Thứ Tư, 12 tháng 12, 2007

ĐÊM NAY CÔ ĐƠN;HỒN TA TỰ TRẦM(CD HOÀNG NGỌC ẨN)

                  
Nguyễn Thạnh Phú Đông

Tiếng nói, thơ, nhạc là một kết hợp liên miên, trùng điệp, một kết hợp lạ lùng, kỳ thú, một kết hợp ngoài sức tưởng tượng, khi tôi nghĩ đến. Chợt một ngày nghĩ về ngôn ngữ Việt Nam - chữ Việt là loại đơn âm, đơn vận, bên cạnh đó, lại nằm trong sáu cung bậc ở những dấu (không, sắc, nặng, hỏi, ngã). Với loại ngôn ngữ như vậy, khi nói chuyện - nếu một hôm nào đó ta đóng vai trò của một người ngoại quốc, hoàn toàn không hiểu tiếng Việt, lắng nghe những người Việt nói chuyện với nhau – ta sẽ ngạc nhiên vô cùng, họ nói chuyện như chim kêu, họ nói chuyện như ca hát.

Tự nơi ngôn ngữ Việt Nam đầy tràn âm nhạc, tự nơi có sẵn 6 cung bậc âm thanh, tự nơi là một hệ thống âm giai. Người ta nghĩ đến âm nhạc, nghĩ đến Ngũ cung Á châu hoặc Thất cung của Tây phương. Riêng Lê Uyên Phương, ông nghĩ đến Lục cung của riêng Việt Nam. Một loạt nhạc ông viết ra nằm trong hệ thống đó, gọi chung là Lục Diệp Tố, đó là Lục cung âm nhạc của tiếng nói Việt Nam.

Tiếng nói đó lại còn là tiếng nói của Thơ. Gọi Thơ là thi ca, tức là trong thơ phải có nhạc. Nhạc điệu của một câu thơ, nhạc của một đoạn thơ, nhạc của một bài thơ. Một vài người làm thơ – mà tôi biết – ngoài ý tưởng, họ rất chủ ý đến nhạc điệu cho mỗi bài thơ của họ. Ví dụ từ đầu thập niên 1980, Cao Đông Khánh, với tập “Lịch Sử Tình Yêu”, chúng ta, nếu để tâm nhận xét thì thơ là nhạc, mỗi bài thơ làm bài nhạc riêng.

Để anh hát cho em ngủ quên
Mùa xuân mới trên cỏ xanh mướt
Mây và hoa trên nóc thành phố
Nơi đóng rêu, nơi anh hoang vu
……
Hãy ngâm nga đi, đó là 4 câu thơ, và đó cũng là 4 câu trong một đoạn nhạc, đó chứ! Hoặc đoạn đầu của bài thơ “Chỗ Làm Kiểng”, Cao Đông Khánh đã viết:

Chỗ ngồi của kẻ nhớ nhà
Chỗ đậu của chim gãy cánh
Chỗ trầm tư
Chỗ nhục nhằn
Chỗ ân hận
Chỗ con thất lạc, chồng vợ xa
Bình hoa trong chỗ tôi ngồi
……

Ngâm nga đi, đó là một đoạn nhạc, rõ ràng đã có sẵn, có sẵn sàng để hát đó chứ!
Những loại người làm thơ thấu hiểu được ngôn ngữ Việt Nam là một hoà hợp liên miên, bất tận của Tiếng Nói, Thơ, Nhạc thì thơ loại đó khi được đọc lên chưa cần phải hiểu, người nghe, cảm thấy gần gũi và cảm nhận được tức thì. Hãy đọc đi, đọc lớn lên 2 câu thơ của Vũ Hoàng Chương, đọc thôi, ta sẽ nhận ra tức thì. Đó là 2 câu nhạc lộng lẫy:

Ta chờ em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm

Hầu hết các người làm thơ họ đều lưu ý đến quy luật bằng trắc trong các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ hoặc lục bát và thơ mới. Thơ tự do thì lưu ý về ý tưởng, đọc cho suông câu chứ ít có người nghĩ đến nhạc tính. Nhạc cho mỗi câu thơ, nhạc cho mỗi đoạn thơ, nhạc cho cả bài thơ. Mỗi bài thơ có một nhạc điệu riêng. Hãy đọc thơ Thanh Tâm Tuyền:

Khóc đi Nguyễn
Muà này gió thổi liên lục địa
Màu xanh thoảng thiếng cười của kỷ niệm bâng quơ
Canh bạc về khuya
Viên đạn lăn đã mỏi

Đọc đi, hát đi, Tiếng Nói Thơ Nhạc của ngôn ngữ Việt Nam đó. Với loại ngôn ngữ như vậy, nhạc sĩ Việt Nam không dễ để làm một bản nhạc, bởi vì nốt nhạc bị lệ thuộc vào nhạc của lời nói. Một số nhạc sĩ họ làm được một số nhạc, rồi sau đó họ không làm được nữa là bởi vì họ không có thêm ngôn ngữ. Hãy nghe lại nhạc, người ta sẽ thấy hầu hết các nhạc bản đều có ngôn ngữ riêng của người viết nhạc. Từ một Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn… họ đều có ngôn ngữ riêng. Nhiều lúc bị kẹt, họ phải trở về với thơ, thơ cung cấp cho họ chữ, ý mới cho nhạc.

Tiếng Nói, Thơ, Nhạc của ngôn ngữ Việt Nam nối kết, liên hệ với nhau. Ai cũng cảm nhận điều đó nhưng ít người xác nhận. Có một nhạc sĩ đến gặp Cao Đông Khánh đề nghị phổ nhạc thơ ông để làm cho người ta biết đến thơ ông. Cao Đông Khánh mỉm cười: “-Thơ tôi đâu cần phổ thêm nhạc vào trong đó, nó là nhạc bản đó mà!”

Tiếng Nói, Thơ, Nhạc của ngôn ngữ Việt Nam còn được một người nhìn thấy rất rõ - là Hoàng Ngọc Ẩn. Điều đặc biệt vô cùng, tôi được biết 3 người làm thơ ở Hải Ngoại gắn bó hơn hết với Tiếng Nói, Thơ, Nhạc, là:


- Cao Đông Khánh, tạo âm nhạc riêng cho mỗi bài thơ (không có thơ phổ nhạc!)
- Du Tử Lê, làm thơ, rồi có người phổ nhạc.
- Hoàng Ngọc Ẩn, làm thơ như làm sẵn một bản nhạc.

Nói về thơ phổ nhạc của Du Tử Lê, tôi biết rõ là nhạc sĩ phải hoặc bớt chữ, hoặc thêm chữ, hoặc phải viết thêm lời, mới hoàn tất được một nhạc bản.

Thơ của Hoàng Ngọc Ẩn, nhạc sĩ khỏi cần làm chuyện trên, bởi vì lúc viết bài thơ Hoàng Ngọc Ẩn đã định tâm biến thành nhạc bản. Làm được như vậy, Hoàng Ngọc Ẩn đã phải nghiên cứu vế cách viết một bản nhạc, số chữ từng câu nhạc, âm vận bắt từ chữ này qua chữ khác tùy theo điệu nhạc (Valse, Tango, Rumba, Slow….).

Chúng ta hãy đọc bài “Tháng Tám Mưa Mây” được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc:

Sao em biết thu về mà đan áo?
Vàng thu xưa, vàng cả cuộc tình mình
Mây tháng tám giăng đầy trời mộng ảo
Gió đầu mùa giá lạnh cả hồn anh!

Thư ngày cũ từng đêm mang ra đọc
Lời em xưa sao êm ái, đậm đà
Anh mặc niệm một cuộc tình đã lỡ
Em đi rồi như một ánh sao sa…

Theo sóng đời em trôi vào biển lạ
Anh lang thang khắp lục địa trông tìm
Anh mòn mỏi theo tháng ngày nghiệt ngã
Từng thu tàn vẫn bặt đầu chân chim!

Mưa tháng tám giăng đầy trời Texas
Trời D.C. mùa chắc đã sang rồi
Mang chiếc áo của ngày nào ra mặc
Mang thư tình ra đọc mãi không thôi…!

Là thơ 8 chữ, là viết cho điệu Tango. Hoàng Ngọc Ẩn làm bài thơ để sẵn cho một nhạc bản Tango.

Trong CD “Bến Lỡ”, 10 bài thơ, 10 bản nhạc khác nhau. Âm thơ lục bát, Phạm Duy phổ theo âm điệu ngũ cung.

Bản “Trong Mộ Chiều Xuân”:

Mình đi để lại ưu phiền
Mùa xuân rỏ lệ bên triền phố xưa
Mình đi tôi hết đợi chờ
Vòng tay ân ái cũng hờ hững buông!

Xa rồi những cánh môi hôn
Mắt xanh khép kín, chuyện buồn lên ngôi!
Hương hoa ngày ấy xa rồi
Tôi còn đây với khung trời nhớ thương…

Mình nằm trong mộ chiều xuân
Có nghe chăng tiếng tủi hờn đang dâng?
Tôi cô đơn giữa đường trần
Mình đơn côi dưới mộ phần thiên thu!

Thơ 7 chữ, Trần Quan Long phổ bản “Sóng Sầu”, cung điệu trầm bổng tuyệt với:

Khói thuốc khơi màu mây viễn phương
Quen nhau từ thuở mất thiên đường
Trăm con nước cuốn xa bờ mộng
Nửa cuộc đời đổ nát sau lưng

Tàu nhổ neo rồi không giới hạn
Người đi, kẻ ở khóc thương nhau
Bờ xa cô quạnh đìu hiu nhớ
Sông Jacinto dậy sóng sầu!

Em đến đây, rồi ở lại đây
Rừng thu thay lá, bụi thu bay
Em cô đơn dưới lòng đất lạnh
Tôi lang thang cuối nẻo lưu đày!

Tôi tiễn em, rồi ai tiễn tôi?
Chiều thu hoa lá rụng tơi bời
Em đi biển động đau lòng sóng
Lũng thấp, trời cao cũng ngậm ngùi!

“Hãy Trả Lại Em” bài thơ 8 chữ, nhạc sĩ Phạm Duy đã cắt ra, ráp lại trọn vẹn chữ của thơ Hoàng Ngọc Ẩn, mà làm ra bản nhạc:

Hãy trả về em sân trường, sách vở
Hãy trả lại em áo trắng học trò
Còn những nụ hôn em cho anh đó
Làm hành trang qua vạn nẻo sông hồ

Hãy trả lại em chuyện tình ngày cũ
Hãy trả về em giấc mộng mười lăm
Cũng chỉ tại anh đời em đau khổ
Từng đêm, từng đêm bưng mặt khóc thầm!

Sao nỡ du em vào vòng tình ái
Anh lại cho em nếm vị hôn đầu
Rồi buông em ra giữa dòng khổ ải
Chỉ một lần yêu trọn kiếp u sầu!

Muốn oán hờn anh nhưng em không nỡ
Muốn trọn cuộc đời thù hận con trai
Nhưng xa anh rồi, em thương, em nhớ
Ánh mắt, nụ hôn níu mộng u hoài!

Em chẳng còn gì để cho anh nữa
Chỉ một vần thơ tặng buổi sau cùng
Hãy trả về em những gì em nói
Nhưng chẳng bao giờ đòi lại ….chiếc hôn…

Tango, Lê Uyên Phương phổ thơ 5 chữ, “Mưa Rơi” rơi lan tràn trên kiếp người:

Từng giọt mưa thánh thót
Rơi tí tách ngoài hiên
Đường chiều nay vắng ngắt
Lòng sầu dâng triền miên

Dăm cánh hoa tan tác
Lả tả theo gió bay
Phấn hương chừ đã nhạt
Vì mưa gió dạn dày!

Mưa rơi ngoài hiên lạnh
Mưa rơi trong lòng tôi
Bao giờ trời mưa tạnh
Hoàng hôn về lâu rồi…

Mưa vẫn rơi nặng hạt
Mưa rơi suốt canh thâu
Lữ khách buồn man mác
Đêm nay biết về đâu…?!

Bài thơ 7 chữ, với Phó Quốc Thăng lại là một bản nhạc Valse lã lướt. Bài thơ “Bến Lỡ” đã dùng làm chủ đề cho CD này:

Sàigòn thứ bảy chiều mưa bay
Khiến hồn ta hoang phế dâng đầy
Nghe trong ta một trời bão nhớ
Ta một mình đếm lá me bay…

Sàigòn vẫn đợi chờ tin em
Từ em xa thành phố muộn phiền
Cơn đau xưa một trời hấp hối
Ta một vì sao lạc trong đêm

Sàigòn vẫn thèm nụ môi hôn
Mình cho nhau sau những dỗi hờn
Tay đan tay mắt chìm sóng mắt
Ta dìu nhau vào cõi thiên đường

Sàigòn bây giờ buồn hơn xưa
Từng đêm đen xõa tóc mong chờ
Ai ra đi cuối trời phiêu lãng
Có bao giờ nhớ thuở mộng mơ

Một dòng sông lặng lờ trôi xuôi
Một dòng sông câm nín muôn đời
Sóng xa đưa, bến đời đã lỡ
Ta ngồi xem thế sự đổi dời…

Sàigòn với nỗi sầu đang dâng
Với hờn căm đã chất ngập lòng
Trong cơn đau nhắn người lữ thứ
“-Bao giờ về xây đắp quê hương?”

Tôi rất ít nghe nhạc, CD “Bến Lỡ” tôi có đã lâu. Có người nhắc tôi, nghe thử CD đó đi, thì nghe.

Thơ Hoàng Ngọc Ẩn lời đã viết sẵn cho lời nhạc. Các nhạc sĩ như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Phó Quốc Thăng, Uyên Phương, Việt Dzũng, Trần Quan Long biểu diễn tài nghệ của mình. Mà thật sự, họ đã biểu diễn, họ đã nâng âm sắc lên cao đến độ nào, đưa âm bằng xuống đến bậc nào…. Họ đã phá ngang bằng trắc thế nào. Họ đã biểu diễn, họ đã chặt câu thơ ra, họ xẻ chữ, họ dứt đoạn, họ lèo lái, đưa đẩy một cách nhà nghề, điêu luyện.

Thơ Việt Nam, thơ có vần điệu, đã có sẵn ca khúc giành riêng cho nó là những điệu Lý, điệu Hò, điệu Hát Trống Quân, điệu Ngâm…. Và sau này các nhạc sĩ phổ Thơ, đã đưa Thơ vào chốn muôn hình vạn trạng của âm nhạc. Thơ, còn là một hướng dẫn quan trọng cho người cầm bút. Và, giờ đây, hình ảnh, ngôn ngữ thơ lại rất cần thiết cho điện ảnh, Video. Là bởi vì, thơ là cốt tủy của ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là hồn, là trí của một dân tộc.

Đối với Việt Nam, làm thơ, rất nhiếu người làm thơ, quá nhiều người làm thơ, nhiều đến độ mịt mù trời đất, nhiều đến độ hư hư, thật thật, nhiều đến độ nhàm chán, nhiều đến độ ai cũng là thi sĩ hết! Thật sự, muốn mang được danh hiệu thi sĩ, người làm thơ phải có một ý đồ, họ phải sống chết với ý đồ đó, để thơ của họ thoát ra khỏi cái chung chung của mịt mù thơ phú thiên hạ sự!

Tôi nhắc đến thơ Cao Đông Khánh là bởi vì tôi biết rõ ý đồ muốn làm mới của ông, điều này chắc ai cũng thấy được.

Tôi nhắc đến Du Tử Lê là vì rõ ràng với đề tài thơ tình cũ rích, ông đã vận dụng đủ cách cái ngôn ngữ và âm vận thơ trau chuốt của 20 văn chương miền Nam để làm cho thơ được mới lạ.

Tôi nhắc đến Hoàng Ngọc Ẩn, không phải nói đến thể thơ có vần điệu, cũng không phải nói đến ngôn từ cổ điển và tiền chiến mà ông sử dụng. Nhắc đến thơ Hoàng Ngọc Ẩn là nhắc đến ý đồ làm thơ để phổ nhạc, làm nhạc bản bằng thơ.

Có ý đồ, thực hiện được ý đồ mới là cái đặc sắc, cái riêng biệt của người làm thơ. Với tôi, tôi muốn tìm ở thơ những tiến triển vượt qua những khuôn thước có sẵn, nhưng phải nắm vững được quy tắc luật lệ căn bản.

Thơ Hoàng Ngọc Ẩn nắm giữ vững chắc quy luật kể cả quy luật tạo dựng một bài thơ, một cách cổ điển. Bài thơ kể lể bình thường nhưng dứt điểm bằng những câu, những ý quyết liệt khác thường. Bình thường như những câu trong bài hát “Rừng Lá Thay Chưa?”, bên cạnh những câu thơ nhẹ nhàng nhưng mang một hàm ý, gửi gắm một tâm sự khác thường đã được nhạc sĩ Huỳnh Anh soạn thành ca khúc bất hủ:

Anh đi rừng chưa thay lá
Em về, rừng lá thay chưa?
Phố cũ bây chừ xa lạ
Hắt hiu đợi gió giao muà!

Xuân xưa mình chung đôi bóng
Xuân này mình ngóng trông nhau
Hun hút phương trời vô vọng
Nhớ thương bạc trắng mái đầu!

Em có về qua phố cũ
Phố phường chừ đã đổi thay
Thương em nửa đời hoang phế
Thương ta chịu kiếp lưu đày!

Xuân nay mình em lẻ bóng
Có còn tiếc nhớ xuân xưa
Dài ta đếm từng nhung nhớ
Em ơi! Chờ gió giao muà….

Thơ Hoàng Ngọc Ẩn dùng nhiều từ ngữ đặc biệt miền Trung: bây chừ, mô tê… cũng gây được cảm giác khác thường cho nhạc. Những từ ngữ cổ điển bay bướm nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng khác thường được sử dụng. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương vừa đến bến bờ tự do đã bắt gặp bài thơ: “Cho Một Thành Phố Mất Tên”, ông đã soạn thành ca khúc để đời:

Em Sàigòn đẹp nhất về đêm
Tiếng hoa rơi, nhạc lắng, mây chìm
Nét môi duyên, nụ cười huyền hoặc
Phút chốc trần gian vội lãng quên!

Ta thương em tàn hơi thở cuối
Ta nhớ em trọn kiếp lưu đày
Ngày xa thành phố xanh xao nhớ
Ta giã từ nhau tợ bóng mây!

Những con đường cũ còn im bóng
Tà áo ai còn theo gió bay
Tiếng guốc gõ đều trên phố vắng
Hay tàn trong ngõ hẹp chiều nay?!

Ta nhớ từng cơn mưa bụi nhỏ
Ta chờ nhau cuối phố, mưa sa
Từng cơn gió lạnh giao mùa đến
Một sớm thu về em xót xa!

Đời đã vô tình không vấn vương
Ngõ xưa đã hút lối thiên đường
Còn đây hơi thở xanh xao mộng
Em mất tên rồi ta tiếc thương!

10 bài thơ trở thành 10 bài nhạc trong “Bến Lỡ” dẫn ta đến thơ Hoàng Ngọc Ẩn. Toàn bộ thơ ông nằm trong một số chữ căn bản ông thường nhắc đến: giao mùa, chân chim, chim di, phấn hương, lưu luyến, đam mê, cõi sau, ngà ngọc, lưu đày, lỡ làng, cô đơn, đưa tiễn, thiên đường, u sầu, thương nhớ, oán hờn….những chữ nghiã đó là căn bản tạo dựng toàn bộ thơ Hoàng Ngọc Ẩn, chữ nghiã đó vào âm nhạc trở thành có sức lực lôi kéo lòng người.

Tuy nhiên, đôi khi thơ Hoàng Ngọc Ẩn tách ra một kiểu khác biệt, không ngờ. Hãy nghe “Tự Trầm” - Việt Dzũng phổ nhạc ý nghiã tiềm ẩn của loại thơ tượng trưng, siêu thục, ẩn chứa cái thanh, cái tục, cái thực, cái mộng, cái rõ ràng, cái hư ảo, cái huyền hoặc như một cơn mơ lớn của người đi biển, 4 chữ, 5 chữ, 5 chữ, 8 chữ, dứt điểm trong từng câu hát:

Đêm New York,
Nhớ về em chi lạ
Giấc Houston nồng lưu luyến thịt da
Nơi ta hôn em tự nhiên nẩy lộc
Cụm rừng trăm năm nay đã nở hoa

Hoa,
Cuối mùa xuân
Nhánh điêu tàn
Giăng kín trùng khơi
Hoa đang xanh tươi
Một đêm tự trầm
Còn lại riêng ta giữa cội âm thầm


Đêm hải đảo
Một mình ta cúi mặt
Ly rượu em mời
Ta chưa uống đã say
Từng sợi lông tơ ghi bạt dấu chân ai
Trần truồng trăm năm
Nhạt nhoà áo mơ phai

Trong đêm độc hành
Ru hồn tên thất trận
Ta gọi tên người trên năm đốt ngón tay
Một mình đơn côi đi lạc giữa cơn say
Bên ni, bên tê
Đời hun hút dặm dài

Em,
Hấp hối màn đêm
Giữa kinh hoàng bỗng hé nụ hoa

Cơn mưa hôm qua
Mồ hôi nhỏ giọt
Dạt dào đam mê
Sóng cuốn bờ xa

Em,
Sống nhục vinh
Giữa cung chiều em hát lời kinh
Đêm nay cô đơn
Hồn ta tự trầm
Còn lại riêng em giữa cội âm thầm!

Em,
Mười năm sống như bản án
Một năm tròn hạnh phúc thăng hoa
Hoa đã nở trên nhánh đời phiêu lãng
Ta trầm mình trong hạnh phúc ta…

“Bến Lỡ” với hai giọng hát: Tuấn Ngọc, Ý Lan. Bất ngờ, tôi nghe, lưu ý, tôi lưu ý, chú tâm, lạ lùng, có lẽ vì tôi ít nghe nhạc (?)

Với tiếng hát Tuần Ngọc, tôi nghĩ đến Anh Ngọc, một thứ giọng rất đàn ông, phát âm rõ ràng từng chữ, từng chữ với lối dẫn âm nối kết chữ này với chữ kia. Với giọng hát Tuấn Ngọc, chữ nghiã như có đuôi, có âm hưởng của sự bền vững lâu dài để đôi lúc đưa đến những chữ ngắn, gọn, riêng biệt khiến người nghe có cảm giác hụt, mất, buông tay.

Hãy nghe Tuấn Ngọc trong bản “Sóng Sầu” tiếng hát vút lên mất biệt như một người đã qua đời, rồi từ đó trở về, rừng thu thay lá, thấy cuộc đời đổ nát sau lưng, giọng rềnh âm u, ám chướng.

Hãy nghe Tuấn Ngọc “Tự Trầm”, giọng hát lộng lẫy từ trong đêm hải đảo, để ru hồn tên thất trận trên thân thể mỹ miều của người đàn bà nhan sắc.

Với tiếng hát Ý Lan, tôi nghĩ đến cái miệng, môi, lưỡi. Tôi nghĩ đến dáng dấp yếu liễu, thanh lịch. Tôi nghĩ đến uyển chuyển, uốn éo, khêu gợi. Tôi nghĩ đến mê đắm, nghĩ đến nhiệt tình, nghĩ đến ấm, nghĩ đến nồng, nghĩ đến đậm đà, nghĩ đến nhẹ nhỏm, nghĩ đến chìm đắm, nghĩ đến bay bổng.

Em, anh, hãy nghe miệng lưỡi ngọt mềm của Ý Lan. Nàng trau chuốt như người ta chuốt viết chì. Sâu-ầu (sầu) giọng phát âm như chiếc lá khô héo bị cuốn lại. Y-êu (yêu) hãy tưởng tượng đôi môi khi Ý Lan hát dứt chữ yêu, đôi môi chúm lại như một nụ hôn. Ý Lan phát âm nối kết, bên cạnh những từng chữ, từng chữ riêng biệt, đã tạo ra một thế giới riêng cho tiếng hát Ý Lan. Lối phát âm tạo ra nhiều bất ngờ, sững sốt cho người nghe nhạc. Thật là vô lường, không lượng định được Ý Lan trong “Buồn Xưa”.

Mỗi bản nhạc Ý Lan cho nó một lối trình diễn riêng, mỗi bài, mỗi kiểu cách khác nhau, cũng giống như người ca sĩ thay y phục cho hợp với thời trang của bài hát.

Sao nở….sao nở…. đến oán hận đàn ông….đến trả lại chiếc hôn, trong bản nhạc “Hãy Trả Lại Em”, giọng hát Ý Lan đóng kịch dứt tình, chấm dứt vở kịch, nàng phát âm chữ CHIẾC (hôn) như rút ra một mũi kiếm lạnh, sắc bén.

Và, Ý Lan hát “Bến Lỡ”, với hấp hối như mất đi chữ hấp, dẫn người đi lạc vào cõi lữ thứ.

Từ “Bến Lỡ” Hoàng Ngọc Ẩn
-Tôi ghi nhận được nổ lực của người làm thơ Hải Ngoại, đó là những người được người khác gọi những tên đặc biệt khác thường: Cao Đông Khánh là Cao Đông Lạnh; Du Tử Lê là Du Tư Lê Thê; Hoàng Ngọc Ẩn là Hoàng Lão Tà; tôi không hiểu tại sao, nhưng có cảm tưởng rất hợp với mấy ông đó.

Từ “Bến Lỡ” Hoàng Ngọc Ẩn

-Tôi nghĩ đến những người làm văn chương ở Hải Ngoại, họ có những cố gắng vô bờ để làm mới, phát triển giòng văn học truyền thống Việt Nam, mà tác phẩm của họ ít được người đãi ngộ. Trừ trường hợp Du Tử Lê Thê và Hoàng Lão Tà, nhứt là Hoàng Ngọc Ẩn đã thành công trên phương diện tài chánh bằng ý đồ làm thơ nhạc bản để ra băng bán thâu tiền.

Từ “Bến Lỡ” Hoàng Ngọc Ẩn
-Tôi thân mật với giọng hát Tuấn Ngọc và thấy Ý Lan quyến rũ, ngon lành; tôi sợ rằng, nghe Ý Lan hát, tôi yêu nàng, thì… khổ cho tôi, cái thân già này rồi sẽ không ra làm sao cả!                     
  





DOWNLOAD HERE





(nick&pass:nghenhac)


Không có nhận xét nào: