30/4-1 biến cố lịch sử có thể nói là hàng đầu của thế kỉ 20-dù ít dù nhiều nó đều để lại 1 ảnh hưởng nhất định lên mỗi chúng ta.Muốn hay không;tất cả đã là lịch sử;mà ko ai có thể quay ngược bánh xe lịch sử lại được cả.Với 1 sự kiện xảy ra ở 1 đất nước nhỏ bé như VN chúng ta nhưng ảnh hưởng của nó mang tầm thế giới;tôi không dám phán xét đúng sai; điều đó cõ lẽ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh;góc nhìn và nhân sinh quan của riêng mọi người.Và xin mọi người hãy đọc những entry tôi viết cho ngày 30/4 bắt đầu từ hôm nay cũng bằng con mắt rộng lượng và tư tưởng open-minded..Những entry của tôi đều bắt nguồn từ việc muốn đem lại cho mọi người nhiều tư liệu;nhiều góc nhìn;nhiều luồng dư luận..mà có lẽ;mọi người ít được tiếp cận.Tất cả đều là những gì;mà trong thời đại ngày nay chúng ta cần nhất;đó chính là:sự thật.Có 1 điều không biết là dở khóc hay dở cười khi với các tài liệu;các hình ảnh;các luồn dư luận;thông tin khác nhau..cái mà(chúng ta tưởng)chúng ta đang biết;thì thế giới”biết”với 1 cách khác!
EPISODE đầu tiên xin được đăng tải tình cảm;suy nghĩ của nữ ca sĩ tôi ưa thích;1 phần không thể thiếu của nhửng ngày"SG xưa"-Khánh Ly.30/4 trong cô(cũng như là trong lòng của hấu hết gần 3 triệu người Việt đang trôi nổi khắp thế giới là như thế nào??)
30 NĂM-CHỈ 1 THÁNG TƯ
---KHÁNH LY---
NOTE:next episode: KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY(tomorrow)
"Những giờ phút chờ đợi ở phi trường, những giờ bay dài như bất tận. Những giấc ngủ ngắn ngủi chập chờn, chờ giờ, đến một nơi khác, một tiểu bang khác. Tuần này kéo qua tuần kia, tôi sắp quần áo, đi như người mộng du, tuần này qua tuần khác và chính trong những đêm không ngủ chờ giờ ra phi trường tôi lại càng thấm thía hơn những tình khúc của Anh... Một cõi đi về...Nơi đó có thể là một bến sông, một căn nhà trọ, một khúc quanh, một con phố, một công viên, một quán lá nhỏ dưới chân cầu, hay nơi đó là cõi vĩnh hằng. Nơi đó có những người chờ đợi bước chân ta về. Cõi đi về của tôi luôn luôn là ngôi nhà nhỏ đêm đêm thoảng mùi thơm của hoa Ngọc Lan, Dạ Lý Hương.
Tôi đã đi như thế tính đến nay là 30 năm. Lúc ở tuổi 20, tôi thường tự hỏi. Đời sống có mấy người có mấy lần được sống tuổi 20. Bây giờ 30 năm rồi, vèo như chiếc lá, tôi lại tự hỏi có nên xin thêm ...30 năm nữa không. Chắc chắn là không. Để làm gì. Cho ai. Mọi người nói đã 30 năm rồi thì tôi biết thế chứ thực ra giờ giấc, ngày, tháng, năm tôi cũng chẳng để ý, cho cả cái thường được nhiều người coi trọng, cái biến bạn thành thù, cái khiến người ta dường như không có cơ hội ngồi lại với nhau, là tiền, tôi cũng chẳng để ý. Nhiều khi tôi nói với nhà tôi...này anh, nếu ai cũng ...sống được như em, chắc là vui lắm...nhà tôi bảo...Em tưởng vậy à, em cho là em dễ à. Em có lộn không, nằm mơ không...Đoan nhìn tôi, nụ cười diễu cợt, nửa thương hại nhưng đầy thông cảm bởi hơn ai hết, anh hiểu tôi. Sống với nhau 30 năm mà không hiểu nhau thì chỉ có người ngu hoặc chút ít thì cũng thuộc loại đẻ nhà đèn...
Ôi 30 năm, thật thế sao. Có lẽ là thật. Mọi người đều bảo thế, riêng tôi, chỉ riêng tôi là người không chịu tin vào điều đó mặc dù trong những câu chuyện với bạn bè, khán thính giả, tôi cũng thường đề cập đến khoảng thời gian này. Nhưng khi...một vết thương thôi...Riêng cho một người...mà người đó lại là tôi thì vết thương ấy còn tươi. Những năm tháng ở đây, sự có mặt của Đoan trong đời sống, sự có mặt của đứa con út 27 tuổi và tất cả các con đã trưởng thành, vẫn không làm tôi nguôi ngoai nỗi buồn. Một nụ hoa, một nhánh cây, một khóm cỏ dại chân tường đủ làm tôi ngẩn ngơ. nhớ. Một góc phố thấp thoáng những bóng dáng Việt Nam, một con sông nhỏ, một cây cầu gỗ đã mục bỏ hoang cũng khiến tôi xót xa liên tưởng đến quê nhà.
Quê nhà. Một tháng Tư có nhiều máu và nước mắt. Có trăm ngàn kiểu chết khác nhau. Cả một đất nước nhỏ bé sôi sục căm thù hoang tưởng, bàng hoàng sợ hãi tràn ngập những giọng nói xa lạ. Thì cũng người Việt Nam cả đấy thôi mà cái ngày được gọi là thống nhất hòa bình, làm cả thế giới kinh hoàng. Một nửa nước đội khăn tang. Một nửa nước ngơ ngác sau những giờ chém giết thích thú. Trăm trăm ngàn người bỏ vợ con lê la, đói khổ, đi vào những trại học tập cải tạo...Thì cứ đi vài tháng trở về, chắc là rồi ai cũng lại vào việc ấy...như xưa, có gì phải lo. 5, 10, 20 năm sau người còn người mất trở về . Họ lại tự hỏi...đây có phải là nhà của ta không. Nó đó, chính là nó đó nhưng vợ con ta đâu, những người xa lạ kia là ai, sao họ nhìn ta đầy nghi kỵ và căm ghét thế kia. Còn vợ còn ta đi đâu rồi?
KHÁNH LY&NS (LÊ UYÊN)PHƯƠNG
Cả triệu con tim tan nát. Cả triệu nỗi đau đớn không chút nào tả xiết. Cả triệu dòng nước mắt đã đổ ra thấm vào đất, hòa cùng những dòng máu đã đổ ra trong một ngày tháng tư của 5, 10, 20 năm trước, giờ chưa phai. Rồi lại khóc nhau nơi rừng sâu biển thẳm. Rừng lá đứng cúi đầu ủ rũ. Gió vẫn thổi rì rào như những tiếng hát ru người nằm xuống oan khuất, ngậm ngùi. Biển vẫn dựng lên man rợ, vồ nuốt cả triệu sinh linh. Biển vẫn xanh một màu xanh yêu kiều, phẳng lặng. Rừng không nói. Biển không lên tiếng và những người nằm xuống với rừng với biển cũng im lặng thở dài.
Làm sao mọi người có thể quên được. Nụ cười vu vơ, gió thoảng bay đi nhưng rồi lại đau đớn chia lìa còn in đậm nét trong trái tim của mọi chúng ta. Còn biết nói gì. Còn biết làm gì sau một thời ai oán đó. Cầu nguyện ư. Rất cần thiết. Cầu nguyện cho người xa mát mẻ nỗi oan khiên. Cầu nguyện cho chính chúng ta dịu đi nỗi căm thù, vì xét cho cùng, lỗi tại ai. 30 năm rồi, chúng ta vẫn quanh quẩn với câu hỏi đó. Chúng ta còn sống nhưng có thật "sống" không. Điều chắc chắn, tôi tin là những người đã chết dù chết anh hùng hay trong tủi nhục là những người còn sống. Họ sẽ sống mãi trong trái tim của tất cả chúng ta. Trở lại với đời sống. Những năm tháng nhọc nhằn đã qua và vì chúng ta chưa chết, chưa thể chết được nên vẫn còn đây, trả nợ cơm áo, trả ơn cho đất nước này, nơi đã cưu mang chúng ta và cũng đã cho chúng ta trăm ngàn vết thương.
Ai cũng tưởng làm ca sĩ sướng lắm, giàu lắm. Chúng tôi bóp cổ ai để làm giàu hay là...Chim hót mãi có ngày vỡ cổ, bật máu. Chẳng có mấy người chứng kiến những cơ cực của chúng tôi trong suốt 30 năm phục vụ cộng đồng khắp mọi nơi. gần có, xa có. Nắng há mồm, mưa giông bão tuyết chúng tôi vẫn đi. Tình nghĩa đó giữa bà con tỵ tạn đâu phải một ngày mà nên. Đâu chỉ một ngày mà quên. Người xưa nói..Đoạn trường ai có qua cầu mới hay...đoạn trường song cũng gần như thế. Và chúng tôi vẫn tiếp tục đi với hy vọng được làm đóm lửa nhỏ nhoi đủ để sưởi ấm lòng những người viễn xứ.
KHÁNH LY-THỜI CHÂN ĐẤT
Trở lại cái Cõi Đi Về của tôi. Nó nhỏ bé chẳng đẹp đẽ gì nhưng rõ ràng khi xe rẽ vào exit, lòng tôi rộn ràng. Trước hết là đi thăm cây cỏ rồi đâm đầu vào bếp với bao nhiêu món ăn tôi đã vẽ ra trong đầu. Vậy mà cuối cùng, tất cả đồ ăn cứ như rơm trong miệng tôi. Mệt quá, tôi không còn cảm nhận được vị ngon ngọt của món ăn. Tôi lại tự an ủi. Ăn để sống, chẳng nên sống để ăn. Ngay cả giấc ngủ cũng không dễ dàng đến với tôi trên chiếc giường quen thuộc bừa bãi sách, truyện. Đừng nhé, đừng cố quá mà thành quá cố. Dẫu người đời có những lúc bạc đãi, ác độc, tôi vẫn cứ nghĩ ngày nào còn sống, còn làm được những điều có ích lợi cho người khác ở quê nhà, tôi vẫn gắn bó với đời sống, đi trên con đường đầy sỏi đá và gai nhọn. Mình không đau, sẽ không bao giờ biết cái đau của người khác.
Mọi người cứ bảo nhau mãi. 30 năm rồi đó. 30 năm với những ngôi nhà vuông vức, với những building đồ sộ kín mít như nhà tù, với dọc ngang xa lộ, trăm ngàn exit. Buồn vui không thể đặt lên bàn cân. Tôi bó mình trong bổn phận một cách tự nguyện và những chuyện đi...đi và đi mãi. Có đau buồn cũng nuốt xuống mà cười, không phải ...ngạo với nhân gian một nụ cười...bởi dầu có về điểm trang lại, cái sự thật vẫn là cái mình biết trước hết. Một thời đã qua. Nhiều thời đã qua, có người đến, có người đi. Cuộc sống dù vô nghĩa vẫn rộn ràng một cách...vô nghĩa khi cái dại của người này là cái không của người khác. Nỗi bất hạnh của người này là niềm vui của người khác. Sống như thế thì buồn thật, ấy vậy mà mọi người vẫn sống, vô tư sống, hồn nhiên sống. Ngày hôm qua...quên đi cho nhẹ gánh đời. Ngày mai, đã đến đâu mà lo cho bạc tóc, cho nhan sắc úa màu, cứ lo kiếm tiền, mỗi năm về Việt Nam hưởng, thế là đủ rồi. Lo con bò trắng răng à. Cái bà bội này...dở người.
Cái sống nửa tu nửa tù của tôi làm nhiều người bực mình. Môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai. Hỏi có buồn không. Cười. Hỏi có vui không. Cười. Thì cười chứ biết trả lời thế nào. Có nói thật cũng chưa chắc có người tin mà nói láo, ngượng miệng lắm. Cứ cười là khoẻ nhất, không thì tối về đập đầu vào gối mà tự tử. Êm ái biết bao, lại có tí lãng mạng thơ mộng nữa. Chó chết, hết chuyện. Bà con có một tỷ việc để làm, ai hơi đâu mà thắc mắc về sự vắng mặt của một người đã từ lâu được bạn bè xem như người điên...Nó cứ lủi thủi trong nhà, ngoài vườn mãi như thế thì chắc chắn là nó điên rồi...Tôi lại cười. Cười đâu có tốn kém gì mà sao tôi thấy nó có vẻ hiếm hoi trên môi nhiều người. Lạ nhỉ. Thế là thế nào.
Là thế đó. là 30 năm vật đổi, sao dời. Ai mà níu được chân thời gian. Ai quay trái đất lại được. Con nước có khi vơi khi đầy. Ngày có bình minh, có đêm tối. Có mưa, có nắng có gió lặng bình yên, có bão táp mưa sa. Có quên để sống. Có nhớ để thương tiếc. Có nhớ để hận thù. Nói tóm lại, chúng ta dù có ở đây thêm 1000 năm nữa vẫn là người Việt Nam... như thế. Phi thuyền con thoi hay con gì của Mỹ dù có xây sòng bài ở Mặt Trăng hay sao Hỏa, người Việt ta vẫn hùng dũng, sống hùng mạnh, xô nhau mà sống, mà tiến lên con đường chủ nghĩa cá nhân. Ai bỏ cuộc chơi, cứ bỏ. Ai còn sức cứ chơi. Sức không đọ được với Mỹ, với các cộng đồng khác thì tiện hơn hết là...địch chết tươi, ta chết cả. Kiện cáo nhau làm gì cho hao tài tốn của.
Sau rất nhiều sóng gió lại thấy người ta ngồi với nhau cười cười, nói nói thập phần thân ái. Giời cũng chẳng hiểu được, nói chi Mỹ. Giời bèn thở dài quay mặt đi mặc cho lúc cần nắng thì lại mưa, lúc đương không lại sóng thần trôi nhà, trôi cửa. Ôi, 30 năm. Có khi nào chỉ là cơn mộng. Mà có lẽ như thế thật vì tôi chẳng thấy chút ánh sáng dù nhỏ nhoi cuối đường hầm. Với tôi, ngày nào cũng là 30 tháng 4. Lời cầu nguyện thầm chẳng ai nghe. Nước mắt chảy trong đêm rất đơn lẻ, riêng cho mình, riêng cho vết thương của mình. Điều này tôi không muốn chia sẻ với ai. 30 năm. Chỉ một tháng Tư.
NEXT EPISODE:"KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY"(tomorrow)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét