Ra mắt chỉ vọn vẹn có 6 số, ngay sau thời gian tạp chí
SÁNG TẠO (bộ cũ) đình bản nhưng THẾ KỶ HAI MƯƠI cũng kịp khẳng định vị thế của
mình trong làng báo về văn chương – nghệ thuật của miền Nam, và trong một chừng
mực nào đó TK20 tiếp tục đi theo con đường khai mở “còn sáng tạo ta hãy còn
sáng tạo”. Với ekip gần như là đầy đủ từ ban SÁNG TẠO (trừ Mai Thảo), những
thành viên nòng cốt từ Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thanh Tâm Tuyền …cho đến Nguyễn
Văn Trung từ Bỉ về nước, Nguyên Sa & Cung Trầm Tưởng từ Pháp hồi hương. Đặc
biệt với sự xuất hiện duy nhất của TÔ THÙY YÊN với 5 trang thơ choáng ngợp
trong số ra mắt, phần nào cũng làm nên tên tuổi mội thi-sĩ Tô Thùy Yên sau này.
THẾ KỶ HAI MƯƠI được coi sóc bởi Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch
(còn có bút danh khi làm thơ là Trần Hồng Châu – bút danh này có lẽ xuất hiện từ
bài thơ Paris Chiều Chia Ly đăng trên tạp chí này – số 2) – cựu khoa trưởng của
đại học Văn Khoa Sàigòn (từ 1965 đến 1969)
Nét nổi bật của tờ báo này- được nhìn nhận là một tờ báo
đẹp & sang trọng … ngoài việc “đẹp & sang trọng” đến từ những suy tư/
chiêm ngẫm của các cây bút thời danh, các cây bút thuộc giới khoa bảng – mang
theo những ý niệm như 1 sự chuyển tiếp và bước tiếp con đường SÁNG TẠO …. “đẹp
& sang trọng” ấy còn đến từ hình thức: khổ báo và việc minh họa màu, theo như nhà văn
Viên Linh nhận xét trong 1 bài “SINH KHÍ VĂN NGHỆ MIỀN NAM”
“Làm báo văn nghệ ở Sài Gòn hồi ấy người ta mới thấy cái
khó khăn của một tờ báo khi in tranh vẽ, dù là đen trắng. Muốn in tranh vẽ, hay
hình ảnh chụp, phải gửi tấm tranh gốc, ảnh gốc đi làm bản kẽm. Một tấm hình
bình thường, thì làm bản kẽm gọi là simili (có chấm, nay gọi là dot). Nét vẽ của
một tấm hí họa, tranh vẽ bút chì thì bản kẽm vừa có simili vừa có nét (trait,
hay ligne), khoảng 50 đồng một cái bản kẽm nhỏ và giản dị nhất. Nếu có cả hai
thứ đương nhiên là mắc hơn, khoảng 70 đồng một cái bản kẽm. Một tờ báo văn nghệ
thường chỉ có thể in 1 cái tranh ngoài bìa, bên trong họa hoằn có thêm một hai
cái nữa, nho nhỏ thôi. Tranh này có khi lại dùng đi dùng lại nhiều lần. Thế mà
tờ Thế Kỷ 20 ngay số 1 bên trong có khoảng 10 cái tranh vẽ to nhỏ của Ngọc
Dũng, và ghê gớm hơn, in 4 cái phụ bản hai màu, mỗi cái chiếm nguyên trang, của
bốn họa sĩ nổi tiếng nhất đương thời: Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn
Trung”
Trở lại với thầy Nguyễn Khắc Hoạch - đọc các bài thơ và trang
tùy-bút-hồi-tưởng của ông, người đọc liền thấy mình như vừa rơi vào một dòng suối suy tư long lanh ánh ngọc , bềnh bồng
trên dòng tư tưởng và những kỉ niệm về trời Tây, nhưng rốt ráo vẫn là ngược
dòng xuôi về tìm lại hình ảnh quê hương, bằng một niềm yêu tha thiết và đậm đà…
Khởi đi từ trí tưởng mặc sức phiêu du qua những sân trường, những
giảng đường đại học nơi có những “người em mắt nâu/ tóc vàng sợi nhỏ" nhưngcuối cùng rồi cũng ngược đường tìm về với Văn Khoa
như một yêu dấu cuối cùng… ông đã luyến lưu Paris, say đắm Paris và thương nhớ
Sài gòn “xúc động đến thảng thốt, mỗi khi mây Sàigòn bủa vây, tới tấp, hay khi
nắng Sàigon nung nấu đến rùng mình cả một bầu khí quyển siêu thực”.
Và cũng từ tư cách một nhà giáo, ông luôn suy tư về vận
mệnh của nền văn hóa Việt nói chung và nền văn chương Việt nói riêng, hay nói
riêng hơn nữa là thế giới tự do khai phóng của nền văn chương miền Nam, điều
này có thể dễ dàng nhận thấy qua bài đầu tiên trong số ra mắt của tạp chí THẾ KỶ
HAI MƯƠI – cũng có thể xem là tuyên ngôn / đường hướng của tạp chí vắn-số-nhưng-không-vì-thế-vô-danh
này : “Đi vào đoạn đường hôm nay”
“Như một lẵng hoa đầu xuân trong ngọn lửa hạ vô cùng tận
của miền Nam đất nước”
Đó là những dòng chữ đầu tiên để giới thiệu về tạp chí
này của thầy Nguyễn Khắc Hoạch, hơn một nửa thế kỷ sau, nơi miền Nam nước Việt
này, còn có những điều để trân quý, còn có những chiêm nghiệm (trong) thi ca…một
phần cũng nhờ vào những tươi mới và trường cửu của những “lẵng hoa đầu xuân” ấy.
huyvespa@gmail.com
Hình minh họa trong số ra mắt
PARIS - CHIỀU CHIA LY
TÌNH KHÚC ĐẠI HỌC (trên tạp chí VẤN ĐỀ)
Tôi đang muốn mua quyển TUYỂN TẬP TRẦN HỒNG CHÂU,
http://store.viethoc.com/sach-viet-ngu/tuyentaptranhongchaugiaosunguyenkhachoach
Quý cô/ chú/ anh/ chị nào có thể mang về Saigon giúp có thể mang về giúp tôi không ạ? Nếu được please contact me via huyvespa@gmail.com
Many thanks
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét