Nguyễn Bảo Hưng
Viết để tưởng niệm nhà thơ bất hạnh quá cố
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) – Tranh Đinh Cường
Tôi không hề quen biết Nguyễn Tất Nhiên và cũng chẳng một lần được tiếp xúc với anh. Lần đầu tôi được biết đến tên anh là khi quanh tôi bỗng vang vang một số câu ca chẳng mấy chốc bỗng trở nên quen thuộc : « Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa… » hoặc « Thà như giọt mưa vỡ trên tương đá !…, Có còn hơn không, có còn hơn không… ». Đó là mấy câu thơ phổ nhạc, lời lẽ dung dị nhưng hình ảnh độc đáo, vần điệu tự nhiên lôi cuốn, dễ thấm sâu tâm thức người nghe. Hồi đó, đang mang tâm sự buồn vì mới phải khoác bộ đồ lính và bị chôn chân tại một nơi đèo heo hút gió, những lúc buồn tình tôi hay buột miệng nhâm nhi mấy câu thi nhạc này. Có lúc tôi còn nghịch ngợm đổi câu : « Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân » ra thành : « Ta chạy vòng tròn, ta chạy vòng quanh » rồi khoái chí cười thầm tự nhủ : « Đúng là thơ với thẩn, đúng là thẩn với thơ. Cái anh chàng Nguyễn Tất Nhiên quả khéo chọn cho mình cái tên tiền định. Khi không được ông Phạm Duy nổi hứng phổ nhạc cho một vài bài thơ, thế là bỗng dưng đâm nổi tiếng. »
Sự liên hệ giữa tôi với Nguyễn Tất Nhiên chỉ có vậy, không quá giới hạn mấy câu thi nhạc do quen miệng vẫn thường nghêu ngao hát hỏng. Bẵng đi một thời gian cho mãi tới cuối năm 1992, tôi bỗng nghe tin anh mất và được người bạn gửi cho bản sao chụp một vài bài báo nói về cái chết của anh. Nhờ đó tôi mới biết anh đã đi tìm cái chết bằng tự vẫn trong chiếc Toyota cũ kỹ đậu nhờ tại góc một sân chùa với bộ quần áo nhầu nát, râu tóc lởm chởm. Bên cạnh các bản tin, có khi tôi được đọc đôi ba lời của những người thân quen với anh, nói về anh, nhắc nhở một vài kỷ niệm đã sống với anh, ái ngại cho thân phận anh hoặc bày tỏ lòng trắc ẩn trước cái chết thân tàn ma dại của anh. Nhưng, cát bụi rồi cũng phải trở về với cát bụi, chẳng mấy chốc không mấy ai còn buồn nhắc nhở tới anh nữa. Vả lại, xét cho cùng, với những người còn sống trên thế gian này, có biết bao điều ăn khách hơn để mà nói. Cái vụ cô ca sĩ sồn sồn nổi danh vừa bắt thêm được một kép nhí này. Cái vụ án sex giữa cô thư ký với nhà chính khách khả kinh lúc nào cũng lên mặt đạo đức răn đời này. Rồi lại còn vụ anh chàng khôi ngô tuấn tú, ăn nói thật nhỏ nhẹ dễ thương, ấy vậy mà giết người hàng loạt không gớm tay ; giét xong còn đem xác ra cưa như cưa gỗ không mảy may xúc động… Những vụ việc đó đem khai thác có phải ăn khách biết mấy . Công đâu tốn giấy mực để nói nhiều về một anh chàng nằm chết rũ như dân bụi đời chính cống trong một chiếc xe tồi tàn. Cho dù người chết có là một nhà thơ từng được người đời biết đến. Muốn có thế đứng trong cái xã hội chạy theo danh vọng tiền bạc này cần phải biết mần ăn chút đỉnh. Văn chương, nghệ thuật gì cũng cần có Marketing, phải biết làm Show, phải biết biến nó thành Business. Thời buổi này mà vẫn láng cháng thích kể chuyện tình kiểu chú Cuội mơ tưởng Hằng Nga thì chỉ có nước đi chấm công thất nghiệp. Riêng tôi, tin anh chết có làm tôi phần nào xúc động. Giây lát, tôi liên tưởng tới cái chêt của nhà văn Ernest Hermingway. Nhưng rồi, cũng như mọi người, tôi lại lăn xả vào cuộc sống bon chen để kiếm miếng ăn. Và hình ảnh anh, cuối cùng, cũng bị xóa nhòa trong ký ức.
Mãi tới gần đây, bất ngờ tôi nhận được thư của một cô học trò cũ đã từ lâu không có liên lạc. Trong thư cô cho biết đã quyết định rời hẳn Sài Gòn để về sông ở làng quê thuộc một vùng Tiền giang hẻo lánh, nơi tôi được gửi tới dạy học khi mới ra trường. Trong thư cô viêt : « Thầy ơi ! Sao thầy không chịu về Việt Nam để biết đến đời sống Sài Gòn ngày nay ra sao. Ít ra thầy cũng phải thực hiện một chuyến di để thăm dân cho biết sự tình chứ. Có về thầy mới biết được Sài Gòn trong thời kỳ mở cửa bước sang kinh tế thị trường đã biết đua đòi thói sống văn minh tiến bộ như thê nào. Có về thầy mới thấy được là Sài Gòn nay đang tái diễn lối sống như thời Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam trước đây, nhưng ở qui mô còn lớn hơn gấp bội. Cũng cảnh những tòa cao tầng sang trọng ngày được dựng thêm, nhưng càng để lộ bộ mặt vênh váo xấc xược bên cạnh nhưng khu nhà ổ chuột càng như chìm ngập giữa những đống rác chất cao như núi. Phố phường tấp nập người, xe như mắc cửi. Phòng trà, quán ăn mọc lên như nấm. Ai nấy đều hối hả nhớn nhác lo chạy miếng ăn hay giành dật áp phe để được ăn chơi thả dàn. Và bên trên tất cả vẫn là thần đô la ngự trị. Có điều khác là Sài Gòn trước đây em còn nghe được mạch sống ưu tư, em còn được thấy những con người, em còn bắt gặp những tâm hồn. Dẫu sao thì bên cạnh những bộ mặt hoạt đầu chính trị, những tướng tá tham nhũng bất tài, những gian thương đầu cơ bất chính, Sài Gòn thời đó còn nặng chĩu một bàu không khí quê hương. Sài Gòn thời đó còn có những cuộc biểu tình xuống đường, còn có những đêm thao thức không ngủ. Và trong cái không khí đấu tranh sôi sục ấy, còn có những con người khắc khoải một nỗi ám ảnh về quê hương đất nước. Ngày nay giữa một Sài Gòn thanh bình trong lòng đất nước đã độc lập thống nhất, vậy mà em có cảm giác như người người đều hướng ngoại và chỉ thích trọng ngoại, dường như chẳng còn mấy ai buồn nhớ rằng hãy còn một quê hương đang chờ được vực dậy và bồi đắp cả. Hay đúng ra hai chữ quê hương, nếu còn mang một ý nghĩa nào dó, thì nó chỉ đọng lại trong niềm chua xót của những con người, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến, đã từng chấp nhận xả thân cho lý tưởng bảo vệ quê hương, nay đang bị hắt hủi gạt sang bên lề cuộc sống. Thầy ơi, thầy hãy về đi. Thầy phải về thăm một lần để hiểu dùm em tại sao em không còn tha thiết với Sài Gòn nữa. Em hết muốn ở lại để khỏi phải chứng kiến cảnh những người lính cộng hòa thời trước, nay phải lê lết tấm thân tật nguyền trên chiếc nạng gỗ để kiếm miếng ăn. Họ chỉ biết tìm lẽ sống trong niềm hãnh diện đã dám ở lại chiến đấu tới cùng để sống chêt vì niềm tin, chứ không hốt hoảng bỏ trốn như đám chỉ huy bất tài hèn nhát. Em cũng không muốn ở lại để phải chia sẻ niềm chua xót với nhưng con người từng được tuyên dương dũng sĩ diệt Mỹ cứu nước. Vậy mà nay, cũng vì một dạ sắt son với lý tưởng đấu tranh, họ đành chịu ngán ngẫm trước cảnh các đồng chí đã từng chung lưng đấu cật, nay nhờ có chức vụ và biết tham ô móc ngoặc, đã thản nhiên quay lưng với lý tưởng để được thỏa thuê thụ hưởng với tài sản và quyền hành trong cương vị một đẳng cấp mới. Thầy ơi, Sài Gòn ngày nay đã trở thành xa hoa tráng lệ hơn khi xưa nhiều ! Nhưng cảng phô bày cảnh xa hoa tráng lệ bao nhiêu, em càng thấy cuộc sống nó lạc điệu bấy nhiêu. Bởi vậy em chán sống ở Sài Gòn lắm. Phải nói là em sợ sống ở Sài Gòn mới đúng. Em không muốn ở lại để phải chứng kiến những cảnh Sài Gòn đổi mới trong giai đoạn mở cửa kinh tế. Em ngại rằng tiền bạc đầu tư được đổ thêm vào, nếu có giúp cho tăng trưởng kinh tế, thì tình trạng này cũng chẳng đem lại cải thiện đồng đều cho toàn xã hội. Sự tăng trưởng, nếu có, rút cục chỉ giúp cho việc huênh hoang tạo thành tích nâng cao được tỉ số đo la về lợi tích bình quân tính theo đầu người ; nhưng thực chất có thể nó còn khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo và đảy đất nước lún thêm trong bãi lầy chậm tiến. Thầy ơi, trước đây khi phong trào đấu tranh sôi sục của học sinh, sinh viên dâng cao, trong làn không khí sặc sụa hơi cay và trước dùi cui thô bạo của cảnh sát dã chiến em chẳng biết sợ là gì. Vậy mà sao bây giờ em lại thấy sợ nhiều điều quá, thầy ơi ! Em sợ cảnh đô la hàng hóa ngày càng tràn ngập thành phố sẽ làm cho con người sài gòn ngày càng bị cướp đoạt linh hồn. Em cũng sợ mỗi lần phải gặp bộ mặt vênh váo trên thân hình béo ngậy của những kẻ từng bị coi là quân bán nước bám đít giặc, nay nhờ có mớ đô la vác về lại được trọng hậu tiếp đón như những bậc chính nhân quân tử : bởi vì những cảnh ngộ đó bắt em cứ phải nhớ lại rằng cuộc đời thực chất bao giờ cũng bất công và tàn nhẫn lắm. Em càng sợ hơn nữa khi có những lúc em tưởng như không còn nhận ra được ngay chính em. Trước đây, thầy cũng biết, em sôi nổi nhiệt tình là thê. Vậy mà ngày nay, mỗi lần nghe nhắc đến nào là độc lập tự do, nào là công bằng xã hội, nào là dân chủ dân quyền, em chỉ nghe lòng mình lạnh giá, tưởng như còn thêm muốn đóng băng. Bởi thế nên em sợ, em sợ, em sợ lắm thầy ơi ! Bởi thế em chi muốn sống xa, xa thiệt xa, sống xa Sài Gòn… ». Cuối thư cô không quên hỏi tôi có còn giữ được cuộn băng nào mang những tình khúc Nguyễn Tất Nhiên hay không ? Cô còn nhắc đến bản nhạc « Thà như giọt mưa… » mà cô rất ưa thích và cũng là bản tôi được nghe cô hát trong một buổi sinh hoạt văn nghệ của nhà trường. Cô cho biết cô đã khóc nhiều khi nghe tin Nguyễn Tất Nhiên mất. Cô khóc vì ý thơ anh đã đem lại cho cô nhiều cảm xúc đẹp. Bởi vậy cô đã khóc cái chết của nhà thơ như khóc cho chính cô, khóc để tiễn đưa một thiên đường đã mất. Nay cô mong được nghe lại những bản nhạc mang ý thơ Nguyên Tất Nhiên, chắc vì muốn được trở về với bàu trời thơ nay đã bị đẩy lui vào dĩ vãng, cái bàu trời thơ đã đùm bọc cô bằng những kỷ niệm ấm áp của thời con gái khi lòng mình chớm biết xôn xao. Thư chỉ có bấy nhiêu hàng chân tình giản dị : nhưng cảm xúc lại tràn đầy, ý tưởng thật súc tích.
Bức thư vẫn nằm trong tay, tôi chưa dứt được nỗi bàng hoàng xúc động. Trước những tâm tình bộc lộ trong thư và trước niềm mơ ước của cô được trở về với thê giới nhỏ nhoi của mình, tôi không khỏi liên tưởng tới thái độ ơ hờ của tôi khi nghe tin Nguyễn Tất Nhiên mất. Tôi cho rằng do môi trường sống khác biệt, những kẻ nay đã làm quen với nếp sống văn minh máy móc tây phương khó mà còn biết rung cảm với ý thơ Nguyễn Tât Nhiên như nhưng con người còn ở lại Việt Nam. Chỉ những con người vẫn sống bám rễ trên mảnh đất còn đói khổ ấy, những con người đã lớn lên trong đau thương đầy máu và nước mắt, và nay vẫn tiếp tục phải đi tìm ý nghĩa cuộc đời trong chất đắng men cay của kiếp người : chỉ có họ thôi mới cảm nhận được hết cái đẹp của ý thơ Nguyễn Tất Nhiên trong trạng thái nguyên thủy của nó.
Hình ảnh Nguyễn Tất Nhiên nằm chết trong chiếc Toyota cũ kỹ bỗng lại hiện về, mỗi lúc một rõ nét, như một tra vấn, như một ám ảnh. Tôi bỗng đâm thắc mắc. Tôi bỗng trở nên suy tư. Tôi bỗng ham muốn tìm hiểu sâu xa về anh, về con người anh, về quyết định ra đi của anh. Cố lục lọi trong đám băng nhạc cũ bị bỏ só từ lâu, tôi mừng rỡ khi tìm ra cuộn băng « Những năm tình lận đận » mà cô ngỏ ý muốn tôi sang cho một cát sét. Tôi dành cả buổi tối để nghe cuộn băng, đặc biệt nghe đi nghe lại bản « Thà như giọt mưa… » qua tiếng hát Lệ Thu (1). Giọng người hát nay có bị chai đi ít nhiều vì thăng trầm cuộc sống, nhưng tài năng diễn xuất vẫn điêu luyện như thuở nào.
Âm thanh từ máy hát đã dứt từ lâu… Trong bóng đêm bao trùm sự sống lắng đọng, tôi nằm im chờ giấc ngủ, tai như còn nghe vang vang giọng hát điệu nhạc. Những lời ca « Thà như giọt mưa vỗ trên tượng đá… Có còn hơn không ! » vẫn vang vang trở đi trở lại, nhịp nhàng thấm dần tâm thức tôi như những giọt nước còn sót lại của cơn mưa đầu mùa, từ mái tranh vẫn nhỏ đều, nhỏ hiền lành, nhỏ kiên trì, nhỏ tí tách, nhỏ như muốn thấm sâu vào lòng đất nứt nẻ khô cằn, để từ đó làm nẩy lên một mầm mới xanh tươi. Thế rồi tôi bỗng nghe toàn thân tỏa lan một cảm giác trong sáng êm dịu, tươi mát như lần đầu tôi được tiếp xúc thế giới thơ anh. Thì ra không phải nhờ được Phạm Duy phổ nhạc mà thơ Nguyễn Tất Nhiên được người đời biết đến. Chính vì thơ anh chan chứa hồn thơ nên mới gợi hứng cho Phạm Duy muốn đem phổ nhạc. Riêng tôi, càng lắng nghe bản « Thà như giọt mưa… » tôi càng tìm thấy nơi bản tình ca một kỹ năng diễn đạt điêu luyện. Điêu luyện đến mức có thể đem so sánh với những bài thơ thành tựu nhất theo đòi hỏi của Thi phái biểu tượng.(2)
Vào giữa thế kỷ thứ 19 xuất hiện tại Âu châu một trào lưu tư tưởng dẫn đến một hệ thẩm mỹ mới mở đường cho một trường phái sáng tác mới gọi là trường phái biểu tượng hay trường phái tượng trưng (école symboliste). Ra đời vào lúc chủ nghĩa tư bản phôi thai đã bước sang thời kỳ phát triển quá độ, trường phái biểu tượng xuất hiện như một bừng tỉnh của đời sống tâm linh trước xu hướng đương thời ồ ạt chạy theo tiện nghi vật chất. Trên bình diện văn học, nó là phản ứng chống lại trào lưu thời đại bộc lộ óc tôn sùng khoa học thái quá. Vào lúc Ernest Renan với cuốn « L’avenir de la science, (1890) » đặt niềm tin vào khoa học có thể giải quyết toàn bộ vấn đề tri thức cho loài người và nhũng Emile Zola (3), những Paul Bourget(4) muốn áp dụng các phương pháp quan sát và lý luận khoa học vào việc nghiên cứu và mô tả các hiện tượng đời sống xã hội và con người trong văn học, nhà thơ Charles Baudelaire và các đồng môn của ông lại muốn ca ngợi sự hiện hữu của một thế giới siêu việt huyền diệu, huyền bí bên trên cái thế giới của tồn tại hữu hình. Cái thê giới siêu việt ấy chính là cái thế giới của đời sống tâm linh mà ta chỉ có thể gợi lên theo cảm nhận của trực giác chứ không thê mô tả theo ghi nhận của giác quan. Và chỉ với thi ca nay được quan niệm như một phương pháp biểu thị khác, ta mới có khả năng nói lên được tính huyền diệu, huyền bí của thế giới siêu việt ấy. Do đó Baudelaire đã đè xuất một quan niệm mới về thi ca hoàn toàn khác biệt với quan niệm thi ca truyèn thống, đồng thời cũng đánh dấu một cuộc ly dị trong lãnh vực ngôn ngữ giữa thi ca và văn xuôi. Quan niệm mới về thi ca này chính là chủ trương của thi phái biểu tượng hay thi phái tượng trưng (poésie symboliste) (5).
Theo Baudelaire cùng các đồng môn của ông, thơ không cùng chung ngôn ngữ với văn xuôi vì thế giới thi ca và thế giới của văn xuôi là hai thế giới biệt lập. Thế giới thi ca là thế giới siêu việt (transcendant), thế giới ưu tú thuộc về đời sống tâm linh, vượt hẳn lên cái thế giới thực dụng dung tục của giác quan. Do đó thơ phải là một loại ngôn ngữ đặc biệt mang chức năng cao cả nói lên được tính chất siêu việt của đời sống tâm linh. Bản chất khác với văn xuôi, nó không thể -theo quan niệm cổ truyền « poesis ut pictural » (thơ là tô họa) –là cách phát biểu hoa mỹ hơn, có vần điệu hơn, để cũng chỉ nói lên những gì văn xuôi có thể diễn đạt được.
Văn xuôi là ngôn ngữ của thực dụng, ngôn ngữ của kinh nghiệm thực tiễn để nói với lý trí, nói với giác quan. Nó chỉ nêu ra các sự kiện, gây cho ta một ý niệm về các sự kiện hoặc dựng lên trước mắt ta hình tượng một sự vật đã được ghi nhận theo giác quan. Chỉ danh, mô tả hoặc giải thích một sự vật (cái nhà) hay một ý niệm (ái tình) , dễ làm ta liên tưởng tới tới hình ảnh tới quan niệm ta sẵn có về sự vật, về ý niệm đó. Và do trí óc, trí tưởng tượng đã được thỏa mãn, ta không muốn cố gắng đi sâu xa hơn để vượt qua cái vỏ bên ngoài, đi sâu đến cốt lõi, đi tận vào bản thể của từng sự vật, từng sự kiện được nêu ra. Đối với thế giới hữu hình đã vậy, văn xuôi lại càng bị giới hạn, nếu không muốn nói đôi khi còn bất lực, để nêu lên những trạng thái sống, những hình thức sinh hoạt của tâm linh. Khác với ý niệm hay hình tượng chỉ là phóng chiếu hay sao chụp của một thực tại bỗng trở nên cứng nhắc, mỗi trạng thái tâm linh đều là một thực thể cá biệt, đơn thuần, phong phú và sinh động. Nêu tên hoặc mô tả tức là đem lồng nó vào những khung sẵn có, giản lược nó vào những khuôn mẫu chung chung, làm nó trở nên nghèo nàn khô héo, giết chết tính đặc thù, tính sinh động của nó.
Để bổ xung cho khả năng hữu hạn của văn xuôi, Baudelaire chủ trương thi ca phải là một ngôn ngữ mới, một phương thức biểu thị mới, một cách tiếp cận mới hiện thực (une nouvelle approche de la réalité) để đảm nhiệm một chức năng mới : cho phép ta nói lên những gì mà ngôn từ hàng ngày không thể diễn đạt hết được. (Nhưng thơ cũng không vì thế phải là một cách nói hũ nút, nói tối tăm bí hiểm khiến không ai cảm nhận nổi). Muốn đạt được mục tiêu, thi ca phải chấm dứt ngay cuộc ăn nằm vụng trộm đã từ lâu trót lỡ với văn xuôi. Từ nay thi ca phải thay thế thói quen chỉ danh, mô tả hay kể lể của văn xuôi bằng phương thức ám chỉ, bằng dùng các biểu tượng để gợi ý. Nhờ vào các hình tượng, các biểu tượng để gây liên tưởng, nhờ biết tận dụng khả năng khêu gợi của thanh âm, của màu sắc tiềm ẩn nơi ngôn từ, thi ca sẽ lần lần dẫn dắt người đọc, người nghe hình dung được một cách sinh động, thậm chí cảm thấy như sờ được (6) toàn bộ điều nhà thơ muốn nói lên. Đặc biệt trong công tác này, nhà thơ còn phải dành cho nhạc tính một địa vị ưu thế. Nhạc tính (la musicalité) không chỉ đơn thuần là nhạc điệu (la musique) được tạo thành bởi vần điệu (la rime) và tiết nhịp (le rythme) tức là sự phân bố hài hòa giữa các âm thanh trầm bổng và các điểm nhấn trong câu thơ, trong mạch thơ. Nhạc tính cũng có thể là một hình tượng hay một nhóm từ được sử dụng như nốt nhạc chủ trong một bản nhạc hay như câu đọc lâm râm làm lời niệm chú trong một bản kinh cầu. Nhưng dù dưới dạng thức nào, nhạc tính cũng phải giữ một vai trò chủ chốt vì nó là thành phần có khả năng mê hoặc và gợi cảm nhất. Nhờ nó thi ca sẽ có thêm quyền lực để ru ngủ lý trí, đánh thức dậy những cảm xúc, những ấn tượng còn bị giam cầm nơi tiêm thức, giải thoát chúng được tự do bay bổng, đưa tâm hồn ta đi vào cõi huyền diệu, cõi huyền bí của đời sống tâm linh. Đi vào cõi thơ.
Trên đây là tóm lược nội dung quan điểm về bản chất và chức năng của thơ theo mỹ quan biểu tượng. Chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể hơn qua nghiên cứu kỹ năng bộc lộ chất thơ và ý thơ trong bản « Thà như giọt mưa…. » (7). (Còn tiếp)
Nguyễn Bảo Hưng
Nguồn: Tác giả gửi
(1) Lệ Thu của Sài Gòn trong khoảng thập niên 1965-75.
(2) Bài viết này chỉ muốn nói lên sự giao cảm và đồng cảm của bản thân người viết với con người thơ, thế giới thơ Nguyễn Tất Nhiên : qua tiếp xúc với một bài thơ được phổ nhạc, người viết, bằng những cảm nghiệm riêng, đã nghe dội lên trong tâm thức những âm vang nào để, từ đó, dẫn đến một vài suy tư tản mạn liên quan đến nhiều lãnh vực trong cuộc sống.
(3) Emile Zola (1840-1902), nhà văn thuộc trường phái hiện thực (réaliste) nhưng theo khuynh hướng tự nhiên (naturaliste) với chủ trương mô tả tâm lý các nhân vật đều ít nhiều bị chi phối bởi tính di truyền và môi trường xã hội qua bộ trường thiên tiểu thuyết « Les Rougon-Macquart .- Histoire naturelle et sociale d’une famille au XIXè siècle»(Giòng họ Rougon-Macquart – Lịch sử tự nhiên và xã hội của một gia đình ở thế kỷ 19). « L’Assomoir(1877), Germinal(1885), La Bête humaine (1890), là một vài tên truyện được biết tiếng nhiều nhất trong bộ trường thiên gồm 20 tập này (1871-1893). Không chỉ là nhà văn, Emile Zola còn được biết tiếng nhờ bài báo « J’accuse »(Tôi cáo buộc) dăng trên nhật báo « L’Aurore » (13-1-1898), qua đó ông tố cáo Bộ tham mưu Pháp đã ngụy tạo hồ sơ nhằm vu cáo đại úy Dreyfus tội làm gián điệp cho Dức chi vì ông này gốc Do Thái. Kết quả là vụ án được đem ra xét lại, Dreyfus được minh oan và phục hồi chức tước tháng 12-1900.
(4) Paul Bourget (1840-1935), tác giả cuốn « Le Disciple » (Đệ tử), thuộc loại tiểu thuyết luận đề, vừa là sự mô tả đồng thời cũng là một tố cáo việc áp dụng máy móc các lý thuyết khoa học vào đời sống tâm linh. « Le Disciple » (1889) là chuyện chàng thanh niên Robert Grilou, do óc tôn sùng thầy dạy triết là Adrien Sixte và muốn ứng dụng thuyết tâm lý tất định (le déteminisme psychologique) của ông thầy, nên đã tìm cách ve vãn tán tỉnh Charlotte con gái của gia chủ mướn anh tới dạy kèm. Hậu quả dẫn đến cái tự tử của Charlotte vì tưởng rằng đã bị Grilou lường gạt và Grilou, bị cáo buộc tội đầu độc Charlotte, đã chấp nhận ngồi tù để bảo vệ thanh danh cho Charlotte.
(5) Chúng tôi chỉ muốn giới thiệu thi phái biểu tượng như là một mỹ quan (une esthétique), một nhãn quan (une vision), một cách tiếp cận (une approche) mới về hiện thực, về cuộc sống bằng thơ, qua thơ. Chúng tôi khống hề chủ trương thi phái biểu tượng là tất cả thơ. Chúng tôi cũng không có ý tham dự vào cuộc tranh luận về thõ mới, thơ cũ, thơ hiện đại hay hậu hiện đại. Vốn không phải là một đệ tử lưu linh, nhưng tôi có được nghe nói khách sành điệu chỉ đánh giá hương men qua phẩm chất của loại nếp cất rượu và kỹ thuật ủ men, chứ không phải do rượu được rót ra từ bình mới, bình cũ, bình hiện đại hay bình hậu hiện đại.
(6) Muốn biết đến khả năng không chỉ tạo hình mà còn nói lên tính sinh động của một vật thể bằng phương pháp, ám chỉ, gợi ý để gây liên tưởng, ta có thê đọc lại bài « Quả Mít » của Hồ Xuân Hương mà các bài thơ gợi cảm ý vị khác có thể là những bước chân còn đi trước cả tập « Les Fleurs du Mal » (1857) của Baudelaire nữa.
(7) Trong phần trình bày dưới đây, chúng tôi chi muốn tìm hiểu, qua lời lẽ bộc lộ trong bản tình ca, hồn thơ và ý thơ của anh đã khơi động được tâm tình của cả một thế hệ thanh niên miền Nam như thê nào. Chúng tôi không có ý coi bài viết này như một biên khảo về thân thế và thi nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên.
Trước Thư Viện trường Ngô Quyền – 1973
(Từ trái: GS Trần Văn Phúc, Nguyễn Hoàng Hải (Nguyễn Tất Nhiên), Trần Thuận, Lâm Sĩ Đắt, Hồ Văn Lưu, Phan Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Tất, Đinh Công Hoàng. Người đứng giữa ở hàng sau là Nguyễn Thái Hải.)
Bản nhạc « Thà như giọt mưa » là một tình khúc như mọi người đều biết. Thế nhưng từ « tình yêu » chỉ được nhắc đến một lần (Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu). Và nó cũng chỉ được sử dụng theo nghĩa thông dụng, như khi ta nói cái bằng tú tài, cái nhà, cái tủ… Còn lại, ta không hề thấy nào là : đẫm lệ, ướt mi, xót xa, đắng cay, mặn chát…, toàn là những lời lẽ rên rỉ rất được tán thưởng trong giới mộ điệu ưa nghe kể lể những mảnh tình. Chính nhờ vậy mà bản tình ca mới ướt đẫm một không khí yêu đương.
« Người từ trăm năm » là biểu tượng cho người tình muôn thuở, nhân vật không thể thiếu trong bất cứ mọi câu chuyện tình. Tượng đá là biểu tượng cho người đẹp vô tình và những câu « Thà như giọt mưa đến ôm tượng đá… »biểu tượng cho nỗi đam mê thầm kín của chàng trai si tình. Những hình tượng này dệt thành một điệp khúc buồn dàn trải trên chỉ một vài nốt nhạc vẫn khoan thai nhỏ giọt, khiến ta liên tưởng tới một nỗi buồn gậm nhấm dai dẳng.
Mỗi lần điệp khúc trở về là hình ảnh lại hiện lên rõ nét, thêm cụ thể. Từ một biểu tượng phổ quát trừu tượng, người tình muôn thuở trở nên nhân vật có hình hài (người từ trăm năm về phai tóc nhuộm), rồi biến ra cô sinh viên trường Luật, để cuối cùng xuất hiện thành thiếu nữ mang tên Duyên. Hình ảnh tuy được ống kính thu vào mỗi lúc một gần cho vóc dáng hiện ra mỗi lúc thêm đậm nét, nhưng người con gái vẫn giữ nguyên vẻ đẹp xa xăm huyền thoại. Người nghe, do đó, vẫn có thể thoải mái hình dung người đẹp lý tưởng của mình, nhờ tác giả đã không tìm cách giam hãm trí tưởng tượng của ta bằng một vài nét đặc thù (cho dù có là những nét chấm phá thơ mộng, như cặp mắt nai tròn hay nụ cười răng khểnh răng sún gì đó). Và khi bóng dáng người đẹp sáp lại gần cũng là lúc đam mê dồn dập kéo tới. Nhưng ta cũng chỉ bắt gặp những hình ảnh động tác để gợi lên chứ không hề thấy lời tìm cách diễn tả. Vì vậy đam mê càng bộc lộ được hết cường độ của nó.
Giả dụ để tỏ tình, lúc đầu tôi có ý mượn câu nói thường tình dân gian « anh yêu em hết mình », những tưởng ăn nói thiệt thà như vậy cũng đủ cho em thấy rõ cái bộ đồ lòng của tôi nó ra sao rồi. Nhưng suy đi tính lại, tôi thấy tỏ tình kiểu đó vai u thịt bắp quá, chắc khó làm mềm lòng được người em văn nghệ có đôi mắt sầu vạn cổ vẫn thích đứng khép nép bên song cửa. Bởi vậy tôi quyết định phải đi tìm lời lẽ cho được văn chương trữ tình hơn. Cuối cùng, sau khi sưu tầm một số bài hát thuộc loại top ten trong số những đĩa nhạc được mô tả là ăn khách nhất trong các giới mộ điệu thường lưu tới các phòng trà quán nhạc ca rao O.K, tôi đã gạn lọc được một số lời lẽ rất ư là lâm ly ướt át để thảo ra một bản tuyên ngôn tình ái như sau : « Em ơi ! Từ buổi được gặp em, anh vẫn đêm ngày mơ tưởng tới em nằm bên gối mộng. Anh ước ao sẽ có bữa được cùng em ngắm ánh trăng thề. Anh mong tới ngày anh được cùng em sống chung dưới túp lều tranh, anh chép văn, em may đồ. Rồi chúng ta sẽ có con đàn cháu đống, tha hồ mà lãnh trợ cấp wellfare, hạnh phúc đùm đề, sống lâu trăm tuổi… Em ơi, em ơi ! Lâu đài tinh ái đó đó, sao em không chịu đén sống cùng anh ? Để anh buồn, để anh đâm tuyệt vọng. Cuối cùng anh chỉ mong được làm con thú đi hoang để quên đi mối sầu nhân thế… ». Ối chao ôi ! Nếu tôi có diễm phúc được làm địa chỉ đáo nhậm cho mấy dòng chữ không những lênh láng văn chương mà còn đầm đìa nước mắt nước mũi, rống lên tiếng lòng nỉ non của chàng trai tơ thèm khát yêu đương khiến con tim phải co thắt bầm rập đến rớm máu ấy, chắc tôi sẽ không tránh khỏi mủi lòng và ngăn nổi đôi hàng châu rơi lã chã…(Ít ra cũng là trong giây lát). Nhưng chắc chắn tôi sẽ không tránh khỏi vấn vương thắc mắc và tò mò muốn biết để tìm hiểu nhiều hơn về mối tình câm nín của chàng trai nào đó, chỉ biết ấp ủ nỗi đam mê muốn trở thành điên loạn của mình trong mấy lời bộc lộ kín đáo như sau :
« Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân.
Nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời. »
Hoặc:
« Ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi,
Quỵ té trên đường rồi, sợi tóc vương chân cười. »
Vậy đó. Thơ không phải là một cái lon ông ổng toàn những chữ với nghĩa. Thơ chỉ có là một chuỗi hợp âm chuyên chở được một cõi lòng. Và cõi lòng ấy, Nguyễn Tất Nhiên không chỉ tìm cách khơi động cảm xúc nơi người đọc, người nghe bằng kỹ thuật biểu tượng. Anh còn khéo khai triển ý thơ theo cấu trúc của một tấu khúc cổ điển.
Một tấu khúc cổ điển là một ý nhạc được khai triển qua một số hành âm. Mỗi hành âm là một trở về với ý nhạc nguyên thủy, nhưng với một vài biến dạng để mở rộng hoặc đào sâu khiến ý nhạc thêm phát triển phong phú. Và bản nhạc, cứ thế được triển khai theo đúng qui trình phát triển của sự sống nên, khi những nốt nhạc kết thúc vang lên, người nghe có được cảm giác sung mãn như khi được theo dõi quá trình phát triển biện chứng của một nhất thể sinh động. Tinh khúc của Nguyễn Tất Nhiên cũng vậy. Toàn bài thơ phổ nhạc cũng chỉ là sự trở đi trở về của cùng một điệp khúc. Nhưng mỗi lần điệp khúc được lập lại, ý thơ trở nên rõ rệt hơn và cảm xúc cũng tăng theo. Tất cả những chuẩn bị đó chỉ nhằm dẫn dắt ta đến hình ảnh thi vị cuối cùng : Ước mơ của Nguyễn Tất Nhiên được biến thành giọt nước lăn nhẹ trên làn da có những sợi lông măng của người đẹp vô tình khiến nàng cảm nhận ra mối tình ấp ủ của anh và từ đó phải ăn năn suốt đời. Hình ảnh gợi lên đẹp thiệt đẹp. Đẹp thanh tao. Đẹp tinh khiết. Dẹp mơn trớn với tôn thờ. Đẹp lãng mạn rất ngộ nghĩnh trẻ thơ. Đẹp khiến người đọc, người nghe phải mỉm cười xúc động. Xúc động trong thoáng bâng khuâng mơ màng.
Tôi không biết Nguyễn Tất Nhiên có nghiên cứu về thi phái biểu tương ? Anh có thích nghe nhạc cổ điển tây phương ? Nhưng nghệ thuật diễn đạt qua bản tình khúc của anh quả dã thành tựu đến mức thỏa mãn được những ai vốn có một trình độ thưởng ngoạn cao. Thực ra Nguyễn Tất Nhiên không làm thơ : anh chỉ bộc lộ chất thơ toát ra từ cuộc sống. Chính vì thê mà thơ anh đã mang tính chất thành tựu.
Cuộc sống tự nó đã là thơ rồi. Chất thơ đó bàng bạc trong từng biểu hiện đơn sơ, bình dị của đời sống hàng ngày. Nhưng vì nó quá gần gũi, đã quen thuộc nên trở thành tầm thường trước con mắt người đời. Và có lẽ chỉ những ai còn sống đơn thuần, còn sống chân phương, còn biết sống giao cảm với tự nhiên – hoặc phải là những con người có thừa kinh nghiệm sống – mới cảm nhận được chất thơ đó.
« Chúa ơi, Chúa ơi, cuộc sống là đó đó,
Đơn giản và thầm lặng.
Là những tiếng rì rầm bình thản
Đến tự nơi thành phố kìa. »
Có lẽ trong đời cần phải được một lần ngồi tù như Verlaine(8), ta mới biết thiết tha với những cái đơn sơ hèn mọn của cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra bên ngoài khung cửa sổ. Cũng cần phải có may mắn như ông, được ngồi hàng giờ trong bóng tối ta mới biết chiêm ngưỡng những hạt nắng lung linh trên vòm lá xanh tươi, thèm khát được làm chú chim non chiu chít trên cành. Và có lẽ chỉ những lúc phải ngồi bó gối trong căn phòng hẹp, đếm tháng ngày lặng lẽ trôi qua, ta mới có được sự tịnh tâm để đón nghe hơi thở nồng ấm của sự sống vẫn rón rén quanh ta. Rón rén sẵn sàng đến bên ta. Đến bằng những bước chân nhè nhẹ. Đến tự nơi thành phố lao xao. Đến với tiếng ngân nga từ gác chuông nhà thờ. Và có lẽ chỉ trong những giờ phút ấy, ta mới biết gục đầu nuối tiếc trong mấy tiếng nấc nghẹn ngào :
« Thế còn mi, phải chính mi đó
Sao cứ khóc than hoài.
Mi hỡi, hãy nói đi, mi đã làm chi
Với tuổi thanh xuân ấy ? (9)
Hình tượng và lời lẽ trong mấy câu thơ của Verlaine bình dị trong sáng là thế. Vậy mà mấy câu thơ ấy vẫn làm tôi bồi hồi xúc động. Càng về sau, càng lạc vào mê lộ cuộc đời, mỗi lần bắt gặp mấy câu thơ này, tôi càng khao khát được uống nước suối nguồn, háo hức tìm về những cảm xúc nguyên thủy, chứa chan men thơ cuộc sống.
Thơ do đó không phải chỉ có là sự tìm tòi một phương thức biểu thị. Thơ chủ yếu nằm trong phong cách của cái nhìn. Nhìn bằng cạp mắt khai phá, nhìn bằng cặp mắt xuyên phá để tìm đến Chân, Thiện, Mỹ. Sau đó, nếu cần, nhà thơ mới phải đi tìm một ngôn ngữ mới để nói lên cái mình biết nhìn ra, trong khi người khác mới chỉ ngó thấy (10). Cũng bởi là tiếng nói của Chân, Thiện, Mỹ nên ngôn ngữ thơ chỉ có thể là những lời nói chân phương. Thơ không hề là một trò chơi văn chương để tạo ra ảo giác. Nó không phải là một màn biểu diễn đu bay với chữ nghĩa theo tuồng sơn đông mãi võ. Nó cũng không phải là một sự tìm tòi lời chau chuốt óng ả để đem cái diêm dúa phủ lên một vũng bầy hầy. Thơ thực ra chỉ là một khổ công tìm tòi nhằm phục hồi tiết hạnh cho chữ nghĩa ngày càng phải mang thân phận điếm thúi do người sử dụng đã quen thói dày vò đày đọa nó. Hay nói khác đi, thơ chính là biết dùng sức công phá của tiếng, của lời để làm bật dậy những nguồn sống nguyên trinh còn bị vùi lấp dưới cái vỏ cằn cỗi của những thói đời đã trở nên xếp nếp. Bởi vậy công trình sáng tạo của nhà thơ phải là đem cái nhìn xuyên phá, cái nhìn khai phá để tìm ra những vùng đát lạ hoặc khai thông cho những mạch sống còn bị vùi lấp dưới bức màn sặc sỡ của đời sống hàng ngày. Đi tìm mới lạ bằng những thủ thuật gò ép giả tạo, thật không có gì phản lại thơ cho bằng. Xét cho cùng, thơ khác với những cái không phải là thơ vì nó không dừng lại ở các hiện tượng, ở cái vỏ dáng dấp bề ngoài. Thơ không phản ánh các cách thế tồn tại trong đời sống. Thơ dẫn dắt ta tìm đến những nguồn sáng tạo của sức sống. Thơ là bản thể đời sống. Thơ thể hiện chân lý cuộc sống. Thơ chính là sự sống. Bởi vậy thơ, nếu đích thực là thơ, chẳng cần nhờ ai làm dáng cho nó cả. Vì là tiếng nói của mạch sống tuôn trào, nên thơ tự xuất hiện trong nguyên trạng của nó và gây cảm hứng nơi ta. Do đó đặc tính của thơ bao giờ cũng là năng lực truyền cảm. Ánh mắt, tiếng cười trẻ thơ vẫn làm ta rung động bởi vì men thơ cuộc sống còn được bảo toàn nguyên vẹn trong lời nói chân thật, tiếng cười nắc nẻ, tia nhìn bỡ ngỡ của trẻ thơ. Chỉ có người lớn khi cặp mắt đã đục ngầu vì những toan tính dục vọng, con tim thì khô quắt lại mới cần mút ngón tay miệng nói “em chã, em chã…” để sáng tác ra thơ. Bởi vậy, thay vì đi tìm chữ nghĩa kiểu cọ để viết lách, người làm thơ muốn được trở thành nhà thơ cần phải học sống thơ trước đã. Có biết sống thơ mới tìm được lại cho mình một tâm hồn thơ. Có tìm lại được tâm hồn thơ mới biết đem cái nhìn thơ vào đời.
Giờ ta hãy trở về với tình khúc “Thà như giọt mưa…” của Nguyễn Tất Nhiên. Lời lẽ và ý thơ trong bản tình ca đã gây ấn tượng sâu sắc cho cả một thế hệ bởi vì nó phản ánh trung thực tâm trạng thanh niên đương thời. Hồi đó người ta yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên, người ta bị cuốn hút vào thế giới thơ anh, không phải do Nguyễn Tất Nhiên muốn sống vượt trội hơn người, muốn biến mình thành một thứ siêu sao thời đại. Trái lại, chính vì anh đã biết sống âm thầm, sống lặng lẽ. Có thể anh còn muốn sống chìm khuất hơn mọi người để có thể lắng nghe từng hơi thở, từng mạch đập của cuốc sống hàng ngày. Bởi vậy nên mỗi lời, mỗi tiếng anh dùng đều có âm thanh lanh lảnh của một kim loại được un đúc tự cuộc sống. Chúng không phải là tiếng kêu lẻng sẻng của một dúm bạc cắc vẫn được chuyền tay nhau giữa mọi người. Cũng vì vậy ta mới thấy chất thơ bộc lộ trọn vẹn ở chính các đoạn ta không tìm ra vết tích mưu tìm tác dụng văn chương trong chữ nghĩa. Có chăng chỉ toàn là tiếng, là lời tức là những âm ta tìm cách phát ra khi muốn chỉ định các sự vật ta mới phát hiện lần đầu. Chính vì thế mà các sự vật bỗng như được phục sinh trong nguyên trạng nên càng có khả năng lay động tâm hồn những ai đã từng có chung vốn sống.
Ta hãy lắng nghe mấy câu than thở như sau:
“Ta hỏng thi rồi, ta hụt tình yêu.
Thi hỏng tú tài, ta đợi ngày đi.
Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc!
Với những ai vẫn quen với lối viết văn gồng mình hoặc chỉ tìm ra cảm xúc trước cảnh thịt rơi máu chảy trong những pha chém giết ngoạn mục còn được làm tăng choáng ngợp nhờ kỹ xảo dàn dựng hiện đại của những đại phim trường Hollywood với kinh phí kỷ lục hang trăm triệu mỹ kim, thì mấy lời than vãn ấy, chao ôi, nghe mới thấy tẻ nhạt làm sao! Thấy chúng còn hèn mọn thê thảm phát tội nghiệp. Nhưng với những con người từng bị xoáy hút trong cơn lốc của thời Nguyễn Tất Nhiên, đã phải chia sẻ những cảm xúc tâm tư như anh, thì đặt trong khuôn khổ bản tình ca, chúng lại là thơ.
Lớp trẻ Việt Nam ngày nay đã làm quen với nếp sống Âu Mỹ, lớn lên được nuôi dưỡng bằng các kỹ thuật truyền thông internet, những vũ điệu cuồng loạn theo nhạc disco. Mới nứt mắt, miệng còn hoi sữa đã thuộc nằm lòng tên các cô đào trong những bộ phim X thuộc loại hard. Đã thế lại còn thích học đòi làm Rambo thời dại, chỉ cần một cái nhìn kên nhau cũng đủ rút súng bắn loạn để chết nhiều khi thật lãng nhách; lớp trẻ đó làm sao cảm thấy nổi niềm đau nhức nhối được gói trọn trong mấy tiếng thở dài uất hận ấy.
Phải sống ở miền nam Việt Nam vào những năm đầu của thập niên 70, nơi đang diễn ra những trận đánh khốc liệt như Phan Nhật Nam đã ghi lại trong “Mùa hè đỏ lửa”. Phải có những đêm ngồi cô đơn bên tách cà phê nơi quán nhỏ đầu ngõ, lắng nghe tiếng đại bác xa xăm vọng về, để thêm xót xa cho thân phận mình và tiếc thương thằng bạn thân mới ngày nào còn hàn huyên tâm sự, nay đã có tin gục ngã nơi chiến trường.
Nhưng cũng phải có lúc được đi trên những con đường có cây dài bóng mát; những con đường mang tên Duy Tân, Thống Nhất đầy kỷ niệm. Vì nơi đây có những cô sinh viên trường Luật. Vì nơi đây có những nữ sinh trong tà áo trắng thướt tha duyên dáng. Vì nơi đây có một lần ta chợt gặp nàng thiếu nữ khẽ “nghiêng nón hé môi cười” (lời thơ Nguyên Sa). Thê là ta bỗng thấy cả một bàu trời thơ mở rộng giữa cái không khí ngột ngạt sôi động của Sài Gòn trong những ngày đầu tháng Sáu. Thế là con tim ta đang tuổi thanh xuân đã một lần xao động và bỗng tha thiết yêu đời.
Nhưng rồi cũng có lúc phải tần ngần đứng trước cổng trường thi: đầu thì choáng váng, mắt thì hoa lên vì tìm mãi không thấy tên mình trên những trang giấy đánh máy đen kịt.
Thôi thế là xong, chiếc phao cuối cùng đã tan thành bọt biển!
Thôi thê là hết, hết thật rồi! Còn gì đâu nữa mà mong mà chờ…
Đường phố đã lên đèn… Ôi! cũng con đường này ta mới đi qua, sao khi nãy ta lại thấy chan hòa ánh sáng. Sao khi nãy ta còn nghe rộn rã tiếng chim ca. Sao khi nãy lòng ta lại rộn ràng hi vọng. Vậy mà cũng con đường này, sao giờ đây ta lại thấy nó buồn thảm. Và sao ta thấy nó bỗng trở nên dài. Dài thiệt dài. Dài hun hút. Và sao cũng mãi giờ này ta mới cảm thấy cái nặng chịch của sợi xích cùn dễ đã từ lâu ta không nhớ tra dàu. Trước măt ta giờ đây chỉ còn là vực thẳm. Là cái lệnh gọi nhập ngũ đang chực sẵn ở nhà. Là chín tháng quân trường dầm mưa dãi nắng. Là nỗi hồi hộp lo âu ngày ra trường chọn đơn vị. Là một tiền đồn nào đó nơi đèo heo hút gió. Và cuối con đường có thể còn là chiếc quan tài đã chờ sẵn, trên có phủ màu cờ với vòng hoa lạnh lẽo kèm thêm bốn chữ “Tổ quốc tri ân”.
Thảm kịch của tuổi trẻ miền nam Việt Nam ỏ những năm đầu của thập niên 70 là thế đó. Và Nguyễn Tất Nhiên đã sống đằm mình trong thảm kịch này. Anh đã sống đày đủ. Sống nhiệt tình. Sống trọn vẹn. Như mọi thanh niên cùng lứa tuổi.
Nếu Nguyễn Tất Nhiên học làm thơ, có thể anh đã ỉ ôi dài dòng kể lể. Có thể anh đã tập gồng mình. Có thể anh đã học đòi lộng ngôn. Có thể anh cũng lôi ra một vài khuôn sáo tuy đã mòn nhẵn, nhưng vẫn đem ra hầm lại cho chúng được chín nhừ hơn nữa. Có thể anh còn muốn chơi trội, tìm cách làm sướng cái đầu để pha chế ra một thứ ngôn từ hú họa hù hè hay ho hợm hĩnh. Với kết quả là bằng cách nào đi chăng nữa, anh cũng chỉ để lại cho người đời dăm bảy câu ca bán cao chữa mụn cóc. Nhưng Nguyễn Tất Nhiên không sống cốt đẻ làm thơ. Anh chỉ muốn được sống như thơ. Đúng ra anh đã sống chân phương, sống nhiệt tình. Sống để tiếp nhạn mọi cảm xúc trong trạng thái nguyên thủy của chúng. Chính vì vậy mà mọi cảm xúc đã đến với anh đều mạnh. Mạnh thiệt mạnh. Mạnh đến ứa lên thành lời. Để những lời đó biến thành thơ.
“Ta trượt tú tài, ta hụt tình yêu.
Thi hỏng mất rồi, ta đợi ngày đi;
Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc!”
Vỏn vẹn chỉ có vài lời, vài tiếng thế thôi. Nhưng tình cảm sao đầy ắp. Ý tưởng lại chật ních. Còn cảm xúc thì đặc quánh lại. Cứ như một nén cao hổ cốt thứ thiệt!
Lòng mới xao động chớm biết yêu, còn chưa biết được thế nào là men say ngây ngất của tình yêu. Vậy mà trước mắt đã là cả một vực thẳm đen tối. Vậy mà trước mắt đã thấy cả một cuộc sống bị đe dọa. Thế nhưng Nguyễn Tất Nhiên vẫn không muốn biết đén tuyệt vọng. Anh tuy đã phải sống trong thất vọng. Anh tuy đã phải sống trong khổ đau. Nhưng anh không hề tuyệt vọng. Anh không tuyệt vọng vì cuộc sống với anh còn mang nhiều ý nghĩa. Anh không tuyệt vọng vì nơi đây còn có những thiếu nữ biết e ấp cười duyên làm tim anh phải xao động, cho hồn anh được mở cửa đón nhận cả một bàu trời thơ. Anh không tuyệt vọng vì nơi đây còn có những thằng bạn thân để tối tối anh được hàn huyên tâm sự bên quán cà phê đầu ngõ. Bởi vậy người đẹp dẫu có vô tình, cuộc đời tuy có bạc đãi, nhưng Nguyễn Tất Nhiên vẫn thấy thương đời. Bởi vậy đêm đêm tiếng đại bác càng vọng về đe dọa, anh lại càng thèm sống, càng khao khát sống. Và anh đã không ngần ngại thốt lên:
“Có còn hơn không!
Có còn hơn không!”
Bốn chữ “Có còn hơn không, có còn hơn không” , lập đi lập lại như một nhắc nhở thiết thân, thực ra đã nói lên sự gắn bó không rời của anh với sự sống. Nguyễn Tất Nhiên vẫn muốn sống, còn ham sống vì dẫu sao cuộc sống nơi đây với anh vẫn còn ý nghĩa. Nguyễn Tất Nhiên vẫn còn thèm sống vì nơi đây anh không cảm thấy phải sống trân trân, sống như một hiện diện ù lì, sống như một tồn tại thừa thãi vô vị, sông như một đống thịt chỉ biết hưởng thụ, sống cốt để đến lúc toàn thân đã run lẩy bẩy, hai chân còn muốn đạp tanh tách để cốt vớt vát ựa thêm ra được một chút khoái lạc. Không! Nguyễn Tất Nhiên không muốn sống để cốt chỉ được có vậy. Sở dĩ anh không sợ sống, chưa biết chán sống vì anh cảm thấy con tim anh còn biết co thắt làm mạch máu anh vẫn chảy mạnh. Anh vẫn khao khát sống vì cảm thấy nơi anh còn rạt rào cảm xúc, cho dù là những cảm xúc của thất vọng, của buồn tủi, của khắc khoải lo âu. Bởi vậy anh sẵn sàng sống. Sống để chấp nhận, chấp nhận tất cả. Chấp nhận sống để phải yêu trong câm nín. Chấp nhận sống để phải tiếc thương những thằng bạn thân. Chấp nhận sống để phải xót xa cho thân phận mình. Chấp nhận sống để được tham dự vào thẩm kịch lớn của thời đại. Sống! Sống! Sống! Sống như một chấp nhận. Chấp nhận sống để ít ra cũng đảm nhiệm trọn vẹn thân phận con người.
“Có còn hơn không!
Có còn hơn không!”
Điệp khúc này ta cần hiểu như tuyên ngôn của một ý thức hiện hữu, chứ không phải là tiếng thở dài cam phận của một kiếp sống vật vờ.
Nhận thức được ý nghĩa cảm xúc bộc lộ qua bàn tình ca này làm thức dậy nơi tôi sự ham muốn tìm hiểu sâu xa hơn về con người anh, về hành trình còn lại của đời anh, về quyết định tối hậu ra đi của anh và về ý nghĩa của sự lựa chọn này. (Còn tiếp)
Nguyễn Bảo Hưng
Nguồn: Tác giả gửi
(8) Paul Verlaine (1844-1896), bạn đồng tính luyến ái với Arthur Rimbaud. Trong một vụ say sưa cãi vã với Rimbaud tại Bruxelles (1873), ông đã nổ súng làm bị thương Rimbaud và bị án hai năm tù. Về mặt thi pháp, bài “Art poétique”(1874) của ông được coi là môt tuyên ngôn biểu tượng (manifeste symboliste) khi ông nhấn mạnh tới vai trò của nhạc điệu (la musique) trong thơ và kêu gọi nhà thơ phải chú trọng tới việc vận dụng âm hưởng, sắc thái (nuance) để gợi cảm, gợi ý thay vì chỉ bằng diễn ngôn trí tuệ
(9) Trích từ bài thơ nổi tiếng của Verlaine trong tập Sagesse mà chúng tôi xin ghi lại nguyên bản :
“Le ciel est, par-dessus le toit,
Si bleu, si calme !
Un arbre, par-dessus le toit,
Berce sa palme.
La cloche dans le ciel qu’on voit,
Doucement tinte,
Un oiseau, sur l’arbre qu’on voit,
Chante sa plainte.
Mon Dieu, mon Dieu, la vie est là,
Simple et tranquille.
Cette paisible rumeur-là,
Vient de la ville.
_ Qu’as-tu fait, ô toi que voilà
Pleurant sans cesse,
Dis, qu’as-tu fait, toi que voilà
De ta jeunesse ?
Verlaine, Sagesse 111,6 (Messein, éditeur)
(10) Buổi sáng mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây, cái hiện tượng sờ sờ trước mắt ấy người lớn con nít ai mà chẳng ngó thấy ; nhưng liệu mấy ai có được cặp mắt khai phá (hay cặp mắt thơ) của một Copernic, một Galilée để nhìn ra luật hấp lực cho phép giải thích sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời ? Bởi vậy cái mới vi tất phải là cái chưa từng có hoặc chưa hề thấy : cái mới nhiều khi lại là cái vẫn có đó, nhưng không phải điều mà mọi người tưởng rằng đã biết rồi (khổ lắm nói mãi), mà là cái vẫn đang chờ có người biết nhìn ra.
Sau ngày 30-4-1975, thời gian còn kẹt lại ở Việt Nam, Nguyễn Tất Nhiên đã sinh sống ra sao ? Tôi nào có biết. Lo lắng cho số phận mình chưa xong, tôi đâu có thì giờ quan tâm đến chuyện người khác, nhất là giữa anh và tôi chẳng có một mối liên hệ thân tình nào. Mãi sau này tôi mới biết anh đã vượt biên trốn khỏi Việt Nam vào năm 1978. Thời gian ba năm kẹt lại ở Việt Nam anh có phải đi cải tạo như tôi, hay may mắn không thuộc diện phải ra trình diện học tập ? Nhưng dẫu có thế nào chăng nữa, tôi cũng phỏng đoán là anh không thể thích nghi với khung cảnh sống đột ngột đổi mới này. Bản chất con người thơ chân phương, chắc chắn anh cảm thấy bị chết ngộp trong cuộc sống khuôn đúc chỉ đòi rập ra một loại tình cảm đơn điệu. Làm sao anh tìm ra được cảm hứng trước cảnh người người buộc phải đeo mặt nạ để làm bộ nhảy múa reo mừng. Bởi vậy bất chấp gian nan hiểm nghèo, anh quyết định tìm đường ra đi. Anh tìm đường ra đi do thôi thúc của hồn thơ sáng tạo, như cánh én tìm về phương nam nắng ấm theo tiếng gọi của bản năng. Phương nam, với anh, là không khí tự do trong lành, điều kiện phát triển hồn thơ anh. Và ước mơ của anh trở thành hiện thực : Sau bao gian nan trắc trở, cuối cùng anh được đặt chân lên đất Pháp, quốc gia đầu tiên tiếp nhận anh là dân tị nạn.
Pháp quốc ! Đất nước của Cách Mạng 1789. Cái nôi của Bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Quê hương của Victor Hugo, của Lamartine, của Baudelaire, của Prévert…, những nhà thơ đã bao lần anh được nghe nhắc tên tuổi… Ôi ! Ba Lê, thủ đô của ánh sáng, trung tâm văn hóa nghệ thuật thế giới ! Cái địa danh mỗi lần được nghe nhắc đến đã làm dấy lên trong anh biết bao ước mơ thầm kín, nay không ngờ lại trở thành hiện thực. Nhưng sau vài buổi đi dạo trên đại lộ Champs-Elysées như một du khách nhàn hạ, nhìn ngắm những cửa tiệm nguy nga tráng lệ, các dòng người qua lại như mắc cửi, chẳng mấy chốc cái tâm trạng lâng lâng phơi phới ấy đã biến đi để nhường chỗ cho một nỗi ê chề buồn tủi khi anh phải đối diện với hiện thực. Ôi, Tự Do ! Tự Do ! Hai chữ Tự Do anh hằng mơ ước chỉ có là vậy sao ? Ở Việt Nam sau 75, vì không được sống và bày tỏ cảm xúc theo ý muốn, anh ao ước tự do, thèm khát được ca ngợi tự do. Nhưng nay được sống trên mảnh đất tự do, sự háo hức ca ngợi tự do nay chỉ như một đống tro tàn. Ở một xứ mà tự do đã trở thành thứ không khí thở hít hàng ngày, mấy ai còn cần tới anh ca tụng hai chữ Tự Do nữa. Riêng với bản thân anh, hai chữ Tự Do nay cũng chỉ đồng nghĩa với tấm thẻ tị nạn công nhận anh được quyền sinh sống và tìm kiếm công ăn việc làm trên đất Pháp mà thôi. Và anh đã bộc lộ nỗi niềm thất vọng đầu tiên bằng lời lẽ cay đắng như sau :
kẻ vượt biển đã tới bến mạnh lành
nhưng chết ngay khi đặt chân lên bờ đất
kẻ leo rào đã chụp được Tự Do
nhưng tức thời buông tay bổ ngửa
là ta.
(Nguyễn Tất Nhiên : « Chuông Mơ, Paris, khúc tháng chin », tr.8. Văn Nghệ xuất bản – California 1987)
Trước đây, khi còn ở Việt Nam, anh đã được nghe ca tụng biết bao điều về Paris . Nào là thủ đô của ánh sáng, nào là trung tâm của văn hóa nghệ thuật, nào là ga Lyon đèn vàng nơi đưa tiễn em về xứ mẹ. Rồi lại còn những buổi hẹn hò với người em gái tóc vàng, mắt xanh, sợi nhỏ trong căn gác trọ nữa… Ôi, mấy lời thơ phổ nhạc ấy, mỗi lần nghe có ai cất lời ca, anh lại thấy cuộc đời ở bển sao mà nó ồ mề lý, mế ly đời ta thế …. Nhưng nay có mặt trên xứ sở của văn hóa nghệ thuật rồi, anh lại không tìm ra được nguồn cảm hứng sáng tác. Những lời lẽ diễn tả tâm tình của một vài chàng trai được qua Pháp du học trong khoảng thập niên 1950-60 có thể là những rung cảm chân thành đấy. Nhưng ở cương vị một kẻ tị nạn, nếu anh vẫn đem tâm tình ấy ra hâm lại bằng những vần điệu cũng mang hơi hướng thơ Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, anh biết chắc sẽ chỉ nặn ra được một thứ văn chương văn nghệ, văn chương ảo giác mà thôi. Là con người thơ để nói lên tiếng nói chân thật, anh đành gửi gấm nỗi lòng qua mấy lời lẽ thô kệch như sau :
em thì xa quá xa
làm sao nghe tiếng dội dồn
hơi thở người
vỗ theo từng nấc thang cây xưa rích
Paris
ta mỗi bữa lếch thếch leo
mút bảy tầng
sống – tóc cọ quẹt nóc nhà
sống – nơi đặc biệt
dành riêng cho hạng ở đợ.
(Chuông Mơ, bdd. tr.9)
Phải chăng tâm sự ê chề này đã thúc đẩy anh rời bỏ cái xứ sở anh hằng mơ ước để xin tới định cư tại quận Cam bang California có nhiều nắng ấm, là nơi anh nghe nói tề tựu hầu hết tập thể người Việt tị nạn và cũng là nơi anh mong tìm lại được bàu không khí quê hương.
Thời gian lưu lạc tại Mỹ, anh sinh sống ra sao ? Tôi không may mắn, ít có hân hạnh được quen biết nhiều các giới văn nghệ sĩ nên không có điều kiện để thăm hỏi những gì họ biết về anh. Nhưng có lẽ nhờ vậy, tôi đỡ tốn thì giờ, mất công lọc lựa để lấy ra một vài dữ kiện hữu ích trong số các mẩu tin thuật lại, phần đông thường là giai thoại có thêm mắm thêm muối để tăng phần hấp dẫn. Rút cục, tôi đành trông cậy vào mớ tư liệu cỏn con tôi gom góp được. Cái mớ tư liệu ấy, vỏn vẹn chỉ có một số ít bài thơ của anh và dăm ba bài báo nói về cái chêt của anh hoặc nhắc nhở tới anh. Tư liệu như vậy, quả là có ít. Nhưng may mắn thay, trong số này lại lọt vào một bài viết đặc biệt của Khánh Trường. Khánh Trường ! Cái tên nay được nhắc đến như là họa sĩ hơn là nhà văn, nhà báo. Vậy mà cũng cái tên ấy, trong năm đầu của thâp niên chót thế kỷ trước, đã có lần gây náo động trong giới cao thủ võ lâm chuyên nghề múa bút ở hải ngoại vì cho ra mắt tạp chí Hợp Lưu với chủ trương đi tìm sự hòa giải hòa hợp bằng con đường văn hóa dân tộc và nhân bản (11). Nhưng hôm nay tôi có nhắc đến Khánh Trường, không phải để nói về anh, mà vì cái bài anh viết về Nguyễn Tất Nhiên trên tờ Hợp Lưu số 58 tháng 3&4 năm 2001 khi anh còn đứng tên chủ biên và giữ mụcngày… tháng… dưới bút hiệu Kim Thi. Trong bài viết này, phần nói về Nguyễn Tất Nhiên vỏn vẹn có bảy trang thôi (H.L 58, tr.118-124). Nhưng với tôi, đây là một tài liệu quí giá còn hơn cả thỏi vàng ròng : Vào buổi chạng vạng tối giữa mùa đông rét mướt, có kẻ lại thích lang thang vào nghĩa trang đi tìm sưởi ấm tâm hồn giữa những tấm mộ bia, thì những điều người ấy nói lên về một con người đã khuất, tôi tin phải là lời lẽ của một tấm lòng. Bởi vậy, bằng một phương pháp tiếp cận văn học mới và dựa trên những điều Khánh Trường viết ra, tôi hi vọng có thể tìm hiểu thêm về con người thơ Nguyễn Tất Nhiên, diễn biến tâm hồn anh trong giai đoạn cuối đời để rồi đi đến quyết định tối hậu (ít ra là cũng theo óc tưởng tượng và cảm nhận của riêng tôi).
Những ngày đầu được sống trong khung cảnh sinh hoạt của khu Little Saigon với những cửa tiệm, hàng quán y hệt Sài Gòn và giữa những đồng hương có người chỉ thích nói toàn tiếng Việt làm như không cần biết tiếng Mỹ là gì, anh tưởng mình đã là cánh chim tìm được về tổ ấm. Nhưng chẳng bao lâu cảm giác lạc lõng bơ vơ lại trở vê với anh. Và hơn bao giờ hết anh mới thể nghiệm được điều mà anh đã linh cảm qua mấy lời thơ anh thốt ra tại Việt Nam khi vừa mới đôi mươi:
Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
phải đau theo từng hớp rượu tàn
phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định !
(Giữa Trần Gian Tuyệt Vọng, 1972, Khánh Trường trích lại – H.L 58 bdd, tr.219)
Điều mà anh linh cảm, ấy là cái bất hạnh anh sinh ra thuộc dòng dõi các nhà thơ mang số kiếp bị nguyền rủa (la race des poètes maudits). Lỡ sinh ra với nghiệp chướng (hay thiên chức ?) phải (được ?) là nhà thơ chỉ có thể nói lên những lời thơ đậm đặc tâm hồn Việt Nam, anh cảm thấy không thể hội nhập xã hội mới như những người khác. Trong lúc mọi người hân hoan phấn khởi như kẻ vừa thoát địa ngục tới được thiên đàng, thì anh lại càng thấm thía điều mà anh đã linh cảm sau khi được đặt chân lên đất Pháp :
phải, ta đánh rơi ta
nát vụn
sau khi đánh rơi Việt Nam
bên kia bờ biển mịt .
(Chuông Mơ – bdd, tr.9)
Ta đánh rơi ta nát vụn, bởi vì cái Hạnh Phúc và Tự Do khiến anh phải liều mạng vượt biển để tìm kiếm đâu có phải chỉ là sự mưu tìm một khung cảnh tồn tại thích hợp đáp ứng cho nhu cầu hưởng thụ của một sinh vật chỉ thích sống phóng túng theo bản năng ? Và tự do tư tưởng đâu có phải chỉ là quyền ăn nói vô tội vạ bằng những lời đao to búa lớn để, hễ gặp dịp, là phang ngay một trận, bằng không thì lại sực mùi bốc thơm ? Bởi vậy trong khung cảnh sống mới mẻ mà mọi người đều cho là thích hợp, anh lại sống như một kẻ mộng du. Và chỉ những kỷ niệm xa xưa với những hình ảnh và rung cảm thuần khiết Việt Nam mà anh gợi lại qua mấy bài thơ như Nhớ Nội, Cứ Ngỡ Như Là Mới Nhớ Thôi, Chở Em Đi Học Trường Đêm… mới làm anh thức tỉnh như những hồi « Chuông Mơ ». ( mời coi phần phụ lục). Trạng thái mộng du ấy ngày càng ăn sâu vào tâm thức anh để rồi dần dà biến thành một thứ bệnh hoang tưởng. Là người sống gần gũi bên anh, Khánh Trường đã ghi nhận những biến chuyển trong tâm hồn anh như sau : « Những tháng cuối cùng trước khi tự chọn cho mình cái chết bằng những viên thuốc, bệnh tình Nguyễn Tất Nhiên khá nặng, hắn thường xuyên sống đật dờ trong thế giới khác, đầy ắp hoang tưởng… Ám ảnh và hoang tưởng mỗi ngày mỗi nặng, chúng tôi ngại rồi sẽ đến lúc Nhiên hoàn toàn không còn biết mình là ai. » (Hợp Lưu 58 ; bdd. tr.219-220). Cái mà mọi người đều cho là bệnh hoang tưởng ấy, theo tôi, chính là biểu hiện của hội chứng (syndrome) một não trạng không thích nghi được với môi trường sống mới. Thế nhưng, đồng thời với sự phát triển của chứng bệnh hoang tưởng ấy, có lúc Khánh Trường lại phát hiện nơi Nguyễn Tát Nhiên sự kiện đặc biệt như sau : « Thế mà, lạ lùng thay, giữa cõi tối tăm của tâm thức mù lòa ấy, lại lóe sáng những tia lửa của tài hoa khi Nhiên chạm đến thơ ca. Những sáng tác của Nhiên thời kỳ này chân thật đến nao lòng. » (HL 58 ; bdd. tr.220). Và Khánh Trường đã dẫn chứng bằng bài thơ « Buồn ơi… » mà tôi lấy ra một vài trích đoạn sau :
buồn ơi…
tôi bỏ tôi chìm đắm
trong tiếng làm thinh của ghế bàn
ghế bàn không xẻ chia sầu thảm
nhưng biết làm thinh lặng cảm thông
…
buồn ơi tôi muốn như bàn ghế
chịu đựng đời không biết thở than!
(…)
buồn ơi…
tôi bỏ tôi rời rã
bất lực làm sao trước cuộc đời
…
ừ nhỉ, bây giờ tôi mới biết
ghế bàn nên kính trọng như thầy
bàn ghế dạy tôi diều nhẫn nhục
dạy tôi bình thản thứ tha đời
…
buồn ơi tôi muốn như bàn ghế
thương đời như thể bỉ khinh tôi!
(…)
buồn ơi…
tôi có tôi-bàn-ghế
nguyện hiến cho đời một tấm lưng.
(Hợp Lưu 58; bdd. Tr.221-222)
Mấy câu “buồn ơi…” này của Nguyễn Tất Nhiên làm tôi nhớ lại hai câu thơ trong bài “Milly ou la terre natale” của Lamartine mà hồi còn là học sinh trung học tôi vẫn thích chép đi chép lại tuy đã thuộc làu làu :
Objets inanimés avez-vous donc une âme
Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer ?
Hỡi vật vô tri, phải chăng các ngươi cũng có một linh hồn
Đã quyện vào hồn ta làm ta phải biết luyến thương ?
Giờ đọc lại, tôi thấy hai câu trên, thơ thì có thơ thật, nhưng tâm tình của Lamartine hãy còn thuộc về cái chung thiên hạ, vẫn chưa ra khỏi cái thiên la địa võng của những công thức ước lệ, và hình thức diễn tả hãy còn ít nhiều trí tuệ : Chúng chỉ nói lên tâm trạng hoài niệm các cảnh vật làm ta gắn bó và tìm cách lý giải nỗi luyến nhớ ấy. Cái buồn của Nguyễn Tất Nhiên, trái lại, cô quạnh hơn, cá thể hơn, đau đớn hơn : Nó là tiếng kêu tuyệt vọng của một nỗi cô đơn cùng cực không tìm ra được sự đồng cảm nơi những người đã từng trải qua những cảnh ngộ như mình, đành phải tìm an ủi nơi bàn ghế là những vật vô tri vô giác, nhưng lại đươc coi là những nhân chứng biết cảm thông.
Trước mấy câu thơ này, Khánh Trường thắc mắc tự hỏi : « Tôi chịu, không thể nào hiểu hắn làm những bài thơ ấy vào lúc nào, và cái gì đã giúp hắn tỉnh táo để có thể nặn ra được mớ chữ nghĩa giàu hấp lực kia. Cái hấp lực người bình thường chúng ta thúc thủ, đã đành, mà ngay cả nhiều tài năng thi ca khác cũng sẽ vất vả vô cùng, nếu muốn thủ đắc. » (Hợp Lưu 58 ; bdd. tr.220). Cái hấp lực của mấy câu thơ xuất thần ấy, theo tôi, ấy là những lúc anh được trở thành kẻ thấu thị (le voyant) theo chữ của Rimbaud, nghĩa là những lúc anh hoàn toàn thức tỉnh và tìm lại được cái ngã con người thơ đích thực nơi anh, chứ không phải cái « Tôi là kẻ khác » (Je est un autre – Rimbaud) (12), tức thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên dưới con mắt người đời.
Cuối cùng, bởi không tìm ra được sự đồng cảm, nên Nguyễn Tất Nhiên cứ phải buồn, nên Nguyễn Tất Nhiên sinh tuyệt vọng. Để rồi, một sớm thu, anh đành đi tìm quên lãng. Anh đi tìm quên lãng trong một khung cảnh thanh tịnh hài hòa của một sân chùa vắng vẻ. Nơi đây chỉ có lá rơi xào xạc. Nơi đây chỉ có chim muông ca hót. Nơi đây anh được gần gũi với thiên nhiên. Nơi đây anh được trở về với cuộc sống cội nguồn.
Nguyễn Tất Nhiên ! Thế là anh lại quyết chí ra đi. Anh đã ra đi thật rồi. Anh ra đi để đi tìm quên lãng. Anh ra đi để được đi vào lãng quên. Nhưng sao hôm nay tôi lại chợt nhớ tới anh. Nhưng sao hôm nay tôi lại thèm được ở bên anh. Thèm được ở bên anh trong những giây phút ngắn ngủi ấy. Thèm có mặt bên anh để, nếu không xin được làm kẻ đồng hành, thì ít ra cũng chúc anh hoan hỉ lên đường.
Nguyễn Tất Nhiên ! Người đời đã chỉ muốn nhìn anh nằm ngủ vùi trong chiếc Toyota cũ kỹ như một con người thua cuộc. Nhưng tôi, tôi thấy anh ra đi thật cao cả ! Nhưng tôi, tôi thấy anh ra đi rất tuyệt vời ! Nguyễn Tất Nhiên, anh ! Anh ra đi dẫu có trong lãnh đạm. Anh ra đi dẫu có giữa thờ ơ. Nhưng anh ra đi sao làm tôi lại ham muốn. Nhưng anh ra đi sao bắt tôi phải thèm thuồng. Trong bộ quần áo nhàu nát cùng với gương mặt tóc râu bờm sờm ấy, anh chính là hình ảnh của người khách phong sương muôn thuở, yêu sóng cả sông dài, yêu trời cao biển rộng. Và chiếc Toyota cũ kỹ chính là chiếc xe lãng tử sẵn sàng đưa anh tới những phương trời lộng gió. Cõi sống này sao nó nham nhở kệch cỡm quá ! Nên anh buộc lòng phải dứt khoát ra đi.
Cuộc viễn du lần này tôi biết anh chuẩn bị đã từ lâu. Anh chuẩn bị âm thầm lặng lẽ. Anh chuẩn bị trống trải cô đơn. Anh chuẩn bị mà không muốn thố lộ cùng ai. Bởi vì, đã mang tâm tư khát vọng ấy, và trong cõi đời ấy, có nói năng chi cũng thừa.
Trước giờ khởi hành, tôi biết anh hân hoan phấn khởi lắm. Tim anh rộn ràng. Mắt anh ngời sáng. Tai anh nghe trổi dậy khúc nhạc giục dã với những lời mời gọi quyến rũ như những vần thơ kết thúc bản trường ca « Viễn Du » của nhà thơ Baudelaire (13) :
O Mort, vieux capitaine, il est temps ! levons l’ancre !
Ce pays nous ennuie, O Mort ! Appareillons !
Si le ciel et la mer sont noirs comme de l’encre,
Nos cœurs que tu connais sont remplis de rayons !
Verse-nous ton poison pour qu’il nous réconforte !
Nous voulons, tant ce feu nous brûle le cerveau,
Plonger au fond du gouffre, Enfer ou Ciel, qu’importe ?
Au fond de l’inconnu pour trouver du nouveau !
(Baudelaire : Le Voyage.- Les Fleurs du Mal – p.186; GF Flammarion , Paris, 1991)
Hỡi Thần Chết, vị thuyền trưởng già nua, tới giờ rồi !
nhổ neo thôi !
Cõi này làm ta chán ngấy, hỡi Thần Chết ! Nào ta lên đường !
Nếu trời và biển đều tối đen màu mực,
Tâm can ta, ngươi cũng biết, lại chan hòa ánh sáng !
Hãy rót trong ta chất độc dược làm ta hưng phấn !
Bởi có ngọn lửa đang hừng hực trong não nên ta muốn
Lao xuống đáy vực thẳm, dù Địa Ngục hay Thiên Đường,
có xá chi ?
Miễn là ở tận cùng cõi xa lạ kiếm ra được cái mới mẻ.
Những người lính ở tuyến đầu thường lâm vào cảnh khốn quẫn, bị địch bao vây tứ bề. Những lúc đó họ thường có quyết định táo bạo là đánh thốc vào địch để phá vỡ vòng vây. Nhờ vậy cũng có lúc họ thoát hiểm. Về tới đơn vị, với đồng đội, khi kể chuyện lại cho nhau nghe, họ chỉ tóm gọn hành động gan dạ đó trong câu nói cụt lủn : « Đi vào cái chết để tìm ra cái sống ! »
Nguyễn Tất Nhiên ! Khi bóng đêm bỗng đổ ập xuống mảnh đất thân yêu, anh đã một lần vượt trùng dương đi vào cái chết để tìm ra cái sống. Nhưng những nơi anh được đặt chân tới vẫn chưa làm anh toại nguyện. Bởi vậy lần này anh quyết tâm xông thẳng vào Cõi Chết để tìm ra Sự Sống. Giờ này anh hẳn đang ở chốn hào quang rực rỡ, nơi đó anh đã gặp được Chân, Thiên, Mỹ anh hằng mơ ước.
Nguyên Tất Nhiên ! Xin chào Anh, người chiến sĩ tiên phong dũng cảm ! Cám ơn Anh đã để lại cho chúng tôi những ý thơ tuyệt vời !
Nguyễn Bảo Hưng
Viết xong ngày 28-01-1012 – Đầu xuân Nhâm Thìn
Nguồn: Tác giả gửi
(11) … « Chúng tôi quan niệm rằng, tác phẩm, dù rằng đứng trên quan điểm nào, nếu thực sự giá trị, thực sự đáp ứng được lòng mong muốn của đa số độc giả thầm lặng, thì dứt khoát đó phải là tiếng nói nhân bản (chữ in đậm do tôi NBH), tiếng nói của lòng lương thiện. Văn học nghệ thuật không chỉ đáp ứng cho hiện tại, nó sống mãi với thời gian. Chế độ chính trị nào rồi cũng qua đi, cái còn lại sẽ vẫn là cái cận nhân tình, cái đẹp, cái tốt.. Lịch sử là thước đo chuẩn xác nhất để minh định giá trị thực sự của một tác phẩm. Vài mươi năm sau, mọi nhãn hiệu tự gắn hay bị gắn cho người cầm bút sẽ được bóc đi, còn lại chăng vẫn là cái cốt lõi. Đó là một sự thật, dù biện minh cách nào chúng ta cũng không thể phủ nhận…
… Chính vì vậy, trong tiến trình thực hiện hợp lưu văn hóa (bao gồm giữa trong và ngoài nước lẫn Việt Nam với thế giới), điều trước tiên phải phục hồi văn hóa dân tộc. Muốn phục hồi văn hóa dân tộc, phải có tập hợp dân tộc, ở đó mọi thành phần không phân biệt quá khứ chính trị hay địa dư đều có đất đứng, đều cùng góp công sức của mình để đáu tranh loại bỏ mọi thé lực độc tài, chuyên chính, bị trị, vốn là nguyên nhân gây ra thực trạng bi thảm hiên nay tại quê hương. »
(Hợp Lưu số 1 tháng 10-1991 : « Thư tòa soạn », tr.4-5)
(12) Để nắm được ý nghĩa đúng câu « Je est un autre » của Rimbaud, trước hết ta hãy xét về mặt ngữ pháp (syntaxe). Bình thường, ta phải viết hoặc « Je suis un autre » hoặc « Il est un autre », có thế mới đúng với cách chia vẹc bờ của mấy ông Tây. Vậy mà Rimbaud đã cố ý viết sai mẹo văn phạm, ấy là vì ông muốn lưu ý ta rằng cái mà ta vẫn xưng tôi (je) để phân biệt với anh (tu), với nó (il) trong giao tiếp xã hội hàng ngày, thực ra nhiều khi chỉ là cái tôi nhân vật, cái tôi ta muốn được là, cái tôi ta thích hiện ra trước mắt mọi người, chứ không phải là cái tôi mang bản ngã ta đích thực.
Nhưng khi viết ra câu này, chủ đích của Rimbaud không chỉ nhằm lột mặt nạ cái tôi giả mạo, cái tôi kẻ chiếm chỗ (l’usurpateur), cái tôi nhân vật xã hội, mà là để nói lên cái thiên chức của nhà thơ, theo ông. Muốn nắm được cái tinh hoa trong câu nói của Rimbaud, ta cần đặt nó trong ngữ cảnh (contexte) được viết ra.
Rimbaud đã viết câu « Je est un autre » hai lần trong hai lá thư, được biết dưới tên gọi « Lettres du voyant » (Những lá thư của kẻ thấu thị) : một cho thầy dạy là Georges Izambard (13-5-1871), và một cho người bạn là Paul Demeny (15-5- 1781). Đặc biệt trong thư gửi thày học có đoạn viết như sau : « Je veux être poète, et je travaille à devenir voyant… Il s’agit d’arriver à l’inconnu par le dérèglement de tous les sens… C’est faux de dire : Je pense : on devrait dire : On me pense… Je est un autre. » (Rimbaud : Poésies complètes – Le Livre de Poche.- Librairie Générale Française, 1984 ; p.200). (Tôi muốn được là nhà thơ, và tôi đang lao tác để trở thành kẻ thấu thị nghĩa là đạt tới cõi xa lạ bằng cách làm nhiễu loạn mọi giác quan của mình. Nói rằng : Tôi suy tưởng là không đúng. Lẽ ra ta phải nói : người ta suy tưởng trong tôi… Tôi là một kẻ khác.) Đoạn văn tuy ngắn ngủi nhưng đậm đặc ý nghĩa : Nó đưa ra cái nhìn mới mẻ, có thể nói là cách mạng, của Rimbaud về thi ca. Trước hết nó đánh dấu một đoạn tuyệt với các dòng thi ca truyền thống, đặc biệt là với dòng thi ca lãng mạn trước nó. Với Rimbaud, cái tôi vẫn là nguồn cảm hứng và được dùng làm chất liệu cho các nhà thơ lãng mạn không phải là cái tôi đích thực. Không hẳn là các nhà thơ ấy thiếu chân thành. Nhưng những tâm tình mà họ ưa đem ra kể lể ấy, thực ra chỉ là cái tôi mang tâm thức của một tập thể, của một thế hệ, của một thời thượng đã xâm nhập và lấn át cái tôi mang bản ngã đích thực nơi mỗi người chúng ta. Đó là ý nghĩa của câu : « On me pense ». Bởi vậy, nhà thơ muốn nói lên được cái tôi đích thực, phải tìm cách tự giải thoát khỏi cái « Je est un autre » bằng cách làm nhiễu loạn mọi giác quan (le dérèglement de tous les sens) để cởi bỏ mọi cảm nghĩ,suy tư đã xếp nếp. Có thế ta mới mong được trở thành kẻ thấu thị (le voyant) để nói lên cái ngã đích thực (le vrai moi) nơi ta.
Câu « Je est un autre », Rimbaud viết ra khi mới sắp tròn 17 tuổi, vậy mà chẳng mấy chốc đã trở thành câu nói để đời. Ấy bởi nó là kết quả của của một khổ công tư duy tìm kiếm để sáng tạo cách tân, chứ không phải chỉ là một hình thức viết loạn chiêu để hù hè thiên hạ.
(13) Charles Baudelaire (1821- 1867) được tôn là huynh trưởng của Verlaine, Rimbaud, Mallarmé trong dòng thơ biểu tượng. Ông cũng được coi là người sáng chế ra loại « Thơ bằng văn xuôi » (poésie en prose) với nhiều bài « Thơ bằng văn xuôi » (Poèmes en prose ) đăng rải rác trên nhiều nhật báo. Nhưng tác phẩm khiến tên tuổi ông được nhắc đến nhiều nhất đó là tập « Les Fleurs du Mal » (1857). Trước tiên, với người đương thời, vì ngay khi tập thơ được in ra, ông đã phải vác chiếu hầu tòa (cũng như Gutave Flaubert với cuốn « Madame Bovary » vài tháng trước đó) do một số bài thơ bị liệt vào hạng văn hóa đồi trụy. Nhưng tên tuổi Baudelaire được lưu truyền hậu thế không phải nhờ vào mấy bài thơ gây tai tiếng ấy, mà do những giá trị tiêu biểu của tập thơ ông. Trước hết là những bài thơ nói lên nhãn quan và mỹ học biểu tượng : Thiên nhiên là khu rừng mà mỗi gốc cây là một biểu tượng và ở đó mọi giác quan đều có thể tương ứng đối đáp nhau. (« Correspondances », Sdd. tr 62-63). Bên cạnh đó là một số bài thơ khác đưa ta vào một thế giới mới mở đường cho thi ca hiện đại: thế giới của những điều cấm kỵ, thế giới của le Mal.Le Mal, : cái từ chủ chốt mà theo dòng văn học phải đạo chính thống thời ấy, và ngay cả tới giờ, những gì có dính líu tới le Mal phải được coi là điều cấm kỵ nghĩa là ta chỉ được quyền nói lên để làm dấy lên những cảm giác khinh khi, ghét bỏ chứ không phải để ca ngợi. Vậy mà nhãn quan của Baudelaire lại khác. Ông cho rằng ở những cái mà người đời cho rằng chỉ đáng khinh thường, ghét bỏ vẫn có phần nào của cái đẹp cần được nói lên (như nọc rắn cũng có thể biến thành một thứ thần dược). Đó chính ý nghĩa của cái tựa ông đã chọn cho tập thơ của ông : « Les Fleurs du Mal » = « extraire la beauté du Mal » hay là nói lên cái đẹp chắt lọc từ những cái được coi là tồi bại xấu xa. Thí dụ như bài « Le vin des chiffonniers. Sdd. tr.152-153 » (Men say của những người lượm giẻ rách) : Dưới ánh đèn vàng héo hắt của một khu phố ngoại ô tồi tàn dáng đi siêu vẹo chuếnh choáng hơi men của một người chuyên nghề lượm rẻ rách, miệng nói lảm nhảm, tự xưng mình là vua chúa đang ban phát ân huệ cho thiên hạ. Hình ảnh đó, nói chung, được coi là biểu hiện cho sự sa đọa bệ rạc. Nhưng với Baudelaire lại khác. Bằng cặp mắt nhân bản và cảm thông, ông lại phát hiện vẻ đẹp siêu thoát toát ra từ cảnh ngộ của một kiếp sống lầm than tăm tối chỉ biết tìm an ủi trong say sưa để được sống huy hoàng chốc lát với ảo ảnh hào quang về mình.
PHỤ LỤC
Sau đây là mấy bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên trong tập « Chuông Mơ » (1987) được nhắc tới trong bài viết :
nhớ nội
mưa nắng hai mùa trên xứ nội
vun trồng từng luống mạ vồng khoai
mấy dây trầu « lẹt » tươi màu lá
ôm ấp hàng cau với tháng ngày
ngoài ngõ dàn bàu rợp bóng trưa
bờ nương lả ngọn mấy cây dừa
đàn gà tíu tít bương tìm thóc
đống lúa phơi vàng sân gió đưa
no gió diều lên ở cuối đê
ca dao quê cũ ngọt hương thề
phên tre mái lá hai bà cháu
hủ hỉ vui ngầm hưởng thú quê
từ lúc giặc về, con biệt xứ
nát lòng chim quốc nhớ quê hương
mấy thu vàng úa đời xa cội
chẳng biết mộ phần nội có yên ?
(Anaheim, Ca. Ngày 28-12-82)
cứ ngỡ như là mới nhớ thôi
tâm hồn tôi có một dòng sông
chảy qua nhà cô bạn chung trường
chiều sông dâng sóng miên man gió
bay tóc bay hồn tôi thanh tân…
tâm hồn tôi có một bờ sông
bên cạnh nhà cô bạn chung trường
chiều miên man gió sông dâng sóng
dâng tuổi dâng tình tôi mênh mông…
tâm hồn tôi thức trắng đêm dài
em bay áo trắng nắng ươm mây
chiều êm nắng rủ nhau đi ngủ
trên tóc ai lành ru ngủ vai…
tâm hồn tôi có quẩn quanh tôi
có một sông quanh khúc quẩn đời
có một bàn tay ôm cặp, gói
cả mộng mơ kia, luyến tiếc này…
tâm hồn tôi có tuổi thơ tôi
có một bâng khuâng thức trắng đời
đời cứ rủ nhau đi ngủ cả
tôi thức cho buồn ngỡ… mới thôi
(Westminter, Ca. Ngày 04.7.87)
chở em đi học trường đêm
chở em đi học mưa, chiều
tóc hai đứa ủ đôi điều xót xa
mưa thánh thót, mưa ngân nga
(hình như có bão băng qua thị thành!)
bàn tay thiếu máu lạnh tanh
cóng tôi chịu đựng cho đành luyến thương!
chở em đi học mưa, buồn
tôi Honda cũ trèo luôn dốc đời
thình lình chết máy như chơi
đừng tin lắm chuyện xa vời nhớ em!
đèo nhau qua dãy cột đèn
khẳng khiu soi dõi đường đêm bóng người
bóng xấp nhập, bóng tách rời
bóng co, bóng dãn, bóng trôi dập dềnh…
(dối gian như bóng dối hình
dối gian theo những lời tình gió bay…)
đèo nhau qua đoạn đời này
cầu Trương Minh Giảng nghe đầy hoàng hôn
mưa rỉ rả, mưa nguồn cơn
mưa đâm lóc thịt, mưa dầm thuộc da…
chở em đi học mưa nhòa
đường loang loáng nước lập lòa loáng cây
lạnh vừa đủ siết vòng tay
run đi em để sau này…nhớ nhau…
chở em sa vũng lầy nào
về nhà nói mẹ qua cầu sẩy chân!
(Westminter, Ca. ngày 06.7.87)
chuông mơ
áo em trắng cả sân trường trắng
tan học chiều nay có ngẩn ngơ?
chiều nay anh ở xa lăng lắc
không cách chi về đón tiểu thơ!
chiều nay ở đất bon chen
cái mộng tan theo cái thấp hèn
cái thực lem theo ngày sông vội
không cách chi dài phút nhớ em !
chiều nay em bước ngang giáo đường
mắt Chúa chắc buồn thăm thẳm hơn
chắc cây thánh giá thành di tích
chuyện một người chuộc hoài công !
chiều nay em còn măng tóc mai
hay đã lao tâm luống bạc rồi ?
chiều nay vừa đến giờ tan học
hay vừa buông cuốc chặm mồ hôi ?
chiều nay em bước trên quê hương
chắc tóc không còn óng ả chuông
chắc chuông không mượt nâng tà tóc
chắc tóc và chuông đã…đoạn trường !
chiều nay em bước trên quê hương
chắc Chúa chẳng nhìn như mọi hôm
bởi vì mắt Chúa và em đã
lóng lánh vùi chôn ngấn lệ lòng !
áo em trắng cả sân trường trắng
tan học trong đời anh thẩn thơ
đời anh quên, nhớ, quên… nhiều lắm !
chiều chiều xứ Mỹ cũng chuông mơ…
(Westminter, Ca. Ngày 23.7.87)
Mấy bài thơ này, với tôi, khá tiêu biểu cho thế giới thơ Nguyễn Tất Nhiên. Bài “Nhớ nội” gợi lên trong ta những hình ảnh hiền hòa, trung hậu đậm đặc tâm hồn muôn thuở con người Viêt Nam, đất nước Việt Nam. Hai bài “Cứ ngỡ như là mới nhớ thôi”, “Chở em đi học trường đêm” nói lên mối tình e ấp ngu ngơ của đôi trẻ vào cái thời còn làthủa ấy – cũng mới đây thôi – nhưng sao làm ta lại ngỡ được trở về với không gian trong lành vô tội của khu Địa đàng khi mà A dong và E Va còn chưa dại dột ghé răng cắn vào trái cấm. Còn bài “Chuông mơ” nói lên nỗi niềm hoài hương đã bám rễ trong tâm thức anh khiến Nguyễn Tất Nhiên không tìm ra được lối thoát trong môi trường sống mới.
BONUS:
Tùy bút “Học Trò Già”, được viết vào đầu năm 1973, là một trong những bài văn chưa từng đăng báo của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, may mắn được người nhà cất giữ và mang ra nước ngoài sau khi anh qua đời. Kèm theo bài viết là một vài đoạn phóng ảnh nguyên bản với chính thủ bút của tác giả.
Anh Lê khuyên tôi: “mình nên yêu người nào yêu văn nghệ thôi, chứ đừng nên yêu người làm văn nghệ, vì, sẽ có ngày mình đọc bài của nàng mà chẳng thấy nàng đá động gì đến mình, thì có nước khóc thét lên!”. Tôi cười ngã nghiêng lúc đó. Và, bây giờ tôi còn cười nữa thôi?
Sáng nay tôi tới trường, ông Ý, người thầy Việt Văn cũ mời, em dù sao cũng ráng tới chung vui với thầy, em là khách của thầy. – Thưa thầy, em muốn xin tấm thiệp mời. – Thiệp thiết gì, tao với mày mà! Khéo lôi thôi. – Dạ, mai em tới, mấy giờ thầy? – Tám giờ sáng. Tôi là khách, khách phải đến trễ mới quí, với quan niệm ấy tôi có mặt lúc chín giờ hơn. Học trò ở đây tiếp đón nồng nàn tôi, gã đàn anh hoang đàng. Nắng mùa Xuân lợt lợt, tôi đã quen màu, thuở ngồi đệ tam đến giờ, đã năm năm, có năm nào tôi từ chối việc làm tờ giai phẩm Xuân của trường đâu, dĩ nhiên, buổi liên hoan báo chí nào cũng phải có tôi. Nắng mùa Xuân lợt lợt, tôi đã quen màu, màu-nắng-liên-hoan. Tôi cố tình mặc quần xanh áo trắng, cố tình may phù hiệu trung học Ngô Quyền trên ngực, hay nói trắng ra: tôi cố tình bày vẻ ta đây còn luyến tiếc tuổi học trò! Hải của ngày nào làm thơ cho cô Duyên, vì cô Duyên, đây! Anh đây, các em hãy chiêm ngưỡng đi, các em hãy ca tụng hắn đi, hắn thích nghe ai khen thơ hắn lắm đó.
Th. ơi, anh không có nổi một cái gì cho em viết sao? Hai câu thơ của anh ngày nào, em nói em thích nhất “bất thần sáng mắt yêu ai. Khác chi mời người bứt ruột!” không thể trở thành một chi tiết nhỏ trong bài viết em sao?
Thầy Ý, giáo sư hướng dẫn báo chí đứng lên nói vài lời khai mạc buổi tiệc. Thầy ngợi khen Th. và bạn bè nàng. Tôi biết nàng đang sung sướng hân hoan – như tôi ngày nào. Lén chớp nhanh ánh mắt qua bên kia bàn, đầy con gái, tôi chỉ thấy một phần tóc của Th. cúi đầu. Thời người tôn sùng ta đã hết rồi, ta hằng biết thế, bởi ta dại dột yêu người. Khi yêu ai đắm đuối, là lúc mình khó lòng dấu che chân tướng mình! Th. đã nhìn được chân tướng anh rồi, cũng chỉ như trăm nghìn kẻ khác (*) phải không em? Anh du côn, anh cộc cằn thô lỗ, anh chẳng thơ mộng như thơ anh chút nào, em hở? Anh gây gỗ với con gái ào ào, anh thường giải quyết vấn đề bằng chân tay, hào-quang-thi-sĩ của anh trước sau gì cĩng là thứ ánh sáng đèn néon uốn quanh đầu tượng, điện cúp rồi, Phật hay Chúa gì cũng đành phận đá đìu hiu!
Thầy Ý dứt lời, học trò vỗ tay. Tôi thương thầy vì thầy thương tôi, tôi nghĩ đến thầy vì thầy nghĩ đến tôi, giản dị quá! Nhưng tôi thương Th. vì Th. ghét tôi, lánh tôi! Cám ơn em bỏ thiên tài tang thương! Câu thơ làm cho Th., tự nhiên tôi muốn đọc to lên giữa đám đông, nhưng lại sợ đám đông cười ồ, sợ những lời đùa cợt, la ó: “bắt thi sĩ vô dưỡng trí viện đi bà con, trời nóng nực rồi!”
Th. ơi, anh không có nổi một cái gì cho em viết sao? Em nói với Du về mùa Xuân, về nước mắt, về chiến tranh, về tình yêu, về kỷ niệm… Kỷ niệm có “K” nào đó, kỷ niệm không có anh! “K” nào đó là kỷ niệm của em, “K” nào đó là một thời của em. Còn anh, còn những chiều chúa nhật ở nhà chị Ninh, cũng kỷ niệm – nhưng là kỷ niệm “pha dấm vắt chanh”, phải chạy trốn, phải chối từ; cũng “một thời” – nhưng là “một thời” để hối hận, để nhục nhã, để đính chính: “tôi chẳng hề quen biết người ấy!” phải không em?
Th. ơi, ước chi ta có thể nặng lời chua chát được cùng người, thì thơ ta sẽ hay gấp ngàn lần hơn:
…nghe nói em vừa thi rớt Luật
môi trâm anh tàn héo nụ-xa-vời
mắt công nương thầm khép mộng-chân-trời
xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng
(dù thật sự cũng đáng đời em lắm
rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
ta, thằng ôm hận tú tài đôi
không biết tìm ai mà kể lể
chim lớn thôi đành cam rớt lệ
ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh…
Giữa tiệc, vài cô ca sĩ học trò lên micro hát véo von, mỗi cô hát, một anh sung sướng mỉm cười, “bồ” mình hôm nay xinh ghê, giọng ấm ghê… Nghĩa mập ơi, cho tao vui “ké” với, cho tao khen cô Diễm Hạnh hát hay “ké” với, Lưu Cam-bô-chia ơi, cho tao yêu “ké” với: “Tường Vi ôi Tường Vi, nhớ người ta tóc rụng”, tao đọc hai câu thơ ấy trước mặt mày, mày đừng nổi nóng với tao nghe, đừng đòi đá tao nghe! Lưu Cam-bô-chia ơi, thằng Khanh – em mày, nó kê miệng vào micro đòi “thi sĩ” xuất hiện kìa, tao nên rầu hay nên khoái đây? Anh chị đòi hỏi nhiều quá, tôi gầy gò thế này, hát hai bản nhạc một lúc, sức đâu mà rống mà gào? Anh chị vô tình, chẳng biết tôi cần tránh bài “thà là giọt mưa rớt trên tượng đá” trước mặt Th.!
– Kính thưa quí thầy, thưa anh chị, hôm nay, tôi hân hạnh được mời đến chung vui. Quí thầy và quí anh chị thấy tôi mặc đồng phục, làm “học trò già”, chắc cũng hiểu rằng tôi còn luyến tiếc khoảng thời gian đi học dưới mái trường Ngô Quyền này nhiều lắm. Mái trường này đã cho tôi tình yêu đầu đời thơ mộng, đã cho tôi bao nhiêu ý tưởng tuyệt vời trong văn chương, để rồi giờ phút này tôi may mắn được nhiều người biết tới, để đáp lại phần nào cảm tình quí báu tôi xin hát bài “Vì tôi là linh mục”, thơ của tôi, Nguyễn Đức Quang soạn thành ca khúc… Vì tôi là linh mục không mặc chiếc áo dòng, nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang. Vì tôi là linh mục có được một tín đồ, nhưng không là thánh thần, nên tín đồ đi hoang. Vì tôi là linh mục giảng lời tình nhân gian, nên không cần kinh thánh, nên không cần giáo xứ, nên tôi có con chiên chê tôi giống tên điên, quanh năm chỉ làm phiền…
Th. ơi, anh đã yêu người làm văn nghệ rồi, anh đang cười đây, cười nụ lệch, cười nụ mất thăng bằng, cười nụ khỉ nhe răng, thay vì “khóc thét lên” như lời anh Lê nói. Th. ơi, anh dối lòng còn vụng quá, anh đóng kịch còn lố lăng quá. Trong khi anh thủ vai người vui tính, trẻ trung, người ta lại khen anh diễu khá duyên dáng, cù léc nhột hơn “hề”. Th. ơi và Th. ơi!
– Xin cám ơn quí vị, tiếp theo đây, thể theo lời yêu cầu, tôi xin trình bày bản “thà là giọt mưa rớt trên tượng đá”, cũng thơ của tôi, Phạm Duy phổ nhạc. Bài này tôi xin riêng tặng thầy Đoàn Hữu Ý, vì, từ hồi còn học đệ tam tới giờ, tôi năm nào cũng cộng tác với báo Xuân NGÔ QUYỀN một cách bình thường, riêng năm nay, thầy Ý đã đặc biệt làm “xẩy” tờ báo khỏi tay tôi, thầy Ý đã làm việc âm thầm, rồi đùng một cái gặp tôi bảo xong hết rồi, em tới trễ quá! Vậy, xin lập lại lần nữa, tôi đặc biệt dành tặng giọng hát tôi hôm nay, trong bài “thà là giọt mưa rớt trên tượng đá” cho thầy Đoàn Hữu Ý, xin anh chị tràng pháo tay…
Th. ơi, anh lại tự dối lòng! ...Thà là giọt mưa vỡ trên mặt em, thà là giọt mưa khô trên mặt Duyên. Để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến, những giọt run run ướt ngọn lông măng, những giọt run run ướt ngọn lông măng. Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn, khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên. Tại sao lại người tên Duyên mà không phải người tên Th.? Anh dối lòng cả khi làm thơ nữa à? Thiên hạ nói “thơ” là tâm hồn, là tác giả, thiên hạ nói bậy! Th. ơi, thiên hạ (và em, chính em!) chẳng hiểu thi sĩ thi siết quái gì cả!
Th. ơi, thầy Ý nào làm “xẩy” tờ báo khỏi tay anh? Chính anh trốn tránh đó chứ, chính anh sợ em ghét anh đến độ tìm cách loại bài anh đó chứ! Em là cô trưởng ban biên tập mà, chỉ cần một lý do, tài chánh trường eo hẹp, báo ít trang, bài vở chật cả rồi, xong! Anh đầy đủ quyền hạn buộc em phải đăng bài này bài nọ, nhưng em sẽ tức, sẽ khóc, anh nào muốn Th. khổ vì anh! Th. ơi và Th. ơi!
Tôi dứt tiếng hát, vỗ tay rào rào vang dậy, bis bis! Hãnh diện chưa? Ôi, hãnh-diện-nát-tan-lòng! Trở lại chỗ ngồi, thêm hãnh diện, các cô bé vây lấy tôi xin chữ ký thật dễ thương. Sách vở tấp nập bay đến trước mặt. “Em nghe tiếng anh từ lâu, hôm nay mới biết!” “Anh dạy tụi em làm thơ đi!” “Anh viết giùm em ít hàng, ngay bài em nè, nhớ đề tên anh đàng hoàng nghe, em về làm kỷ niệm” hoặc: “Hải, cô kia nhờ tao chuyển lời lại, muốn làm em gái mày, cô bé thích thơ mày từ lâu rồi!”…
Th. ơi, anh viết hoài câu “học trò già trở lại trường xưa”, anh ký tên hàng loạt, mớ sách vơi dần, vơi dần, hết! Ước mơ anh hết theo, chẳng thấy quyển nào của Th. cả! Ừ, kể ra anh lẩm cẩm thật, thư anh gởi cho Th. cả khối, chất đống, đốt, còn sợ gây hỏa hoạn, thì, chữ ký của anh xa lạ gì với Th. nữa!
Tôi ngẩng lên, sau khi ký chữ cuối cùng, liếc qua bàn bên kia, Th. đã về tự lúc nào…
Buổi tiệc tàn.
Tôi đi, không, tôi lết đôi bàn chân trên mặt gạch bông ra cửa. Đinh Lan đang đứng cắn hạt dưa. Đinh Lan gầy, cao, như tranh tố nữ. – Thế nào? Cô nữ họa sĩ cho anh xin chữ ký chứ? Đinh Lan cười, anh có bút? – Mất rồi, Lan mượn giùm anh đi. Cô bé hỏi anh thích Lan viết chỗ nào? – Chỗ bức tranh phụ bản của Lan. – Anh thấy Lan vẽ được không? – Hay lắm, báo Ngô Quyền bán chạy là nhờ phụ bản của Lan đó! – Xạo hoài, Đinh Lan nghiêng đầu nhìn tôi, cười đẹp hơn bất cứ lúc nào, môi nàng đỏ thắm màu hạt dưa. Bỗng dưng tôi thèm tâm sự. Trong cơn đau nào người ta cũng cần tâm sự, đã đành người nói là người khổ sở đầy tràn, nhưng người nghe vô tội phải rầu theo. Người nói lắm khi làm người nghe tưởng chừng như đang bị hành hạ, khó chịu, nhức mỏi. Tôi thèm nói nhiều với Đinh Lan, liệu cô bé chịu đựng nổi chăng? Anh muốn nói với Đinh Lan rằng anh đang khốn nạn tự nãy giờ, anh oằn oại dối lòng, anh yêu một người mà hát tên người khác. Người anh yêu chắc đang giận vì tưởng lầm anh cố tình trêu tức, nàng đã về ngay. – Lan cũng biết phần nào câu chuyện. – Vậy hả? – Vâng, nhưng biết để mà biết thôi, chẳng để ý. – Lan muốn biết thêm không? – Không! – Sao vậy? – Vì các anh là con trai, có thể phóng túng tình cảm được, còn con gái tụi này chả nên biết nhiều quá sớm chuyện yêu đương, phải lo học hành. Cô bé đang màu mè với tôi! Đinh Lan ơi, có lẽ Đinh Lan lầm, lời anh nói chẳng phải là cái “nhập đề” đâu. Anh tán tỉnh Đinh Lan làm gì? Anh chỉ muốn cho Đinh Lan biết anh là “thiên tài”, yêu một người, làm thơ cho người khác, “rung-động-giả” được tuyên dương, được mọi người lầm tưởng cô Duyên là nguồn thơ bất tận của anh! Anh chỉ muốn nói cho Đinh Lan nghe câu: “nếu được lựa chọn giữa hạnh phúc và tác phẩm, tôi sẽ lựa chọn hạnh phúc, nhưng, hạnh phúc tan tành, tác phẩm hiện diện giữa trần gian!”
NGUYỄN TẤT NHIÊN
28 tháng 1 năm 1973
(NGUYỄN TẤT NHIÊN tùy bút)
Thủ Bút của Tác Giả
1. Phần đầu:
2. Phần cuối: