Những cuộc hành trình trở về với quê hương, với quá khứ, dù chỉ là trong tâm tưởng dường như là nét chủ đạo trong thơ, nhạc của Nguyễn Đình Toàn. Chỉ riêng trong 2 đĩa CD tuyển tập các ca khúc của NĐT, Khánh Ly đã xuất sắc khi làm người nghe phải nghẹn thở, và đau đớn với tâm tình của tác giả. Nghe những lời trách móc, những suy ngẫm, những trầm tư, những hoài vọng, những đau đáu, những phiền muộn....mà thấy lóng cũng rưng rức theo. Âm nhạc, thứ ngôn ngữ ma mị...có thể cuốn hút người nghe 1 cách say đắm, với những lời hát hay như thơ càng làm tác phẩm của NĐT thêm quyến rũ - một nỗi buồn quyến rũ.
Nguyễn Đình Toàn, trước tiên, là 1 nhà văn, và nhà thơ....
Và ông là 1 nhà thơ mà ở trong những tập sách bìa dầy chép thơ của các cô cậu học trò thường có nhiều bài thơ được chép với sự nâng niu trìu mến. Khi tuổi đã lớn, đọc lại những bài thơ ấy, như có một chút vọng động nào ngân nga. Có thể là bước đi về của thuở hoa niên ngày cũ.. Thơ Nguyễn Đình Toàn, nhẹ nhàng như bài thơ Khi Em Về:
Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng rủ ong bướm về sân
Anh nằm đây buổi trưa và tiếng nắng
Mặt đất mềm bước chân em chợt nhẹ
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vầng hoa trắng
Và dầy thêm lá rụng lớp phên che
Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo..”
Có khi đó là thơ của những lời ru từ xa xưa vọng lại, từ hiện tai thổi về, Thơ của lời ru cuối cùng cho một cuộc tình xa cách:
Ru em lần cuối cùng này
Bằng hơi mát của một ngày sắp xa
Bằng giờ phút sắp chia xa
Rồi thôi rồi chẳng bao giờ nữa đâu
Giòng kinh năm ngón son cầu
Với môi mặn với hồn trao nghẹn lời
Với sầu xưa ngút trên vai
Tóc xanh non với khuy cài áo thơm
Hàm răng mát tuổi má tròn
Đường thêu chỉ đã hao mòn đây em
Gió trời xin ngủ bình yên
Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi
Mây cao với mắt trông vời
Soi gương trán bỏng quên người tôi đi”
Có khi thơ lại là những bước đi về. THƠ Nguyễn Đình Toàn đấy những chỗ đi và nơi về , nơi chốn mà không gian thời gian ngưng đọng từ nỗi buồn chia xa thiên cổ riêng dành:
Khi em trở về
trời mùa đông đen
căn nhà không người
và mùi ẩm mốc
Khi em trở về
Tay đầy nước mắt
Trên thành cửa bụi
Tuổi thơ đi qua
Khi em trở về
Mộ người yêu đó
Hoa trên phiến đá
Cỏ buồn ngón chân
Và cơn gió rét
Que diêm bật lên
Que diêm bật lên
Những mơ ước cũ
Sáng lên một lần
Những hình ảnh cũ
Tắt đi một lần
Khi em trở về
Bàn tay khói hương
Buồn xưa sắp hết
Nói gì đi em!”
....Âm nhạc của NĐT cũng thế, cũng trong cùng nỗi đồng vọng và có khả năng chạm đến góc khuất nhất của trái tim, để nghe những xúc cảm trào dâng, để cho kỉ niệm được thổn thức, nó có khác xa là mấy với những lời lẽ trìu mến và giọng đọc chậm rãi của ộng trong băng nhạc TÌNH CA
“Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ,tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố…Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ…Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố…”
Những kỉ niệm đầy ấp trong dòng nhớ của những bài nhạc NĐT đã cưu mang, đã dìu dắt người nghe qua nhiều sân ga cảm xúc, để nhớ...và còn biết là mình đang nhớ!
Nói về âm nhạc của mình, ông nói đó là những ca khúc mà ông gọi là viết trong những thời gian tăm tối nhất của lịch sử và của chính cuộc sống ông. Nhưng đó lại là những lời kêu gọi yêu thương mong con người trở về với tình tự dân tộc. Có những bài hát trong tuyển tập nhạc “ Hiên cúc vàng”, “ Tôi muốn nói với em “ và Mưa trên cây hoàng lan” đã chứng tỏ điều ấy. Chất nhân bản đã làm thành những ca từ đẹp và có sức thuyết phục mạnh với thính giả và cũng chuyên chở một cách thâm trầm những thông điệp gửi cho người cho đời những ước vọng và tâm sự.
Những lòi nhạc như “Tôi đã bám lấy đất nước tôi. bằng sức người vô hạn. Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom. Tim mang nghìn dấu đạn. Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi. Để mong ở lại đây. Nhưng đất đã đỏ vì bị nung bằng những lời dối trá. Người bám vào lửa đã đốt cháy tay. Lửa hờn căm, lửa hiểm thâm, lửa khốn cùng cay đắng. Người lừa nhau trời đất còn bưng mặt thảm thương. Ba mươi năm cuộc tương tàn chưa đủ? người giết người không kịp mở mắt trông. Ba mươi năm mạng người như rác cỏ, giây hòa bình còn thắt cổ người tin…”trong bản nhạc ” Tôi cố bám lấy đất nước tôi” có phải là những lời chân thành dù trong cơn tuyệt vọng nhưng vẫn còn cố gắng bám víu vào cuộc sống một ý nghĩ nào tích cực nhất.?
Những lời ca viết cho thành phố Sài Gòn trong thời thế ấy bỗng dưng trở thành những lời kêu gọi của một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ. Hết rồi những cơn mưa chiều cũ, mất rồi những buổi sáng rực rỡ xưa. Lời ca, ý nhạc lôi kéo chúng ta trở về con hẻm nào của những hẹn hò, của nụ hôn môi tuyệt vời , của hương tóc thề e ấp phả trong tà áo lụa xôn xao. Cái cảm giác ngày nào như sống lại, làm gai gai trong da thịt nỗi ngây ngất thuở nào. Nghe đâu đây như bước chân nào trở về đồng vọng….
Tình ca Nguyễn Đình Toàn là một tuyệt phẩm cho những người yêu nhau. Nếu chúng ta có tràn đầy kỷ niệm với “Em đến thăm anh đêm ba mươi” thì chắc chúng ta cũng bồi hồi nhớ lại thuở nào với “Căn nhà xưa”. Câu hát thầm thầm trong trí nhớ “Tay em lạnh để cho tình mình ấm, môi em mềm trong giấc ngủ anh thơm, sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp tết hay lòng mình đang tết, tháng ngày cũng phôi pha rụng từng mùa..”. Còn tình tứ nào hơn và cũng tiếc nuối nào hơn cái giây phút của cuối năm. Hay những lời nhạc trong “Căn nhà xưa” với những hình ảnh thân quen với những ấn tượng chẳng thể nào phai nhạt trong caí thuở yêu nhau mà chẳng nghĩ đến buổi chia tay: “Em có nhớ đến căn nhà xưa bên khu vườn cải, nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái.. Có những sớm mai em tìm đến với những đóa hồng khép nép trong vòng tay ôm.. Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng..”
Có một bản nhạc với tên khá lạ lùng. “Chim đắng đót” Tôi cũng chưa hình dung ra được con chim này như thế nào nhưng biết chữ đắng đót từ câu thơ:” Đắng đót ghê thay mùi tục lụy/bực mình theo Cuội tếch cung mây” và theo Việt Nam Tự Diển của Lưu văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì đắng đót có nghĩa là đàu đớn khổ sở. Chim đắng đót kêu mãi kêu hoài trong ca khúc:
“ trên núi cao kia
tôinghe tiếng con chim đắng đót kêu sương
Chim nhớ ai mà lời chim đau thương?
Trên cánh đồng kia
Có con bướm khô cành rơi trên đường
Nước mắt tôi khóc tràn
Không dập tắt được
Lửa tình trong tôi
Oâi có ai kia thức thâu đêm mới biết đêm sâu
Mới biết tim ta là bể đau khi yêu
Như chiếc thuyền con
Giữa cơn sóng xô , cuốn trôi vật vờ
Đến lúc về đến bờ
Sóng xô sóng dồn chỉ còn hồn bơ vơ
Trên núi cao kiatôi nghe tiếng con chim có lúc bay qua
Tôi nói với ai để lòng tôi nguôi ngoai
Hỡi những người tìnhsống trong thú vui dối gian cợt cười
Sẽ có khi các người
Khóc thương cho tình của mình
…như tôi”
Với những bản tình ca ấy , dù có chút đớn đau , có chút hoài niệm nhưng vẫn bàng bạc ở trong những lời tinh khôi một điều gì nhẹ nhàng tựa như tiếng gọi thầm của những hứa hẹn cho hạnh phúc mai sau. Không gian có thể là biền biệt hai đại lục xa cách một biển trời. Thời gian có thể là những tháng năm chồng chất vui buồn mà vui thì hiếm hoi và buồn thì tràn khắp.Nhưng vẫn trong nhạc mà lời thơ đan kết , tình ca ấy vẫn là tiếng thở của con tim một người nghệ sĩ nhạy cảm tuy nhiều bi quan nhưng lại vẫn tin tưởng vào cuộc đời và những trong sáng tình người. Những ca khúc thiết tha ấy bao giờ cũng ngân lên từ những nơi chốn mà một đời người đã gắn bó lâu dài. Hà Nôi , Sài Gòn, chẳng còn phải là một thành phố mà hơn nữa, nó là thánh địa của yêu thương mà ở đó tâm hồn người tháp cánh để vượt lên trên thời gian không gian xa cách.......
Chút nhẹ nhàng sương khói, chút bàng bạc xót xa, hãy nghe và hãy...tập nhớ! Thế nhé!
http://www.mediafire.com/?yxczv2qwgkv
http://www.mediafire.com/?dh4bxxclknw
http://www.mediafire.com/?thonyhcsdyc
http://www.mediafire.com/?xyvwqm3uw0x