Đọc Mai Thảo , đặc biệt là những tùy bút dạt dào “nội dung siêu hình cùng những tâm thức lãng mạn, đớn đau..”… là có thể đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc là mỗi lần va chạm vào một xao xuyến mới, tiệm cận với một rung động liền kề, hứng chịu một mê đắm từ những giọt mưa cường toan rát buốt sát thương hết những ... phiền nhung gấm, mân mê một buốt tấy mê man từ vùng yêu thương còn tưởng như gần sát…
Mai Thảo đã thả cánh bướm Trang Tử trên những nhịp nhàng chữ nghĩa, trên những cuộn xoáy ảnh hình…tạo ra một cú sốc ngôn ngữ “mới” đối với người đọc (không những là trong 20 năm huy hoàng của văn học nghệ thuật miền Nam) mà còn là những độc giả “bây giờ”…để ta/ chúng ta…sửng sốt trước sự khai phóng đủ sức làm độc giả lạc lối trong một thế giới vừa thực vừa phi thực mà tác giả đã xây dựng…đọc Mai Thảo là đi tìm lại thời gian đã mất (hay cũng có thể..là chưa?!?), là ấp ủ một cái đẹp mong manh , là “để tưởng nhớ mùi hương”…
Là người
của kỷ niệm, của dĩ vãng, của "căn nhà vùng nước mặn" chợ Cồn, Hải-hậu,
Mai Thảo còn là người Hà-nội, người sông Hồng, người Sài-gòn… mà lại rất Paris,
rất Camus, rất Sartre.
“Văn phong
Mai Thảo dào dạt, mãnh liệt, đau đớn, thiết tha, đó là những chân dung: chân
dung kỷ niệm, chân dung sao trời, chân dung Hà-nội, chân dung bạn văn, chân
dung nụ hôn, chân dung ngọn cỏ, chân dung Cửu-long, chân dung sông Hồng, chân
dung cuộc tình... Đó là những bức họa, ấn tượng, trừu tượng, siêu thực ẩn hiện
trong những điệu nhạc jazz trầm uất..”
...
Nhà
văn/ nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc trong một nhận định về văn chương Mai
Thảo đã viết như thế này
“trong truyện dài Khi Mùa Mưa Tới, tôi đã bắt gặp… một cái hôn
thật đẹp, thật đầy, thật táo bạo, và thật quê hương, nở ra ở giữa lòng xứ Huế
cổ kính, trong vườn chùa Linh Mụ, cùng với mùa mưa dầm dã đã bắt đầu. Xứ Huế
của thành quách cổ cũ, của núi non lăng tẩm nghìn đời, của dòng sông thơ lờ
lững. Cái hôn nở ra như một đóa mộng ướt mưa, chấp chới. Trong văn chương Việt
Nam, nói riêng, và thế giới, nói chung, tôi chưa từng thấy một chiếc hôn nào
dài và đẹp đến thế. Mai Thảo cho cái hôn này kéo dài 5 trang chữ nhỏ. Ở đây,
tôi chỉ trích vài đoạn đẹp và sinh động nhất. Đọc đoạn văn này, trí ta như nghe
thấy khúc nhạc Tổ Khúc Bốn Mùa (The Four Seasons) của Antonio Vivaldi oà lấp
trong hồn. Và hiển hiện trước mắt ta là bức tranh tuyệt đẹp Cái Hôn (The Kiss)
của ngưoi hoạ sĩ tài hoa nước Áo Gustav Klimt mà nhà An Tiêm, Saigon, ngày xưa
đã dùng làm mẫu bìa cho cuốn Một Thời Để Yêuvà Một Thời Để Chết của E. M.
Remarque. Chẳng biết bây giờ, trên nửa đời người rồi, Mai Thảo có còn nhớ đến
đóa mộng cũ, ngời ướt sương mưa đó không?
Qua hàng
mi dài vút của nàng, tầm mắt Linh đụng vào một hình thể yêu dấu ở gần. Tất cả
bát ngát lớn lên. Đôi mắt Phủ cũng là đôi mắt nàng long lanh vô bờ. Khoảng
trũng bên sóng mũi cao của chàng như một thung lũng ngon chạy dọc theo một
triền núi đẹp, miệng chàng mở hé, môi hồng sắc máu rung động. Linh thấy nở lên
như một đài hoa hàm răng chàng óng ánh. Rồi tất cả bặt đi và bị nuốt chửng.
Linh không nhìn thấy gì nữa. Cái hôn bắt đầu và nàng đã nhắm mắt lại. Trong một
khoảng khắc thần tiên, trời đất tối đen như đêm, nàng nồng nàn hôn trả Phủ, hai
người nồng nàn hôn nhau, mọi lời nói mọi ý nghĩ bị ngăn chặn lại, và trong hòa
hợp truyền thấm mê đắm, trong cái hôn trao gửi khít khao kỳ diệu, Linh sống một
cảm giác tột đỉnh bàng hoàng. Những hoa sao nhảy múa trong đầu nàng. Trong đầu
nàng như có bóng Ngự Bình nghiêng xuống, giòng Hương Giang chảy qua, nó chảy
trong một đêm ngà ngọc, kín kín, thầm thầm, nó chảy trong cái thiên đường bé
nhỏ kiêu hãnh, những lớp sóng đỡ nàng lênh đênh thành một vòng hoa, những lớp
sóng bao trùm nàng cho cả một rừng tóc lướt thướt chết đuối, trong đầu nàng có
sự im lặng thành kính say say lả lả, có tiếng chim hót vui như tiếng hót ánh
sáng ở một cửa rừng, có sự thức tỉnh sáng suốt và trong vắt của cả một đời
người mà cái hôn đầu là tấm gương lớn cho nàng soi ngắm hình thù của rung động,
lại có sự mê thiếp sượng sần tối tăm như nàng sắp ngã, đang ngất, nàng đang bị
giết chết, giết chết bằng cái chết của men, của đường của mật nấu cất ngất ngư
trong nắng. Từ miệng nàng tới đầu, bốc thoát ra một nghìn chân tóc. Từ miệng nàng
tới cổ họng xuống thân thể nhẹ bổng và tay chân hững hờ không biết đặt vào đâu
là sự truyền lan cực kỳ mãnh liệt của một cảm giác xa lạ, cảm giácđó như một
trái chín nàng vừa rướn người hái xuống, cắn đầy miệng, ngửa cổ nuốt đầy cuống
họng, nàng thở không được nữa, nàng không muốn thở mà, nàng sống không được
nữa, em muốn chết mà, cái chết nghẹt thở trong hôn anh, em muốn nhìn niềm vui
lạ thường oà sáng trong em, giữa anh và em. Và Linh lim dim mở mắt nhìn nàng
đang hôn. Cái nhìn e dè không rõ như có mưa dầm làm mờ mờ cảnh trí hư ảo, nàng
chỉ nhìn thấy những sợi mi của nàng, những sợi mi dài đang ngây ngất chết, đang
mê mải nhìn nàng và Phủ hôn nhau (…)
Cái hôn
bất tận, kéo nàng ngã vào vùng phiêu lưu quay cuồng của cảm giác vừa tiếp nhận,
vừa khám phám. Cái hôn dẫn đi. Trên những cánh đồng cỏ mùa xuân, cỏ thơm nõn
như chuốt lọc ánh sáng, cỏ mềm mại như nõn nà da thịt, cỏ cao bồng tới ngực,
tới đầu, đôi chân son hồng của Linh chạy mải miết, cánh đồng mùa xuân chấp chới
muôn ngàn màu sắc, của bướm, của sương đang tan của nắng đang dấy, của suối
chảy róc rách thành sóng vỗ hiền hoà, của trời cao mênh mông với đất dưới này
được nối liền bằng thân thể nàng vươn lên thành chiếc cầu vồng bảy sắc kỳ diệu,
cánh đồng mùa xuân là một hội vui vĩ đại hân hoan, Linh muốn tham lam ôm đầy
tay, uống đầy hồn, nàng chỉ có một nhưng nàng muốn muôn nghìn, nàng đòi tình
yêu cho nàng một đôi cánh, tình yêu cho nàng liền, nàng đòi tình yêu đi vào đôi
chân cuống quýt của nàng đôi hài bảy dặm, tình yêu cũng cho nàng liền, thế là
Linh bay đi, bay tới đâu cũng gặp nàng đang ra đời, đang lớn, đang yêu và đang
sung sướng.
Cái hôn
dẫn Linh đi. Trên những con đường tình tự. Những khoảng tối ẩn ẩn hiện hiện có
lợi cho những cặp tình nhân, những khoảng tối làm cho những mái tóc được kề
liền, những bờ vai được tựa vào những bờ vai, những ngón tay bỗng đan thêm một
vòng khăng khít. Con đường nhỏ, biệt lập với đời sống, chỉ những kẻ yêu nhau
được phép đi vào. Đất thật mềm, lá thật xanh, yên lặng thật đầy, cái đẹp lắng
đọng và lớn. Vừa đi Linh vừa biết, bằng những khám phá kỳ ảo. Biết thân thể
không phải chỉ là cái bất động của hình hài trống không mà thân thể chỉ là giới
hạn chứa đựng những cảm giác phá vỡ nó như một nhà ngục. Biết cuộc đời không
phải là cái thản nhiên tháng tháng cái dửng dưng ngày ngày, nhạt nhạt đời đời
kiếp kiếp và cuộc đời làm bằng những đỉnh cao vút choáng váng, những vực thẳm
hun hút ghê hồn, nhưng người ta không có quyền sợ, người ta sống nghĩa là người
ta dám.
(Sách đã
dẫn, tr. 126-130)
Đoạn văn
trên là đoạn trích dài nhất trong bài nhận định này. Bởi lẽ nó chính là
biểu tượng đẹp vào rõ nhất về dòng văn của Mai Thảo. Cảm xúc tràn lấp và hình
ảnh thì hết sức chuốt lọc. Văn chương Mai Thảo, một cách nào đó, cũng chính là
một thứ văn chương ấn tượng. Tấm gương duy mỹ và duy cảm kia, để chéo đi một
chút, với một vạt nắng chiếu qua, hay với một cơn mưa phủ xuống, đã để lại
những hình ảnh rất rõ nét trong mắt nhìn, trong tâm trí và trong cảm nhận người
đọc. Tôi ít thấy một nhà văn Việt Nam nào ấn tượng đến như Mai Thảo…”
Mời mọi
người cùng đọc 1 tập TÙY BÚT với những ánh văn diễm tuyệt nhất trong văn học Việt
Nam, nó có thể mở ra những bãi bờ hồi tưởng, khơi lại những chói sáng hạnh
phúc, đánh thức những rung động kỷ niệm cần thiết, mà trong một thu hẹp nào đó,
chúng ta có thể gọi là tình yêu …và mơ
mơ hồ hồ…và lãng đãng chiêm bao..
..và
đó, một áng văn cũ để thấy lại một trời ta, biển ta, để sống lại hết thảy những
vang bóng và những dư âm của một thời…
…TÙY
BÚT MAI THẢO…
huyvespa@gmail.com
May 19th, 2013
Download: https://www.box.com/s/80xytfrcrhlfc1qm0urc
3 nhận xét:
Cám ơn Huy nhiều lắm. Mình rất thích đọc tùy bút của Mai Thảo.
Cám ơn Huy. Đây là một tài liệu quí giá.
Đã nghe nói nhiều về tác giả này, tải về đọc random thử thấy thích quá, nhưng giá như tìm mua dc sách cũ nhỉ, vì cơ bản vẫn thích cầm sách hơn :))
Đăng nhận xét