Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

(Tài liệu) Lời qua tiếng lại trên văn đàn trước 1975


















THANH TÂM TUYỀN bênh vực TRẦN TUẦN KIỆT 





TRẦN PHONG GIAO vs. VŨ HOÀNG CHƯƠNG trên VĂN









PHẠM CÔNG THIỆN vs. NGUYÊN SA trên KHỞI HÀNH

THẾ UYÊN tranh luận trên VĂN HỌC 










HÀNH TRÌNH CỦA TẠP CHÍ VĂN HỌC (1962-1975) - 

Trần hoài thư

Văn Học được ra đời do một số người trẻ nhập cuộc. Họ là những học sinh, sinh viên của các trường Trung học, Đại học trên toàn quốc, và một số đang du học tại ngoại quốc nhưng đã cùng nhau chung một lý tưởng thực hiện một tờ tạp chí nghiên cứu và phê bình về văn hóa và chính trị để làm diễn đàn chung cho những thanh niên tự do tại Miền Nam.
Số đầu tiến phát hành vào tháng 11- 1962 trong thời Đệ nhất Cọng Hòa, và số cuối cùng là số Mùa Xuân 75, kéo dài  được 13 năm – số tuổi xem như rất thọ so với các tạp chí văn học miền nam khác  , ngoại trừ chỉ sau  tạp chí  Bách Khoa. Từ số 1 đến số 72 (1-5-67), khổ báo khổ lớn (15×25 cm). Từ số 73 đến số cuối cùng khổ giấy loại nhỏ (14×20 cm).
Hai năm đầu, báo được phát hành mỗt tháng một kỳ, sau đó, báo đổi thành bán nguyệt san, phát hành mỗi nửa tháng một kỳ (kể từ số 21).
Chủ nhiệm đứng tên là Phan Kim Thịnh, nhưng chủ bút thì thay đổi ba lần. Hai năm đầu (1961-1963), chủ bút là Dương Kiền, sau đó chủ bút là Phan Kim Thịnh. Tiếp đến vào năm 1966 là  Nguyễn Đình Toàn (từ số 63 ngày 1-9-66  đến số 69 ngày 15-11-66). Sau đó vai trò chủ bút lại được giao lại cho Phan Kim Thịnh.
Hai năm đầu (từ  số 1 đến số 20), tạp chí nhắm vào thành phần thanh niên sinh viên như tiêu đề trên bìa của tạp chí: Nguyệt san văn hóa xã hội nghệ thuật. Diễn đàn sinh viên Việt Nam tự do.Mỗi số báo đều có mục liên quan đến sinh viên như  Sinh Hoạt Sinh Viên do Trần văn Ngô, Phương Khanh, Hà Thanh phụ trách… Cọng thêm vào những bài viết liên quan đến  những vấn đề  của sinh viên như “vài tâm trạng nghịch thường của thanh niên trước những giá trị xã hội (Dương Nhất Nhân – số 1),  Sinh Viên và trí thức lảnh đạo (Quan điểm, số 2), Chính sách sinh viên (Quan điểm, số 3), cái nhìn của người sinh viên (Nguyễn Vũ, số 4),. Dân chủ hóa nền đại học (Quan điểm, số 5), Chỉ huy hay hướng dẫn (Quan điểm, số 6) hay  mỗi số có mục Vấn Đề của chúng ta ví dụ: Bài trả lời ông Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng đãi học văn khoa SG của Văn Học(số 4), Nhân các kỳ thi: Đặt lại vấn đề nguyên tắc (số 6) v.v….
Sau số 20, tiêu đề Diễn đàn sinh viên Việt Nam tự do được lấy ra, và nội dung Văn học có tinh cách khai phóng hơn, ảnh hưởng nhiều bởi thời sự. Sau 1965 chiến cuộc càng lúc càng leo thang, những người cọng tác viên trẻ phải vào quân ngũ, hay xa Saigon, để lại một khoảng trống lớn cho Văn Học. Cọng vào sắc luật 007 đã khiến chủ trương của Văn Học từ một tờ báo chính trị văn học đổi sang một tờ báo thuần túy văn học kể từ năm 1968.
Sau  đây là những điểm  nổi bật  của tạp chí Văn Học :
  1. Văn Học là tạp chí đầu tiên đăng truyện viết về cuộc chiến miền Nam  ngay ở giai đoạn phát khởi (Năm 1963).  Đó là truyện ngắn Khu rừng Mùa Xuân của Vương Thanh và Lớp lớp phù sa của Vương Trân Nam ( VH số 3  tháng 1 năm 1963). Vẫn là sự tàn bạo của chiến tranh. Và dạt dào nhân bản của người lính miền Nam:

“- Khà, khà, này bị thương giống tao, nhưng mày thiếu may mắn hơn vì mày không có dao và súng. Tụi nó không để lại cho mày một khẩu súng nào à ? Chắc tụi nó tưởng mày đã chết rồi, mà mày thì chết thật rồi, chỉ tao, còn một con dao, thế là tao sống ha… ha… cười lên mày, hỡi thằng bé không thù oán của ta.
Thức lật xác hắn nằm úp xuống để khỏi phải nhìn vào mắt hẳn, nhưng chân tay anh đã run bắn và lạnh cóng. Anh gối đầu hắn lên ngực một tử thi khác cạnh mt hồ nước và đè lên hắn, khóc. Bỗng Thức đứng dậy, lảo đảo, ngã dúi mấy lần. Anh hoa mắt, vết thương hả miệng lở loét như một nụ cười đẫm máu. Thức ngã quỵ xuống, chồng lên xác hẳn, thân mật và bạn bèẻ. (Khu rừng mùa xuân, VH số 3, trang 58)

  1. Văn Học là tạp chí đăng những bài khảo luận về văn học miền Bắc đầy giá trị mà ít người biết.Đó là là những bài khảo luận của Sông Thai như  Đọc Vào Đời của HÀ MINH-TUÂN ( Cơ sở xuất bản Văn Nghệ Hà NộI 1963 (VH số 58 ngày 15-5-1966),  “Nguyễn Tuân, sau ba mươi năm cầm bút…” (VH chủ đề Nguyễn Tuân),  “Văn Cao, một nghệ sĩ tài hoa đang bị cuộc đời ruồng bỏ” (VH  115),  “Lê Đạt, chiến sĩ dũng cảm của phong trào trăm hoa đua nở” ( VH số 139), “Hoàng Cầm và sự nghiệp đấu tranh cho độc lập, tổ quốc và nhân phẩm con người (VH số 141).
    Bây giờ, được dịp đọc những bài viết của các nhà nhận định, nghiên cứu ở trong nước, càng thấy phục tác giả Sông Thai ở tài nhận xét  và khả năng lý luận phê bình của ông. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn đăng lại bài viết về Nguyễn Tuân trong số này.
  1. Văn Học qui tụ rất nhiều cây bút. đủ thành phần:
Ngày từ số 3, ta thấy  những nhà văn như Võ Phiến, Dương Nghiễm Mâu. Vũ Bằng, Nhật Tiến, Nguyễn thị Vinh, Linh Bảo, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Đinh Hùng, Thanh Lãng, Nguyên Sa bắt đầu có mặt trên Văn Học cọng thêm vào lực lượng chủ chốt của Văn Học như Viêm Đẩu, Nguyễn Hữu Dung, Thế Viên, Hoàng Vũ. Lê Đôn Khoan, Vương trân Nam, Dương Cự, Dương Kiền, Vương Thanh, Nguyễn Đông Ngạc , Trần Triệu Luật, Lôi Tam…  Một tên tuổi cọng tác rất tích cực và thường xuyên ngay từ số đầu  chuyên về lĩnh vực dịch thuật cũng như lãnh vực nghiên cứu văn học là Bác sĩ Hoàng văn Đức, tức Hoàng Vũ Đức Vân.
Kể từ năm 1964 trở đi, độc giả thấy sự góp mặt tích cực của những cây bút trẻ miền Trung hay những người mới cọng tác với  VH lần đầu. Số lượng này  càng lúc càng đông đảo:  Luân Hoán, Cao Thoại Châu, Thành Tôn, Hoàng Lộc, Chu Tân, Trần Dzạ Lữ, Đynh Hoàng Sa, Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Nguyễn Nho Nhượng, Sâm Thương, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ), Lê Đình Phạm Phú,  Thái Ngọc San, Phan Nhự Thức, Võ Quê, Khắc Minh, Trần Hoài Thư, Lê Nghiêm Vũ, Trần Hữu Nghiễm, Trần Xuân Kiêm. v.vv …
  1. Văn Học là tạp chí thực hiện rất nhiều chủ đề giá trị.
    Trước số 87 (1968), chủ đề của Văn Học thường mang tính cách thời sự ví dụ “Tưởng niệm văn hào Nhất Linh” (số 9 tháng 7-1963). “Những vấn đề của thời cuộc” (Số 10 tháng 8-1963), “Quê hương còn đau khổ” (số 23, 1-9-64), “Chúng tôi tố cáo: Hội đồng Nhân Dân cứu quốc, ông là ai?” “ Đối thoa6i giữa người Việt và người Mỹ” (Số 25, tháng 10-64) . “Chiến thuật biến hình của Cọng Sản” (sô 26), “cách mạng và phản cách mạng” (số 29) “Thơ văn chiến tranh” (số 36 ngày 15-4-65), “Nhận định thi ca” (Số 37 ngày 1-5-65), “Triết học – thi ca” (số 38 15-5-1965), “Đặt lại vấn đề thông tin văn hóa miền Nam”, “Tình yêu và văn chương” (số 40, 15-6-65) , “Quân đội và cách mạng” (số 43, 1-8-65),”văn chương phản kháng” (số 46, ngày 15-9-65), “Cách mạng Việt Nam đi về đâu?”, “Sinh viên Huế lên tiếng” (số 49 ngày 1-11-65), “Cuộc đời và triết lí của Socrate” (số 54 ngày 15 tháng 2-66), “Tiếng nói da đen” (Số 56, 15-3-66), “Thi ca da đen” (1-4-66) v.v..
    Sau số 87, vì sự khắt khe của luật 007, nên Văn Học quay sang việc giới thiệu những chủ đề văn học, vô thưởng vô phạt. Ví dụ:
    Bưu hoa và nghệ thuật (số 135),  Phú Đức: Tiểu thuyết gia miền Nam (số 136),  Nhà văn và thuốc phiện (số 137),   Những phụ nữ lưu danh trong Thi đàn Việt Nam (số 150),  Tìm hiểu quốc kỳ và quốc ca Việt Nam (Số 151),  Ái tình và thi sĩ ( Số 152), Khám phá danh tính dịch giả Chinh phụ ngâm (Số 153), Thi nhân và mùa thu (Số 154). Nghĩ về tiểu thuyết (Số 155)  Hiện tượng đọc truyện Quỳnh Dao (Số 156) v.v…
5. Văn học “đại thắng mùa hè” 1966
Thình thoảng trên  Văn Học có một mục dành cho sinh hoạt văn học nghệ thuật trong và ngoài nước.  Mục này thoạt đầu được lấy tên là Sinh Hoạt Văn Hóa, do nhiều người viết. Số 1 có Nguyễn Đức. Số 2 có Nguyễn Cao Đàm. Kể từ số 33 trở đi. tên “Sinh Hoạt Văn Hóa” được đổi thành “Chân Trời Văn Học”, do một tập thể phụ trách ghi nhận “chuyện trong làng”, “chuyện ngoài làng” (Phương Khanh, Trần Liên Chi,  Trần Hoàng Oanh), Tràng Thiên chỉ ghi những tin tức sinh hoạt ngoài nước… Kể từ số 54, độc giả thấy Duyên Anh  xuất hiện trong mục Chân Trời Văn Học. Ông xuất hiện với cây viết và lưỡi gươm, mà bài “Một tác phong văn nghệ” của ông là một trận bão dữ nhắm vào báo Văn nói chung, và Trần Phong Giao nói riêng. Kết quả là mục “quét đình làng” mà Văn lập ra có mặt trên hai năm phải gỡ bảng hiệu. (Mời đọc bài viết của Ba Cận thị trong số này).
Xin nhớ rằng Trần Phong Giao đã có mặt trên Văn Học ngay từ số đầu tiên, đã có một số bài dịch trên Văn Học.

Kết luận:
Văn Học, mặc dù là tờ báo được chủ trương bởi những người không chuyên nghiệp, nhưng nhờ sự nhiệt tình và dấn thân  của tuổi trẻ, nên tạp chí đã vượt tất cả những trở ngại để biến thành một tạp chí có tầm cở của miền Nam.  Để bạn đọc biết được nỗi thăng trầm của tờ báo, chúng tôi xin đăng lại lá thư của tòa soạn, viết vào năm 1974, kỷ niệm Văn Học bước vào năm thứ 12:

“ Mười hai năm trước, chúng tôi còn là những học sinh, sinh viên của các trường Trung học, Đại học trên toàn quốc, và một số đang du học tại ngoại quốc nhưng đã cùng nhau chung một lý tưởng thực hiện một tờ tạp chí nghiên cứu và phê bình về văn hóa và chính trị để làm diễn đàn chung cho những thanh niên tự do tại Miền Nam. Hoài bão trên chúng tôi đã thực hiện được tờ Văn Học số 1 phát hành ngày 1 tháng 11 năm 1962 với hình thức trang nhã. và nội dung các sáng tác của các bạn trẻ đóng góp. Thêm vào còn số sự giúp mặt của các vị giáo sư, nhà văn tên tuổi trong nước. Vì vậy khi Văn Học được phát hành đã được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt.
Với thành quả trên, hôm nay chúng tôi một lần nữa xin chân thành gửi đến bạn đọc và các thân hữu lời cảm tạ. Mười hai năm vừa qua, vì chính tình Việt nam đã đổi khác. Bao biến cố dồn dập, báo chí nước nhà đã lâm vào tình trạng khủng hoãng, giấy in báo năm 1962 là 50 đồng một ram mà nay năm 1974 đã 800 đồng một ram, một tờ tạp chí khi trước bán 10 đồng một sẽ tòa báo thâu về đã dư gỉa, nay phải báo 250 đồng một số mà tòa báo còn ngất ngư thiếu hụt không có tiền trả tiền bài cho anh chị em. Thêm vào hoàn cảnh kiềm duyệt, và sắc luật 007 đã làm một số văn nghệ sĩ gác bút, và nhiều tờ báo TỰ Ý ĐÌNH BẢN. Riêng chúng tôi vì được bạn đọc khuyến khích tinh thần nên đã cố gắng còn có mặt đến ngày hôm nay trong làng Báo miền Nam. Nhưng sự cố gắng này chúng tôi đã phải buộc lòng thay đổi nội dung từ chủ trương chính trị sang chủ trương văn liệu để tránh cho sự trở ngại xuất bản. Hơn nữa những bạn trẻ có nhiệt tình với thân phận đất nước những năm 60-68 đã góp mặt trong Văn Học, nay đã mỗi người một phương trời.  Một số kẹt trong quân ngũ, một số ngã gục .. Vì vậy thực hiện một nội dung Văn Học như những măm 62- 68 ngày nay không thể làm được.Nhưng để khỏi phụ lòng bạn đọc đã và đang dành cho Văn Học từ mười hai năm qua, những tháng, năm vừa qua chúng tôi đã cố gắng thực hiện những chủ đề văn liệu hửu ích để gửi đến bạn đọc….”

(Trích Văn Học ( giai phẩm) chủ đề Nguyễn Du, năm 1974)






blog counter
java hosting vpn norway

Không có nhận xét nào: