Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Tưởng tiếc ...Tô Thuỳ Yên (1938 - 2019) - "Ba sinh còn để nhớ cho nhau..."


Lòng ta nay vẫn lòng ta trước, 
Vẫn chảy về con nước thuở nào.
Sợi tóc mai kia dù có rụng,
Ba sinh còn để nhớ cho nhau.
(Tô Thùy Yên)

Tôi rất thích 2 bức hình của trang “TÔ THUỲ YÊN – Readers” chụp bìa trước & bìa sau của tập thơ mới nhất & cuối cùng của ông.

Đó phải chăng là “Cám ơn hoa đã vì ta nở” mở ra những trang thơ “khai giải bùa thiêng yểm” – và sau đó, cuối tập thơ, qua biến thiên “Thời gian gia tốc thảm thê thay!” sự úa tàn đến như một luật định “Thiên thu lóe tắt vệt phù du”, đoá hoa tàn theo một câu hỏi :  “Có thật là ta đã đi xa?” - giờ chỉ còn là một vô thanh giữa Hiu Quạnh Lớn, vì người hỏi đã đi/về ... cần/ hay không cần biết?!?

Vĩnh viễn, "Sài Gòn mười một giờ vắng YÊN" (*)...Chỉ còn tác phẩm ở lại, những độc giả ở lại, tấm lòng thơ, ngôn ngữ thơ, hồn thơ ở lại ..."Ba sinh còn để nhớ cho nhau"!

2 Hôm nay, trên newsfeed facebook của tôi cứ 2 post là lại thấy 1 post vĩnh biệt tưởng tiếc thi sĩ Tô Thuỳ Yên đã lên đường VỀ trong một "chuyến đi không hoãn được" - 1 trong những nhân chứng "cuối cùng" của "nhóm" Sáng Tạo hay nói cách khác, cũng là một trong những thi sĩ "cuối cùng" của thế hệ xây nên 20 năm rực rỡ nền văn học miền Nam - những lời tưởng nhớ và R.I.P đến từ những người "già" - độc giả cùng thời ...và cả những người "trẻ" chưa bao giờ được tiếp xúc "trực tiếp" thơ TTY trong nước.

Thế mới thấy, dù cho "bất tận nỗi đời hung hãn đó" ngọn lửa Chân - Thiện - Mỹ của thi ca còn âm ỉ cháy quanh đây. Độc giả vẫn rung động trước vẻ đẹp của Thơ, những tiếng thơ đủ cho chúng ta chia cùng nhau "vinh dự lầm than của kiếp người"!

Khi bạn nghĩ "Cám ơn hoa đã vì ta nở / Thế giới vui từ mỗi lẻ loi" là một câu ngạn ngữ - là bạn đang biết đến TTY; khi bạn hát "Chiều trên phá Tam Giang" là bạn đang biết TTY; khi lang thang trong Saigon và bỗng hiện từ đâu về "Ôi Saigon giờ giới nghiêm..." là bạn đang biết đến TTY; khi bạn tưởng "Ta về như hạc vàng thương nhớ / Một thưở trần gian bay lướt qua" ngậm ngùi như một câu Đường thi, là bạn đang biết TTY...

Vĩnh biệt một "ngôi sao" sáng của nền thi ca Việt - đã đi vào vĩnh viễn Im Lặng Lớn!
Từng tinh tú của bầu trời rực rỡ nền VHNT khai phóng & nhân bản miền Nam đã rơi rụng...Còn lại gì đây cho một nước Việt buồn?

Loay hoay tìm mãi một câu thơ để đưa tiễn ông, nhưng không thể, vì thơ ông, câu nào/ bài nào cũng đều thấm đẫm một ý-nghĩ-tâm-linh, đều tĩnh & đau một hồn Tô-thuỳ-Yên rất mực: một hồn rộng mở, tự hoá-giải/ hoà-giải nỗi bi thiết thân-phận-con-người (Việt Nam)...

Xin trả lại và tiễn biệt ông một nén nhang lòng THẮP TẠ - cũng như ông đã từng để lại nhiều bài thơ "cài hờ trên cửa":

"...Thắp tạ càn khôn một vô ích,
Thắp tạ nhân quần một luyến thương.."

huyvespa@gmail.com


(*) Ôi Saigon 11 giờ vắng im :  version này chỉ xuất hiện CHIỀU TRÊN PHÁ TAM GIANG (nhạc TRẦN THIỆN THANH - thơ TTY) trong version NHẬT TRƯỜNG hát chung THANH LAN 
https://www.youtube.com/watch?v=O62rqLTC9Iw

 ./.

Dưới đây là những lời tưởng tiếc, chia sẻ của cộng đồng facebook hôm qua đến giờ, một sự chia sẻ đầy bất ngờ đến từ số lượng & đến từ cả những người trẻ trong nước .
Và tôi xin giới thiệu thêm cuối entry này 2 bài "nhận định" về thơ TÔ THUỲ YÊN ít/ không thấy trên mạng - 1 là bài của THI VŨ  VÕ VĂN ÁI (viết năm 1985) & 1 là bài mới nhất của GS. TS Lê Hữu Khoá từ Pháp (4/2019)






“Đây là một tập thơ bìa cứng, trang nhã và đơn giản. Chỉ trừ vài dòng cám ơn một số bạn hữu như Hoàng Kim Oanh, Nguyễn Anh Khiêm, Huy Phương, Nguyễn Thanh Châu và Trần Hoài Thư đã giúp tìm thêm một số bài thơ thất lạc, tập thơ không có lời tựa, cũng không trích dẫn lời giới thiệu của bất cứ nhà văn hay nhà thơ nào. Ngay cả tiểu sử cũng vô cùng ngắn gọn ở phần phía trong của bìa sau:
Tô Thùy Yên (Đinh Thành Tiên). Sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Học tại Gia Định và Sài Gòn. Viết từ cuối thập niên 1950. Tại ngũ từ 1964 đến 1975. Tù Cộng Sản 13 năm. Tị nạn tại Hoa Kỳ từ 1993.
Tô Thùy Yên – Tuyển Tập Thơ gồm 96 bài thơ, gộp lại những bài từ hai tập trước, Thơ Tô Thùy Yên. Thơ Tuyển (1995) và Thắp Tạ (2004) cộng thêm với một số bài mới được tìm thấy và đưa vào sau này. Tác giả cho biết tập thơ không bán, chỉ để ký tặng. Chi phí in ấn tập thơ do nhà thơ Đỗ Quý Toàn (tức là bình luận gia Ngô Nhân Dụng) và bác sĩ/ca sĩ Bích Liên trang trải.”



















































































Người đeo mắt kiếng ngồi chính diện là thi sĩ Chinh Yên, kế bên là thi sĩ Tô Thùy Yên lúc này đang mang lon Đại úy Tâm Lý Chiến, sau lưng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, cạnh ông là nữ sĩ Hồng Vân, tới cô dâu - chú rể, rồi nghệ sĩ Tô Kiều Ngân, còn lại 2 người chưa rõ tên tuổi.

tấm hình chụp ngày 15 tháng 4 năm 1972.













&...Cung Trầm Tưởng !

*...một tút|status cũ. Nay tôi đăng-tải lại để tưởng-niệm thi-sĩ TÔ THUỲ YÊN, Ô. là một thi-sĩ lớn, theo đúng nghĩa của danh-từ này. 23|05|2019.

*...một dòng! VỀ 'BÙA THIÊNG YỂM'.

Tô Thùy Yên, thơ ông có lẽ rồi sẽ thành một cõi siêu-hình mang chứa những hình-ảnh, những linh-ảnh của huyền-thoại, của huyễn-thoại; thơ ông đang chiếu sáng cõi thi-ca Việt Nam như một "ánh tàn-dư" rọi về từ một thời chưa tới.

Ai đó đã nói rằng, một người viết hơn người là người có thể viết những câu mà khi đọc lên, người ta sẽ cảm nhận được ngay cái Đẹp, cái Thực của điều mà nó mang chứa, bất cần (sự dựa-dẫm vào) một tình-cảnh nhất-định. Khi ấy, cái đẹp tự nó đứng vững như một Thái-sơn, như một cái đảo. Uy-nghi và trầm lặng!

'Ta về' đã là một bài thơ như vậy. Gạt bỏ đi hoàn-cảnh thực-sự đã cho phép bài thơ hiện-thành, cái hồn siêu-thực mang mang của Tô Thùy Yên đã cho phép bài thơ ấy vẽ nên cái hình-ảnh hoang-đàng trầm-lặng của phận người giữa cõi sống trầm-luân này. Bài thơ nay tự nó đứng vững, không cần ngày-tháng, chẳng lí gì đến một tình-cảnh cụ-thể.

Tôi để í rằng, có một thi-ảnh đã xuất hiện trước và sau 75 với cùng một nội-hàm trong thơ Tô Thùy Yên: 'bùa thiêng'.

Trong 'Góa phụ', ông viết:

"Con chim nhào chết khô trên cửa
Cửa đóng tự ngàn năm bặt âm
Như đạo bùa thiêng yểm cổ mộ
Sao người khai giải chưa về thăm?"

Thi-ảnh ấy lặp lại một lần nữa trong 'Ta về':

"Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
Hãy kể lại mười năm mộng dữ
Một lần kể lại để rồi thôi."

Vâng, 'bùa thiêng yểm'! Sao [những] người [cùng nhau] khai-giải chưa về thăm?

(C) TĐT. 20h43'. 08|03|2019.






























































Thi Vũ

ĐỌC THƠ TÔ THÙY YÊN


 Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gia Định. Bắt đầu có thơ đăng trên tạp chí Sảng Tạo từ năm 1956, rồi sau đó trên các tạp chi Hiện Đại, Thế Kỳ Hai Mươi, Văn... Ngoài thơ, còn viết truyện ngắn, và dịch sách ngoại quốc. Có lúc chủ trương cơ sở xuất bản Kẻ Sĩ in lại nhạc tiền chiến và những tác phẩm Thanh Tâm Tuyền, Thụy Vũ, và dịch phẩm André Malraux. Vào lính làm đến chức Thiếu tá Trưởng phòng Thông tin Ấn họa Cục Chiến tranh Chính trị. Sau 75, bị bắt đi tập trung cải tạo mười ba năm ở trại Bắc Thái miền Bắc, lao động đập đá, sau chuyển về trại Hàm Tân, Phan Thiết, ngày ngày gánh phân. Được thả về khoảng năm 87-88. Đầu năm 1989 cắt cườm tay tự vận, nhưng được cứu thoát. Cuối năm 1990, lại bị bắt ở Saigon. Một năm sau được thả nhưng sổng trong tinh trạng quản thúc.
Ghi chú của Tô Thùy Yên sau tấm ảnh chân dung trên đây về cuộc tự vận không thành, và thủ bút Tô Thùy Yên thư gửi Thi Vũ từ Saigon:

Ba mươi năm trước, vài khi trên báo chí thấy quảng cáo một tập thơ Tô Thùy Yên sắp phát hành. Nhưng dường như tập thơ ấy chưa bao giờ ra đời ? Phải chăng đó là cái lệ mà một số thi sĩ thiên tài phải chịu ? Suốt đời muốn in thơ, nhưng thơ chưa dịp in. Đâu phải muốn là được, cần sự trợ giúp của đời. Mà đời hay xa lánh thơ ! Xa như Hàn Mặc Tử, gần như Quách Thoại. Phải chết đi trong đau đớn và bần hàn, may mắn lắm mới có bạn bè góp tiền, góp lòng truy niệm in thơ. Đời thi sĩ có bao nhiêu bằng hữu ?!
May mắn quá, Tô Thùy Yên vẫn còn sống trên quê hương, sau mười ba năm đằng đẳng vắt đời trong ngục tù trại tập trung cải tạo.
Sự kiện chưa có một tập thơ Tô Thùy Yên là thiệt thòi lớn cho thi ca Việt. Thật châu báu, vài mươi bài tôi có trong tay, do bạn bè chép cho, hoặc lượm lặt tình cờ trên vài số báo cũ.
Ngôn ngữ thơ Yên mới và linh diệu. Tiết điệu thơ mạnh và hùng. Người đọc như kẻ trôi bè trên dòng nước siết. Càng về sau, thơ Yên toàn bích như rừng, như đá núi dựng sững qua khắp dãy mùa trời. Khác với sự toàn bích đẽo gọt của ngọc trên món nữ trang.
Tô Thùy Yên và Thanh Tâm Tuyền là hai nhà thơ lớn khởi lên từ giữa thập niên 50. Lớn trong nghĩa tân kỳ, trí tuệ và khai phá. Họ,muốn làm mới thơ, với nỗ lực đánh đổ một quá khứ còn mê hoặc làm chậm chân người đương thời : dòng thơ văn tiền chiến. Từ điểm khởi ấy, từ chung chịu ảnh hưởng thi ca Tây phương, đặc biệt thi ca Pháp, hai người dựng lên cõi thơ mình bằng những đường lối riêng. Càng về sau, thơ Tô Thùy Yên càng ngát lộng đông phương. Mặc dù Yên chịu ảnh hưởng St. John Perse rất đậm. Phải tinh lắm mới nhận ra. Vì ảnh hưởng thơ Pháp trong Yên đã được chuyển hóa và thuần phục. Đọc hai câu trong bài Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai :
Cảm phục bồi hồi biển nhẫn nại
Bắt đầu mãi mãi lượn thiên thu
thì đố ai dám nói Yên đã dịch hay ảnh hưởng câu thơ Paul Valéry : La mer la mer toujours recommencée— Đại dương đại dương luôn mãi hoài tái tạo — trong bài thơ nổi tiếng «Cimetière marin».
Đặt những sáng tác cuối của Yên (cuối là cuối với người viết), như Trường Sa Hành, Quỷ Xướng Thi, Tưởng tượng ta về nơi bản trạch, Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai, Qua sông, Đảng tử, Anh hùng tận... bên thơ Đường thấy không khác. Dù thơ Yên không viết thể Đường luật. Khí vị Đường là chất mông lung, man mác, bên cạnh chất trầm tĩnh của con người nhìn lên, nhìn ra. Nhìn lên vũ trụ. Nhìn ra kiếp người. Thơ Yên còn thêm chất sôi động của thời thế, với mắt quắc một người già nghìn tuổi đang nhìn xuống, nhìn vào. Nhìn xuống cõi đời. Nhìn vào thế phận đang nổ tung ý thức.
Hiệp định Genève phân chia đất nước làm đôi vào năm 54, giới làm thơ Việt Nam cũng tách chia hai đường : Những thi sĩ ở miền Bắc tiếp tục làm thơ chính luận, phục vụ các hạn kỳ chính trị và đảng cương. Ở miền Nam, dòng thơ Việt được thoải mái cách tân. Nhóm Sáng Tạc theo tư trào Hiện sinh mở đường cho thơ tự do nổi dậy, chặt đứt cầu với dòng thơ mới tiền chiến, mà họ cho đã cũ và lỗi thời. Họ đuổi khỏi thơ những hình ảnh ước lệ trong thơ tiền chiến, đi bắt lấy những hình ảnh mới của con người đòi hỏi hiện sinh. Vận trình thi hóa này đẩy hình ảnh thơ vào nhịp ý tưởng, thể hiện thành nhịp điệu của ý thức. Thanh Tâm Tuyền, người chủ soái của thơ tự do thuộc nhóm Sáng Tạo, đã xác định mỹ quan thơ tự do là nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm, đắm chìm trong khổ đau không bao giờ chịu chấp nhận[1]. Đối chọi lại với thứ nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bình yên, nhìn ngắm và chấp nhận đời sống, như một nghệ thuật của mơ mộng1. Tuyền diễn tả lại ý Nietzsche về hai khuynh hướng nghệ thuật trong bi kịch Hy Lạp : quan niệm Apollon và quan niệm Dionysos.
Liên minh của phần lớn những thi sĩ theo triều thơ tự do ở miền Nam là thơ Pháp. Do đó, lắm bài thơ, lắm thi sĩ cho ta cảm tưởng đang đọc một giai điệu mới qua tiếng Việt, nhưng nguồn thơ Việt đã mất dấu, đã đứt quãng. Đọng rớt vài hình ảnh đẹp, quái lạ, ghép vá bên nhau. Trong khi ở thơ Pháp, câu kéo, hình ảnh, và nhịp thơ như thơ Paul Eluard hay Jacques Prévert dù tân kỳ tới đâu, vẫn nhất quán giữa nội dung, ngôn ngữ và nhạc tính. Có lẽ những thi sĩ Việt ở giai đoạn chuyển thời này chưa tiêu hóa, khi đưa dòng thơ đa âm Pháp, mà họ chịu ảnh hưởng, vào khổ thơ độc âm tiếng Việt, hoặc họ quá vụ vào việc săn bắt thi ảnh, làm mất đi nhịp ý tưởng trong vận trình thể hiện nhịp điệu của ý thức. Sự thất bại của thơ Trần Thanh Hiệp là một ví dụ điển hình.
Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa... là những người ít rơi vào cạm bẫy đó. Nhờ tài thơ của họ. Lý thuyết có thể mới, nhưng thiếu tài thơ, hồn thơ mới sẽ không linh.
Ngay từ đầu, Tô Thùy Yên đã chứng tỏ được hồn thơ mới với bẩm sinh thơ Yên. Hãy đọc bài Cánh đồng con ngựa chuyến tàu đăng trên tờ Sáng Tạo số 7, tháng 4.56 :
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu
Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu
Ngựa thở hào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau
Mặt trời mọc xong mặt trời lặn
Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu
Cảnh đồng a ! cánh đồng sắp hết
Tàu chạy mau càng mau càng mau
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ
Như giữa nền nhung một vết nâu.
(trích toàn bài)
So với bài Con tàu say của Vũ Hoàng Chương thời tiền chiến, thấy lạ hẳn. cảnh lắng tai nhịp sắt liền liền hay còi khuya vọng mãi tiếng ngân của men rừng say một con tàu ngả nghiêng thuở ấy, mới đến thế, gợi hình đến thế, vẫn còn là giấc mơ trong sương khói êm đềm. Chưa là con tàu vừa lạnh lùng, vừa thực, đang đâm toé ngày đêm vào cõi người như chuyến tàu của Tô Thùy Yên.
Cánh đồng con ngựa chuyến tàu không chỉ là phiến ảnh chụp nhanh. Con tàu lộm cộm thể tích, dùng tốc độ kéo theo cảnh vật đang ngủ lì. Thi sĩ sa thải mọi chất liệu dễ dãi gây khí hậu thơ : những hư từ, những tĩnh từ, thán từ... Bài thơ tuyền những danh từ như toa tàu đồ sộ, như cây cỏ dàn trải. Với một ít động từ gây chuyển động và tốc lực nơi thế giới liên giao từ hình ảnh, âm thanh đến ý thức.
Chữ ở đây không ngừng ở chức năng gợi hình, gợi ý. Chữ phá nổ mặt phẳng giấy, đưa hình vào ba chiều không gian để chạy đuổi vào chiều bốn của thời gian. Đừng tưởng Yên làm thơ tả chân hay hiện thực. Mọi sự thực, vật thực, cảnh thực đã là thực, cần chi thi ca môi giới cho nó hiện ra ? Thi ca không cần tả, vì thi ca không phóng sự. Thi ca là tiếng báo hiệu khi quên lãng bắt đầu. Thi ca vừa dịch biến, vừa lưu giữ cho tâm và mắt có lối noi trên viễn trình vũ trụ.
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
nghĩa là gì ? tả chân ? hiện thực ? cảm giác ? Không. Đây chính là ý thức chớp loé của thi ca giữa sự va chạm của một không gian (con tàu) với một không gian (cánh đồng) ; của một không gian (con tàu) với thời gian (tốc độ). Lâu hay mau mang giá trị tương đối. Không phải giá trị tự thân hay vĩnh cửu. Lâu hay mau chỉ là cảm thức. Tàu chạy mau đối với mắt. Nhưng qua rất lâu đối với cánh đồng dài. Vì từ vô thủy, cánh đồng hoang đã chạy vô cùng nhanh, rượt đuổi không gian. Bất cứ tốc độ nào xẩy ra trên nó đều chậm rùa.
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau, ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu, cỏ cây cỏ cây lùi, ngựa thở hào hển thở hào hển, mặt trời mọc, mặt tròi lặn, ngựa gục đầu gục đầu gục đầu, tàu chạy mau càng mau càng mau...Những nhịp gấp vô tận và liên tiếp ấy làm lớn lên một con tàu đâm sà vào đầu óc ta, như thế giới vô thường chuyển dịch lôi kéo ta qua muôn nghìn định mệnh lá lay. Kẻ chạy theo, hay bị kéo theo, đều thở dốc, thở hào hển, chóng mặt, gục đầu. Chạy cho tới lúc mệt chết, hay do tỉnh ngộ mà đứng lại, con người mới nhảy khỏi vòng biến động trầm luân. Động tác ngã lăn ấy có thể là sự chấm dứt — chết — nhưng cũng có thể là một chuyển sinh hoặc tái sinh. Nó hiện hữu như ý thức bừng tỉnh : một vết nâu giữa nền nhung.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ
Như giữa nền nhung một vết nâu
Không gian và thời gian còn giá trị gì khi thiếu cái gạch nối là hiện hữu vô thức hoặc hiện hữu đã bừng tỉnh ý thức ấy ? Trong bài thơ của Tô Thùy Yên, cánh đồng là không gian, chuyến tàu chuyên chở thời gian, và con ngựa là hiện hữu vô thức. Hiện hữu vô thức này dùng tốc độ rượt tàu mở rộng ý nghĩa không gian và thời gian cho cánh đồng và chuyến tàu. Nhưng hiện hữu chỉ hiện hữu khi bừng tỉnh thành ý thức, qua cái ngã lăn ra một vét nâu, như một tự hữu lập thành. Thi ca đưa cái không thành có. Đưa vô sinh vào duyên sinh. Duyên sinh là kết hợp những yếu tố chưa thành làm ra cuộc sống có kiến trúc.
Ít nhà thơ nào nói rõ về mình và con đường thơ của mình như Yên :
Tôi là Tô Thùy Yên là thi sĩ là người chép sử tương lai
Vốn học hành dang dở nên ra đứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô
Khi mùa hạ đốt bùng lên những hàng phượng
...
Có sống ngoài chiến khu nên rời bỏ Việt Minh
Đến cất lời ngợi ca cuộc đời xứ sở anh em ái tình thịnh trị
...
Cha mẹ tôi cho con tính tình rộng rãi. Tôi cho thêm tôi một chút ngang tàng
...
Còn làm thơ theo ý riêng tôi nghĩa là dịch thuật tâm hồn nghĩa là nói về con cháu chúng ta
Nghĩa là ngợi ca loài người hiền hậu
Nghĩa là thúc giục đám đông nổi loạn chống cường quyền
Nghĩa là nghe ngỏng nơi đại dương còn thiêm thiếp cuộc sửa soạn âm thầm của bao cơn sóng cuồng vạm vỡ
Nghĩa là có mặt trong mọi hành vi lớn nhỏ của đời mình
Nghĩa là giúp mọi người sống đủ hai mươi bốn giờ mỗi ngày nghĩa là giúp họ tìm thấy họ
(trích Tôi, Sáng tạo số 11, tháng 8.57)
Để giúp họ tìm thấy họ, thi sĩ có mặt không chỉ bằng lời mà bằng hành động.
Tôi ra giữa công trường cất tiếng kêu oan
Nhân loại ngây thơ đời đời chịu tội
Sắt đỏ cày nhăn trán mịn màng
Lúa đầy đồng người gặt thiếu ăn
Chủng nó đòi thủ tiêu thi sĩ
Tôi là thi sĩ tôi yêu
(trích Tôi lên tiếng, Sàng Tạo số 8, 5.57)
Yêu là sống, sống là bảo vệ trước mọi kích động căm thù và bạo lực. Thi sĩ hòa mình vào đám đông. Không sợ hãi. Một đám đông có ý thức nhờ đám đông khởi dựng từ đơn vị người :
Chúng nó hành hình thủ tiêu ám sát
Tôi là một người là một đám đông
(trích Tôi lên tiéng, nt.)
Trong tự ngã của thơ Yên luôn chứa chấp cái tổng ngã của đời và người. Yên dùng rất nhiều chữ tôi, nhưng không thấy riêng lẻ. Chữ tôi đã thành ta hòa đồng. Nụ cười của Yên nhếch trên đôi môi khác :
Chúng ta cười trên môi bằng hữu
(trích Tôi lên tiếng, nt.)
Đặt tín hiệu của niềm vui và hạnh phúc lên môi bằng hữu, riêng mình đau nỗi đau người, vì Yên là người thi sĩ hóa thân trong dòng thi ca báo động
Tôi vùi mình xuống cô đơn như quả mìn nổ chậm
Cuộc sổng biến thành một báo động triền miên
(trích Đêm hè, tạp chí Thé Kỷ Hai Mươi số 1, tháng 7.60)
... Cơn giông đày cổ họng, anh đứng gác trên một đỉnh cao kiêu hãnh và báo to lên những gì xuất hiện đằng xa...
(trích Nhân nói về một danh từ riêng, Sáng Tạo số 24, tháng 8.58)
Báo động sự uy hiếp đang chà nát cõi sống :
Niềm bí ẩn của tôi là đã sống
quả địa càu nhầy nhụa bóng âm u
ảnh mặt trời những tên đao phủ án
chúng nó bảo đêm là ánh sáng mun
thứ mặt trời đen mới thật mặt trời
phải chọc mù đui những cặp mắt tinh
chúng nó bảo ích lợi gì trí thức
mọi người phải cùng xanh đỏ như nhau
mặc đồng phục cho linh hồn tất cả
bảo xác chết làm phân bón hòa bình
chúng nó giết người trong nhà ngoài ngõ
chúng nó giết người như dọn rừng hoang
một tiếng thôi tư bản hay vô sản
không ai đứng ngoài cuộc báo thù này
nát thân tôi đường mã tấu hai phe
tôi ngã quỵ đôi bàn tay sạch sẽ
(trích toàn bài Ngoại cuộc, sđd. nt.)
Báo động không là tố cáo suông, hay hiệu triệu bằng ngôn ngữ sách động. Thi sĩ khổ luyện ngôn từ :
tôi giựt giành đổ máu với tôi
từng chữ một
những tên cai ngục
ngôn ngữ bất đồng
với thứ linh hồn quốc cấm
tôi tù tội chung thân
giữa bốn tường không khí
...
bằng mỗi lời độc nhất
tôi kê tai tiết lộ với từng người
những điều không lập lại
bài thơ như lá sâm
...
(trích Thi sĩ, sđd. nt.)
Tôi mọc trên địa cầu
Nên các cành huyết quản
Rút nhựa đời không thôi
Làm trải tim chín đỏ
Tôi nằm há miệng chờ
Trái tim muồi rụng xuống
Gặp môi tôi phì nhiêu
Đóa lời ca trổ ngát
(trích Bài học về vạn vật, Sáng Tạo số 22, tháng 7.58)
Một lời ca tràn đầy tin tưởng :
Chúng tôi còn sổng như mặt biển
Chúng tôi còn sống như trời mây
Bởi vì đã đi nên sẽ đến
Người và bóng tối sẽ chia tay
Ở ngã ba tưong lai gần gũi
Người còn sống không che mặt mũi
Phơi bày tấm lòng lên nụ cười
...
Chúng tôi còn sống còn cung tay
Người giơ tay đúng tầm hạnh phúc
La đà như trái chín gần rơi
(trích Tuyên ngôn, Sáng Tạo số 6, 3.57)
Đãi đời bằng nụ cười, nhưng với dối trá, bất công, thì cung tay bắn tới, để hạnh phúc la đà vào tầm tay người. Trong tình yêu, Yên yêu thương trọn vẹn, bất kể người yêu hậu ý gì :
Tôi tin chi hồ ly khi yêu em
(trích Tình anh em, Sáng Tạo số 3, 12.56)
Ta xuất hiện như tên tù tẩu thoát
Trọn gia tài : một huyết thống phiêu lưu
Ta hát lớn những tru sầu chất ngất
Lời vỗ về cao hết độ ngu ngơ
Ta gặp em như gặp người thứ nhất
Em gặp ta như gặp kẻ cuối cùng

Những đêm đó, một vành trăng đã khuyết
Làm hoang đường những mộng mị trăm năm
...
Thà làm kẻ si tình hát điên loạn
Hơn làm người thành đạt thời nhiễu nhương
Ta sống cuộc đời ta không sửa soạn
Như nhan sắc em cần chi điểm trang
Ta cứ coi em như hoàng hậu góa
Dẫu biết thừa em vốn gái lê dân
Còn ta đây : một vĩ nhân tàn tạ
Chẳng làm nên công nghiệp đáng lưu danh
...
Nghề ngông cuồng tập mãi cũng thành quen
(trích Chuyện tình người lỡ vận, Văn số 188, 15.10.71)
Không phải tới đầu thập niên 70, thơ Yên mới mang nỗi buồn hiu hắt. Ngay ở dòng thơ đầy lạc quan và chiến đấu giữa thập niên 50, nét cô đơn vẫn hiện hữu. Thi sĩ nào mà không cô đơn nhỉ ? Nhưng có nhiều thi sĩ lấy cô đơn làm bệnh, lấy cô đơn để nũng nịu, để lập dị, hoặc làm kế gọi kêu thương hại. Ở Yên thì không. Cô đơn có thực, kín đáo cho riêng mình. Yên ít muốn xé to chuyện đó. Vì Yên phải chiến đấu với nó hằng ngày, ngang với cuộc chiến đấu trong xã hội.
Cô đơn bằng Thượng Đế
Yếu đuối như linh hồn
Làm sao tôi trèo lên
Vực thẳm tờ bản thảo
Trắng như giá băng
...
Có đọc thuộc thánh thư
Linh hồn tôi vẫn vậy
Tôi vẫn không thể lạy
Dù đứng trước hư vô

Đầu tôi trơn và cứng
Thượng Đế làm sao ngự
Tôi đành trốn chủ nợ
Định mệnh đòi linh hồn

Năm tháng nhúng hoàng hôn
Đến rã rời thể xác
Tôi thấy đã mất mát
Tất cả trừ cô đơn

Cuộc sống nhiễm lầm than
Nằm liệt trên buồn bã
Thượng Đế điềm nhiên lạ
Tôi đánh liều cười khan
(trích Thân phận của thi sĩ, Sáng Tạo số 26, 11.58)
Đèn le lói vết thương tươi
Trời da thi thể mưa ngùi chấm than
Hiên ga nhỏ giọt cường toan
Xuống tim quằn quại hàng hàng ưu tư
...
Làm gì đây để giải khuây
Ngó tay mới biết mình gầy hơn xưa
(trích Trời mưa đêm xa nhà, Sáng Tạo số 31, 8.59)
Biển động kinh không ngớt
Nóc nhà thờ hoảng hốt túa âm thanh
...
tôi mang khắp hình hài những vết bỏng
đi suốt hoàng hôn không hỏi chào ai
tôi chọn nơi nhiều đau khổ làm quê hương
nhưng chẳng nhận đồng bào bất cứ kẻ nào
(trích Tội trạng, Thế Kỷ Hai Mươi số 1, 7.60)
Sao thế ? sao chẳng nhận đồng bào bất cứ kẻ nào ? Nhận là theo phe. Theo phe tất cuồng tín. Cuồng tín là đem lỗ rún mình làm lá cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa như thế thì còn chi dám chọn nơi nhiều đau khổ làm quê hương để trân trọng hay cứu quê hương đó ? Ở đây, có lẽ Yên đã thấm nhuần lời nguyện của Bồ Tát Địa Tạng : «Ta thề chưa thành Phật, khi còn một kẻ khổ đau trong Địa ngục !». Mà địa ngục là địa ngục trần gian chứ gì.
Chọn chốn đau khổ để vào, là niềm bí ẩn của thi sĩ. Nếu không, thi sĩ làm chi ? Nếu không, người là một tên bụng phệ, mang gọng kiếng vàng, ngồi xe sang, bên một người vợ đẹp ngày càng già càng xệ càng bệu má ba cằm than thở mỏi xương nhức gối. Làm sao thấy được những điều thi sĩ thấy :
...
Tôi nhìn qua ý thức thấy hư vô
...
Hoa cúc mở toang những cánh cửa vàng
...
Tình yêu là khuôn mặt dịu dàng nhất của cô đơn
...
Thiếu đau khổ người ta thành múa rối
...
Tôi ngất ngây như đĩnh núi kiêu hùng
Mái đầu già băng tuyết vạn niên
Hung hãn như dòng sông khởi sự hành trình
Tôi đập nát những tĩnh từ sầu nhớ tiếc thưong
(trích Thái độ, Sáng Tạo số 2, 8.60)
Vẫn biết tháng ngày chảy trong huyết quản
Và tháng ngày đâu có cội nguồn mà sẽ trở về
Vẫn biết chỉ ở trong cõi đời đã là phạm tội
...
Nhưng vốn võ trang bằng hiên ngang hãnh diện
Nên chiến cuộc giữa tôi và Thượng Đế kéo dài
đến một trăm năm
(trích Ký thác, Sáng Tạo số 17, 2.58)
Chiến đấu để tái sinh
tôi thổ huyết cuồng mê như núi lửa
thiêu hủy hình hài ăm ắp chất cô đơn
rồi trời đất hừng đông như trứng vỡ
tôi đã đầu thai thức dậy đỏ sơ sinh
(trích toàn bài Kiếp khác, Thế Kỷ Hai Mươi số 1, 7.60)
Chỉ ở trạng thái thoắt sinh từng ngày, con người mới thoát khỏi sự lão suy sinh từ vị kỷ, vụ lợi, ganh tị, bạo hành
Đứa bé trốn đi linh hồn râu tóc trắng
(trích Vie posthume, Sáng Tạo số 2, 8.60)
Kẻ nào trốn lánh đời sẽ tức khắc già sụm. Đâu chờ tới tuổi 70 mới râu tóc trắng. Râu tóc có thể trắng từ năm 15 hay 30 tuổi rồi. Còn lại chỉ là cái sống lâu — dễ hóa sống thừa. Dù sẽ được lên lão làng. Mà lão làng để làm gì ?
Cuộc đời cao lớn thế
Người vừa kích thước chăng
(trích Những ý nghĩ vào buổi chiều bãi biển, Sáng Tạo số 24, 8.54)
Bởi thế, có lúc Tô Thùy Yên muốn bỏ cả điều linh thiêng nhất : Bỏ làm thơ ?
... Anh định ngày rất gần đây sẽ thôi làm văn nghệ,
tôn giáo của những anh hùng bất lực...
(trích Phương, Sáng Tạo số 2, bộ mới, 8.60)
May Yên không thực hiện ý định này. Nhưng phát hiện kia không kém phần chính xác : «Văn nghệ là tôn giáo của những anh hùng bất lực» !.
Bẵng đi gần mười năm (hoặc giả tôi thiếu tài liệu), từ 1970 trở đi, thơ Yên mới lại xuất hiện đôi lần trên tạp chí Văn. Và lần này, thơ đã chín. Hàm ẩn nhưng mỹ miều so với thời thơ 56-60. Cùng với Yên nguồn thơ Việt khởi sắc cường lưu. Những bài thơ không thể trích, vì nhất quán toàn bài. Chữ nghĩa kéo đi như dòng sông lớn mịt mù điểm biến. Mỗi bài là một tấm lụa, một bình minh tinh khôi.
Tôi mong nhũng người làm thơ trẻ bây giờ nghiền ngẫm thơ Yên trước khi đặt bút sáng tác. Để tránh tình trạng lạm phát chữ nghĩa, lạm phát ảo tưởng, lạm phát «thiên tài». Ngày nay, thơ đang ùa tới các tòa soạn báo chí, hay in đầy thị trường như những xác ve mỏng mảnh dễ thương, nhưng khô chết. Đến cái tiếng inh ỏi gọi sầu cũng bặt. Loại thơ, đọc lên nghe du dương mà nhạt thếch. Đọc xong chả thấy gì an ủy cho cuộc sống vốn đã nhạt nhàu bi thảm. Người đọc hết bật mình giẩy nẩy, tim thôi xôn xao đất trời. Đâu rồi những bài thơ mở toang lịch sử, ngọt rót ân tình ? Phần lớn thơ ngày nay như bài nhạc cải cách, khúc hát cải lương. Qua đó, thi sĩ nghèo nàn sống với dăm ba chữ trùng phức : anh, em, đổ vỡ, chia lìa, cộng nô, người xưa, kháng chiến, anh hùng, lãnh tụ, liệt sĩ, trại tù, lưu vong, mất nước, giai cấp, đấu tranh, cách mạng, gươm súng, Kinh Kha say rượu đi du lịch, hay Phạm Tuân bay lên vũ trụ...
Thơ Tô Thùy Yên tuyệt dứt chất cải lương hay tân cổ giao duyên. Bằng nhịp điệu của ý thức mới, Yên xua chữ như đạo quân xông trận, đột kích những tư trào xâm lược đang cấy chất vong bản vào não trạng và thi tính Việt.
Nhạc tính làm chân đứng cho thơ. Nhưng gần đây nhạc tính của thơ đã thành một tiếng ru rè đưa ta lên cơn đồng thiếp, làm ma túy cho ngôn ngữ huyễn vọng. Chữ dùng đã mất nguyên ngôn, trơ lì nơi trùng phức, chằm vá. Thơ cũng như một số bài tân nhạc, nghe câu đầu đã đoán ra làn điệu tiếp sau, dù người nghe không là nhạc sĩ. Hàng trăm bài thơ sản xuất hôm nay, đọc xong câu đầu biết toàn bài nói gì.
Thơ Tô Thùy Yên không thế. Thi tính phát từ chữ. Mỗi chữ một tứ. Tứ đưa ngôn ngữ khởi nhịp, ùa đuổi ý thức. Ý thức may lành những mảnh nhân sinh tan vỡ. Ở bất cứ bài thơ nào, chủ đề nào. Dù đó nói về một Góa phụ
Em độc thoại lời kinh ánh xanh
Trăng lu khuya mỏi nén nhang tàn
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa
Mái ngói nghiêng triền trái rụng lăn

Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thẳp trắng thi gian mái tóc em
Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh
Hồn xa con đóm lạc sâu đêm

Cỏ cây sống chết há ta thán
Em khóc hoài chi lẽ diệt sinh
Thảng như con ngựa già vô dụng
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình.
(trích Góa phụ, tạp chí. Văn, 21.5.74)
Hay tả một đoàn quân qua sông
Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
 Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
Giặc đánh lớn — mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
Tiếp tế khó — đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó — sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mưong tanh...
Sông cái nước men bờ sóng sánh
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
Ảo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình...
... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mẳt ngời
(trích toàn bài Qua sông, Văn số 190, 15.11.71)
Hiu hắt thơ Đường trong Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng cò, nhưng rất thời đại và việt nam, trên mặt bơ phờ dính gió bao la. Thơ thiên tài với mùa mưa như một trận mưa liền. Âm hưởng lạ kỳ qua chiều rộng của mùa mưa, tới chiều cao nơi trận mưa liền. Tạo dựng nên vũ trụ mù tăm của cuộc chiến, với ý nghĩa xác thân của những thế phận nhiễu nhương... Ta sẽ cảm nhận thân thiết với thi sĩ, khi chưa quên nghĩa chữ  là bốn phương và trên dưới (không gian), và xưa qua nay lại là trụ (thời gian) qua từ ngữ vũ trụ nhắc nói thường ngày.
Từ chiến trường khốc liệt ba mươi năm, thơ đẻ ra khá nhiều trên hai miền chia cắt. Đa số vẫn là thơ sát khí, thơ chính luận. Những bài thơ tuyên truyền chiến tranh hay phản đối chiến tranh. Hiếm thơ xao xuyến thân phận người giữa cuộc chiến. Con người chưa được sống, vì ngày, tháng, rồi năm cứ hoài mãi ước mơ thôi. Bên cạnh sự giết người như một lý tưởng.
Trong thơ Tô Thùy Yên, dù nơi chiến trận, con người hiển hiện, mặc bao thúc bách, trấn áp trước họng đỏ ngông cuồng của lịch sứ.
Dựng sủng trường, cởi nón sắt
Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều
...
Mấy kẻ gặp nhau nào có hẹn
Nên gặp nhau không giấu nỗi mừng
Ta gạn dăm lời thơ tặng bạn
Dẫu từ lâu bỏ việc văn chưong
Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên...
Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc về thân thế
Có vợ con mà như độc thân
...
Người thuở trước tìm vàng khẩn đất
Tiêu xác thân, để lại oan hồn
Ngày nay, ta bạn đến đây nữa
Đất thì không khẩn, vàng không tìm...
Bạn nhủ ta : đừng hỏi khó
Uống mất ngon vì chuyện loạn tâm
Ta chắt cho nhau giọt rượu sót
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây
Giờ cất quân, đưa tay bắt
Ước cõi âm còn gặp để say.
(trích Anh hùng tận, Văn số 190, 15.11.71)
Say rượu đáng thương hay đáng trách ? So với sự say sưa chinh chiến, say sưa cách mạng, say sưa chủ nghĩa, say sưa giết người, say sưa làm tổ sư đạo đức giả ?
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Ở bìa rừng bên gió sửa soạn
Tuần du — cuộc tuần du bất tận
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Giữa tầng trời cao chim giục giã
Từng giàn như những thủy triều sôi
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao
Về nơi hẹn nào không định trước
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Vũ trụ miên man chuyển động đều
Chim đã bay quanh từ vạn cổ
Gió thật xưa, mây thật già nua
Nên với một đời bao biến đổi
Mà trong vô hạn có chi đâu
Ly rượu rót mời, xin uống cạn
Bài ca ta hát đến đâu rồi
Xỉn hát nốt — còn đi kẻo muộn
Cho úp ly — bóng xế đường dài
Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn
Đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê
Đến ngã ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia
(trích Đãng tứ, Văn 190, 15.11.71)
Tiếc là có phân vân. Tuy phân vân là cảm tính bi lụy nhất thời, vì đã biết lối đi mình dưới vòm trời sử thi :
Ra đi như một bình minh lạ
Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình
Thi sĩ Bắc, Nam đều chết rạp
Ba trăm năm lịch sử làm thinh
(trích Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai, Văn 207, 1.8.72)
Thời nào lãnh tụ vừa ngu dốt vừa mê muội, thì lịch sử làm thinh. Sông Gianh rồi Bến Hải, ba trăm năm cứ y một
Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân, trừ tính được thua
Hỏi ai tráng sĩ mài gươm nhọn
Xin nhớ đời không mỗi sắc vua
(trích Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, Văn 207, 1.8.72)
Còn chi nơi sử xanh ngoài âm thanh của đá ?
Trên dốc thời gian, hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô
(nt.)
với nỗi tiếc thương
Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi
Trên mồ ta, trăng phải lang thang
(nt.)
vì giờ ngọ đã qua, giờ hoàng đạo đi xuống, đưa ngày và đời vào hoàng hôn thế kỷ
Hoàng hôn xô bóng ta trên cát
Ta lớn lao và ta cô đơn
...
Dưới bóng bao trùm hạt cát tỏa
Đền rêu, miếu cỏ lạnh ma hoang
(trích Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai, nt.)
Nhưng Yên không chết đâu. Bao lâu vũ trụ còn, thi sĩ cứ hiển linh. Ngược lại cũng đúng, còn thi sĩ, vũ trụ còn sinh sôi. Vì thi sĩ là kẻ tái sinh sự lãng quên ra mầm nhú mỹ miều. Lịch sử không thi sĩ là lịch sử mù. Nhờ thi sĩ, biết bao điều được sống mãi nơi thơ mộng và trí nhớ. Trí nhớ chồng trí nhớ, cái «gien» người mới không mất những gì đã tụ hội từ vô thủy.
Tô Thùy Yên tồn tại mãi với triều thơ sang giàu chữ và ngữ điệu lồng lộng thi ca. Huống chi, Yên từng xác định :
Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không
(trích Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, nt.)
Ta uống giếng hoang, ăn trái lạ
Tâm hồn mãi mãi mới tinh khôi
(trích Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai, nt.)
Yên vừa nắm bắt được giữa lòng tay một tịch mịch mùi
Buổi trưa như buổi trưa nào đó
Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi
(trích Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, nt.)
Buổi trưa là tiếng tố cáo hoàng hôn — sự đi xuống, chất tàn tạ. Tiếng võng là biến dịch — sự sống chuyển hóa. Tịch mịch là lặng yên. Còn tịch mịch mùi ? Hiểu cách nào cũng đẹp.
Hiểu theo triết học, thì giờ mùi (13-15 giờ) là giờ khởi sự đưa ngày lên đường vào hoàng hôn tàn tạ. Yên lặng sự khởi đầu ấy, hoàng hôn không bao giờ tới. Nỗi chết của ánh sáng không còn hiện ra.
Hoặc hiểu mùi như hương thơm, thì nỗi tịch mịch kia lý thú biết bao. Nơi tận cùng cô tịch, bỗng một làn hương thoảng tới, ngào ngạt tái sinh. Còn mùi là chín, tịch mịch vượt nỗi quạnh hiu riêng, để xòa ôm cảnh rộng thinh bát ngát của như nhiên phiếu diễu như một niềm trời.
Nhưng phép cảm thơ, đối với những dòng thơ lớn, lắm khi chẳng cần thiết phải chẽ sợi tóc làm tư vạch tìm ngữ nghĩa như thế. Hãy ngâm lên ! Ngân lên cái khí thơ ngút trời, và chất thơ lạ đời đang xao xuyến tim, và xôn xao nghìn tinh đẩu… Chẳng hạn những câu :
Mùa mưa như một trận mưa liền
...
Tàu chạy mau mà qua rất lâu...
...
Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi ...
...
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh
...
Đã buông trong bạt ngàn xanh ngắt ...
Gió thật xưa mây thật già nua
...
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực
...
Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru.
Mà thơ Tô Thùy Yên là như vậy đó.
Sau chính biến 75, nhà cầm quyền cộng sản lùa đi tù cải tạo ba triệu dân miền Nam. Trong đó có nhà thơ Tô Thùy Yên. Yên bị hành hạ đằng đẳng mười ba năm. Đối diện với thú tính, đối diện với ngục tù, lời đáp của Yên là Thơ. Yên sống thơ hơn bao giờ. Yên đảm lãnh Thơ cho một dân tộc đang mất Thơ trong đời và trong trí. Sống Thơ qua từng nghìn câu. Như bài «Ta về» dài 300 câu, sáng tác sau khi đi tù cải tạo về, có thể đại biểu cho thi ca Việt Nam hạ bán thế kỷ XX. Lớn lao quá — thơ và thi nhân — giữa thời khổ hạnh, khi tiếng tru loài sói được công nhận như «tiếng người». Không bi lụy mà bi tráng. Không hằn thù mà nhân văn. Không ngoại tộc vì thi tưởng chín hồng sau mười nghìn năm người Việt khai quốc.
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(trích Ta về)
Thơ đọng vào chữ mỗi sáng danh. Chữ mỗi đánh bạt chữ mọi đang chủ tể ý thức hệ nô lệ bầy đoàn. Thứ ý hệ muốn biến Yên và những người như Yên thành :
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
(trích Ta về)
Nhưng. Nhưng thi tính và tư tưởng Việt là con đê hà lan chắn ngăn mọi triều nước ngoại xâm hung hãn :
Ta về một bóng trên đường lớn
(trích Ta về)
Mười năm ta vẫn cứ là ta
(trích Ta về)
Không về trong tư thái tiến quân hay phục quốc kiểu «Tiến về Hà Nội» thảm sát Thăng Long. Không. Tô Thùy Yên nhân hậu như một lần quê hương. Nơi mà «mỗi lẻ loi» hàm chứa bát ngát tình yêu
Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa mận, hoa tầm xuân vẫn nở
Trong vườn không hết những mùa hoa
...
Chút rượu hồng đây, xin nước uống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
(trích Ta về)
Dâu biển đổi dời phũ phàng man rợ đến mấy, người thi sĩ vẫn thủy chung với Tinh cũ, Nước xưa — những chưa hề và không mất mát. Cái đó mất, cái mình đây cũng mất. Cho nên phải gìn giữ, dù xót xa vô tận
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Bước chạm khuya từng nỗi xót xa
(trích Ta về)
Cái Kiến tính THẤY của người thi sĩ khiến họ trở thành người canh gác vũ trụ. Vũ trụ trong nghĩa Không—Thời ta vừa nhắc trên kia. Họa hoằn là thi sĩ, bọn lãnh tụ chính trị hay tướng lĩnh làm sao thấy được
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm
(trích Ta về)
Bi kịch không hoàn tất bi kịch, khi dòng thơ bi tráng hóa thân vào mỗi gốc cây, trạm chuyển hóa mối đại thức giữa đất và trời :
Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa
(trích Ta về)
Và biết đâu Kẻ cứu tinh nòi giống không là một Thi sĩ ? Không là dòng Thơ Tô Thùy Yên ? Một Nguyễn Du khác.
Ta về cúi mái đầu sưong điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Khung đời nhị nguyên (dualisme) tan vỡ qua thế phận Kiều của «trăm năm trong cõi người ta : chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhan» vừa khép lại. Cùng với Yên hiển hiện mối dung thông bất nhị (non-dualité) lúc «nghe nặng từ tâm lượng đất trời». Thi sĩ chan hòa với cỏ cây, nhân tình thế thái, biến thiên vũ trụ, bằng niềm rộng thinh vô ngã. Cừu thù lắng bặt, dù chưa từng khuất phục, đầu hàng. Thi sĩ là sức vượt mọi lằn ranh, làm ngợp ngát hư không. Thi sĩ gọi tuổi qua màu sương của tóc. Nơi đáy thời gian (vô thường) ấy, cái ta rã tan thành không gian vô ngã. Nhờ thế, và từ đó, duyên sinh mối từ tâm vô cùng tận giữa đất trời. Đơn giản và cũng hệ trọng thay cuộc đại ngộ, mà biết bao người trải nghìn kiếp tu không chứng.
Paris, 4.1.1989
Thi Vũ
(trích «Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam 1945-1985» – Thi Vũ,
NXB Quê Mẹ, Paris 1993)




[1] Nỗi buồn trong thơ hôm nay, Thanh Tâm Tuyền, Giai phẩm Văn Saigon, 9.11.73.









THI CA TÔ THUỲ YÊN - BIỀN BIỆT MIỆT TÂM LINH
G. LÊ HỮU KHOÁ
---
Hãy vào thi ca của Tô Thùy yên với chính thi từ của thi sĩ: “Bỏ đi biền biệt miệt thiên thu”, để tìm đến cõi tâm linh của Tô tiên sinh, đứa con tin yêu của thi ca hiện đại với ngữ vựng rất miền Nam, với ngữ văn thư thái trong cổ ngôn, với ngữ pháp thong dong trong không gian siêu hình học, một trường hợp thật lạ của thi ca Việt Nam.
Nhưng trước hết chúng ta hãy định luận để tìm cách định nghĩa thế nào là tâm linh? Bằng phương pháp nhận diện các giá trị tâm linh qua lý luận. Nếu các giá trị tâm linh sắc về trí tuệ, nhọn về lý trí, thì các giá trị phải là kết quả của một quá trình lập luận cao về tư tưởng, sâu về triết học, tức là rộng về nhân tri, và hề không dính dáng gì tới các chuyện mê tin dị đoan mà học thuật không kiểm chứng được, kinh nghiệm không thí nghiệm trọn vẹn được. Nhưng khi nghiên cứu về các giá trị tâm linh biết củng cố nhân lý, biết phục vụ nhân trí, biết thuyết phục nhân loại tinh anh hơn, giúp nhân sinh tỉnh táo hơn, dìu nhân thế và dắt nhân tình theo các tri thức mà sự sáng suốt của nhân trí giữ vững được các giá trị của nhân đạo, các giá trị tâm linh rất khác các sự thật của khoa học, các chân lý của triết học, các lẽ phải của luân lý tuyệt đối. Các giá trị tâm linh chọn đường đi nẻo về cho riêng nó, tại đây phải hiểu cách định vị (như các chỉ báo) của các giá trị tâm linh, để lần tìm ra cách định nghĩa các các giá trị này:
• Chiều sâu của các giá trị tâm linh là chiều cao của linh hồn, một chiều cao biết nâng nhân tri cụ thể là biết yêu theo chiều cao của hướng thiện những gia trị bị xem là tầm thường trong cuộc sống, tại đây minh triết cùng đạo đức biết nhập nội để chế tác ra các giá trị tâm linh; làm được chuyện mà Platon đặt tên là sự bất tử của linh hồn.
• Chiều sâu của các giá trị tâm linh luôn bắt đầu bằng sự đánh giá tỉnh táo, sự phân tích sáng suốt, luôn bình tĩnh chọn con đường để thực hiện cái tốt, nó mang theo nguyện vọng làm nên ý chí biến cái tốt thành hiện thực. Socrate phân tích chiều cao của các giá trị tâm linh là ý chí muốn làm tốt cái tốt.
• Chiều sâu của các giá trị tâm linh, không phải là chuyện của lý trí tuyệt đối, càng không phải là chuyện lý trí suông, nó chính là sự cẩn trọng không những là khẳng định các lý trí tốt, mà nó phải trở thành các triết lý của cuộc sống được quyền sống còn, nên nó không cực đoan quyết định, và không bao giờ quá khích trong hành động. Các giá trị tâm linh cũng không phải là chuyện khoa học chính xác, mà là chuyện triết đúng lúc, lý đúng cảnh, luận đúng thời, lấy bối cảnh để hiểu nhân sinh, lấy hoàn cảnh để tìm đáp số, lấy tâm cảnh để tư duy, nên nó tìm cách giải quyết ít nạn nhân nhất, cách trả lời ít đổ vỡ nhất, nó tìm cái hợp lý thấu tình để có lối ra, mà không ai phải là nạn nhân cho thời cuộc. Aristote gọi tên nó là thế giới của sự thông minh làm nên sự thông thái, và lắm lúc nó không lệ thuộc vào thế giới thông suốt sự thật của khoa học.
• Chiều sâu của các giá trị tâm linh chỉ thật sự là giá trị khi nó là sự cẩn trọng trong sáng suốt và là khẳng định của sự can đảm, cẩn trọng ngược với liều lĩnh, can đảm trái với hèn nhát. Các giá trị không bao giờ «liều mạng» để «tử vì đạo» mà «xem rẻ mạng người», nó cũng không hề «ba phải» để «lòn lách» mà làm «nhục kiếp người», nó cẩn trọng cho nhân sinh và nó can đảm bằng chính bản thân nó, nên nó ngược lại hoàn toàn với sự «né tránh» để tồn tại, «lẩn trốn» để «thoát thân», vì nó dụng chân lý, biết dùng sự thật để tạo lối thoát cho những ai «lầm đường lạc lối» sa lầy trong «mê lộ» đang đi tới «tử lộ» mà cứ tưởng đang đi trên «sinh lộ». Chiều cao của các giá trị tâm linh mang tính tiên tri mà nhân sinh kiểm chứng được, đó là tầm vóc của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cứu cùng lúc nhà Mạc và nhà Nguyễn ra khỏi vũng lầy của vua Lê, chúa Trịnh. Chiều cao của các giá trị tâm linh khi được chứng thực bởi sự cẩn trọng và sự can đảm, Montaigne đặt tên cho nó là sự thông minh linh động biết thích ứng trong biện chứng vì biết giữ trí và giữ tâm.
• Chiều sâu của các giá trị tâm linh có trong ý nguyện muốn cái tốt có mặt trong cuộc sống để chống lại cái xấu có cha sinh mẹ đẻ là cái ác; nhưng các giá trị tâm linh luôn mang theo sự cẩn trọng không những trong định nghĩa thế nào là tốt mà còn bắt con người phải rõ ràng từ cứu cánh tới phương tiện, luôn phải cẩn trọng hơn nữa khi chọn lựa phương tiện, khi đã có cứu cánh tốt rồi. Plotin tin rằng chiều cao của các giá trị tâm linh làm nên đạo đức của ý nguyện muốn làm tốt cuộc sống từ cứu cánh tới phương tiện, từ thượng nguồn của tư duy tới hạ nguồn của hành động.
• Chiều sâu của các giá trị tâm linh khi lấy sự cẩn trọng làm giá trị cho đạo đức, thì nó trở nên sinh động khi phối hợp sự cẩn trọng luôn song hành trong các giá trị của luân lý về bổn phận và trách nhiệm. Các giá trị tâm linh luôn biết điều phối sự cẩn trọng như sức mạnh của tư duy biết cái nào là cái tốt cho mình và cho người khác, nó mang trọn vẹn một quá trình suy ngẫm, nó mang toàn bộ các kết quả tâm định và trí định để làm nên thiền định trong tỉnh táo và sáng suốt, mà St Thomas đặt tên cho nó vòng tròn khôn ngoan biết chứa cả hai, vừa cẩn trọng, vừa đạo đức.
• Chiều sâu của các giá trị tâm linh biết dựa vào ý muốn đi tìm tri thức để hiểu sự vận hành của nhân tri, nó luôn song hành cùng với ý nguyện của nhân sinh muốn tồn tại bằng nhân phẩm trong nhân thế, mặc dù nhân loại đang đầy giẫy các xáo trộn, các hổn loạn của nhân tình. Weber đề nghị muốn có các giá trị này nhân tri phải thấy sự quan hệ chặt chẽ giữa đạo lý của ý chí và đạo lý của trách nhiệm, khi cả hai có mặt để phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, thì chính cái trí của cái tri sẽ giúp cuộc sống thấy ra cái sinh của cái có, cụ thể là quyền năng của nhân trí sản sinh được các giải đáp lối thoát mới cho nhân lý, để nhân tri nhận ra lối thoát mới cho nhân thế.
Sau khi làm được chuyện “rào giậu, tát ao” về phương pháp luận để định vị thế nào là tâm linh, chúng ta hãy vào thẳng cõi tâm linh của Tô Thùy Yên.
***
Nhận phận que diêm tắt… rồi có bình minh lạ
« …Ta bằng lòng phận que diêm tắt…
…Ra đi như một bình minh lạ… »
Cõi tâm linh khi đề nghị các giá trị tâm linh của nó, cõi này thường khởi cùng lúc cái mâu thuẫn giữa cái tắt của hoạn nạn khi cái mất mát đang đe dọa chúng ta, và cái tia hy vọng của một bình minh lạ, của rạng đông mới, để ta cảm nhận sâu xa là ta vẫn đang sống cùng mọi sự sống chung quanh ta. Câu chuyện của Tô Thùy Yên là thân phận ròng rã bao năm trời trong vòng lao lý từ các trại học tập tới các phòng giam biệt lập ngặt nghèo nhất, những năm tháng đó cái chết cứ ngày ngày thủ thỉ với sự sống là bạo quyền độc tài sẽ thắng nhân tính, để diệt nhân phẩm. Cho nên thân phận con người ngày ngày như que diêm luôn bị các cơn gió độc của tà quyền thích thổi cho tắt! Bảo vệ nhân tính vì nhân phẩm là câu chuyện đi tìm một bình minh lạ.
Khi:
Ta bằng lòng phận que diêm tắt.
Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông…
là kết quả của tư duy thấy rõ khi bình thường thì mạng sống con người phải được coi là vô giá, nhưng trước bọn bạo quyền bất nhân, tà quyền thất đức: sao giá của nó như diêm. Dù chấp nhận trả cái giá là mất mạng, nhưng tại sao lại phải chịu mất suông? Chuyện mất suông là chuyện có thật khi con người phải sống chung, sống cùng với bọn âm binh của ma quyền. Nhưng bất cứ một sự ra đi nào của nhân tính (vì nhân phẩm) trước cái chết đã cận kề, thì con người nhận ra sự ra đi là để tìm một bình minh lạ, đây không phải là chuyện hoang đường mà là chuyện tìm con đường của ý thức, nó là hiện tượng luận của tri thức, nhận sự thật của cái chết trong liêm sỉ để thấy một loại bình minh lạ sẽ tới, để ra khỏi cái thấp của bạo quyền, cái tục của tà quyền, cái ma của âm binh:
“... Ra đi như một bình minh lạ
Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình…”.
Giá trị tâm linh trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình đã được Tô Thùy Yên tạo ra theo con đường mà đã có lần Saint John Perse nghe được nó ngay trong tiếng nói vô cùng sống động giữa người và người, đầy nhân tính, dầy nhân cách: «S’en aller! S’en aller! Parole de vivant» (Đi! Cứ đi! Cùng tiếng nói của sự sống). Tiếng nói tạo dựng được sự sống, làm sự sống chuyển động một cách sống động để tự bảo vệ: đây chính là nhiệm vụ của các giá trị tâm linh! Biết tái tạo lại rạng đông, biết chế tác ra các bình minh lạ, đó là tiếng nói của tâm linh không sợ cái chết!
***
Cõi tâm linh trước cõi chết
“…Sẽ lo chẳng những cho người sống,
Lo cả cho người khuất mặt kia.
Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ,
Chung lời thương tiếc khóc trên bia…”
Cõi tâm linh thường xuyên bị thử thách trước cõi chết, từ đó và tự nó định nghĩa được nhân phẩm sâu đậm trước các thăng trầm của nhân sinh, nơi mà nhân mạng phải đi qua những lằn ranh sinh tử. Tô Thùy Yên qua các lằn ranh sinh tử nhiều lần trong chiến tranh Bắc Nam huynh đệ tương tàn, trong những năm dài của các trại học tập, trong những ngày tháng ngục tù, nơi mà tử sinh sánh đôi song hành trên tử lộ. Tại đây, ông thấy rõ ràng tất cả các tín hiệu khi cái chết đến cận kề sự sống:
…Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
Lên chết thiêu trên mặt đất hừng.
Ác điểu ngày đêm gào xao xác.
Cơ hồ cả thế giới lâm chung…
Lâm chung là thời khắc mà cái chết đang tới, và sự sống phải lùi ra cho tử thần ngự trị trong ma quyền của nó. Cái chết áp đảo sự sống, như bạo lực đang thắng thế, bạo quyền đang kiêu căng, tà quyền đang ngạo mạn, để mặc cả nhân phẩm bằng nhân mạng. Lúc đó, các giá trị tâm linh sẽ xuất hiện để chỉ cho rõ cái lầm đường của bạo quyền bằng bạo động, phanh ra cái lạc lối của tà quyền đang áp đặt ngày tận thế:
Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…
…Lăn địa cầu ra khỏi lối xưa…
…Như tên phù thủy già điên loạn,
Lịch sử lên cơn dữ bất thường…
Nhưng từ đây, các giá trị tâm linh sẽ tìm mọi cái để sống sót, và sống sót để nói lên nỗi lo -lòng thao thức trong dạ đau đáu- của con người trước bạo quyền đang cướp đi sự sống; các giá trị tâm linh sẽ tìm mọi cách để sống còn bằng nhân tâm, lẳng lặng chờ ngày tái tạo lại nhân phẩm. Nhưng cách lo toan (thao thức trong đau đáu) của nhân tâm qua các giá trị tâm linh cụ thể sẽ là gì? Đó là tâm khoan dung làm nên trí khoan hồng, để lòng vị tha chế tác ra tâm tha thứ, từ đó sinh ly phải xuống ngôi để nhường nhân vị cho mọi hòa giải biết hóa giải mọi hận thù, để hòa hợp mà xóa đi mọi thù hằn:
…Sẽ lo chẳng những cho người sống,
Lo cả cho người khuất mặt kia.
Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ,
Chung lời thương tiếc khóc trên bia…
Nội công của các giá trị tâm linh chính là nội lực của hòa giải-hóa giải-hòa hợp!
***
Thu hình ẩn náu dưới tâm linh
« …Ta khóc lẻ loi, cười một mình
Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,
Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,
Thân lõa lồ đau cháy khổ hình… »
Tô Thùy Yên
Các giá trị tâm linh không phải là các lời “nói suông” để nạn nhân trong khốn khó được nghe cho “xuôi tai” mà tự an ủi trong khổ nạn; các giá trị tâm linh là một hệ lý luận như một cầu nối, cho sự thật của dữ kiện tìm tới được chân lý của sự kiện, từ đó con người thấy ra lẽ phải của sự cố. Ngay trong các giá trị tâm linh người ta thấy rõ các sử liệu của tư liệu, sử luận của lập luận để nắm được sử học để biết đối nhân xử thế.
Các giá trị tâm linh có mặt vì cái ác đã có mặt, nó hiện nguyên hình cùng cái độc, cái thâm, cái hiểm tạo ra cái bạo, cái tà mở lối để diệt cái sống, để hủy cái đẹp:
…Ta khóc lẻ loi, cười một mình
Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,
Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,
Thân lõa lồ đau cháy khổ hình…
Biết thu hình ẩn náu dưới tâm linh để vượt hư sử (chính là ung thư của lịch sử) làm ra từ quái thai của bạo quyền, nơi mà các giá trị tâm linh phải đi trên lưng cái ác, cùng cái độc, cái thâm, cái hiểm; phải đi trên vai cái bạo, phải đi trên đầu cái tà để vượt thắng cái diệt, cái hủy ngày ngày đe dọa sự sống. Kế đến là phải tổ chức lại cõi tâm linh, như cõi thiêng liêng nhất mà những cái xấu, tồi, tục, dở của ác, hiểm, thâm, độc không đột nhập vào được bằng những con đường tà bạo tới từ đứa ngu:
… Ta nhặt từng trang sách rách toang
Đứa ngu đã xé vứt ra đường.
Ta gom từng hạt cây luân lạc,
Mong mỏi gầy lên một địa đàng…
Trong từng trang sách không những có trí tuệ của nhân tính, mà còn chứa tuệ giác của nhân phẩm, mà tại đây hành động tâm linh là gom lại, thu lại, nhận lại để làm nên các giá trị của tâm linh, vì trong đó có giá trị của một địa đàng!
***
Làm người giữa thời thế ngã
“Một thời thế ngã với từng xác thân…
…Làm người đã phải làm sao?”
Các giá trị tâm linh luôn đi sâu vào cõi người đang vấn nạn, để đứng cạnh người gặp nạn và nâng người này dậy trong họa nạn, rồi tìm cách đưa con người này ra khỏi cõi nạn, khi con người đã thoát nạn, thì các giá trị tâm linh đã vỉnh viễn trở thành bạn đồng hành với kẻ đã thắng nạn. Và, cho tới ngày rời cõi đời này, mỗi lần gặp nạn, mỗi lần đứng trước họa nạn, con người này sẽ không còn cô đơn phải chống chỏi một thân một mình với hoạn nạn, mà đã có chiều cao tâm linh kề cận để có sáng suốt trong quyết định và các giá trị tâm linh trong hành động.
Mỗi lần cột xương sống của hình hài bị mềm ra và lệch đi, thì các giá trị tâm linh là những cây chống vô hình giúp hình hài đứng thẳng vì tư duy đã ngẩng đầu trong thử thách, tầm nhìn tâm linh đã vượt thắng các thăng trầm, và kẻ gặp nạn đã thấy lối ra bằng các chân trời của thiện, của mỹ. Tô Thùy Yên đã gặp họa nạn dưới bạo quyền độc tài, đã trải qua hoạn nạn trong tà quyền độc trị đã dựng lên nhà lao để nhốt tù các đứa con tin yêu của Việt tộc; nên trong cõi nạn thi sĩ biết rõ bản lai diện mục của sự bất nhân, nó hoàn toàn ngược hướng trái chiều với các giá trị tâm linh:
…Một lần núi đổ, sông dâng
Vắt cơm, hớp nước, âm phần là đây…
Thịt rơi xương rụng trùng trùng
Một thời thế ngã với từng xác thân…
Khi ta nhớ lại để kể lại những mất mát của nhân tính, những thiệt thòi của nhân phẩm trước bạo lực trong lao lý, thì ta thấy ngày dài bất tận trước khổ hình mà bạo lực tạo ra, thấy thời gian bị lôi dài lê thê trên dốc thời gian để nhân đạo bị xói mòn. Thì đây, cũng chính là lúc khả năng tự tư duy của ta mời các giá trị tâm linh đến để chia sẻ vắt cơm, hớp nước, để nhìn tận mặt âm phần, để hiểu không gian của cõi nạn: thịt rơi xương rụng trùng trùng, để thấu giá trị của sự sống khi cõi sống bị đe dọa: một thời thế ngã với từng xác thân…
Trong cõi lao tù mà tên gọi là trại cải tạo, người tù phải tự sinh tồn bằng cách vào rừng hái rau hoang để nuôi thân, thì đó là lúc tri thức kêu gọi lịch sử trở về để nhận ra các giá trị tâm linh, sẽ an ủi người tù là cõi nạn, một cõi nạn luôn ẩn nấp trong cõi sinh:
Chiều ra đồng hái rau hoang
Nghe sầu trong gió thổi tràn mặt ta
Ơn trời ơn nước bao la
Hái đi này những xót xa kiếp người
Cổ kim chung một mái trời
Kinh thi cũng có kiếp người hái rau.
Câu chuyện tâm linh thường có hai kịch bản, một kịch bản buồn (nghe sầu trong gió thổi tràn mặt ta) và một kịch bản ơn (ơn trời ơn nước bao la) giúp con người có can đảm để gạt ra, nhổ đi, hái đi khổ nạn (hái đi này những xót xa kiếp người), để được thấy trước toàn cảnh của nhân sinh trong cái chung (cổ kim chung một mái trời) để nhận ra nhân kiếp (Kinh thi cũng có kiếp người hái rau).
Cấu kết để luận kết các giá trị tâm linh luôn là câu chuyện làm người (làm người đã phải làm sao?), làm sao để thấy chiều cao của nhân phẩm, chiều sâu của nhân tâm, chiều rộng của nhân từ, và chiều dài của nhân đạo, chỉ một chuyện hái rau để sống còn, nhưng thi sĩ muốn đi xa hơn nữa trong chiều sâu của tâm linh: thấy câu chuyện làm người để nhận ra câu chuyện tội người:
« …Hái nhanh cho kịp trời chiều,
Ấy mê, ấy tỉnh, cỏ nhiều hơn rau.
Làm người đã phải làm sao?
Thêm bề rau thấp, cỏ cao, tội người…»
Câu chuyện tội người đây là tội nghiệp người, tội nghiệp kiếp làm người, càng làm người càng thấy tội người tức là càng làm người càng thấy thương người, cho nên cột xương sống tinh anh của các giá trị tâm linh là câu chuyện thương người, thương đến xót xa, thương đến bầm gan, tím mật.
***
Lịch sử đã ngất lã...Ta đứng lên
“Lịch sử dường như đã ngất lả
Sau những liên hồi vật vã điên cuồng”
Chính khi con người đã rã rời vì khổ nạn trong ngục tù của bạo quyền, ý thức rời trí tuệ, nhận thức mất tuệ giác, đây câu chuyện những ngày trong lao tù của Tô Thùy Yên của thế kỷ XX vừa qua, mà cũng là chuyện hằng ngày hiện nay của hàng trăm tù nhân lương tâm đang trong vòng lao lý bất nhân của bạo quyền độc đảng; khi mà bi quan đã tràn lan, làm não bộ con người tưởng chừng như tất cả đều sụp đổ, xưa nay đều tiêu tán:
… Lịch sử dường như đã ngất lả
Sau những liên hồi vật vã điên cuồng…
Khi con người bị vật vã, khi nhân sinh rơi trong điên cuồng, thì sự xuất hiện của các giá trị của tâm linh đến để vực dậy chiều cao của nhân phẩm, để đánh thức chiều sâu của nhân tâm, để khơi ra chiều rộng của nhân từ, và nối theo chiều dài của nhân đạo. Câu chuyện tâm linh là một chuỗi động lực của hệ dây chuyền: vực dậy-đánh thức-khơi ra-nối theo để tái tạo cõi sống cho nhân thế.
...Ta đứng lên
Đi tới, đi lui trăm lượt nghìn lần
Như một hồn ma cổ đại
Trong hầm mộ muôn đời…
Ta đứng lên! không chỉ vì chuyện sống còn, không chỉ vì muốn sống sót, mà Ta đứng lên! vì nhân phẩm, vì chuyện mất nhân phẩm là chuyện: không chấp nhận được!
***
Khắc khoải để xóa giải
“Khắc khoải chim kêu ngày khổ nạn…
Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải…”
Khắc khoải là trạng từ mà cũng là động tự của người đã bị rơi vào cõi nạn, trong đó hoạn nạn mang mặt nạ của họa nạn xuất hiện để đe dọa sự sống, nơi mà hơi thở của kẻ rơi vào bi nạn giống như hơi thở của người lúc lâm chung, sẽ phải rời cuộc đời trước bao chuyện bất nhân thất đức của bạo quyền giờ đã thành tà quyền ngày ngày lòn lách như âm binh đe dọa nhân sinh, nên thi sĩ nghe rõ:
…Khắc khoải chim kêu ngày tận tuyệt…
Ngày tận tuyệt có đầy đủ cảnh trí của đói, khát trong mệt lả, rã rời; có cai tù tra tấn người tù, có bịnh tật đi cùng với các vết thương sau mỗi lần bị tra tấn; có ý định của tự sát như để bảo vệ chính lương tâm của mình trước tên đạo diễn bạo quyền đang diễn tuồng ác nhân.
Khắc khoải là trạng động từ ám ảnh người tù hằng giờ rồi kéo dài đăng đẳng cả kiếp người, khi con người sống mà không có lối ra cho nhân phẩm, mà nguyên nhân cốt lõi là bạo quyền không có nhân tâm để hiểu nhân từ, để thấu nhân đạo. Trong không gian và thời gian của khắc khoải, thi sĩ thấy chuyện bi thương của kiếp người qua một động tự thật mới: khuất giạt, môt động tự mới trong tuyệt vọng:
«…Khắc khoải chim kêu ngày khuất giạt…»
Khắc khoải dần dà trở thành bi trạng của một không gian có tiếng chim của miền thất vọng, tên nó là khổ nạn:
«…Khắc khoải chim kêu ngày khổ nạn…»
Đó cũng là lúc mà sức mạnh tâm linh đã tới để cứu kẻ trong khổ nạn, bằng một hành động qua một động từ vô cùng mới, rất mới trong hay, đẹp, tốt, lành, của nhân tri, đó là động từ xóa giải:
«…Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải…»
Xóa đi hận thù có trong tâm địa của bạo quyền, xóa đi lòng tham có trong nội địa của tà quyền, xóa đi cõi hận có trong cõi não của ma quyền đang lũng đoạn lương tri của cả một dân tộc. Nhưng sức mạnh tâm linh phải tiếp tục đi xa hơn, sâu hơn, dài hơn, cao hơn nữa để giải: để giải trừ mọi tham, sân, si; để giải tán mọi bạo quyền, tà quyền, ma quyền mà cứu nguy cho nhân tâm; để giải oan cho bao oan khiên mà dân tộc phải hứng chịu từ bao lâu nay. Từ đó, lấy nhân từ cùng nhân đạo làm nên nhân nghĩa để giải hòa mọi xung đột trong nhân thế, mọi hiềm khích trong nhân tình, mọi họa nạn trong nhân loại, và không quên cứu rỗi luôn cả linh hồn của những tội phạm đã dùng bạo quyền, tà quyền, ma quyền để gây bao tội ác.
***
Sinh, dị, diệt
“Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời”
Xin đừng quên sức mạnh của tâm linh là thực hiện được chuyện giải oan, giúp cái oan vượt lên cái oán, để đi về hướng của nhân tâm mà làm giàu cho nhân tri, làm cao thêm nhân lý; vì cái oan chỉ là chuyện bể dâu của nhân thế, nó không phải là dấu chàm vĩnh viễn của nhân phẩm. Câu chuyện giải oan qua sức mạnh của tâm linh đi trên lưng, trên vai, trên đầu cái oán:
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời,
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa, người ơi.
Kiếp nhân sinh như như hạt sương trên cỏ, nhưng có tầm vóc của một chiều cao tâm linh biết: kết tụ sầu nhân thế chuyển dời, để hiểu ra chuyện sinh, dị, diệt mà thấu được sinh trong nhân thế, nhưng dị như hoạn nạn, như bất công, như tội ác ngày ngày đe dọa nhân tính, thời cơ hội là diệt nhân phẩm để vùi nhân vị.
Kiếp người thật bé bỏng trong hoạn cảnh sinh, dị, diệt, với sự cảm nhận của tâm linh giúp nhân tâm làm được chuyện cân, đo, đong, đếm được tất cả các đọa đày mà nhân loại phải gánh chịu trên nhân lộ: tội tình chi lắm nữa, người ơi.
Khi biết kêu lên, khi biết than ra, khi biết bộc lộ được câu: tội tình chi lắm nữa, người ơi, thì nhân tri đã mở cửa đón mời các giá trị tâm linh tới để xóa đi các tội tình trong kiếp người này.
***
Tỉnh lại với đời
«…Đây là đâu?…
Tỉnh, tỉnh lại với đời»
Câu chuyện tâm linh là sự khởi hành đi tìm câu trả lời khi con người tự hỏi: ta là ai? Mà sao ra nông nỗi này trong hoàn cảnh của kẻ bị lâm nạn, với câu hỏi thứ hai: đây là đâu? và mỗi lần sức mạnh tâm linh xuất hiện, nó giúp con người có được câu cả hai câu trả lời (là ai? là đâu?), để có đáp số trước các ẩn số của nhân thế, để thức tỉnh ngay trước mê lộ:
…Đây là đâu?
Tỉnh, tỉnh lại với đời!
Và khi con người đã mất các định hướng, trong hành trình vô định với bước vô minh:
«…Gối đầu lên một chỗ không lý
Ráp lại xương từng thỏi rã rời.
Giờ này đã khuya khoắc thiên cổ
Chớp hiện mình soi dội lẻ loi…”
Sức mạnh tâm linh xuất hiện mang lại nhân tâm cho chỗ không lý; mang lại nhân tính để giúp nhân dạng làm được chuyện ráp lại xương từng thỏi rã rời; ngay trong thời gian của giờ này đã khuya khoắc thiên cổ; ngay trong không gian nhỏ hẹp của chớp hiện mình soi dội lẻ loi, để tại đây nhân phẩm có đủ sức mạnh tâm linh mà soi sâu mọi chiều sâu của kiếp người:
Con chim bói cá trong tàn tối
Soi vĩnh hằng xanh rợn mặt hồ.
***
Cời
« Trở trời ngồi lại cời than
Nhen bùng ngọn lửa chưa tàn ba sinh »*
Cời là một động từ lạ trong Việt ngữ, cời là khơi lên, nhưng không phải là khuấy lên, nhẹ nhàng khơi dậy, chớ không phải hấp tấp quậy lên; phải thư thái trong trầm lặng để cời, phải tỉnh tâm trong trầm tư để cời, một động tác của người thanh biết tư duy sâu đậm, chớ không phải của kẻ tục chỉ muốn tò mò để tọc mạch.
Cời lên cái còn đang nhen nhúm, cời lại cái chất lửa đang bị đe dọa vùi lấp bởi cái tà; cời để giữ lửa, giữ nhiệt, giữ chất sống, dù cuộc sống đang tàn tạ, nhưng nhất quyết không để chất sống có trong chất lửa của mỗi chúng ta bị vùi chôn bởi cái bạo trên trần thế này.
Cời than khéo léo sẽ gặp lại lửa hồng, nếu lửa hồng trở lại thì cuộc sống còn đây, và chất sống chính là lửa đã trở về làm ấm thân, ấm đời, ấm luôn cả ba sinh (quá khứ, hiện tại, vi lai), ấm cho bây giờ và ấm cho mai sau; cời để tự sưởi thân, cời để hơ nóng không gian mà mình đang có mặt, cõi sinh mà mình đang trú, chốn đời mà mình đang sống.
Các giá trị tâm linh nằm ngay trong quyền năng của nhân tính biết cời than, cời lửa trước nhân thế đang bị đe dọa bởi cái giá lạnh của vô cảm; hãy tin là các giá trị tâm linh này có mặt ngay trong động thái qua đồng từ cời. Như năng lực của nhân bản biết giữ lửa, cời lên và cời mãi như biết ôm ấp chất sống trước các cái bạo, cái tà làm nên cái tàn, cái tắt, đang rình rập để thổi tắt luôn một chút lửa còn trong thể lực ta, một thể lực được làm nên bởi trí lực cộng sức cùng tâm lực và khi cả ba lực này nhập một, ta tự cho phép ta gọi tên nó là: linh lực (sức mạnh của tâm linh), luôn muốn bảo vệ cái lửa như chất sống để đẩy xa cái lạnh, cái tàn của cái chết.
Hãy giữ lửa, hãy cời than như cời thân, hãy cời lên bằng thể lực, trí lực và tâm lực, để có tổng lực của linh lực, để vượt thoát mọi thăng trầm nhân thế, để vượt thắng của mọi mọi ám lộ của ba sinh.
Câu cuối của bài Suốt bãi sông Hằng, Tô Thùy Yên tặng Lê Hữu Khóa.
Hãy trở lại với định luận để định nghĩa thế nào là tâm linh trong thi ca của Tô Thùy yên, để nhận ra tính đặc thù của văn hóa Việt, tính đặc trưng của văn minhViệt:
Chiều sâu tâm linh Việt
Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của nội dung lý trí, mà còn là chiều sâu của tư tưởng Việt mang văn hiến riêng của Việt tộc. Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của trí tuệ, mà còn là chiều rộng của lịch sử Việt mang văn minh riêng của Việt tộc. Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của nhân phẩm Việt, mà còn là chiều dài của bản sắc Việt luôn biết mở cửa để song hành cùng văn hóa Việt. Cao, sâu, rộng, dài có độ bền của đạo lý đã được thử thách, có độ vững của đạo đức đã biết vượt qua thăng trầm; đạo lý bền biết đi trên lưng cái cực đoan để vượt thoát cái vô minh, đạo đức vững biết đi trên vai cái quá khích để vượt thắng cái vô tri.
Hiện thực tâm linh Việt
Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện lý thuyết, vì trong đời sống hằng ngày, mọi người có thể nghe được câu «thấy thương quá» tới tự lời nói thật bình thường của những người có lòng vị tha, muốn chia sẻ tức khắc nỗi khổ niềm đau với tha nhân. Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện trừu tượng, vì trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người có thể nghe được câu «nghe mà thương» tới từ một câu nói ngắn gọn của những người có lòng bao dung, muốn chia sẻ tức thì sự đồng cam cộng khổ với đồng loại. Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện viển vông, vì trong quan hệ hằng ngày, mọi người có thể thấu được câu «càng nhìn càng thương» tới từ một phản xạ nhanh nhẹn trong sáng suốt của những người có lòng rộng lượng, muốn chia sẻ tức thời chuyện đồng hội đồng thuyền với đồng bào mình. Đạo Phật biết mang hiện thực này đến để chia sẻ với Việt tôc về vô lượng tâm qua các Tâm kinh: «nhìn đời bằng mắt thương» để làm sáng lên lòng vị tha, lòng bao dung, lòng rộng lượng của Việt tộc.
Tuệ giác tâm linh Việt
Câu chuyện tâm linh không quan hệ gì tới câu từ tâm linh bị lạm dụng trong ngôn ngữ hiện nay bị mê hoặc bởi mê tín về cõi âm nào đó mà nhiều thành phần xã hội hiện nay đang bị lôi kéo, để bọn đầu cơ mê tín trục lợi ngay trên mê lộ của họ. Tuệ giác của tâm linh kết hợp thuần thạo sự thật, chân lý, lẽ phải để tạo ra cái đẹp của đạo đức, cái hay của đạo lý, cái tốt của luân lý, từ đó tuệ giác tâm linh luôn ngược hướng, trái chiều với mê tín, vì nó mang sự tỉnh táo của lý trí, sự sáng suốt của trí tuệ, có liên minh cứng cáp là minh triết trong lý luận, có minh luận trong hành động. Tuệ giác của tâm linh thấy đường đi nẻo về của nhân tính, nhận ra nhân vị nhờ nhân bản, hiểu rõ nhân tri nhờ nhân từ, thấu sâu nhân đạo nhờ nhân nghĩa. Mê tín bị mê hoặc trong mê lộ còn đang mò mẫm dưới chân đồi, thì tuệ giác của tâm linh đã tới đỉnh núi với nhân cách thư thả của nhân tri thư thái để nhận diện mọi chân trời mà không bị một trở lực nào vùi, lấp, che, choáng được.
Nội công tâm linh Việt
Nơi đây, nội công tâm linh mang tính thiêng liêng với các giá trị đạo đức tối cao bắt con người lầm đường lạc lối phải suy nghĩ lại, phải cân, đo, đong, đếm lại từ hành vi tới hành động của mình để tìm lại con đường hay, đẹp, tốt, lành của đạo lý. Nội công tâm linh không phải là chuyện thể lực thuần túy, mà là chuyện của trí lực biết bao dung, là chuyện của tâm lực biết dung thứ: phải dung kẻ dưới mới là lượng trên (Nguyễn Du).
Bản lĩnh tâm linh Việt
Có tầm vóc, có nội công sẽ có bản lĩnh, nhưng các giá trị tâm linh không cần bản lĩnh của xảo thuật để thành công, cũng không cần bản lĩnh của mưu lược để thoát hiểm, nên không cần luôn bản lĩnh của mưu trí để tồn tại trong tính toán. Các giá trị tâm linh được sống ngay trong ánh sáng của chuyện con người yêu cái đẹp, thích cái hay, quý cái tốt, trọng cái lành, nó vượt lên nên vượt xa chuyện tính toán để lời lỗ, để hơn thua, để đọ tài, để thi sức. Bản lĩnh của các giá trị tâm linh tự tin nên tự tại, tự trọng nên tự do trước mọi mưu kế, mưu đồ, nó đi trên mọi cái đầu của vị kỷ, nó đi xa hơn mọi con tính ích kỷ, vì nó đại trí nên nó thoải mái trên đại lộ của mọi nhân lộ.
Tầm vóc tâm linh Việt
Trong khu vực của tam giáo đồng nguyên, khi đánh giá về các loại chiến thắng trên mọi mặt trận từ chính trị tới quân sự, từ văn hóa tới giáo dục, từ luân lý tới đạo đức… người xưa xếp loại từ thấp lên cao: thắng nhỏ là thắng mà phải dùng: lực; cao hơn là chiến thắng khi biết dụng: trí, cao hơn nữa là dùng: đức, và cao hơn cả là thắng là nhờ: đạo! Đây là toàn thắng. Đạo của nhân đạo tới từ chính nghĩa có lý luận làm nên chính đạo, mang giá trị của nhân đức, có nhân trí của nhân tính, có nhân lý của nhân vị, có nhân văn của nhân bản, tầm vóc của tâm linh chắc chắn là ở đỉnh cao giữa đức và đạo. Thắng được đối phương với sự khâm phục của đối phương, với tầm vóc giúp đối phương cùng thắng với ta, từ đó đối phương không còn là đối thủ, nên không bao giờ trở thành tử thù với ta. Mà ngược lại, chính đối phương tìm tới ta, tiếp nhân sinh quan vị tha của ta, nhận thế giới quan rộng lượng, đón vũ trụ quan khoan dung của ta; đây mới là toàn thắng qua đạo! Thắng vinh quang, thắng bền vững vì biết «cải tử hoàn đồng» cái xấu, tồi, tục, dở giúp nó hóa thân vào cái hay, đẹp, tốt, lành. Hãy nhận ra tầm vóc của Nguyễn Trãi: lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo, để thấy tầm vóc tâm linh Việt tộc.
Cấu trúc tâm linh Việt theo chiều sâu
Xin được đi từ trên xuống dưới, bắt đầu bằng đạo, đi tiếp tới đức, qua nẻo của trí, cùng lúc tránh xa lực (bạo lực), mẹo (mưu kế) vì chúng quá thấp so với các yêu cầu của các giá trị tâm linh, nhưng tác giả sẽ đi trên hai con đường luôn cần sự có mặt của tâm linh để vấn nạn các khổ đau mà Việt tộc đã cam nhận trong lịch sử cận và hiện đại của mình. Cấu trúc lý luận của tiểu luận sẽ bắt đầu bằng tâm đạo để đi tìm chiều cao các giá trị tâm linh thừa kế của tổ tiên, nhận diện được sự đặc sắc của các kinh nghiệm tâm linh của Việt tộc, nhất là qua các kinh nghiệm của Thiền tông, từ đời Trần tới cõi tâm linh mà thiền sự Thích Nhất Hạnh đã trao truyền cho thế giới. Rồi đi tới tâm đức đã có từ lâu trong sáng tác thi ca của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và tiếp tục trên con đường tâm trí qua nhiều tác giả, nơi mà tâm linh chính là trí lực của nhân lý. Theo chiều sâu lịch sử của Việt tộc, tiểu luận dừng lại trước các oan khiên của đất nước, để hiểu tâm cảnh qua hoàn cảnh của chiến tranh, tâm phận qua hậu quả của nội chiến huynh đệ tương tàn thế kỷ XX vừa qua, cuối cùng là đi sâu vào tâm nạn tới từ bạo quyền độc tài lập nên nhà tù cải tạo sau 1975, giờ đã tới tà quyền là “hèn với giặc, ác với dân” để cảm nhận bi nạn của Việt tộc.
***
Tâm đạo, tâm đức, tâm trí trong các giá trị tâm linh là để giúp người vì quý người.
Tâm cảnh, tâm phận, tâm nạn trong trong thi ca tô Thùy Yên đưa các giá trị tâm linh để cứu người vì thương người.
Nice, tháng 4.2019






blog counter




java hosting vpn norway

1 nhận xét:

Angelika nói...

Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)