hay phóng sự thì câu chữ của họ không cần văn, ít màu mè và sáng tạo thường lại ngắn. Rất ít người ngồi tòa soạn viết văn, cả những tay chuyên nghiệp viết phơi-ơ-tông, truyện dài đăng báo, cũng rất hiếm. Duyên Anh là một trong số hiếm ấy. Chuyện thường tuần ở tòa soạn báo TN , chủ nhiệm gọi xếp typô , anh ta khoác vội cái áo bước vào hớn hở / Bữa nay anh có bài sớm ? / Sớm mẹ gì chưa có hột nào. Cái đuôi còn tiếp kỳ trước đâu ?/ Thói quen, phần cuối bài kỳ trước bao giờ xếp typô cũng chừa một khúc, xé lại để cho tác giả xem mà viết tiếp đoạn sau / Anh cho sớm sớm, chỉ còn bài anh là lên khuôn chiều cho máy chạy / Tôi đẩy tới cho anh DA xấp giấy , (xấp bản tin của Việt Tấn Xã in roneo hàng ngày cung cấp tin tức nhà nước cho các báo , giấy in một mặt, lật mặt trắng chúng tôi thường dùng để viết. Giấy mềm, ăn mực, lại luôn sẵn luôn dư để có thể dễ tìm và dễ quăng đi không cần quan tâm). Thói quen, anh DA xếp mép xấp giấy để căn lề viết chon ngay ngắn. Giấy không có dòng kẻ nhưng viết rất thẳng hàng, anh DA luôn cho một bản thảo đẹp, rõ ràng mà thợ nhà in rất thích. Thường là bản thảo của anh rất ít dập xóa, nhưng khi cần thì anh cũng dứt khoát đóng ô và gạch chéo bôi đi rất gọn gàng và dễ nhìn. Tôi quan sát và học tập cách làm việc của anh và dần cũng thành thói quen. Bản thảo của mình phải cố gắng rõ ràng và dễ nhìn dễ đọc gây cảm tình trước tiên cho những người có nhiệm vụ biên tập chọn bài. Tiếp theo là nếu không dễ nhìn dễ đọc thì các ông nhóc xếp chữ có ông chưa đọc thông thì hỏi sao xếp cho đúng. Thế là văn của cậu hết hơi bay lượn, chưa tới tay độc giả nó đã sớm bay vào sọt rác, uổng công. Khi rảnh rỗi tôi thường được anh nhắc thế ( Ngày nay với computer, chuyện viết tay trở thành ngoại lệ, có lẽ quý hóa chỉ còn dành cho…thủ bút). Đôi khi những điều sơ đẳng lại là cơ bản để công việc trở thành dễ dàng. Anh còn khuyên tôi. Khi bị chựng ý viết, đừng nên đọc đi đọc lại nhiều lần những điều mình vừa viết, nó làm chậm nhịp và khiến công việc tiếp tục trở thành gồ ghề khúc khuỷu hơn. Cố gắng viết một mạch, và khi đã liên tục dập xóa nhiều lần thì tốt hơn hết hãy bỏ đó mà đứng lên. Nếu là nghệ thuật thì trong nghệ thuật không phải nhọc nhằn mãi mà có được. Một bài thơ, một đoạn văn, một bản nhạc hay thậm chí một bức tranh, có khi cáí nào làm nhanh, liền được một mạch, thì cái đó dễ thành công hơn là việc cứ cặm cụi chau chuốt mãi.
Chừng nửa giờ sau người thợ trở lại, Tác giả "Thư tình trên cát" đẩy trang chữ vừa viết xong cho anh ta xếp trước. Viết tới đâu xếp chữ tới đó. Mới xong nửa trang, xé trước nửa trang. Thiếu mươi hàng nữa thì viết tiếp mươi hàng nữa, cho tới khi mở ngoặc còn tiếp ở cuối trang là buông bút. Nhưng bữa nay dù người thợ báo đủ rồi mà tác giả vẫn hăng say viết tiếp. Thư tình đang lai láng sao dừng được. Anh cười cười và giao tất cả cho người thợ: Cậu giữ đi cho chắc, lỡ bà đầm nhà tớ vơ đại nhóm bếp hay tệ hơn nữa là tưởng tớ viết thư tình cho em nào thì có mà bỏ hút.
Tác giả của chúng ta, anh DA, cũng như phần đông những người cầm bút thời ấy, điếu thuốc lá là phần không thể thiếu tạo ra khuôn mặt của hắn ta ( Thế hệ trước còn là á phiện ) Bỏ hút đồng nghĩa với bỏ nghề và ra đi ( Riêng với hai nhà văn nhà giáo NTiến và LTĐiều, nơi đây tôi không dám xếp họ chung bàn chung chiếu). Ý định tôi sẽ kể tiếp về sự việc viết văn làm báo chuyên nghiệp và giá trị văn phẩm mà họ đã dựng nên trong những hoàn cảnh như thế nào. Nhưng xin gượm đã. Nhắc đến truyện dài "Thư tình trên cát", tôi có khối chuyện để kể về tác giả và những mối tình có tên và không có tên trong các tác phẩm của anh.
Hình ảnh post kèm theo là do anh NTH cung cấp, trong cuốn: DA và tôi
DUYÊN ANH , GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG "NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI"
Một buổi sáng thật sớm, anh DA tới nhà tôi : Tớ phải đi xa một chuyến thôi. Nhìn cái vali nhỏ vừa đặt xuống và cái túi xách anh còn khoác trên vai, tôi biết anh không đùa. Truyện dài của gia đình anh tôi không lạ, cơm lành canh ngọt khi nào tôi không biết, nhưng hễ cơm sống cơm khê thì tôi biết liền. Không hỏi gì, tôi chở anh ra ga xe lửa (Nhà tôi ở Hòa Hưng, có ga xe lửa ngay sau lưng). Anh đi Nha Trang. Vừa ngồi sau xe anh vừa dặn dò. Truyện dài kỳ trước còn nhiêu đi nhiêu. Nhìn xuống cuộc đời chêm thêm bài độc giả vô vài trang cũng được. Nhưng cậu nhớ viết thư tòa soạn nhé, như ý mình bàn rồi đó. ( Kỳ nào nhận viết thư tòa soạn tôi rất mừng, vì để chủ nhiệm viết, ông chuyên nghề buôn than, không chuyện giá giấy lên thì tới chuyện số lượng in giảm. Ca bài ca con cá riết rồi độc giả cũng ngán ngẩm...lặn theo cá thì hỏng hết. Sau chuyến đi ấy , chừng vài tuần chi đó, khi về anh có ký sự "Cũng gọi là một chuyến đi" đăng liên tiếp mấy kỳ trên TN. Nha Trang, Ba Ngòi, Đại Lãnh, Tuy Hòa… và bạn bè cùng văn hữu… Còn chuyện gì thêm nữa, có lẽ nhà văn Võ Hồng biết nhiều hơn. "Phượng yêu' và "Thư tình trên cát", mái tóc người con gái nào còn vương gió biển theo về, gót chân người nữ nào còn in dấu cát để lại trong tâm người dư âm song biển. Nha trang, Tuy Hòa mùa hè ấy, nhà văn VHồng cũng chẳng thể biết nhiều hơn. Cho đến khi trong những xấp thư dày cộm hàng ngày chuyển về tòa soạn có một cái tên dài người con gái mà tôi phải lưu ý NgNgThKh. Mỗi ngày nhận thư thường gom lại đó, từng bó lớn bó nhỏ, rảnh việc mới cắt ra, cắt không hết, lưu lại từng chồng , chẳng tủ chẳng kệ nào chứa hết, có khi phải chất cả góc phòng. Thường là những phong bì căng phồng bài vở, văn hoặc thơ và kèm theo lá thư. Các bạn đọc tới thăm tòa soạn chúng tôi thường chìa cho họ cái kéo và nhờ làm công việc này. Cắt các phong bì ra và phân loại thơ văn hoặc chuyên mục xếp riêng, thư xếp riêng để trả lời. ( Thư viết cho ai thì cũng chỉ một người trả lời, khi tới phiên). Tình cờ, sau ngày mà chủ nhiệm của tuần báo của tuổi yêu thương giang hồ một chuyến về, có một lá thư không viết trên giấy học trò, mà viết trên giấy pơ-lua màu xanh bay về theo. Tôi lướt nhanh và biết thư ấy là thư riêng không trả lời trên báo. ( Cũng xin mở ngoặc nói thêm ở đây, thời ấy cũng là thời xanh lơ của thư ký tòa soạn, từ địa chỉ đường Phạm Ngũ Lão tới Bùi Thị Xuân , ai trong tòa soạn cũng biết phải để riêng những thư có dán con tem hình nữ hoàng Elizabeth cho tôi, thường thì một tuần hai lần NHỮNG CON TEM NÀY XIN XEM TRONG SLIDE SHOW BÀI HÁT HOÀI CẢM CỦA CUNG TIẾN POST TRONG THÁNG TRƯỚC ). Tìm lại chiếc phong bì có ấn dấu bưu điện Tuy Hòa không thấy, nhưng để ý ngay lần sau đó tôi thấy ngay, không bóc ra và tôi để riêng trao cho chủ nhiệm. Chuyện cảm tình độc giả với tác giả và tác phẩm không có gì lạ, nhất là trong thời thanh xuân những tâm hồn nữ mỏng manh dễ bay bổng lắm, có khi từ mộ mến tác phẩm đến thần tượng tác giả là cùng một nhịp tim đập, yêu lúc nào chẳng biết.( Ngày nay không có chuyện…vơ vẩn đó, nhưng nhìn các fan nữ cuồng nhiệt trong các live show thì biết tâm hồn nhẹ nhàng thơ mộng một thời đã không còn nữa, cái đẹp phải có thương hiệu và mẫu mã bắt mắt) Nếu có bạn nào thắc mắc, vì sao phải xếp riêng một lá thư từ địa chỉ cát trắng ấy? Xin thưa, một chủ nhiệm dày dạn tình trường như anh DA, đẹp trai và tài hoa cùng mình, đã say sóng rồi đấy. Không bao giờ kể tôi nghe nhưng là người nhạy cảm, chỉ liếc qua mỗi khi anh dừng bút trong "Thư tình trên cát" là tôi nhận ra ngay. Vâng trong tờ thư giấy pe-lua màu xanh lơ kia tôi đã nhận ra tất cả âm vang trong bản nhạc "Nha Trang ngày về". Có con ốc bơ vơ nằm trên cát, có sóng nhồi lớp lớp trôi đi, có ngực mềm da ngát hương…
Nói đến chuyện tình của các nghệ sĩ thường hấp dẫn tò mò, người viết lại nhiều khi phải thêu dệt thêm để chiều ý độc giả, Tình tiết éo le hay ly kỳ bi đát để có tác phẩm này hay tác phẩm kia. Tôi không, chỉ tóm tắt sau đó, khi trao các phong bì có dấu ấn bưu điện Tuy Hòa ấy, tôi thấy anh DA không bóc ra nữa.
Anh để đâu đó, trong một ngăn nào của trái tim mình, và chắc chắn không bao giờ anh đem về để trong ngăn kéo nào trong nhà mình.
Có thể không vì yêu nhiều người mình "đã chọn đời nhau là dấu chấm", nhưng thực sự anh rất yêu các đứa trẻ trong nhà mình. Yêu con cái, yêu gia đình, thứ mà anh không bao giờ chấp nhận chịu đổi chác. Công bằng mà nhận xét, anh DA là một một người có mã bảnh bao, luôn đi xe bốn bánh và luôn có dịp đổi xe mới, tư chiếc Dauphine cũ rồi đến 404, Pinto ( xe thể thao) và sau cùng là 504 ) ăn nói lịch lãm và nhất là tài năng của anh không thể phủ nhận, sao có thể không có nhiều trái tim nữ say đắm. Tôi biết người con gái Châu Kool mạnh mẽ, biết người phụ nữ thường tới tòa soạn vào mỗi chiều thứ năm (Người phụ nữ này suýt ôm đi bức tranh của tôi treo ở tòa soạn, khi DA đã tìm ra tờ giấy báo gói bức tranh này lại thì may là tôi vừa kịp có mặt). Tôi cũng từng là bồ câu đưa thư cho cô nữ sinh Trưng Vương vừa bước vào tuổi sinh viên Văn Khoa - cô bé có chiếc răng khểnh - và ngồi sau chiếc Velo solex của nàng để ngụy trang tới điểm hẹn. Sau này trong cuốn DA và tôi, tác giả nhắc tới người đàn bà mang tên tắt Ng. khi anh lưu vong đời văn trên đất Mỹ, tôi có hỏi lại anh VTHiền, nhưng tôi cũng không rõ lắm có gì để liên tưởng tới quá khứ.. Bất chợt, lúc này đây, khi vừa lật lại cuốn sách này để rõ thêm chi tiết, tôi vừa tìm thấy đoạn: Chuyện này anh chưa kể với ai, trừ em (tác giả VTH). Anh cũng chưa từng đưa vào truyện nào. Có chăng là khi viết hồi ký. Người con gái viết rõ tên Thủy, quê Chợ Mới khi còn là nữ sinh, anh là thày giáo, gặp lại cô đã " như trái cây chín mọng, đẹp không thể tả". Lúc ấy anh đang làm báo Xây Dựng. Trong đoạn này tôi thấy tác giả còn nhắc tới nhiều cái tên trong làng báo mà tôi biết và nhiều những chuyện trong góc khuất tối rất tối của các tay trong cái làng ấy mà tôi không biết. Lúc ấy quen với anh DA tôi mới chỉ là một học sinh vừa tốt nghiệp tú tài, chưa hề có mối tình vắt vai, say mê làm báo và được anh ưu ái chia việc không cần công ở tất cả những báo anh đang làm (Báo Sống, Xây Dựng và sau là Công Luận) Giờ thì tôi mới hiểu sao ông ĐMNgọc, quản lý báo Xây Dựng (Chủ nhiệm Lm. NQLãm) dạo đó đã nói với người nhà của tôi: Đừng cho thằng L. đi theo bọn nó- dân làm báo- hư thân. Thực sự lúc đó hay cho đến bây giờ tôi không bao nghĩ DA là một tay chơi, dù biết anh còn ngòi bút Thương Sinh rất sống sượng trắng trợn. Tác giả " Cám ơn em đã yêu anh", dù có xuất bản (cái tựa ) ấy nhiều lần thì anh cũng chưa bao giờ cho tôi thấy việc dễ dãi trong tình cảm của mình. Anh thường đùa trêu tôi là thánh Phaolô ( Có lẽ chỉ biết tượng ông thánh dựng trong sân trường Saint Paul, nơi con gái học). và cười tôi làm báo mà hiền quá, thấy con gái còn đỏ mặt. ( Sau này tôi "khoe" thành tích này với ngườiphụnữcủađờitôi, she tủm tỉm miệng, vâng anh ấy hiền lắm, con ruồi đậu không dám đuổi, con gái ngồi trong lòng không dám xua. Sao em siêu thế, con ruồi bay qua mà còn biết… Tôi giả lả, she bồi tiếp, Xưa rồi, bây giờ không những biết con nào ruồi đực con nào ruồi cái mà còn phải biết con nào là con ruồi…bống nữa cơ. Vậy là em đã thất bại trong hôn nhân chứ gì ? Haha, riêng vụ này em thắng lớn).
Viết hồi ký cùng lúc viết nhật ký, điều này giúp tôi hứng thú là mình vẫn sống thực, không hoài niệm . Tôi giống anh DA ở chỗ, dù say đắm hay dù ngang trái tới đâu chăng nữa, cả trong văn nghiệp, thì bao giờ gia đình mình cũng nguyên đấy, một gia đình. Không bao giờ phá vỡ. Nhưng tôi phải cho bạn bIết tiếp chi tiết nhân vật mà nhà văn hào hoa của chúng ta chưa từng tiết lộ, dù trong thân tình bạn bè hay trong sách trước đây, người con gái tên Thủy quê ở Chợ Mới ấy sau khi biết DA đã có gia đình, DA phải chạy vô nhà thương Đô thành để ôm xác nàng. Đây có phải cũng là một phần trong góc khuất của một người văn dịu dàng nhưng lắm đam mê?
Hình post dưới đây là Vũ Nguyễn Thiên Hương, con gái anh DA, trong ngày cưới. tại Pháp. Chú rể là người Tô Cách Lan.
BƯỚC VÀO LÀNG BÁO BẰNG CÂY CỌ VẼ
Trong một buổi họp mặt gia đình khá long trọng, tôi được anh DA giới thiệu với một vị thày cũ của anh. Là nhà văn thì non, là nhà báo còn sữa hơn, anh bèn gọi tôi là họa sĩ. Khi vị thày hỏi: Theo trường phái nào ? anh không chút do dự với nụ cười dí dỏm: Trường phái …mắt to. Cái trường phái chẳng có trong sách vở nào nhưng lại đúng là tôi, vẽ cô bé nào cũng có đôi mắt tròn vo giương to.
Tôi thích vẽ hơn thích viết. Học trung học không có buổi triển lãm tranh nào tôi bỏ sót, tuần nào cũng lượn lờ qua, không Phòng Thông Tin Đô Thành thì Nhà Văn Hóa Pháp, là hai địa điểm thường tổ chức những cuộc triển lãm tranh ảnh hàng tuần. Đậu kỳ thi trung học xong tôi thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định. Rớt là chuyện đương nhiên, vì tôi đâu biết phối cảnh, truyền thần, trang trí là gì. Thích là thích vậy thôi, tôi chẳng có chút căn bản nào về hội họa. Học không giỏi, nhưng tổ đãi, tôi băng băng qua tú tài 1 rồi 2, chưa hề phải thi lại lần nào ( Dạo ấy kỳ thi căng nhất có lẽ là thi tuyển vào trường công, tôi cũng có mặt). Nhưng tôi bị khựng lại ở ngưỡng cửa đại học (mãi sau này khi đi lính rồi tôi mới học tiếp). Mùa hè năm ấy, đúng ra tôi đã có cơ hội học Kiến trúc, nhưng vì ham theo anh DA làm báo nên để vuột mất thời điểm ghi danh. (Ai cũng tưởng tôi sẽ học Văn Khoa nhưng tôi lại chọn Luật khoa, sau đó). Khi ấy anh DA vừa viết tiểu thuyết cho báo Xây Dựng vừa phụ trách trang Búp Bê cho báo Sống. Tôi phụ anh chọn bài sửa bài rồi dần dà thấy tôi "cũng được" anh giao tôi công việc thay anh trả lời thư độc giả hàng ngày trên báo. Tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội vẽ hình minh họa cho các mục này mục nọ và được in ngay. Các tòa soạn báo nào cũng vậy, người viết thì luôn thừa nhưng người vẽ thì rất hiếm. Chẳng phải vì thiếu họa sĩ, nhưng họa sĩ vốn dĩ là nghiệp ngoài đời chỉ nhai bánh mì , thì trong làng báo lại càng khiêm tốn hơn, có gì ăn nấy, đơn giản chỉ vì việc ít thì mơ gì thấy cơm hay phở, nên những giới có hoa tay ấy ít khi đoái hoài tới. Tôi chỉ biết kể tới dăm ba họa sĩ như Văn Trác hay Tổng giám thị trường tôi, thày Mạnh Tuân vẽ truyện tranh cho báo Tuổi Xanh. Họa sĩ Văn Hiếu vẽ cho báo Công Luận, và ông Đinh Hiển báo Con Ong. ( Sau này có họa sĩ trẻ ViVi - Vĩnh Long, Việt Nam?- tạo được ấn tượng sâu đậm cho hình ảnh báo Tuổi Hoa cùng với loạt sách TH Đỏ, TH Tím…) . Còn những ai chuyên trình bày bìa sách hay các ấn phẩm khác thì tôi ít có dịp biết tới. Ông Đằng Giao thư ký tòa soạn báo Sống cũng là tay trình bày sách báo đẹp. Ông vẽ bìa cho một số những cuốn sách đầu tiên của DA, trong đó có bìa cuốn Điệu ru nước mắt mà tôi rất nể. Lúc này , tác giả loạt sách viết về các tay anh chị trong xã hội đen vừa dứt truyện dài Sa Mạc Tuổi Trẻ trên báo và in thành sách ngay. Sách in sắp xong mà bìa chưa thấy đâu. Hình như ai đó hẹn sẽ giao mẫu bìa nhưng mãi vẫn chỉ hẹn, anh DA nói với tôi: Cậu vẽ đi. Chưa bao giờ vẽ bìa nhưng tôi hào hứng nhận ngay. Nhận ngay là có ngay. Ngày hôm sau tôi giao bìa và được chấp nhận liền đi thẳng tới nhà in, không có thêm bất cứ ý kiến gì hay sửa đổi gì. Đó là mẫu bìa đầu tiên của tôi .
Tôi vẽ không đẹp, ngay cả viết cũng vậy, đâu có gì hay. Tôi biết, còn rất nhiều người hơn tôi bội phần. Nhưng tôi có đam mê và thực sự là có cơ hội. Điều mà người ta thường gọi là cái duyên, tôi có cái duyên trong nghiệp văn nghiệp báo. Nhưng bạn à, cái duyên ấy sao mỏng quá. Chỉ có chừng ấy thôi mà … má đã mòn và tóc đã bạc hết trơn.
BÌA SMTT LẦN ĐÂU VÀ TÁI BẢN
TN VỚI TỔ HỢP HẢI ÂU / CÙNG VỚI ANH CHỊ TỪ - NHÃ
Là người viết văn làm thơ, thường có đời sống rất thoáng. Cái thoáng ấy dường như mang chút tính chất cẩu thả của tâm hồn, nhếch nhác trong đời sống cá nhân. Những người làm nghệ thuật nói chung thường có đam mê và hắn dễ bị chết chìm trong cái đam mê đó, hệ lụy kéo theo những người thân. Là những người cầm bút nhưng anh chị Từ Nhã khá rạch ròi phân biệt trong công việc của mình, không vì chuyện phong phú ngòi bút mà lảm nghèo đời sống gia đình. Họ viết văn làm thơ để vui nhưng làm báo làm sách để sống. Hồi ở Saigòn họ thuê nhà in và theo đuổi ngành xuất bản, Qua Cali họ có tờ Thời Báo, khá ổn định. Khoảng năm 1990 khi ra tù (vụ án Hồ Con Rùa) dạo ấy tôi đã lập gia đình, anh chị xuống Biên hòa thăm chúng tôi và khuyến khích: Cậu vẽ đi. Rồi khi được bảo lãnh qua Thụy Điển anh cuộn theo một số tranh khổ nhỏ của tôi mang đi. (anh có gửi cho tôi vài tấm hình trong buổi giới thiệu tranh nhưng sau đó hình như cũng không được chú ý lắm). Tôi không nhớ bao lâu sau anh Nguyễn Hải Chí - Họa sĩ Chóe - có xuống thăm tôi và trao quà của anh chị cùng vài thứ lặt vặt khác (của ai đó còn nhớ thời TN). Gặp nhau sau thời khổ ải tù đày ai cũng hom hem ngơ ngác như nhau. Chỉ ngồi với nhau hết một chai bia thôi mà đã chuyếnh choáng tới trưa. Anh Chí cao to là thế, chiếc xe môtô phân khối lớn kềnh càng là thế, thế mà cả hai không vọt nổi con dốc trước cửa nhà, nếu tôi không kịp nhào tới đỡ anh. (Về sau tôi mới biết anh ôm theo nhiều bệnh tật trong người, thêm những ủ ê trong đời sống, anh không vượt nổi con dốc đời mình, bỏ bạn bè, bỏ cuộc sớm. ) Ngay hồi còn ở Saigon anh Từ cũng đã dự tính in cuốn hí họa Chóe, hình như ở Cali anh cũng vẫn còn giữ ý định ấy, không biết có thành ? Dù không có nhiều việc với nhau nhưng tôi và anh chị Từ Nhã vẫn thỉnh thoảng còn giữ liên lạc với nhau qua e-mail. Khi biết tin gia đình tôi định cư ở Mỹ, anh muốn tôi liên lạc với con gái anh là Sông Văn, đại diện cho Thời Báo của họ ở Houston, nhưng phần vì xa xôi phần vì tôi cũng không còn cảm thấy hứng thú lắm trong hoạt động báo chí Việt ngữ nơi xứ người, nên tôi tìm việc làm công nhân phổ thông cho một hãng điện tử gần nhà, chỉ 15 phút lái xe. Ở cái xứ sở bao la nhộn nhịp này khoảng cách tính bằng giờ bay giờ xe, chờ có dịp nhân tiện này nọ chứ chẳng khi không mà bỏ đi thăm nhau được. Khi nhà thơ làm nhạc, anh Tử có buổi ra mắt CD Trăm Năm Nụ Cười ở Houston, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Gặp mà kể như chưa gặp, ai nấy cũng chỗ này chỗ kia vài câu vài ngưởi rồi sau buổi trình diễn lại hối hả "see you later". Chị Nhã nói, mấy đứa con gái nhà chị vẫn còn nhớ bức tranh cô bé ôm con mèo bé tẻo teo của chú Luyện mà hồi nhỏ chúng treo ở đầu giường đấy.( Bây giờ tôi mới sực nhớ, mấy bức tranh sơn dầu làm bìa Xuân Hồng TN dạo đó về địa chỉ nhà này hết, trong đó có cả bức chú nai con mắt xoe tròn miệng ngậm cỏ non) Tôi chẳng biết đứa nào với đứa nào. Còn đang lơ ngơ gần sân khấu sau buổi trình diễn thì có tiếng : Chú Luyện đây phải không, cho cháu ôm chú một cái. Rồi chú chú cháu cháu choàng vai nhau chụp vài tấm hình, con mẻo con mèo nào hồi xưa hồi này, quay đi quay lại cũng biến đâu mất. Mấy tháng sau có dịp qua Cali tôi tới thăm anh chị Từ Nhã tại tòa soạn Thời Báo, thấy được cơ ngơi tươm tất và thân thiện hơn thời chúng tôi cùng đeo bám ở Tổ hợp Hải Âu nơi nhà in Nguyễn Bá Tòng rất nhiều. Chị Nhã tiếp chúng tôi trong căn phòng riêng của chị, ấm cúng và dịu sáng như ánh nến, vương vất mùi thiền, nhẹ nhàng tâm mộc. Cũng màu nâu ấy tôi còn gặp lại chị với tài tử Kiều Chinh, cùng xâu cùng chuỗi, nhân dịp ra mắt sách của bạn bè tại Orange County vào tháng bảy năm 2016. Vẫn vui vẻ vậy ôm nhau khi vừa thấy nhau. Nhưng lần này không thấy anh Từ. Anh ấy yếu rồi. Còn uống rượu được không. Còn chút chút. Vậy cũng chưa già lắm đâu.
Chưa già lắm đâu, nhưng chúng tôi đã quên lời chào hẹn gặp lại. Dù thế cũng đẹp lắm rồi, như những mảnh vỡ có chung một quá khứ không hẹn mà còn có dịp ráp lại với nhau. Chẳng để làm gì, hay chỉ để nhìn lại nhau cũng đã là ấm áp lắm, khi tuổi trẻ một thời đã mất tăm.
TUỔI NGỌC Ở TỔ HỢP HẢI ÂU CÙNG VỚI NHÃ CA - TRẦN DẠ TỪ Chủ biên báo Tự Chủ rồi bào Nhà Văn, khi TN đóng đô ở tổ hợp Hải Âu một thời gian thì ông bà TDTừ và NhCa chuyển sang làm xuất bản với tủ sách Trăng Mưới Sáu và chị Nhã Ca cũng rất duyên dáng trong ngòi bút dành cho Tuổi mới lớn với một loạt sách như Ngày Thơ, Tình Thơ - Bước Tới Người Thương… Tôi bỗng được ưu ái khi chỉ chọn duy nhất (là họa sĩ) để thiết kế bìa sách cho tủ sách TMS. Chẳng phải vẽ đẹp nhưng tôi biết mình chỉ thích hợp với hình ảnh của những mộng mơ tuổi mới lớn. Chị NhCa giả bộ săm soi bức tranh mà tôi vừa đóng khung và treo nơi góc tòa soạn ( Bức Trăng xanh, về sau lạc mất ) Xem kìa, cô bé của hắn cái gì cũng nhỏ nhắn chút nị hà, thấy thương chưa. Nè chị hỏi thiệt nhé, L. có người mẫu không hay chỉ tưởng tượng thế. Tội đáp bừa: Vẽ theo ký ức. Chúa ơi, thế thì tội lỗi quá. Chị kêu lên và tiếp tục khiêu khích cậu trai tơ là tôi mà mãi sau này tôi mới nhận ra. Cũng như khi nhà thơ NHĐịnh từ "phố núi cao phố núi đầy sương" tới thăm tòa soạn TN, chị cười cười với lời thơ được phổ nhạc: … Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông, nên mắt em ướt, nên tóc em ướt , nên ấy em ướt ướt… nên em mềm như …Mọi người cười rộ, chỉ mình tôi đến bây giờ mới… biết cười. Ngày ấy thường cuối tuần nào tôi cũng có mặt tại ngôi biêt thự cổ nhưng khá khang trang của gia đình anh chị Từ Nhã tại Gia Định, với lý do chính đáng là luôn có những bạn lớn họp mặt, không bàn chuyện văn chương mà bàn về…tây đầm. Những tay không độc thân ( Như DA hay thày giáo HPA, triết gia NXH…) đôi khi lấy cớ ở nhà đánh bài với vợ (bất đắc dĩ) vui hơn, nên vắng mặt. Đợi mãi, như sợ đợi tuổi độc thân bay đi mất, có khi chỉ mình tôi với ông MThảo và chủ nhà cũng cưa gần hết chai rượu Gin (thứ voka 2 lít chai vuông cạnh của Nga, chảy vào họng tới đâu biết tới đó), rỉ rả ngồi buồn "rút tít" với nhau, thế mà cũng trắng đêm. ( Nếu sau này có gặp nhau lại ở Las Vegas, nơi mà tự nhận là sin city, khi đã tới lúc không còn gì để già hơn thì cũng như nhau thôi, như nhau tội lỗi của những thằng đàn ông) Nhớ lại, sao hồi ấy so tuổi tác hay tuổi nghề thì tôi cũng chỉ đáng ngồi chiếu dưới khối anh chị trong làng, nhưng cùng bàn viết hay quanh bàn vui họ cũng không ngại ngồi chung với tôi (có lẽ họ thấy tôi dễ thương hay…đáng thương chăng). Khi có cuốn sách mới in thì tác giả thế nào cũng phải có buổi "ra mắt" cho phải phép. Tôi là kẻ ít có sách nhưng không có account ở nhà băng ngay tại nhà mình mà lại lãnh hai ba thứ lương hàng tháng nên bạn bè dễ quản lý giùm những vụ tương tự. Thường cũng từng ấy khuôn mặt, một chai Black and White hay Johny Walker ( dạo ấy Napoleon khá thịnh, nhưng ngài tướng này say hỗn quá, anh em chê) thế là cũng đủ, tội lỗi vừa phải ( Cũng vì câu vừa phải này về sau tôi cũng khá thấm thía với lời phán của thiên sứ được sai đến sống trong nhà mình. She kém tôi nhiều tuổi nhưng khi đã được thiên mệnh thì she cũng có hào quang. Tôi nói, nếu không có đàn bà thì tất cả đàn ông đã ngồi chung bàn với thần thánh / trích /. Vâng, riêng anh, anh được ngồi chung với á thánh mà anh không biết đó thôi. / hết trích /) Sợ tham lam miên man lạc đề trên FB vốn dĩ ít chữ, tôi sẽ trở lại tiếp chuyện ở tổ hợp với anh chị Từ Nhã sau. /// Hình post kèm theo bài là buổi gặp lại lần đầu sau 40 năm, trong buổi ra mắt CD Nụ Cười Trăm Năm của nhà thơ nhà nhạc Trần Dạ Từ, tại sảnh đường của một trường đai học ở Houston, (tháng 6 năm 2011) trong đó có thêm ôb Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, cặp phóng viên chiến trường trước đây và hiện là giám đốc đài phát thanh Việt ngữ sở tại. Ca sĩ chính trong buổi trình diễn này: Khánh Ly
TƯỞNG NHỚ NGƯỜI ANH CẢ
Tối qua nhận được tin nhắn của anh Trần Quốc Bảo, theo đường link tôi chỉ biết anh đang ở Garden Grove, Cali. Tôi chưa từng biết anh, nhưng khi anh nói báo Thế Giới Nghệ Sĩ của anh sẽ ra số báo nhớ về nhà văn Duyên Anh 20 năm khuất bóng, tôi sững người. Có những người còn lưu dấu anh nhiều hơn tôi tưởng. 6.2.1997, tôi vừa lật lại cuốn "Duyên Anh và tôi, những câu chuyện bên ly rượu" của anh Vũ Trung Hiền tặng, để xác định con số 20 năm ấy. Biết nói sao nhỉ, thời gian vẫn cứ phải làm tròn phận việc của nó, là chôn vùi mọi thứ. Tôi vốn tâm niệm không ôm quá khứ, không hoài niệm và cũng không núp bóng quá khứ dù nó có đẹp tới đâu chăng nữa. Ích gì, nếu nó không giúp ta sống tốt hơn trong hiện tại. Lại thêm tôi vốn xem nhẹ chuyện văn chương viết lách của mình, chẳng chuyên chở được gì, chẳng qua là một thời bay bổng, rồi qua. Qua rồi thôi. Hãy làm chuyện khác. Tôi không có được cốt cách của một nghệ sĩ thực sự, phóng mình trong nghệ thuật, tôi biết mình chỉ tầm tầm thế thôi khi thỏa thuận với sự chừng mực trong đời sống, thỏa thuận với hạnh phúc bình dị chung quanh. Song đến bây giờ, có lẽ tôi bắt đầu ngồi nhiều hơn xê dịch. Ngồi chờ rong rêu phủ và dùng những key word tìm lại đôi ba vụn vặt, những mảnh vỡ của mình còn vương vãi đâu đó, nhặt nhạnh lại trên Net, có khi lóng lánh thấy vui. Những mảnh vỡ ấy có tôi thời trẻ và bạn bè, có tôi thời làm báo và bóng dáng lớn người anh cả Duyên Anh, người mang dấu ấn sâu đậm khi tôi mới bước chân vào đời, định hình một phần con người tôi sau này .
Lúc nào tôi cũng mang nhiều xúc cảm khi nhắc tới anh Duyên Anh và thời gian cả hai gắn kết với một tờ báo tâm huyết. Anh DA làm nhiều báo, nhưng anh chỉ hãnh diện khi nhắc tới TN. Cũng như viết nhiều nhưng anh chỉ muốn mình được nhắc tới với ngòi bút tuổi thơ. TN xuất bản được đúng 4 năm thơ mộng rồi cũng theo dòng biển dâu mà trôi đi. Cả một thế hệ trôi đi. Chúng ta lạc nhau. Tôi cũng lạc mất người bạn vong niên đã đưa tôi vào nghề, yêu nó, mê nó nhưng rồi, cũng chỉ ngần ấy thôi, khi chúng tôi vĩnh viễn lạc nhau.
Thời gian anh DA nằm viện ở Pháp, sau khi bị đòn thù hận giáng xuống đời người, còn ập theo bao nhiêu oan nghiệt bám riết. Khi ấy đứa con gái duy nhất của anh là cháu Vũ Nguyễn Thiên Hương cùng chồng mới cưới (là người Tô cách Lan) về thăm vợ chồng tôi, nói rằng ba con muốn hỏi chú, ba con muốn về quê dưỡng bệnh có nên không. Tôi hiểu nỗi đau đớn của anh không phải là vết thương nằm, mà là vết thương đau nhói bẽ bàng vì cuộc đời ngộ nhận mọi thứ. Anh không thuộc về ai, anh thuộc về độc giả, những người đã mộ mến dựng "nhà" trong tâm họ. Qua Thiên Hương, tôi gửi nhiều tâm sự tới anh. Nhưng không bao giờ tới. Chuyến đi ấy đã trở thành định mệnh của vợ chồng cháu. Chuyến máy bay trở về Pháp đã bị rơi trên không phận Thái Lan. Vài ngày trước đó khi chụp hình chung với vợ chồng tôi, con bé còn đùa: Chụp hình 3 người xui lắm cô chú ơi.
Khoảng năm 1991, nhà văn V P, biên tập viên của BBC có ghé Biên Hòa thăm tôi muốn tìm hiểu cặn kẽ về thực hư chuyện làm ăng ten trong thời gian đi tù của anh DA ra sao. Tôi thật sự cay đắng. Biết bao người kinh nghiệm chính trường chính trị, dày cộm chủ thuyết học thuyết, uyên bác văn học văn chương sao lại không rõ chính kiến của một con người như DA đã trải tâm huyết qua hàng ngàn trang giấy như thế. Những kẻ đã tan hàng còn bị dí theo xua cho tan tác dẫm đạp lên nhau nghi kỵ nhau chụp mũ nhau vò nát nhau…thử hỏi, hỏi gì nữa đây.
Tôi vẫn nuôi ý định, không xa, mình sẽ có dịp trình bày những tấm bìa cho sách anh Duyên Anh khi tái bản rộng rãi, cả trong nước lẫn ngoài nước.
(Hình ảnh post kèm : Nhà văn DA- cầm bút tay trái- tại báo Người Việt, 1995- trích sách DA và tôi của nhà văn Vũ Trung Hiền )
TUỔI NGỌC - DUYÊN ANH & TÔI
Trước năm 75, đã có những cuốn sách viết về DA. Sau này thêm nữa, nhiều những trang web công phu còn tổng hợp được nhiều tác phẩm của anh. Nhiều nhận định của các nhà văn, nhà phê bình tiếng Việt hay tiếng nước ngoài cũng đánh giá về văn nghiệp của DA, mà "hai đời văn trong một đời người" đã lưu lại tên tuổi. Tôi không đủ chữ nghĩa để thêm nữa, thực là như thế, trên vai tôi còn có nhiều đại thụ, và chính anh DA cũng là một đại thụ phủ bóng trên tôi. Mọi người nhắc tới tôi như một cặp đôi sóng tên nhau trên báo TN một thời. Thế thôi. Một thời sau lại khác, khi bỏ xứ mà đi, anh có nhiều bạn hơn, nhiều rượu và nhiều tiếng chửi thề hơn, nhiều ê chề vả nhiều trăn trở dằn vặt hơn. Khi thì ở Pháp, lúc qua Mỹ, nơi nào anh cũng cặm cụi như một thợ, phải viết, phải tuôn trào. Sách của anh in ở nhiều nơi, cả những ấn bản Anh và Pháp ngữ. Nhưng hình như cũng chỉ bọt bèo thôi, là phận bạc của người cầm bút. Còn hơn thế, phận bạc của người cầm bút khi đã lạc mất độc giả. Một tác giả từng có 10 ngàn ấn bản cho một lần in còn đòi thương lượng, đến khi chỉ mong in ra 5 trăm, còn phải trông đợi vào buổi ra mắt sách. Buồn này biết gửi về đâu, một thời đã trôi, một thế hệ đã qua rồi . Tôi nhận ra nỗi buồn này khi nhà văn cũng là nhà xuất bản VT Hiền hỏi anh: Những cuốn sách sắp tới anh định in với NXB nào. Anh đáp: Tuổi Ngọc.
Vỡ Lòng Ca Dao, Về Với Ca Dao, Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc, Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu, là tên của những cuốn sách anh DA viết bằng tay trái khi ở Pháp và ra mắt phát hành tại Mỹ, năm 1995. Sau đó không thấy tác giả "DA và Tôi" nhắc tới tên sách nào nữa. Dĩ nhiên cái tên TN chỉ còn mơ hồ, đã rơi hẳn về quá khứ. Logo của NXB Tuổi Ngọc là một bông Hướng Dương 12 cánh, là ấp ủ của anh em chúng tôi, chỉ đóng "mác" cho sách mình và những cây viết TN.( Lần cuối cùng, hàng ngàn ấn bản cuốn Bé Yêu với khổ nhỏ của DA khi in xong đã rơi vào những ngày cuối của tháng 4 năm 75 và không bao giờ phát hành). Cũng vắn số như TN, bông hướng dương ấy sớm héo rũ khi không còn thấy ánh mặt trời nữa.
Khi viết những dòng này tôi nghĩ tới có ai sẽ share nó hoặc trích đăng ở đâu đó. Không chính thức để ghi nhận hay bình luận về một con người hay sự kiện nào trong quá khứ. Nó không bao giờ là tài liệu. Xin coi đây chỉ là những tâm tình, những xúc cảm của một người về một thời, chia sẻ với những độc giả của TN mà tưởng đã thất lạc nhau mãi mãi, nay còn tìm lại. Một thời TN, một thời của chúng ta.
Cho đến bây giờ, khi những bữa ăn không thiếu gì rượu thịt, khi tuổi đời đã không còn đủ… răng đề ăn nữa, nhưng miếng ngon bao giờ cũng thuộc về quá khứ. Mà quá khứ thì không bao giờ thiếu vắng những người thân yêu được. Câu chuyện của tôi đây : Một buổi sáng anh DA kéo tôi vào quán nằm bám ngay sát tòa soạn (khi ấy tòa soạn trên đường PNL). Đúng nghĩa quán cóc, vì nó chỉ ghệ mái vào vách tường sát hẻm. Còn cóc hơn khi tô phở chỉ có 5 đồng. Cái tô nhỏ lại vơi, lều phều vài cọng vài miếng. Lùa vớt chỉ vài gắp chưa kịp tráng bao tử đã hết. Nhưng nước lèo chưa hết. Còn cơm nguội không bác Bảy? Tưởng đùa, nhưng bác chủ quán vui vẻ bươi ra hai chén cơm thiệt, cơ chừng vét nồi của tối qua, nó cũng vơi như hai tô phở. Trời ơi ! Các bạn đừng cười. Ngon như chưa bao giờ ngon thế. Và quý bả cũng đừng tìm hiểu sao cơm nguội chan nước phở lại tuyệt vời đến thế. Cứ ….LIKE đi rồi biết.
KỶ NIỆM CỦA VĨNH PHÚC (CỰU KÝ GIẢ BBC) VÀ DUYÊN ANH
(BÀI VIẾT NHÂN 20 NĂM TƯỞNG NIỆM NGÀY DUYÊN ANH MẤT)
http://hung-viet.org/a23718/duyen-anh
Hôm nay, mở Email, tôi thấy một bài, tựa đề 20 Năm Nhà Văn Duyên Anh Lìa Cõi Tạm. Kèm theo, có ít lời của Nguyễn Tiến Đức và ba bài viết về Duyên Anh của Nguyễn Hữu Ích, Đinh Tiến Luyện, và Julie.
Tôi biết gì về Duyên Anh?
Tôi biết gì về Duyên Anh?
Cái Email này khiến tôi không thể làm thinh sau mấy năm qua đã quyết định gác bút, bế môn tạ khách và diện bích. Lý do khiến tôi cầm bút lại, là vì lời nhắc nhở hai mươi năm nhà văn Duyên Anh lìa cõi tạm đã gây xúc động mạnh trong tôi. Tôi ngồi lặng người, để mặc cho bao nhiêu ký ức về Duyên Anh chợt dồn dập trở về. Thì ra, những sự việc tôi tưởng đã có thể quên được sau quyết định gác ngoài tai mọi chuyện đời để chỉ sống với mình, nay vẫn còn đậm nét và nguyên vẹn như mới xảy ra hôm qua, tuần trước. Tôi còn nhớ như in, chiều ngày 30 tháng chạp năm Bính Tý, từ Luân Đôn tôi bàng hoàng nhận được tin Duyên Anh qua đời ở Paris ngày hôm trước. Tính theo dương lịch thì là ngày 6 tháng 2 năm 1997. Tang lễ cử hành 10 giờ sáng 14/2/1997, hoả thiêu lúc 14 giờ cùng ngày. Cuối cùng, tôi đi tới quyết định phải kể lại những điều tôi biết về Duyên Anh, để giúp những người ái mộ nhà văn hiểu rõ hơn về anh, đồng thời đính chính những hiểu lầm của người đời, do vô tình hay cố ý.
Ngay khi Duyên Anh sống trên trại đảo Pulau Bidong thuộc Mã Lai chờ được sang Pháp xum họp với vợ con, anh đã liên lạc với tôi ở Ban Việt ngữ đài BBC Luân Đôn. Và cũng vào thời gian này, rắc rối đã xảy ra. Hồi đó, có người kể lại với tôi rằng một số người trên đảo nghe nói là Duyên Anh làm ăng ten khi đi tù cộng sản, nên họ dọa đánh. Cũng trong thời gian này, con gái Duyên Anh là Vũ Nguyễn Thiên Hương gửi cho tôi và giáo sư Patrick Honey (cố vấn cho Ban Việt Ngữ – BBC ) bản thảo hai truyện Đồi Fanta, và Một Người Nga Ở Saigon. Tôi thấy trong Đồi Fanta tác giả mượn lời mấy đứa trẻ bụi đời, để chửi các nhân vật lãnh đạo cũ của VNCH như Nguyễn Vă Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, hoặc nhà văn Mai Thảo. Tôi dùng bút chì đánh dấu những chỗ đó rồi chú thích đề nghị Duyên Anh bỏ các đoạn đó đi, với lý do chúng chỉ làm rẻ tác phẩm mà thôi. Sau đó tôi cảm động và ngạc nhiên khi thấy Duyên Anh nghe theo lời khuyên mà bỏ những đọan văn đó. Tôi mừng vì nghĩ rằng môt con người cao ngạo và bướng bỉnh như Duyên Anh mà bây giờ biết “tu tỉnh” và biết nghe lời khuyên hợp lý rồi chăng? Nhưng không lâu sau thì chứng nào vẫn tật nấy khiến tạo ra biết bao nhiêu là hệ lụy. Tuy nhiên, trong mối giao tình suốt gần hai thập niên 1980 – 90, đã có những lần Duyên Anh chịu lắng nghe tôi.
Có thể nói rằng Duyên Anh mang một cuộc sống nội tâm nhiều dằn vặt. Phải chăng điều này tạo ra một Duyên Anh bề ngoài khinh mạn, bướng bỉnh, phá phách? Có những chuyện riêng tư dường như Duyên Anh chỉ giữ kín trong lòng không hề thố lộ với ai, kể cả người bạn thân nhất, từng gắn bó với Duyên Anh từ thời trai trẻ hàn vi hồi mới di cư, từng hy sinh rất nhiều cho Duyên Anh cả về vật chất lẫn tinh thần, là Đặng Xuân Côn. (Đặng Xuân Côn lớn tuổi hơn Duyên Anh nhưng lấy cô em vợ Duyên Anh – cô Minh ). Đây là ví dụ cho thấy tình thân giữa hai người bạn, và sự hy sinh của Đặng Xuân Côn dành cho Duyên Anh như thế nào: Hồi hai người còn nghèo, với đồng lương thư ký và chỉ đi làm bằng chiếc xe mô-bi-lét cọc cạch, mà Đặng Xuân Côn dám mua chiếc xe vespa mới toanh đầu đời cho Duyên Anh. Và ba lần vợ Duyên Anh đi sanh, thì chính Đặng Xuân Côn là người vào bảo sanh viện trông nom săn sóc sản phụ và hài nhi, khiến cho các bác sĩ và y tá cứ tưởng Đặng Xuân Côn là cha mấy đứa trẻ!
Tôi nghĩ rằng hệ lụy đeo đẳng cuộc đời Duyên Anh có lẽ đã từ khi Duyên Anh kết hôn. Duyên Anh theo đạo Phật trong khi vợ theo đạo Chúa. Song hình như Duyên Anh cũng không quan tâm chuyện tôn giáo. Nguyễn Ngọc Phương – vợ Duyên Anh – là con nhà đại điền chủ Mìền Nam Nguyễn Ngọc Đề, em Phó Tổng thống thời đệ Nhất Cộng Hòa Nguyễn Ngọc Thơ. Ở Long Xuyên có con kinh gọi là Kinh Ông Đề, chính do cha vợ Duyên Anh cho đào để đem nước vô giúp dân làm ruộng. Dù lấy vợ nhà giàu và có thế lực nhưng Duyên Anh hầu như không nhờ nhà vợ gì cả, vì mẹ ruột Ngọc Phương mất sớm, và ba chị em gái gặp bà dì ghẻ khắc nghiệt. Tuy vậy cũng khó tránh được “lời ong tiếng ve” và chính Duyên Anh sau này có viết mấy lần về thái độ xem thường của cậu em vợ, để rồi khi đã có danh vọng thì Duyên Anh “tuyết hận “ (chữ của Duyên Anh). Sau này nhờ có dịp tiếp xúc nhiều nên tôi được biết khá rõ về tính tình của vợ Duyên Anh. Chính vì giữa hai vợ chồng không có được mối quan hệ hoà thuận kẻ tung người hứng, hiểu nhau, thông cảm cho nhau, nên gia đình thỉnh thoảnh xảy ra cảnh bất hoà. Theo ông Trần Kim Tuyến, hồi những năm trước 1975, cứ trung bình khoảng 2 – 3 tháng, vợ Duyên Anh lại đến khóc lóc nhờ ông và linh mục Thiên Hổ (Nguyễn Quang Lãm, báo Xây Dựng ) đi tìm Duyên Anh vì anh chàng cãi nhau với vợ, đã bỏ nhà đi biệt. Hai vị niên trưởng lại phải cho người đi dò la tin tức Duyên Anh, rồi khuyên nhủ hắn về với gia đình. Đã đành vợ chồng nhà nào cũng đôi khi có chuyện mà người ta gọi là “bát đĩa có khi xô”. Nhưng với Duyên Anh hình như tình trạng này không phải chỉ xảy ra “thỉnh thoảng”. Sau này, khi đã lâm cảnh mất nước, mất nhà, thân đi tù đi tội, thế mà cũng vẫn còn cảnh xào xáo lục đục. Lắm khi tôi cứ giả thiết: nếu Duyên Anh lấy một người vợ tính tình nhu mì, biết cách chiều chồng, biết nhẫn nhịn chịu đựng, thì có lẽ Duyên Anh đã không gây gỗ và có cuộc sống gia đình thật hạnh phúc. Duyên Anh ham bạn, rồi khi có sẵn đồng tiền thì lại ham chơi vung vít. Khi sống cuộc đời tỵ nạn ở Paris, không còn tiền để vung vít nữa, nhưng tính ham bạn vẫn còn. Cộng thêm hoàn cảnh sống gò bó cả tinh thần lẫn vật chất, nên càng thèm bạn và chỉ còn cách tìm sự khuây khỏa bằng ly rượu. Bởi vậy, trong một lá thư gửi cho tôi hồi cuối năm 1987 trước khi bỏ Paris sang Hoa Kỳ, Duyên Anh viết:
Đây là lần duy nhất Duyên Anh thổ lộ tâm sự với tôi, còn bình thường không hề hé môi.
Trước đó không lâu, Duyên Anh tỏ ra buồn và cô đơn vì cuộc sống ở Paris không thích hợp với mình, nên đã làm bài thơ Lưu Đầy gồm 100 câu gửi tặng tôi.
…
Hiểu rõ tâm trạng Duyên Anh, tôi đã viết trả lời bằng bốn câu có giọng hơi trách móc như sau:
Đến được đây ta ở lại đây
Có ai vui kiếp sống lưu đầy
Sao vội quên câu “sông có khúc …”
Địa ngục, Thiên đàng, ai tỉnh say?
Có ai vui kiếp sống lưu đầy
Sao vội quên câu “sông có khúc …”
Địa ngục, Thiên đàng, ai tỉnh say?
Viết như vậy, nhưng tôi biết rất rõ rằng Paris không phải nơi có thể cầm chân Duyên Anh được. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cho Duyên Anh biết rằng đất Mỹ cũng chưa hẳn sẽ là nơi thích hợp với anh. Bởi vì bây giờ thời thế đã đổi khác. Những người bạn mà anh tưởng có thể chia bùi sẻ ngọt, những người trước kia đã nhờ vả anh hoặc tỏ ra hào sảng với anh; tất cả bây giờ đã đổi khác rồi. Sẽ khó trông mong gì ở họ. Có kẻ gặp vận may trở nên khá giả, nhưng họ làm mặt xa lạ chứ không nồng nhiệt với anh. Có những người còn tình nghĩa nhưng lâm cảnh “ốc chưa mang nổi mình ốc làm sao mang cọc cho rêu”. Tôi cũng nhắc nhở Duyên Anh rằng nếu vẫn cứ muốn đi Mỹ thì phải rất thận trọng. Vì đất Mỹ vốn có lối sống rất bạo động, mà bằng cách ăn nói, viết lách đụng chạm, gây thù oán với nhiều người của Duyên Anh, thì khó tránh được tai họa.
Nhưng sau khi đọc hai lá thư cuối cùng của Duyên Anh viết từ Paris, tôi mới hiểu rõ thêm những nguyên nhân thúc đẩy Duyên Anh có quyết định dứt khoát. Trước nhất là sự việc liên quan đến buổi ra mắt 3 băng cassette nhạc do Duyên Anh thực hiện. Trước đó một thời gian Duyên Anh viết cho tôi, nói rằng cần tiền để làm việc này. May mắn là một mạnh thường quân giúp một khoản lớn, một vài anh em khác ủng hộ những món nhỏ. Và Duyên Anh ngỏ ý “vay” tôi một khoản nhỏ, hứa bán xong cassette sẽ trả ngay. Tôi đã gửi “ủng hộ, chứ không vay mượn gì cả”. Chẳng ngờ, khi buổi ra mắt băng nhạc được tổ chức khá xôm tụ với hy vọng tràn trề của Duyên Anh, thì bất ngờ vợ Duyên Anh ập đến phá đám. Bởi vì vị mạnh thường quân của Duyên Anh là một phụ nữ. Người này tôi đã biết, và khoảng nửa năm trước đã mời tôi cùng Duyên Anh về nhà ăn cơm. Đây là một phụ nữ đã có 2 con gái học trung học và đại học ở Mỹ. “Bị” mời thì tôi đến, nhưng tôi không tỏ ý kiến tán thành hay phản đối mối liên hệ này của Duyên Anh. Vì tôi nghĩ bạn tôi đã quá khôn ngoan từng trải và nhiều tài hoa. Do đó đi đến đâu cũng có rất nhiều người mến mộ. Đó là chuyện … bình thường. Còn tôi “tài hèn trí đoản”, nên chỉ biết an phận mà thôi. Vì vụ đánh ghen bất ngờ đó mà Duyên Anh và vị mạnh thường quân được bằng hữu đưa vội ra cửa sau, biến mất; còn quan khách cứ tự động giải tán trong sững sờ. Sau đó, vợ Duyên Anh tịch thu hết băng nhạc, cho nên không ai mua được, và chỉ một số rất nhỏ bạn thân của Duyên Anh có được các băng nhạc đó mà thôi. Sau vụ này Duyên Anh viết cho tôi:
Tất nhiên, không khí gia đình Duyên Anh càng kém vui hơn. Có lẽ sự dằn vặt của vợ đã khiến cho Duyên Anh đi đến quyết định dứt khoát là bỏ gia đình, bỏ Paris để đi Mỹ, mặc dù chưa có quốc tịch Pháp, mà cũng chẳng có một thứ bảo hiểm nào cả, trong đó bảo hiểm du lịch là tối quan trọng. Chính vì vậy mà khi bị hành hung ngày 30/4/ 1988, Duyên Anh lâm vào tình trạng rất bi đát.
Hình như khi sang Mỹ, Duyên Anh đến ở với gia đình Đặng Xuân Côn một thời gian ngắn, rồi đi gặp một số bạn cũ và mới, rồi cũng viết cho một hai tờ báo (hồi đó báo chí VN ở hải ngoại còn phôi thai lắm). Và dĩ nhiên, Duyên Anh cũng đả kích vung vít khá nhiều người. Đụng chạm lớn nhất có lẽ là với mặt trận Hoàng Cơ Minh mà nghe nói hồi đó đang phát triển mạnh lắm.
Những hệ lụy do Duyên Anh tạo ra khiến đưa đến vụ hành hung thô bạo. Tôi thương và buồn cho Duyên Anh. Không lâu sau khi Duyên Anh đến Paris từ Pulau Bidong, tôi đã sang ngay để phỏng vấn và tường thuật trên BBC. Còn nhớ, tôi đã chỉ mặt Duyên Anh mà bảo: “Thôi nhé. Từ nay hãy chôn bỏ những thằng Thương Sinh, Bếp Nhỏ, Thập Nguyện v.v… mà chỉ giữ lại thằng Duyên Anh nhé! Để cho người ta thương và tránh gây thù chuốc oán. Vả lại, viết lách và làm báo ngoài này rất khác với trong nước như cách các ông quen làm trước 1975”. Khi đó, Duyên Anh đã cười, trả lời, “Tôi hứa với ông và thề sẽ chỉ giữ lại một thằng Duyên Anh thôi”. Và vợ Duyên Anh đã đúng khi nói: “Anh Duyên Anh thề cá trê chui ống!”
Những huyền thoại quanh vụ Duyên Anh bị hành hung.
Những huyền thoại quanh vụ Duyên Anh bị hành hung.
Đã 29 năm rồi, kể từ cái ngày định mệnh 30/4/1988, ngày nhà văn Duyên Anh bị đánh suýt vong mạng. Lúc đó là 5 giờ sáng giờ Luân Đôn. Chuông điện thoại reo, tôi ngạc nhiên bật dậy khỏi giường và lẩm bẩm, “Ai gọi sớm thế!” Đầu giây bên kia, tiếng vợ Duyên Anh khóc và kể rằng chồng bị người ta đánh hôn mê bất tỉnh, chắc là chết mất! Tôi sững sờ, hỏi xem tình trạng Duyên Anh ra sao. Chị Ngọc Phương vẫn mếu máo, bảo, “đưa vào nhà thương, nhưng vì anh Duyên Anh không có giấy tờ, không có bảo hiểm, nên chúng nó vất nằm một xó như con chó, không biết gì cả. Anh làm ơn gọi ngay cho bệnh viện, bảo lãnh cho anh Duyên Anh, thì họa may họ mới chữa cho. Anh làm ngay đi!” Tôi hỏi tên bệnh viện, số điện thoại, và tên bác sĩ trực hôm đó. Vợ Duyên Anh cho mọi chi tiết. Bây giờ tôi chỉ còn nhớ được ông bác sĩ hôm đó có tên Fernandez (?) nên đoán ông ta gốc Mễ. Tôi gọi ngay, xin nói chuyện với ông ta, xưng tên họ, là Senior Producer trong đài BBC London, cho số điện thoại sở cũng như nhà riêng, kèm theo địa chỉ. Tôi cho biết Duyên Anh là một nhà văn nổi tiếng của VNCH, từ Paris sang Mỹ chơi, chứ không phải một tên vô gia cư (homeless ). Và tôi thay mặt gia đình Duyên Anh, hứa sẽ thanh toán mọi phí tổn của bệnh viện. Sau đó, tôi gọi luôn đại diện PEN CLUB International ở Mỹ, nói cho biết sự thể, và đề nghị họ cũng gọi cho bệnh viện để giới thiệu thân thế và sự nghiệp Duyên Anh. Tôi lại gọi đại diện Secours Catholique của Pháp (một Tổ chức Thiện nguyện Công giáo) yêu cầu họ làm tương tự. Rồi sau được biết là Đặng Xuân Côn và con trai lớn của Duyên Anh là Vũ Nguyễn Thiên Chương đã từ Texas bay sang ngay để săn sóc cho Duyên Anh và lo mọi thủ tục giấy tờ.
Tôi yên tâm vì Đặng Xuân Côn và Thiên Chương đã có mặt ngay bên cạnh Duyên Anh. Rồi được biết là sau một thời gian chữa trị trong bệnh viện, Duyên Anh được cho về. Một mạnh thường quân dấu tên (sau này nghe nói là Bùi Bỉnh Bân ), đã bí mật đem Duyên Anh về tiếp tục săn sóc. Theo gia đình Duyên Anh thì người này phải giữ hoàn toàn bí mật, vì vào thời điểm đó người Việt tỵ nạn sống ở Mỹ rất hoang mang sau vụ Duyên Anh bị hành hung. Trước đó đã thỉnh thoảng có người bị khủng bố hoặc sát hại vì bày tỏ thái độ chính trị. Vợ con Duyên Anh còn sợ rằng kẻ thù sẽ tiếp tục truy tìm để làm cho Duyên Anh chết luôn hầu bịt miệng. Cơ quan FBI gặp bế tắc vì cộng đồng người Việt tại Orange County không có ai dám hợp tác để giúp cho cuộc điều tra truy tìm hung thủ. Người ta sợ và hèn!
Trong khi đó, lại không thiếu những tin đồn, những lời rỉ tai trong quần chúng cũng như trong giới cầm bút về tình trạng sức khoẻ của Duyên Anh. Những người bạn tốt muốn tìm hiểu sự thực cũng mù tịt, trong khi có người tung tin là Duyên Anh đã về Pháp rồi. Thậm chí có một vài ông trong giới cầm bút còn tuyên bố (như thật) rằng Tổng thống Mỹ ra lệnh dùng một chuyến bay riêng để đưa Duyên Anh về Pháp, có nhân viên FBI đi theo bảo vệ! Ông khác lại nói rằng Tổng thống Pháp ra lệnh đem một máy bay đặc biệt sang đưa Duyên Anh về Pháp. Ấy thế mà người Việt mình quả thật quá dễ tính, cứ tin là có thật. Nực cười nhất là cho đến tận ngày nay mà vẫn còn có nhiều người tin như vậy.
Vậy sự thật ra sao? Sự thật là sau một thời gian chờ đợi cho Duyên Anh phục sức để có thể ngồi máy bay về Pháp, tổ chức thiện nguyện Secours Catholique của Pháp gửi tặng 2 (hai) vé máy bay. Một cho Duyên Anh và một cho một người thân đi theo săn sóc. Chỉ có vậy thôi. Và từ đó, tại Paris, mỗi tuần Duyên Anh phải vào bệnh viện mấy lần để cho bác sĩ theo dõi sức khoẻ, rồi được cho tập vận động nhẹ nhàng (physio therapy), nếu không thì sẽ bị bại liệt luôn. Thế rồi, với thời gian, với việc tập vận động, lần lần Duyên Anh sử dụng được tay trái và chân trái. Nghĩa là nửa người bên trái phục hồi tuy không mạnh như xưa, còn nửa bên phải vẫn liệt. Tôi lại luôn luôn gọi qua Paris khích lệ để Duyên Anh đừng nản chí. Tôi thường nhắc Duyên Anh về một thí dụ mà chính Duyên Anh đã viết trong truyện của mình về tấm gương nghị lực và ý chí phấn đấu không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, đó là con gọng vó (một loài nhện nước chân dài lêu khêu trông như những gọng của cái vó đánh cá). Trong một đoạn văn, Duyên Anh tả con gọng vó đứng trên một dòng nước chảy xiết. Nó bị dòng nước cuốn xuôi, nhưng không chịu thua. Nó gắng hết sức vượt lên, ngược dòng. Rất nhiều lần nó bị cuốn xuôi, nhưng nó nhất định không chịu khuất phục, lại vượt lên ngược dòng. Và tôi đã nhắc Duyên Anh hình ảnh con gọng vó để cho Duyên Anh lên tinh thần, khắc phục nghịch cảnh. Duyên Anh hứa với tôi sẽ làm như con gọng vó. Qủa nhiên, một thời gian sau, Duyên Anh đã viết bằng tay trái khá nhanh, tuy không đẹp được như ngày xưa viết bằng tay phải. Ngày xưa Duyên Anh nổi tiếng viết khá nhanh, chữ nhỏ li ti như con kiến, và rất đều, thẳng tắp. Bây giờ viết tay trái không nhanh và đẹp bằng, nhưng chữ cũng nhỏ và đều đặn.
Họa Vô Đơn Chí
Duyên Anh bị hành hung 30/4/1988, còn đang thời kỳ phục hồi sức lực và gậm nhấm đau thương thì thảm họa lại bất ngờ chụp xuống đầu anh một lần nữa. Đó là sự mất đi đứa con gái duy nhất mà Duyên Anh rất thương vì cháu rất thông minh lanh lợi: Vũ Nguyễn Thiên Hương cùng chồng tử nạn trong chuyến máy bay trở về, sau chuyến đầu tiên về thăm quê nội làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chồng của Thiên Hương là David McAree, một thanh niên hiền lành gốc Tô Cách Lan. David nói tiếng Việt khá giỏi và trước kia có thời gian làm cho đài BBC. Khoảng gần cuối năm 1988, một hôm vợ Duyên Anh gọi điện thoại than phiền với tôi rằng con gái muốn đem chồng về thăm quê nội, nhưng chị không muốn. Chị cố thuyết phục và ngăn cản, nhưng nó vẫn giữ ý định. Cuối cùng, chị nói, “Tao bảo mày không nghe, mày cứ đi, nếu mày có rớt máy bay mày chết, tao cũng không thương đâu!” Tôi kêu lên, “Sao chị ăn nói gì kỳ cục vậy? Nói gở như vậy, nếu rủi có chuyện gì xảy ra thì chị sẽ ân hận suốt đời đấy!” Rồi vì bận rộn công việc, tôi cũng quên chuyện đó. Cho tới một hôm, em trai của Thiên Hương là Thiên Sơn gọi điện thoại sang báo tin, “Bác ơi! Chị Hương cháu tử nạn máy bay rồi! Bố cháu bảo cháu báo tin cho hai bác.” Tôi như bị điện giật, sững người đi một lát mới hỏi, “Sao? Còn thằng David? Bố cháu nay ra sao?” Sơn đáp: “Cả anh David cũng chết luôn. Bố cháu chỉ ngồi yên, không nói gì.”
Thì ra, vợ chồng cháu Hương về Việt Nam, ghé về quê nội thăm họ hàng. Ở chơi ít ngày, David còn nhảy xuống tắm ở ao làng, cả làng ra xem. Không ngờ trên chuyến bay đến Bangkok trước khi về Pháp thì máy bay đâm xuống ruộng lúa khi gần tới thủ đô Thái Lan làm 76 người thiệt mạng. Bà mẹ góa của David McAree xin đem hài cốt của con trai và con dâu về chôn trong hai ngôi mộ cạnh nhau ở gần nhà, trên Tô Cách Lan. Một thời gian sau, vợ chồng Duyên Anh được Thiên Chương là con trai lớn cùng Đặng Xuân Côn từ Mỹ sang, đưa đi thăm mộ Thiên Hương trên Tô Cách Lan. Họ ghé nhà tôi ở Luân Đôn làm trạm nghỉ chân ít ngày. Vợ Duyên Anh không ngớt cằn nhằn chồng tại sao để cho bà suôi gia giành lãnh hết tiền bồi thường của hãng hàng không. Phần Duyên Anh chỉ nói, “Cái mạng con mình đã mất rồi, còn chẳng giữ được, tranh giành tiền bạc để làm gì?”
Những tháng năm cuối đời
Bị tàn tật, chỉ sử dụng có nửa người bên trái, lại bị thêm thảm họa mất con gái, Duyên Anh như chết lịm hẳn đi. Nay trong mắt người vợ, Duyên Anh mất giá hẳn. Cho nên Duyên Anh lại càng phải nghe những lới cằn nhằn vốn đã quá quen thuộc. Tôi không ngạc nhiên khi thấy Duyên Anh rất muốn thoát khỏi không khí tù túng của gia đình. Thỉnh thoảng Duyên Anh sang ở với tôi ít ngày. Trong những dịp như thế, tôi lại đưa lên thành phố Cambridge cho thăm ông Trần Kim Tuyến và nhà văn lão thành Lãng Nhân Phùng Tất Đắc. Những lúc như thế, Duyên Anh vui lắm, cứ như cá gặp nước. Tuy nhiên, tôi vì bận công việc nên khó thu xếp thời giờ để luôn luôn giúp bạn vui. Ngay như ở Paris, không dễ gì để Duyên Anh có thể đi đây đi đó gặp gỡ bạn bè. Họa hoằn mới nhờ được người đem xe đến chở đi. Và người có lòng tốt cũng lại ngại ngùng không muốn làm phật lòng bà Duyên Anh. Hình như bà không muốn chồng đàn đúm, vui vẻ với bạn bè. Ngày xưa Duyên Anh còn khoẻ mạnh, sẵn tiền bạc, danh vọng, thì có lý do chính đáng để bà giữ chồng vì sợ tính nết trăng hoa của chồng đã đành. Nhưng nay Duyên Anh đã tàn phế, thất thế, không tiền bạc, mà bà cũng không muốn cho chồng ra ngoài. Cho nên Duyên Anh lại càng buồn bực khổ sở.
Khoảng giữa năm 1995, chẳng hiểu vì sao, Duyên Anh phải kéo lê cái va-ly nhỏ, được bà đầm hàng xóm kêu giùm cái xe taxi, để đến tá túc ở nhà bà Bích Thuận. Rồi bà Bích Thuận bị vợ Duyên Anh gọi điện thoại dùng lời lẽ khá bất nhã. May quá, dịp đó bác sĩ Tuyến đang có mặt ở Paris, liền mua vé máy bay cho Duyên Anh sang Luân Đôn, định đến ở nhà tôi. Nhưng lại gặp rủi, là vì đúng ngày hôm sau tôi phải lên đường đi Việt Nam trong công tác của BBC kéo dài sáu tuần lễ. Nên Duyên Anh phải lên Cambridge ở 3 tuần với bác sĩ Tuyến. Sau đó ông lại mua vé cho Duyên Anh sang Mỹ. Sang California, Duyên Anh được một số đàn em cưu mang: ở với Vũ Trung Hiền một thời gian, rồi Nguyễn Kim Dung đón về ở một thời gian.
Trong những năm này, có lần Duyên Anh trở về Paris để lấy quốc tịch Pháp. Nghe nói cũng thời gian này, FBI cử nhân viên sang Paris gặp Duyên Anh, cho biết họ đã tìm ra kẻ hành hung Duyên Anh trước kia. Nếu Duyên Anh muốn thì khởi tố, họ sẽ bắt và đưa hung thủ ra toà. Nhưng Duyên Anh trả lời rằng anh không muốn làm gì nữa. Người Mỹ làm việc quá chậm, còn anh thì đã cảm thấy chán hết mọi chuyện rồi. Thôi hãy bỏ đi! Cho nên vụ án này chìm và bị quên luôn! Không phải tới năm đó Duyên Anh mới “bỏ qua” vụ án. Năm 1991 Duyên Anh sang nhà tôi. Tôi đã phỏng vấn để phát trên đài BBC. Khi được hỏi về vụ bị hành hung, Duyên Anh trả lời không còn thù hận gì những kẻ hành hung mình. Duyên Anh bảo họ cứ sống thản nhiên, đừng lo ngại. Theo anh, có thể người ta nghĩ rằng anh đã sợ. Nhưng ai muốn nghĩ sao tùy ý.
Điều sót sa đau đớn cho Duyên Anh là trong những tháng năm cuối đời, khi đã thất thế, thân thể tàn tật, chỉ có thể sử dụng được tay trái và chân trái, nói năng cũng chậm chạp, đầu óc không còn minh mẫn như xưa, nên lắm khi cần phải có người giúp đỡ trong các sinh hoạt hàng ngày, tuy rằng vốn là người nhiều nghị lực và tự ái, Duyên Anh cố gắng, không muốn nhờ vả ai cả. Ngay trong gia đình đã thiếu đi tình thương yêu và sự an ủi săn sóc của một người vợ hiền. Cứ nhìn cảnh Duyên Anh ngồi ăn cũng đủ thấy hoàn cảnh bi đát của anh. Thường thường, Duyên Anh thích được ăn cơm để trong cái tô lớn, có chan canh, để có thể dùng tay trái xúc bằng muỗng mà ăn. Gặp những món ăn cứng, thái miếng to, hay phải gắp bằng đũa, thì chịu chết! Đã vậy, còn bị đổ vãi ngoài ý muốn. Có khi chỉ vì một sự bất ưng ý nào đó, tô cơm đang ăn bị lấy đi, đem đổ vào thùng rác! Cho nên, đã từ lâu rồi, Duyên Anh chỉ muốn vùi đầu vào ly rượu để quên đời, quên sầu tủi.
Điều sót sa đau đớn cho Duyên Anh là trong những tháng năm cuối đời, khi đã thất thế, thân thể tàn tật, chỉ có thể sử dụng được tay trái và chân trái, nói năng cũng chậm chạp, đầu óc không còn minh mẫn như xưa, nên lắm khi cần phải có người giúp đỡ trong các sinh hoạt hàng ngày, tuy rằng vốn là người nhiều nghị lực và tự ái, Duyên Anh cố gắng, không muốn nhờ vả ai cả. Ngay trong gia đình đã thiếu đi tình thương yêu và sự an ủi săn sóc của một người vợ hiền. Cứ nhìn cảnh Duyên Anh ngồi ăn cũng đủ thấy hoàn cảnh bi đát của anh. Thường thường, Duyên Anh thích được ăn cơm để trong cái tô lớn, có chan canh, để có thể dùng tay trái xúc bằng muỗng mà ăn. Gặp những món ăn cứng, thái miếng to, hay phải gắp bằng đũa, thì chịu chết! Đã vậy, còn bị đổ vãi ngoài ý muốn. Có khi chỉ vì một sự bất ưng ý nào đó, tô cơm đang ăn bị lấy đi, đem đổ vào thùng rác! Cho nên, đã từ lâu rồi, Duyên Anh chỉ muốn vùi đầu vào ly rượu để quên đời, quên sầu tủi.
Con người Duyên Anh
Cái xấu
Ai cũng biết rõ là Duyên Anh có quá nhiều kẻ thù. Ấy là do tính tình ngang bướng, cao ngạo. Nhưng tại sao Duyên Anh có giọng điệu cao ngạo, xem thường thiên hạ? Tôi đã hỏi thẳng Duyên Anh điều này thì được trả lời,
“Ông thấy tôi khi vào đời chưa nổi tiếng, chưa là cái gì cả, chỉ mới viết được có vài bài phóng sự gây tiếng vang, thế là linh mục Trần Du (nhật báo Hoà Bình ) vội “đội” tôi lên. Rồi khi tôi “đánh” vài thằng tướng tá, chính khách tham nhũng và hèn, thì chúng nó “cúp đuôi” lại. Còn các bậc đàn anh mà tôi tin tưởng và quý trọng, hoá ra toàn là phường đạo đức giả hết. Thế thì làm sao tôi không khinh chúng nó, tôi không lộng?”
Khi đã có “thế” rồi, Duyên Anh khinh đời, bắt đầu viết lách, ăn nói bừa bãi, xem trời bằng vung, thì thiên hạ lại càng ngán. Cũng có người giữ thái độ “tránh voi…” hoặc “không dây với hủi”. Tôi hỏi Duyên Anh rằng ngày xưa có bao giờ dùng ngòi bút để tống tiền người ta không, thì được trả lời,
“Không. Nhưng khi tôi mới tung ra một bài điều tra về chuyện lem nhem ở một bộ — như Bộ Kinh tế chẳng hạn – thì lúc tôi đang ngồi ở bàn phé, tên bộ trưởng cho anh thư ký đem đến cho tôi cái phiếu mua xe lambrette rẻ. Một lát sau, một anh khác đến xưng là người nhà của đối thủ của anh Bộ trưởng, đưa tôi một phong bì. Tôi đang thua phé, thì dại gì không nhận hết? Còn hôm sau tôi viết gì là chuyện khác! Tôi chẳng bênh thằng nào cả. Cần phang là tôi vẫn phang.”
Duyên Anh còn có lối ăn nói như vả vào mặt người đối thoại khi không bằng lòng người ta, bất kể thân, sơ. Ví dụ một lần ngồi ăn ỏ Paris, trong cuộc tranh luận với Lê Trạch Lựu (tác giả bài Em Tôi) về âm nhạc và liên quan đến nhạc sĩ Lương Ngọc Châu. Lê Trạch Lựu lớn tiếng khoe: “Mày nên nhớ là tao ở gần anh Lương Ngọc Châu mấy chục năm rồi nhé!” Duyên Anh đáp liền: “Mày ở gần anh ấy mấy chục năm thì mày biết được anh ấy có mấy cái mụn ghẻ, chứ mày biết gì?” Chúng tôi phì cười cả. Một lần khác, tôi và Duyên Anh đang ngồi trong quán thì một anh tên M. ở Paris đã lâu nhưng chẳng có sự nghiệp gì cả, bước vào và đến bàn chúng tôi nói giả lả mấy câu. Chẳng ngờ Duyên Anh chặn liền: “Thôi anh hãy đi về mà tắm đi đã, vì anh hôi lắm không thể nói chuyện văn nghệ với chúng tôi được!” Tôi đá nhẹ vào chân Duyên Anh dưới gầm bàn ra ý trách móc. Thì Duyên Anh nói nhỏ: “Thằng này chuyên đi dò la rồi báo với Pháp những quán ăn, cửa hiệu nào của người Việt trốn thuế, tôi khinh nó!” Lại một lần khác trong quán của bà Đào Viên là bạn chúng tôi, một anh ăn mặc có vẻ diêm dúa, sán đến nịnh Duyên Anh: “Tôi rất quí anh Duyên Anh. Tôi thích những anh em làm văn nghệ như anh.” Ai ngờ Duyên Anh đập lại liền: “Anh biết gì về văn nghệ mà đòi nói chuyện văn nghệ với chúng tôi?” Ngoài ra, Duyên Anh còn bị nhiều người ghét, vì thói viết chửi bới người ta. Số người bị là nạn nhân của Duyên Anh không ít. Đến nỗi một lần mấy thân hữu ở Paris nói với tôi, “Ông Duyên Anh chửi hết mọi người, chẳng từ ai cả. Chỉ còn có ông Vĩnh Phúc là chưa bị chửi thôi. Chưa, chứ không hẳn là không đâu nhé!” Tôi chỉ cười. Chứ còn biết nói sao? Tuy nhiên, hình như Duyên Anh có sự đối xử đặc biệt dành cho tôi? Có những lần bị tôi nói thẳng, sửa lưng, mà Duyên Anh không giận. Hay là Duyên Anh thấy tôi… vô hại, nên không chấp? Tôi thấy một điều là Duyên Anh rất thèm bạn, những người bạn chân tình, không dối trá.
Cái tốt
Nhân vô thập toàn. Ngoại trừ các bậc thánh, còn phàm nhân, ai cũng có một phần xấu và một phần tốt. Những bậc hiền sĩ, những người giàu lòng khoan hòa độ lượng thì sẵn sàng bỏ qua cái xấu, lỗi lầm của tha nhân. Riêng tôi dễ chấp nhận một người bạn với cả cái xấu lẫn cái tốt, miễn là người đó thực lòng với tôi. Có người hỏi tôi tại sao Duyên Anh tai tiếng và có nhiều kẻ thù như vậy mà tôi vẫn thân. Tôi chỉ có thể trả lời rằng chắc chắn tôi không thuộc số những người thù ghét Duyên Anh, và vì tôi quí tài của Duyên Anh.
Theo tôi, Duyên Anh đa tài. Nếu tài của Văn Cao bao trùm ba lãnh vực thi, nhạc, họa, thì Duyên Anh cũng có khả năng cao khi viết văn, làm thơ, và sọan nhạc. Nhưng trước hết, cũng cần nói rằng Duyên Anh là người thông minh, lanh trí, óc tưởng tượng phong phú, và có một trí nhớ rất đáng nể (khi chưa bị đánh đến chấn thương não bộ). Học hành chẳng có bằng cấp gì, nhưng chịu đọc, chịu học ở trường đời; và sự hiểu biết, sự suy nghĩ vượt xa nhiều người mang những học vị cao. Có lần ngồi uống rượu ở Paris, khi đã líu luỡi rồi, mà Duyên Anh còn có thể đọc liền một lúc 390 câu thơ anh đã làm trong tù. Ở nhà tôi bên Luân Đôn, Duyên Anh nói, “Ông cứ cho tôi uống rượu đi, tôi say, tôi đọc thơ cho ông nghe.” Duyên Anh không thích rượu mạnh, chỉ uống rượu chát, và hai thứ anh ưa nhất là Côte du Rhône và Beaujolais. Tuy nhiên nếu bạn bè khui rựơu hiệu gì, Duyên Anh cũng hoan hỉ chấp nhận, không kén chọn.
Về tài năng làm thơ và viết tiểu thuyết của Duyên Anh, hiển nhiên tôi chẳng cần đề cập. Nhưng có lẽ rất ít người biết là Duyên Anh cũng viết nhạc. Và đáng lẽ đã có 3 băng cassette được trình làng khoảng giữa năm 1987. Đó là các băng Ru Đời Phù Ảo, Còn Thoáng Chiêm Bao, và Hôn Em Kỷ Niệm, nhưng buổi ra mắt ở Paris bất ngờ tan vỡ vì bà vợ Duyên Anh đến phá khiến cho Duyên Anh và vị “nữ mạnh thường quân” phải biến mất qua cửa sau. Tất cả các băng nhạc bị vợ Duyên Anh thu hết không cho bán ra. Bởi vậy nhạc của Duyên Anh chìm luôn, chỉ vài bạn thân còn giữ được do Duyên Anh gửi tặng từ trước. Sau này nhân một dịp Mai Hương được mời hát mấy bản ở California, nên có một số người được biết và còn nhớ. Nhạc của Duyên Anh mang nét đặc biệt khác lạ, từ những nốt đang hát khó đoán được những nốt kế tiếp. Chính Mai Hương đã nói rằng “nhạc của Duyên Anh khó hát. Nếu vô ý rất dễ rớt đài.” Ngoài ra, ý và lời đẹp, nhiều tính sáng tạo, giống như ý và lời trong văn và thơ của Duyên Anh vậy.
Theo tôi, trong Duyên Anh có hai con người. Nếu muốn cũng có thể bảo rằng hai con người đó tượng trưng cho hai mặt tốt và xấu của Duyên Anh. Mặt xấu chính là Duyên Anh làm báo, dưới những bút hiệu như Thương Sinh, Bếp Nhỏ, Thập Nguyên, Mõ Báo v.v., vì “đánh đấm” lung tung nên bị nhiều người oán ghét. Còn Duyên Anh nhà văn, nhất là nhà văn của tuổi thơ, nhà văn viết cho tuổi ô mai, Duyên Anh chủ trương tuần báo Tuổi Ngọc, thì trái hẳn lại, được nhiều người thương. Có ai đã đọc Con Sáo Của Em Tôi mà không thấy lòng mình chùng lại và dám nói là thù ghét Duyên Anh? Nguyễn Mạnh Côn là người đầu tiên đọc truyện ngắn này, thích quá, nên giới thiệu và chọn đăng ngay. Rồi Nguyễn Mạnh Côn bảo Duyên Anh, “Cậu viết hay quá! Nhưng tôi sợ rằng viết như thế này, cậu sẽ không thọ!”. Và câu nói của Nguyễn Mạnh Côn đã như một lời tiên tri: Duyên Anh lìa đời cách đây 20 năm, khi mới 63 tuổi. Vào thời buổi này, với những điều kiện vật chất văn minh và đầy đủ, mà sống có bấy nhiêu năm thì quả là “yểu mệnh” thật.
Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc
Tháng 2, 2017