Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

{tạp chí Văn} - Kim Tuấn & Trần thị Tuệ Mai


Sáng hôm nay đọc tin này trên sgtt, vậy là dần dần nền-văn-học-bị-cố-tình-hư-vô-hóa đang dần được phục hồi, dù rất nhỏ giọt..
http://sgtt.vn/Van-hoa/173868/Gap-lai-Le-Tat-Dieu.html
Và vì thế, mình muốn chia sẻ tài liệu về 2 nhà thơ mình thích nhân đọc lại cuốn VĂN XUÂN TÂN HỢI 1971, có bài của 2 nhà thơ này...
Những nhận định qua chia sẻ của nhà văn nhà thơ, chủ bút tạp chí KHỞI HÀNH trước 1975: VIÊN LINH và tài liệu của mình:

KIM TUẤN là 1 nhà thơ quân đội khá nổi tiếng và góp mặt thường xuyên trên VĂN.
Kim Tuấn tên thật Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh năm 1938, tại Hà Tĩnh, là hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Nhà thơ trưởng thành tại Phan Thiết và Sài Gòn, sau đó dạy tiếng Anh tại thị xã Pleiku (trước 1975). Sau 1975, về Sài Gòn đi dạy và viết sách tiếng Anh.
Nhà thơ Kim Tuấn đến với thơ ca từ rất sớm, năm 1959, đã xuất bản tập thơ đầu tay Hoa Mười Phương. Sau đó là các tập Ngàn Thương (1969, in chung với Định Giang), Dấu Bụi Hồng (1971) Thơ Kim Tuấn, (1975), Thời Của Trái Tim Hồng (1990), Tuổi Phượng Hồng (1991) Tạ Tình Phương Nam (1994)...

Thơ của Kim Tuấn rất mặn duyên với nhạc. Một số bài thơ của Kim Tuấn đã trở thành ca khúc của nhiều nhạc sĩ như: Nguyễn Hiền, Y Vân, Vũ Hoàng, Nguyễn Phú Yên...
 
Nhiều người có thể không nhớ kỹ tên nhà thơ, nhưng những lời thơ của Kim Tuấn, đã trở thành ca từ như: Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở (Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân) hay: Từng bước từng bước thầm, hoa vông rừng tuyết trắng, rặng thông già lặng câm... (Kỷ Niệm), hoặc: Khi con đường một mình, hai hàng cây nhớ gió... (Một Mình) thì đã và sẽ còn mãi ngân nga trong lòng công chúng.

Với loạt thơ về những địa điểm nổi tiếng trong chiến trận của cuộc chiến với phía "bên kia sông"...qua thơ, qua nhạc...đã trở thành quên thuộc với người dân trong thời chến...Những nơi chốn mà có lẽ, sẽ không bao giờ ta có thể đến, ta có thể gặp...Nhưng những địa danh ấy, là tượng trưng cho cái xa xăm, cái mơ hồ, cái khốc liệt của cuộc chiến lạ lùng này, Nơi đó, người, và đất, cùng cô đơn, như nhau...

Nói đến KIM TUẤN, có 1 bài thơ, hay nói đúng ra là từ những hình ảnh trong bài thơ này, mà tôi thích ông hơn:

'....Buổi chiều ở Pleiku có gì hỡi em
có nỗi cô đơn trong khói sương mù
có phố buồn hiu, có đêm giấu mặt
có giấc sầu dài trong cõi thiên thu
có bức tường vôi ghi dấu đạn thù
có cuộc đời ta chìm trong khói lửa
kiếp người sao đã lãng du
buổi chiều ở Pleiku, buổi chiều nghe mưa bay trên đầu núi
buổi chiều như mọi buổi chiều
tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
anh còn tiếng nào để nói yêu em"

http://www.thivien.net/viewauthor.php?ID=2100




Photobucket
Photobucket




Có một nhà thơ đến và đi cùng mưa nắng, vui và buồn cùng gió sương, cười như hoa nở, khóc như lá úa, thấy cuộc đời tươi đẹp hồn nhiên; khi yêu thì viết “Thời của trái tim hồng;” lúc lang thang trên đường phố lẻ loi vẫn thấy “dấu bụi hồng;” nhà thơ ấy sống suốt một đời với thiên nhiên, ở đâu yêu thiên nhiên đó, viết về bãi cỏ dòng sông con đường hè phố nơi đó: đó là nhà thơ Kim Tuấn (Huế, 10.1940 - Sài Gòn, 9.2003). Cho nên nhắc đến Kim Tuấn là nhắc đến không gian và thời khí xung quanh anh, đọc Kim Tuấn là đọc về bối cảnh đời anh.

Trong đám cưới thi sĩ và chị Hải Phương (đứng) ở Sài Gòn hồi thập niên 60s. Hàng ngồi, từ trái qua là tài tử xi nê Huy Cường, nhà thơ Viên Linh, họa sĩ Ðinh Cường và nhà thơ Kim Tuấn. Hình do anh chị Hải Phương San Jose cung cấp.
Tron bài thơ “Khi Tôi Về” nổi tiếng của anh do Phạm Duy phổ nhạc, tả người lính trở về, anh không tả ngay những người thân yêu, mà tả không gian bối cảnh cái đã:
Khi tôi về, con chim sâu nằm trong tổ ấm, dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự, và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa.
Là một nhà giáo từng dạy học đó đây, nơi nào cũng được anh nhắc nhở trong những vần thơ để lại, không phải bút ký du lịch mà trong cảm thức tự nhiên, không có mục đích gì ngoài điều anh quyến luyến với thiên nhiên và cuộc sống quanh mình:
 Ngày anh về thăm Cù lao Phố
Chiều lửng lơ dòng sông uốn quanh
Chiều lửng lơ âm vang tiếng sóng
Chiều Biên Hòa và nỗi nhớ trong anh
Chiều Biên Hòa nhà ai cuối xóm
Lao xao hoa bưởi trắng trên cành
(Kim Tuấn, Chiều ở Biên Hòa)

Không cứ phải cư ngụ nơi đó anh mới viết về nơi đó, chỉ đi qua thôi cũng đủ để Kim Tuấn viết rồi:
Chiều qua rừng cao su / Gió lạnh và sương mù
Bụi đường xa áo đỏ / Gió quanh đèo vi vu
Chiều qua rừng cao su / Lá vàng bay trong nắng
Hoa vàng ven lối đi / Chân đồi con suối vắng
(Kim Tuấn, Tạ Tình Phương Nam, 31)

Kim Tuấn buồn đến đâu, thiên nhiên buồn đến đó, bài thơ “Kỷ Niệm” của anh đã từng bước len lỏi vào lòng người, qua nhạc phổ của Y Vân:
Từng bước từng bước thầm / hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm / “Em yêu gì xa vắng?”

[Câu hỏi trong hai dấu ngoặc là do nhạc sĩ Y Vân thêm vào, chính ra đó là câu “Hai đứa nhiều hối tiếc,” ở đây câu của Y Vân đắc địa hơn, song hồn của bài thơ và hồn của nhà thơ, cùng hồn của thiên nhiên, đã bốc lên thân mật và đằm thắm biết nhường nào, và đó chính là tâm cảm và nhạc điệu của thi sĩ.]
Có một độc giả đã đặt ra cho Kim Tuấn vấn đề này, và anh đã trả lời thật xác đáng.
Hỏi: Thơ nếu muốn dễ đi vào lòng người, có lẽ nhờ vào âm nhạc, bằng chứng là hai bài hát phổ thơ của chú là “Anh Cho Em Mùa Xuân” và Những Bước Chân Âm Thầm.” Vậy chú nghĩ sao?” Kim Tuấn đã trả lời: “Quan niệm nhờ âm nhạc để đi vào lòng người, e không đúng. Bằng chứng là trước khi nhạc sĩ phổ thành ca khúc, thơ đã đi vào lòng người nhạc sĩ.” (Theo tạp chí Áo Trắng của SV Ðại Học Y Khoa Huế, tr. 50)
Trong các thành phố từng in dấu chân, có lẽ Pleiku là nơi nhà thơ Kim Tuấn đã nặng lòng nhiều nhất. Anh đã dạy học nơi đó, là thông dịch viên Anh ngữ cho Quân Ðoàn II ở đó, và đã tổ chức Tuần Lễ Văn Hóa Pleiku thành công rực rỡ với mỗi đêm có khoảng 2000 người tham dự tại hội trường Trung Học Tuyên Ðức và song song với Phòng Triển Lãm Tranh thường trực của ba họa sĩ Ðinh Cường, Hạ Quốc Huy và Nguyễn Thanh Hiền. Tạp chí Văn tường thuật: “Tuần Lễ Văn Hóa Pleiku được khai mạc ngày 23 và bế mạc ngày 26 tháng 7, 1973 vừa qua đã gặt hái được những thành quả rực rỡ. Ngoài giới chức văn hóa địa phương còn có sự tham dự của một số nhà văn, nhạc sĩ, học giả tiếng tăm tại thủ đô như Giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ, Nhạc sĩ Phạm Duy, Lê Uyên và Phương, các nhà văn Mai Thảo, Duyên Anh, Du Tử Lê, Ngô Xuân Hậu, Hạ Quốc Huy, Ðinh Cường... Nhà thơ Kim Tuấn (có công tổ chức - cùng với Sở Học Chánh Pleiku) đã xuất thần khi diễn đọc bài thơ ‘Roma, Italia’ của thi sĩ Cao Tiêu và được toàn thể vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt.”
Cảm thức Kim Tuấn còn bộc lộ rộn ràng và thắm thiết với thành phố anh yêu qua những đoạn thơ sau đây:
Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù
Tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
Anh còn phút nào để nói yêu em.

Buổi chiều ở Pleiku không có mặt trời
Chỉ có mưa bay trên đầu ngọn núi
Những đứa bạn về từ mặt trận xa
Những đứa bạn đi áo đường bụi đỏ
Những ngày mưa nghe bỗng lìa nhà
Những ngày mưa âm thầm nhỏ giọt
Những ngày mưa âm thầm đã qua.

Buổi chiều ở Pleiku có bữa cơm ăn vội
Có tập hợp 7 giờ
Có cấm trại, cấm quân hàng tháng...
Buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền...
Buổi chiều ở Pleiku có gì đâu hở em? [...]

(Viên Linh, viết để nhớ bạn cũ, mất tháng 9, năm 2003. Cảm ơn họa sĩ Ðinh Cường cho thêm tài liệu.)


Photobucket



Trong cuốn “Thi ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965),” Trần Tuấn Kiệt gọi Tuệ Mai là “một nhà thơ dòng,” ý nói chị là con thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải. Thơ chị hay, nhan sắc không thua kém ai, nết chị đẹp, mà lạ thay, tại sao ít sách vở nói đến - hay đúng hơn - nói đến không đủ. Mà Tuệ Mai lại từng được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1966. Có một cái gì...

Còn tôi, tôi với đêm dài
Ngủ trên trang sách, ngủ ngoài sân mưa
Ôm vùng đất hẹn trăm hoa
Mộng xây biết mấy cho vừa trước sau?

Và tôi, tôi với đêm sâu
Chợt đau vai yếu, chợt đau sử buồn
Quãng dài tanh tưởi máu xương
Quê hương thí điểm - quê hương nát nhàu...
(Tuệ Mai, Nét Nhìn Rạng Ðông)

Phải rồi, miền Nam trước 1975 các nhà phê bình chỉ có dăm người, nhiều người thực sự là nhà văn viết sáng tác, nhưng đội tên phụ nữ để viết khen chê các đồng nghiệp (như Vũ Hạnh), và trong nhịp sống sa đà ảnh hưởng Tây phương, họ thích ca ngợi những con ngựa lồng, những phụ nữ ngồi quán ngậm cổ chai bia 33 mà uống, chứ uống bằng ly bằng cốc, họ thấy không có gì lạ. Cuốn biên khảo phê bình “Văn Học Miền Nam, Thơ” của Võ Phiến không nói đến Tuệ Mai. Văn chương sáng tác dù hay mà văn học phê bình kém, thì không thiếu những trường hợp oan uổng. Sự thưởng ngoạn thuần túy âm thầm, mà cuộc tranh đấu ý thức hệ ồn ào náo động, như 20 năm ở Miền Nam, thì những tinh hoa phải lẻ loi, những cái thật phải xa lánh. Như đồng tiền xấu đuổi đồng tiền tốt, như vàng thau lẫn lộn thì biết bao là mất mát?
Nhưng có khi cũng chính Tuệ Mai không muốn người ta tới gần mình:
Xin chớ gần tôi / Vì tôi sắp vỡ / Xin chớ gần tôi / Vì tôi sắp nổ / Hình như từ óc / Hình như từ tim / Từ kiếp người mang tên hụt hẫng / Ngậm tăm trái đắng gia đình / Từng mảnh tôi sớm mai tàn rụng / Từng mùa tôi cây cỏ không tên / Từng bước tôi tới lui vướng mắc / Từ dòng tôi bến vỡ thuyền chìm. (Tuệ Mai, Xin Chớ Gần Tôi)
Tuệ Mai lại rất nhút nhát. Tôi còn nhớ mấy lần chị tới tòa soạn Tạp chí Thời Tập ở đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn, mà lần nào (nay hình dung lại) chỉ nhớ hai bàn tay chị nắm lấy nhau, buông trước tà áo. Chị nói nhỏ nhẹ, rào đón, đến nỗi tôi phải ngắt ngang, nói rằng tôi là bạn trẻ của anh Trần Việt Hoài, anh trai của chị. Của cả Ðỗ Vinh (biệt danh), không rõ là anh hay em trai của chị, hai người hoạt động cách mạng tham gia cuộc đảo chánh bất thành 1960 bị chính quyền Ngô Ðình Diệm truy nã. Lúc hai anh trốn trong một căn nhà thuê ở Xóm Lách, hẻm Công Lý, tôi đã tự tiện tới thăm, đến nỗi anh Trần Việt Hoài đuổi tôi mấy lần, nói rằng “về ngay đi, nó mà xông vô bây giờ thì cậu cũng đi tù luôn với chúng tớ!” Bản tính con nhà Nho phong, lại là người nữ đã khiến chị như một cái bóng, trong khi ngoài xã hội lúc ấy “ngũ quái” (năm nhà văn nữ) đang tung hoành. Chị từng diễn thuyết về mấy nhà văn trong có tôi tại trụ sở Văn Bút Việt Nam (Tình yêu như một vốn liếng làm người của Nha Cả Viên Linh) mà mãi khi ra hải ngoại, có người cho tôi cuốn “Câu Chuyện Văn Chương” do Khai Trí xuất bản từ năm 1969 ở Sài Gòn - in lại các bài diễn văn ở Văn Bút - tôi mới biết!) Ôi đời sống, đời sống của một kiếp miệt mài với văn chương, biết bao là lãng quên và tiếc nuối.
Tuệ Mai Trần Thị Gia Minh sinh năm 1928 tại Hà Nội, (mất năm 1983 tại Sài Gòn), nguyên quán làng Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh, có thơ đăng báo từ năm 13 tuổi. Các thi phẩm đã xuất bản: Thơ Tuệ Mai 1962 (tựa Nguyễn Sỹ Tế), Không Bờ Bến 1964, Như Nước Trong Nguồn 1969, Trên Nhánh Sông Mưa 1970, Về Phía Trời Xanh 1973. Tuệ Mai tham gia sinh hoạt, nói chuyện văn nghệ, diễn thuyết tại nhiều nơi như Tao Ðàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, Trung Tâm Văn Bút của Vũ Hoàng Chương, Thanh Lãng, cùng với Hỷ Khương, Xuân Ðài. Theo tiểu sử in trong Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965) “Tuệ Mai bàn về thơ thật rắn rỏi, nhiệt thành. Ở đó (các đàm trường) chị làm thơ thật mau. Trong giới phụ nữ Việt Nam hiện nay, chị được nhiều người yêu thơ mến mộ. Ngoài nếp sống yên tĩnh ở gia đình, chị còn hăng hái tham gia vào nhiều công tác xã hội nhiệt thành với đoàn Phật tử cứu trợ các nạn nhân khốn khổ.” Nhưng không những Tuệ Mai không được trích đăng trong cuốn phê bình văn học của Võ Phiến, các cuốn khác cũng không nói đến Tuệ Mai, như “Thơ Việt Hiện Ðại 1900-1960” của Uyên Thao, “Những Nhà Thơ Hôm Nay” của Ng. D. Tuyến, “Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại” của Phạm Thanh,...



Không có nhận xét nào: