Trong số báo KHỞI HÀNH (hải
ngoại) cũng xuất bản vào ngay lúc ông khuất núi, tôi đọc được một câu chuyện cảm động…và hấp dẫn như…kịch bản một bộ
phim -Một bộ film không ai muốn “đóng”…nơi
đó, những nhân vật, những thân phận là những dựng bày trong một kịch bản ác
nghiệt tên là chiến-tranh-Việt-Nam…
Nhưng , nhân vật chính trong câu chuyên về mối thâm giao
giữa nhà văn Mai Thảo & ký giả Phan Lạc Phúc lại không phải là một nhân vật
bằng xương, bằng thịt…mà đó là phần “hồn” đằng sau những trang sách, Số mệnh li
kì của quyển sách ấy chẳng khác gì kiếp số long đong, gắng sống, vượt tuyến, gặp
lại, vượt biển… của những phận người linh đinh đương thời - trót rơi vào vòng
sinh tử của cuộc khổ nạn mang tên Việt Nam …
“Cuối năm 1953, trong cuộc hành quân theo chiến đoàn 2
(GMC) từ Xuân Trường sang Hải Hậu (Nam Định), ra gần đến biển, đơn vị tôi đụng
trận ở Quần Liêu Văn Lý. Đánh suốt buổi
trưa đến chiều mới qua cầu, vào được một khu dinh cơ toà ngang dãy dọc. Đây là khuôn viên của một gia đình rất giàu có
ở thôn quê. Đặc biệt khu nhà gác trong
ra sân là một gian phòng đọc sách có một thư viện nhỏ. Trái phá làm đổ một góc
căn nhà gác, một số sách rơi xuống ngổn ngang.
Tôi nhận ra một số sách rất quý, những danh tác của các tác gia cổ điển
Pháp và những sách nổi tiếng của các tác gia Việ Nam đương thời. Có cả một bộ từ điển Littré, bìa da chữ vàng.
Tôi nghĩ đây phải là dinh cơ của một gia đình văn học lắm. Tôi cứ âm thầm than tiếc mãi cái thư viện bắt
đầu đổ nát ấy, phải bao nhiêu công trình
mới thâu thập được những danh tác như vậy, bây giờ chiến tranh trà đến nó có thể
cháy, có thể tiêu tan bất cứ lúc nào.
Tôi nhìn thấy cuốn Lửa Thiêng của Huy Cận trên bệ sách. Xưa nay tôi vẫn khao khát tập thơ tiền chiến
này. Tôi cầm cuốn Lửa Thiêng ngoài bìa
có triện son, mở ra xem. Cầm lòng không
được tôi bỏ cuốn Lửa Thiêng vào trong túi quần treillis. Đây là vật tôi “thổ phỉ” đầu tiên trong cuộc
đời lính tráng. Sau đó thấy sách quý rơi
vãi đầy nhà, tiếc của trời tôi lượm mấy cuốn từ điển, mấy cuốn sách học cho vào
một cái “sac martin” gửi về cho em tôi P.L.T đang đi học ở Hà Nội …
Một bữa Mai Thảo đến nhà Thanh Nam chơi, nhìn thấy cuốn
Lửa Thiêng để trên bàn. Giật mình Mai Thảo
cầm cuốn sách lên coi, nhìn kỹ dấu triện son.
Mai Thảo liền hỏi Thanh Nam “Vì đâu có cuổn Lửa Thiêng này”. Thanh Nam chỉ tôi. Tôi liền kể cho Mai Thảo nghe sự tích cuốn
sách. “Có phải căn nhà gác có thư viện
nhìn ra cầu phải không?”. Đúng. “Có những cây bang dọc theo bờ song phải
không?”. Đúng. “Thế là nhà tô đấy ông ạ,
triện son “Nguyễn Đăng”...còn ghi ngoài bìa sách đây mà”. Tôi ngượng ngùng nhìn Mai Thảo mà không biết
nói sao. Mai Thảo nói tiếp “Ông giữ cuốn
thơ này như vậy là may, vì sao đó cả khu dinh cơ ấy bị triệt hạ đâu có còn
gì. Đây là di vật còn lại không ngờ của
căn nhà cũ…”. Tôi có ý định hoàn trả lại
cuốn Lửa Thiêng nhưng Mai Thảo nhất định “Ông phải giữ cuốn thơ này làm kỷ niệm”.
Sau đó trong Sáng Tạo (bộ cũ) Mai Thảo viết một thiên tuỳ
bút đặc sắc “Căn nhà vùng nước mặn”, Mai Thảo nói rằng vì tôi gợi nhớ nên mới
viết thiên tuỳ bút này. Chúng tôi cũng gần
gũi nhau từ đấy…”
Trong bài Hồi Niệm đong đầy những chi tiết cảm động và
những kỷ niệm quý báu, ký giả PLP có nhắc đến bài viết của ông về Mai Thảo trên
tạp chí Vấn Đề, nay, xin dâng lên hương hồn hai tác giả bài viết “đã-từng-là-vắng-mặt”
đó…(trong Vấn Đề số 2 – chứ không phải số ra mắt như trong bài của tác giả - VĐ 2 phát hành 30 năm trước bài Hồi Niệm này - năm 1967 )
Cuộc trò chuyện giữa hai người đã-vắng-mặt hy vọng sẽ
còn lưu lại chút âm ba trìu mến, dội về chút êm đềm một thời mà người ta sống bằng/
sống với kỷ niệm… điều mà nay đã thành một thứ xa xỉ, khi chính những thành phố
giờ đây đã mất đi căn cước, mất đi hoà niệm, mất đi dĩ vãng… Huống chi là chút
phận linh đinh, huống chi là những trang sách tơi tả. Những ký ức lấp lánh này,
một ngày nào đó, rồi cũng chìm khuất và mất tích …
“Hương trầm có
còn đây. Ta thắp nốt chiều nay. ”
huyvespa@gmail.com
Btw, có anh/ chị/ bạn ..nào có 2 quyển này của Phan Lạc Phúc không a?