Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

"tìm nhau như Thiên Cổ tìm Nghìn Thu..."

“Chúng ta chỉ còn mãi mãi những gì đã mất đi vĩnh viễn…” (Mai Thảo)

Ngày 30/4, khi lang thang trong một nhà sách ở Bangkok, một quyển sách như nghiêng hẳn ra từ kệ, nằm đó sẵn đợi chờ, quyển sách với những hình ảnh Ngọc Đông Yêu Dấu (như cách Nguyễn Thuỳ Song Thanh gọi Sài Gòn trong tập thơ của bà) – Một Sàigòn sống động của “một thưở trần gian bay lướt qua” - đang nằm lạc loài lẫn giữa những gáy sách nổi bật và phù phiếm của quầy kệ “Sách Ảnh Thời Trang”

Trong đó có bức hình được dùng làm minh hoạ cho một bài rất hay của chủ trang gio-o
"Thi Ca Tình Si Nam 1975:
Trắng Nhẹ Lên Miền Thịt Da
Văn Chương Đô Thị Miền Nam"
– bức hình anh sinh viên Võ Bị kè cô nữ sinh trước một rạp chiếu bóng (?!?) - (mà đến thời điểm đó, bức hình trên gio-o vẫn còn ghi source: unknown)

Hồn vía của một thành phố được lưu giữ bởi nhiếp ảnh gia/ ký giả người Pháp đến Saigon những năm 1960s-1970s  như hiện về từ một cõi xa xăm nào đó, “tình cờ” xuất hiện …trong một ngày như thế…
IMG_5107



Những điều trùng hợp ngẫu nhiên, tôi may mắn “cứu chuộc” (lại) được (hay nói cách khác, những “điều” ấy cứu cuộc lại tôi…), cuộc sống nhiệm màu đã mang lại “những gì đã mất đi vĩnh viễn” – vậy là tôi có hai lần “những gì còn mãi mãi” đó!

Từ khi (lờ mờ nhận ra được (cái gì?!?) dẫn đi như trong một cơn mộng du về những điều “it happens for a reason” , đôi lúc dâng lên trong  tôi là một nỗi nhớ nhung kỳ lạ, nhớ không về thứ gì, nhớ về một điều vắng mặt, nhớ về những quãng đường chưa từng đến, nhớ về những điều “ta chưa bao giờ” (như điều phi lí mà có lần tôi đã cảm thấy không thể-tin-nổi khi nghe một bài hát với ca từ như thế)…
Và sau những choáng váng ngầy ngật ấy xảy đến, liền kề là…những câu chuyện dẫn dắt những câu chuyện, những trang sách quờ quạng ôm lấy những trang sách, những trang sách mà lửa đã cháy xém, khói bụi thời gian đã kịp vấy bẩn ….nhưng rồi, lửa cũng chỉ đã liêm liếm nơi mép sách, bụi cũng chỉ baylên chút mịt mờ… (?!?), những trang sách tiếp tục im ắng - chờ một ngày duyên đủ… đã bàng hoàng đến và ở lại!

Ôi, biết bao lần trong đời tôi có thể nghe một bài hát chỉ được hát lên một lần của Nguyễn Tất Nhiên trong ca từ có tên (rất gợi) của một tập truyện Nguyễn Thị Hoàng “ĐẤT HỨA”…

“Bên nhau dắt díu tay đan ngón yếu qua cầu nuối nắm nhau tình đau
Bên nhau ánh mắt vương tơ tóc buốt vào tim
Bên nhau thấy Chúa không cho ĐẤT HỨA chung về
Bên nhau thấy thế gian ngăn chắn lối chung đời
Ngồi bên nhau tiêu điều…”



FullSizeRender_2

Biết bao lần trong đời tôi có thể ráp nối một CHUYẾN TÀU cuối trước cơn hồng thuỷ từ những số báo ngẫu nhiên xô dạt vào đời tôi, những số báo theo thứ tự nhưng không lần lượt xuất hiện  - như những cánh rong trôi dạt về miền tôi…từ một miên viễn xa ngái nào đó… trôi về và neo tặng những cơn mộng đẹp… http://huyvespa.blogspot.com/2017/02/nguoi-con-gai-ngoi-oi-mot-chuyen-tau-ve.html

Biết bao lần trong đời, người ta có thể thật sự sống trong một giấc mơ? (hay nói cách khác mơ trong tuổi sống) – “Il vaut mieux rêver sa vie que la vivre, encore que la vivre ce soit encore la rêver” (cũng là câu trích của Marcel Proust mở đầu truyện ngắn Thành Phố Dốc Đồi). Đọc truyện-không-chuyện này trong một số Văn từ năm 1967 - Mây Mùa Thu và thầm nghĩ về nó –  nghĩ về nó đã 10 năm – với một ký ức không thật là mình “sẽ”/”đã” có nó – những ý nghĩ trở đi trở lại trong những lần đến Đà Lạt (mà tôi vẫn không đoan chắc, truyện ngắn ấy viết ở dốc đồi…Đà Lạt), và trong lần trở lại mới đây, cũng đến từ một cơ duyên không biết trước, tôi đã cầm được trong tay những miên-man-nghĩ, những câu văn chảy chầm chậm rót qua kẽ tay theo một nhịp thơ …thơ mộng …

"Hãy thinh không nhé, hãy trùng khơi/ Hãy im lặng đến thời lên tiếng/ Vì tiếng em cao vọng tuyệt vời" (Duyên Anh) 

Thinh không không trống rỗng mà chính là đang bát ngát mở ra gọi mời…

huyvespa@gmail.com

FullSizeRender_6 IMG_6639 IMG_6620 IMG_6611 IMG_6610 IMG_6609 IMG_6608 



Với 1 "không khí" (văn chương) đặc trưng (?!?) của miền Nam 1975, trong tập san Văn (số tuyển tập Mây Mùa Thu - ra ngày 1/9/1967 – với hình bìa là những nét vẽ của Nguyễn Trung) truyện ngắn tôi thích nhất là THÀNH PHỐ DỐC ĐỒI của hoạ sĩ/ nhà văn/ nhà thơ HOÀNG NGỌC BIÊN  viết theo "trường phái" tiểu-thuyết-mới)(sau đó được in lại trong tập tuyển truyện này - một quyển tôi rất thích- vì khi đọc nó cho độc giả một cảm giác không suy nghĩ về bất cứ thứ gì (& mặc dù đó cũng là điều (để) phải-suy-nghĩ), chỉ mặc cho tâm tưởng trôi theo những cảnh vật, những frame-by-frame của "hoàn cảnh" - sách do NXB Cảo Thơm phát hành - năm 1970, với bìa và phụ bản rất ấn tượng của Nguyễn Đồng, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Đăng Thường.

Thành Phố Dốc Đồi là 1 trong những truyện ngắn nhiều "sắc màu", nhiều khung hình, nhiều miêu tả...ẩn sâu dưới vẻ (tưởng chừng như) điềm tĩnh của nhân vật chính trôi qua một cảnh huống (tưởng chừng như) đơn giản trong "kinh nghiệm" riêng của chính mình và những cách xoay sở riêng để "vượt qua" hay "chấp nhận" cảnh huống ấy...

Một truyện không có chuyện, chỉ là 1 lời tự sự, 1 im lặng thở dài, của 1 cô gái, về mối tình đã qua của mình...nhìn cảnh mà nhớ người..cảnh vật của 1 thành phố dốc đồi như trút tràn những nhớ thương, chập chùng những bóng hình và cũng chếnh choáng theo heo hút của từng kỉ niệm, kỉ niệm bủa vây lấy cô gái, từ một thanh âm nhỏ nhất cho đến những "tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi", những đổi thay bâng quơ, những xáo động như-nó-phải-là...
5 "truyện" trong Đêm Ngủ Ở Tỉnh vẫn một giọng văn đều đều như vậy, xuôi chảy theo dòng ý thức với giàu hình ảnh và cả chất thơ... trao cho độc giả những "mê đắm" xúc cảm (nếu có) tự thân rất thú vị.
Hãy cùng du hành trong một "chuyến đi" không định trước ở một "thành phố dốc đồi" không định vị cùng một nhân vật không danh tính...để cuối cùng … chỉ còn là…

THÀNH PHỐ DỐC ĐỒI

Il vaut mieux rêver sa vie que la vivre,
encore que la vivre ce soit encore la rêver.
(Marcel Proust)

Em nghĩ thầm, vài ngày nữa, vài tháng nữa, em sẽ trở về dạy học, em biết em sẽ không thể kéo dài tình trạng này lâu hơn nữa, vả lại rồi cũng chẳng đi đến đâu, ở lại đây cũng chẳng giúp gì được cho em, mà thật tình em cũng chẳng thấy cần phải được giúp đỡ, mọi việc rồi sẽ qua đi, em sẽ trả căn phòng thân yêu này lại cho một sinh viên lên trễ, em sẽ thu xếp để có một giấy chứng của bác sĩ đem về trường, mọi việc rồi sẽ qua đi, em tin tưởng...

Em trở về đây một lần nữa anh ạ, em đang ở đây, đang ngày ngày đi trên những con đường cũ bây giờ như đã được mở rộng ra hơn, kéo dài ra hơn, đang đêm đêm đi vòng quanh khu chợ sáng đèn, ngắm những tiệm tạp hóa hình như có vẻ huy hoàng hơn trước nhiều, và mỗi buổi sáng buổi chiều em lên xuống con dốc quen thuộc để đi ăn, giống như hồi còn đi học – em trở về đây một lần nữa, và em hiểu rằng đây sẽ là lần cuối cùng, bởi vì em nay đã hiểu được em, bởi vì em nay đã khôn lớn, đã trưởng thành, và em cũng đang buồn vì sự trưởng thành khôn lớn của em đây.
Mùa hè vừa chấm dứt ở Đà nẵng với những cơn nóng gay gắt, mỗi ngày em ra vào sửa soạn chuyến đi của em, em loay hoay thu xếp những quần áo ấm, em lôi ra từ dưới đáy hòm chiếc pardessus màu trời xanh mà anh và các bạn anh đã thích, những chiếc áo dạ áo len, tay dài tay cánh, và trong cái gay gắt của những buổi chiều nắng cuối hè ở đây, em đem những thứ đó ra ướm thử trước gương, như dạo trước, em thử làm những điệu bộ quen thuộc ngày xưa của em, và bất chợt em thấy mình đã khác nhiều, vẫn những cái ngước nhìn bâng quơ, những cái cười quay mặt cúi xuống đất, những cái lắc đầu lùa tóc về một phía, nhưng trong những điệu bộ diễn ra giữa khung cảnh, hay đúng hơn là giữa cái bố cục đoan chính cổ điển mà kín đáo của căn phòng hiện ra trong mặt gương phản chiếu, em đọc thấy một cái gì nhạt nhẽo vô vị, nếu không bảo là chua chát, những rung chuyển dịu dàng của thịt da trên hai gò má bây giờ đã bớt ửng hồng, những đường nhăn hai bên khóe mắt khi em cười ngày xưa em hãnh diện vì đã tạo cho em những nét độc đáo bao nhiêu thì những thứ đó ngày nay lại báo hiệu cho em bấy nhiêu muộn phiền, bấy nhiêu mất mát. Em cố tìm lại tất cả những đồ vật quen thuộc đã từng cùng với anh làm đẹp cho căn phòng nhỏ của em trên này, những cuốn sách, những tập ảnh, hộp phấn son, khung hình nhỏ lồng chiếc ảnh chụp anh ngồi cười trên mỏm đá giữa những bọt nước bắn tung tóe lên quá đầu người, em cố tìm lại tất cả những đồ vật đã từng cùng với anh làm đẹp cho những tháng ngày xa lạ của em giữa thành phố lạnh đó, em đem bày hết ra trong căn phòng đoan chính đức hạnh của em, em ngắm nghía những thứ đó với tất cả lòng thân yêu còn lại trong em, những vật tự nó chẳng là gì cả mà lại chan chứa, lại đầy dẫy sự hiện diện của anh – và đồng thời cũng ngập tràn sự vắng mặt mà em nghĩ đang bắt đầu quên, đang bắt đầu có thể quên được, có thể chịu đựng được, nghĩa là chịu đựng một cách thản nhiên, bởi vì suốt cả hai năm dài đối diện với đám bạn bè đồng nghiệp, những bạn gái và bạn trai, suốt cả hai năm dài đối diện với lũ học trò, suốt hai năm không hề được tin tức anh, không biết anh thức dậy buổi sáng thế nào, không biết anh ăn uống ra làm sao, không biết giờ ngủ của anh, những bạn bè của anh, những kẻ thù của anh, những người anh thương và những người anh ghét, không biết anh đau khổ hay hạnh phúc, có trầm tĩnh ở yên được một chỗ hay vẫn lông bông suốt ngày, suốt cả hai năm dài mà mỗi ngày buồn bã trôi qua, mỗi buổi chiều khi ra khỏi lớp, em lại tập dần thói quen ra biển, gặp mặt một vài người quen biết nhưng không hề có dịp chào hỏi, không hề có dịp tiếp chuyện, hay những du khách lạ mặt chợt đến chợt đi, tập quên dần nhữ g con dốc những ngọn đồi của anh, những tiệm ăn những rạp hát anh thường hay dẫn em đến, suốt hai năm dài đó em không thể bảo là em đã chịu đựng được sự vắng mặt của anh, em cô đơn sống hình như lúc nào cũng đợi cũng chờ, một lá thư của anh, của bạn anh, hay của bất cứ ai có biết và nhắc đến anh, em chờ đợi, cho đến khi em hiểu được anh, hiểu được em, tánh trẻ con của anh và sự ngộ nhận quá lâu của em, cho đến, cho đến khi em nghĩ đến chuyến đi – hay đúng hơn là chuyến trở về – mà mãi đến nay em mới quyết định được.
Em ở nhà suốt một tuần lễ, và trong lúc mẹ em, anh chị em em, là những người đang lo lắng hay ít ra cũng tỏ vẻ lo lắng vì thấy em buồn rầu quá lâu mà không ai an ủi được, không ai giúp đỡ được gì, trong lúc mọi người trong nhà, nhất là mẹ em, vẫn đinh ninh là em đang thu xếp để về Huế chấm thi, hay trở về trường dạy học, bởi vì hè sắp hết, những cơn gió biển thổi vào thành phố đã bắt đầu hơi trở lạnh, trong lúc mọi người trong nhà đều yên trí em đang quyến luyến với gia đình, với căn phòng mà ai cũng không ngờ được là em đã quá chán ghét này, thì thật ra em đang nghĩ đến anh, đến một căn phòng khác ở Dalat mà đêm đêm trước ngọn đèn bàn – quà của anh – chiếu thẳng vào khung hình nhỏ lồng chiếc cảnh chụp anh ngồi cười trên mỏm đá em vẫn cúi đầu trên trang sách đọc dở, cảm giác bàn tay anh ve vuốt trên tóc, em đã ở nhà suốt một tuần lễ, em quên dần những buổi tối dạo chơi ngoài bờ biển với mẹ và các em, em đang cố thu hết can đảm và nghị lực sống lại một mình những ngày đẹp của em, của chúng ta, em đang vùng vẫy ra khỏi em.

Em lên đây tính như vậy đã hơn tháng rưỡi rồi, các trường trung học đã bắt đầu khai giảng hơn hai tuần lễ nay, trên các ngả đường trong thành phố, những con đường cũ có vẻ đã được nới rộng ra hơn và những đường mới dường như chưa kịp mang một danh hiệu nào, lá cũng đã bắt đầu rơi nhiều hơn một tháng nay, còn em, em vẫn đang nghỉ hè trong mùa thu, những ngày hè buồn bã nhất mà cũng là những ngày hè hạnh phúc nhất của đời em, bởi vì em nay đã khôn lớn, đã trưởng thành, và em đang sống lại, đang tìm cách sống lại những ngày xưa, trên những con đường dốc sỏi mà anh đã thích đi (em thấy lại hai tay anh múa may phân trần giải thích, những ngày trời lạnh anh thường hay đút cả hai bàn tay đó vào túi quần hoặc ôm vòng kẹp vào nách, hai vai anh rút lên tận cổ chiếc áo len màu đen chính tay em đã đan tặng anh trong ngày sinh nhật, đôi chân anh nhún nhẩy thỉnh thoảng hất về phía sau đá lung tung những viên sỏi lăn dài trên mặt đường), dưới những chòm cây anh thích núp bóng mặt trời, trước những tủ kính mà mỗi khi có dịp đi qua anh vẫn dán sát khuôn mặt trẻ thơ của anh vào thật lâu để ngắm bìa những tờ tạp chí quen thuộc, những cuốn sách bìa cứng gáy mạ vàng, em đang tìm cách sống lại những ngày đó, những ngày non dại của em, sống lại một mình, không có anh, và trong cái lạc lõng mông mênh này em như đã tìm thấy được một thứ hạnh phúc mới, có lẽ là sự vắng mặt của anh, có lẽ thế thôi, bởi vì sau hai năm – hay hai niên học, em không còn nhớ nữa – sau hai năm xa anh, bây giờ em mới thật sự được nghĩ tới anh, được sống với anh một cách trọn vẹn, trong căn phòng thân yêu ở tầng lầu thứ ba, bây giờ em mới thật sự được nghĩ tới anh, tới đời sống của em. Học sinh đã tựu trường từ hơn hai tuần lễ nay, hơn hai tuần lễ nay em đã lại thấy những toán nữ sinh mặc đồng phục màu trắng lũ lượt kéo nhau lên con dốc trước chùa, trước ngôi chùa nằm lưng chừng con dốc quanh co mà anh vẫn thường phải đi ngang qua mỗi lần đưa em về nhà, em đã lại nghe những tiếng hát vui vẻ và tiếng vỗ tay cười la vọng ra từ sân vườn các lớp mẫu giáo, những du khách chen lấn nhau chung quanh khu chợ quá chật hẹp trong những ngày em mới lên đây bây giờ gần như đã lần lượt biến mất, hơn hai tuần lễ nay em vắng mặt không lý do ở trường, không thư tín không đơn từ, mọi người có lẽ đang thắc mắc về sự vắng mặt đó, chắc hẳn phải có đến ba bốn điện tín ở trường gửi về nhà, và nếu em cho địa chỉ chắc hẳn cũng phải có đến bốn năm điện tín ở nhà gửi lên đây, em đang kéo dài vụ hè của em, kéo dài nỗi cô đơn êm dịu của em, kéo dài cả sự bối rối âu lo, vì em đã cố ý thoát ra khỏi những ràng buộc thường nhật, thoát ra một cách lạnh lùng, dửng dưng, em đã im lặng trư ? nỗi hốt hoảng của mọi người, của mẹ em, của cả gia đình em, của các bạn đồng nghiệp, của mấy lớp học đang phải bỏ về khi tới giờ em phụ trách, của những người từ lâu vẫn hiện thân cho đời sống vô vị của em, đời sống mà em vô tình phải tham dự nhưng không hề sống đến.
Bây giờ em đang ở đây, trong căn phòng trọ ở tầng lầu ba mà anh đã từng lên xuống nhiều lần, em nằm trên chiếc giường một người mà có lẽ vì cảm tình bà chủ nhà đã cố ý cho mang lên, chiếc giường con bây giờ vẫn còn mang vết mực màu xanh đen mà hôm anh đến chơi lần đầu, gặp lúc em đang cho mực vào ống bơm cây bút máy chính anh đã tặng cho em một tháng trước, em đã cảm động đến nỗi đánh đổ cả lọ lên phía đầu nằm, bây giờ nhớ lại điệu bộ hốt hoảng của em khi chạy khắp phòng kiếm giấy để lau chỗ mực đang thấm dần vào chiếc drap trắng, nhớ lại cái nhìn dịu dàng thương hại của anh, với vẻ bối rối hiện rõ trên khuôn mặt của cả hai đứa, em mới nghĩ ra dạo đó chúng ta thật là trẻ con – hôm đầu tiên bà chủ nhà cho mang chiếc giường lên, thoạt trông thấy lại vết mực em đã thấy nhói lên một mối khổ tâm pha lẫn với một thứ hạnh phúc lạ lùng, em nghĩ đến anh như một ý nghĩ quen thuộc, nhưng vết mực kia, vết mực màu xanh đen đánh dấu ngày anh đến phòng em, bước một bước thật dài vào cuộc sống của em, quả thật nó có để lại một cái gì bất thường, cái bất thường mà em tưởng không bao giờ quên được nhưng rồi cũng đã quên đi. Bây giờ trời đang mưa, căn phòng trọ tối hẳn, em bật chiếc đèn nhỏ ở đầu giường và nằm ôm gối đọc sách, những đám mây đen kéo nhau chạy qua khung cửa sổ trước mặt em như những đoạn phim hư, những đoạn phim đang chiếu lại quãng đời vô vị lẽ ra em không nên sống theo – em nhìn những đám mây đó êm đềm trôi qua, lặng lẽ, và chính em cũng đang lặng lẽ trôi theo với những tháng ngày vô nghĩa, em biết mọi người đang thất vọng về em, về óc không thực tế của em, cha mẹ em trước tiên, rồi đến những đồng nghiệp, và biết đâu luôn cả lũ học trò của em – em nằm đây, trước cuốn sách của một tác giả quen thuộc của anh, em ôm chiếc gối màu trời xanh mà em đã cố tình đem lên đây, em nghe tiếng xe cộ vọng lên từ dưới con đường nhựa lởm chởm đá xanh trước mặt nhà, em nghe rõ từng tiếng bánh xe sụp xuống những ổ gà ăm ắp nước mưa, hòa với những âm thanh thường xuyên của một khu phố thương mại, em tưởng như nghe đâu đây trong tiếng gió lời trách mắng của những người thân, lời trách mắng thật là nặng nề, tưởng như thấy được cái nhìn thất vọng của cha em, của mẹ em, em cầm trên tay cuốn sách của một tác giả anh thường hay đọc dạo đó nhưng bây giờ có thể không còn là tác giả của anh nữa, và những hàng chữ tiếp tục nhảy múa, mờ dần, mờ dần, em không đọc được chữ nào cả.
Dạo trước, những buổi chiều mưa như thế này, em thường hay nghĩ đến anh, em cũng nằm trên chiếc giường con có một vết mực màu xanh đen ở phía đầu nằm, em cũng bật ngọn đèn đầu giường lên và đem sách ra học, nhưng dạo trước làm sao em có thể nằm yên như thế này được, chắc hẳn em sẽ khoác áo mưa vào, chiếc áo màu trời xanh mà anh và các bạn anh vẫn thích, em sẽ đến mở cửa (chiếc cửa nằm ngay chỗ cầu thang lên xuống mà mỗi lần đến thăm anh vẫn vẫn thường hay gõ rất nhẹ, rất dè dặt, rồi đứng yên đợi em ra), em sẽ bước xuống hai tầng lầu để ra đường, em sẽ đi lên phố, sẽ ghé mắt qua các tiệm billard để tìm anh, để được yên chí rằng anh còn đó, đang vui chơi, em sẽ thấy ghen tức với các bạn của anh, nhưng em sẽ chỉ hơi ghen thôi, sẽ không đứng lâu ở đó để anh khỏi trông thấy, để khỏi làm anh bận tâm, dạo trước, những buổi chiều mưa như thế này, em sẽ khoác áo đi tìm anh, em sẽ ghé mắt vào các tiệm billard, nhưng em cũng không quên nhìn kỹ qua các khung cửa kính khép kín của các tiệm café lờ mờ bóng đèn điện để tìm anh, em sẽ đi qua những tiệm ăn quen thuộc, những tiệm bánh, những tiệm chụp hình, những hàng quán nằm hai bên vệ đường, hai tay em ôm vòng lồng ngực lạnh ngắt trước luồng gió dưới hồ liên miên thổi lên, em sẽ qua mặt những bạn bè trong đại học, nhiều người trong bọn họ biết đâu sẽ đoán được ý nghĩ của em, mục đích cuộc dạo phố dưới trời mưa của em, biết đâu họ sẽ đọc được trong đôi mắt say đắm của em những ước mơ thầm kín nhất, dạo trước, những buổi chiều mưa, em đâu có nằm yên được thế này, em sẽ khoác áo một mình lên phố tìm anh, em sẽ trở về một mình, sẽ bước lên hai chiếc cầu thang dài thăm thẳm để đến tầng lầu thứ ba, sẽ vào phòng thay áo và nằm lên chiếc giường nhỏ có vết mực màu xanh đen, nghe lại những tiếng động vọng lên từ dưới đường, và nghĩ đến anh.
Bây giờ em đang nằm một mình ở đây, đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết vừa mới mua sáng nay khi vào núp mưa trong một tiệm sách ngoài phố, đang tìm lại từng tiếng động nhỏ ngày xưa đã nhiều lần vô tình làm gián đoạn, vô tình quấy rầy những buổi chuyện trò của chúng ta, những buổi chuyện trò tình tự thường khi vẫn kéo dài gần suốt cả ngày, như tiếng trẻ con khóc bên hàng xóm, tiếng cãi nhau của một cặp vợ chồng láng giềng, tiếng máy một nhà in từ xa vọng đến, em đang tìm lại, đang lắng nghe những tiếng động có giờ giấc, như tiếng máy xe hơi của ông chủ nhà ngày hai bận đến sở làm, tiếng rửa chén bát vọng lên từ nhà bếp ở tầng dưới cùng ngày xưa mỗi buổi trưa thường đánh thức em dậy để đến trường, những âm thanh quen thuộc đã tạo nên cái không khí nồng nàn thân yêu mà em vẫn thấy thiếu thốn – nhưng rồi cũng vẫn phải chịu đựng và đã chịu đựng được – bây giờ em nằm một mình trên căn gác trọ ở tầng ba, em tưởng như nghe lại hết những âm thanh đó (hay chính em đang nghe thật?), mỗi âm thanh không một mối liên lạc gì mà lại gợi trong em từng khoảnh khắc thời gian nho nhỏ trong ba năm học êm đềm, tiếng trẻ con khóc hình như có làm sống lại một buổi giận hờn giữa hai đứa? tiếng cãi nhau giữa hai vợ chồng láng giềng chắc hẳn đã nhắc lại bữa ăn chung đầu tiên ngoài phố? hay nhắc lại buổi dạo chơi đầu tiên bị bạn bè bắt gặp? thế mà em đang tìm lại những âm thanh đó, để được thấy anh, em tìm lại không khó, bởi vì chung quanh em bây giờ vẫn vang dội những tiếng động cũ, sau hai năm âm thanh đã có xa lạ đi nhiều, đã mất đi vẻ thân mật, cũng như em, một mình giữa thành phố này, không anh, em cũng đã là một người lạ rồi.
Em đưa tay đẩy chiếc màn nhung đỏ nặng nề và bước ra khỏi rạp hát, trời lúc này đã tạnh hẳn, và hình như trời hết mưa thì gió lại lạnh hơn, em đưa tay trái lên xem đồng hồ và thấy hãy còn sớm – ở đây mười giờ rưỡi đêm kể ra cũng chưa lấy gì làm khuya lắm – em tần ngần đứng nhìn các bích chương quảng cáo các phim sắp chiếu trong vài ngày nữa, vài tháng nữa, những hình người đàn bà tây phương trần truồng, với hai cánh tay trắng nõn ôm vòng hai vai, trong dáng điệu sợ hãi mà quyến rũ, bên cạnh những thân hình đàn ông lực lưỡng đang chỉa súng vào em, em tần ngần đứng nhìn các bích chương đó, và các thông cáo của tòa thị chính dán trên ba phía vách tường, (em nhớ đến hôm đi chơi ở hồ bị mưa đột ngột anh đã cầm tay em cùng chạy băng lên con dốc rất gắt trước rạp hát để vào trú mưa, cơn mưa chiều hôm đó kéo dài, chúng ta đã đi lui đi tới nhiều lần dọc theo ba bức tường quét vôi vàng dán đầy bích chương quảng cáo và các thông tư của tòa thị chính, hình như anh đã có càu nhàu vì phải lỡ mất một buổi hẹn các bạn anh ở tiệm billard, hay ở một tiệm café nào đó, và hình như em đã có giận,) bây giờ em bỏ ra về giữa chừng cuốn phim, em chưa biết sẽ đi đâu, nhưng nhất định em chưa muốn trở về, em bước ra cửa lớn, một luồng gió lạnh dưới hồ tạt lên, em đưa tay kéo cổ áo thật cao và bước ra đường. Em đi dài theo con đường dẫn ra khu chợ lúc này hãy còn sáng đèn, đêm nay là tối thứ bảy, từ năm sáu giờ chiều các chiếc xe hơi đủ màu đã bắt đầu vượt qua mấy cây số sương mù trên đèo Prenn để tiến vào thành phố, những xe trễ nhất bây giờ cũng đã nằm yên tĩnh chung quanh khu chợ, trước một tiệm ăn chẳng hạn, hay có thể đã nằm ngơi nghỉ trong nhà xe của một khách sạn hay một biệt thự nào đó, đêm nay là đêm thứ bảy, các tiệm ăn hãy còn mở cửa, các tiệm tạp hóa hãy còn nhiều người ra vào, phần đông là du khách ở Saigon lên, họ không còn tấp nập như mấy tháng giữa hè, bởi vì bây giờ đã vào thu, nhưng họ vẫn còn lên đây, họ vào các tiệm tạp hóa, tò mò xem xét những cung những nỏ, những chiếc gùi đan bằng mây, những nhà sàn đan bằng tre, họ nhìn thật gần những tấm vải mọi nhiều màu, những hàng ren dệt thật bền, thật công phu, họ nhìn, họ mua... Phố xá lúc này vẫn sáng đèn, em đi mấy vòng quanh khu chợ, qua những tiệm len, những hiệu ảnh, em đưa mắt gần những tủ kính để nhìn những bức ảnh bán thân bây giờ đã thay đổi khuôn mặt, để tìm giữa những hàng dài áo pardessus một kiểu mới, hay một màu lạ, rồi em ghé vào một tiệm ăn quen thuộc ngày xưa anh vẫn thường dẫn em đến, em ngồi vào chiếc ghế bành lót nệm màu nâu đen đã cũ, yên tĩnh, trước chiếc bàn thấp ở bên phải cửa ra vào, phía b ?mặt kính có chữ POUSSEZ, đối diện với quầy rượu, từ đây em có thể nhìn gần trọn cả khu chợ, luôn cả tiệm thuốc tây nằm cuối con đường vòng ra bến xe cũ, và đến khi em uống hết nửa ly cà phê đen – chính anh đã tập cho em uống cà phê đấy – đến khi em uống hết nửa ly cà phê đen, thì phố chợ không còn sáng rực như lúc trước, gần như cùng một lúc, một vài tiệm đã đóng cửa tắt đèn, qua khung cửa kính trên đó người ta ghi bằng phấn trắng những thức ăn đặc biệt trong ngày, những chữ ngoại quốc, em không còn trông rõ như khi mới bước vào tiệm, khách bộ hành bây giờ chỉ còn là những bóng mờ di động trên một màn sương mù ẩn hiện đây đó một vài chấm sáng hoặc lớn dần hoặc quét dài ra, một vài đường nét, vài góc cạnh của khu phố chợ về khuya.

Niên học đã bước qua tuần lễ đầu của tháng thứ hai, gần năm tuần lễ nay em vẫn nguyên trong tình trạng cũ, gió ở đây mỗi ngày một lạnh hơn, những cơn mưa bụi bắt đầu đều đặn kéo dài, những con suối mùa hè bây giờ có lẽ cũng đã hết khô nắng, lớp bụi vàng đóng trên các thân cây sau những trận mưa đầu thu chắc hẳn đã dần dần biến mất để lộ lớp vỏ sần sùi, rách nát, gần năm tuần lễ nay em vẫn nguyên tình trạng cũ, ngày ngày đi trên những con đường cũ bây giờ như đã được mở rộng ra hơn, kéo dài ra hơn, đêm đêm đi vòng quanh khu chợ sáng đèn, ngắm những tiệm tạp hóa hình như có vẻ huy hoàng hơn trước nhiều, và mỗi buổi sáng buổi chiều em lên xuống con dốc quen thuộc để đi ăn, giống như hồi còn đi học – và cũng giống như hồi còn đi học, những sáng chủ nhật trời nắng ấm (lạ thay bây giờ cũng như ba bốn năm về trước em vẫn có cảm tưởng là ở đây ít khi trời mưa vào những sáng chủ nhật) em lên phố ăn sáng, em cũng lại vào tiệm ăn ngày xưa anh thường dẫn em vào, em cũng lại gọi những món nhẹ để điểm tâm, em ngồi trên chiếc ghế bành mọi hôm em vẫn ngồi, chiếc ghế bành lót nệm màu nâu đen đã cũ, tay phải em đặt lên chiếc áo pardessus màu trời xanh, bên cạnh cuốn tiểu thuyết đang đọc dở, tay trái em thỉnh thoảng nhịp nhịp theo điệu nhạc êm dịu phát ra từ bộ phận phóng thanh móc trên trần nhà, điệu nhạc mới em chưa từng nghe, nghĩa là chưa từng nghe cùng với anh bao giờ, chiếc ghế bành kê ngay sau khung của kính, hướng ra đường, từ đây em có có thể nhìn thấy gần hết cả đám người hỗn tạp mà phần đông tuy có di động nhưng hình như không rời khỏi bốn khu phố ngắn bao quanh công trường, họ là những người đi nghỉ mát cuối cùng còn lại ở đây, hoặc là những du khách chỉ quen đến vào chiều thứ bảy và chiều chủ nhật đã vội lên xe trở về, họ là những thị dân trong thành phố, phần đông suốt sáu ngày liền trong tuần lễ gần như không hề ra khỏi nhà, đến ngày chủ nhật có dịp ra phố, họ dạo quanh chợ thật lâu, nhìn ngắm thật kỹ, như để ôn lại những sinh hoạt cùng những thay đổi trong sáu ngày trước mà họ đã không được chứng kiến hay tham dự, họ là những đồng bào thượng xuống phố buôn bán, những người đàn ông lực lưỡng luôn phì phà chiếc vố do chính tay họ làm lấy, và những người đàn bà lủng lẳng những cặp vú lớn đen bóng trước ngực, giống như những bức phấn tiên em thường được cùng xem với anh trong các phòng triển lãm hội họa, họ là những sinh viên đại học, những sinh viên mới và những sinh viên cũ, nhưng dù cũ hay mới, họ cũng chỉ mới lên đây sớm nhất là một tuần lễ nay, có người đã quá quen với cảnh nhộn nhịp khác thường của bốn góc phố này, như em, như anh, chỉ im lặng đứng hút thuốc hay chuyện trò bên các trụ đèn hoặc dựa vào mặt tiền các căn phố lớn để nhìn ngắm, nhưng sinh viên mới lên lần đầu, bỡ ngỡ trước muôn ngàn màu sắc rực rỡ của những chiếc áo ấm, tò mò nhìn vào các tiệm tạp hóa mà cách bày biện dĩ nhiên cũng có khác lạ, với những cung những nỏ, những gùi lớn đan bằng mây, những nhà sàn đan bằng tre, họ nhớn nhác thăm dò, em nghĩ có lẽ là những sinh viên mới, mới đối với đại học và mới đối với thành phố, họ cũng như em, như anh cách đây mấy năm, cũng thắc mắc về nơi ăn chốn ở, về túi tiền (một tháng họ sẽ phải tiêu mất bao nhiêu chẳng hạn, những vấn đề họ chưa bao giờ phải đặt ra khi còn ở trong gia đình), thỉnh thoảng họ cũng thấy mình lạc lõng, mất hút, trong một căn gác trọ nào đó, cho đến, cho đến ngày tình cờ mỗi người trong bọn họ tìm thấy được một người để nói chuyện, hay để thương yêu, như em đã tìm thấy được nơi anh (và cũng đã vội đánh mất đi với anh), họ cũng là những học sinh, những học sinh ngoại trú ngoài giờ học vẫn được rong chơi suốt cả tuần lễ nhưng lại còn muốn rong chơi nhiều hơn nữa, những nam nữ học sinh nội trú các trường nhà dòng, các trường bà phước hoặc các trường trung học Pháp chỉ được dạo phố trong một thời gian giới hạn, đang vội vã thưởng thức những phút giây hiếm hoi được hoàn toàn tự do trong tuần lễ, họ cũng là những người em quen mặt bây giờ có vẻ già hơn, buồn hơn, âu lo hơn, có lẽ sau những cuộc chính biến xưa nay vốn ít khi xảy ra nơi này, những sáng chủ nhật trời nắng ấm, em lại ra ngồi nhìn đám người qua lại chung quanh khu chợ (họ di động mà hình như vẫn không rời khỏi bốn khu phố bao quanh công trường), em nhớ đến anh, ý nghĩ thật là quen thuộc, em nhớ đến những sáng chủ nhật của anh và của các bạn anh – đến lần đầu tiên gặp anh cũng nơi chiếc bàn thấp này, dưới ấn bản một bức tranh Tàu mà sau này em đã thấy quen dần, anh đang ngồi trầm ngâm nhìn ra phố, hai tay anh đều tựa lên thành ghế, nhưng chỉ có bàn tay trái của anh mới nhịp nhịp theo một điệu nhạc êm dịu, điệu nhạc em nghe lần đầu tiên hôm đó nhưng đến bây giờ thì không còn xa lạ nữa, và có nhiều đêm yên tĩnh tai nghe tiếng côn trùng từ xa vọng lại, em cứ ngỡ chính là bài nhạc đó, từ nhà ai phát ra, em khẽ hát theo và có cảm tưởng những âm thanh kia của thiên nhiên đang trùng hợp với những âm điệu của bài nhạc – em đưa tay phải cầm tách café đưa lên miệng, nhưng em sẽ không uống vội, em sẽ kéo dài buổi sáng của em, cũng như em đang kéo dài vụ hè này, đang kéo dài nỗi lo âu hốt hoảng của gia đình, sự kinh ngạc của các bạn đồng nghiệp, mối bận tâm của bà hiệu trưởng, và nỗi vui mừng của lũ học trò mỗi khi đến giờ em dạy được cắp sách ra về, em sẽ còn kéo dài tất cả những thứ đó đến tận đâu, đến bao giờ?

Bây giờ em đang ngồi trong căn phòng trọ ở tầng lầu ba, ngoài kia trời cũng đang mưa, em vừa thức dậy với tiếng rửa chén bát ở nhà dưới, em ngồi trên chiếc giường nhỏ có vết mực màu xanh đen ở đầu nằm, em dựa lưng vào thành giường, hai tay ôm trọn đầu gối, em kê đầu lên hai cánh tay, mặt hướng vào chiếc bàn viết trên đó em bày những cuốn sách của em, bên cạnh khung hình nhỏ chụp anh ngồi cười trên mỏm đá, những cuốn sách em đã cố tình đem lên đây nhưng chưa hề cầm đến, dĩ nhiên, vì đó là những cuốn sách cũ, em đã mua (hoặc anh đã cho em) từ lâu và cũng đã đọc qua từ dạo còn đi học, em còn nhớ cái hôn đầu tiên đánh dấu sự thua trận của em đã xảy ra ở chiếc bàn này, sau buổi khiêu vũ ở trường vào đêm Giáng sinh, hôm đó anh đã cúi xuống trên tóc em, anh đã cúi xuống một cách đột ngột quá, làm em không kịp phản ứng (hay em đã phản ứng rất yếu ớt?), anh nói với em bằng một giọng thật nhỏ nhẹ, thật dịu dàng, đến nỗi em không nghe rõ được gì cả, và anh vẫn tiếp tục nói trong cổ họng, như để tự trấn an mình, để được can đảm hơn, thế rồi em không biết anh đã theo những con đường nào để ghé khuôn mặt trẻ thơ của anh trên má em, khuôn mặt còn đẫm hơi sương nhưng hình như đang ấm dần. Bây giờ em ngồi ở đây, em nhìn lại cả căn phòng thân yêu đầy dẫy sự hiện diện của anh, em nhìn lại chỗ đinh trên tường bây giờ để không, ngày xưa chính tay anh đã đóng lên để treo bức tranh của một người bạn tặng anh, bức tranh lớn quá nên em đã không đem theo lên với em được, em nhìn lại những chỗ tường bị lở, ngày xưa em vẫn thích ngồi tưởng tượng ra những hình thù lạ lùng mà những vết lở đó để lại, em nhìn lại chỗ móc áo, tay nắm bằng sành bị bể mất một nửa ở cửa ra vào, hộp gỗ móc màn sơn nâu đã ngả màu phía trên cửa sổ, chiếc bàn con ở đầu giường em dùng làm chỗ đựng hộp son phấn, em nhìn lại những thứ đó một cách buồn rầu, bất chợt em bắt gặp mình đang nghe ngóng, đang chờ đợi, em thở dài trong sự chờ đợi nghe ngóng đó, em đứng xuống đất đi ra cửa sổ, trời vẫn còn mưa, bên kia là khu nghĩa trang của thành phố, những cơn mưa đầu thu đã rửa sạch lớp bụi vàng, những ngôi mộ bây giờ trắng xóa, nhìn từ xa cả nghĩa trang trông giống như một thành phố thứ hai, một thành phố vắng ngắt, sạch sẽ nhưng cũng thật lạnh lẽo, bên kia là những con đường đất ngoằn ngoèo chạy dài trên đồi thấp thoáng bóng một vài người đang cắm cúi đi, cao hơn nữa là nóc nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế mờ mờ sau mấy lớp mưa bụi đàng sau em, đàng sau em là thành phố, cả thành phố dốc đồi, với khu chợ đông đúc, với con đường nhựa chạy quanh hồ rợp bóng lá cây, với gác chuông nhà thờ cao vút, với tiếng chuông chùa ngân dài trong đêm mưa, với những áo ấm màu sắc rực rỡ buổi sáng chủ nhật, những tiệm ăn ấm cúng, những tiệm café lờ mờ bóng đèn màu, cả thành phố dốc đồi, với những gánh phở rong, những xe mì bốc khói, những tiệm billard đông đảo, những đồ vật miền núi, cả thành phố dốc đồi, với những mương suối quanh co, những vườn rau cải mênh mông, những biệt thự cũ và những kiến trúc mới, vài ngày nữa, em phải trả lại căn phòng này cho một sinh viên lên trễ, em sẽ phải từ giã tất cả những nơi chốn thân yêu, tiếng rửa chén bát ở nhà dưới sẽ không còn đánh thức em giữa giấc ngủ trưa, tiệm ăn trước công trường sẽ mất đi (và có thể sẽ mất hẳn) một khách hàng quen thuộc, vài ngày nữa, vài tháng nữa, bất giác em nghĩ thầm...







< hit counter

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Joseph Huỳnh Văn & Tập San Văn Chương (1972 - 1974)


Joseph Huỳnh Văn, một “người-thơ” mà cách đây khoảng hai thập niên trước, khi tôi lần đầu chạm ngõ những bồi hồi chữ thấm đẫm “máu lệ chứa chan”, những bài thơ rung vang “khúc cầm dương sầu quý phái” của ông; tôi đã chạm vào một bàng hoàng xao xuyến, vì lúc ấy,  thấy, dường như đây chính là một thi sĩ – trong ngữ nghĩa cao quý nhất của thi ca – toàn tòng, một tâm hồn mơ huyễn chìm khuất giữa điêu linh và ảo ảnh, rồi những tinh huyết tràn ra trên những dòng thơ - những tiếng nấc nghẹn, những siết rên – qua đó tạo dựng một thế giới (mang nhiều tính âm) thâm trầm như bí tích, sang cả như giọt lệ điêu-linh-lần-đầu của tình nhân , đẹp-(như)-đau-thương ...trong ngôn ngữ thi ca của mình và hơn thế, kiến tạo một thẩm mỹ khác ?!?
Lúc đó, đối với tôi, ông như một người thơ rất mơ hồ mông lung xa xôi – xa và… thơ như chính cái tên thánh của ông vậy – nhưng với những tận hiến trong từng dòng chữ viết ra, tôi như chạm gần đến ông hơn qua một khắc thăng hoa cảm xúc, chìm vào những vầng thơ đắm đuối mà vẫy vùng trong tinh tuyền của suối nguồn thi ca – trải nghiệm những “nát tan” nhất, những “đẹp thương đau” nhất, những “sầu ngất tạnh”, những ngàn trùng, những “hoàng hôn không cùng ngực tuyệt vọng”, những xám ngắt hiu quạnh của những buổi chiều…trong thơ ông, làm tôi run trong nỗi bàng hoàng rờn rợn, và cũng run lên vì đê mê “nhập thế” vào thế giới thi ca bi thiết mà vô ngần ơn phước ấy!
TẬP SAN VĂN CHƯƠNG - Với số ra mắt mang tên NHÃ TẬP (đến nay tôi chưa tìm thấy những số nào khác - và cũng chưa thấy trên mạng - ngoài 5 số sau:
Số 1 – chưa có tên TẬP SAN VĂN CHƯƠNG – NHÃ TẬP (MÙA CẦM XANH) – THÁNG 8/1972
Số 2 – số ra mắt TẬP SAN VĂN CHƯƠNG (?!?) – MỸ TỪ PHÁP – THÁNG 5/1973
Số 3 – SOLEILS PERDUS SOLEILS RETROVÉS – THÁNG 8 /1973
Số 4 – MÁI ĐÔNG – THÁNG 11/1973
Số 5 – TRUNG TÂN – 1974)
đọc lại để thấy rằng, đây chắc chắn là một trong số những tập san / tạp chí “văn nghệ” có giá trị nhưng vì nhiều lí do, hay thường bị quên đi khi người ta viết biên-niên-ký cho 20 năm văn chương miền Nam đã mịt mùng …nhưng chưa “tan đi như bụi mờ”.

huyvespa@gmail.com

“Huỳnh Văn là linh hồn, là tinh thần, và tổng thư ký của tờ báo.
Không có anh, chắc tờ báo không ra quá số hai. Sài-gòn nhỏ xíu: chiến tranh, nỗi sợ hãi, đời sống riêng tư của mỗi con người... làm người ta co cụm lại. Đám bạn bè tuy biết nhau, nhưng chỉ chịu ngồi bên nhau, khi có anh.
Tập san còn có Nguyễn Tử Lộc, đã chết vì bệnh tại Sài-gòn ít lâu sau 75. Phạm Hoán, Phạm Kiều Tùng, Nguyễn Đạt, Nguyễn Tường Giang... Không có Phạm Kiều Tùng, tập san không có một ấn loát tuyệt hảo. Nguyễn Đông Ngạc khi còn sống vẫn tự hào về cuốn Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam) do anh xuất bản, Phạm Kiều Tùng, Phạm Hoán lo in ấn, trình bày. Bạn lấy đầu một cây kim chấm một đầu trang. Dấu chấm đó sẽ xuyên suốt mọi đầu trang thường của cuốn sách. Không có Nguyễn Tường Giang thì không đào đâu ra tiền và mối thiện cảm, độc giả, thân hữu quảng cáo dành cho tập san. Những bài khảo luận của Nguyễn Tử Lộc và sở học của anh chiết ra từ những dòng thác ngầm của nhân loại - dòng văn chương Anglo-Saxon - làm ngỡ ngàng đám chúng tôi, những đứa chỉ mê đọc sách Tây, một căn bệnh ấu trĩ nhằm tỏ sự khó chịu vì sự có mặt của những quân nhân Hoa-kỳ tại Miền Nam….
Tạp chí văn học 'Tập san Văn chương' ra mắt độc giả khoảng 1972-74, tại Sài-gòn. Chết trước ngày 30/ 4/ 75. Hình như là do Nguyễn Tường Giang, bác sĩ kiêm quản lý bất đắc dĩ của tờ báo chán chuyện đi lấy quảng cáo, mặc dù đi là có; mặc dù tập san có nhà in riêng - nhà in ABC của thân phụ anh Phạm Kiều Tùng” (theo hồi ức của nhà văn/ nhà phê bình văn học Nguyễn Quốc Trụ)

Joseph Huỳnh Văn sinh năm 1942 trên vùng đất Quảng Đà. Ông nguyên được đào tạo trong một trường dòng, lớn lên lại ra đời nhập thế, đi dạy học. Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn tên thật là Huỳnh Văn Hiến. Ông có người anh ruột tên Huỳnh Văn Trọng, một trong những nhà tình báo của phe “cách mạng”, từng leo lên tới chức cố vấn đặc biệt (cùng với tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ) của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1969, vụ án gián điệp đổ bể, Huỳnh Văn Trọng bị bắt, đến 1973 được trao trả về phe “Chính phủ Cách Mạng lâm thời Miền Nam VN” tại Lộc Ninh. Nhà văn Cao Huy Khanh trong tập Chân dung “Những số phận đặc biệt” đang biên soạn truyền mạng, phần viết về Joseph Huỳnh Văn cũng xác nhận rõ mối quan hệ đặc biệt này” (Võ Chân Cửu)


“…nhưng không nhiều lắm chữ nghĩa thành thơ…”
Nguyễn Lương Vỵ
Giới thiệu thi tập
Thơ Joseph Huỳnh Văn 
(Giấy Vụn, 2011)

“Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn (1942-1995) tên thật là Huỳnh Văn Hiến, quê quán: Thừa Thiên, Huế. Định cư tại Sài Gòn vào giữa thập niên 60, dạy học tại Thủ Đức, Biên Hòa. Sau tháng 4.1975, làm thợ mộc và hầu như không còn làm thơ nữa. (Vào khoảng cuối năm 1993, trong một lần uống rượu tay đôi với ông, thi sĩ, lúc đã ngấm rượu, cao hứng “khoe” và đọc cho tôi nghe một bài thơ ông mới sáng tác về Hà Nội với một giọng rất trầm ấm, khinh khoái. Hôm sau, đến thăm ông tại nhà, tôi xin ông được đọc lại bài thơ ấy, ông bảo, bài thơ vẫn còn nằm ở trong đầu, chưa vừa ý lắm, nên chưa viết ra. Sau nầy, hỏi gia đình ông, cũng cho biết, không tìm thấy bài thơ ấy trong di cảo!). Ông từ trần tại Sài Gòn ngày 28.02.1995 sau một cơn đột quỵ. Joseph Huỳnh Văn làm thơ từ thời còn là học sinh trường Quốc Học – Huế, nhưng, thơ của ông chỉ xuất hiện duy nhất trên Tập San Văn Chương. Ngay sau đó, đã tạo được sự quý mến, trân trọng của bằng hữu trong giới văn nghệ Sài Gòn và độc giả yêu chuộng văn chương.
Di sản thơ, cũng là di cảo, thi tập “Thơ Joseph Huỳnh Văn” chỉ có khoảng trên dưới 30 bài thơ, được thể hiện rất cô đọng trong 5 chủ đề: Mỹ Từ Pháp – Viễn Xứ – Hòa Âm Bên Khổ Tu Viện Xitô (gồm: Hòa Âm Trầm Ngữ – Hòa Âm Thu Rừng – Hòa Âm Mùa Cầm Xanh.) – Gởi Cho Chiều Hơi Thở Đất Sâu – Lộc Khổ Đau, Thạch Ngữ Khắc Vách Ngục. Ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, cấu trúc trong thi pháp Joseph Huỳnh Văn mang phẩm cách rất riêng, nhất là sức nén rất sâu, sức ngân rất xa của Chữ. Thơ, đối với ông, như một đóa Thạch Hoa. Thi sĩ, đối với ông, như một Thuật Sĩ luyện kim, hứng trọn Lộc Khổ Đau ở chốn trần gian nầy, trầm mình trong hồn cốt của Chữ, âm vang và sắc màu, để thấy, nghe, cảm ứng với cái Đẹp trầm thống, bi thiết và u uẩn của kiếp người. Vì thế, số lượng thơ không nhiều, của đời thơ Joseph Huỳnh Văn, là điều dễ hiểu. Cũng vì thế, thơ Joseph Huỳnh Văn rất kén người đọc do tính cô đọng, hàm súc; tính ẩn dụ, biểu tượng đa tầng đa nghĩa của ngôn ngữ, cấu trúc thi pháp trong thơ ông.
* * *
Khoảng giữa năm 1973, tôi [Nguyễn Lương Vỵ] đang là sinh viên năm thứ 3, ban triết học, viện đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn. Một hôm, tình cờ ghé vào sạp báo ở đường Trương Minh Giảng, thấy có bày bán Tập San Văn Chương, hình bìa trình bày lạ và đẹp. Không cần phải xem trang trong, tôi mua ngay và mang về căn gác trọ, mở ra đọc một hơi mấy trang thơ của Joseph Huỳnh Văn. Đọc xong, tôi buột miệng nhủ thầm: Thơ rất hay và rất lạ! Tên thi sĩ cũng rất lạ, tôi chưa từng thấy xuất hiện trên bất cứ tạp chí văn học nghệ thuật nào ở Sài Gòn lúc đó. Theo địa chỉ tòa soạn có in ở bìa trong tập san, tôi cao hứng, đánh bạo gửi một bài thơ khá dài – có nhan đề “Âm Nhạc” viết năm 1970 để tưởng nhớ Ludwig van Beethoven, nhạc sĩ cổ điển người Đức mà tôi rất yêu thích, có ảnh hưởng rất mạnh trong thơ tôi lúc bấy giờ – đến Tập San Văn Chương. Không ngờ, hơn hai tháng sau, bài thơ của tôi được chọn đăng trong Tập San Văn Chương số tiếp theo. Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn đã đến tìm và gặp tôi tại hành lang viện đại học Vạn Hạnh. Từ đó, tôi có thiện duyên được làm người bạn vong niên của anh. Tôi rất quí trọng anh và anh cũng rất thương tôi như một người em. Lệ thường, mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần, đã có hẹn trước, tôi ngồi đợi anh ở quán cà phê Nắng Mới, cạnh cổng trường viện đại học Vạn Hạnh. Anh dạy học ở Biên Hòa, đi tàu lửa về Sài Gòn khoảng 4, 5 giờ chiều. Hai anh em gặp nhau, ngồi uống cà phê cho đến lúc trời sẩm tối thì chia tay. Thời ấy, tôi vốn rụt rè, sống cô độc, ít nói. Anh cũng rất trầm tĩnh, kiệm lời. Lắm khi, hai anh em khi gặp nhau, chỉ vui vẻ cười chào, hỏi thăm nhau bâng quơ vài câu, rồi im lặng ngồi nhìn vạt nắng chiều đang dần sẫm lại, uống cà phê và đốt thuốc liên tục.
Sau nầy, khi khá thân thiết, tôi được biết anh đam mê cõi văn chương, nhất là thơ, từ khi còn rất trẻ. Giao tình và tri tình với anh ngày càng sâu đậm, tôi càng cảm nhận phẩm cách thi sĩ hiếm thấy nơi anh. Joseph Huỳnh Văn, thơ, người thơ và đời thơ: Nhất quán. Tầm kiến thức, tư duy về thơ của anh khá sâu rộng, lịch lãm. Sức sáng tạo trong thơ anh cuồn cuộn những mạch ngầm của biểu tượng và ẩn dụ với âm sắc rất đẹp rất lạ trong hồn cốt chữ nghĩa. Tôi hiểu một cách thâm thiết rằng: Thơ, với Joseph Huỳnh Văn, chính là Đạo Sống và Chết. Tận Hiến và Tuẫn Đạo.
Thi sĩ, kẻ thọ mệnh điêu linh, cô độc ngút ngàn. Thi sĩ không có bạn. Thi sĩ làm bạn với chính họ – hiểu theo nghĩa rốt ráo nhất. Nhưng, Chữ của thi sĩ thì vẫn có đồng vọng tri âm. Tôi tin một cách rất thơ mộng như thế!
…”


TẬP SAN VĂN CHƯƠNG LÀ GÌ ?
Nguyễn Quốc Trụ

Tạp chí văn học 'Tập san Văn chương' ra mắt độc giả khoảng 1972-74, tại Sài-gòn. Chết trước ngày 30/ 4/ 75. Hình như là do Nguyễn Tường Giang, bác sĩ kiêm quản lý bất đắc dĩ của tờ báo chán chuyện đi lấy quảng cáo, mặc dù đi là có; mặc dù tập san có nhà in riêng - nhà in ABC của thân phụ anh Phạm Kiều Tùng. Có lần, trên tạp chí Thơ, tôi đã viết về cái đức sửa mo-rát, sửa lỗi chính tả của anh. Tôi vẫn còn nhớ tiểu đề một số tập san, Mặt Trời Mất Đi Mặt Trời Tìm Thấy, do anh đề nghị. Bằng tiếng Tây: Soleils Perdus Soleils Retrouvés. Đây là một dị ứng, một phản ứng tự vệ, trước sự hiện diện, không phải với mấy anh chàng Yankees đứng ngơ ngẩn ở ngã tư đường phố Sài-gòn, tò mò nhìn phố xá, dòng người qua lại, vào những buổi cuối tuần, những ngày mới tới, mà là những thay đổi quá nhanh chóng của thành phố, cùng với sự hiện diện của họ.
Y hệt như một phim Viễn Tây, trên đường phố Sài-gòn đang biến dạng.
Trong bọn, chỉ có Nguyễn Tử Lộc là sớm sủa làm quen với tư tưởng, thí dụ, của một F. R. Leavis, 'phê bình gia lý tưởng là một người đọc lý tưởng, từ đó văn chương tùy thuộc hoàn toàn vào những từ ngữ của nhà thơ, hay tiểu thuyết gia mà kinh nghiệm đã đem tới cho họ.' Và ở đây, là tiếng Anh, 'thứ tiếng nói sức mạnh của nó thuộc về đất, như tổ tiên của họ là những người dân quê... Khi người ta thêm vào đó, rằng lời nói, theo một trật tự cổ xưa, là một dạng văn hóa nghệ thuật phổ thông, rằng người ta nói thay vì đọc, hay lắng nghe la-dô, đài'(1), Nguyễn Tử Lộc đã sớm nhận ra sự đa dạng của một chủ nghĩa tự chủ mang tính đồng quê, thuộc về 'đất và những người đã chết của nó' (la terre et ses morts)(2) anh có lẽ đã linh cảm, 'định mệnh của một tiếng nói, như hồi nhớ về biết bao nhiêu con ngườI' (Thanh Tâm Tuyền).
'Nếu muối mất vị mặn của nó, làm sao có lại được.' (Phúc Âm theo thánh Ma-thi-ơ). Nhà văn theo một nghĩa nào đó, là muối của đất, hay ngắn gọn hơn, là đất. Marguerite Yourcenar, thuộc Hàn lâm viện Pháp ghi nhận, trong tiếng Anh của người Mỹ, dirt, dơ dáy, là đất, theo nghĩa của người làm vườn; một thứ đất mầu mỡ, sẵn sàng để trồng trọt: 'Cho thêm tí dơ vào chậu bông này đi. (Put a little more dirt in this flower pot.)'
Hiểu như thế, một nhà văn, khi bị bứng ra khỏi đất, anh ta trở nên sạch, theo nghĩa vô dụng, hết xài, đã bị thiến. Cũng theo nghĩa đó, nỗi nhớ bùn là thê thảm nhất, trong mọi nỗi nhớ. Anh ta phải động viên mọi sức lực, quyền năng, nghệ năng, biến sở đoản thành sở trường, biến chữ thành đất: Chúng ta đi mang theo quê hương. Sự thành công của dòng văn chương di dân viết bằng tiếng Anh là một ví dụ.
Vả chăng, kinh nghiệm ăn nhờ ở đậu là rất một mình, mỗi người một kiểu. Bạn luôn đau nỗi đau nhớ nhà, nhưng tệ hại hơn, còn nỗi đau vong thân: tiến trình biến thân quen thành xa lạ, hờ hững. Người viết chưa gặp phải tình trạng này, nhưng hình như một số người Việt về nước đã gặp cảnh chua xót. Cứ nghe như quê hương nói mát nói mẻ: 'Ơ kìa, anh/chị này, tôi không quen!' Ôi nỗi xa lạ hờ hững, không phải của một dáng dấp chưa từng gặp, mà từ chính người yêu dấu, thân thương mới ngày nào còn là của mình!
Nhưng Nguyễn Tử Lộc đã chẳng cần tới mấy chuyện đó. Chẳng cần thứ kinh nghiệm đó. Anh ở lại mãi mãi, sau 1975, vì bạo bệnh. Đám tang anh, có Nguyễn Đạt, Joseph Huỳnh Văn, Phạm Kiều Tùng, Phạm Hoán, tôi... đi sau quan tài. Hình như chỉ thiếu Nguyễn Tường Giang. Sau anh là Joseph Huỳnh Văn. Mới đây thôi (20/2/95), vậy mà cũng đã mấy năm trời rồi.
Tôi biết Lộc, và J. Huỳnh Văn, là qua Tập san Văn chương. Không biết ai là người đầu tiên đưa ra việc làm báo. Khi có tôi, mọi chuyện đã được quyết định. Tôi nhận lời, phần lớn là vì hai người bạn mới. Nhất là J. Huỳnh Văn. Như một hậu quả tất nhiên của những buổi bỏ sở ra ngồi quán cà phê gốc me đường Nguyễn Du, hoặc bên đường Hai Bà Trưng, quãng gần ngã tư Gia Long, khi bên kia quá ồn. Số là lúc này, Bưu Điện đã phân đôi, thành Bưu Vụ, và Viễn Thông; tôi chuyển về Trung Ương, chuyên lo việc lên đồ biểu điện đàm/ điện tín, dưới quyền ông T. nghe nói người của Mỹ. Vào những ngày cuối cùng, trong lúc Đà Nẵng đang trong cơn hỗn loạn, tôi còn cố liên lạc với Phòng Điện Toán, xin con số điện đàm/ điện tín ... 'Anh có biết Đà Nẵng sắp sửa đi đoong không...",' tôi nghe tiếng người bạn bên kia đường dây hốt hoảng. Quay qua phòng sếp, một đống hồ sơ vẫn y nguyên. Đã hơn tuần ông chưa vô sở. Người Mỹ đã đưa ông và gia đình đi từ mấy ngày đầu tháng tư.
Huỳnh Văn là linh hồn của cả bọn, là tinh thần, và tổng thư ký của tờ báo. Không có anh, chắc tờ báo không ra quá số hai. Sài-gòn nhỏ xíu: chiến tranh, nỗi sợ hãi, đời sống riêng tư của mỗi con người... làm người ta co cụm lại. Đám bạn bè tuy biết nhau, nhưng chỉ chịu ngồi bên nhau, khi có anh. Anh nói, anh biết tôi từ hồi mồ ma tuần báo Nghệ Thuật. Từ những ngày, thỉnh thoảng ghé quán Cái Chùa, thấy một gã lúc nào cũng đeo kính đen, ngồi trơ một mình tại một chiếc bàn ở góc quán. Nếu không có Tập san Văn chương, chúng tôi chẳng bao giờ có dịp quen nhau. Và có thể chẳng bao giờ người đọc biết anh là một thi sĩ. Cũng chẳng mấy người biết anh dậy học, cho một trường tư ở Biên Hòa. Có thể những dòng Cầm Dương Xanh đã rong ruổi cùng với anh, suốt quãng đường Sàigòn-Biênhòa, và ngược lại. Chúng xuất hiện lần đầu tiên, và cũng là cuối cùng trên Tập san Văn chương. Nhà thơ Huy Tưởng, thay mặt anh em ở ngoài này tới gia đình đốt những nén hương tưởng niệm, sau đó gửi ra vài dòng. Về câu hỏi, 'chị còn nhớ..."': 'Thời gian sau này, bạn bè nhiều nhưng thật tình là tôi không được quen biết hết, chỉ có các anh là bạn cũ trước 75 thì tôi mới nhớ thôi.'
Thật đơn giản, nhưng...
Ba mươi năm sau, một tập san cùng tên (3) dự trù xuất hiện ở hải ngoại. Những dòng hồi tưởng ở trên, là do tôi muốn anh em chủ trương làm quen với những người đã cũ, hoặc đã chết. Muốn anh em chia sẻ cùng chúng tôi không khí ngột ngạt của Sài-gòn hồi đó. '... tôi hi vọng vào khoảng cách giữa các thế hệ. Hoàng Cầm và tôi là người cùng thời, nhưng ông có trước tôi một thời đại không lập lại nữa, hay dùng chữ của ông: một gia phả tinh thần mà dù đã được rũ bụi thì tôi cũng không đơn giản làm quen'. (Phạm Thị Hoài, Đọc Mưa Thuận Thành của Hoàng Cầm, Tạp chí Thơ, Mùa Đông 1997). Tôi không hiểu anh em trong ban chủ trương khi đồng ý với nhau về một danh xưng, có biết, có những người đã gắn bó với nhau chung quanh một cái tên như vậy. Rằng nó đã có một tiền thân" Hay đây chỉ là tình cờ" Và chủ trương, đường lối của tờ báo mới mẻ này có gì tương tự với tờ cũ không" Và liệu người cũ có cần làm một nghi lễ rũ bụi, trước khi ngồi xuống bàn viết, ở đây"
Bởi vì Tập san Văn chương quả có những nét riêng: nó cách mạng, lật đổ theo tinh thần bất bạo động, hoặc theo hiểu hiền lành của nhà văn Nga, Chekhov. Bây giờ, sau hơn ba mươi năm, trong số ít ỏi những thực sự quan tâm và gắn bó với một nền văn chương Miền Nam trước 75, có người đã nhận ra, bên cạnh cuộc cách mạng lớn, do Sáng Tạo hô hào, có một cách mạng nhỏ, thầm lặng của Tập san Văn chương. Ngay trong lời phi lộ số ra mắt, khi định nghĩa nhà văn, một người được thông tri đầy đủ (những dữ kiện của thời đại anh ta đang sống), chúng tôi đã hoài vọng một điều: hãy đưa ra thật nhiều thông tin, hãy giới thiệu những dòng tư tưởng đang ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, rồi để cho người đọc tự do chọn lựa, theo khẩu vị của họ. Cho phép tôi dùng chữ khẩu vị, theo nghĩa của Roland Barthes: Chữ viết ở khắp nơi, khi mà những từ có mùi, có vị (tri thức, savoir, và mùi vị, saveur, trong tiếng La-tinh là cùng một nguồn). Vả chăng, việc lập lại một cái tên theo dòng thời gian, vốn vô thường, liệu có liên quan đến lịch sử, vốn ưa lập lại" Hoặc đến huyền thoại Quy Hồi Vĩnh Cửu, vốn rất hàm hồ"
Cách mạng là một từ đã bị bão hòa. Ai cũng có, hơn một ý niệm, về nó. Michel Foucault, trong bài 'Khai sáng là gì" (What is Enlightenment")', viết: Ngày nay, khi một tờ báo đưa ra câu hỏi đối với độc giả, là để thâu gom một số ý kiến, về một vấn đề mà mọi người, nhiều hoặc ít, đã hiểu tại sao câu hỏi được đặt ra: chẳng hi vọng nhiều ở những cuộc thăm dò dư luận như thế. Vào thế kỷ thứ 18, giới in ấn, chủ báo thường hỏi công chúng về một vấn đề chưa có câu trả lời. Ông đưa ra thí dụ: vào năm 1784, một tờ báo Đức, Berlinische Monatschrift, đã đặt câu hỏi: Khai sáng là gì" (Was ist Aufklarung"). Và người trả lời, là Kant. Bài viết của Kant, theo M. Foucault, chỉ nhỏ nhoi thôi, nhưng nó mở ra một lối đi thận trọng vào lịch sử tư tưởng, về một câu hỏi mà triết học hiện đại vẫn chưa có đủ khả năng để trả lời, và cũng chẳng bao giờ rũ khỏi. Nó đã được lập lại, dưới những hình thức khác nhau, từ hai thế kỷ, bởi những triết gia, từ Hegel qua Marx, hay Max Weber tới Horkheimer hay Habermas, và tội thay, tất cả đều đã thất bại, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, khi phải đối đầu với nó. Giả sử tờ báo Đức kia vẫn còn sống, và nó lại đặt ra câu hỏi: triết học hiện đại là gì" Có thể chúng ta sẽ nghe một tiếng dội: triết học hiện đại là một toan tính nhằm trả lời một câu hỏi đã được khinh suất đặt ra từ hai thế kỷ trước: Khai sáng là gì"
Bởi vì có thể vẫn là một định nghĩa tương tự đã được đặt ra, khi Tập san Văn chương ra đời hải ngoại: nhà văn là người được thông tri đầy đủ những dữ kiện của cả hai miền, về thời đại của chúng ta, với tất cả những vấn nạn của nó.
Chú thích:
(1) và (2). George Steiner, viết về F. R. Leavis, trong Ngôn ngữ và Im lặng.
(3) Bài viết cho tạp chí Văn Chương, dự định ra mắt tại hải ngoại.



IMG_6373-001



IMG_6374 IMG_6496 IMG_6498 IMG_6499 IMG_6500 IMG_6501 IMG_6375 IMG_6502 IMG_6503 IMG_6504 IMG_6505 IMG_6506 IMG_6507 IMG_6508 IMG_6509 IMG_6510 IMG_6511 IMG_6376 IMG_6512 IMG_6513 IMG_6514 IMG_6377 IMG_6515 IMG_6516 IMG_6517 IMG_6518 IMG_6519 IMG_6520 IMG_6521 IMG_6522 IMG_6524 IMG_6378 IMG_6536 IMG_6526 IMG_6527 IMG_6528 IMG_6529 IMG_6530 IMG_6531 IMG_6532 IMG_6533 IMG_6534 IMG_6535

CUỘC PHỎNG VẤN & LẦN XUẤT HIỆN (CÓ LẼ LÀ CUỐI CÙNG) CỦA JOSEPH HUỲNH VĂN TRÊN TẠP CHÍ "VĂN TUYỂN" TRONG NƯỚC - NĂM 1994
IMG_6449 FullSizeRender page counter