DOWN LOAD TẬP THƠ TUYỂN TÔ THÙY YÊN
Cho đến buổi chiều, khi chiếc trực thăng đổ quân xuống bên kia bờ Phá Tam Giang, chúng tôi mới chợt khám phá những lời thơ trong nhạc phẩm quen thuộc “CHIỀU TRÊN PHÁ TAM GIANG” của Tô Thùy Yên do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ thành ca khúc, có nhiều câu hay và hợp tình với cảnh ngộ chúng tôi lúc bấy giờ... Giữa những tràng đại pháo bắn vào mục tiêu và đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang chuẩn bị tiến vào Cổ Thành Quảng Trị. Người lính vẫn điềm nhiên kiêu hùng lãng mạn:
... Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em, nhớ bất tận...
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới hai hàng cây thẳng im ngủ...
Ở thành thị không khí chiến tranh chưa bị ô nhiễm, những người con gái có người yêu ngoài trận mạc chỉ thoảng chút lo âu, khắc khoải, đợi chờ. Người lính vẫn nhớ tới em, nhớ tới cuộc tình hẹn hò đầy thơ mộng:
Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi sát hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên đường
Như những đóa hoa vụt chóng nở
Rồi có thể em vào quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa đám ghế bàn quen thuộc
Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh...
...Nghĩ tới những điều mà em sợ phải nghĩ tới
Và nghĩ tới anh,
... nghĩ tới anh.
Chúng ta không thể nào không biết đến những hàng lớp thanh niên ra ngoài trận chiến, mỗi giây phút phải đối đầu với những chuyện hiểm nguy. Sự sống và nỗi chết không còn biên giới. Có thể tiếng cười thoạt mới rộn rã bỗng tắt lịm bởi một tràng đạn bắn lén của quân thù. Tâm trạng của người chiến sĩ ray rứt mông lung. Lớn lên, bỗng dưng phải chấp nhận cuộc chiến thật phi lý. Nhiều khi đứng trên đỉnh đồi giữa khu rừng núi Khe Sanh - Ái Tử, dưới chân là ngổn ngang xác ta và địch sau một trận chiến ác liệt, màu da vàng, khuôn mặt trẻ thơ, nằm chết như ngủ say trên cỏ tranh, hiền hòa không chút thù hận, lòng ta bỗng gợn lên những xót xa. Người từ phương Bắc xa xôi băng rừng lội suối tới. Bạn ta từ phương Nam trực thăng vận ào ào lên đây, để rồi cùng bỏ thây trên đỉnh núi này. Những con chốt thân phận nhược tiểu qua sông trên bàn cờ chính trị quốc tế thật đau lòng. Và cả hai đều cứ tưởng mình chết để vinh danh Tổ Quốc Dân Tộc.
Trước mặt, những người lính còn lại vẫn an nhiên uống rượu với tử thần:
...Ta chắt cho nhau giọt rượu sót
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây
Giờ cất quân, đưa tay bắt
Ước cõi âm còn gặp để say...
(Anh Hùng Tận)
... Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
Áo quan phong quốc kỳ oanh liệt
Niềm thiên thu đầm cổ xa tang
Quê ta không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thân tình...
(Qua Sông)
Cuộc chiến mỗi ngày bùng vỡ giữa hai ý thức hệ Cộng Sản và Tự Do. Hay nói khác hơn là cuộc chiến quyết liệt giữa hai ý niệm ác và thiện. Cái ác đầu độc tư tưởng sắt máu, hận thù, hiểm độc, ngụy taọ tuyên truyền giải phóng... Với mục đích xâm lấn lãnh thổ và triệt hủy văn hóa tự do, nhân bản! Cái thiện với bản chất nhân đạo, chống giữ bằng thái độ bao dung khoan hòa và tình người. Người lính Quốc Gia vừa cầm súng chiến đấu vừa yêu nhạc Trịnh Công Sơn và thích thơ Xuân Diệu, Huy Cận... một cách thoải mái. Người lính phương Nam chiến đấu trong tư thế tự vệ. Đối diện với quân thù, nếu không chiến đấu sinh tồn sẽ tự sát. Đơn giản thế thôi “...Họ vào sinh ra tử lúc nào cũng khơi khơi, coi cái chết như không, coi chuyện đời như phù vân, coi kẻ thù như một lũ khờ dại đáng thương, coi “Chính nghĩa” như chuyện nhảm nhí, chỉ có hạng mê muội mới hăng say...” (VHMN-Tổng Quan-Võ Phiến).
Buổi chiều uống nước giòng Ma-hý
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang-Khinh
Hỡi ôi! Sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình...
(Thảo Khấu - Nguyễn Bắc Sơn)
Bậc thánh triết là những tay biếng nhác
Sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh
Kết bạn bè cùng cây cỏ vô minh
Rất chán ghét những trò chơi thế sự...
(Đại Lãn - Nguyễn Bắc Sơn)
(Văn Học Miền Nam - Tổng Quan - Võ Phiến).
Ở thủ đô đầy ánh sáng, người ta say mê với những điệu luân vũ hơn theo dõi những tin tức nóng bỏng từ chiến trường xa. Những chán nản rã rượi trước những nguồn tin phóng đi từ vô tuyến truyền thanh, từ báo chí trong và ngoài nước. Lời tuyên dương Stanley Karnow khi nhận giải Pulitzer với lý do: Anh ta đã có công sưu tầm những tổ chức một cách xác thực đến đường giây buôn lậu quốc tế khủng khiếp đang xảy ra giữa ban ngày tại miền Nam và đã dùng ngòi bút miệt thị tận tình để bôi đen hình ảnh hào hùng của Quân Đội VNCH. Những lớp trí thức khác gục đầu lên những trang sách hiện sinh, nôn mửa của Camus, Sartre... như một kiểu cách thời thượng. Đêm vẫn dày đặc, tỏa mù khói thuốc bên những chai Hennessy đắt tiền. Bên những cô gái sặc sụa giọng cười như mảnh thủy tinh vỡ vụn, nhầy nhụa với âm thanh những lời ca lê thê não nề, khuấy động tâm tư con người bi lụy trứơc cảnh tang tóc đau thương của chinh chiến. Ai chết mặc ai. Người lính, chiến đấu trong cô đơn. Tuy nhiên những đoàn quân bảo vệ đất nước vẫn ngày đêm tiếp tục chiến đấu, hy sinh trong thầm lặng. Xót xa từng trang sử máu đau thương. Cuộc chiến thiếu công bằng trong mắt nhìn của thế giới. Trò chơi biển lận của những tên lái buôn chính trị đầy xảo quyệt. Chiến tranh bị xuyên tạc dối trá từ những hệ thống tuyên truyền tồi tệ đó, lan rộng khắp thế giới, tạo nên trạng thái tâm lý vô vọng, hầu như mọi người lính có lương tri và liêm sỉ đều biết. Dĩ nhiên người lính, người thi sĩ, biểu hiện trí thức miền Nam Tô Thùy Yên cũng cảm thấy nỗi ưu tư dây chuyền sâu sắc của người lính nơi trận mạc. Và Tô Thùy Yên đã cảm thông định mệnh oan nghiệt mà thế hệ cùng thời với ông đã nhận phận khổ đau:
...Bảo xác chết làm phân bón hòa bình
Chúng nó giết người trong nhà ngoài ngõ
Chúng nó giết người như dọn rừng hoang
Một tiếng thôi tư bản hay vô sản
Không ai đứng ngoài cuộc báo thù này
Nát thân tôi đường mã tấu hai phe
Tôi ngã quỵ đôi bàn tay sạch sẽ...
(Ngoại Cuộc)
...Và tôi xử tử tôi
Giữa ngõ tắt đưa về định mệnh...
(Tội Trạng)
...Tôi thổ huyết cuồng mê như núi lửa
Thiêu hủy hình hài ăm ắp chất cô đơn
Rồi trời đất hừng đông như trứng vỡ
Tôi đã đầu thai thức dậy đỏ sơ sinh
(Kiếp Khác)
Thi sĩ Tô Thùy Yên đã thể hiện ý thức chán chường
qua những chặng sống thê thiết buồn bã xót xa. Thực sự anh đã hoàn toàn đánh mất niềm tin, lịch sử đang bị bỏ quên trong huyệt mộ:
...Tôi chạy cắm đầu trên sợi kinh hoàng
Giăng qua đôi bờ vực lạnh hư vô...
Anh sống làm quen cùng cái chết
Liếm lấy mặn mà trên đau thương
Chìm mãi xuống em và mất tích
Như mặt trời rã trong nước loang...
(Hải Phận)
Sự phẫn nộ và nguyền rủa ý đồ của những kẻ đầy tham vọng gây chiến tranh của thi sĩ, như viên sỏi rơi chìm trên mặt hồ trầm lắng của thế nhân. Anh hét lớn trong thinh không như một niềm bi phẫn với trời đất “...Hú dài một tiếng lạnh về hư không!” (Không Lộ)
...Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ...
(Trường Sa Hành)
Tôi hiểu được niềm ưu tư ray rứt của thi sĩ, vì ông đã đến với người lính tận cùng nơi chốn trận mạc, đã cười đùa với cái chết cận kề, và cũng đã hồn nhiên tham dự vào cuộc chơi đầy phi lý:
...Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân, trừ tính được thua
Hỡi ai tráng sĩ mài dao nhọn
Xin nhớ đời không mỗi sắc vua
(Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)
Chưa có nhà thơ quân đội nào đề cập đến hình ảnh người lính trong thơ tuyệt vời đến như thế, ngoại trừ Quang Dũng, Nguyễn Bắc Sơn, Luân Hoán, Cao Thoại Châu, Hà Huyền Chi, Lâm Hảo Dũng, Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư...
...Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm...
...Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành...
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Như chuyện đã an bài, chiếc lá đã thả trôi theo giòng nước... Tô Thùy Yên cũng đành chấp nhận buông trôi theo với số phận an bài. Những dấu tích người lính ông đã chân thật ghi lại trong thơ. Những hình ảnh sinh động nhưng đượm buồn man mác:
Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ...
...Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc về thân thế
Có vợ con mà như độc thân...
Nỗi niềm chua chát thể hiện qua câu hỏi, qua nụ cười vì cuộc chiến đang đến hồi thúc bách hiểm nguy:
Bạn hỏi thăm ta cho có lệ
Cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung:
Còn mươi tháng nữa lên trung úy
Có thể ngày mai chửa biết chừng
(Anh Hùng Tận)
Tâm trạng hoang mang của người lính chiến gần như là nỗi hoang mang chung trong hầu hết hàng lớp thanh niên của thời điểm chiến tranh trước 1975. Một giấc mơ bình thường chỉ mong cho cuộc chiến phi lý này sớm kết thúc trong hòa bình thực sự, trở về sống an phận với cái thế giới riêng tây giữa cõi trời đất quê hương thanh bình:
...Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa
Trên dốc thời gian, hòn đá cuội
Lăn dài kinh động cả hư vô
...Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta...
...Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi...
(Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)
Giấc mộng con đơn giản đó, đã tắt lịm khi cơn bão lửa thổi về miền Nam. Những cánh rừng đã ngộp thở và bầy chim đã xao xác bay lên. Thi sĩ Tô Thùy Yên và những người lính trong đoàn quân bách chiến ở An Lộc, Cổ Thành Quảng Trị, Khe Sanh, Chu Phong, biên giới Việt Miên... đã bị bức tử một cách dã man và đẩy vào các trại cải tạo khắp rừng núi Cao Nguyên và Việt Bắc. Không còn lý do nào hơn nhận chịu sự đau đớn tận cùng về thể xác hơn mười ba năm sau ba lần bị chính quyền Hà Nội bắt giam... “Lần đầu Tô Thùy Yên bị bắt đi học tập cùng với Sĩ Quan QLVN và bị đưa đi các trại cải tạo tại miền Nam và miền Bắc trong hơn 10 năm. Tới năm 1988, Tô Thùy Yên lại bị bắt về tội vượt biên và bị giam gần bốn tháng. Sau cùng vào tháng 11 năm 1990, Tô Thùy Yên bị bắt lần thứ ba bị kết những tội danh nặng nề hơn như... “tuyên truyền chống Xã Hội Chủ Nghĩa” và “Âm mưu lật đổ chính quyền”. Tuy không bị đưa ra tòa và kết án, nhưng ông bị đối xử tàn tệ, bị biệt giam nhiều tháng trong xà lim cho tới năm 1992 mới được thả về...” (Tài liệu của Nguyễn Đức - Minnesota).
Với sự chịu đựng ròng rã, cuối cùng ông đã bước ra khỏi những núi rừng khắc nghiệt kinh hoàng đó:
...Hề, ta trở lại gian nhà nhỏ
Giữa cánh đồng không bên kia sông
Trống trải hồn ta cơn gió rã
Tiếng tàn, tàn rụng suốt mênh mông
...Em nhỏ, làm chi chim biển Bắc
Xa rồi đám lửa cuối thiên thu
Cửa thần phù dựng trường sơn sóng
Mỗi ngọn xô chìm một giấc mơ
(Em Nhỏ, Làm Chi Chim Biển Bắc)
Hơn mười năm ông lăn lộn trong bao nhiêu nghịch cảnh của kiếp sống, những đảo điên liên tục của trùng trùng oan nghiệt, nhưng may thay ông đã giữ tâm thường trụ an bình. Cái Tâm Bát Nhã mênh mông lượng đất trời. Chính ông khai mở chốn tuyệt cùng của Tâm Thức, cánh cửa Đại Từ đã tỏa sáng hào quang. Hận thù như sương khói tan biến trước đôi mắt nhân ái bao dung tuyệt vời của thi sĩ. Thi sĩ hiện hữu với vai trò sứ giả tối thượng của Sự Sống đầy nhân bản của Tự Do, Hòa Bình. Người thi sĩ dịu dàng mang đến mùa xuân, ngôn ngữ bằng âm điệu chim muông và nhạc suối an lạc ngàn đời. Là lúc tâm trí ông tĩnh lặng cho dù bão đời vừa nghiệt ngã thổi qua:
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi
Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng…
…Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi
Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?...
…Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm…
(Ta Về)
Chắc ông không bao giờ quên, đã có một lần Tô Thùy Yên “toan bỏ ra đi vĩnh viễn trước kỳ hạn...” (Theo tin Thi Vũ) vào khoảng thời gian 1989 nhưng may cứu thoát kịp thời khi ông quyết định cắt cườm tay tự tử. Như một đối kháng của thi sĩ. Lần này ông và gia đình thực sự rời khỏi quê hương Việt Nam yêu dấu, tuy ông không chọn cách tự hủy, nhưng ông cũng cảm thấy xa rời nơi chốn sinh thành chẳng khác chi một loài cây bị bứng hết gốc rễ, như một lưu đày biệt xứ, nỗi đau cũng thấm thía khôn cùng. Nhiều nhà văn nhà thơ đã viết về Tô Thùy Yên trước 75, cũng như sau 75 ở hải ngoại. Trong phần “Thơ Miền Nam” tập một, nhà văn Võ Phiến đã nhận định về Tô Thùy Yên “Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của Tô Thùy Yên là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ...”.
Với Thi Vũ trong Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam đã nói về Tô Thùy Yên “...Và biết đâu kẻ cứu tinh nòi giống không là một thi sĩ? Không là dòng thơ Tô Thùy Yên? Một Nguyễn Du khác:
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời...
Khung đời nhị nguyên tan vỡ qua thế phận Kiều của “trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” vừa khép lại. Cùng với Tô Thùy Yên hiển hiện mối dung thông bất nhị lúc “NGHE NẶNG TỪ TÂM LƯỢNG ĐẤT TRỜI”.
Đến lúc cái tiểu ngã hòa nhập vào cái đại ngã của tạo hóa, cái hữu hạn đã hòa nhập vào cái vô cùng của vũ trụ, để nhìn thấy Chân Như Sắc Không Vi Diệu. Điều mà thiền sư Đạo Hạnh mấy trăm năm trước đã ngộ:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
Có thì có tự mảy may
Không thì cả vũ trụ này cũng không
Có không: bóng nguyệt lòng sông
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào
(Võ Đình)
Dù sao Tô Thùy Yên cũng đã đến nơi bằng hữu, đến nơi mà ông đã có lần hăm hở và tuyệt vọng ra đi. Thế giới nào cho riêng ông một ước mơ khiêm cung bé nhỏ của tâm hồn người thi sĩ:
...Ở đây ta có dăm pho sách
Và một giòng sông, mấy cụm mây
...Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như Sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm...
(Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)
Chúng ta hòa nhập chia xẻ với Tô Thùy Yên cái thế giới âm điệu thanh thoát từ ái mà chúng ta cứ tưởng riêng tư thầm kín nào của ông. Đó chính là cái hơi thở phát tiết từ trí tuệ tỏa ngát hương trầm của truyền thống ngàn năm của tinh thần Lạc Việt. Yêu thương mà không mê muội. Bao dung chứ không bao giờ bi lụy khuất phục. Ông mang tâm thức hùng tráng của bậc hành giả lên đường, khám phá những am mây đạo hạnh, khai mở những thảo nguyên an bình. Những ngọn đỉnh của Tình Thương.
Khi tâm ông thực sự thăng hoa chuyện trở về như một cứu rỗi tha nhân:
…Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay,
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi…
(Ta về)
Nhưng tình huống thực tế đẩy ông ra đi, nghịch lý nội tâm chắc đã làm cho nhà thơ nặng tình với quê hương vương chút bụi trầm luân. Âu cũng là định mệnh. Cho dù hoàn cảnh trôi theo không gian thời gian nào, hãy xin giữ cho Tâm là đường chim chứ đừng như giòng nước. Vì nước đã từng quên mình là suối khi hòa nhập vào đại dương. Chim cho dù ngàn dặm xa cũng còn hy vọng nhớ nguồn cội quay về.
(Thái Tú Hạp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét