Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Giữ Thơm Quê Mẹ

"Chúng con đã về khát khao hơi mẹ / Chúng con xin thể giữ thơm quê mẹ..."


(MẸ VIỆT NAM - PHẠM DUY)

Trong các tạp chí văn học tại miền Nam, Giữ Thơm Quê Mẹ xuất hiện trên các sạp báo và các tiệm sách vào tháng 7, 1965 với một khuôn khổ lớn, 18x25cm, khuôn khổ tương tự tờ Thế Kỷ Hai Mươi năm 1960, cùng với sự tập hợp những cây bút tên tuổi, hay có một quá khứ vào tù ra khám vì hoạt động chính trị:
  
Thiền Sư Nhất Hạnh, Sư Bà Chơn Không và nhà thơ Viên Linh trên bãi biển San Diego, 1996. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Hồ Hữu Tường, chủ trương Trung lập chế, và Tam Ích, trong nhóm Chân Trời Mới, thường được coi là nhóm “Ðệ tứ,” một nhóm khuynh Tả, tiếng đương thời là “chủ nghĩa xã hội có khuynh hướng quốc gia,” để phân biệt với cộng sản theo Liên Xô, hay cộng sản quốc tế nhận mệnh lệnh từ Mạc Tư Khoa.
Giữ Thơm Quê Mẹ vừa ra mắt đã gây được sự chú ý của người đọc, với bài thơ mở đầu tờ báo chỉ có 4 câu, và đăng nguyên trang 2 của số ra mắt:

quê hương tôi là đây
chỉ có dòng sông, hàng cau, vườn chuối;
mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm.
(Nhất Hạnh, Chỗ Ðứng, GTQM 1)

Trong cả bài thơ chỉ có chữ Rằm viết hoa ở chữ R, còn tất cả viết thường, kể cả bốn chữ đầu dòng. Bài thơ trên của Sư Ông Nhất Hạnh có thể hiểu như một tuyên ngôn, hay một Lời Phi Lộ, cho tờ báo. Tờ báo về quê hương đất nước, tờ báo đề cao truyền thống dân tộc (giữ thơm quê mẹ), “những đêm Rằm.” Lúc ấy Thượng Tọa Nhất Hạnh đã rất nổi tiếng với Bông Hồng Cài Áo (in lần thứ 2, năm 1965), Ðạo Phật Ði Vào Cuộc Ðời và tập thơ Chắp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện. Ông ở ngoại quốc, song hiện diện trong sinh hoạt văn chương miền Nam qua nhà xuất bản Lá Bối, mà người điều hành (in trên giấy tờ) là Trương Phú. Trương Phú cũng là người quản trị tờ Giữ Thơm Quê Mẹ trong khi người phụ trách tòa soạn là nhà thơ Hoài Khanh. Trương Phú chính là Thanh Tuệ sau này.
Ngay trong Giữ Thơm Quê Mẹ số 1, Hồ Hữu Tường viết “Ngày trở về của đứa con hoang” và Tam Ích viết mục sở trường của ông: Ngày Lại Ngày, ghi nhận sinh hoạt văn nghệ trong và ngoài nước với những chú giải ngay trong bài. Và đặc biệt đây là tờ tạp chí văn nghệ đã mỗi kỳ đăng một sáng tác mới của nhạc sĩ Phạm Duy, kỳ đầu dành tới 4 trang đăng bài “Tiếng Hát Thật To!” nhạc và lời của ông:

Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy.
(Phạm Duy, GTQM 1, tr.54)

Trong những số thiếp theo, Phạm Duy phổ thơ Nhất Hạnh, đưa ra những bài Tâm Ca 1: “Sáng nay vừa thức dậy, nghe tin em gục ngã nơi chiến trường.” Hay Tâm Ca 3: “Ngồi gần ngồi gần nhau...” Riêng Tâm Ca 4 rất được ham mộ: “Giọt mưa trên lá, tiếng nói thầm thì, bóng dáng Phật về, xoa vết thương trần thế...” Bản nhạc này góp phần dương danh cho tờ tập san văn nghệ do một nhà sư chủ xướng, và cho ảnh hưởng Phật Giáo của thời đại đương thời.
Nhà văn Hồ Hữu Tường đã viết rất ngụ ý trong bài “Ngày trở về của đứa con hoang,” về tình cảnh của ông (và có thể là cho những người cùng hoàn cảnh): theo cộng sản chỉ ăn “vỏ đậu heo ăn,” nhưng trở về với quốc gia thì bị ném đá. Tác giả “Thằng Thuộc con nhà nông” vốn có lối viết hấp dẫn, thường lấy một chuyện cổ tích hay một huyền thoại để vào đề, rồi mới bắt vào ý chính, nên rất hấp dẫn.
Tên tuổi Tam Ích thường đi chung với Thiên Giang, Thê Húc, ba cây bút trong Nhóm Chân Trời Mới ở Sài Gòn từ trước 1954. Mục Ngày Lại Ngày chiếm tới 5 trang của số 1 GTQM, trong đó ông viết từ Ðông sang Tây, từ Pháp về Sài Gòn. Sinh hoạt văn nghệ giữa thập niên '60, và sau khi chế độ Ðệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ tháng 11, 1963, có thể được phản ảnh trong những dòng viết sau: “Cái giới văn nghệ vốn là một giới phi công thức. Họ không sống theo công thức có sẵn... Ðối với họ, vệ sinh về tâm hồn quan trọng hơn là thứ vệ sinh về tất cả những gì làm ra cái bề ngoài của con người cần trang trí những trường hợp vật chất hơn là trang trí bên trong... Bản chất họ vốn là một bản chất dễ cảm xúc cho nên họ phản ứng ngay trước những chuyện bất công nhớp nhúa... Thái độ sống của họ vốn là thái độ đối lập với trật tự có sẵn, cho nên họ không theo công thức.” Cổ kim như vậy. Kể cả Hàn Dũ đời nhà Ðường chẳng hạn: “Ðại phàm vật bất đắc kỳ bình, tắc minh.” Nghĩa là vật không thỏa mãn thì kêu lên. Chính vì “bất mãn” nên “tắc minh” và ở vào thế đối lập. Và chính là nghệ phẩm phát sinh từ tình trạng tâm lý ấy. Ở đời chẳng có cái văn thơ thù tạc và mãn nguyện nào mà lại thành... danh văn bao giờ! Văn nghệ theo nghĩa “chính,” văn nghệ sĩ theo nghĩa chính là như vậy đó.” (Tam Ích, Ngày Lại Ngày, GTQM 1, trang 68). Ông cố ý cho in chữ nghĩa và chữ “chính” bằng 2 dạng chữ khác nhau, độc giả có thể hiểu ngầm chữ đó là chính nghĩa.
Riêng Hoài Khanh, người phụ trách bài vở Giữ Thơm Quê Mẹ, là một nhà thơ, thi phẩm đầu tay nhan đề Dâng Rừng, xuất bản tại Sài Gòn năm 1957, quanh đó chúng tôi gặp nhau hàng ngày. Anh nổi tiếng với thi phẩm Thân Phận in năm 1962. Trong Giữ Thơm Quê Mẹ số ra mắt, anh góp mặt với bài thơ trong đó hoán vị hoàn cảnh, như cách thận trọng hằng có:

Nếu em đã cùng tôi trưa hôm đó
Chuyến xe Sài Gòn-Phú Nhuận ra đi
Tôi sẽ đưa em về miền cát bỏng
Cưỡi lạc đà đi suốt cõi châu Phi...

Hắn đã về giữa dòng sông nước chảy
Của Á châu nhược tiểu khổ đau này
Hắn đã về giữa cát bừng sa mạc
Của Phi châu quằn quại suốt trời mây.
(Hoài Khanh, Về Nguồn, GTQM 1, tr.8)

Trong số ra mắt còn những tên tuổi nổi tiếng khác: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Bùi Giáng, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðức Sơn, Kim Tuấn. Bài “Ngồi đợi ngoài hành lang” của Nguyễn Ðức Sơn bị “đục bỏ” lỗ chỗ. Ðó là những chỗ tác giả nhắc đến vụ Tòa Ðại sứ Mỹ bị đặt chất nổ, (trang 94) hay chỗ dùng mấy chữ “những tên lính lê dương chết đói đã và sẽ đến đây.” (trang 95) (1).
Giữ Thơm Quê Mẹ không sống lâu, chúng tôi cũng chỉ có 6 số của năm 1965. Tờ báo chết không phải vì thiếu độc giả, trái lại. Dàn biên tập qui tụ những người nổi tiếng, (2) bài vở dám viết, cho nên sự yểu mệnh của nó là do những nguyên do khác. Nó cũng không chết vì bị kiểm duyệt, vì báo bị kiểm duyệt là chuyện phải có tại một đất nước trong chiến tranh - lại là chiến tranh tương tàn. Nó chết vì những nguyên do nào đó. Sau này cô Cao Ngọc Thanh, em ruột bà Chân Không Cao Ngọc Phượng, thay thế ông Trương Phú về mặt trị sự, và Ðại Ðức Từ Mẫn thay thế Ðại Ðức Thanh Tuệ trông coi nhà xuất bản Lá Bối và việc xuất bản các tác phẩm của Sư Ông Nhất Hạnh. Hiện diện không lâu song “tập san văn nghệ” Giữ Thơm Quê Mẹ đã có đóng góp rất đáng kể trong sinh hoạt văn hóa báo chí miền Nam trong giai đoạn 54-75.
Bìa tập san văn nghệ Giữ Thơm Quê Mẹ số ra mắt, tháng 7, 1965, Sài Gòn. (Tài liệu Viên Linh)
(1) Ðục bỏ: Hồi đó nghề ấn loát ở Sài gòn còn dùng loại chữ đúc trên những thỏi chì-thiếc, thỏi vuông vắn nhỏ xíu, dài cỡ 2cm, ví dụ hai chữ “con voi” là do ba thỏi chì có 3 chữ c, o, n và ba thỏi chì có ba chữ v, o, i ghép lại với nhau mà thành. Khi bài bị kiểm duyệt, nếu nhà in dùng 6 con chữ chính, thì người ta lộn ngược các con chữ lại, khi in ra chỉ thấy mấy ô vuông mực đen. Nhưng nhà báo không có tiền đâu mà in chữ nguyên thủy, dễ mòn, dễ hư phải bỏ đi, nên sau khi sắp chữ, dùng chì nấu lỏng, đổ lên các “khuôn chữ” của trang báo, thành ra một trang báo bằng chì. Thợ in gắn các trang báo bằng chì để in báo, in xong lại gỡ xuống, nấu lỏng ra, lấy chì đúc chữ cho báo ngày hôm sau. Như thế các con chữ nguyên thủy vẫn còn nguyên, vẫn sắc nét như mới (vì nó có bị chạy qua máy in đâu; và như thế báo Việt Nam mới không sắc nét, mà lỗ chỗ, mực không đều, vì nét chữ là nét chì đúc lại.) [Khi báo bị kiểm duyệt, người thợ in lấy đục, búa, đục mảng chì có những câu bị kiểm duyệt đi, thành ra việc đó có tên là “đục bỏ.”]
Một số tác giả khác có bài vở trong GTQM: Trần Tuấn Kiệt, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thụy Long, Viên Linh, Trụ Vũ, Võ Hồng, Thành Tôn, Vương Pển Liêm, Kim Tuấn, Ðịnh Giang, Hà Nguyên Thạch, Hữu Phương.









TRỌN BỘ 12 SỐ:

http://thuvienhuequang.vn/Community/index.php/en/thuvien/bao-chi/164-giu-thom-que-me-nam-1965-tron-bo-12-so

1 bức hình của tác giả bài viết trên gửi cho chủ blog với ghi chú:
"Vì bác đang viết Hồi ký “60 Năm Làm thơ Viết văn Làm báo, 1953-2013)  nên lục tìm hình ảnh cũ, thấy một số phim, đem đi rửa, trong có cái hình này. Bác nhớ rõ hình chụp trong tiệm Photo ở đường Nguyễn Huệ, người chụp là Họa sĩ Cù Nguyễn, người được trao Huy Chương Vàng Hội Họa Phòng Triển Lãm Mùa Xuân 1960. (Anh ấy là họa sĩ, nhưng sống bằng nghề chụp hình ở Chợ Hoa Tết đường Nguyễn Huệ.) Và hình đó chụp năm 1960, 1961 gì đó, bác nhớ hình đó vì lô hình của Huy làm bác nhớ hồi trai trẻ mình lang thang ở khu Phố Tây Sai gon. Ở góc Catinat và Lê Thánh Tôn có quán Càfe La Pagode, Quán Cái Chùa, nơi bác ăn sang, uống ca phe, trướ ckhi đi làm. Bác tặng cháu hình đó đấy. Vì xem các hình ảnh Huy chụp Sài gòn làm sao mà lại lấy được một Sài gòn xa xưa “kín cổng cao tường” và rất Paris (thật ra đó là khu phố Người Pháp ở Sài gòn, đường Nguyễn Du, nhà thương Grall, Bưu Điện, Đường Lê Thánh Tôn, Catinat (hay Tự Do), nhà hàng Continental, Lê Lợi… và ngã năm Duy Tân bùng binh Con Rùa…
Viên Linh

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Saigon...(những) ngày trở lại...!!!


Ta ở trời Tây, ôi ta nhớ, nhớ trời Đông
Nhớ trong sợi khói cuốn phiêu bồng
Có muôn trùng núi ngăn người đến
Có một nguồn xa chia mấy sông.

Ta ở trời Tây, ôi nhớ trời Đông
Nhớ nhau nghìn nỗi xót xa lòng
Sao ta chợt thấy men đời đắng
Thấy một mình trong nỗi nhớ mong.

Ta, ta ở trời Tây, ta nhớ trời Đông
Nhớ như con nước trôi thành dòng
Ta như chim mỏi cánh bay tìm về núi
Có một mình riêng hoài trông ngóng.

Ta ở trời Tây, ôi ta nhớ, nhớ trời Đông
Nhớ mưa nhòa phiếm, nắng tơ hồng
Nhớ đôi dòng tóc, chia đường gió
Cõi mình ta mù như hư không.
Thơ Kim Tuấn, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, Khánh Ly hát trong CD này...òa òa, em thì ở trời Bắc và em nhớ trời Nam!



Photo: "Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông Nhớ trong sợi khói, cuốn phiêu bồng Có muôn trùng núi, ngăn người đến Có một nguồn xa, chia mấy sông  Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông Nhớ nhau nghìn nỗi, xót xa lòng Sao ta chợt thấy, men đời đắng Thấy một mình trong, nỗi nhớ mong  Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông Nhớ như con nước, trôi thành giòng Như chim mỏi cánh, bay tìm về núi Có một mình riêng, hoài ngóng trông  Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông Nhớ mưa nhòa phiếm, nắng tơ hồng Nhớ đôi dòng tóc, chia đường gió Cõi mình ta mù, như hư không."  Thơ Kim Tuấn, nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, Khánh Ly hát trong CD này...òa òa, em thì ở trời Bắc và em nhớ trời Nam!  http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=M5d02lPpBe

"Ta có thở khói thương nhau/ Tình cũng như nhang tàn.." (Nguyễn Đình Toàn)...

Với những ô cửa mùa đông thế này, với mây chì và mưa xám...nếu play liên tục CD Khánh Ly hát Nguyễn Đình Toàn thì có mà ...



"Đừng hỏi tình xa bao lâu tình sẽ lạ 

và hỏi người chia xa nhau lòng có sợ 
Gương lạnh bóng mờ 
Còn một phần ba cây nhang đời cháy vội 
Đội một hòn than chôn chân sầu đứng đợi 
Tro tàn rụng rơi..."

Photo: "Ta có thở khói thương nhau/ Tình cũng như nhang tàn.." (Nguyễn Đình Toàn)... Với những ô cửa mùa đông thế này, với mây chì và mưa xám...nếu play liên tục CD Khánh Ly hát Nguyễn Đình Toàn thì có mà ...  "Đừng hỏi tình xa bao lâu tình sẽ lạ  và hỏi người chia xa nhau lòng có sợ  Gương lạnh bóng mờ  Còn một phần ba cây nhang đời cháy vội  Đội một hòn than chôn chân sầu đứng đợi  Tro tàn rụng rơi..."
Thấy rõ ràng tâm trạng "đi vào tương lai" 

...và cái buồn man mác nhẹ nhàng "Mấy ngày gần đây, Hà Nội đã hết nắng. Hà Nội đã thiếu không khí, thiếu hơi thở. Bên kia tả ngạn Hồng Hà, bên này năm cửa ô, ngay trong nội tâm Hà Nội, những sự kiện mới mai đây sẽ về ngự trị trên Hà Nội đã như những tảng bóng tối mịt mùng dâng lên. Bóng núi bóng rừng chấp chới. Tim phổi người choáng váng, rức buốt. Những mạch đời ngừng nghỉ. Những màu sắc lộng lẫy nhất cũng nhạt tái lần lần. (là mình buồn chứ không phải do xa Hanoi mà buồn )

mà ông nhà văn MAI THẢO đã nhắc đến năm 1955 trong truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông: ĐÊM GIÃ TỪ HÀ NỘI khi máy bay đáp xuống phi trưởng Tân Sơn Nhứt tối nay
"Phượng nhìn xuống vực thẳm. 
Hà Nội ở dưới ấy. 
...
Phượng đưa Thu đi. Những ánh đèn xanh biếc của Hà Nội nghiêng theo những bước chân bắt đầu dời khỏi Hà Nội. Bóng Phượng, bóng Thu nhoà dần. Rồi mất hẳn. Họ đã đi vào Tương Lai."


....

Và thế là, mình chia tay với những ngày đằng đẵng của Hanoi, được về với "một cõi ta bà, nơi mà nhà chùa nằm cạnh nhà thổ, trăm ngàn thứ chìm nổi, mặt tiền mặt hậu, đủ chủng tộc, đủ tôn giáo, đủ khuynh hướng , đủ giai tầng, đủ món ăn chơi, đủ lối chơi, đủ hẻm hóc, ánh sáng rất sáng, bóng tối rất tối, ánh sáng ngay giữa khuya, bóng tối ngay trong chiếc xe chạy giữa ngày: nghĩa là những đối cực tiếp giáp nhau, hoán vị nhaui, bao hàm nhau, nghĩa là những cực điểm sẽ không còn là những cực điểm vì phải thể nhập vào cái rộn ràng chung và hóa thân " (Trích "Sài Gòn của Bửu Ý)...

Photo: 2 more days, sắp được về với "một cõi ta bà, nơi mà nhà chùa nằm cạnh nhà thổ,  trăm ngàn thứ chìm nổi, mặt tiền mặt hậu, đủ chủng tộc, đủ tôn giáo, đủ khuynh hướng , đủ giai tầng, đủ món ăn chơi, đủ lối chơi, đủ hẻm hóc, ánh sáng rất sáng, bóng tối rất tối, ánh sáng ngay giữa khuya, bóng tối ngay trong chiếc xe chạy giữa ngày: nghĩa là những đối cực tiếp giáp nhau, hoán vị nhaui, bao hàm nhau, nghĩa là những cực điểm sẽ không còn là những cực điểm vì phải thể nhập vào cái rộn ràng chung và hóa thân " (Trích "Sài Gòn của Bửu Ý)... Mới đi có 20 ngày mà trở lại đã thấy nôn nao rồi, sau này đi Mỹ sao chịu nổi trời?:)
 & WITH SAIGON, I AM REBORN



Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

{tạp chí Văn} - Kim Tuấn & Trần thị Tuệ Mai


Sáng hôm nay đọc tin này trên sgtt, vậy là dần dần nền-văn-học-bị-cố-tình-hư-vô-hóa đang dần được phục hồi, dù rất nhỏ giọt..
http://sgtt.vn/Van-hoa/173868/Gap-lai-Le-Tat-Dieu.html
Và vì thế, mình muốn chia sẻ tài liệu về 2 nhà thơ mình thích nhân đọc lại cuốn VĂN XUÂN TÂN HỢI 1971, có bài của 2 nhà thơ này...
Những nhận định qua chia sẻ của nhà văn nhà thơ, chủ bút tạp chí KHỞI HÀNH trước 1975: VIÊN LINH và tài liệu của mình:

KIM TUẤN là 1 nhà thơ quân đội khá nổi tiếng và góp mặt thường xuyên trên VĂN.
Kim Tuấn tên thật Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh năm 1938, tại Hà Tĩnh, là hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Nhà thơ trưởng thành tại Phan Thiết và Sài Gòn, sau đó dạy tiếng Anh tại thị xã Pleiku (trước 1975). Sau 1975, về Sài Gòn đi dạy và viết sách tiếng Anh.
Nhà thơ Kim Tuấn đến với thơ ca từ rất sớm, năm 1959, đã xuất bản tập thơ đầu tay Hoa Mười Phương. Sau đó là các tập Ngàn Thương (1969, in chung với Định Giang), Dấu Bụi Hồng (1971) Thơ Kim Tuấn, (1975), Thời Của Trái Tim Hồng (1990), Tuổi Phượng Hồng (1991) Tạ Tình Phương Nam (1994)...

Thơ của Kim Tuấn rất mặn duyên với nhạc. Một số bài thơ của Kim Tuấn đã trở thành ca khúc của nhiều nhạc sĩ như: Nguyễn Hiền, Y Vân, Vũ Hoàng, Nguyễn Phú Yên...
 
Nhiều người có thể không nhớ kỹ tên nhà thơ, nhưng những lời thơ của Kim Tuấn, đã trở thành ca từ như: Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở (Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân) hay: Từng bước từng bước thầm, hoa vông rừng tuyết trắng, rặng thông già lặng câm... (Kỷ Niệm), hoặc: Khi con đường một mình, hai hàng cây nhớ gió... (Một Mình) thì đã và sẽ còn mãi ngân nga trong lòng công chúng.

Với loạt thơ về những địa điểm nổi tiếng trong chiến trận của cuộc chiến với phía "bên kia sông"...qua thơ, qua nhạc...đã trở thành quên thuộc với người dân trong thời chến...Những nơi chốn mà có lẽ, sẽ không bao giờ ta có thể đến, ta có thể gặp...Nhưng những địa danh ấy, là tượng trưng cho cái xa xăm, cái mơ hồ, cái khốc liệt của cuộc chiến lạ lùng này, Nơi đó, người, và đất, cùng cô đơn, như nhau...

Nói đến KIM TUẤN, có 1 bài thơ, hay nói đúng ra là từ những hình ảnh trong bài thơ này, mà tôi thích ông hơn:

'....Buổi chiều ở Pleiku có gì hỡi em
có nỗi cô đơn trong khói sương mù
có phố buồn hiu, có đêm giấu mặt
có giấc sầu dài trong cõi thiên thu
có bức tường vôi ghi dấu đạn thù
có cuộc đời ta chìm trong khói lửa
kiếp người sao đã lãng du
buổi chiều ở Pleiku, buổi chiều nghe mưa bay trên đầu núi
buổi chiều như mọi buổi chiều
tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
anh còn tiếng nào để nói yêu em"

http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=2100




Photobucket
Photobucket




Có một nhà thơ đến và đi cùng mưa nắng, vui và buồn cùng gió sương, cười như hoa nở, khóc như lá úa, thấy cuộc đời tươi đẹp hồn nhiên; khi yêu thì viết “Thời của trái tim hồng;” lúc lang thang trên đường phố lẻ loi vẫn thấy “dấu bụi hồng;” nhà thơ ấy sống suốt một đời với thiên nhiên, ở đâu yêu thiên nhiên đó, viết về bãi cỏ dòng sông con đường hè phố nơi đó: đó là nhà thơ Kim Tuấn (Huế, 10.1940 - Sài Gòn, 9.2003). Cho nên nhắc đến Kim Tuấn là nhắc đến không gian và thời khí xung quanh anh, đọc Kim Tuấn là đọc về bối cảnh đời anh.

Trong đám cưới thi sĩ và chị Hải Phương (đứng) ở Sài Gòn hồi thập niên 60s. Hàng ngồi, từ trái qua là tài tử xi nê Huy Cường, nhà thơ Viên Linh, họa sĩ Ðinh Cường và nhà thơ Kim Tuấn. Hình do anh chị Hải Phương San Jose cung cấp.
Tron bài thơ “Khi Tôi Về” nổi tiếng của anh do Phạm Duy phổ nhạc, tả người lính trở về, anh không tả ngay những người thân yêu, mà tả không gian bối cảnh cái đã:
Khi tôi về, con chim sâu nằm trong tổ ấm, dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự, và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa.
Là một nhà giáo từng dạy học đó đây, nơi nào cũng được anh nhắc nhở trong những vần thơ để lại, không phải bút ký du lịch mà trong cảm thức tự nhiên, không có mục đích gì ngoài điều anh quyến luyến với thiên nhiên và cuộc sống quanh mình:
 Ngày anh về thăm Cù lao Phố
Chiều lửng lơ dòng sông uốn quanh
Chiều lửng lơ âm vang tiếng sóng
Chiều Biên Hòa và nỗi nhớ trong anh
Chiều Biên Hòa nhà ai cuối xóm
Lao xao hoa bưởi trắng trên cành
(Kim Tuấn, Chiều ở Biên Hòa)

Không cứ phải cư ngụ nơi đó anh mới viết về nơi đó, chỉ đi qua thôi cũng đủ để Kim Tuấn viết rồi:
Chiều qua rừng cao su / Gió lạnh và sương mù
Bụi đường xa áo đỏ / Gió quanh đèo vi vu
Chiều qua rừng cao su / Lá vàng bay trong nắng
Hoa vàng ven lối đi / Chân đồi con suối vắng
(Kim Tuấn, Tạ Tình Phương Nam, 31)

Kim Tuấn buồn đến đâu, thiên nhiên buồn đến đó, bài thơ “Kỷ Niệm” của anh đã từng bước len lỏi vào lòng người, qua nhạc phổ của Y Vân:
Từng bước từng bước thầm / hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm / “Em yêu gì xa vắng?”

[Câu hỏi trong hai dấu ngoặc là do nhạc sĩ Y Vân thêm vào, chính ra đó là câu “Hai đứa nhiều hối tiếc,” ở đây câu của Y Vân đắc địa hơn, song hồn của bài thơ và hồn của nhà thơ, cùng hồn của thiên nhiên, đã bốc lên thân mật và đằm thắm biết nhường nào, và đó chính là tâm cảm và nhạc điệu của thi sĩ.]
Có một độc giả đã đặt ra cho Kim Tuấn vấn đề này, và anh đã trả lời thật xác đáng.
Hỏi: Thơ nếu muốn dễ đi vào lòng người, có lẽ nhờ vào âm nhạc, bằng chứng là hai bài hát phổ thơ của chú là “Anh Cho Em Mùa Xuân” và Những Bước Chân Âm Thầm.” Vậy chú nghĩ sao?” Kim Tuấn đã trả lời: “Quan niệm nhờ âm nhạc để đi vào lòng người, e không đúng. Bằng chứng là trước khi nhạc sĩ phổ thành ca khúc, thơ đã đi vào lòng người nhạc sĩ.” (Theo tạp chí Áo Trắng của SV Ðại Học Y Khoa Huế, tr. 50)
Trong các thành phố từng in dấu chân, có lẽ Pleiku là nơi nhà thơ Kim Tuấn đã nặng lòng nhiều nhất. Anh đã dạy học nơi đó, là thông dịch viên Anh ngữ cho Quân Ðoàn II ở đó, và đã tổ chức Tuần Lễ Văn Hóa Pleiku thành công rực rỡ với mỗi đêm có khoảng 2000 người tham dự tại hội trường Trung Học Tuyên Ðức và song song với Phòng Triển Lãm Tranh thường trực của ba họa sĩ Ðinh Cường, Hạ Quốc Huy và Nguyễn Thanh Hiền. Tạp chí Văn tường thuật: “Tuần Lễ Văn Hóa Pleiku được khai mạc ngày 23 và bế mạc ngày 26 tháng 7, 1973 vừa qua đã gặt hái được những thành quả rực rỡ. Ngoài giới chức văn hóa địa phương còn có sự tham dự của một số nhà văn, nhạc sĩ, học giả tiếng tăm tại thủ đô như Giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ, Nhạc sĩ Phạm Duy, Lê Uyên và Phương, các nhà văn Mai Thảo, Duyên Anh, Du Tử Lê, Ngô Xuân Hậu, Hạ Quốc Huy, Ðinh Cường... Nhà thơ Kim Tuấn (có công tổ chức - cùng với Sở Học Chánh Pleiku) đã xuất thần khi diễn đọc bài thơ ‘Roma, Italia’ của thi sĩ Cao Tiêu và được toàn thể vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt.”
Cảm thức Kim Tuấn còn bộc lộ rộn ràng và thắm thiết với thành phố anh yêu qua những đoạn thơ sau đây:
Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù
Tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
Anh còn phút nào để nói yêu em.

Buổi chiều ở Pleiku không có mặt trời
Chỉ có mưa bay trên đầu ngọn núi
Những đứa bạn về từ mặt trận xa
Những đứa bạn đi áo đường bụi đỏ
Những ngày mưa nghe bỗng lìa nhà
Những ngày mưa âm thầm nhỏ giọt
Những ngày mưa âm thầm đã qua.

Buổi chiều ở Pleiku có bữa cơm ăn vội
Có tập hợp 7 giờ
Có cấm trại, cấm quân hàng tháng...
Buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền...
Buổi chiều ở Pleiku có gì đâu hở em? [...]

(Viên Linh, viết để nhớ bạn cũ, mất tháng 9, năm 2003. Cảm ơn họa sĩ Ðinh Cường cho thêm tài liệu.)


Photobucket



Trong cuốn “Thi ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965),” Trần Tuấn Kiệt gọi Tuệ Mai là “một nhà thơ dòng,” ý nói chị là con thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải. Thơ chị hay, nhan sắc không thua kém ai, nết chị đẹp, mà lạ thay, tại sao ít sách vở nói đến - hay đúng hơn - nói đến không đủ. Mà Tuệ Mai lại từng được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1966. Có một cái gì...

Còn tôi, tôi với đêm dài
Ngủ trên trang sách, ngủ ngoài sân mưa
Ôm vùng đất hẹn trăm hoa
Mộng xây biết mấy cho vừa trước sau?

Và tôi, tôi với đêm sâu
Chợt đau vai yếu, chợt đau sử buồn
Quãng dài tanh tưởi máu xương
Quê hương thí điểm - quê hương nát nhàu...
(Tuệ Mai, Nét Nhìn Rạng Ðông)

Phải rồi, miền Nam trước 1975 các nhà phê bình chỉ có dăm người, nhiều người thực sự là nhà văn viết sáng tác, nhưng đội tên phụ nữ để viết khen chê các đồng nghiệp (như Vũ Hạnh), và trong nhịp sống sa đà ảnh hưởng Tây phương, họ thích ca ngợi những con ngựa lồng, những phụ nữ ngồi quán ngậm cổ chai bia 33 mà uống, chứ uống bằng ly bằng cốc, họ thấy không có gì lạ. Cuốn biên khảo phê bình “Văn Học Miền Nam, Thơ” của Võ Phiến không nói đến Tuệ Mai. Văn chương sáng tác dù hay mà văn học phê bình kém, thì không thiếu những trường hợp oan uổng. Sự thưởng ngoạn thuần túy âm thầm, mà cuộc tranh đấu ý thức hệ ồn ào náo động, như 20 năm ở Miền Nam, thì những tinh hoa phải lẻ loi, những cái thật phải xa lánh. Như đồng tiền xấu đuổi đồng tiền tốt, như vàng thau lẫn lộn thì biết bao là mất mát?
Nhưng có khi cũng chính Tuệ Mai không muốn người ta tới gần mình:
Xin chớ gần tôi / Vì tôi sắp vỡ / Xin chớ gần tôi / Vì tôi sắp nổ / Hình như từ óc / Hình như từ tim / Từ kiếp người mang tên hụt hẫng / Ngậm tăm trái đắng gia đình / Từng mảnh tôi sớm mai tàn rụng / Từng mùa tôi cây cỏ không tên / Từng bước tôi tới lui vướng mắc / Từ dòng tôi bến vỡ thuyền chìm. (Tuệ Mai, Xin Chớ Gần Tôi)
Tuệ Mai lại rất nhút nhát. Tôi còn nhớ mấy lần chị tới tòa soạn Tạp chí Thời Tập ở đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn, mà lần nào (nay hình dung lại) chỉ nhớ hai bàn tay chị nắm lấy nhau, buông trước tà áo. Chị nói nhỏ nhẹ, rào đón, đến nỗi tôi phải ngắt ngang, nói rằng tôi là bạn trẻ của anh Trần Việt Hoài, anh trai của chị. Của cả Ðỗ Vinh (biệt danh), không rõ là anh hay em trai của chị, hai người hoạt động cách mạng tham gia cuộc đảo chánh bất thành 1960 bị chính quyền Ngô Ðình Diệm truy nã. Lúc hai anh trốn trong một căn nhà thuê ở Xóm Lách, hẻm Công Lý, tôi đã tự tiện tới thăm, đến nỗi anh Trần Việt Hoài đuổi tôi mấy lần, nói rằng “về ngay đi, nó mà xông vô bây giờ thì cậu cũng đi tù luôn với chúng tớ!” Bản tính con nhà Nho phong, lại là người nữ đã khiến chị như một cái bóng, trong khi ngoài xã hội lúc ấy “ngũ quái” (năm nhà văn nữ) đang tung hoành. Chị từng diễn thuyết về mấy nhà văn trong có tôi tại trụ sở Văn Bút Việt Nam (Tình yêu như một vốn liếng làm người của Nha Cả Viên Linh) mà mãi khi ra hải ngoại, có người cho tôi cuốn “Câu Chuyện Văn Chương” do Khai Trí xuất bản từ năm 1969 ở Sài Gòn - in lại các bài diễn văn ở Văn Bút - tôi mới biết!) Ôi đời sống, đời sống của một kiếp miệt mài với văn chương, biết bao là lãng quên và tiếc nuối.
Tuệ Mai Trần Thị Gia Minh sinh năm 1928 tại Hà Nội, (mất năm 1983 tại Sài Gòn), nguyên quán làng Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh, có thơ đăng báo từ năm 13 tuổi. Các thi phẩm đã xuất bản: Thơ Tuệ Mai 1962 (tựa Nguyễn Sỹ Tế), Không Bờ Bến 1964, Như Nước Trong Nguồn 1969, Trên Nhánh Sông Mưa 1970, Về Phía Trời Xanh 1973. Tuệ Mai tham gia sinh hoạt, nói chuyện văn nghệ, diễn thuyết tại nhiều nơi như Tao Ðàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, Trung Tâm Văn Bút của Vũ Hoàng Chương, Thanh Lãng, cùng với Hỷ Khương, Xuân Ðài. Theo tiểu sử in trong Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965) “Tuệ Mai bàn về thơ thật rắn rỏi, nhiệt thành. Ở đó (các đàm trường) chị làm thơ thật mau. Trong giới phụ nữ Việt Nam hiện nay, chị được nhiều người yêu thơ mến mộ. Ngoài nếp sống yên tĩnh ở gia đình, chị còn hăng hái tham gia vào nhiều công tác xã hội nhiệt thành với đoàn Phật tử cứu trợ các nạn nhân khốn khổ.” Nhưng không những Tuệ Mai không được trích đăng trong cuốn phê bình văn học của Võ Phiến, các cuốn khác cũng không nói đến Tuệ Mai, như “Thơ Việt Hiện Ðại 1900-1960” của Uyên Thao, “Những Nhà Thơ Hôm Nay” của Ng. D. Tuyến, “Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại” của Phạm Thanh,...



Trần Quảng Nam - "cả một trời yêu bao giờ trở lại?"


Có những ca khúc, khi nghe lại, chúng ta cảm thấy buồn, lòng cứ day dứt hoài những kỷ niệm tưởng chừng như mới ngày hôm qua. Âm nhạc làm cho người ta nhớ về những cuộc tình, cho dù hạnh phúc hoặc đớn đau, tình cảm ấy vẫn còn long lanh, huyền dịu. Và chỉ có âm nhạc mới có thể khắc hoạ, trau chuốt, đem đến cho chúng ta sự thăng hoa cùng những níu kéo của cảm xúc vốn khó tìm lại được bởi thời gian và không gian.
"Mười năm tình cũ" và "Bao nhiêu năm gặp lại" là những tình ca đem đến cho chúng ta sự hoài niệm khôn nguôi. Cho dù không xa lắm nhưng khi đắm chìm trong những giai điệu mượt mà, chúng ta mới thấy hết được sự ngọt ngào, lòng bao dung và nuối tiếc trong âm nhạc của Trần Quảng Nam...

Nhân khi xem Paris By Night số mới nhất, 106 " LỤA" - có bài mới của tác giả này TRẮNG
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=dybqNi5RJdTW
 Ngoại trừ bài MƯỜI NĂM TÌNH CŨ (và sau đó là sequel 20 NĂM TÌNH CŨ) quá nổi tiếng, thì mình cũng rất thích 2 bài, và ngẫu nhiên đều là 2 bài do TRỊNH VĨNH TRINH hát: BÓNG TỐI TÌNH YÊU http://www.youtube.com/watch?v=OsqUaxP3gqE & TÌNH CUỐI XÓT XA : http://nhacso.net/nghe-nhac/tinh-cuoi-xot-xa.X1lWUUZbbA==.html

Nhân đây xin chia sẻ 1 tape và 1 CD của nhạc sĩ này...






Ngoài ra còn có 1 tape nhạc sĩ tổng hợp các bài TÌNH nhưng mình chưa có (Tình Cuồng Si/ Tình Say/ Tinh Điên / Tình Cuối Xót Xa /Tình Vẫn Hẹn / Tình Muộn/ Tình Mơ / Tình Xanh / Tình Úa Như Mùa Thu)
Trần Quảng Nam sinh ngày 15 /02/1955 (Ất Mùi) tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông học tiểu học tại Ðà Nẵng, trung học tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử (Sài Gòn), Ðại học Văn Khoa (Anh Văn) và Tri Hành (điện ảnh). Đầu năm 1975, ông du học t ại M ỹ và  học tại Ðại học Long Beach (California).
Lúc nhỏ, Trần Quảng Nam thường nghe nhạc cổ điển từ máy thâu băng do một người anh du học gửi về. Anh học nhạc thời trung học cùng với nhạc sĩ Phạm Nghệ và một thời gian ngắn ở trường Quốc gia âm nhạc.
Cuộc đời của Trần Quảng Nam hầu như lúc nào cũng có hai mối tình cùng đến một lúc. Đến khi ông quyết định quyết định đi đến hôn nhân với một người  thì sóng gió nổi lên và tan vỡ...
Ca khúc "Mười năm tình cũ" được sáng tác năm 1985. Năm 1986, cuốn băng phát hành rất thành công và nổi tiếng với nhiều ca sĩ thu âm như: Lệ Thu, Elvis Phương, Ngọc Lan,...Sau đó, bản gốc được bán cho Trung tâm Âm nhạc Làng văn.
Có thể nói rằng, "Mười năm tình cũ" là một ca khúc nổi tiếng và để đời của Trần Quảng Nam. Một cảm xúc mãnh liệt của tác giả khi nhớ lại hình ảnh của hai người phụ nữ trong cuộc đời. Đó là Isabel Hạnh hiện ở Pháp và mội người khác đang sống ở Việt Nam. Cả hai đều lớn tuổi và đã có gia đình riêng.
Sau nhiều lần liên lạc, Trần Quảng Nam đã tìm được người bạn gái ở Việt Nam. Còn người bên trời Tây thì biến mất. Có một lần, Trần Quảng Nam sang Pháp hát, Isabel Hạnh tìm đến một người quen để hỏi thăm nhạc sĩ nhưng rất tiếc, cô ta lại không muốn gặp lại ông.
Sáng tác đầu tay của anh là "Cồn Cát" (1969), các nhạc phẩm đã phát hành: 

- Mộng Tình Xưa 
- Tình Cuối Xót Xa 
- Tình Vẫn Hẹn 
- Tình Điên 
- Tình Xanh 
- Bàn Tay Dĩ Vãng 
- Bóng Tối Tình Yêu 
- You Are Mine 
- Souvenir 
- Mười Năm Tình Cũ 
- Cám Ơn Tình Em...


Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Hanoi - "cho rồi xin lại tự do.."

1 số hình ảnh sau 15 ngày ở Hanoi...
Liên quan đến tựa đề, bởi vì mình chán cái lạnh, cái hiu hắt của thành phố này rồi, nên nói như bác PHẠM DUY "cho nhau chẳng tiếc gì nhau...cho rồi xin lại tự do" thôi:)!









'










Cái quán này gợi cảm hứng cho mình y chang đoạn này trong VKTB của cô Phượng:

"...Tôi nhìn ra ngoài, thấy một căn nhà bên kia đường. Có một cái cửa thấp bằng gỗ mở vào sân. Trong sân có mấy bụi cây mùa đông, lá mang một mầu xanh ảm đạm. Đèn trong nhà đã mở màu vàng ấm. Ở thành cửa sổ tôi thấy vài chậu hoa, mấy con thú bằng vải, đôi ba cuốn sách. Từ căn nhà ấy một nỗi dịu dàng khẽ khàng loang ra, khi sự dễ chịu ấy chạm đến tôi nó làm tim tôi buốt đi trong vài nhịp.

Tôi không biết những người sống trong căn nhà đó có hạnh phúc không. Nhưng hạnh phúc của họ không hề quan trọng, chỉ có hình ảnh của sự hạnh phúc là quan trọng. Thế giới không phải là thế giới mà chỉ là cảm nhận của chúng ta về nó mà thôi..." (ĐMP)





1 bài thơ của THANH TẦM TUYỀN "DẠ KHÚC" cũng phù hợp với khung cảnh này, vừa có Hanoi, vừa có Paris...

Ði đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Ði đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Ðể anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hanoi
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
Chiếc kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bầy



....