“…Mày nghĩ, tụi mình như cánh gió
Ai đi nhốt gió được bao giờ?...”
THƯ PLEIME
(trong tập thơ Theo Cánh Gió Bay)
(Anh Tuyến)
Tao được thơ mày cả tháng nay
Hành quân liên tiếp suốt đêm ngày
Lưng không rời giáp, tay rời súng
Liên lạc thì không có máy bay
Tao vẫn luôn luôn nhớ tụi mày
Nhớ Sài Gòn đẹp nắng vàng hây
Nhớ đường Lê Lợi ngập hoa nắng
Nhớ ngõ Tam Ða tà áo bay
Pleime suốt tháng mưa dầm dề
Mày ơi, thèm quá khói cà phê
Thèm tô phở tái thơm chanh ớt
Thèm rót bọt đầy một cốc bia
Xi Nê mày vẫn xem phim chưởng?
Băng nhựa còn thu nhạc Khánh Ly?
Những chiều thứ bảy còn đi nhót?
Hay lén ông già nhậu whisky?
Năm nay mày có lên đại học?
Hay thôi, xếp sách nhập quân trường?
Mày tính vào Dù hay Lục Chiến?
Tao chờ mày nhé, ải biên cương
Hôm qua thằng Tiến dẫn quân ngang
Giữa rừng gặp bạn mừng hơn vàng
Ôm nhau, hai đứa cười ha hả
Râu tóc bù xù như cái bang
Mày nghĩ, đã lâu không được tắm
Hành quân liên tiếp giữa rừng già
Ăn thì gạo sấy nhai qua bữa
Tối ngủ nằm sương lạnh cắt da
Hôm qua địch pháo giữa ban ngày
Tao bị thương xoàng ở bả vai
Mảnh đạn còn ghim trong thớ thịt
(Mày đừng có nói mẹ tao hay)
Mẹ tao không biết giờ ra sao?
Còn khóc đêm trường để nhớ tao?
Còn giận tao là thằng bất hiếu
Xem tình cha mẹ như chiêm bao
Mẹ tao chỉ muốn tao quanh quẩn
Lính kiểng châu thành, lính phất phơ
Mày nghĩ, tụi mình như cánh gió
Ai đi nhốt gió được bao giờ?
Những đêm biên cảnh sống xa nhà
Cũng thấy đôi lần nhớ xót xa
Cũng có đôi lần tao muốn khóc
Muốn về thăm mẹ… thế nhưng mà…
Thôi nhé, thư sau tao viết tiếp
Trực thăng đã đáp trong vòng đai
Tản thương lính đã đưa lên đủ
Tao viết thơ này vội gởi ngay
./.
Bài cảm nghĩ của Khôi An phát biểu trong buổi ra mắt tập thơ Theo Cánh Gió Bay:
“Thưa quý vị, từ đầu buổi ra mắt sách đến bây giờ, chúng ta đã được nghe những người thân trong gia đình của tác giả và những bậc niên trưởng trong quân đội chia sẻ nhiều kỷ niệm và cảm xúc về tác giả Anh Tuyến cũng như về con trai ông, Cố Trung Úy Lê Anh Thái. Bây giờ Khôi An (KhA) xin phép có đôi lời về cảm xúc của một người đọc đối với tập thơ Theo Cánh Gió Bay (TCGB).
Trong chúng ta ở đây, có những người đã đọc cả tập thơ của tác giả Anh Tuyến, có người chỉ mới đọc một, hai bài thơ hay vài câu thơ, nhưng KhA tin rằng khoảnh khắc gặp gỡ đó đã làm rung lên sự đồng cảm sâu xa, hay nói khác đi, người đọc gặp chính tình cảm của mình trong lời thơ. Có thể đó là tình quê hương pha chút ngông nghênh của tuổi trẻ thời chiến, có thể là nỗi cay đắng trước cuộc chiến quá dài và tang thương, có thể đó là tình thương bao la của phụ huynh giành cho con cháu, và rất có thể đó là nỗi đau mà hầu hết chúng ta, những người làm cha mẹ, ai cũng thấu hiểu và sợ hãi – đó là nỗi đau tre khóc măng.
Năm 1972 là năm chiến tranh khốc liệt nhất trong cuộc chiến VN, và trận Cổ Thành Quảng Trị – kéo dài gần 3 tháng, là trận máu lửa kinh hoàng nhất của năm 72 khốc liệt đó. Con ruột của tác giả, Cố Trung Úy Lê Anh Thái và con nuôi là Cố Trung Úy La Vĩnh Khâm đã tử trận trên đường vào Quảng Trị cách nhau chỉ 1 tuần, khi họ mới 25 tuổi.
Tập thơ TCGB chính là tiếng khóc con của tác giả.
Áo quan liệm kín đời trai trẻ!
Tay súng buông xuôi trả nợ đời!
Máu đỏ còn tươi lòng Quảng Trị.
Nghĩa trang, mồ lạnh, cỏ lên rồi.
Có thể nói rằng hơn 30 bài thơ của TCGB có hai chủ đề, thứ nhất là tác giả viết dùm cho tâm sự của con trai, và thứ hai là những tiếng lòng của tác giả.
Sau khi Cố Trung Úy Lê Anh Thái ra đi, những di vật của anh đã được trao lại cho cha là tác giả Anh Tuyến. Những di vật đó đã đem lại cho ông những cảm xúc sâu đậm, ông nói “khi lần giở từng trang nhật ký, đọc lại từng cánh thư Nó đã viết vội vàng từ những vùng hành quân hẻo lánh tôi mới lần lần hiểu được những khía cạnh tế nhị và thầm kín của tâm hồn Nó.”
Ông ví các con ông như một quả bóng đã bay ra khỏi tay, và bằng tâm trạng của một người vội vã ghi nhớ hình ảnh vừa vuột mất đó, tác giả đã đọc đi đọc lại những tâm sự của con cho đến khi nó trở thành ký ức của ông. Ký ức đó được ghi lại qua những bài thơ. Chẳng hạn khi nói về sự tự hào của Cố Trung Úy LAT với bình chủng Nhảy Dù, ông viết:
Sương nắng không phai màu mũ đỏ!
Hoa dù lộng gió giữa trời xanh..
Và nỗi lòng của người lính chiến đứng canh gác ở một nơi hẻo lánh, rất xa nhà:
Chót vót chòi canh đỉnh Dakto,
Mưa dầm nặng hột thấm poncho
Đồi xa sương trắng bay như khói
Đại bác biên phòng, tiếng nhặt thưa…
Qua cuốn nhật ký của con trai, ông cũng đã đọc được những thương yêu nồng nàn nhưng bàng bạc xót xa của Cố Trung Úy LAT dành cho người vợ trẻ, chẳng hạn như trong bài Đêm Yêu:
Đôi ta yêu nhau đêm nay thôi,
Tinh sương ngày mai anh đi rồi.
Đường ra biên ải xa xôi lắm!
Ta có thương nhau, chớ ngậm ngùi…
Nằm đây nghe em, trong vòng tay,
Em lạnh không em? Đắp chăn này.
Trời Hạ Lào trăng đêm lạnh buốt
Không ấm nào bằng ấm đêm nay…
Trong chủ đề viết cho tâm sự của con, bài thơ mà KhA thích nhất là bài Đêm Noel. Khác với âm hưởng trang trọng và hơi cổ điển của những dòng thơ 7 chữ, bài này làm theo thể thơ 5 chữ, nhẹ nhàng như những lời nói.
Đêm nay đêm Noel
Phố xá đều giăng đèn…
Người đi đầy các ngõ
Người đi vui suốt đêm…
Đêm nay đêm Thánh thiện
Mừng Chúa đã ra đời
Nhà nhà đều vui vẻ
Người người đều tươi cười…
Sao con còn đứng đây
Trong hố cá nhân này?
Đầu con đội nón sắt,
Bá súng con cầm tay,
Chung quanh con là núi,
Chung quanh con là cây,
Chung quanh là vắt muỗi,
Chung quanh con tối dày!
Đêm nay đêm Thánh Thiện,
Tại sao con đứng đây?
Bằng những lời đơn giản tác giả đã vẽ lên bức tranh Hy Sinh tuyệt đẹp của người lính trẻ, cô đơn đứng gác cho đêm vui của mọi người được trọn vẹn. Hai câu cuối “Đêm nay đêm Thánh Thiện, Tại sao con đứng đây? “ đã nói lên sự chua chát của những người lính chiến một cách nhẹ nhàng nhưng lưu lại biết bao cảm xúc và suy nghĩ cho người đọc.
Chủ đề thứ hai của TCGB là những cảm xúc xé lòng của người cha mất con. Mở đầu tập thơ, tác giả đã viết:
“Khi viết lại những trang sử năm 1972, người ta sẽ nói đến công hay tội (của các tướng lãnh). Có ai nhắc đến một LÊ ANH THÁI, đã ngã gục dưới cờ, ngay bên chân Cổ Thành Quảng Trị? “
Điều tác giả không ngờ là con trai ông đã sống mãi qua những giòng thơ của ông. 47 năm sau, qua tập thơ, những người đọc như Khôi An đã biết về chàng trai trẻ LAT có hàng ria mép đẹp, rất hồn nhiên, khá bướng bỉnh, thích uống rựợu, hay cười hô hố, có một tình yêu rất đẹp với một nữ sinh mười tám tuổi, và cũng rất là can trường, và rất mê đời lính.
Chàng trai LAT tình nguyện vào Nhảy Dù, một trong những đơn vị tác chiến oai hùng mà cũng nguy hiểm nhất. Anh đã từng vượt qua gian khổ, từng lập chiến công, nhưng đối với cha mẹ, anh vẫn là “thằng con nhỏ”. Nhà thơ Anh Tuyến viết:
Từ độ Nó lên đường,
Gót giày đinh ngập bụi,
Lăn-lóc đủ mười phương…
Giọt mồ hôi đã đổ
Ướt đẫm đất quê hương…
Mấy lần rơi máu đỏ
Nhuộm thắm cát sa-trường!
Ôi! giọt máu mến thương.
Giọt máu thằng con nhỏ!
Tóc xanh còn vấn vương…
Mắt xanh còn bịn-rịn…
Máu đỏ tuổi yêu –đương!
Máu tươi tình cốt nhục!
Máu tươi tình quê hương!
Khi Cố Trung Úy LAT ngã xuống trên đường tiến vào Cổ Thành một chiều Hè 1972, để lại vợ mới cưới chỉ 19 tuổi và đứa con mới chào đời được hai tháng, tác giả đã thương tiếc bằng những câu xé lòng như:
Những ki đất đổ dồn vào đáy huyệt,
Xây trường thành ngăn cách giữa cha con.
Tiếng cuốc xẻng đập đều trên mặt mộ,
Cha nghe như tiếng búa bổ tan hồn!
Như KhA đã nói lúc đầu, điều quý giá nhất của tập thơ TCGB là nó chạm vào cảm xúc của người đọc. Người đọc đau xót cho nỗi đau thương của ông và cả của con dâu ông, một trong những “góa phụ ngây thơ” của cuộc chiến.
Long lanh giọt lệ mắt người yêu,
Xuân chửa tròn xuân, nắng đã chiều,
Chăn gối nửa chừng, chăn gối lẻ,
Cho vòng hoa trắng lạnh lùng treo.
Và cảm động nhất là lời tác giả viết cho cháu gái bé bỏng:
Tuổi chưa đầy hai tháng
Thấy Mẹ chưa biết đòi…
Chưa làm gì nên tội
Trời đã bắt mồ côi!
Cha nó là lính chiến
Đi trận đã chết rồi!
Mẹ nó còn thơ dại
Mới mười chín tuổi đời…
Lấy gì nuôi con côi?
Thưa quý vị, KhA nghĩ tất cả chúng ta ở đây đều mang ơn những người lính đã ngã xuống. Hơn nữa, cha mẹ, vợ con họ đã gánh những đau khổ nhất của cuộc chiến thay cho chúng ta.
KhA xin mời quý vị mua TCGB như một chia sẻ không chỉ với những người đã khuất mà còn với những TPB sẽ được giúp đỡ bằng tiền bán sách.
Cuối cùng, KhA xin được kết thúc bằng lời của chính tác giả:
Máu con tôi đổ tặng Đời
Tôi đem góp lại viết lời thương ca…
Thơ tôi viết bằng máu
Thơ tôi viết bằng xương…
Tôi viết bằng tình thương…
Tôi viết bằng nước mắt…