Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Xuân trong kỷ niệm...










ngoài 4 DVD XUÂN của trung tâm THÚY NGA thì ASIA có DVD này rất hay,

 có nhiều bài trở thành kinh điển….

Đặc biệt trong đây có 2 bai RẤT RẤT THÍCH đó là ĐẦU XUÂN LÍNH CHÚC do

 HOÀI NAM hát: http://www.youtube.com/

watch?v=5f6GlR-Az8I & LY RƯỢU MỪNG version dựng


Mùng 1 CHẮC CHẮN phải nghe 2 bài này hoặc bài TÌNH XUÂN CHO QUÊ

 HƯƠNG (NGUYỄN HỮU THIẾT) do ELVIS

 PHƯƠNG/ NGỌC TRỌNG hát hoặc bài NGÀY ĐẦU MỘT NĂM (TRẦN THIỆN

 THANH) hay MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN (TUẤN

 KHANH) 

Mùng 2 nhất quyết phải nghe ÁNG THỀM QUANG do THÁI HIỀN hát

Theo mình thì Việt Nam có 2 thứ “đặc sản” rất thú vị mà KHÔNG quốc gia

 nào có là báo TẾT & nhạc XUÂN, mà nhạc XUÂN,

 như đã nói, những bài đi vào lòng người thường là những bài mang tâm sự
 buồn…

& Có những bài không tính là nhạc XUÂN nhưng TẾT thế nào cũng nghe

 như: TÔI ĐI TÌM LẠI MỘT MÙA XUÂN, EM CÒN

 NHỚ MÙA XUÂN, TÔI CHƯA CÓ MÙA XUÂN, EM ĐÃ THẤY MÙA XUÂN CHƯA,

 CHUYỆN BUỒN NGÀY XUÂN…








Là tác giả của chừng một nghìn bài hát, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đóng góp cho đời vài chục bản nhạc xuân. Cũng như nhạc xuân của các tác giả khác, nhạc xuân Phạm Duy ghi lại cái đẹp của thiên nhiên, con người mỗi độ xuân về. Trong bài Hoa Xuân, người nghe thấy xuân về trên bãi cỏ non, về theo gió xuân, về theo lũ ong bướm nô đùa trên những đóa hoa xuân tươi thắm. Người nghe bắt gặp một đàn em bé quê, một chàng thi sĩ, một bầy thôn nữ hân hoan đón mừng xuân. Phạm Duy cũng hay mơ về những mùa xuân thái hòa của đất nước. Xuân Thì có lẽ là một trong những bài nhạc xuân có giai điệu đẹp nhất. Êm ái, du dương, nồng nàn, Xuân THì lột tả được cảm giác thư thái của con người khi đón những mùa xuân thanh bình:
Tình xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời

Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa…
Nhưng nhạc xuân của Phạm Duy không dừng ở đó. Đối với ông, những mùa xuân đi qua rồi trở lại giống như một kiếp người xoay vòng trong sinh tử, luân hồi. Nhạc xuân của Phạm Duy vượt lên tất cả, nhìn con người đang đi trong dương gian, trong không gian và thời gian, mỗi kiếp người qua đi rồi cũng sẽ quay lại như những mùa xuân bất tận. Trong một giai điệu ngũ cung hết sức đơn giản, bài Xuân Ca đã kể lại rằng mùa xuân đầu tiên của ta đã có từ trước khi ta ra đời, từ lúc cha mẹ ái ân trong đêm tân hôn:
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về…
Rồi những mùa xuân kế tiếp khi ta “… góp chung kêu gào thiết tha…” cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên có những mùa xuân nhân tình “…xuân tôi sang, bến yêu tôi tìm gió trăng…”. Tác giả yêu kiếp sống làm người đến độ chỉ mong khi mình chết đi lại được tái sinh làm người tình trong cuộc đời mới: “… dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu… thì xin, thì xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần. Xuân xuân ơi, xuân hỗi, xuân ơi…”. Xuân Ca có lẽ là bản nhạc xuân của Phạm Duy được nhiều người hát nhất. Càng lớn tuổi, ta càng nghe và càng hát bài này với nhiều nỗi niềm hơn…
Cũng tương tự như Xuân Ca, nhưng ít được biết đến hơn, bài Xuân Hành trả lời câu hỏi muôn đời của nhân loại: “ Người là ai, từ đâu đến, và người ơi, người sẽ bước chân đi về đâu…”. Câu trả lời của Phạm Duy là như mỗi mùa xuân đi rồi lại đến, kiếp người trở về với chân như, để được tái sinh như những mùa xuân miên viễn:
“… người là ta, một mùa xuân tỏa ánh nắng mai
Bước lên đời mang một duyên tình duyên mới
Người là ta đường nhân ái còn đi mãi mãi
Hết bước xuân, TA gọi nhau về với NGƯỜI…”
Vào mùa xuân 1975, mùa xuân sau cùng của Miền Nam Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy có sáng tác một loạt ca khúc xuân hết sức đặc sắc: Mùa Xuân Du Ca, Trên Đồi Xuân, Mừng Xuân… Ra mắt giới yêu nhạc chỉ được vài tháng trước khi mất nước, có lẽ vì thế mà những ca khúc này chưa được phổ biến nhiều. Có thể vào đường link youtube sau để nghe lại những ca khúc này: http://www.youtube.com/watch?v=gvM0Hn43JDo&feature=related 
Đáng nói nhất có lẽ là bài Mừng Xuân. Nhiều người cho rằng nếu ra đời sớm hơn một vài năm, ca khúc Mừng Xuân có thể có một vị trí bất tử tương tự như bài Ly  Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cũng với điệu Valse phơi phới, tác giả gởi lời chúc mừng xuân đến mọi người, mọi nhà:
… Xin Mừng anh chiến sĩ nơi tiền phương giữ đất cho Việt Nam hùng mạnh
Nơi đồng xanh chúc bác dân cày luôn, lúa tốt hoa màu tươi suốt năm
Xin mừng cho phố xa nơi thành đô, giới bán buôn giàu to lời nhiều…
…Mừng tôi đã ngày thêm một lớn, lớn thêm cùng những vui buồn…”













Ngày Xuân Thử Tìm Một Tour Nhạc Khiêu Vũ Với Những Bản Nhạc Xuân Bất Tử Của Miền Nam Trước 1975

1- Điệu Valse – Ly Rượu Mừng:
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”
 Bản nhạc không hề có chữ “xuân” nào trong tựa đề của nhạc sĩ  Hoài Bắc - Phạm Đình Chương mà lại trở thành biểu tượng của những mùa xuân Miền Nam trước 1975! Hầu như không ai là không biết đến bản nhạc Ly Rượu Mừng. Đây là bản nhạc xuân phổ biến nhất của nền tân nhạc Việt Nam, có thể được hát trong thời khắc giao thừa, giống như người Âu Mỹ hát Auld Lang Syne vậy. Hàng trăm ca sĩ đã hát ly rượu mừng trong nửa thế kỷ qua. Nhưng có lẽ phiên bản có nhiều không khí Tết nhất chính là do ban Hợp Ca Thăng Long (Thái Thanh – Hoài Bắc – Hoài Trung) trình bày từ lâu lắm rồi, với phần đầu vào có tiếng pháo, tiếng múa lân, tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ… gợi nhớ lại cả một khung trời Tết ngày xưa. Quí vị có thể vào link youtube sau để nghe: http://www.youtube.com/watch?v=GZqrU3moBDU&feature=related 
2- Điệu Paso Doble – Nghệ Sĩ Hành Khúc:
Thường thì một tour khiêu vũ phải bắt đầu từ điệu paso doble. Nhưng vì là dạ vũ xuân cho nên bài Nghệ Sĩ Hành Khúc của nhạc sĩ Lê Yên đành phải nhường ưu tiên cho Ly Rượu Mừng! Là một trong rất ít bài nhạc xuân được viết nguyên thủy dưới điệu Paso Doble, Nghệ Sĩ Hành Khúc rất rộn ràng, vui tươi như là những bước du xuân của những người nghệ sĩ đến với đời:
“…Xuân tươi xuân vui Xuân đẹp trong ý thơ đẹp trong tiếng ca đẹp trong sắc muôn ngàn hoa. Xuân về, Ta chào xuân khắp nơi, chào xuân thắm tươi, chào xuân với bao ngày vui …”
3- Rumba – Cánh Thiệp Đầu Xuân:
“…Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng, 
Xuân đến rồi đây nào ai biết không? …”
Trong điệu nhạc du dương, tình tứ của vũ điệu Rumba, giọng ca của ca sĩ Thanh Thúy trước 1975 đã làm rung động lòng người với nhạc phẩm Cánh Thiệp Đầu Xuân của nhạc sĩ Lê Dinh-Minh Kỳ. Bản Rumba không thể thiếu của giới yêu nhạc trong ngày đầu xuân.
4- Tango – Mộng Chiều Xuân:
Nhạc sĩ Ngọc Bích không có nhiều ca khúc, nhưng Mộng Chiều Xuân của ông lại là một trong những bài nhạc xuân đặc sắc nhất của Miền Nam trước 1975. Đây cũng là một trong rất ít bài nhạc xuân được viết ở thể loại Tango. Giai điệu tuyệt hay, tiết điệu Tango lãng mạn, lời ca tình tứ: “… Xuân còn thắm tươi, em còn mong chờ, ái ân kẻo tàn ngày mơ…”
5- Slow – Hoa Xuân: 
Trước 1975, bài Hoa Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những bài được phát nhiều nhất trên đài truyền hình, truyền thanh của Sài Gòn. Rất nhiều ca sĩ đã trình diễn bài hát Hoa Xuân, và Hà Thanh là một trong những giọng hát đã gắn liền với nhạc phẩm đầy tính thơ, mô tả thiên nhiên tươi đẹp lúc trời đất vào xuân này: 
“…Xuân vừa về trên bãi cỏ non 
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn 
Hoa cười cùng tia nắng vàng son 
Lũ ong lên đường cánh tung tròn…” 
6- Cha Cha Cha – Xuân Họp Mặt:
Văn Phụng được nhiều người nhắc đến như là nhạc sĩ của những ca khúc yêu đời. Xuân Họp Mặt là một trong những ca khúc yêu đời tiêu biểu mà ông đã tặng cho đời nhân dịp xuân về:
“…Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vạng 
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng trong gió ngàn mừng đón xuân sang …”
7- Boston: Xuân Tha Hương
Mặc dù được sáng tác trước 1975, nhạc phẩm Xuân Tha Hương của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương giống như một lời tiên tri, nói lên được nỗi nhớ quê hương mỗi độ xuân về của người Việt xa xứ: 
“Ngày xưa xuân thắm quê tôi 
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi 
Mẹ tôi sai uốn cây cành 
Vun xới hoa mùa xinh xinh…” 
Điệu Boston đã làm cho Xuân Tha Hương thật da diết cùng nỗi nhớ quê…
8- Bebop – Điệp Khúc Mùa Xuân: 
Một nhạc sĩ trẻ trước 1975 là Quôc Dũng có một bài xuân viết ở điệu Bebop được nhiều người biết và hát tới tận hôm nay. Đó là bản Điệp Khúc Mùa Xuân, trong đó có đoạn “ Nắng chiếu lung linh trên muôn hoa vàng, chợt tia nắng về trong ánh mùa sang…”. Nhiều người vẫn thắc mắc là một bài nhạc viết ở cung thứ như Điệp Khúc Mùa Xuân mà vẫn thấy vui chứ không buồn, có lẽ chính là do điệu Bebop tươi trẻ.
9- Swing – Đón Xuân:
Nếu như Ly Rượu Mừng là ca khúc xuân được hát nhiều nhất, thì ca khúc Đón Xuân có thể được xếp ngay sau đó chỉ vài thứ bậc. Điều đáng nói là cả hai đều do nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đủ nói lên mức độ tài hoa của người nhạc sĩ này. Hai ca sĩ- một nam, một nữ- hát ca khúc này theo thể điệu Swing trước 75 được nhiều người yêu thích nhất có thể là Elvis Phương & Carol Kim:
“ xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh muôn loài chim hát vang mọi nơi…”



Theo thứ tự: 
VĂN XUÂN BÍNH NGỌ 1966/ VĂN XUÂN QUÝ SỬU 1973/ VĂN XUÂN NHÂM TÝ 1972/ VĂN XUÂN ĐINH MÙI 1967
TÂN VĂN KỶ DẬU 1969/ TUỔI NGỌC XUÂN HỒNG 1974 & 1971/ VĂN HỌC (MÙA XUÂN TRONG CA DAO TỤC NGỮ…)

Chùm thơ TẾT của NGUYỄN TẤT NHIÊN trong XUÂN HỒNG TUỔI NGỌC 1971 (BÀI ĐẦU NĂM TÌNH YÊU & TÌNH MỘT HAI NĂM) & XUÂN HỒNG TUỔI NGỌC 1974 (MÙA XUÂN CHIM YẾN, NÚI)
BÀI ĐẦU NĂM TÌNH YÊU
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé 
Đầu tháng giêng tây anh đã tết ngày tình 
Đầu tháng giêng tây anh đã xênh xang mới mẻ 
Óng ả linh hồn, ríu rít nhịp tim
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé 
Linh hồn anh từ đó ướp trầm hương 
Linh hồn anh, từ đó, ngạt ngào thơm 
Máu, như nước hoa chan đời lễ lạc 
Máu, như gió lành chảy qua ruộng đồng bát ngát 
Chở chuyên mùi lúa chín quanh năm 
Như sông hiền chia chín ngả: cửu long giang 
Ôm ấp phù sa, lẫy lừng sức sống 
Tình, đã mở ra một bầu trời nạm ngọc 
Linh hồn anh, từ đó, khảm muôn sao
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé 
Thơ học trò anh thách thức thời gian 
Có luật đào thải khắt khe, có kẻ cùng thời ghen tị 
Hãy duyên dáng nở nụ cười âu yếm nhẹ 
Hạt răng đều chới với đứa ngồi trông 
Thơ học trò anh gieo vần tuyệt kỹ 
Thơ học trò, anh thổi ấm gió tàn đông 
Cho ai mang vào trường khoe với bạn: của anh Nhiên …
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé 
Mười ngón tay gầy anh có cách chi không 
Nhặt cả bóng cả hình chàng thi sĩ 
Lẫn cái tài hoa, trao gọn giữa tròng đen
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé 
Linh hồn anh, từ đó, bỗng ham vui 
Linh hồn anh, từ đó, mãi mê chơi 
Thượng đế nếu hỏi tại sao, anh sẽ trả lời mạnh dạn: 
Thiên đàng của ngài là an bình, thanh thản 
Ngài nên đem phủ dụ những bà cả ông già
Nắng xuân nào long lanh trong mắt bé 
Đầu tháng giêng tây anh đã tết ngày tình 
Đầu tháng giêng tây anh đã xênh xang mới mẻ 
Quên hết phận người, hiện tại, việt nam … 

TÌNH MỘT HAI NĂM
1. 
Và thơ tôi gom hết cho người 
Rất tội nghiệp như giòng sông nước cạn.
2. 
Chiều nay trời mưa trên tóc nhuộm 
Không biết người có sợ tàn phai.
3. 
Tình một hai năm chưa phải tình dài 
Cũng không thể gọi là tình mới 
Tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi 
Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi 
(Nghĩa là tôi ấp úng chuyện yêu người 
Cơ khổ như những lời thú tội!) 
4. 
Tình sớm rụi bởi rơm tình sớm cháy 
Tôi làm sao can đảm ngắm tro tàn? 
Nên cuộc đời, cứ thế, run run 
(Gió thì lạnh - tay chẳng màng đánh lửa!)
5.
Tôi vẫn đợi, đợi thêm người chút nữa 
Tự an ủi mình khi cắn nổi sầu đau
Tình một hai năm... chưa bạc mái đầu 
Chưa tuyệt vọng (bởi vì chưa hy vọng). 
6.
Và hôm nay mưa nhiều trên tóc nhuộm 
Xơ xác người, tôi thấy buồn chưa tôi? 
(Biết làm sao cấm đoán được mưa trời?)
7. 
Cha mẹ sinh tôi: thằng con bất hiếu 
Thề thốt thương người hơn cả song thân!
MÙA XUÂN CHIM YẾN, NÚI

1.

tết, gần rồi đó nhỏ

chim núi của lòng anh

tội tình chi thế, nhỏ

mắt, lệ còn long lanh?

*

mắt, lệ dẫu thành sông

vẫn là ta khốn khó

vẫn là ta héo mòn

chứ hay ho gì, nhỏ?



2.

hạnh phúc nào mong manh

cũng cần gom góp hết

bởi tụi mình chung thân

bị trời hành trời phạt

giấu giếm mãi mùa xuân

ở một trần thế, khác!

*

thôi nhé, kể như mình

lúc đầu thai đã thích

chọn kiếp đời điêu linh

(nhỏ nặng nề đau tim

với từng cơn kích ngất

anh ốm nhách ốm nhom

kéo lê ngày lất phất!)



3.

Đà Lạt rét cao nguyên

nhỏ làm chim nội trú

Biên Hòa sương đồng bằng

anh làm xe đạp cũ

cọc cạch từng mắt sên

rán lăn vòng bánh, vẹo

ba trăm cây số đường

nhỏ chờ anh chứ, nhỏ?



4.

mùa xuân tâm hồn anh

có con chim khổ sở

bay lẩn quẩn loanh quanh

trong rào sân trường đạo

*

bây giờ, sân trường đạo

dì phước đã… “nhân dân”

bàn tay nào che chở

chim én của đời anh?

*

hồi chuông nào báo tử

đôi mắt còn long lanh!



5.

tết, gần rồi đó nhỏ

chim núi của lòng anh

nhớ, ra đồi thông xanh

khuyên chúng đừng chết rũ

nhớ, ra đồi thông xanh

dịu dàng ru chúng ngủ

bằng một bài thơ anh!

*

bằng một bài thơ anh

nhỏ cũng luôn thể, ngủ!

*

hạnh phúc nào trong mơ

cũng ngàn lần hơn thật

và, vì anh làm thơ

nên, cuối cùng biến mất!

Không có nhận xét nào: