Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009

Nhớ lại trong đêm nay...

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển . Bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp . Tâm hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Buổi chiều chăn gối thiếu hơi ai
Em đi để lại hồn thơ dại
Tôi vó câu buồn sâu sớm mai

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Em còn gương lược dấu đường ngôi
Nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
Và khoảng trời xanh đến rợn người

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Bàn tay dư mấy ngón chia phôi
(Tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn)
Và những tàn phai đầy tuổi tôi

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Như trời nhớ đất (rất xa xôi)
Nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
Thư nhớ hồi âm - Lệ nhớ môi

Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
Nói gì kiếp khác với đời sau
Đôi khi nghe ấm trên da thịt
Như thể ai đi mới trở về

(DU TỬ LÊ)

"Ông nói đúng lắm. Chỉ một nỗi nhớ thôi, nghìn kiếp còn chưa thấm tháp bỏ bèn gì, nói chi là cái trăm năm ngắn ngủi của một kiếp người mù sương…Nhưng chỉ những câu chữ và ý tưởng của riêng ông thì vẫn chưa đủ để tôi chìm sâu hơn vào những nỗi nhớ. Trần Duy Đức đã một ngày đẩy nỗi nhớ đó lên một cõi thinh không xa vời mộng mị bằng những làn điệu xa vắng khơi vơi đến mê hoặc và cái giọng khàn khó kiếm của Lê Uyên đã giúp tôi lên tới được cái ngọn nguồn thăm thẳm đó vào một đêm khuya nhìn quanh không người. Biết cảm ơn người nào trong số họ đây ?"

(TOẠI KHANH tùy bút)
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Chúng ta đã biết tới - Vũ Thành An với những tình khúc khó quên mang những con số trước ngày chúng ta bỏ nước ra đi, chúng ta đã biết tới - Từ Công Phụng với giọng hát đầm ấm, mượt mà và những khúc tình ca thời thượng cho đôi lứa, chúng ta đã biết tới - Nguyễn Đức Quang trong phong trào du ca với những khúc ca làm phấn khởi lòng người cùng với tình quê hương dạt dào, chúng ta đã biết tới - Nam Lộc như một người thân quen tự những ngày đầu trên miền đất mới, với những giòng nhạc xót xa, và - Lê Xuân Hân, người nhạc sĩ trẻ đến từ Úc Châu.

Những người nghệ sĩ này chúng ta đã thấy đã nghe trên các chương trình truyền hình, băng video và qua các làn sóng phát thanh- hôm nay thực sự đối diện với người nghe, hát cho chúng ta nghe nhạc của Trần Duy Đức, nhạc của Trần Duy Đức phổ thơ của thi sĩ Du Tử Lê cùng các nhà thơ khác: Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Dũng Tiến, Giang, Trần Thiện Hiệp, Hà Nguyên Du, Ngô Tịnh Yên... để thấy nhạc Trần Duy Đức khởi sắc và độc đáo trong giòng nhạc hải ngoại hôm nay .
.................
Còn nhớ lại một buổi chiều mưa tháng hai Cali, lái xe một mình, trong khi bên ngoài không gian trắng xóa những hạt mưa xối xả, bỗng dưng khúc mưa sầu của Trần Duy Đức chợt hiện ra, không hẹn mà đúng lúc. Những tháng ngày tưởng như đã xa tắp, xếp hàng nối lại như những đợt mưa, ào ạt sống lại qua giòng nhạc " ta về đâu, ngày qua ngày..."với giọng hát của một ngừoi đã khuất, Ngọc Lan. Không ngờ khúc nhạc đầu tay của một người lính trẻ ngày nào trên vùng đất cao nguyên Pleiku lại thấm mệt nỗi buồn phiền của những ngày xa xứ bây giờø, trong cơn mưa...Cũng không ngờ, đó là một khúc nhạc đã thành hình cách đây những ba mươi năm, khi Trần Duy Đức còn quá trẻ mới bước qua tuổi thiếu niên, nghĩa là chàng mới vừa mười tám tuổi, làm anh lính trẻ ngu ngơ trên vùng đất đỏ, ở thành phố " đi dăm bước đã trở về chốn cũ..". Những giòng nhạc đó về sau này đã trở thành nguồn cảm hứng yêu mến cho bao nhiêu ca sĩ để đưa vào những tác phẩm trình làng và để lại cho đời của họ...
Tôi đã nghe bản "Khúc Mưa Sầu" hòa tấu với tiếng đàn cổ koto, và nghĩ tới lời nhiều người đã cho rằng, tiền kiếp của Trần Duy Đức là một đạo sĩ khổ hạnh xứ mặt trời, ngày nay chàng hiện thân là người nghệ sĩ với vầng trán cao, râu rậm đã đem âm thanh huyền hoặc vào cho cuộc đời phiền muộn này. Bây giờ chàng đã xuống núi, vựơt qua bao nhiêu biển rộng, sông dài để đến với chúng ta, kết nhạc vào những bài thơ mà ta yêu mến, những bài thơ rướm máu xé nát cõi lòng nhau hay những bài thơ ru những nỗi đau nhẹ nhàng của một thời yêu thương đã xa. Chàng đã mang tuổi trẻ từ một quê hương xa tắp, hát lên cho ta nghe những nỗi tuyệt vọng, thương xót, muộn phiền.. để chúng ta có một Trần Duy Đức hôm nay. Nhạc của chàng không vui, không nghe tiếng xôn xao của những nụ cười hạnh phúc, nhạc của chàng thường nói tới những gì đã qua, những gì đã mất mát, nhắc tới những người cùng những tháng ngày đã xa. Chàng nói tới lẻ loi, muộn màng, hồi tưởng..Những điều đó cũng là vùng kỷ niệm mù sương ta tìm nghe, thấy trong thơ Du Tử Lê.
Người ta biết tới nhiều về nhạc sĩ Trần Duy Đức như là đôi bạn Thơ và Nhạc cùng với nhà thơ Du Tử Lê, hơn là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc sáng tác. Điều đó không có gì là lạ với một nhạc sĩ có lòng với thơ như Trần Duy Đức. Chàng không dấu diếm cho rằng vì chàng là một người đã làm thơ và yêu thơ, nên trong hơn một trăm năm mươi ca khúc đã viết, trong đó đã có hơn một trăm bài phổ nhạc từ thơ. Tôi nói, "từ thơ.." mà không nói từ ý thơ. Trong khi nhạc sĩ Phạm Duy, dù người ta đã gọi ông là "tay phù thủy của âm nhạc", đôi khi đã gần như cắt nát những bài thơ, viết những giòng ngôn ngữ mới cho vừa với nốt nhạc của ông như " Màu Tím Hoa Sim, Kỷ Vật Cho Em, Ngày Xưa Hoàng Thị...", thì Trần Duy Đức, trân trọng dừng lại nơi những vần thơ khúc mắc của thi sĩ. Chàng đã đem hết lời thơ vào nhạc, và nâng nét nhạc lên cho hết ý thơ.
Tôi thích nhất là hai bài nhạc phổ thơ Du Tử Lê -- Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi và Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau -- hơi nhạc Trần Duy Đức như gặp lời thơ tri kỷ, nhịp nhàng đồng bộ, thông suốt, uốn khúc nhưng nhẹ nhàng như giòng sông xuôi chảy, hình như tài hoa của Lê đã viết ra cho nhạc của Đức, hay như đời đã cho Trần Duy Đức vào trong cuộc sống thăng hoa của Du Tử Lê. Tuy vậy, từ những ngày hai bạn chưa hề gặp gỡ nhau, cái ngày chàng lính trẻ còn nghêu ngao trên phố núi, chàng đã yêu thơ của Du Tử Lê qua những trang thơ chàng đọc, mười năm trước khi gặp tác giả phổ hai bài thơ "Đời Mãi Ở Phương Đông" hay "Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt", trao đổi trong một nhóm bạn bè như niềm vui riêng của mình. Chính vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên trong gia tài âm nhạc của Trần Duy Dức, chàng đã có hơn hai mươi bài viết từ thơ của một người "mang đầy mình những vết sẹo và những vết thương tình chưa đâm da non" mà người đời gọi là nhà thơ Du Tử Lê.
Chính Du Tử Lê đã cho rằng bài thơ "Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu" là một bài thơ có những đoạn đường dốc, khúc khuỷu, là những dấu hỏi ngã mà các bạn nhạc sĩ của anh, tuy thích nhưng vẫn ngại đem vào nhạc. Tôi không nghĩ Trần Duy Đức là người lập dị đi tìm cái khó hay là có tài năng hơn kẻ khác, mà tôi nghĩ là chàng yêu quí thơ, không chọn cái dễ dàng, nở một nụ cười khi đã vượt qua những con đường dốc ấy. Người ta thường ngại phổ thơ tự do và lục bát. Thơ tự do khó đem vào tiết diệu của âm nhạc, lục bát lại rất dễ rơi vào chỗ đều đặn, buồn nản. Trần Duy Đức đã chứng tỏ chàng đã vượt qua điều đó với thơ tự do" Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt" của Du Tử Lê và lục bát" Hoa Ơi Có Biết Lòng Ta Nhớ Người" của Nguyễn Dũng Tiến.
Tuy số lượng nhạc phẩm của Trần Duy Đức không ít, trong quần chúng nhạc của Trần Duy Đức không được phổ biến nhiều, chàng viết nhạc có lẽ cho riêng một số người và không phải tất cả ca sĩ đều dễ dàng tìm đến với nhạc chàng, do đó đôi lúc tôi vẫn có cái cảm tưởng rằng viết nhạc chỉ là nghề tay trái của Trần Duy Đức, nhưng biết đâu chàng lại thuận tay trái? Mặt khác, nhạc của Trần Duy Đức có những nét lạ lùng, khắc khoải..như trong bài "Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau" khiến người nghe không thể buông thả tâm hồn, mà gần như thông cảm, đắm đuối, gắn chặt với nó, càng lâu càng thấm đượm như men rượu ngây ngất. Nghe nhạc Trần Duy Đức không nên nghe qua chỉ một lần.
Vì cái điều thiếu sót nhạc Trần Duy Đức không thường trực ở bên ta mỗi ngày, nên chàng đã tìm cố gắng tạo nên những cuộc gặp gỡ bạn bè tri kỷ, giữa những người viết nhạc, làm thơ, những người đồng điệu yêu mến, ít ỏi, hiếm hoi.............
(HUY PHƯƠNG-VIỆT BÁO)

Không có nhận xét nào: